Kỳ nhân uống thuốc độc để tìm cách giải độc
16/08/2011 1556

- Đến xã Đồng Thắng, hỏi ai cũng biết gã Chu Văn Làu ở thôn Nà Xong, xã Đồng Thắng, Đình Lập, Lạng Sơn. Gã được mệnh danh là "kỳ nhân" giải độc với những chiêu thức rất kỳ quái, rùng rợn. Gã chưa chịu khuất phục trước loại kịch độc nào.

Học nghề bằng cách uống thuốc độc


Gặp gã, cảm giác rùng rợn lấn át, đôi mắt thẳm sâu đầy bí hiểm của người thầy thuốc Tày. Trông gã có vẻ già hơn so với năm sinh 1950. Biết chúng tôi tìm hiểu viết bài, gã cũng "dè chừng". Cũng may tôi đi cùng với một người dân bản địa có họ hàng với gã, gã mới cho viết.

Gã lớn lên ở "vựa thuốc nam" xứ Lạng. Gia đình lão cũng dòng dõi thầy lang, gã thường cùng gia đình đi miệt rừng kiếm tìm thuốc thang và niềm đam mê với cây thuốc Nam đã ngấm sâu vào xương tủy lão. Hồi nhỏ, thấy nhiều người đi rừng bị rắn cắn chết, bị trúng thuốc độc không ai cứu nổi.

"Thương họ quá! Tự nghĩ mình phải tìm cách cứu chữa cho dân bản". Thế rồi, gã khăn gói lên đường tìm thầy để học nghề giải độc.

Gã nghe có ai nói ông Hà A Si ở ẩn dật nơi xó núi thôn Khe Luồng (xã Lâm Ca, Đình Lập, Lạng Sơn) thạo về món giải độc nên đã tìm đến học. "Lần đầu đến cầu học, ông Si không nhận. Lần thứ hai tôi đã quỳ 3 ngày 3 đêm, đến khi ngất tại cửa nhà ông Si, cũng bị từ chối, nhiều lần đến quỳ nữa cũng không thuyết phục được". Gã vẫn không chịu bỏ cuộc.


Chân dung kỳ nhân giải độc Chu Văn Làu


Gã dùng đến hạ sách "uống thuốc độc ăn vạ", biết lông con sâu róm có độc, gã cắt nhỏ và đem đến cửa nhà ông Si, rình lúc nào ông Si đi hái thuốc về mới nuốt vào mồm để thể hiện nhiệt tâm của mình. Hứng chịu cảm giác ngứa ngáy, rát khô cổ họng, đau đớn, khạc không ra đờm, đau vật vã, đau hơn người ăn bả chó tự tử, cuối cùng gã đã được thầy Si dạy giải độc. Gã mừng lắm! Gã kể một cách mạnh mẽ, như khoe chiến tích chứ không tỏ vẻ ghê sợ.

Gã kể: Tôi tự nghiên cứu và phát triển các bài thuốc giải độc của thầy Si: "Nghiên cứu biểu hiện của độc dược ở mọi vị trí và giác quan, cơ quan, tìm loại thảo dược khắc chế từng chất độc một".

Cách giải độc kỳ quái

Cách giải độc của gã cũng không hẳn là dựa vào thần ma, quỷ quái như một số thầy thuốc khác. Gã vận dụng Tây y, Đông y, dựa trên những kinh nghiệm, thử nghiệm với các bài thuốc một cách bài bản, có khi còn biến mình thành vật thí nghiệm.

Chỉ cần nhìn qua gã biết ai trúng độc. Nước da nhợt nhạt, người xanh tái, lưỡi bị thâm tím lại, khi bấm vào ngón tay thấy vết bấm trắng ra và máu không thể lưu thông được là bị trúng độc. Ngoài ra, còn những biểu hiện như bị ngứa cổ họng, khạc nhổ không ra đờm.


Thuốc giải độc đã được sắc nhỏ, phơi khô chờ pha chế


Với những loại độc dược nào lạ, gã thí nghiệm trên chuột, nghiên cứu đặc tính, tìm cách hóa giải. Đôi khi, gã tự mình uống thử thuốc độc rồi tự giải.

"Gia đình thấy tôi nôn thốc, nôn tháo, nôn cả máu, nên hốt hoảng, nhưng tôi lại cười vì mình đã "vận công" ép được chất độc ra khỏi người". Dân bản có người gọi gã là "quái nhân giải độc" là vậy.

Gã lý giải rằng, mấy loại chất độc như rắn cắn, ngộ độc thức ăn và loại độc do thả thuốc, yểm bùa... đều có cách hóa giải riêng: "Với nọc độc rắn, bọ cạp cắn... cần buộc ngăn chặn viết thương lây lan, rồi hút máu độc ra ngoài. Nếu đã bị lây lan toàn thân, cần dùng kim đã tẩm thuốc giải độc châm vào các huyết mạch, sau đó lại lấy cây thuốc giải độc để ngâm tắm, đồng thời uống thuốc để phân hủy chất độc. Còn khi đã bị ngộ độc thức ăn cần dùng các chất thật đắng, mùi thật khó chịu như lá mơ (lá mơ để nấu với thịt chó), cạo lớp sơn ở vỏ cây tre... cho bệnh nhân nôn hết chất độc trong người. Sau đó uống thuốc giải để phân tán những chất độc đã ngấm vào các cơ quan khác của cơ thể".



Người ta lưu truyền rằng bài thuốc "phối tam kịch độc": Lấy con sâu róm bỏ vào gốc măng và niệm chú, một thời gian nó thối rữa ra tạo thành "đé" (phần chất thối rữa bị cứng lại) là khó giải nhất nhưng gã cũng không chịu bó tay. Khi bệnh nhân trúng loại kịch độc này, người sẽ yếu ớt, cổ họng khô cứng, khạc không ra. Không được chữa kịp thời sẽ chết. Đối với loại độc này, gã dùng một số cây thảo dược có chứa chất thật nóng ngâm với rượu thật nặng (khoảng 60o) để sao cho khi uống vào sẽ làm phân hủy độc, cộng thêm một số cây thảo dược làm tiêu độc.

Gã bộc bạch: "Chữa độc dược cũng không khó lắm, quan trọng là mình biết đấy là loại độc nào, chất gây độc và cách thức phát bệnh để chọn cách chữa. Lúc giải độc cũng cần phải xem cơ thể người đang trúng độc có thể chịu được và không gây phản ứng".

Anh Đàm Văn Hiện ở thôn Nà Quan, xã Đồng Thắng kể lại với lòng đầy biết ơn: "Có lần tôi bị trúng độc, đau đớn, người yếu ớt, chân tay rã rời, ngứa rát cổ họng, đau vật vã, lăn lộn, tưởng không qua khỏi. Gã lấy thuốc ngâm rượu thật nặng cho tôi uống, rượu vào đến đâu là nóng ran đến đó, tưởng như cháy ruột gan, lúc đó gã châm cứu các huyết mạch rồi lấy thuốc để tắm. Mấy ngày sau cổ họng đỡ rát, người đã khoẻ dần. Nếu không có gã, tôi đã chết lâu rồi".

Gã tâm sự: "Giải độc cần đến sự kết hợp giữa Đông y và Tây y. Cho nên việc chữa bệnh cũng cần rất cẩn thận và tỉ mỉ, người chữa thuốc độc cũng cần rất tâm huyết, đôi khi phải hy sinh cả tính mạng cho nghề".

Theo Lương y, BS Phạm Văn Thanh, nhà thuốc Hoàng Liên Sơn, thành phố Lào Cai, người từng có nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực y học cổ truyền thì những bài thuốc giải độc như vậy vẫn thấy ở một số nơi của bà con dân tộc Tày, Mường, Thái... Những bài thuốc này thường lưu truyền rải rác trong nhân dân nên rất khó kiểm soát.

Một số vị thuốc độc có thể gây tổn hại cho ngũ tạng ngay lập tức hoặc dần dần, như lá ngón hay cà độc dược chẳng hạn. Trong y học, những loại cây này được xếp vào loại độc bảng A, tức là kịch độc. Những trường hợp lục phủ ngũ tạng bị đầu độc đến mức thối rữa ra rồi mà vẫn cứu được quả đó là những bài thuốc giải thần kỳ. Tôi cho rằng chúng ta cần phải ghi chép lại những bài thuốc độc và thuốc giải tương ứng với nó. Điều này chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều cho công tác nghiên cứu trong y học cổ truyền, và chữa bệnh cho nhân dân.



Hoàng Tào