CHÌA KHÓA GIẢI MÃ BÍ ẨN VŨ TRỤ

Chiếc máy gia tốc hạt mạnh nhất thế giới Large Hadron Collider (LHC) hầu như đã sẵn sàng hoạt động. Tổ máy LHC của Tổ chức Nghiên cứu nguyên tử châu Âu (CERN) có chu vi tới 27km và nằm sâu 100m dưới lòng đất tại khu vực biên giới Pháp - Thụy Sĩ. Tổng chi phí của công trình thí nghiệm khoa học được xem là tham vọng và vĩ đại nhất trong lịch sử này lên tới 5,8 tỉ USD.





LHC sẽ chạy thử vào tháng Tám năm nay, và đạt mức năng lượng tối đa trong vòng vài tháng tới.

ĐI TÌM VẬT CHẤT VÔ HÌNH

Giới khoa học toàn cầu hi vọng khi bắn phá các hạt cơ bản, LHC sẽ tạo ra được vật chất vô hình. Đây là loại vật chất không thể nhìn thấy nhưng qua đo đạc cho thấy chúng chiếm tới 96% trọng lượng của vũ trụ. Cho tới nay, vật lý hiện đại vẫn chưa thể giải thích nổi vật chất vô hình là gì. CERN cũng tin rằng LHC sẽ "tóm" được hạt Higgs, loại hạt tạo ra khối lượng cho vật chất. Từ nhiều năm nay, các nhà khoa học đã truy lùng hạt này và được gọi là "hạt cơ bản của Thượng Đế".

CHỨNG MINH KHÔNG GIAN 10 CHIỀU CỦA VŨ TRỤ

Một mục tiêu nữa mà CERN hướng tới là tìm ra bằng chứng của các chiều không gian khác của vũ trụ, theo lập luận của Lý thuyết Siêu dây của vật lý hiện đại. Đây là lý thuyết cho rằng các loại hạt cơ bản tạo nên nguyên tử là những dây dao động vô cùng nhỏ, qua đó giải thích được rất nhiều câu hỏi hóc búa trong vật lý. Lý thuyết cho rằng không gian vũ trụ có mười chiều, thay vì ba chiều như chúng ta cảm nhận.

Báo Guardian (Anh), khẳng định LHC sẽ là bước tiến tới việc giải mã những bí ẩn lớn lao của vũ trụ, và do đó đáng từng đồng tiền bỏ ra.

(Tuổi Trẻ)