Bị đóng đinh mà vẫn chơi nhạc

Thoát xác, tách tâm, thu thần nhập định... là những từ dường như xa rời cuộc sống thực tế, thậm chí hơi... hoang tưởng và chỉ có trong thế giới "chưởng" của nhà văn Kim Dung. Thế nhưng với môn phái Lâm Sơn động, tổ đường môn tại thôn Dương Cốc, xã Đồng Quang, Quốc Oai, Hà Tây, đặc biệt là với võ sư Nguyễn Ngọc Hải, quyền trường môn phái, những chuyện ấy hằng ngày đang tồn tại song song cùng bữa ăn, giấc ngủ của họ.


Sinh ra và lớn lên tại quê hương xứ Đoài, võ sư Nguyễn Ngọc Hải được thừa hưởng tinh hoa của mảnh đất giàu truyền thống võ đạo (bên cạnh Lâm Sơn động còn có phái Thiên môn đạo của võ sư Nguyễn Khắc Phấn) và của bà nội anh, võ sư Nguyễn Thị Tỵ, một trong những truyền nhân của môn phái.

Năm 11 tuổi cùng với người anh cả, võ sư Nguyễn Ngọc Huỳnh (nay đổi thành Lương Ngọc Huỳnh), Nguyễn Ngọc Hải đã được học những kungfu tuyệt đỉnh nhất của Lâm Sơn động. Đó là những bài tập khí công cứng như rèn luyện sức mạnh cơ bắp hay còn gọi là động công; tĩnh công như ngồi thiền, vận khí, tĩnh khí, điều hòa nội tạng...

Theo võ sư Nguyễn Ngọc Hải, để thực hiện được những tuyệt kỹ kungfu như: vừa để người khác đóng đinh vào người vừa đánh đàn (lưu đinh thưởng nhạc), ngủ dưới ánh mặt trời chói chang hoặc gánh nước bằng... mắt (nhãn bì khiêu thủy)... đều dựa trên những nguyên tắc tập nói trên, đặc biệt là với bài tập tĩnh công. Tĩnh công sẽ giúp cho người biểu diễn thoát xác, nghĩa là quên đi mọi tác động xung quanh để tập trung duy nhất vào một việc.

Chẳng hạn với việc đóng đinh vào người, anh phải vận khí, tĩnh khí điều hòa nội tạng, thiền... để thoát khỏi thực tại, đồng thời hạ thấp thân nhiệt, nhịp tim, nhịp mạch (hiện võ sư Nguyễn Ngọc Hải tối đa đã giảm nhịp mạch xuống 25 nhịp/phút trong khi bình thường là 70 - 75 nhịp/phút) làm chùng xuống hoặc giảm cường độ của các cơ quan lưu thông máu như tĩnh mạch hoặc động mạch để khi đóng đinh không bị chảy máu. Sau khi đã sẵn sàng như vậy, việc để cho người khác đóng đinh vào người mà vẫn chơi đàn không hề hấn gì.

Tuy nhiên, theo võ sư Nguyễn Ngọc Hải để khiến một việc khó khăn trở nên giản đơn như vậy kỳ công nhất là luyện tập. Luyện tập không những cần thời gian mà còn phải biết nhẫn nại, chịu đựng gian khó chẳng khác gì một người tu hành tự hành xác. Vì trong quá trình luyện tập, có một quy trình gọi là nạp năng lượng theo nguyên tắc âm dương ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Khi nạp khí của hành nào, người tập phải “chôn” mình dưới hành ấy.

Ví dụ nạp khí thổ, theo ông Nguyễn Ngọc Hải, phải chôn mình xuống đất hàng tiếng đồng hồ và chỉ từ cổ trở lên là “lộ thiên”. Do bị chôn cứng phần thân như vậy nên hít thở là một việc rất khó khăn. Người tập phải tĩnh tâm, điều chỉnh nhịp thở sao cho thích hợp và duy trì được việc trao đổi khí, đồng thời hấp thụ được khí từ cả “dương” và “âm”. Đối với hành thủy, việc nạp khí tương tự vậy. Chỉ có hành hỏa là hơi khác. Thay vì chôn thân người dưới đất như nạp khí ở hành thổ, người ta ngồi dưới ánh mặt trời gay gắt hoặc trước một đống than hồng. Sau đó nạp khí cũng bằng phương pháp tương tự như ở hành thổ.

Tiêu chí rèn luyện của Lâm Sơn được đặt ra gồm 5 yếu tố: Trí - Lực - Năng - Tâm - Thiên. Theo ông Hải, 5 yếu tố này đều có quan hệ biện chứng với nhau. Nếu người theo môn phái Lâm Sơn động quy tụ đầy đủ các yếu tố trên có thể coi là “đắc đạo”. Và sự “đắc đạo” đó phải hữu ích cho đời chứ không thể làm của “để dành” hoặc gây ngang trái cho đời. Hiện nay, ngoài việc dạy môn sinh miễn phí, ông Hải còn giúp một số người cai nghiện ma túy bằng phương pháp rèn luyện của Lâm Sơn động


Duy Hưng