BIÊN ĐỊA CÕI TÂY PHƯƠNG TỊNH ĐỘ



Ghi lại những lời trong mộng
của Viên Trung Đạo




Ngày Rằm, tháng mười, năm Giáp Dần, niên hiệu Vạn Lịch thứ 42 (1573), đời vua Thần Tông, nhà Minh.

Khi khóa tụng xong, tôi tĩnh tọa cảm thấy thân thể, tinh thần thanh tịnh, sáng suốt. Bỗng nhiên có trạng thái như vào định. Đêm rằm, trăng sáng vằng vặc, thần thức vượt lên nhà, bất giác nhẹ nhàng, bồng bềnh bay vút lên, nhanh như chim tung bay. Trong mây có hai đồng tử hộ vệ bảo: “Hãy theo chúng tôi!” rồi đưa về Tây Phương. Nhìn xuống, tôi thấy núi đầm, ruộng đất bằng phẳng, thôn xóm, làng mạc, thành phố, thị trấn nhỏ như đống đất, chén nước, tổ ong, tổ kiến. Đáp xuống một chút, có mùi hôi thối xộc lên, tôi không thể nào chịu đựng nổi! Hết sức phấn chấn vượt thẳng lên cao mới khỏi hiện tượng này. Bỗng chốc, hai đồng tử bảo: “Dừng lại!” rồi cùng nhau đáp xuống đất.

Tôi phóng tầm mắt nhìn xung quanh thấy con đường thẳng tắp như dây giăng, bằng phẳng như bàn tay. Mặt đất chẳng phải cát đá, ánh ra tia sáng rực rỡ, mịn màng. Dọc theo đường có ngòi nước rộng hơn mười trượng, thềm bằng thạch bảo có vân. Trong ngòi nước, hoa sen năm màu sắc tỏa hương thơm ngát khác thường. Dài theo ngòi nước có hàng cây ánh ra tia sáng chói chang, các loại chim đẹp hót vang hòa điệu. Cách một khoảng lại có cây cầu bằng vàng nối ngang qua ngòi nước để làm ranh giới, có lan can đan xen như lưới giăng. Bên kia cầu, phía sau hàng cây có lầu các ngay ngắn, đẹp lộng lẫy, không cảnh nào so sánh cho kịp. Trong lầu toàn là những người có vóc dáng thanh tú, trẻ đẹp như tiên, mỉm cười nhìn tôi. Hai đồng tử đi quá mau, tôi đi theo không kịp, bèn gọi to:

- Xin đứng lại trên cầu đợi tôi một chút!

Hai đồng tử thực hiện như lời tôi nói, tôi mới theo kịp. Khi mới đến cầu, cùng tựa vào lan can báu để nghỉ giây lát, tôi hỏi:
- Hai vị là ai? Đây là nơi nào? Xin nói cho tôi được biết!

Một đồng tử đáp:
- Chúng tôi là thị giả của tiên sinh Linh Hòa. Tiên sinh muốn cùng ông chuyện vãn.

Tôi hỏi:
- Tiên sinh Linh Hòa là ai vậy?

- Tiên sinh chính là anh của ông, là Viên Hoành Đạo tự Trung Lang đó! Khi gặp nhau, tiên sinh sẽ nói chuyện với ông. Bây giờ, chúng ta phải đi mau cho đến nơi.

Rồi dẫn tôi đến một nơi có hơn ngàn cội cây to, lá bằng ngọc xanh biếc, hoa có cánh bằng vàng. Dưới cây, hồ nước chảy róc rách. Trên hồ có cánh cửa bằng bạch ngọc. Một đồng tử bước vào trước. Đồng tử kia dẫn tôi đi qua hơn hai mươi lớp lầu các có kim sắc ánh ra tia sáng chói chang, hoa thơm cỏ lạ lay động qua lại bên thềm. Khi đến dưới lầu nọ, một người xuống đón tiếp, thần thái tựa Trung Lang mà gương mặt sáng như ngọc, áo như ráng mây, dài hơn một trượng. Thấy tôi, ông vội chào mừng:

“Em mới đến à!” rồi dẫn lên lầu chào. Trên đó có bốn năm vị ngồi chung quanh, vóc dáng hình hài cũng như người cõi trời. Trung Lang nói:

- Đây là biên địa ở Tây Phương. Những người tu Tịnh Độ mà niềm tin, hiểu biết chưa hoàn thành, giới bảo chưa toàn vẹn, phần nhiều sinh về chốn này. Nơi đây cũng gọi là cõi nước Giải Mạn. Phương trên có lầu đài của hóa Phật. Trước lầu có hồ rộng lớn khoảng chừng một trăm do tuần. Trong hồ có sen báu tuyệt diệu. Chúng sinh mười phương sinh về gởi chất nơi hoa sen ấy. Khi hoa bừng nở thì chia nhau vào ở trong các lâu đài. Tất cả những vị ấy đến ở chung với các người bạn đã cùng nhau tu Tịnh Độ thuở trước. Vì không có sắc đẹp, tiếng dâm nên niềm tin, hiểu biết thành tựu dễ dàng. Chẳng bao lâu sẽ tiến lên làm người trong Tịnh Độ.

Tôi thầm nghĩ: “Cảnh trí tươi đẹp như thế này mà còn là biên địa sao?”. Lại hỏi:

- Anh sinh về cõi nào?

Trung Lang đáp:

- Tuy anh tịnh nghiệp thâm sâu, nhưng tình nhiễm chưa dứt, đầu tiên sinh về nơi đây một thời gian ngắn. Bây giờ cư trú khu vực Tịnh Độ. Vì ngộ đệ nhất nghĩa đế nhanh, dừng nghiệp ác chậm, nên chỉ thuộc từng lớp địa cư, không được cùng bậc đại sĩ cư trú lầu các giữa hư không, còn phải tiến tu thêm nữa. May thay! Khi ở Ta Bà, nhờ có trí tuệ rất linh lợi, anh từng soạn bộ Tây phương hiệp luận tán dương năng lực độ sinh không thể nghĩ bàn của Như Lai, nên cảm báo được bay đi tự tại, tham quan các cõi khác. Các đức Phật thuyết pháp, anh đến nghe được. Như thế thật là thù thắng.

Trung Lang nắm tay tôi, từ từ bay lên hư không, khoảnh khắc vượt muôn ngàn dặm, rồi đáp xuống một chỗ. Nơi đây không có mặt trời, không có mặt trăng, không có ngày đêm, ánh sáng rực rỡ không bị ngăn che. Đất toàn bằng lưu ly; trong, ngoài đều chói suốt. Dây bằng hoàng kim đan xen lẫn nhau. Ranh giới được chia rõ ràng bằng bảy chất liệu quý báu. Tất cả cây toàn là chiên đàn, cát tường; Hàng hàng song song, gốc gốc đối xứng, trải dài xa tít tắp đến vài muôn ngàn lớp. Lá nào cũng đều trổ các loại hoa đẹp tuyệt vời bằng màu sắc dị bảo. Bên dưới là hồ báu có vô lượng đợt sóng nhấp nhô, tự nhiên phát ra âm thanh diệu pháp. Đáy hồ trang rải toàn cát bằng kim cương. Trong hồ, các loại sen báu lá ánh ra tia sáng năm màu. Trên hồ, lầu cao ẩn hiện, xoay chuyển xung quanh vùng. Con đường chạy dọc theo dãy lầu, điện các nối nhau. Cửa lớn, cửa sổ đều giao chiếu, hiên thềm nhô ra, cột dỡ mái cong. Các loại như thế đều đầy đủ, đều có vô lượng nhạc khí diễn tấu pháp âm. Những điều ghi chép trong Đại kinh, Tiểu kinh so với đây thì mười phần chưa được một. Tôi ngước nhìn lên thấy nhiều lầu các lơ lửng giữa hư không cũng như khói mây. Trung Lang nói:

- Quang cảnh mà em thấy là chỗ của chúng sinh sống trên đất Tịnh Độ. Qua khỏi nơi này là chỗ cư trú của pháp thân đại sĩ, cảnh trí còn đẹp tuyệt vời hơn ở đây ngàn lần, vạn lần. Thần thông của các vị ấy cũng hơn ở đây trăm lần, ngàn lần. Anh vận dụng năng lực của trí tuệ để tham quan nơi đó, chứ không cư trú được. Qua khỏi chốn ấy là chỗ cư trú của bậc thập địa, đẳng giác. Anh không thể nào biết đến. Xa hơn nữa là chỗ cư trú của bậc diệu giác, chỉ có Phật với Phật mới có thể biết được chỗ ấy.

Nói xong lại bay đến một chỗ không có thành quách, chỉ có lan can bao bọc, có điện các ánh ra tia sáng rực rỡ khác thường, không biết được kết hợp bằng những chất gì? Tôi cảm thấy tất cả hoàng kim, bạch ngọc ở thế gian sánh với loại báu này đều giống như màu sắc của đất. Ở dưới lầu, cùng nhau trò chuyện giây lát, Trung Lang nói:

- Anh không ngờ khung cảnh lại vui đẹp tột bực như thế này! Khi ở Ta Bà, giá mà anh giữ giới luật thêm tinh nghiêm thì sự thọ lạc còn hơn nữa, đại loại như: ngộ đệ nhất nghĩa đế, dừng nghiệp ác đều nhanh chóng thì vãng sinh phẩm vị rất cao. Kế đến, dừng nghiệp ác nhanh thì vãng sinh phẩm vị rất ổn. Nếu ngộ đệ nhất nghĩa đế mà không dừng nghiệp ác, thì đa số bị sức mạnh của nghiệp lôi kéo, trôi dạt vào tám bộ quỷ thần. Chính mắt anh đã trông thấy những bạn đồng tu lâm vào tình trạng này. Còn em, tuy khí phần bát nhã thâm sâu nhưng năng lực giới, định rất kém cỏi. Ôi! Ngộ lý sâu xa huyền diệu mà không thể sinh giới, định thì cũng là trí tuệ ngông cuồng mà thôi. Khi về cõi Ta Bà, nhân lúc sức khoẻ dồi dào, em phải thật tu, thật ngộ, gồm đủ tịnh nguyện. Hãy siêng năng cần mẫn thực hành phương tiện lợi tha, thương xót tất cả, chẳng bao lâu sẽ có dịp hội ngộ! Nếu một khi sa vào con đường khác thì thật là nỗi kinh hoàng! Nếu như không thể giữ giới thì hiện có pháp lục trai của Long Thọ. Hãy tuân theo mà thực hành đi! Trong các giới, giới sát quan trọng bậc nhất. Xin gởi lời đến những bạn đồng tu: “Chưa có ai mỗi ngày tay cầm dao bén giết hại, miệng thèm khát vị ngon mà được vãng sinh về Cực Lạc. Dù có thuyết pháp lời lẽ hùng tráng như mưa đổ, mây bay, nhưng đối với sự tu tập nào có ích gì?”. Từ thuở Phật Không Vương, chúng ta đã nhiều đời từng làm anh em với nhau cho đến trôi lăn trong sáu đường cũng đều như thế. May thay! Anh đã được chỗ an lành, e rằng em bị đọa lạc, nên vận dụng năng lực thần thông làm phương tiện đem em đến đây để khuyên bảo. Bây giờ, báo nghiệp giữa cõi tịnh và cõi uế đã cách biệt nhau, em không thể nào ở đây lâu được nữa!

Tôi vội hỏi chỗ sinh của Bá Tu và các bạn đồng tu đã mãn phần. Trung Lang đáp:

- Chỗ sinh của các vị ấy đều tốt đẹp cả. Về sau, em sẽ tự biết.

Bỗng nhiên, Trung Lang vượt lên hư không mà bay mất. Tôi đứng dậy, ung dung cất bước trên hồ. Bỗng dưng như té nhào xuống nước, kinh hoàng mà giật mình tỉnh dậy, toàn thân vã mồ hôi. Khi ấy, ngọn đèn tàn còn ở trên giá, ánh trăng vẫn tỏa chiếu lung linh xuống cửa sổ. Thời khắc đã điểm sang canh tư...