Thực hư về huyền thoại sọ pha lê

TP - Nghiên cứu mới nhất vừa công bố trên tạp chí Khoa học khảo cổ (Journal of Archaeological Science) cho hay không còn nghi ngờ gì, tất cả sọ pha lê chỉ là trò lừa bịp.


Sọ pha lê trưng bày tại Bảo tàng Anh là đồ giả
Những chiếc sọ pha lê được cho là của người Atex hay Maya, trưng bày tại Bảo tàng Anh (London), Smithsonian Institution (Washington) từng được xem như huyền thoại.

Nhiều người nghi hoặc về nguồn gốc của chúng từ lâu nhưng chưa có đủ luận chứng khoa học.

Nhưng nghiên cứu mới nhất vừa công bố trên tạp chí Khoa học khảo cổ (Journal of Archaeological Science) cho hay không còn nghi ngờ gì, tất cả sọ pha lê chỉ là trò lừa bịp.

Theo truyền thuyết, những chiếc sọ pha lê là quà tặng của thần linh cho loài người, được người da đỏ tôn thờ như vật linh. Thời gian mới được phát hiện, chúng được xem như có sức mạnh thần bí.

Nhưng nghiên cứu mới nhất trên tạp chí Khoa học khảo cổ chỉ ra chúng chính là tác phẩm gia công tinh vi trong thời hiện đại.

Bài báo nhấn mạnh thêm, chúng chỉ được làm khoảng hơn mười năm trước khi được mang ra bán lần đầu tiên vào thế kỉ 19. Trên thế giới tồn tại khoảng 12 chiếc sọ pha lê mang danh của người Atex hay Maya cổ đại. Ba tháng trước, các nhà khoa học từng kết luận sọ ở Quai Branly có dấu hiệu mài mòn và đánh bóng nhờ các dụng cụ hiện đại.

Chiếc sọ ở London cao 15 cm, Bảo tàng Anh mua về năm 1897, có nhiều dấu hiệu cho thấy “tác giả” dùng tới máy tiện tạo bề mặt, máy khoan tạo ra hố mắt và mũi.

Kim cương và khoáng chất corundum cùng với các dụng cụ bằng sắt, thép được sử dụng làm nguyên liệu đánh bóng bề mặt. Đây là kết quả thu được khi các nhà nghiên cứu dùng kính hiển vi điện tử quan sát.

Ở chiếc sọ trưng bày ở Smithonian Institution cao 25,5 cm, mua về năm 1992, người ta cũng phát hiện ra những dấu vết gia công nhẹ. Hơn nữa, khi phân tích thạch anh của hộp sọ, các nhà khoa học chỉ ra rằng, nguồn gốc của chiếc sọ có khả năng ở London là ở dãy Alpe, Brazil hay Madagascar, còn sọ ở Washington có thể đến từ nhiều nơi, trong đó có Mexico và Mỹ.

Kết quả nghiên cứu càng khẳng định nghi ngờ của giáo sư Ian Freestone tại Đại học Cardiff (Anh) từ vài năm gần đây. Ông từng cho biết tìm thấy nhiều dấu vết gia công trên chiếc sọ, nó mới được làm vào thế kỉ 19.

Chính tuyên bố của ông khiến nhiều nhà khảo cổ học, khoa học vào cuộc và đưa ra nhiều bằng chứng cho hay những hộ sọ này ra đời từ công nghệ Âu châu thế kỉ 19.

T. Toan
Theo AFP

http://www.tienphong.vn/Tianyon/Inde...3&ChannelID=46