Cũng như tâm lý người Việt Nam , truyền thống cầu lành tránh dữ , là gốc của dân tộc Trung Hoa , những hình vẽ Cát Tường ( Ðiềm lành ) rất phong phú , nó tồn tại hàng ngàn năm qua nhiều phương diện trên những bức tranh vẽ , điêu khắc , kiến trúc , lụa hoa , hàng sơn khảm , trang sức đồ gỗ , vẽ trên sứ , tranh , giấy trổ , lịch tường , nhãn hàng hóa , quảng cáo … , làm vui mắt vui tai đông đảo quần chúng , cho thấy một sức sống mạnh mẽ

Chữ “ Cát Tường ” đã xuất hiện rất sớm , Trang Tử có viết : “ …Trên vách gian nhà rỗng , dán đầy những điềm lành … ”

Thành Huyền Anh đời Ðường có nói :

“ Cát ” là nói về điều phúc và thiện .
“ Tường ” đó là nói về sự chúc mừng .

Sự hình thành của nhiều bức họa về hai chữ “ Cát Tường ” , là được vẽ từ những câu chuyện tốt lành và điềm mừng để diễn đạt quan niệm cầu cát tránh hung : có thể là mong muốn cá nhân , cũng có thể là lời chúc mừng người khác … Tóm lại , trong tranh Cát Tường đều có việc Phúc Thiện và lời Chúc Mừng làm cốt lõi của sáng tác .

Là một trong những di sản văn hóa dân tộc của người Trung Hoa nói riêng nhưng cũng nên xem đó là phần di sản văn hóa thế giới , song song với truyền thống và văn hóa của người Việt Nam , tìm hiểu và bổ khuyết thêm nguồn kiến thức về văn hóa Trung Hoa với các bạn trẻ là công việc mang lại niềm vui cho mọi người .
01. Qua Ðiệt Miên Miên
( Dây dưa liên miên )


Ở thời đại Ân Thượng , bộ lạc Cơ Tính của nước Cổ Lão định cư ở đất Bân ( nay thuộc tỉnh Thiểm Tây ) . Trên vùng đất phì nhiêu này , họ trồng lúa nước , theo nghề nông nghiệp . Song , bộ lạc Nhung Ðịch sống bằng nghề du mục cũng thèm muốn vùng đất đầu nguồn giàu có này không ngừng quấy nhiễu họ . Thủ lỉnh của bộ lạc Cơ Tính là Cổ Công Ðản Phụ nhiều lần dâng lễ vật cho Nhung Ðịch có ý cầu hòa , cuối cùng vẫn không có kết quả . Cổ Công triệu tập những người già nói : “ Tặng cho họ vải vóc , lừa ngựa và châu ngọc cũng không được , cái họ muốn chính là đất đai . Ðất đai vốn là vật nuôi dưỡng người , chẳng thể để nó làm vật hại người . Chúng ta phải rời bỏ nơi này thôi ” .

Cổ Công Ðản Phụ dẫn bộ tộc vượt qua đất Tất , Tứ và Lương Sơn đến đất Chu Nguyên ở phía nam Kỳ Sơn . Ðất Chu Nguyên phì nhiêu thích hợp với việc cày bừa . Cổ Công quyết định ở đấy .

Từ đó , bộ lạc Cơ Tính tự gọi là người Chu , xây dựng nhà cửa ở Chu Nguyên , khai khẩn cày bừa , đặt quan phân chức , dần dần đạt đến thịnh vượng . đợi đến thời cháu là Cơ Phát ( tức là Chu Vũ Vương ) kế nhiệm ngôi thủ lĩnh , tộc người Cơ Tính đã trở thành một đất nước lớn mạnh ở phía tây nhà Ân Thương . Cuối cùng , Cơ Phát hội họp chư hầu ở bến Mạnh Tân , tiến sang phía đông thảo phạt Thương triều . Sau khi đánh chiếm được kinh đô của Thương triều , lập ra một vương quốc giàu mạnh thay thế nhà Thương Ân , đấy là vương triều nhà Chu .

Trong lễ mừng ngày khai quốc , người Chu cùng nâng cốc chúc rượu nồng nhiệt , cùng cao giọng hát ca tụng và nhớ đến công đức mở mang của Cổ Công Ðản Phụ :

“ Dây dưa vươn dài mãi , dân sống thưở ban đầu , từ vùng đất Tứ , Tất …”

Ðại ý là : Vùng đất bên sông Tất thủy và Tứ thủy là nguồn gốc sự phát sinh tốt lành của người Chu ; cũng như dây dưa , dây bí vươn dài mãi , con cháu muôn đời dằng dặc không dứt …

Người ta cho rằng , lời bài hát này được thấy ghi trong Kinh Thi , Câu đầu “ dây dưa vươn dài mãi ” , đã thành một lời chúc con cháu hưng thịnh , phát đạt , phồn vinh .

Nếu bạn thấy một bức tranh Hỉ Sự Cát Tường gồm quả QUA và quả ÐIỆT đều là những giống dưa , ÐIỆT là loại dưa nhỏ , hàm ý của câu hát là lúc mới đầu thì nhỏ bé , song bò dài ra không dứt , dần dần lớn mạnh , kéo dài sự sống thêm mãi .
Bức vẻ “ dây dưa kéo dài mãi ” theo truyền thống thì có hai thể loại , một loại dưa vuơn lên quấn lấy cành cây , loại khác còn vẽ thêm những cánh bướm bay lượn , được lấy ý tứ bướm liền với dưa vậy ( trong ngôn ngữ Trung Hoa thì Bướm và Dưa đều đồng âm ) .


02. Kê Vương Trấn Trạch
( Vua gà giữ nhà )


Một con gà trống lông đỏ đứng trên gò đá lớn , nghển đầu ưỡn ngực , là một tác phẩm đã có từ rất lâu trong lịch sử hội họa về tranh Cát Tường ( điềm lành ) của Trung Hoa . Về căn nguyên , theo truyền thuyết , Vương gia đời Tấn trong cuốn “ Thập Di Ký ” có ghi lại như sau :

Khi vua Nghêu đang ở ngôi , việc chính sự đạt được nhân hòa , phong tục đều tốt lành . Song , thường thấy ác hổ xuống núi , yêu ma ra khỏi rừng , nhiễu nhương gây hại , trăm họ rất lấy làm lo lắng . Sau đó nước Chỉ Chi ( không rỏ ? ) có đưa biếu một loài chim gọi là “ Trọng Minh Ðiểu ” còn gọi là Song Tinh . Hình dạng giống như gà trống , song tiếng gáy như tiếng phượng hoàng kêu . Ðiều đặt biệt nhất ở nó là luôn đánh trả cái ác , thường hay đập cánh vươn mỏ , giơ vuốt , chuyên môn đuổi bắt ác thú tà ma , khiến chúng không dám hoành hành .

Thế rồi dân chúng thời ấy đều vẩy nước , quét sân mong được “ Trọng Minh Ðiểu ” bay đến nhà mình để trấn tà đuổi ác . Nhưng … Trọng Minh Ðiểu không thường xuất hiện , có thể là một năm chỉ thấy đôi lần , cũng có mấy năm liền không đến . có người nói loài chim này là vua của loài gà , họ phỏng theo hình dáng , làm ra con gà gỗ , đặt ở cửa hoặc trên mái nhà ( hình thức này ,trước năm 75 tồn tại một số ích trong những khu quần cư người Hoa ) , với tác dụng cũng có thể nạt được quỉ quái tà ma . Có khi họ còn vẽ tranh để giảm bớt việc khắc gỗ đúc tượng , từ đó mà có tập tục dán tranh gà trống lên vách nhà nhà .

Gà trống có thể đuổi tà ma , cũng có thể báo điềm lành , trong tập tục nghênh hôn thời xưa , hai bên nam nữ đều có riêng sự chuẩn bị một con gà trống lớn và một con gà mái béo , gọi là “ cát nhân ” , hàm ý chúc phúc cô dâu chú rể được cát tường như ý , trong sự mong cầu lấy “ kê ” hài hòa “ cát ” làm ý tứ .
Nếu bạn thấy bức vẽ một con gà trống có tác dụng trấn trạch đứng trên đầu mõm đá cũng là phỏng theo cách nghĩ này , lấy “đá ” hài hòa với “ nhà ở ” , có ý tứ nhà cửa nghênh đón điềm lành , cũng được gọi là Ðại cát nhập gia .


03. Kỳ Lân Tống Tử
( Kỳ lân đưa con đến )

Kỳ lân , Rồng , Phượng hoàng và Rùa , cả bốn con vật này được người Trung Hoa gọi là Tứ Linh . Kỳ lân được người Trung Hoa xếp đứng đầu trong tứ linh . NgườI Hoa cho rằng Kỳ lân có thân hươu , chân ngựa , đuôi trâu , móng guốc , có vảy tê đầy mình , đầu có một sừng nhọn , con thú tốt lành này , ngoài sự xuất hiện ở thời thái bình thịnh trị , còn đưa trẻ con đến nhà nào tích đức mà không có con nối dõi . Tương truyền rằng Khổng Tử , vị thánh nhân được gọi là Tố Vương , được sinh ra là kết quả của kỳ lân đưa con trẻ đến .

Ở Khúc Phụ quê hương của đức Khổng Tử , có một cửa ô gọi là Khuyết Lý . Trước lúc Khổng Tử đến thế giới này , thân phụ của Khổng Tử là Thúc Lương Ngột và mẹ là Nhan Chủy đã sinh ra mười người con , trong đó chỉ có Mạnh Bì là người con trai song lại khoèo chân , chẳng thể đảm đang được việc tế tự . Hai vợ chồng rất ân hận , cùng đến cầu phúc ở núi Ni Sơn , mong chóng sẽ có được một đứa con trai .

Kỳ tích đã xuất hiện ; Một đêm kia bổng có một con Kỳ lân bước đến cửa ô Khuyết Lý . Ðiềm lành này sẽ ứng vào nhà nào vậy . Mọi người ở đấy đều chạy đến xúm đông xung quanh . Kỳ lân cử chỉ ưu nhã , chẳng vội vàng gì , nhả từ trong miệng ra một vuông lụa trên đó thấy ghi mấy chữ : “ con cháu của Thủy Tinh , đời chu suy bại , mà thấy Tố Vương tỏ sự hiền minh ”

Ðấy là ý tứ gì vậy ? Mọi người đều nghi hoặc khó hiểu .

Có một lão nhân bác học quảng vấn giảng giải rằng “Ðại khái là nó đưa con trẻ đến cho nhà nào đó , đấy là đứa con của Thủy Tinh vậy ” . Tiếp đó lại hào hứng nói : “ Dẫu sinh ra ở nhà ai , tóm lại là phúc phận của người vùng Khuyết Lý ta cả ! ”

Mọi người ở đấy đều hoan hô cho là đúng , lại còn lấy lụa hoa buộc lên sừng kỳ lân , biểu thị sự cảm tạ của cả vùng .

Hôm sau không thấy Kỳ lân đến , song trong nhà Thúc Lương Ngột vang lên tiếng khóc của một đứa trẻ vừa chào đời . Cuối đời Chu Kính Vương , có người cày ruộng ở Khúc Phụ tìm được giải lụa hoa trước buộc ở sừng Kỳ lân , ghi chép về con thú tốt lành này được lưu truyền ở quê hương Khổng Tử .

Bức vẽ “ Kỳ Lân Tống Tử ” rất phổ biến trong đời sống người dân Trung Hoa , thực tế là sự thể hiện phong tục dân gian mong cầu Kỳ lân đưa trẻ con đến nhà . Phương thức dán tranh kỳ lân ở sân hoặc trong nhà là có ý muốn , mong người phụ nữ sinh con được mỹ mãn vuông tròn . Cũng có người học theo người Khuyết Lý , buộc lụa hoa lên sừng Kỳ lân vào dịp tết Trung Thu .

Ngoài ra nếu bạn thấy có bức vẽ “ Kỳ Lân Nhả Thư ” cũng vẽ theo truyền thuyết trên , thấy nhiều ở những tranh trang sức cho văn miếu , cung đường của người Hoa , có ý là điềm tốt lành xuất hiện , thánh hiền đã ra đời như thế .
04. Tử Khí Ðông Lai
( Khí lành đến từ Phương Ðông )


Tương truyền vào thời Tây Chu , có một vị quan họ Doãn tên Hỷ am hiểu cổ thư , tinh thông lịch pháp , nhưng ông ta luôn mong mõi gặp được một chân nhân có thể hơn hẳn hơn mình . một chuyện lạ đến với ông khi một hôm ông xem thiên văn , hốt nhiên phát hiện từ phương đông có một luồng khí tím đang từ từ tiến lại phía mình . hiện tương này theo sách vở chuyên môn giải thích , là điềm tốt lành …

Quan Doãn Hỷ cứ theo lý mà truy xét , đoán rằng có thánh nhân sẽ qua cửa Hàm Cốc đi về phía Tây , để cơ hội không phải bị bỏ lỡ , ông đã cố thuyết phục cùng Chu Chiêu Vương ( vị vua thứ tư thuộc triều đại thời Tây Chu là Chiêu Vương Cơ Hà ( 1000-977 BC)) cho mình được đến Hàm Cốc quan làm quan lệnh

Hàm Cốc quan ở phía tây bắc huyện Linh Bảo tỉnh Hà Nam ngày nay , Doãn Hỷ từ Hạo Kinh ( nay là Thiểm Tây ) đến trấn nhậm nơi quan ải , cho thuộc hạ sẳn sàng cung đón thánh nhân . Ông bảo rằng : “ Nếu có người tướng mạo không phàm tục , dùng ngựa xe kỳ dị đi qua cửa ải , nhất mực phải cung đón ông ta cho kỳ được “ . Riêng quan Doãn Hỷ , trong những ngày chờ đợi , một mực luôn giữ chay tịnh , lại cho lính hầu quét ngõ thắp hương , luôn giữ sạch sẽ nơi cung phủ để đợi khách .

Bổng một hôm , quả nhiên có một lão ông tóc bạc râu dài cưỡi trên một con trâu xanh từ từ đến gần quan ải , các quan lính thuộc hạ vội cho người thông báo cho Doãn Hỷ biết .

Người đời cho rằng , lão ông này chính là Lý Nhĩ và sau này được giới đạo giáo tôn làm Thái Thượng Lão Quân , có biệt hiệu là Lão Tử trên đường thuyết giảng tư tưởng Lão giáo , ảnh hưởng rất sâu rộng cho đến tận ngày nay

Lúc ấy , lão ông giả vờ hồ đồ cho là không dám nhận đại lễ như thế , nhưng với lời chân thành của Doãn Hỷ nhận biết rằng khí tín từ phương đông đưa lại , cho rằng ắt có thánh nhân sẽ qua cửa ải này và kiên quyết bái lão ông làm thầy .

Lão tử nhận thấy Doãn Hỷ có lòng thành tâm học đạo đã thu nạp người này làm đệ tử , truyền khẩu cho những lời nói hay gồm hơn 5000 chữ , sau này sách sử cho rằng chính Doãn Hỷ viết lại thành cuốn Ðạo Ðức Kinh ???

Sau khi rao giảng những tư tưởng của Lão giáo , Lão Tử lại cưỡi con trâu xanh ra khỏi cửa ải , tiếp tục cuộc hành trình . những năm sau đó , Doãn Hỷ có gặp lại sư phụ ở Thành Ðô , rồi lại cùng sư phụ chu du trong thiên hạ . Người đời gọi Doãn Hỷ là Vô Thượng Chân Nhân .

Truyền thuyết này mà mọi người lấy câu nói “ Tử Khí Ðông Lai “để biểu thị điềm lành , rồi lại vẻ một bức họa theo đề tài ấy , ngụ ý là mong mỏi được thánh nhân chỉ bảo , xây dựng mảnh đất của mình thành xứ sở thần tiên


05. Loan Phượng Hòa Minh
( Loan Phượng hòa tiếng )


Những câu như " Phượng Hoàng vu phi " ( Phượng Hoàng cùng bay ) , " Hòa minh thương thương " ( hòa giọng hát véo von ) , " Ngũ thế kỳ xương " ( Năm đời hưng thịnh ) , đã trở thành những lời chúc hôn nhân tốt lành , và bạn sẽ còn được thấy một họa phẩm hoặc là một bức thêu v.v… có tên gọi là " Loan Phượng hoà minh " thể hiện qua đôi chim Loan và Phượng ( hoặc chim Phượng và chim Hoàng sóng đôi ) lượn quanh vầng Nguyệt giữa những tầng mây có ý nghĩa về sự hạnh phúc , gia đình hòa mục , nghiệp nhà hưng vượng mãi .

Viện dẫn cho bức vẽ trên , có điển tích kể lại rằng :

Vào thời đại Xuân Thu , ở Trung Quốc , các tiểu quốc luôn tìm cách phân hóa nhà Tây Chu , cát cứ riêng mỗi vùng , nội tình của các tiểu quốc cũng không tốt đẹp gì , đối tác rồi lại tương tác lẫn nhau mà dẫn đến những cuộc chính biến , Tần quốc vào giai đoạn đầu thời Xuân Thu chưa hẳn là một tiểu quốc hùng mạnh , cũng không thoát khỏi ngoại lệ : Thái tử Ngự Khấu bị cha là Tần Tuyên Công giết hại , Công Tử Trần Hoàn thân với Ngự Khấu sợ bị liên lụy vội chạy đến nhờ họ Khương ở nước Tề để lánh nạn .

Vị công tử này được Tề Tuyên Công nhiệt tình khoản đãi , vua Tề muốn phong ông ta lên dòng qúi tộc , nhưng Trần Hoàn từ chối vì lòng tự trọng , bèn cho ông ta một chức quan công tượng ( tạm gọi là kiến trúc đồ gỗ ) phụ trách việc xây dựng thổ mộc cho cung miếu lăng tẩm .

Vì thực chất là một con người có tài năng , lại được vua Tề nể vì , nên quan đại phu nước Tề là Ý Trọng nghĩ đến việc gả con gái cho ông ta .

Ðương thời , phong tục của giới qúi tộc thượng lưu thường xin quẻ bói trước lúc cưới hỏi , người con gái của Ý Trọng lo lắng cho việc hôn nhân , bèn xin một quẻ bói , kết quả là được điềm may , lời quẻ viết : " Chim Phượng và chim Hoàng sóng đôi cùng bay , cùng xướng họa hài hòa thân ái , hậu duệ của họ Qui (ám chỉ công tử Trần Hoàn ) , sẽ khai hoa kết quả trong vườn nhà họ Khương , suốt năm đời đều phồn vinh hưng thịnh , có tước vị khanh tước cao quí , đến đời thứ tám về sau thì đạt được ngôi vua tôn quí . "

Nhận biết lời quẻ là một điềm may , lập tức Ý Trọng gả con gái của mình cho Trần Hoàn … qủa nhiên đúng như dự đoán của quẻ bói : Hậu duệ của công tử Trần Hoàn ở nước Tề đời đời vinh hiển ,và cuối cùng thay họ Khương trở thành vua nước Tề
6. Tương Tư Uyên Ương
( Uyên ương nhớ nhung )



Cho đến nay , người ta vẫn chưa hình dung được đôi Uyên Ương là lòai chim như thế nào . Có người bảo rằng đó là đôi chim Phượng và chim Hòang , lại có người bảo rằng đó là đôi Loan Phượng . Ắt hẳn , dân gian luôn tin rằng đôi Uyên Ương là lòai chim đẹp báo điềm lành , những bức vẽ về đôi chim này thường thấy rất phổ biến trong tập tục hôn nhân của dân gian , ngòai những bức tranh , phích treo tường , những bức thêu ở chăn , gối , mành , the … chúng còn được thêu trên mũ , áo , khăn tay , lại được phù điêu trên gương soi , hộp , tủ quần áo …v.v …

Theo truyền thuyết thì con trống gọi là Uyên và chim mái gọi là Ương , hể khi phối hợp với nhau thì sóng đôi trọn đời trọn kiếp , cùng bay cùng đậu , cho nên được tượng trưng cho sự tương sinh , tương ái , cùng sinh cùng tữ của đôi nam nữ khi đã kết nghĩa trăm năm .

Một truyền thuyết dân gian có nói về sự thể Uyên Ương tương tư như sau :

Thời cổ đại , một người nước Tống tên gọi Hàn Bằng , khi lấy vợ là Hà Thị làm vợ , cuộc sống đang độ thanh bình yên ả , đẹp đôi đẹp sóng thì chẳng may một tai họa lại xảy ra đến với họ , người tạo ra trắc trở họan nạn chính là một vì vương tên gọi Tống Khang Vương .

Tống Khang Vương là một vì vua nhẫn tâm và hiếu sắc , tiếng lành đồn xa rằng Hà Thị là người con gái nhu mì rất xinh đẹp nên sinh lòng dục vọng . Đầu tiên , ông ta gán tội cho Hàn Bằng , giải về kinh đô rồi tống vào ngục thất , sau đó tra khảo và ghép tội về gia sản bất minh , rồi bắt Hà Thị đưa vào cung . Hàn Bằng phần qúa phẫn uất vì oan tội , vợ nhà bị chiếm đọat bởi tay vua vô đạo , phần vì biết sức mình không thể chống chế lại uy quyền , đành dùng phương sách tự sát để tỏ nỗi oan khiên . Hà Thị rất đau xót khi hay tin chồng đã chết nhưng không thể cùng liều chết theo , bởi Tống Khang Vương ngày đêm luôn cho người giám sát bên nàng . Cho dù vậy , nàng vẫn không từ bỏ ý nghĩ quyên sinh .

Thế rồi chuyện gì đến cũng phải đến . Một hôm , Tống Khang Vương cho cung nữ vời nàng đến Lộ Đài để ông ta và các hậu nương phi tần cùng thường hoa diện nguyệt . Hà Thị biết rằng đây chính là giờ phút cuối cùng để nàng tìm cách quyên sinh , tuy mặt ngòai nàng như rất thuận tòng đi cùng vệ sĩ và các cung nữ hộ giá , theo Tống Khang Vương bước lên Lộ Đài cao vời vợi . Có lẽ nói ra thì chậm so với sự việc ấy diễn ra quá nhanh chóng : Hà Thị vừa đặt chân lên thượng tần ngự uyển , lập tức đã lao mình xuống khỏang không âm u … , các vệ sĩ của nàng dù cho sáng mắt nhanh tay cũng chỉ ghì lấy được mảnh tay áo đã rách toan của nàng . Không ai có thể nghĩ rằng hành động quyên sinh của nàng bí ẩn mà lại diễn ra qúa nhanh chóng như vậy , từ trên Lộ Đài nàng đã âm thầm tuyệt vọng … tung mình từ khỏang không cao vời vợi mà tìm vào cõi chết .

Di chúc của nàng để lại là xin được hợp táng với Hàn Bằng ở cùng một ngôi mộ , Tống Khang Vương sầu não hóa ra giận dữ hẹp hòi , quyết không để cho họ cùng hợp táng bên nhau mà lại phân thành hai ngôi mộ . Nào ngờ chỉ trong một đêm , ở hai ngôi mộ mọc ra hai cây Tữ … rồi mới chỉ hơn mười hôm , các nhành lá tươi xanh hai cây mộc Tữ ấy … từ hai phía lại xòe rộng ra , đan vào nhau như những cánh tay ôm lấy nhau , hợp thành một vầng bóng rợp . Người đời thấy cảnh quan này , tấm tắc khen thay cho là điều kỳ diệu.

Truyền thuyết còn làm cho người đời kinh ngạc hơn … trải qua tháng rộng năm dài , người đời còn thấy một đôi chim nhỏ từ trong hai ngôi mộ bay ra , hợp thành một đôi , quấn quít nhau , cùng sóng đôi đậu trên cành Mộc Tữ , sớm tối kề vai , tựa đầu mà hót , âm thanh như vui **a trong trẻo , khi thê thảm như khóc như than . Có lẽ , từ đó trăm họ nước Tống đều cảm động mà đặt tên cho đôi chim là đôi Uyên Ương và gọi cây Mộc Tữ là cây Tương Tư .

Truyền thuyết của vợ chồng họ Hàn , vốn có sắc thái của vở bi kịch . Nhưng căn cứ vào truyền thuyết này mà người Hoa diễn đạt thành bức họa Cát Tường nhằm ca ngợi chữ đức tín vợ chồng thương yêu nhau , đến chết cũng không rời bỏ . Lại còn có một bức họa khác " Hà Hòa Uyên Ương " vẽ đôi uyên ương cùng bơi giữa hoa sen , lấy chữ " Hà " để hài hòa với chữ " Hòa " , là lời chúc phúc cho vợ chồng hòa thuận . Đôi khi chúng ta còn thấy các tay mãi họa nghệ thuật còn dùng chữ “ Uyên Ương Đồng Tâm “ vẽ đôi uyên ương nằm trên lá Sen , lấy ý ngó sen với những đường ống hình trụ thông suốt để nói lên cái ý vợ chồng cùng một lòng , cùng lâu bền mãi cho đến lúc răng long tóc bạc .
07. Bách Điểu Triều Phượng
( Trăm lòai chim chầu Phượng )


Tiếp nối thời đại thần thọai Trung Hoa (thời kỳ Bàn Cổ tạo thiên lập địa, rồi "Tam Hòang" , "Ngũ Thị" ) là đến thời đại truyền thuyết Trung Hoa . Thời đại truyền thuyết này ở vào thời kỳ cuối của xã hội nguyên thủy ( khỏang giữa thế kỷ 23 trước Công nguyên ) , ở Trung Hoa xuất hiện lần lượt năm vị lãnh tụ nổi tiếng , được gọi là thời đại "Ngũ đế" (*) . Từ thời Hòang Đế , con người dần bước ra khỏi xã hội nguyên thủy , đời sống có chút tiến hóa, phân quy cơ sở thượng tần và hạ tần. Xã hội Mẫu hệ chuyển sang xã hội Phụ hệ , chế độ thị tộc ngày càng chặt chẻ , biết tích lũy . Vua Hòang đế , theo truyền thuyết , là người dốc hết tinh thần chỉ bảo cho dân (thần dân trong bộ lạc) biết cách dùi cây lấy lửa , nấu gạo làm cơm, đào giếng và thuần dưỡng cầm thú thành vật nuôi trong nhà …v.v…

Câu chuyện thần thọai sau đây như là bằng chứng đặt trưng nền văn minh về mặt tâm linh của người Trung Hoa từ thời thượng cổ :

Một hôm, Hòang Đế trong lòng có vẻ phiền muộn chẳng vui, than thở cùng các đại thần :

"Ta thường thuần hóa trăm giống chim, mà chẳng thấy bóng dáng chim Phượng Hòang trong truyền thuyết, chẳng biết hình dáng nó như thế nào nhỉ ?"

Các đại thần đều không rõ ràng cho lắm, bèn cùng Hòang Đế đến thỉnh giáo đức Thiên Lão thấy rộng biết nhiều. Thiên Lão nói :

"Hình dáng chim Phượng Hòang nhìn chúng mà nói, thân trước tựa như chim hồng, thân sau như kỳ lân, cổ rắn, đuôi cá, thể rùa, dáng vẻ của rồng, móng như chim yến, mỏ như gà, lông vũ trên mình đầu đều xếp thành chữ: Đầu có chữ Đức, cổ có chữ Nghĩa, lưng có chữ Nhân, bụng có chữ Tín, cánh có chữ Lễ . Khi vươn mình vỗ đôi cánh, thì lấp lánh ánh sáng ngũ sắc …khi ăn có chừng mực, giao du có lựa chọn . Tiếng kêu như trống rền, khi bay lượn có trăm lòai chim vây quanh . Trong trăm lòai chim khắp thiên hạ, duy có Phượng Hòang là hiểu được vạn vật, thấu được trời đất, thấy khắp cả vùng, hiểu được tận cùng tám cực, bởi thế được tôn làm vua của trăm giống chim ."

Hòang Đế vặn hỏi bởi hình tượng rực rở của một lòai chim lạ :

"Vì sao ta chẳng có phúc phận được nhìn thấy thần điểu ấy nhỉ ?"

Thiên Lão cho rằng : "Chim Phượng Hòang khi xuất hiện là điềm tốt lành, là báo hiệu thời thái bình thịnh trị, nếu chỉ thấy bay lượn trên trời xanh, đấy là gặp vận may, nếu thấy nó đậu ở cành cây, kể là được đại phúc, nếu thấy nó hai lần trong năm, đáng gọi là cực kỳ tốt lành, giả như thấy nó múa ở trước sân, trăm giống chim đều đến hộ giá, như vậy đáng gọi là điềm tốt lành vô cùng, như muôn ngàn năm mới thấy được một lần ."

Hòang đế nghe bổng nổi giận nói rằng :

"Từ khi ta lên ngôi hòang đế đến nay, kính trời yêu dân, rộng thi hành chính đức, chẳng động việc binh đao, khắp chốn đều thái bình . Chẳng phải là đời thịnh trị sao nhỉ ? Tại sao đến chim Phượng Hòang bay thóang qua mà cũng không thấy nhỉ ?"

Các đại thần đều phụ họa theo lời Hòang Đế mà nghi ngờ lời Thiên Lão .

Ông lão chỉ cười nhạt nhẹ giọng nói rằng :

"Bộ lạc ở phương đông do Si Vưu gây hại, bộ lạc ở phương tây do Thiếu Hạo tác oai, Viên Đế ở phương nam quấy nhiễu, Chuyên Húc ở phương bắc làm lọan, bốn con người ấy đều tự xưng vương hiệu ở mỗi vùng, mưu đồ thóan vị, ủ chứa tai họa . Trên thì vua gặp nguy hiểm, dưới thi dân lo lắng đại họa …đấy có thể gọi là đời thịnh trị không ?"

Hòang đế được nghe những lời như thế cho là phải , liền tạ lỗi trước Thiên Lão . Tiếp đó cho dựng quân kỳ, đắp thành lũy, chế cung nỏ, tích binh lương , bắt đầu thảo phạt các bộ lạc tứ phương ( con người thượng cổ bắt đầu nhận biết tính xâm lược, thống trị kẻ yếu, mở rộng địa bàn canh cư … ) …

… Sau khi thiên hạ được thái bình, trăm họ an cư lạc nghiệp, các bộ lạc miền Hoa Hạ đều thần phục, biểu thị sự ủng hộ . Có một hôm, các thần dân xa gần tụ tập ở vùng đồng cỏ dưới núi Kiều Sơn , Hòang Đế tự mình chủ trì, tế lễ thần linh , cầu mong mùa màng bội thu , ca múa mừng thái bình . Trong tiếng ca hát vui tươi huyền nhiệm trong khỏang mây trắng trời xanh , đột nhiên truyền đến những tiếng kêu rền trời như tiếng trống đồng . Mọi người nghe tiếng đều ngước lên nhìn … ! Một con chim lớn màu sắc rực rỡ, bay lượn tít trên lưng trời cao xanh .

"Phượng Hòang !" "Phượng Hòang !" , khắp vùng Kiều Sơn trổi lên những tiếng hoan dậy như sấm động .

Ngay trong lúc đó, những lòai chim kỳ lạ không biết bao nhiêu mà kể đều bay đến, quấn quanh Phượng Hòang bay lượn như múa, cùng ca hát lên, như chúc mừng với nhân gian, tiếng dâng lên như sóng lớn …

Câu chuyện thần thọai ấy được lưu truyền trong dân gian đã mấy ngàn năm , có khi lại được thêu dệt thêm ở các thời đại vua Nghiêu , Thuấn , Vũ ,Thang , Chu …rằng chim Phượng Hòang đã mấy lần xuất hiện, rồi từ đấy về sau ít thấy dần và cảnh tượng trăm lòai chim chầu Phượng lại càng ít nghe nói đến .

Song, người đời sau luôn dựa theo câu chuyện thần thọai ấy , để vẽ ra bức họa “Bách Điểu Triều Phượng” hoặc “Nghi Phượng Đồ” với một nội dung văn hóa rất phong phú , có hàm ý nói vua hiền chúa thánh, sóng yên bể lặng, thiên hạ theo về một mối . Hơn nữa, Phượng Hòang còn là một biểu tượng của văn minh Trung Hoa, bức họa trăm chim chầu Phượng với không khí nồng nàn, nghi lễ tưng bừng, thực sự để diễn đạt sự mong mỏi vô hạn của nhân lọai về một đời sống thái bình thịnh trị như được thể hiện ra ở bức họa vậy .
---------------------

Ghi chú nhỏ :

(*) Theo lượng định về sử học thần thọai và truyền thuyết viễn cổ, các nhà sử học đưa ra hai khái niệm phân định tương đối như sau:

01. Thời đại thần thọai : bao gồm thời đại Bàn Cổ (Thủy tổ của lòai người), rồi đến Tam Hòang (Thiên Hòang , Địa Hòang , Nhân Hòang) …sau cùng là thời đại Ngũ Thị ( Hữu Sào thị , Tọai Nhân thị , Phục Hy thị , Nữ Oa thị , Thần Nông thị ) . Họ là những nhân vật mang đầy màu sắc thần linh vô biên , thành phần hư cấu ảo tưởng , chất lý tưởng hóa rất sâu đậm . Đối với lịch sử Ngũ Thi vương triều thường hay bị lẫn lộn với thuyết Ngũ Đế trong thời đại truyền thuyết , mặc dù còn có rất nhiều ghi chép đầy mâu thuẫn , nhiều điểm không thể tin cậy được , nhưng cuối cùng vẫn là một thuyết có thể tồn tại được bên cạnh các thuyết khác , đây là một thời kỳ quá độ, đưa lòai người từ thời đại hồng hoang dã man thời viễn cổ tiến tới việc hình thành xã hội nguyên thủy . 5 vị vua thần linh này đã hòan thành sự chuyển biến từ phương thức sinh họat thời nguyên thủy chuyển sang một phương thức sinh họat tiên tiến , có lợi hơn cho lòai người ; hoặc để lọai trừ tai họa, xây dựng hạnh phúc cho nhân gian .

02. Thời đại truyền thuyết : Năm vị lãnh tụ nỗi tiếng , được gọi là Ngũ đế . Tuy còn tồn tại nhiều nhận định khác nhau , nhưng giới sử học truyền thuyết nói chung vẫn cho rằng Ngũ Đế bao gồm : Hoàng Đế , Chuyên Húc , Đế Cốc , Đường Ngiêu và Ngu Thuấn . Gọi là thời đại truyền thuyết là vì có sẵn một hình ảnh thực tế nhất định nào đó , sau đó thêm thắt các chi tiết ức đóan của con người vào . Có thể nói rằng , do qúa trình truyền bá , chịu ảnh hưởng ý nguyện chủ quan của con người, các ý nguyện đó ở mỗi con người một khác , vì vậy dẫn đến kết quả : càng về sau , sự thật của hiện tượng không giữ nguyên được chân tướng ban đầu của nó . Cho nên Thời đại truyền thuyết có thể trở thành một phương tiện trực tiếp giúp các nhà nghiên cứu lịch sử tham khảo để tìm ra bộ mặt thật của lịch sử .
08. Thường Nga Bôn Nguyệt
( Hằng Nga lên trăng )

Bạn nghe nói đến Hằng Nga ( hay còn gọi là Thường Nga ) được các ông bà nội ngọai của mình có thể kể cho nghe về câu chuyện thần thọai của nàng khi mỗi độ Trung Thu về , và cũng có thể khi còn ở tuổi đồng ấu ,bạn rất vui khi được cha mẹ mua tặng cho chiếc lồng đèn con thỏ , để tung tăng rong chơi khắp ngõ hẹp phố phường trong đêm Trung Thu .

Chuyện về nàng Thường Nga , mang đậm nét thần thọai dường như quen thuộc với mọi người . Song tình tiết và kết cục thường không giống nhau do truyền khẩu trong dân gian . Vì thế, bức vẽ "Thường Nga Bôn Nguyệt" cũng được biểu hiện ở nhiều ý niệm tượng trưng rất khác biệt nhau .

Câu chuyện thần thọai về Hằng Nga - một nàng tuyệt thế giai nhân bay lên tận vầng trăng sáng được kể rằng :

Nàng tên Thường Nga vốn là vợ Hậu Nghệ (1) sống vào thời vì vua thứ ba có tên là Hạ Thái Khang trong vương triều nhà Hạ (2) . Thái Khang vương hoang dâm vô đạo , đam mê tửu sắc , nghe nói đến người vợ của Hậu Nghệ là bậc tuyệt sắc giai nhân , dụng tâm chiếm đọat , dùng công hầu khanh tước , mang đất U Châu thưởng cho Hậu Nghệ để mặc cả giai nhân . Hậu Nghệ ban đầu không muốn tiếp chỉ , song , do sự xúi giục của kẻ bầy tôi , nên tiếp thu sắc phong đi đất U Châu và mang Thường Nga nhập cung cho Hạ Thái Khang …Chỉ tội cho nàng Thường Nga , vừa giận Thái Khang vô đạo , lại giận chồng vô tình bạc nghĩa , trong đêm trước ngày chuẩn bị nhập cung vương …nàng lấy trộm thuốc bất tử để uống vào mà Tây Vương Mẫu ban cho Hậu Nghệ . Khi thuốc thấm vào thân thể , thoắc chốc nàng thân như mây khói …nàng như muốn trốn chạy nhân gian hiểm độc , bạc tình bạc nghĩa nên cứ nhắm hướng vầng trăng sáng mà bay lên mãi .
Bức họa Thường Nga trong tình tiết này , cho thấy sự mong mõi của mọi người được bất tử , được nhàn hạ như là ở cõi tiên vậy .

Ở một bức vẽ khác cũng được gọi tên là "Thường Nga Bôn Nguyệt" tô điểm trước cung Qủang Hằng ( Bắc Kinh ) . Cảnh Thường Nga đang nhịp nhàng ca múa , phía dưới có con ngọc thỏ đang giã thuốc . Câu chuyện thần thọai được kể khác đi : Thường Nga là vợ của Hậu Nghệ , một anh hùng xuất thân thời Đường Nghiêu (3) , được Tây Vương Mẫu tín nhiệm trao giữ một viên tiên dược . Vào một đêm vua Đường Nghiêu bầy tiệc rượu để mừng công Hậu Nghệ đã vì thần dân trong bộ lạc diệt được ác tà . Hậu Nghệ uống đến say mèm mới thôi . Kẻ say trở về nhà , thần trí không còn tỉnh táo, xui bảo Thường Nga lấy thuốc quí nuốt đi . Nàng lúc đầu không chịu nghe theo, nhưng Hậu Nghệ cứ nài ép mãi , cuối cùng nàng cũng đành chìu theo ý . Thuốc vừa thấm vào thân thể , chợt thấy người nhẹ bổng , thân thể bay lên , Hậu Nghệ chỉ kịp chạy đến túm lấy áo nàng và rồi hai vợ chồng cùng bay vào cõi thiên đình .
Tây Vương Mẫu nghe tin nỗi giận thì cũng đã muộn , bắt Thường Nga đến hậu đình của Ngọc Đế để sai bảo , lại bắt Hậu Nghệ hóa thành một con thỏ ngọc lưu đày đến đất Nguyệt Lượng ( hay Nguyệt Nham ám chỉ vùng đất trên mặt trăng) làm lao công giã thuốc . Khi nào giã xong thuốc tiên trả cho bà , thì lúc đó bà mới trả lại hình hài như xưa . Thực chất , công việc giã thuốc như là một hình phạt vô kỳ hạn . Thường Nga rất xót xa hối hận không thôi khi thấy chồng rơi vào hòan cảnh như vậy . Nàng đã vứt bỏ cảnh sinh họat phồn hoa mỹ lệ ở hậu đình của Ngọc Hòang cùng chạy theo thỏ ngọc ( tức Hậu Nghệ ) lên vùng đất Nguyệt Lượng lạnh lẽo . Từ đó , Ngọc thỏ cứ suốt ngày cầm chày giã thuốc , Thường Nga ở bên múa hát làm vui . Sự việc như thế khiến cho Ngọc Hòang phải cảm động vì sự hy sinh cam chịu lưu đày cùng với người yêu , bèn phong cho Thường Nga là Nguyệt thần , hưởng thụ sự cúng tế của phụ nữ ở nhân gian .

Bức vẽ Thường Nga theo tình tiết này có thể là một ý niệm dành cho phụ nữ cúng tế Nguyệt thần “cầu phúc tế trăng” như là một tập tục cứ vào mỗi dịp tết Trung Thu .Hình ảnh người phụ nữ qua Nguyệt thần là sự nhẫn nại hy sinh ,tận tụy chăm sóc, **m bọc lấy ý niệm về con Ngọc Thố kia tượng trưng cho hình ảnh trẻ con , đáng trách mà cũng đáng thương . Thường Nga bên cạnh thỏ Ngọc như mong muốn thỏ Ngọc luôn giữ gìn đức tín đáng yêu , cũng như tình mẹ mong mõi cho con trẻ có được tinh thần mạnh khỏe và trong sáng mãi mãi . Tập tục này cũng sinh ra chiếc đèn lồng con thỏ cho trẻ con .

Lại một bức vẽ khác , miêu tả Thường Nga từ cung Trăng bay về nhân gian , thần thọai kể rằng :
Thường Nga sau khi uống trộm thuốc bất tử của chồng là Hậu Nghệ là một vị thần xạ thủ thời Đường Nghiêu , rồi bay lên được vùng đất Nguyệt Lượng (ám chỉ cảnh trên cung trăng) . Cuộc sống lầu ngọc nơi tiên cảnh đã làm cho : "Thường Nga hối hận mê linh dược , biển biếc đêm thanh dạ những sầu" miêu tả muôn phần nỗi cô tịch của nàng . Riêng Hậu Nghệ từ đó mang niềm thương nhớ không nguôi , tâm thần hỏang hốt . Vào một đêm trước ngày rằm tháng 8 (âm lịch) , đột nhiên anh mộng thấy Thường Nga . Sau khi tâm sự ảo nảo hết với chồng rồi bảo Hậu Nghệ :

"Bình thường , thiếp chẳng về trần gian được , ngày mai là lúc mặt trăng tròn nhất (Trăng rằm tháng tám trong âm lịch) , chàng lấy bột gạo viên tròn cho giống như mặt trăng , đặt lên phía tây bắc nóc nhà , sau đó liên tục gọi tên của thiếp . Đến canh ba thiếp có thể về đến nhà ."

Hậu Nghệ làm theo lời vợ dặn , quả nhiên Thường Nga từ cung trăng trở lại nhân gian , vợ chồng lại được đòan viên . có thể từ đó phong tục làm bánh Trăng vào dịp tết Trung thu cho Thường Nga từ đó mà ra

Ở bức vẽ Thường Nga biểu tượng cho tình tiết này là sự khao khát có cuộc sống đòan viên tốt đẹp của nhân gian , khao khát một đời sống hạnh phúc .

Tóm lại những bức họa về nàng "Thường Nga Bôn Nguyệt" đều có sức thu hút nhân tình , nhân bản và cũng giàu hình ảnh thơ mộng nhất .
------------------------

(1)Hậu Nghệ là người Đông Di, vì vậy còn có tên là Di Nghệ , là tù trưởng của bộ lạc Hữu Hùng thị (nay thuộc Lạc Dương , Hà Nam) . Có 2 thần thọai rất đẹp liên quan đến Hậu Nghệ mà mọi người đều biết :
- Một là : các câu câu chuyện thần thọai về ông ta như trên đã kể .

- Hai là : Hậu Nghệ là một tay xạ thủ rất giỏi (thần tiển) , bắn rơi chín mặt trời , cứu dân khỏi nạn bị mặt trời thiêu đốt , và giết chết một con trường xà trừ hại cho dân .

Việc Có một người tên là Hậu Nghệ là một chuyện , còn những thần thọai đẹp xung quanh ông ta lại là một chuyện khác , đều không cần xem xét một cách chi tiết . Chúng ta chỉ biết được qua sử sách rằng , Hậu Nghệ là một người anh hùng tài giỏi , sáng suốt . Ở ngôi vua thứ sáu từ 1908 đến 1900 trước Công nguyên trong vương triều nhà Hạ , nhưng các nhà sử học không tính thời điểm làm vua của ông do không phải là thành viên gia tộc trong vương triều nhà Hạ , cho rằng đó là thời điểm Hậu Nghệ đọat ngôi vua . Hậu Nghệ đã thể hiện tài năng của mình , làm khuấy động mấy thời đại trong vương triều nhà Hạ , từ Hạ Thái Khang đến Hạ Trọng Khang , đến cả Hạ Tướng . Tất cả mọi quyền hành ông đều nắm trong tay , cho đến lúc tự mình ông ta bước lên ngai vàng .

(2)Tự Thái Khang : Sử gọi là Hạ Thái Khang , vì có nguyên gốc xuất thân từ bộ lạc Hạ (ở huyện Vũ , Hà Nam) . Ở ngôi vua thứ ba trong vương triều Hạ từ năm 1978 đến năm 1950 trước Công nguyên .

(3 )Đường Nghiêu : là Nghiêu đế Y Phòng Huân là vị vua nổi tiếng của thời đại “Ngũ đế” truyền thuyết . Theo các nhà sử học truyền thuyết .Lúc đầu, Nghiêu đế là người của bộ lạc Đào (Sơn Đông) sau , làm tù trưởng bộ lạc Đường . Khỏang năm 28 tuổi lên làm vua , nên gọi là Đường Nghiêu đế .

sưu tầm