Phụ Lục

Ghi thêm (Hậu Ký)

Đối với Mật Tông Tây Tạng, thuật số có nhiều loại. Trong đó loại lưu hành phổ thông nhất là loại Chiêm Bốc Pháp (Mo).
Các vị Đạt Lai Lạt Ma và các đại tự viện đều có một bộ Chiêm Bốc Pháp, các hệ phái không giống nhau, cách truyền thừa khác nhau, nên Chiêm Bốc Pháp cũng dị biệt. Phái Ninh Mã (Hồng Phái = Nyingmapa) dựa trên phương diện truyền thừa mà nói, quan trọng nhất là dùng cuốn kinh “Cát Tường Thiên Mẫu Linh Quái” để xem quẻ, người dùng sách Chiêm Bốc phải thuần thục phép Cát Tường Thiên Mẫu, phải tụng 90 vạn biến tức 900.000 (chín trăm ngàn lần) Chú Cát Tường Thiên Mẫu. Vì thế mà người bình thường không thể thành tựu được. Điều nầy đã khiến cho các vị học tập Mật Tông Tây Tạng e sợ rằng rất ít người như pháp mà thành tựu được. Nên họ đã đi tìm loại khác, Ngài Tôn giả Bất Bại Mật Bành Tổ Sư đã soạn ra cuốn “Diệu Cát Tường Chiêm Bốc Pháp” rất giản dị, dễ hiểu, phù hợp với con người đang sống trong cuộc sống bận rộn hiện đại, cũng như những vị học tập Mật Tông, chỉ cần thuộc được “Chú Văn Thù Căn Bản” là có thể tiến hành được công việc xem quẻ.
Trong thời gian bút giả lánh nạn ở tại Đảo Di, ngoài việc nghiên cứu Phật Giáo còn để ý đến ngành thuật số của Mật Tông. Ngành thuật số xuất xứ từ hai nguồn gốc trọng yếu: một là Trung Quốc, hai là Ấn Độ. Nguồn gốc ngành thuật số của Trung Quốc có thể nói đã có mặt rất sớm, trong thời kỳ Công Chúa Văn Thành lấy Vua Tạng Xích Tùng Đức Chân, ngoài Phật Giáo ra cũng đã có thuật số của Đạo Gia như Chiêm Tinh, Phong Thủy, Xem Ngày… nhưng chẳng ảnh hưởng gì đến văn hóa Tây Tạng cả. Tuy nhiên trong thuật xem bói lại chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ quá lớn, vì phép xem bói theo Kinh Dịch của Trung Quốc, có một số người Tây Tạng rất am tường. Nhưng đối với Chư Phật và Bồ Tát cũng chẳng liên quan gì, nên chưa phát sinh ra một sự ảnh hưởng nào cả.
Đem việc xem bói mà nhờ Bồ Tát hoặc Không Hạnh Mẫu thì rất dễ dàng làm cho con người đang sống trong cuộc sống hiện đại cho là Mê Tín, nhưng kỳ thực tất cả các loại Chiêm Bốc không phải là không thuộc về cảm ứng giữa tự nhiên với con người. Người hỏi và người xin quẻ để trả lời cùng nghĩ về một sự việc, khiến cho tự nhiên và con người có sự khai thông nối liền nhau, do đó mà tiềm thức cho ra đáp án. Dựa vào Bổn Tôn cũng chỉ là con đường khai thông nối liền mà thôi. Còn nếu thừa nhận đúng là Bổn Tôn đã giáng lâm mà cho chỉ thị cũng chưa hẳn đã sa vào mê tín.
Bút giả đã từng dùng phương pháp xin quẻ nầy để thí nghiệm, có nhiều lần xẩy ra rất kỳ lạ. Chẳng hạn, có người hỏi về bệnh, quẻ đã xin được là: “Do phái nữ giới thiệu bác sĩ thì rất tốt.” Lại có người hỏi về vấn đề người đi xa (hành nhơn), quẻ trả lời “Ngày hôm nay đến.” Hai quẻ xin được nầy đã làm cho người đến hỏi đều kinh dị. Điều đặc biệt đủ để làm cho người đến xin phải kinh dị là trong quẻ có những lời đoán đã làm rung động cõi lòng của người đến xin, như đã trả lời thẳng vào vấn đề. Trong khi độc giả tự làm việc xin quẻ, quý vị sẽ phát hiện được điểm nầy, chỗ kỳ lạ là tại đây.
Quyển sách nầy Bút giả có sửa đổi và bổ túc thêm một ít để thích hợp với xã hội hiện đại khi ứng dụng. Đã tu pháp Ngài Hoàng Văn Thù, lại hướng về Bổn Sư để cầu đảo, hy vọng những chỗ đã sửa đổi vẫn có sức cảm ứng như cũ.
Phật Giáo Ấn Độ có phép chiêm Bốc, có lẽ là do Bồ Tát Long Thọ truyền thừa, vì theo Phật Giáo Tiểu Thừa, thuật xem số mạng theo tinh tú coi như bị cấm kỵ. Duy chỉ có Ngài Long Thọ hoằng dương Đại Thừa Phật Giáo đã xử dụng khả năng đa tài, đa nghệ của chính Ngài để phát huy “Ngũ Minh” (1) do vậy mà môn học Chiêm tinh theo đó mà phát triển.
Trường hợp nầy cũng giống như thời Phật Giáo nguyên thủy xem việc tạo lập tượng Phật là điều cấm kỵ. Tuy nhiên tại nước Kiền (Càn) Đà La đã hấp thụ nghệ thuật điêu khắc của Hy Lạp; tạc một bức tượng đứng của Ngài Bổn Sư Thích Ca. Từ đó nghệ thuật tượng Phật đúc, họa tượng Phật đã phát triển nhảy vọt. Ngày hôm nay Phật Giáo vẫn xem tạo tượng Phật, Bố Tát là việc làm có nhiều phước đức, lại không một ai cho là cấm kỵ cả.
Vì vậy mà chiêm Bốc Pháp trong Mật Tông Tây Tạng, có thể gọi là rất khác hẳn với đời, hoàn toàn lấy việc quán Bổn Tôn làm phương tiện, trong lúc quán tưởng lại phải quán đến Tánh Không của sự việc muốn xin quẻ. Do đó mà trong phép chiêm bốc trình bày ở trên phải tụng “Chú Bổn Tôn”, tụng Chú hay Kệ Nhân duyên. Đây cũng là phép tu “Chỉ Quán”, trong lúc tụng Chú Bổ Tôn, tâm phải dừng vọng niệm, tập trung vào Bổn Tôn để hỏi sự việc, trong khi tụng Chú Nhân Duyên lại phải quán Tánh Không, cách nầy gọi là “Chỉ Quán Song Vận.” Đây cũng là một cách để cân bằng hai pháp “Chỉ - Quán”.
Phép chiêm bốc nầy, tất cả mọi độc giả đều ứng dụng được, cuốn sách nầy công khai phổ biến, duy nhất một điều là quý độc giả nên luyện tu phép Chỉ Quán trước, sau mới bắt đầu áp dụng phép xin quẻ. Trước khi áp dụng, tối thiểu phải tụng thuộc lòng hai bài chú đã nói ở trên, đồng thời thường quán tưởng Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, thấy được ánh sáng từ tâm luân của Ngài phóng ra, người thực hành phải biết được mình đang ở trong luồng ánh sáng màu vàng đó, tức đã đạt được bước đầu căn bản của phép Chỉ Quán. Tinh tấn thực tập lâu ngày chầy tháng sẽ được thành tựu.
Ghi chú (1): Ngũ Minh: 1. Thanh Minh: thuyết minh về ngôn ngữ, văn tự... 2. Công Xảo Minh: Thuyết minh về công nghệ, kỷ thuật, toán pháp, lịch số… 3. Y Phương Minh: Thuyết minh về y thuật, y học… 4. Nhân Minh: thuyết minh về lẽ chính tà, chân ngụy… 5. Nội Minh: Thuyết minh về tôn chỉ của học phái mình, như Phật Giáo lấy Kinh, Luật, Luận làm nội minh.

Các Pháp Tu Tiêu Tai - Tăng phước

1. Phép Tu Nước Cam Lồ

Để trước mặt một chén nước sạch, đốt hương tốt cúng dường tượng Phật, cúng dường Thập Nhứt Diện Quan Âm và các bài chú là tốt nhất. Trên bàn Phật đơm hoa quả và vật cúng.

Tĩnh Tâm kỳ đảo:

Tay trái: Bưng chén, ngón tay cái và ngón tay trỏ bấm hai đầu ngón lại với nhau thành vòng tròn, còn lại ba ngón kia duỗi thẳng ra, lòng bàn tay giữ chặt khu chén. (Bảo Thủ ấn)

Tay phải: Ngón tay trỏ và ngón tay giữa duỗi thẳng, còn lại ba ngón kia bấm đầu với nhau. Trong lúc niệm chú trên dưới vẫy hai ngón tay trỏ và giữa. (Cam Lồ ấn)

Niệm chú: Om Ah Mi Ri Ta Hung Ra Ta

Trì chú 21 biến, trong lúc trì chú quán tưởng đức Phật phóng ánh sáng trắng đến chén nước để gia trì cho nước thanh tịnh..

Nước Cam Lồ nầy có thể dùng để tẩy uế, pha nước trà, hoặc hòa vào trong bồn nước để tắm, hay dùng để lau mặt, mình cho bệnh nhân.

Nếu dùng chú Đại Bi để gia trì vào chén nước theo nghi lễ trên cũng tốt.

2. Phép Trừ Chướng

Những vị tín đồ của Mật Tông có thể lấy ngài Kim Cang Tát Đỏa làm vị bổn tôn, niệm “Bách Tự Minh Chú” 21 biến. Quán tưởng Bổn Tôn trên đỉnh đầu của mình, hai ngón cái của Ngài chảy ra nước Cam Lồmàu trắng nhập vào đảng môn và chảy khắp thân thể của mình, thế là tự thân của mình chảy ra các loại máu mủ, chất dơ, cặn bả …bài tiết ra lổ chân lông mà ra ngoài, rồi thấm sâu vào lòng đất, biến thành màu đỏ và được loại “Ma Ngưu” nuốt vào.
Trong lúc thu kết, hãy quán tưởng hang ở dưới đất đóng cửa, không thấy được “Hồng Ngưu”. Ngài Kim Cang Tát Đỏa đã biến thành ánh sáng dung nhập vào tâm luân của chính mình, ánh sáng màu trắng cháy hừng hực.
Người chưa từng tu qua Mật Tông, có thể niệm chú “ Đại Bi”, hướng về ngài Thập Nhất Diện Quan Âm mà cầu nguyện, và sám hối tội nghiệp của bản thân từ vô luợng kiếp đến nay. Đồng thời quán tưởng ngài Quan Thế Âm phóng ra ánh sáng màu trắng chiếu thẳng tới thân mình, làm cho tự thân mình được thanh tịnh.

3. Pháp Mộc Dục

Hãy quán tưởng ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát phóng quang chiếu thẳng đến nước tắm khiến cho nước ấy thanh tịnh, đồng thời tụng chú Văn Thù Sư Lợi Bồ tát:

Om Ah Ra Pa Tsa Na Dhi

Hoặc tu “Đại Bi Chú Thủy” (Tham khảo Quật Trước trong “Thuyết Quan Thế Âm Bồ Tát dữ Đại bi Chú”) về phương pháp tu chú Thủy nầy, xong đem nước đổ vào bồn tắm mà tắm. Trong lúc tắm, hảy quán tưởng nước sạch nầy đã mang đi hết tất cả những nghiệp chướng trên thân thể mình. Cũng có thể dùng nước nầy để lau thân thể, hoặc rửa mặt cho người bị bệnh ma, quán tưởng những bệnh ma đều bị tịnh thủy trừ sạch.

4. Diệu Cát Tường Chiêm Bốc Pháp Nghi Quỹ

Nghi thức xin quẻ:

Đảnh lễ Diệu Cát Tường Đồng Tử
(Chấp tay niệm ba biến)

1. Tán: (Trước hết là chấp tay, sau đó niệm một biến , tay lắc hột 1 lần)

Đaị Trí Diệu Cát Tường Đồng Tử,
Trí nhãn tam thời vô chướng ngại.
Quy y Tam Bảo tam căn bản,
Tâm hữu nghi hoặc sở khai thị.

2. Tụng Chú Văn Thù căn bản :
Om Ah Ra Pa Tsa Na Dhi (21 biến)

Trong lúc niệm hãy quán tưởng Diệu Cát Tường Đồng Tử, tức Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát cao khoảng 2 thước ngồi giữa không trung đối diện với mình. Ngài có 1 đầu, 2 tay. Tay phải cầm kiếm, mũi kiếm phóng ra ngọn lửa trí tuệ. Tay trái cầm một cành hoa sen xanh, cọng hoa sen tựa vào vai trái và hướng lên trên. Đóa hoa nầy màu xanh nở bên lỗ tai trái của Ngài. Trên đóa hoa có một cuốn kinh Bát Nhã. Tướng của Bổn Tôn giống như một thiếu niên 16 tuổi, đầu đội mũ ngũ Phật, suốt thân thể có đeo những tràng hạt châu trang nghiêm, hai chân ngồi kiết già phu tọa, tqàn thân màu vàng, ngay giữa ngực cũng có một bài chú, từ bài chú đó phóng ra ánh sáng màu vàng chiếu thẳng đến hột súc sắc. Niệm chú xong (21 biến), cầm hột thuận tay bỏ vào hộp và lắc hột.

3. Vừa lắt hột vừa tụng bài Kệ Nhân Duyên:

Âm Hán Việt:

Chư pháp nhân duyên sanh,
Pháp diệt nhân duyên diệt.
Thị chư pháp nhân duyên,
Phật đại sa môn thuyết.

Trong lúc tụng bài kệ Nhân Duyên chấp tay tiếp tục quán tưởng Ngài Diệu cát Tường Đồng Tử đang ngồi trong hư không ngay trước mặt mình và phóng ra ánh sáng màu vàng từ giữa ngực Ngài, chiếu thẳng đến hột súc sắc. Tụng xong bưng hộp lên nghĩ đến vấn đề muốn hỏi, lắc hộp đựng hột súc sắc, lắc lâu hay mau là tùy theo tâm ý mình mà định. Lắc xong một lần, nếu muốn xin quẻ lại một lần nữa thì lắc lại thêm một lần nữa. Trong lúc lắc, đương nhiên quán tưởng ngài Diệu Cát Tường Đồng Tử đang phóng ra ánh sáng màu vàng từ ngực chiếu thẳng đến hột và nghĩ đến vấn đề muốn hỏi như lần trước.

4. Sau khi lắc hột xong:

Chấp tay niệm: Cát Tường Hoàn Mãn (1 lần).

Nghi thức đã trình bày trên đối với người đã được pháp Văn Thù Quán Đảnh từ Mật Tông (thí dụ như Mật Tông Tây Tạng) có thể quán tưởng tự thân biến thành Diệu cát Tường Đồng Tử tuyên thuyết bài kệ Nhân Duyên nói trên đổi thành bài Chú Nhân Duyên như sau:

a) Bài chú gốc như sau:

Om yeadarma Hetu Pra – bahwah Hetunte KhenTa Thagato Haya Watet te Khen Tsayo
Nirodha Evam Wadi Maha Shramana Soha.

b) Phát âm Tạng ngữ:
Om / yea Dar ma / Heh too / Pra Bah Wah / Heh Tun Tay / Ken / Ta T ’a Ga Toe / Ha Ya / Wa Tet Tay / Ken / Cha Yo / Nee Ro Da / Eh Vam / Wa Dee / Ma Ha / Shra Ma Na / So Ha.
Nghi thức đã trình bày trên đây rất đơn giản, hy vọng độc giả sẽ làm đầy đủ để đạt được mục đích lợi sanh. Nếu hằng ngày thường trì tụng Văn thù Tâm chú nầy và quán tưởng đều đặn thì chắc chắn sẽ thành tựu . Trong khi đọc lời giải thích các quẻ, nên đồng thời lý giải một số pháp nghi, do đó mà có thể nhập vào Phật Đạo (thông suốt nhân quả). Đây là mục đích chính của việc biên chép quyển sách Chiêm Bốc Pháp nầy. Chỉ hy vọng độc giả không dùng quyển sách nầy để mưu lợi, nếu mưu cầu lợi ích cá nhân sẽ mất hết những gì đã đạt được từ trước.
Kính chúc quí vị độc giả vạn sự cát tường viên mãn.

phapvan