Trung Quốc đã "phục chế" được trâu ngựa gỗ của Khổng Minh?
Thứ hai, 16/6/2008, 07:00 GMT+7

Cho đến nay, sự thực về trâu gỗ, ngựa máy, những con vật thần kỳ làm nên ánh hào quang vây quanh Khổng Minh vẫn còn là đề tài tranh cãi của nhiều người. Người nói là đó là sự thật, là bằng chứng cho những phát minh khoa học của Khổng Minh. Kẻ lại cho rằng đó thực tế chỉ là sản phẩm tưởng tượng của nhà tiểu thuyết. Ngay cả khi đứng trên cùng một “chiến tuyến” người ta vẫn không có cách gì tìm thấy điểm chung trong việc “hoàn nguyên” cho những con vật thần kỳ này. Sự thực về trâu gỗ, ngựa máy vẫn là bức tranh khá phồn tạp của những ý kiến còn đương trái chiều.







Tam Quốc diễn nghĩa hồi 102, có miêu tả về việc Gia Cát Lượng chế tạo trâu gỗ ngựa máy rằng: Đợi một ngày, trưởng sử Dương Nghĩa vào báo rằng: “Nay lương thực đều tại Kiếm Các, nhân phu trâu ngựa vận chuyển rất bất tiện, phải làm sao đây?”. Khổng Minh cười nói: “Ta đã có kế vận chuyển lâu dài. Trước hết hãy chuẩn bị gỗ, đến vùng Tây Xuyên thu mua những cây gỗ lớn, ta sẽ dạy các người làm trâu gỗ ngựa máy, để vận chuyển lương, tiện lợi hơn rất nhiều. Loại trâu ngựa này không cần ăn uống, có thể vận chuyển ngày đêm không nghỉ”.

Mọi người đều kinh ngạc nói: “Từ xưa tới nay, chưa từng nghe chuyện trâu gỗ ngựa máy bao giờ, không biết thừa tướng có cách gì để tạo ra những con vật kỳ lạ này?”. Khổng Minh nói: “Ta đã lệnh cho người làm, hãy còn chưa hoàn thành. Nay ta từ cách tạo ra trâu gỗ ngựa máy cho đến dài ngắn vuông tròn, sẽ viết ra ra đây thật minh bạch, các người cứ đợi xem”. Mọi người đều vui mừng.

Tiếp đó sách này còn giới thiệu cách chế tạo trâu gỗ: bụng vuông, đầu cong, có đủ tứ chi, đầu gắn sâu vào cổ, lưỡi gắn vào bụng… Mỗi con trâu có thể chở được lương thực dùng cho 10 người trong một tháng, người không phải khổ cực mà trâu cũng chẳng ăn uống gì. Cách tạo ngựa máy: sườn dài 3 thước 5 tấc, rộng 3 tấc, dày 2 tấc 2 phân… Chúng tướng nhìn qua một lượt, đều bái phục mà rằng: “Thừa tướng quả là bậc thần nhân vậy!”.


Tư Mã Ý nghe nói, phái người đi bắt trâu gỗ ngựa máy của Thục quân sau đó cũng dùng gỗ chế tạo loại trâu gỗ ngựa máy giống hệt của Khổng Minh. Không đến nửa tháng sau, cũng đã tạo được hàng ngàn vạn trâu gỗ ngựa máy và khi sử dụng cũng đi lại, tiến lùi giống hệt loại của quân Thục. Vì thế, quân Ngụy cũng sử dụng loại trâu gỗ ngựa máy này để đến vùng Thiểm Tây vận chuyển lương thảo. Quân Ngụy tựa như được kế, “đi lại không ngừng”, nhưng không biết rằng, đó là kế của Khổng Minh.

Nhìn trên bề mặt thì loại trâu gỗ ngựa máy của quân Ngụy và quân Thục tạo ra không có gì phân biệt, nhưng ở trong miệng những con trâu gỗ ngựa máy này có một cơ chế bí mật. Khi Gia Cát Lượng biết quân của Tư Mã Ý mô phỏng trâu gỗ ngựa máy để vận chuyển lương thảo thì trong lòng đã mừng thầm. Ngay lập tức Gia Cát Lượng phái đại tướng Vương Bình đem hơn 1000 lính tinh nhuệ tấn công đội vận chuyển của Ngụy quân rồi âm thầm tháo bỏ lưỡi của những trâu gỗ ngựa máy của quân Ngụy khiến những con trâu gỗ ngựa máy này không thể cử động được nữa.

Ngay lúc quân Ngụy đang hoài nghi về những quái vật này thì Gia Cát Lượng cũng phái 500 binh sĩ hóa trang thành thần binh, quỷ dữ hiện thân, dùng 5 màu sắc bôi vẽ vào mặt, vừa đốt khói vừa cưỡi những con trâu gỗ ngựa máy mà đi. Quân Ngụy chỉ còn biết há miệng trợn mày, cho rằng quân của Gia Cát Lượng có thần binh tương trợ, không dám đuổi theo. Gia Cát Lượng nhờ thế mà dễ dàng chiếm đoạt được lương thảo của quân Ngụy. Loại phương tiện vận chuyển thần kì này hoàn toàn có thể nói là “người không tốn sức, ngựa không ăn uống”. Đương thời, có thể nói là một tuyệt tác xảo diệu kinh người. Vì thế mới có thơ ca ngợi rằng: “Kiếm Quan hiểm tuấn khu lưu mã, Tà Cốc kỳ khu giá mộc ngưu, Hậu thế nhược năng hành thử pháp, Thấu tương an đắc sử nhân sầu” (Nghĩa là: Cửa Kiếm núi cao cưỡi ngựa máy, Tà Cốc hiểm trở ngồi ngựa gỗ, Hậu thế có ai làm được như vậy, Chuyển vận an toàn khiến cho nhiều kẻ ôm sầu).

Nhưng nếu căn cứ vào định luật bảo toàn năng lượng thì dường như loại trâu gõ ngựa máy này là một động cơ vĩnh hằng, điều này là không phù hợp với quy luật lịch sử, vì thế không ít người cho rằng, những trâu gỗ ngựa máy này thực tế chỉ là sản phẩm tưởng tượng của nhà tiểu thuyết mà thôi.

Nhưng căn cứ vào ghi chép của sử sách, thì chắc chắn rằng Gia Cát Lượng đã tạo ra trâu gỗ ngựa máy. Tam Quốc chí – Gia Cát Lượng truyện chép: “Năm Kiến Hưng thứ 9 (tức năm 231 sau CN), Lượng lại ra Kỳ Sơn, dùng trâu gỗ để vận chuyển, lương hết mới rút quân… Mùa xuân năm thứ 12, Lượng huy động toàn lực lượng, xuất quân từ Tà Cốc, dùng ngựa máy để vận chuyển, chiếm Ngũ Trượng Nguyên, cùng Tuyên vương Tư Mã đối mặt ở Vị Nam…”. Tuy Tam Quốc chí của Trần Thọ không ghi chép về trâu gỗ ngựa máy một cách thần kỳ như Tam Quốc diến nghĩa của tác giả La Quán Trung sau này, nhưng có thể từ đó xác định chắc chắn rằng việc Gia Cát Lượng tạo ra trâu gỗ ngựa máy để vận chuyển lương thảo là một sự thực lịch sử không thể chối cãi.







Nếu chấp nhận điều này thì phải trả lời cho câu hỏi, vậy trâu gỗ ngựa máy được sử sách nhắc đến rốt cuộc là loại máy móc như thế nào? Song trả lời cho câu hỏi tưởng chừng đơn giản này thực tế lại không giản đơn chút nào.



Gia Cát Lượng tập có một đoạn văn tự có thể là một tư liệu đáng tin cậy: “Con trâu gỗ, bụng vuông đầu cong, có bốn chân, đầu gắn sâu vào cổ, lưỡi gắn trong bụng. Tải nhiều mà đi ít, tiện thì có thể dùng lớn, không tiện có thể dùng nhỏ, đi một mình có thể đi 10 dặm mà đi một đoàn có thể đi 20 dặm. Đầu trâu tròn, chân đặt song song, cổ ngang, chân linh hoạt, lưng được che phủ, bụng vuông, lưỡi rũ xuống, răng chắc, sừng thẳng, ách nhỏ. Trâu được lắp vào hai càng xe, sáu thước người đi, trâu chỉ đi bốn bước. Tải lương một năm, mỗi ngày đi 20 dặm mà người không hề mệt nhọc”. Như đoạn văn này đã ghi chép rất đầy đủ về hình ảnh một con trâu gỗ, đồng thời còn ghi chép rất đầy đủ về thước tấc về mỗi bộ phận của con trâu. Nhưng bởi vì người đời trước lại không lưu lại bất cứ hình vẽ nào về những con vật này, cho nên cho đến nhiều năm sau người ta vẫn còn những chất nghi xung quanh những con trâu gỗ, ngựa máy này.

Có loại ý kiến cho rằng trâu gỗ ngựa máy đều là do Gia Cát Lượng cải tiến từ loại xe một bánh rất thông dụng thời bấy giờ. Cách nói này bắt nguồn từ Tống sử, Hậu sơn tùng đàm, Bái sử loại biên… Các sách này đều cho rằng loại xe nhỏ một bánh này, thời Hán gọi là Lộc xa, Gia Cát Lượng cải tiến xong thì đổi tên thành trâu gỗ, ngựa máy. Đến thời Bắc Tống mới có tên gọi là xe một bánh. Hai loại xe một bánh này đều rất độc đáo. Hình dáng xe cũng rất giống ngựa và trâu đồng thời có khả năng vận chuyển rất độc đáo. Trâu gỗ có càng xe ở phía trước, khi di chuyển thì người hoặc súc vật kéo ở phía trước, một người khác ở phía sau đẩy. Ngựa máy cũng có hình dáng và cấu tạo như trâu gỗ, chỉ khác là không có càng xe ở phía trước, khi vận chuyển thì không cần người hay vật kéo mà chỉ có người đẩy.

Điều đáng nói là, đất Thục Hán thời Tam Quốc nằm ở phía Tây Nam, rất hiếm trâu ngựa mà phần lớn lại bị trưng dụng cho kị binh của quân đội. Việc vận chuyển lương thực do đó chỉ dựa vào sức người là chính. Vì nhu cầu giảm sức người và vận chuyển thuận lợi, loại trâu máy ngựa gỗ đã ra đời và phát huy tối đa tác dụng. Quan niệm này sử dụng một số phù điêu có hình vẽ xe nhỏ một bánh thời Đông Hán phát hiện được ở huyện Cừ vùng Tứ Xuyên làm căn cứ sử liệu chủ yếu để lập luận. Họ cho rằng những chiếc xe một bánh thời Đông Hán đều được tái hiện trong hình dáng những con trâu gỗ ngựa máy. Nhưng cũng có người nói rằng, cơ chế của những chiếc xe một bánh và bốn bánh rất đơn giản, bản lĩnh của Gia Cát Lượng lẽ nào lại tầm thường đến vậy?

Cũng có loại ý kiến cho rằng, trâu gỗ, ngựa máy là một loại máy móc tự động. Nam Tề thư – Tổ Xung Chi truyện nói: “Gia Cát Lượng có trâu gỗ ngựa máy, chính là tạo ra một loại máy móc, không sợ gió nước, máy móc tự động, không tốn sức người”. Ý nói, Tổ Xung Chi trong việc tạo cơ sở của trâu gỗ ngựa máy đã tạo nên một cỗ máy tự động. Theo suy luận này thì thời Tam Quốc đã rất phổ biến việc lợi dụng cơ chế bánh răng để chế tạo máy móc, người đời sau vì thế mà tôn sùng thành loại trâu gỗ ngựa máy đầy màu sắc thần kỳ. Rất ít khả năng đây là chiếc xe một bánh của thời Hán mà rất có thể là Tổ Xung Chi trong một lần cao hứng đã vận dụng nguyên lý bánh răng để tạo nên một cỗ máy tự động. Điều đáng tiếc là cho đến nay chẳng còn chứng cứ gì lưu lại.

Loại ý kiến thứ ba cho rằng trâu gỗ, ngựa máy chính là loại xe bốn bánh và xe một bánh. Song thế nào là xe bốn bánh, thế nào là xe một bánh thì ý kiến lại rất trái chiều. Cao Thừa, thời Tống trong quyển tám sách Sự vật kỷ nguyên có nói: “Trâu gỗ tức loại xe nhỏ có càng phía trước hiện nay. Ngựa máy tức loại xe một người đẩy ngày nay mà dân gian vẫn gọi là loại xe của vùng Giang Châu”. Phạm Văn Lan cũng dựa vào đó mà cho rằng, trâu gỗ là một loại xe một bánh dùng lực của con người, có đủ bốn chân. Vì thế chân chính là bánh xe. Sở dĩ gọi là bốn chân là vì ở trước sau xe có trang bị bốn cọc trụ bằng gỗ. Ngựa máy chính là một loại cải tiến của trâu gỗ, trước sau có bốn chân, tức loại xe bốn bánh dùng người kéo.






Tuy những loại xe này không tương đồng với những trâu gỗ ngựa máy thời cổ đại về kích thước nhưng nguyên lý vận hành không khác nhau nhiều lắm: tải trọng của trâu gỗ rất lớn, di chuyển chậm chạp, thích hợp đi lại trên những đoạn đường ngắn. Ngựa máy là loại công cụ chuyên dụng để vận chuyển ở vùng núi. Hoàn toàn có thể suy đoán rằng, năm đó Gia Cát Lượng tiến quân Bắc phạt, do rất cần vận chuyển lương thảo từ vùng bình nguyên Xuyên Tây xa xôi đến khu Tần Lũng, ven đường vừa có bình nguyên vừa có sơn địa. Đặc biệt là “đường xứ Thục” vô cùng hiểm trở khó khăn, dọc bờ sông có rất nhiều sạn đạo ([1])­­ vừa chật hẹp vừa nguy hiểm, chiều rộng chỉ khoảng chừng một mét, chỉ có thể để cho loại xe một bánh được gọi là “ngựa máy” đi qua. Những ý kiến bất đồng này, ai đúng ai sai chúng tôi cũng không có cách nào bình luận cho rõ ràng được.

Cũng còn một thắc mắc nữa của những người đời sau đó là trâu gỗ, ngựa máy thực chất là một vật hay hai? Chuyên gia nghiên cứu lịch sử giai đoạn Tam Quốc của Trung Quốc Đàm Lương Tiếu cho rằng, trâu gỗ ngựa máy thực chất chỉ là một vật và là một loại xe bốn bánh sử dụng sức người. Kỹ sư của học viện Công trình cơ khí, đại học Tân Cương, Vương Tiến cũng cho rằng, trâu gỗ ngựa máy cùng là một vật là một loại công cụ được chế tạo theo ngoại hình của trâu và dáng đi của ngựa.

Vương Khai, ngược lại cho rằng, trâu gỗ, ngựa máy là hai vật khác nhau. Trâu gỗ là loại xe một bánh, ngựa máy là loại xe bốn bánh được cải tiến từ xe một bánh. Kiến trúc sư của đại học Đồng Tế, Trần Tùng Chu thông qua việc khảo di chỉ sạn đạo ở vùng Quảng Nguyên Xuyên Bắc, căn cứ vào độ dốc, độ rộng cho đến tải trọng của đường đã khẳng định rằng trâu gỗ, ngựa máy là hai vật khác nhau. Trâu gỗ phía trước có càng, khi di chuyển thì cần có người hoặc vật ở phía trước để kéo, phía sau có người đẩy. Ngựa máy và trâu gỗ về cơ bản là giống nhau, nhưng ngựa máy không có càng xe ở phía trước, do đó không dùng người hay vật kéo mà chỉ dùng người đẩy ở phía sau, hình dáng bề ngoài giống con ngựa.

Trở lên là những quan điểm của các chuyên gia về trâu gỗ và ngựa máy, những “phát minh khoa học” của Khổng Minh. Nhưng rốt cuộc cách giải thích nào là phù hợp nhất với nguyên dạng của những con vật thần kỳ này thì cho đến nay vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp.

Gần đây, chuyên viên Lý Cương của Viện bảo tang tình Tứ Xuyên đã dùng hơn 3000 mảnh gốm vỡ để phục nguyên lại một chiếc xe ngựa ba bánh hoành chỉnh. Chiếc xe này được xác định là xuất hiện vào thời kỳ giữa Tam Quốc và Đông Hán. Lý Cương cho rằng đây chính là chiếc xe xuất hiện trong truyền thuyết về trâu gỗ ngựa máy của Khổng Minh Gia Cát Lượng. Đây là một chiếc xe mô hình được làm để chôn theo người chết, chỉ lớn bằng ba phần mười của chiếc xe thật. Kích thước của mô hình này là: cao 1.15 mét, dài 2.56 mét. Đồng thời chiếc xe này có rất nhiều đặc điểm tiến tiến về mặt kỹ thuật.

Đầu tiên, nếu là loại xe ngựa hai bánh ngựa không chỉ phải dùng lực để kéo xe mà còn phải dùng lực để nâng xe. Khi loại xe ba bánh xuất hiện thì ngựa sẽ giảm được sức nặng phải nâng thân xe lẫn tải trọng của xe, tăng cường tính ổn định cho xe, giúp cho xe không cần dùng lực quá nhiều mà vẫn có thể kéo được một khối lượng hàng hóa lớn.

Thứ nữa, trong loại xe hai bánh truyền thống, giữa ngựa và xe được tiếp xúc với nhau bởi càng xe, độ dài của càng xe được ước định là bằng bán kính rẽ ngoặt của xe, như thế hoàn toàn không thích hợp để vận chuyển ở đường núi. Ngược lại, loại xe ba bánh tại bánh trước và thùng xe phía sau có một “cơ chế chuyển hướng”, thích hợp với việc rẽ ngoặt ở đường núi. Nhưng đối với câu “người không tốn sức, trâu không ăn uống”, Lý Cương cũng không có cách giải thích rõ ràng.

Gia Cát Lượng nếu như biết được tình hình này, ở dưới cửu tuyền hẳn sẽ chảy nước mắt hận mình đã không để lại hình ảnh minh họa việc chế tạo một cách tỉ mỉ cho đời sau được mục tận sở thị, tránh được những tranh cãi vô ích.

Hy Văn (Vietimes) trích dịch từ Mật mã lịch sử của tác giả Hà Ức Tôn Kiến Hoa, Nhà xuất bản Công nhân Trung Quốc, 2007



--------------------------------------------------------------------------------

([1]) Sạn đạo là loại đường được xây dựng ở những vùng núi hiểm trở của Trung Quốc. Để xây dựng những con đường này, người ta dùng các mảnh gỗ gắn vào vách núi hoặc ven bờ vực để làm đường đi. Đường nhỏ hẹp và rất nguy hiểm.