TỪ THIỀN ĐẾN HOA NGHIÊM
Suzuki

Tuệ Sỹ (dịch và bình chú)




1

KHỞI THUỶ, Thiền đã không kết chặt với Hoa nghiêm (Gaṇḍavyūha-sūtra) như Lăng già (Laṅkāvatāra) hoặc Kim cang (Vajracchedikā). Bồ-đề-đạt-ma trao truyền Lăng-già cho người đệ tử Trung Hoa tâm tuỷ của ngài là Huệ Khả 慧可, coi như kinh này chứa đựng một nền giáo pháp quan hệ mật thiết với Thiền, và sau Hụê Khả kinh đã là tinh túy học tập của các môn đệ Thiền. Họ biết đến kinh Kim cang vào thời Hoằng Nhẫn弘忍 và Huệ Năng耐慧能, khoảng một năm rưỡi năm sau Bồ-đề-đạt-ma. Nhưng Thần Hội 神會, vốn là một trong những đệ tử chân truyền của Huệ Năng, đi xa hơn nữa, khi tuyên bố rằng chính vị Sơ Tổ của Thiền đã trao tay Kim cang cho Huệ Khả[1] . Dù quan điểm này có thể không đúng theo lịch sử, chúng ta vẫn có thể khẳng định rằng kinh Kim cang đã có ảnh hưởng lớn lao trên việc học Thiền vào thời bấy giờ, khoảng cuối thế kỷ VII. Mối liên hệ giữa kinh Hoa nghiêm và Thiền chưa bắt đầu trước thời Trừng Quán 澄觀(738-839), Tứ tổ Hoa nghiêm tông của Phật giáo Trung Hoa, học Thiền với Vô Danh無名, một đệ tử của Thần Hội. Trừng Quán là một triết gia lớn và đã cố công kết nạp Thiền vào thể hệ của riêng mình. Sau sư, có Khuê Phong Tông Mật 圭峰宗密 (780-842), cũng từng học Thiền và cho ra một bản đại sớ về kinh Viên giác圓覺經 [2] mà sư giải thích theo triết lý của tông phái mình. Sư cũng viết một tác phẩm về các đường lối lãnh hội Thiền khác nhau; không may, sách đã bị thất lạc, chỉ trừ phần tựa.[3] Đại ý là nêu những điểm cốt yếu của Thiền và tách biệt chúng khỏi những ngộ nhận không chỉ đã từng xảy ra đối với bản thân của Thiền mà còn đối với sự quan hệ của nó trong triết lý của đạo Phật. Như thế, do Tông Mật, Thiền mới có liên lạc với những kinh điển khác ngoài Lăng già và Kim cang, và nhất là Hoa nghiêm.

Trong khi các luận sư của Hoa nghiêm tông vận dụng những lối trực chỉ của Thiền theo cách riêng của họ, các Thiền sư được lôi cuốn đến nền triết học tương tức tương nhập [4] do Hoa nghiêm chủ xướng, và họ cố gắng đưa nó vào trong những bài pháp của mình. Chẳng hạn, Thạch Đầu (699-790) trong Tham đồng khế,[5] miêu tả tích cách tương giao của Sáng và Tối như là hạn chế lẫn nhau và đồng thời dung hợp lẫn nhau. Động Sơn (806-859), trong một đoản văn theo thể kệ, gọi là Bảo kinh tam muội ca,[6] giảng giải về tích cách tương giao của thiên 偏 (lệch) và chính 正 (ngay), phần lớn có công dụng như của Thạch Đầu, vì cả Thạch Đầu và Động Sơn đều thuộc về lưu phái Thanh Nguyên Hành Tư 青原行思 (tịch 740) được gọi là phái Thiền Tào động 曹洞宗 [7] . Ý tưởng này, về Tương tức và Hồi hỗ[8], chắc chắn phát xuất từ triết lý Hoa nghiêm do Pháp Tạng 法藏 (Tl. 634-712) tập đại thành. Bởi vì Thạch Đầu và Động Sơn đều là Thiền sư, nên lối trình bày của họ hoàn toàn không như của một nhà huyền học. Có thể “bốn liệu giản ” [9] của Lâm Tế cũng xuất phát từ giáo học của Pháp Tạng.

Ảnh hưởng của Hoa nghiêm tông nơi các Thiền sư càng lúc càng tăng gia theo với thời gian, và đạt đến cao độ của nó ở thế kỷ X kể từ Tông Mật, tổ thứ năm của Hoa nghiêm tông Trung Hoa. Chính Pháp Nhãn Văn Ích 法眼文益 (885-958) người sáng lập nghành Thiền Pháp nhãn, đã kết nạp triết lý Hoa nghiêm vào trong pháp môn Thiền học của mình, mặc dầu sư không phải là người trong Hoa nghiêm tông, nhưng đã hẵn là có ấn tượng sâu đậm về các tác phẩm của Đỗ Thuận 杜順 (tịch Tl. 640) và Pháp Tạng (tịch 712), và những triết gia Hoa nghiêm khác; vì sự thực hiển nhiên là sư đã dạy các môn đệ mình nghiên cứu các sáng tác của họ coi như một trợ duyên để thành tựu Thiền. Sư cũng viết một bản bình giải về Tham đồng khế của Thạch Đầu, mà, như tôi đã nói ở trên, vốn căn cứ trên siêu hình học của Hoa nghiêm.

Trào lưu này, trào lưu kết hợp Thiền với triết học của Hoa nghiêm kinh (Avataṃsaka) hay của Pháp hoa kinh (Saddharma-puṇḍarika) lên đến tột đỉnh khi Vĩnh Minh Diên Thọ 永明延壽 (904-975) viết trường thiên Tông kính lục,[10] gồm một trăm quyển. Trong tác phẩm này, sư có ý dung hợp tất cả những dị biệt của tư tưởng Phật học vào học thuyết duy tâm – “Tâm” theo nghĩa là một thực tại cứu cánh tự giác sát, chứ không phải là sở cứ của tâm thức thường nghiệm chúng ta. Đừng nên nhầm lẫn học thuyết duy tâm này với triết học duy thức (vijñānamātra) của phái Du-già hành (Yogācāra), vì Diên Thọ theo dòng tư tưởng xuyên qua Lăng già (Laṅkāvatāra), Hoa nghiêm (Avataṃsaka) và Khởi tín luận (Śraddhotpāda), vân vân.[11]

2

Nói cho chí lý, Thiền có lãnh vực riêng của nó, ở đó phát huy tất cả diệu dụng của mình. Ngay khi vi hành ngoài lãnh vực này, nó đánh mất sắc thái bản hữu của mình và đến mức nào đó thì mất luôn cả bản tính. Khi có ý định tự xiển dương bằng một hệ thống triết lý, nó hết còn là Thiền thuần túy và đơn giản; và xen lẫn vào những cái không liên hệ thiết tha. Dù có giải thích hợp lý, Thiền cũng bị giả trang. Vì lý do đó, các bậc thầy của nó đã cố thủ để khỏi bị chen chân với bất cứ tông phái siêu hình nào, dù Phật hay Lão hay Khổng. Ngay cả khi Bồ-đề-đạt-ma trao tay Lăng-già cho Huệ Khả, mà Huệ Khả và các môn độ của ngài đã không chịu viết gì hết về kinh này trong bản chất của một luận giải. Mặc dù Huệ Năng hình như đã phô diễn kinh Kim cang theo sở đắc, các miêu duệ của ngài lại hoàn toàn quên lãng nó, và những pháp thoại hay những ngữ lục của họ diễn tiến trong một chiều hướng khác hẳn. Dĩ nhiên, họ thường tham khảo tất cả các kinh luận, tự do dẫn chứng các đoạn văn trong ấy, nhưng họ luôn luôn cẩn thận để khỏi bị vướng mắc vào văn tự, khỏi bị sơn phết với những ý tưởng siêu hình làm luận cứ cho những sáng tác này.

Các Thiền sư đã dẫn chứng kinh Hoa nghiêm (Avataṃsaka) ngay cả trước Đỗ Thuận, bởi vì, theo Lăng già sư tư ký,[12] Huệ Khả nhắc nhở rất nhiều về kinh này hậu thuẫn cho sở kiến, theo đó, cái Một luân lưu toàn vẹn trong thế giới đa thù; còn Đạo Tín 道信, đồng thời với Đỗ Thuận, cũng dẫn chứng một đoạn trong kinh này nói rằng một hạt bụi bao trùm trong nó vô số thế giới. Là những Thiền sư, họ không có ý hệ thống hoá những trực giác về Thiền của mình; họ bằng lòng dẫn chứng những đoạn văn nào đồng điệu với những ý tưởng của mình. Vì vậy, những dẫn chứng của họ không giới hạn vào kinh Hoa nghiêm; họ tìm thấy đâu những câu dùng được thì dùng liền; chẳng hạn, từ kinh Pháp hoa (Saddharma-puṇḍarika), Duy ma cật (Vimalakīrti), kinh Kim cang (Vajracchedikā), Lăng già (Lankāvatāra), Bát-nhã, Pháp cú (Dharmapada), vân vân. Nhưng trong trường hợp Hoa nghiêm, sự trích dẫn có tính cách cục bộ và chuyên biệt hơn nhiều, nó được đặt trong toàn thể tư tưởng cốt yếu của kinh này. Từ chỗ đó, hình như các Thiền sư ngay từ đầu đã coi đây là một kinh văn hậu thuẫn những chứng nghiệm của họ ngang tầm Lăng già và Kim cang. Nhưng vì lập trường của họ là nặng về tâm mà nhẹ hẳn về văn tự, nên họ không tiến xa đến chỗ thiết định một nền triết lý truyền theo Hoa nghiêm. Luôn luôn họ cố thủ trên những sự thật chứ không ở trên những ý tưởng. Bởi vì họ nói, dẫn kinh Hoa nghiêm, rằng:

“Như một người nghèo ngày đêm đếm những kho tàng không thuộc về mình, trong lúc y không có lấy một quan tiền làm của. Học nhiều thì cũng vậy. Lại nữa, nhất thời các người có thể đọc sách, nhưng hãy cẩn thận để sang một bên ngay khi có thể. Nếu các người không rời bỏ sách, sẽ trở thành thói quen chỉ luyện tập văn tự. Cái đó y như tìm băng giá bằng cách hâm nóng dòng nước chảy, hay như tìm tuyết bằng cách đun sôi nước nóng. Vì vậy, có lúc chư Phật nói rằng (đạo lý tối thượng) khả thuyết, có lúc nói rằng là bất khả thuyết. Sự thật thì không có gì khả thuyết, hay bất khả thuyết nơi Pháp tánh (thật tướng), vốn là cảnh giới của các pháp hiện tiền. Khi một cái này mà nắm được trọn vẹn, thì muôn nghìn cái khác cũng theo luôn. Cũng vậy, kinh Pháp hoa nói rằng Thực tại chẳng phải thực hay phi thực, chẳng phải Như hay không Như.” [13]