RẮN, CON VẬT THẦN KỲ, BÍ HIỂM



Qua khảo cứu và nhận xét chung của các nhà khoa học thì Rắn là con vật nham hiểm, đầy bí ẩn và có một cuộc sống hai mặt: Một kẻ láng giềng hữu ích của con người, đồng thời cũng là tên sát thủ ghê gớm trong bóng tối muôn trùng. Về nguồn gốc, dù hiện nay các nhà khảo cổ với các phương pháp nghiên cứu, khảo sát tân kỳ, cũng chỉ mới thu lượm được một vài ý niệm mơ hồ về xuất xứ của Rắn, một giòng họ đông đảo đã xuất hiện đồng thời với một vài loài khủng long và may mắn không bị diệt chủng trong cơn đại hồng thủy nên còn tồn tại đến nay trên trái đất.

Nhưng con người là vạn năng nên dù một vết cắn của Rắn Mang Chúa (king Cobra) là đồng nghĩa với sự chết, một cái xiết nhẹ của Mãng xà vương (trăn rừng) cũng đủ làm tan xương nát thịt con người... Thế mà đến nay loài vật nham hiểm trên, cơ hồ gần muốn diệt chủng, nếu nhân loại không chịu tha thứ, bởi lẽ chúng quá hữu ích...

1.- Ngàn lẻ một chuyện về họ hàng nhà Rắn :



Họ hàng nhà Rắn xuất hiện đồng thời với khủng long, khoảng vài chục triệu năm về trước. Có thể sống bất cứ nơi nào trên trái đất trừ hai miền Nam, Bắc cực và đặc biệt tại tiểu bang Hạ Uy Di (Hoa Kỳ). Như giáo sư sinh vật học của trường Đại học Berkeley viết trong tác phẩm nổi tiếng vừa được xuất bản "Snakes, The Evolution of Mystery in nature", thì Rắn có một vẻ đẹp trang trọng, một đời sống tình dục phong phú hấp dẫn và trên hết là một kho y dược vô cùng quý báu đối với sinh mệnh của con người.

Thuộc loại lớp phụ có vẩy (3 quamatas), bộ Rắn (ophidia) gồm hơn 2,700 loài, từ giống Rắn Roi châu Phi nhỏ bằng ruột bút chì cho tới loài Trăn khổng lồ Anacondas Nam Mỹ dài hơn 6 mét, có thể quật ngã voi và nuốt trọn một người vào bụng dễ dàng. Rắn thuộc loài bò sát không chân, thân được bao che bởi một lớp vẩy sừng, không có tuyến da. Đặc biệt lưỡi Rắn rất dài, phân thành hai thùy mảnh, linh động có chức năng vị và xúc giác. Cũng vì thế nhiều người khi thấy Rắn lúc bò hay thè lưỡi, thì tưởng rằng Rắn phun nọc độc, thật ra Rắn dùng hệ thần kinh ở đầu lưỡi để phát giác phương hướng và con mồi từ xa mà không cần sử dụng mắt và đụng chạm tới sự vật. Mắt Rắn cũng được cấu tạo đặc biệt, mi dưới gắn liền với mi trên và trong suốt như thủy tinh khiến ta lầm tưởng Rắn không có mi mắt.

Như hầu hết loài bò sát, bộ Rắn có vẩy sừng bao bọc bên ngoài nên đúng chu kỳ thì phải lột xác để tăng trưởng. Thời kỳ hoàn tất việc lột xác kéo dài chừng vài ba ngày, giai đoạn này con vật rất là yếu và hầu như bất động. Rắn tuy không có chân nhưng di chuyển rất nhanh, trên khô, dưới nước cả ngọn cây cao, nhờ thân thể thon dài và cột xương sống được cấu tạo đồng nhất từ 300 đến 450 cái da nhám xù xì cũng là yếu tố giúp cho Rắn bò nhanh hơn và thích nghi trên mọi địa thế. Vì được cấu tạo đặc biệt về thị giác, đa số bộ Rắn (phần lớn là Rắn độc) săn mồi về ban đêm, ngược lại ban ngày mắt bị lòa vì ánh sáng nên hai mi khép lại thành một cái khe ngang như thường thấy ở Rắn lục. Về tuổi thọ, Rắn sống ngắn ngủi hơn nhiều loài vật khác, chỉ từ 25 đến 30 năm mà thôi.

- Những điều chưa biết về Rắn :

Theo hầu hết các nhà khoa học thì da Rắn đẹp nhất trong muôn loài về màu sắc và cấu tạo. Nói theo ngôn ngữ của hội họa, mỹ thuật thì đây là một tác phẩm nghệ thuật kỳ diệu của thiên nhiên. Hãy nhìn bộ da lấp lánh với vô số màu sắc tùy theo ánh sáng chiếu vào của loài Rắn Hổ rung chuông châu Phi hay loài Rắn Hổ đeo kính Ấn Độ, có bộ da lốm đốm đều đặn những hình hạt dưa màu nâu, ban đêm được ánh trăng phản chiếu, lấp lánh đẹp như một dãy ngọc. Độc đáo hơn hết là loài rắn Lãi đen đầu xanh (Racher Snake) sống tại Úc Đại Lợi, có lớp da trơn mướt với hàng vẩy nối kết nhau đều đặn, đã khiến rắn bò nhanh như bay. Từng thứ ấy, chừng nào con người mới bắt chước nổi.

Theo nghiên cứu thì trừ Chim, muôn loài đều có nhóm phụ có nọc độc, nhưng tàn bạo hơn hết là nọc Rắn, đến mức có người bị Rắn cắn chỉ cần vài phút là tử vong. Khi trúng độc, nọc độc sẽ tác động ngay vào máu, bắp thịt, hệ thần kinh não tùy và các tế bào quanh chỗ bị cắn. Mỗi loài rắn độc lại có nọc riêng biệt và tác động sinh học khác nhau. Đây là nước bọt của Rắn, biến dạng thành độc khi được tiết ra ngoài từ các ống dẫn đến răng. Nhưng tạo hóa thật công bằng nên đã uốn nắn thêm trong tính tàn độc của nọc rắn là sự hữu ích bù trừ, có thể giúp chữa trị được nhiều loại bệnh nan y của con người khi nọc rắn được đặc chế và xử dụng đúng liều lượng thích ứng. Ngày nay, nọc rắn ngoài việc dùng để trị bệnh rắn cắn, còn làm thuốc chữa bệnh giảm huyết áp, làm đông máu (được tinh chế từ chất Captopri Kong, nọc độc của rắn lục xanh), chống chảy máu nội tạng... Đây cũng là phương pháp trị liệu theo cách dĩ độc trị độc mà tổ tiên loài người đã xử dụng khi còn ăn lông ở lỗ.

Qua công trình nghiên cứu nhiều năm của giáo sư Harry Creene ta mới biết được đời sống tình dục phong phú của Rắn. Với con đực, có hai bộ phận sinh dục hình bán cầu nằm ở gần đuôi, phía dưới bụng, khi giao hợp, Rắn đực luôn thay phiên xử dụng 2 bộ phận trên, nên cuộc vui kéo dài liên tục có khi tới vài ngày mới kết thúc. Đặc biệt Rắn cái cũng có khả năng tình dục rất ly kỳ, một lúc có thể giao hợp với 6 con rắn đực, nếu chúng không ganh tỵ cắn xé. Riêng loài Rắn cái Pitvipers châu Phi (Rắc Hốc), khi giao hợp xong thì tích trữ tinh trùng của con đực tại một cơ quan đặc biệt trong cơ thể, đợi lúc thuận tiện và khí hậu thích hợp, mới cho tinh trùng và trứng của nó thụ tinh.

Đa số các loài Rắn đẻ trứng có vỏ rất dai. Một số khác như Rắn lục xanh, rắn nòng nọc, rắn biển... đẻ con. Nhiều truyền thuyết cho rằng Rắn phủ Mèo sinh ra Rắn Hổ Mèo, hoặc khi Rắn Lục đẻ, nằm phơi bụng chờ chim bìm bịp tới mổ nứt bụng cho con chui ra. Đây là một chuyện hoang đường vì giữa Rắn và Mèo là hai loài khác nhau thì làm sao thích hợp để động tình. Còn chim bìm bịp là khắc tinh của Rắn, chuyên ăn Rắn, nếu gặp trường hợp này thì cả Rắn mẹ lẫn Rắn con đã nằm gọn trong bụng chim, nếu không nhanh chân lủi vào bờ bụi. Sau hết, người Việt nhất là ở thôn quê với căn bệnh cố hữu sợ Rắn và mê tín dị đoan, luôn cho rằng Rắn độc (nhất là Rắn Hổ Chúa) sẽ tìm tới báo thù người đã giết đồng loại của chúng. Nhà văn Nguyễn Triệu Luật thời tiền chiến, đã viết lịch sử tiểu thuyết Rắn Báo Oán, hư cấu về vụ kỳ án Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ thời vua Lê Thái Tôn (Hậu Lê), hoặc câu chuyện tình diễm lệ đầy máu và nước mắt thời nhà Minh (Trung Hoa) giữa chàng Hán Văn và hai con Rắn cái Bạch Xà, Thanh Xà mà di tích nay vẫn còn lưu lại trên một chiếc cầu nhỏ tại thành phố Hàng Châu mang tên Bạch Thanh Xà kiếm. Thật ra, chuyện Rắn báo thù không bao giờ có thể xảy ra vì Rắn là loài có bộ não ít phát triển, chỉ hoạt động bằng bản năng và tính phản xạ tự nhiên. Vậy làm thế nào chúng có trí nhớ để nhận biết kẻ thù. Nhưng có một điều là Rắn cái đến mùa sinh sản hoặc lột xác, thường ấp đôi để bảo vệ cho nhau, trong trường hợp này chúng rất hung dữ. Rắn con sau khi bò ra khỏi trứng, bỏ cha mẹ đi kiếm ăn ngay sau đó coi như người dưng kẻ lạ, đôi lúc trở thành con mồi của chính người thân mình.