Hoàng đế đầu tiên của Nhật Bản là người Trung Quốc? (Phần I)
Thứ ba, 1/7/2008, 07:00 GMT+7

Năm 1987, tôi được biết Ueno, một học giả Nhật Bản hiện đang làm việc tại trường đại học Waseda, nghiên cứu rất sâu về Từ Phúc. Vị học giả này nói rằng, chính Từ Phúc và những người đi theo ông ta đã sinh sôi thành ngàn vạn đời con cháu trên đất nước Nhật Bản. Chỉ cần nhìn nhãn cầu có màu vàng nâu của người Nhật Bản có thể khẳng định họ là hậu duệ của bộ lạc Tề (nước Tề, quê hương Từ Phúc). Ở Nhật Bản có rất nhiều người mang họ Saito, trong Hán ngữ có nghĩa là Tề. Có thể nói, chí ít cũng có 30% người Nhật có huyết thống Trung Hoa và họ đều là hậu duệ của những tùy tòng của Từ Phúc.






Tượng Từ Phúc ở Nhật Bản


1. Lai lịch Từ Phúc

Từ Phúc là đồ đệ của nhân vật nổi tiếng thuộc phái Binh gia Quỷ Cốc Tử. Quỷ Cốc Tử từng làm tể tướng nước Sở, sau đó về ở ẩn ở nước Vệ, thu nhận đồ đệ tại tỉnh Hà Nam, huyện Kỳ, núi Vân Mộng. Bởi vì Quỷ Cốc Tử thu nhận đồ đệ tại đây mà địa danh này trở nên nổi tiếng. Quỷ Cốc Tử tên là Vương Thần, còn gọi là Vương Hử, người nước Vệ, thời Chiến Quốc. Lớn lên theo thuật Tung Hoành, tinh thông binh pháp, võ thuật, kỳ môn độn giáp. Ông nổi tiếng có cuốn sách Quỷ Cốc Tử binh pháp còn lưu truyền đến nay. Quỷ Cốc Tử thường ngày ẩn cư trong núi Vân Mộng dạy đệ tử. Trong những đồ đệ của Quỷ Cốc Tử thì Từ Phúc là đồ đệ thuộc hàng sau Tôn Tẫn, Bàng Quyên, Tô Tần, Trương Nghi, Mao Toại, những nhân vật nổi tiếng thời Chiến Quốc.

Trong số những đồ đệ của Quỷ Cốc Tử, Tôn Tẫn, Bàng Quyên chú trọng ở binh pháp, thông hiểu cả kỳ môn bát quái. Thời đại của họ ước chừng vào khoảng thời đại của Tần Hiếu Công. Trương Nghi, Tô Tần chủ ở thuật Tung Hoành (du thuyết, ngoại giao). Khi họ xuất núi là thời kỳ của Tần Huệ Vương và Tần Chiêu Vương còn Hiếu Văn Vương, ông của Tần Thủy Hoàng chỉ lên ngôi được 1 năm thì chết.

Còn Mao Toại, Từ Phúc là những đồ đệ cuối đời của Quỷ Cốc Tử. Thời đại của Mao Toại ước vào thời cha của Tần Thủy Hoàng, Khánh Tương Vương (thời kỳ Lã Bất Vi nắm quyền). Từ Phúc là đệ tử nổi danh cuối cùng của Quỷ Cốc Tử, học khí công, tu tiên và võ thuật. Thời điểm ông ta xuất núi chính vào khoảng thời gian Tần Thủy Hoàng đăng cơ, cùng thời với tể tướng Lý Tư. Thời gian vị đệ tử cuối cùng này của Quỷ Cốc Tử xuống núi ước vào khoảng từ năm 280 đến năm 230 trước CN, trước sau khoảng bốn đến năm mươi năm.

Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa, Từ Phúc hiến kế cho Tần Thủy Hoàng rằng dùng 500 đồng nam, 500 đồng nữ, đi thuyền lớn tới đảo Bồng Lai để hỏi thần tiên xin thuốc trường sinh bất lão. Kết quả là vào năm 219 trước CN đi lần thứ nhất không có kết quả gì. Lần thứ hai vào năm 209 thì một đi không trở lại. Tần Thủy Hoàng đợi một năm không thấy Từ Phúc trở lại, thân mình đã chết trước, không biết rằng, Từ Phúc đã đến Doanh Châu ở biển Đông (tức Nhật Bản).

Sách sử còn ghi chép lại rằng, Từ Phúc tức Từ Thị, tên chữ là Quân Phòng, người Lang Nha, đất Tề (nay là Cán Du, Giang Tô, Trung Quốc), phương sĩ nổi tiếng thời Tần. Ông học rộng, tài cao, thông hiểu y học, thiên văn, hàng hải,… đồng tình với trăm họ, vui thú với việc giúp đỡ người khác cho nên có danh vọng rất cao trong lòng người dân ven biển.

Năm 28 Thủy Hoàng (tức năm 219 trước CN), lần thứ nhất Tần Thủy Hoàng đi tuần phía Đông, lên núi Thái Sơn khắc vào đá ca ngợi công đức. Sau đó qua huyện Hoàng, núi Phàn Thành, lên núi Chi Phù (nay là Yên Đài), xuống Lang Nha ở phía Nam, lưu tại đó ba tháng. Trong thời gian đó, Tần Thủy Hoàng nhìn thấy ở ven bờ biển xuất hiện một người con trai, cho rằng đó là tiên nhân xuất hiện bèn phái Từ Phúc dẫn đồng nam, đồng nữ đáp một số thuyền tiến ra biển đi tìm thuốc trường sinh bất lão. Từ Phúc ra biển tìm thuốc nhiều năm mà không có kết quả gì.

9 năm sau (tức năm 210 trước CN), Tần Thủy Hoàng tuần thú phía Đông lần thứ hai, Từ Phúc sợ Tần Thủy Hoàng trách móc mình, bèn dối trá rằng, ở ngoài biển có một con cá mập rất đáng sợ, do đó thuyền rất khó đến gần được núi tiên để cầu thuốc, nên phái những thiện xạ cùng đi để họ giết con cá nguy hiểm này mới có khả năng lên bờ cầu xin thuốc tiên được. Tần Thủy Hoàng lại một lần nữa phái Từ Phúc mang đồng nam, đồng nữ và thợ khéo tay, võ sĩ, xạ thủ tổng cộng hơn 500 người, mang theo ngũ cốc, lương thực, đồ dùng, nước ngọt ra biển cầu xin thuốc tiên.

Từ Phúc ra biển Đông không cầu được “thuốc bất lão”, sau khi lên bờ tại Kumanoura, Nhật Bản, phát hiện ra một “bình nguyên rất rộng” (tức là đảo Kyushu, Nhật Bản). Thuốc trường sinh bất lão không tìm được nếu trở về sẽ gặp họa sát thân, Từ Phúc bèn tính kế lâu dài, định cư nơi đây, không quay trở về nữa. Từ Phúc và những người đi cùng đã dạy cho những người ở đảo Kyushu những văn minh tiên tiến của triều Tần như kỹ thuật canh tác nông nghiệp và đánh bắt cá, luyện kim, làm muối,… và cả kỹ thuật điều trị bệnh trong y học, thúc đẩy xã hội nơi đây phát triển, nhờ vậy rất được nhân dân nơi đây kính trọng.

Người Nhật Bản tôn Từ Phúc làm “thần cai quản việc nông canh” và “thần y dược”. Ở Wakayama, Saga, Hiroshima, Aichi, Akita,… đều có dấu tích của những hoạt động của Từ Phúc. Ở Saga, Shinmiya trong các đền thờ đều lấy Từ Phúc làm thần để thờ phụng, mỗi năm đều tổ chức hoạt động tế lễ rất rầm rộ. Để phát huy mạnh mẽ tinh thần của Từ Phúc, Trung Quốc và Nhật Bản đã phối hợp lập nên Hội Từ Phúc, mấy năm gần đây những tác phẩm học thuật và văn nghệ liên quan đến Từ Phúc không ngừng xuất bản, những vở kịch liên quan đến Từ Phúc cũng không ngừng được lên sân khấu.

2. Từ Phúc là Thủy Hoàng Đế của người Nhật Bản?

Người Nhật Bản thường chỉ nói thần tộc Thiên Hoàng vượt biển mà tới đất này nhưng lại không đề cập đến chuyện từ đâu mà tới.

Vào năm 1987, tôi từng qua thăm Shinmiya bởi vì tôi rất muốn nhìn tận mắt nơi Từ Phúc lên bờ ở Nhật. Thành Shinmiya nằm ở huyện Wakayama. Tôi cũng từng gặp qua thị trưởng của thành phố Shinmiya. Điều lý thú là ông ta vốn cũng là người rất có hứng thú với nhân vật Từ Phúc. Ông ta mang tôi đến địa điểm Từ Phúc lên bờ. Đây là một bờ biển rất đẹp, có một ngôi đền thờ thần màu hồng, xung quanh rất yên tĩnh. Chúng tôi cũng tìm đến địa điểm mà theo truyền thuyết là nơi Từ Phúc đã phát hiện ra loại thuốc trường sinh bất lão. Vị thị trưởng này giải thích rằng, loại thuốc này có tác dụng bổ thận trị bệnh, người có một quả thận khỏe, tuổi thọ đương nhiên sẽ được kéo dài!



Lang Nha đài, nơi Từ Phúc xuống thuyền ra biển Đông


Thị trưởng còn dẫn tôi tham quan bia mộ của Từ Phúc được lập tại vùng ngoại ô của thành phố. Tấm bia này dùng Hán ngữ để ghi chép từ việc Từ Phúc làm sao tìm ra thuốc trường sinh bất lão cho đến việc vì sao ông quyết định định cư lâu dài ở Nhật. Bia mộ được lập vào năm 1834, trên bia có ghi 5 chữ “Từ Phúc chi mộ bi” do một vị thư pháp gia có tiếng thủ bút còn lời thơ trên mặt bia là do một vị Hán học người Nhật viết ra.

Thị trưởng nơi đây còn cho biết, vào ngày 28 tháng 11 hàng năm, người Wakayama đều tập trung trước mộ Từ Phúc để tổ chức hoạt động kỷ niệm rất trọng thể. Vào năm 1980, lễ kỷ niệm Từ Phúc của người Wakayama đã tròn 2200 năm. Từ năm 19915 trở đi, nhân dân Wakayama thành lập Hội bảo vệ di tích Từ Phúc. Năm 1931, họ còn thành lập Hội bảo vệ di sản văn hóa Từ Phúc, tới năm 1955 cuối cùng họ đã thành lập nên Hiệp hội Từ Phúc.



Quần thể tượng miêu tả việc Từ Phúc vượt biển


Bên cạnh mộ của Từ Phúc còn có bảy ngôi mộ khác, tương truyền là bảy người thân tín bên cạnh Từ Phúc. Không có ai nói được rõ ràng về số phận của 3000 đồng nam, đồng nữ mà Từ Phúc mang theo đến Nhật Bản.

Có rất nhiều địa phương ở Nhật Bản, đặc biệt là Kyushu cũng có những di tích về Từ Phúc. Lần đầu qua Fukutomi, tôi đã hỏi một vị quan chức cao cấp nơi đây rằng có biết về Từ Phúc hay không. Vị này cũng có một chút lúng túng, bởi vì ông ta từ trước đến nay chưa từng nghe qua cái tên này. Vì thế tôi kể cho ông ta nghe một số chuyện về Từ Phúc. Ngày thứ hai, ông ta đưa cho tôi một cuốn Trung tâm Kyushu tại Trung Quốc. Trong sách có nhiều bài nói về mối quan hệ giữa Trung Quốc, Kyushu và Từ Phúc.

Tất cả người Nhật Bản đều kính trọng Từ Phúc. Trong thôn Kinryu ở Saga, Từ Phúc trở thành một vị thần về tri thức và y dược được mọi người sùng bái. Ngoài ra ông còn được mọi người xưng tụng như là thần nước và thần nông nghiệp. Những người dân trong thôn gọi Từ Phúc là “Kinryu tiên sinh”. Ở đó còn có một bức tranh tường cổ miêu tả mối quan hệ giữa Từ Phúc và Kinryu. Đây là tác phẩm của một họa sĩ sống vào thế kỷ XVII, hiện tại đã trở thành bảo vật của chùa Kinryu.

Ở Kinryu, mỗi khi gặp hạn hán, người dân lại tới chùa Kinryu mang bức họa Từ Phúc trên kiệu, đi khắp chợ để cầu mưa. Khi đi phía sau của kiệu người ta dùng cỏ và lá trúc kết thành một con rồng lớn nặng 2 tấn, dài 36 mét. Toàn bộ nghi thức này được gọi là “Vũ khất hành sự” (nghi thức cầu mưa) được cử hành vào 8 tháng 8, bốn năm năm một lần. Trong nghi thức trọng thể này, những người tham gia nỗ lực đánh trống để cầu trời cho mưa xuống.

Vào năm 1724, tại Chifu, gần Kinryu cũng bị hạn hán nghiêm trọng nhưng sau khi tiến hành nghi thức cầu mưa này thì mưa xuống. Vì vậy, người Nhật Bản tin rằng, khi Từ Phúc tới Chifu tìm thuốc trường sinh bất lão, ông đã giúp đỡ rất nhiều nông dân nơi đây. Thậm chí còn có thuyết nói ông đã yêu một cô gái của vùng đất Chifu này.

Tôi cũng đã tham quan vùng ven biển của Shinmiya, tới nơi có bức tường thành đổ nát cao khoảng một mét rưỡi, dài khoảng chừng 32 km. Người Nhật Bản tin rằng Từ Phúc cũng tu sửa một đoạn trường thành. Nó là hình ảnh thu nhỏ của Vạn Lý Trường Thành của nước Tần Trung Quốc. Vào thời kỳ Mạc Phủ Edo (1600 - 1876), còn được tu sửa vượt qua kỷ lục của toàn thành này. Một số học giả cho rằng, Từ Phúc tu sửa đoạn thành này thực tế là để phòng chống quân của Tần Thủy Hoàng vì truy bắt ông ta mà tấn công Nhật Bản. Vào thời kỳ Edo, không có một lực lượng lao động lớn, để xây dựng một tòa thành như vậy là điều không thể tưởng tượng nổi, đây thực là một khoản chi phí lớn.

Địa điểm Từ Phúc lên bờ cũng rất phù hợp với địa điểm mà nhân vật Thần Vũ Thiên Hoàng lên bờ. Một học giả Đài Loan tên là Vệ Đỉnh Sinh vào năm 1970 đã viết một cuốn sách tên gọi là Từ Phúc và Nhật Bản, nói rằng vị hoàng đế đầu tiên của Nhật Bản không phải ai khác chính là Từ Phúc. Ông dựa vào sự trùng hợp rất kỳ lạ về thời gian mà Thiên hoàng và Từ Phúc lên bờ mà đưa ra kết luận khá mới mẻ này. Trong sách còn đề cập đến việc từ sinh hoạt trong những mộ huyệt quan trọng của hoàng tộc Nhật Bản vào thời đại Thiên Chiếu Đại Thần, người ta phát hiện ra một chiếc gương đồng thời Tần và một chiến đao mà người nước Tần thường dùng. Nếu như không phải là Từ Phúc tới đây, thì Nhật Bản làm sao có được những di vật thời cổ đại này? 2000 năm trước khi Từ Phúc tới Nhật Bản, Nhật Bản còn đang trong thời kỳ đồ đá, làm sao có thể chế tạo những thứ như vậy? Cuốn sách này còn nói tiếp, sự thực đã chứng minh Từ Phúc chính là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản.

Tác giả còn lo lắng rằng nếu như người Nhật Bản cứ tiếp tục tin chắc vào thần thoại rằng họ là hậu duệ của thần mà không tiếp nhận các luận điểm khoa học thì lịch sử rất có thể sẽ bị lặp lại, bởi nguyên nhân gây ra chiến tranh là vì người Nhật Bản tin rằng mình là chủng tộc ưu tú nhất.

Lịch sử của Nhật Bản chìm ngập trong những thần thoại. Đại đa số người Nhật đến nay vẫn tin họ là hậu duệ của những vị thần, như trong hai bộ biên niên sử sớm nhất của Nhật Bản là Cổ sự ký (Truyền thuyết cổ đại) và Nhật Bản thư ký (Nhật Bản biên niên sử) có ghi chép. Căn cứ vào những cuốn sử này, Thần Vũ Thiên Hoàng, hoàng đế đầu tiên của Nhật Bản lên ngôi vào năm 660 trước CN. Nhưng cho tới đầu thế kỷ thứ VIII, Nhật Bản vẫn chưa có một bộ sử biên niên ghi chép lịch sử nào hoàn toàn đáng tin cậy. Và điều không thể tranh cãi nữa là cả hai bộ sử này đều dùng Hán ngữ cổ đại để viết thành.

(Còn nữa)

Hy Văn (Vietimes) dịch từ QQ.com