Sự thật về Ma trùng chữa bệnh nan y, hủ tục quật mồ ở miền Trung

Cập nhật lúc 10:55 14/09/2011


(Đời sống) - Khi có một người trong dòng họ chết trùng với thời điểm người thân sinh bệnh nặng thì con cháu trong gia đình người bệnh sẽ quật mả, lấy hài cốt người chết để yểm bùa chú. Dân gian gọi hủ tục man rợ ấy là ma trùng.

Dọc theo QL 1A, vượt qua những con đường trải cát của vùng biển Phú Vang, chúng tôi đến xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế - nơi phát sinh của hủ tục Ma trùng. Là một xã miền biển quanh năm trầm mình trong sóng nước, cuộc sống của người dân nơi đây luôn đối mặt với nghèo khó và thất học. Cái nghèo, cái khổ in hằn trên từng khuôn mặt cháy nắng của ngư dân miền biển.

Theo các cụ cao niên trong làng, hủ tục Ma trùng bắt đầu xuất hiện từ thời chúa Nguyễn đưa dân xuống khai hoang lập làng. Tuy nhiên, mỗi dòng họ lại lưu truyền những câu chuyện khác nhau về gốc tích của Ma trùng.

“Ngày ấy, Chúa Nguyễn cử người của hai dòng họ lớn ở miền Bắc di dân vào đàng trong là họ Võ Thanh và họ Phạm xuống khai khẩn vùng Vinh Xuân. Do đất đai chủ yếu là cát trắng nên người làng Vinh Xuân lập hội đi biển đánh bắt. Ngư dân quanh năm lênh đênh ngoài khơi xa nên ít được học, được tiếp xúc với thế giới bên ngoài, họ chỉ tin vào những ông thầy bói, thầy cúng với những phép lạ, siêu nhiên” - cụ Phạm Đối (SN 1915, ngụ thôn Xuân Thiện Thượng, xã Vinh Xuân) khẳng định với chúng tôi như thế khi kể về hủ tục Ma trùng.

Mỗi lần làng có người chết đều mời thầy cúng đến cầu siêu, đuổi ma, trừ tà. Vị trí của thầy mo, thầy cúng còn cao hơn cả những chức sắc trong làng. Lâu dần, Vinh Xuân trở thành vùng đất của những thầy cúng cùng nhiều trò ma thuật kỳ bí.

Cụ ông cao niên Phạm Đối kể tiếp: “Theo gia phả của dòng họ Phạm ghi lại, vào năm 1640, đời Chúa Thượng - Nguyễn Phúc Lan, một thầy cúng sau khi không chữa được bệnh cho con trai của trưởng làng, khiến đứa bé chết trẻ nên viện cớ nó bị âm hồn người chú cùng họ chết trước đó mấy tháng ám nhập, bắt đi. Lão thầy cúng phán rằng, đứa trẻ chết do bị ma trùng nhập, cắn xé nội tạng.

Từ đó, mỗi lần có người trong dòng họ chết trùng với thời điểm người thân sinh bệnh nặng thì người ta tin rằng do Ma trùng nhập nên phải tìm cách yểm bùa, giết ma trùng”. Để ngăn Ma trùng hại người, người nhà con bệnh thường đào hài cốt của người đã khuất (vốn cùng dòng tộc) đốt thành tro, hoặc dùng cây gai rào dày đặc xung quanh mộ, sau đó phủ rơm lên đốt. Nhiều trường hợp dã man hơn còn quật mả lên sau đó tưới máu chó hoặc tiết lợn lên phần mộ để “giết ma”.
Sau một đêm những ngôi mộ bị một số người khai quật, diệt con Ma trùng thì người nhà lại ra bảo vệ, xây cất lại mộ phần cho người khuất là chuyện thường xảy ra.
Còn gia phả của dòng họ Võ Thanh (làng Xuân Thiên Hạ, xã Vinh Xuân) vẫn còn lưu câu chuyện rùng rợn về sự xuất hiện của Ma trùng ở làng biển Vinh Xuân từ hơn 3 thế kỷ trước (năm 1670, đời chúa Hiền – Nguyễn Phúc Tần). Trong gia phả có đoạn ghi rõ: “Lâu nay người làng vẫn đồn nhau về việc “chết trùng tang” (tức nhiều người trong gia đình hoặc dòng họ chết cùng thời điểm) của những người trong họ. Theo các thầy mo, thầy cúng trong làng thì nguyên nhân là do con ma của người chết trước đó ám vào người sống để bắt người theo nó. Con ma này sẽ khiến cho người trong họ tộc ốm bệnh nặng (không thuốc gì chữa được), sau đó chết đau đớn.

Muốn diệt con Ma trùng phải mời thầy cúng đến trừ tà bằng cách đào mả người chết lên để yểm bùa. Các thầy cúng thường dùng máu chó để rưới vào quan tài hoặc phóng hỏa thiêu rụi hài cốt người chết. Chỉ có làm như vậy mới ngăn được con Ma trùng hiện về dương gian hại chết người trong họ tộc”. Theo cụ Võ Thanh Hàm (SN 1923), con ma trùng xuất hiện từ thời xa xưa và tồn tại cho đến ngày nay. Nó đã gây ra nhiều xung đột mâu thuẫn trong làng. “Tin vào Ma trùng đã khiến nhiều họ tộc đánh giết lẫn nhau” - cụ Hàm nói.

Những tưởng chuyện hủ tục Ma trùng chỉ “sống” được trong các làng xã thời phong kiến, khi mà kiến thức con người có hạn. Nhưng không ngờ hiện nay ở Vinh Xuân vẫn còn tồn tại thứ hủ tục hãi hùng ấy. Đã 6 năm trôi qua, nhưng bà Phạm Thị Manh (SN 1945, ngụ thôn Xuân Thiên Hạ, xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang) vẫn còn nhắc lại câu chuyện hãi hùng của gia đình mình. Bà kể rằng, chuyện xảy vào khoảng tháng 7/2005, ông Võ Văn Dũng (chồng bà Manh) qua đời vì bạo bệnh ung thư quái ác, gia đình nuốt nước mắt chôn cất người xấu số.

Thế nhưng kỳ lạ và trùng khớp sao vài ngày sau ông Võ Văn An (người trong họ Võ) đang khỏe mạnh cường tráng bỗng nhiên mắc bệnh, với nhiều biểu hiện lạ lùng như: chân tay co giật liên hồi, cơ thể suy nhược, tinh thần sa sút, thậm chí khi kể với người nhà ông An còn cho biết thêm: Nửa đêm nằm ngủ, ông mơ thấy ông Dũng “hiện về” đè lên người nên la hét, quậy phá cả đêm. Người trong dòng họ Võ khi ấy quả quyết “linh hồn chưa siêu tán của ông Dũng về quậy phá người sống”. Thế là họ bàn bạc với nhau quật mộ ông Dũng để tiêu diệt con… Ma trùng.

Rồi vài ngày sau, trong một đêm tối như mực, hơn 70 người trong họ tộc mang theo cuốc, xẻng và nhiều thứ vật dụng khác đến quật mả ông Dũng. Họ đốt đuốc, tháo quan tài lấy hài cốt và rưới xăng lên đốt phần thi hài đang ở giai đoạn phân hủy thành tro.

Sau khi đốt cháy, một người trong đám dùng các lá bùa dán xuống đáy huyệt để ngăn Ma trùng chạy trốn, làm hại những người khác trong dòng họ. Để chắc chắn diệt được ma trùng cứu người thân, đám người này còn rưới máu chó lên các khu vực xung quanh bán kính hơn 1 mét.

Nghe tin mộ phần của chồng bị đào phá, bà Manh liền cầm đèn pin chạy ra ngăn cản. Con cháu đều làm ăn xa nên chỉ một mình cụ bà tất bật chạy kêu cứu. Nhưng khi đến hiện trường thì ngôi mộ của chồng bà đã bị phá tan nát, phần hài cốt của chồng đã cháy ra tro nằm ngổn ngang trong đám máu chó. Quẫn uất, bà Manh chạy đến gục mặt giữa huyệt mộ van khóc, quyết “ăn thua” với người nhà ông Dũng.

“Mẹ tôi đã hết lời van xin họ cho cha tôi được yên nghỉ, nhưng người nhà ông Dũng vẫn làm tới, họ không cho mẹ tôi nhặt phần hài cốt còn lại của cha. Một trong số đó đã đánh mẹ tôi khi bà cố ngăn họ tưới xăng xuống huyệt” - chị Kha (con bà Manh) trò chuyện.

Sáng hôm sau người làng mới phát hiện bà Manh nằm bất tỉnh bên nấm mồ bị đào bới nham nhở của chồng. Họ đưa bà về bệnh viện chữa trị trong tình trạng cạn kiệt sức lực. Nhiều người trong làng thương tình đã đứng ra thu dọn những phần hài cốt còn sót, đắp lại phần mộ cho ông Dũng. Ngày xuất viện, bà Manh thẫn thờ đứng cạnh chồng mà nước mắt lưng tròng.

“Họ đều là những người anh em trong dòng tộc với chồng tôi, sao lại nỡ đối xử với người đã khuất như vậy” - bà Manh nghẹn ngào. Từ đó, suốt một tháng trời ròng rã, cứ tầm chiều tối là bà và đứa con gái lại thay phiên nhau ra canh mộ bố đến sáng mới dám về. Lo lắng, sợ hãi khiến bà Manh cũng đổ bệnh nằm liệt giường.

Hay như vụ việc xảy ra cách đây hơn nửa năm, mà người dân vẫn còn kể lại với sự kinh hoàng. Đó là thời gian ông Phạm Còn (SN 1926) qua đời vì tuổi cao sức yếu. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, một người trong dòng họ Phạm là Phạm Thị Kim Mai (hiện cư ngụ tại TP.HCM) đang khỏe mạnh bỗng đổ bệnh nặng. Người nhà lo sợ chính là con Ma trùng gây nên chuyện này nên không đưa Mai đến bệnh viện để khám bệnh mà cho mời thầy bói, thầy pháp về để chữa trị.

Và kết cục mà ai cũng có thể hình dung ra được chính là thầy bói phán Mai đã bị người trong dòng họ vừa chết quay về ám và muốn bắt đi. Tin theo lời ông thầy phán, cha mẹ của Mai từ TP.HCM phải gọi điện ra tận Huế hỏi ông bà nội xem có ai trong dòng tộc vừa qua đời trong thời gian gần đây không? Thế là cái chết của ông Phạm Còn được một số người trong dòng họ khẳng định là gây ra Ma trùng ám hại Mai.

Thế là trong một đêm tối trời, ông Phạm Hến (SN 1944, ngụ thôn Xuân Thiên Thượng, xã Vinh Xuân, là ông nội của Mai), và người cháu, là Phạm Phúc (SN 1962) đã mang cuốc xẻng, xăng dầu đến mộ phần của cụ Phạm Còn để đào bới. Sau khi khai quật được quan tài của người chết, 2 người nói trên đã nhét đầy rơm rạ vào bên trong, khu vực xung quanh và đốt, nhằm ngăn chặn con Ma trùng ám hại Mai và những người trong dòng tộc.

Đến tận mấy ngày sau, ông Phạm Tiến (con trai cụ Còn) từ TP. Huế về nhà ở xã Vinh Xuân để làm lễ cúng tuần cho cha bỗng tá hỏa khi nhìn thấy đất đai quanh mộ bị xới văng tung tóe. Đau buồn lẫn nóng giận vì mộ phần, thi thể của cha bị xâm phạm nghiêm trọng, ông Tiến đã vác dao sang nhà hai người trong dòng họ để hỏi chuyện.
Bà Phạm Thị Manh thắp nén nhang lên bàn thờ người chồng và kể với người viết về việc mộ phần của chồng bà bị người ta khai quật, diệt Ma trùng.
Và tại đây hai bên đã xảy ra một trận cự cãi quyết liệt, thậm chí là có xô xát xảy ra. Thế nhưng người làng đã kịp thời can ngăn. Từ đó hằng đêm ông Tiến và người nhà thỉnh thoảng thay phiên nhau cắt cử người canh gác ngôi mộ cẩn thận, chờ hết 49 ngày.

Nhưng chưa dừng lại ở đó, vụ việc được trình báo lên chính quyền địa phương. Tại phiên hòa giải sau đó ở cấp cơ sở, chính 2 ông Phạm Hến và Phạm Phúc đã thừa nhận là do mê tín dị đoan, muốn người thân thoát khỏi bệnh tật mới dẫn đến hành vi xâm phạm mồ mả như nói trên.

Và 2 người này xin gia đình của ông Tiến cũng như chính quyền địa phương tha thứ. Điều đáng nói đây không chỉ là lần đầu ông Hến xâm phạm mồ mả người khác, mà trước đó vào năm 2006 vì muốn chữa bệnh cho người thân bằng cách diệt con Ma trùng, ông Hến đã đào một ngôi mộ của một người phụ nữ khác cùng dòng tộc xấu số vừa qua đời.

Sự thật về Ma trùng và những nỗ lực xóa bỏ hủ tục rợn người

Cụ Phạm Đối, cho biết thêm: “Việc đào bới mộ người chết lên để yểm bùa” theo quan niệm Ma trùng có từ xưa đến nay, cái thời ngụy quân, ngụy quyền chiếm đóng thì nhiều vô kể. Mộ người chết được đào lên tràn lan gây mùi hôi thối, ô nhiễm khắp thôn xóm và khi ấy hễ có người nào trong dòng tộc bệnh thì lập tức mồ mả bị bóc lên một cách thảm thương. Sau giải phóng thì tục này có giảm nhưng đến nay vẫn còn.

Ngoài ra trong khi tìm hiểu về hủ tục Ma trùng chúng tôi còn nghe những vị cao niên ở xã Vinh Xuân kể khi có người trong họ tộc bị chết, con cháu họ hàng bỗng dưng phát bệnh một cách khó hiểu hoặc nằm mơ thấy điềm chẳng lành, người ta cho rằng chính vong hồn người vừa mới chết đó đã “ám” lên. Họ sẵn sàng dùng xăng dầu phóng hỏa để nhằm “hù dọa” hồn ma.

Nếu nó vẫn bám riết, làm cho người sống bị hoài thì cách mạnh nhất và ghê rợn nhất là dùng dùi sắt nhọn đâm xuyên từ trên mộ xuống găm vào chân cho hồn ma ấy không đi được nữa. Chính vì những người trong cuộc đều là họ hàng với nhau, nên khi lỡ việc đã xảy ra thì họ cũng chẳng cần đến chính quyền mà tự tìm cách giải quyết riêng.

“Giả sử, sau khi dùng bùa chú để diệt Ma trùng rồi thì liệu những người thân bị bệnh có được cứu sống?” – tôi hỏi. Để trả lời tôi, cụ Đối kể lại câu chuyện rùng rợn của ba năm về trước. Chuyện xảy ra vào một hôm cuối tháng 7/2008, người xã Vinh Xuân bỗng xôn xao về chuyện nhà ông Phạm Đăng bị Ma trùng ám hại.

Trước đó, một người chú ruột ông Đăng bị tai nạn chết, khoảng hai hôm sau thì ông Đăng lăn ra bệnh, toàn thân tê liệt, miệng cấm khẩu. Người nhà đi xem bói khắp nơi về đều bảo ông Đăng bị hồn người chú nhập vào đòi bắt đi. Con cháu nhà ông Đăng họp lại để bàn cách cứu cha và mọi người nhất trí là phải quật mả ông chú kia lên để yểm bùa, diệt ma.

Đêm hôm, ba người con trai ông Đăng mang theo cuốc xẻng ra đào mộ người kia lên. Họ dùng bùa gắn vào quan tài sau đó dùng hai chiếc dùi sắt đóng từ trên xuống găm vào phần chân của người chết. Xong xuôi mọi việc, họ hí hửng ra về với suy nghĩ đã diệt được con Ma trùng.

Nhưng từ lúc ba cậu con trai đi diệt ma về, bệnh tình ông Đăng ngày càng nặng hơn, phải sống nhờ bằng máy thở oxy. Những lúc tỉnh táo, miệng ông Đăng vẫn luôn lảm nhảm nhắc tên của người chú đã khuất khiến con cháu trong họ nghĩ con ma trùng này chưa chết, phải phóng hỏa mới diệt được nó. Họ mang theo xăng và nhiều máu tươi đến phần mộ hôm trước quật lên tưới xăng đốt rồi rưới máu sống lên trên. Nhưng bệnh ông Đăng ngày một nặng, đến ngày thứ năm thì ông Đăng chết.

Ngày mở cửa mả (3 ngày sau) ông Đăng, đứa con trai thứ hai của ông bỗng lăn ra ốm. Người nhà đưa anh này đi chữa trị khắp các bệnh viện nhưng không nơi nào xác định được nguyên nhân gây bệnh. Được hai hôm thì anh này cũng đi theo cha. Người nhà ông Đăng lo sợ bị ma trùng ám theo nên đưa 2 cha con ông Đăng vào chôn ở nghĩa địa “Ma trùng” và không dám bén mảng lại gần mộ. Qua câu chuyện kể của cụ Đối, tôi cũng đã hình dung được một vị cao niên như ông cũng không tin vào chuyện Ma trùng.

“Từ trước tới nay, hiếm có vụ nào người nhà quật mả, đốt xác diệt ma trùng mà cứu được người bệnh. Họa chăng chỉ có một vài sự trùng hợp ngẫu nhiên nên người làng dựa vào đó mà thêu dệt nên những câu chuyện huyền bí về Ma trùng. Chỉ vì hủ tục Ma trùng này mà đã xảy ra bao nhiêu chuyện thương tâm, mất tình anh em, máu mủ” - cụ Đối tâm sự với tôi như thế.

Theo tìm hiểu của người viết, ở xã Vinh Xuân có một khu nghĩa địa nằm vùi sâu sau những rặng cát dài. Người làng vẫn gọi đó là nơi yên nghỉ của những người chết do Ma trùng gây nên. Trời về chiều, gió biển thốc vào những nấm mồ nằm chơ vơ giữa mênh mông cát trắng. Trên những nấm mồ cô quạnh này chỉ lưa thưa vài ngôi được nhang khói còn phần lớn đều bị bỏ quên.

“Họ được chôn cất ở nơi hẻo lánh này vì người nhà lo ngại con Ma trùng sẽ quay lại đeo bám người trong dòng họ. Hầu hết những người chết ở đây đều mắc các chứng bệnh lạ, không có khả năng chữa trị nên dân gian vẫn tin rằng họ chết do Ma trùng” - ông Phạm Hiền - trưởng thôn Xuân Thượng Thiên - cho biết.

Đi dọc theo những dãy mộ đã bị cát phủ lấp hơn nửa, tôi nhận ra những dòng chữ người thân khắc trên bia mộ. Họ muốn để lại những dòng chữ này xem như lời vĩnh biệt cuối cùng, không bao giờ đặt chân đến nữa. Người đã khuất cũng bị người sống bỏ quên, không chăm lo mộ phần cũng bởi vì họ nghĩ con Ma trùng có sự hiện diện thật sự.

Trong số những dãy mộ sát hàng phi lao có một số bị đào bới nham nhở, phần quan tài nằm lộ thiên ra bên ngoài. Ông Hiền cho hay, đó là những ngôi mộ đã từng bị quật lên để yểm bùa chú, diệt con Ma trùng.

“Dù đã được chôn cất ở nơi cô quạnh này, nhưng các mộ ở đây vẫn thường xuyên bị quật lên để diệt Ma trùng. Nhiều mộ bị đào xới đến hai – ba lần do người nhà con bệnh nghi ngờ con Ma trùng chưa chết. Do là nơi chôn cất tự phát nên ở đây không có ban quản lý” - ông Hiền khẳng định như thế.

Thắp mấy nén nhang lên phần mộ của ông Nguyễn Kim H, qua đời năm 2008, tôi cảm thấy chạnh lòng cho nỗi cô quạnh của người nằm dưới mộ. Từ ngày ông H thác xuống, hài cốt của ông đã ba lần bị quật lên để thiêu đốt, yểm bùa. Dưới chân mồ vẫn còn nguyên hai cây sắt loại phi 14 cắm sâu vào quan tài để “giữ chân âm hồn người chết”. Người nhà ông H không chịu nổi tai tiếng thị phi của người làng nên cũng “quẩy gánh” đi sang vùng khác sinh sống.

Anh Phạm Thành Công, Bí thư xã đoàn Vinh Xuân cho biết: “Hơn ba năm nay, phần mộ ông H không có ai chăm nom, hương khói. Con bệnh bị nghi do âm hồn ông H nhập vào vẫn sống thoi thóp khiến người nhà liên tục quật mả diệt ma. Chúng tôi phải cử đoàn viên thanh niên ra đắp lại các ngôi mộ và nghiêm cấm hành vi phá hoại mồ mả ở khu vực này. Nhưng nhiều người vẫn bất chấp, ban đêm ra đây đào mả, bày các trò mê tín, dị đoan”

Thế nhưng chuyện con Ma trùng ám hại người sống gần đây lại tiếp tục được thêu dệt và dậy sóng trở lại ở làng quê này. Những người dân nơi đây vẫn còn có người ngu muội vẫn còn tin đến sự hiện diện của con Ma trùng và có người cự tuyệt với những trò ma tín dị đoan.

Vụ việc xảy ra cách đây không bao lâu là một minh chứng. Đó là con thứ ba của ông Nguyễn Đình Dân lâm bệnh. Mọi người trong nhà kháo nhau rằng đứa bé bị bệnh có thể là do con Ma trùng từ người thân trong họ tộc vừa mất nay về ám và muốn bắt người sống theo nó. Người trong nhà họp lại và bày vẽ cho ông Dân cách quật mả diệt Ma trùng.
Người xã Vinh Xuân, huyện Phú vang, Thừa Thiên Huế xây mộ kiên cố để tránh nạn Ma trùng.
Nghe phong thanh người nhà anh Dân sắp phá mộ tìm ma, người nhà bên kia tổ chức người canh gác cả ngày lẫn đêm và không quên đe dọa ông Dân không được cướp mộ, nếu không có chuyện đổ máu xảy ra.. Được chính quyền xã can ngăn, hỗ trợ ông Dân đưa con lên Bệnh viện Trung ương Huế khám và điều trị.

Khi gặp tôi ông Dân tâm sự trong sự vui mừng: “Hiện sức khỏe của cháu đã ổn định, chỉ nằm vài ngày nữa là xuất viện. May mà tôi không nghe theo lời xúi dại đi quật mả người đã khuất. Thực tế con tôi chỉ bị bệnh suy tim khiến cháu khó thở và có những biểu hiện lạ thường mà thôi”.

Tuy nhiên đây cũng chỉ là một vụ hiếm hoi, chính quyền và người dân tiến bộ ở địa phương đã kịp thời can thiệp, còn không biết bao nhiêu vụ khác đã xảy ra khuấy động cả làng quê.

Được biết trong vài năm trở lại đây, chính quyền xã Vinh Xuân nói riêng và Thừa Thiên Huế nói chung đang nỗ lực từng bước tuyên truyền, vận động người dân kiên quyết bài trừ hủ tục lạc hậu, thực hiện lối sống văn minh, lành mạnh: “Chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý mạnh tay các trường hợp vi phạm” - ông Trần Văn Đông - Phó chủ tịch UBND xã Vinh Xuân khẳng định.

Cụ Phạm Đối, hiện đang làm người đứng đầu một dòng họ, cũng là cao niên ở xã Vinh Xuân đã giãi bày với chúng tôi: “Ma trùng đã trở thành nỗi ám ảnh trong tâm lý người dân miền biển Vinh Xuân bao đời nay. Họ vẫn tin vào chuyện âm hồn người chết ám hại người sống nên dùng các thủ thuật mê tín để trừ tà. Muốn diệt tận gốc con Ma trùng chỉ có cách làm thay đổi nhận thức của người dân”.

Cụ Đối cũng là người đi tiên phong trong việc diệt hủ tục Ma trùng này. Theo đó cụ Đối nghiêm cấm con cháu trong họ không được tin vào hủ tục Ma trùng, gây mất đoàn kết anh em, bà con, dòng họ với nhau. Điều này cũng được cụ ghi lại trong nội quy dòng họ. Mỗi lần người trong họ ốm đau, bệnh nặng cụ đều đến khuyên con cháu nên đi bệnh viện chữa trị, không dùng các phép trừ tà mê tín của thầy bói, thầy cúng.

Người dân Vinh Xuân đang nỗ lực để loại trừ hủ tục Ma trùng ra khỏi xã hội. Nhưng dường như cái tục ghê rợn này vẫn âm thầm sống trong từng ngõ ngách của làng, xã. Rời Vinh Xuân, hình ảnh những ngôi mộ bị quật nắp, đóng đinh, dây thép gai rào quanh… vẫn lảng vảng trong suy nghĩ của tôi. Tôi hi vọng rằng hủ tục Ma trùng sẽ bị… tiêu diệt một cách nhanh chóng bởi những tư tưởng, suy nghĩ văn minh tiến bộ; để người dân nơi đây được hưởng một cuộc sống yên bình, thong thả mà họ đáng được có từ bao đời nay.

Thanh Bình