kết quả từ 1 tới 14 trên 14

Ðề tài: The Initiate (Vị Chân Sư)

  1. #1

    Mặc định The Initiate (Vị Chân Sư)

    Xin giới thiệu tới các bạn một tác phẩm tâm linh hay của Thông thiên học.



    DẪN NHẬP

    Tác phẩm The Initiate của tác giả By His Pupil là bộ sách đặc biệt có giá trị tâm linh rất cao và tác giả là nhân vật đáng chú ý, nên có lẽ cần đôi lời trình bày về tác phẩm và người viết, để chúng ta thẩm định đúng mức ý nghĩa của trọn bộ sách cùng sự đóng góp của tác giả vào phong trào MTTL (Minh Triết Thiêng Liêng) của thế kỷ 20.
    Bộ sách gồm 3 cuốn:
    - The lnitiate xuất bản năm 1920
    - The Initiate in the New World năm 1927
    - The Initiate in the Dark Age năm 1932
    và đều ký tên tác giả là By His Pupil. Từ đó tới nay sách được tái bản rất nhiều lần và hiện giờ vẫn được xem là tác phẩm cần phải đọc cho ai muốn biết thêm về MTTL. Danh tính của tác giả được giữ kín trong nhiều năm, và bởi sách rất được ưa chuộng cùng gây tiếng vang lớn trong giới nghiên cứu MTTL, đã có một số người tự nhận mình là tác giả. Khoảng hai mươi năm sau khi quyển The Initiate xuất hiện, người viết mới tiết lộ sự thật trong một tác phẩm khác của mình, và nay công chúng biết đó là nhà soạn nhạc Cyril Meir Scott nổi tiếng người Anh. Thế nên trước khi nói về tác phẩm, ta sẽ nói về tác giả Scott.
    Cyril Meir Scott sinh năm 1879 và mất năm 1970, sự nghiệp chính cứa ông là về nhạc và có người khi phê bình ảnh hưởng của ông trong nhạc đã cho rằng Scott là cha đẻ của âm nhạc thế kỷ 20 nước Anh. Ông soạn nhiều thể loại nhạc, có bài hát, nhạc kịch (opera), nhạc hòa tấu (symphony) và bài cho dương cầm, trung vĩ cầm (viola) v.v… Nhạc của ông được trình bầy rộng rãi tại Anh, Đức, Pháp, Hoa Kỳ, người yêu nhạc cũng lập ra hội Cyril Scott để giới thiệu nhạc của ông tại các nước trên, riêng đài BBC của Anh và các dàn nhạc lớn tổ chức những buổi trình diễn nhạc Scott để kỷ niệm dịp ông được 60, 70 tuổi. Các đại học ở nhiều nơi cũng trao tặng bằng danh dự cho ông. Bên cạnh âm nhạc, Scott còn được biết tới qua tác phẩm về MTTL và sức khỏe. Ông gia nhập hội Theosophia khoảng thập niên 1910 và viết sách về MTTL dưới nhiều hình thức, hoặc là bộ The Initiate, hoặc là ảnh hưởng huyền bí của nhạc qua các thời đại, hoặc nguyên do bên trong của bệnh ung thư và cách chữa trị bệnh này. Một số chi tiết trong các sách trên là của chính ông tìm tòi và khám phá, số khác là hiểu biết bí truyền mà ông được sử dụng làm trung gian để đưa ra thế giới trong lúc này. Do đó ta sang phần thú vị sau là mục đích của sách, và phương cách ông viết chúng.
    Bô The Initiate có nhân vật chính trong chuyện là ngôi thứ nhất xưng Tôi, nhưng Cyril Scott nói rằng một người khác đã đưa tài liệu cho ông để viết, còn thì ông không phải là nhân vật trong chuyện. Tuy vậy chuyện cũng mang tính chất tự thuật phần nào, với cuộc hôn nhân của nhân vật chính phản ảnh rất sát việc của ông. Ông được Chân Sư đề nghị thành hôn cùng một người cũng là đệ tử ngài, với lý do hai bên đã từng làm quấy cho nhau khi xưa, và nay giải quyết tốt đẹp là cả hai nỗ lực làm hòa một cách ý thức. Trong một kiếp người này hất hủi khiến người kia thất tình chết đi, kinh nghiệm đó khiến cho lần tái sinh sau, người bị tình phụ bèn gài bẫy làm cho người trước tới phiên bị đau khổ vì tình mà chết. Cyril Scott và người bạn nghiệm rằng trong lần găp gỡ này ở thế kỷ 20, quả có lúc họ thấy nhiều thiện cảm sâu đậm với nhau, mà cũng có lúc đầy cảm tưởng thù nghịch xen vào.
    Cảm tưởng thù nghịch đó làm đôi bên thấy đề nghị của Chân Sư gần như không thực hiện được, họ thưa với ngài rằng cả hai đã làm nhau chết qua chết lại thì... huề! Tại sao kiếp này cần phải tái hợp, nhưng ngài giải thích là hai cái sai cộng lại không triệt tiêu nhau mà karma sai vẫn còn chờ để được chuyển thành tốt đẹp, thêm vào đó các linh hồn tiến bộ cũng đang cần bậc cha mẹ hiểu biết để tái sinh, và ông Scott cùng bạn là người thích hợp để tạo thân xác cho linh hồn như vậy. Vì chúng tiến hóa cao, động lực thấp kém như đam mê tình dục trong mối liên hệ của cha mẹ bình thường không thu hút được chúng để tái sinh, và bởi vậy khó tìm được cha mẹ thích hợp; cuộc hôn nhân của Cyril Scott và bạn được giải thích là chẳng những để hóa giải karma xấu đôi bên đã làm cho nhau, mà còn là do mức tiến hóa của hai người, họ có thế hữu ý tạo cơ hội cho một linh hồn tiến hóa tái sinh, bằng động cơ trong sạch và sự quên mình. Cyril Scott và bạn thấy rất khó nghĩ về việc này, vì như đã nói, đôi bên không muốn thân cận nhau do ảnh hưởng xưa, nhưng hiểu rằng karma sớm muộn cần được giải quyết không tránh được, nên sau khi cô bạn gái của ông rơi nhiều giọt lệ vì cô không hề muốn thành hôn cùng ông bởi không cảm thấy thương yêu, và ông xao động lớn lao vì cũng không muốn kết thân với cô bởi đang yêu một người khác, họ thuận theo lời ngài. Đó là cuộc hôn nhân huyền bí, là sự kết hợp giữa hai linh hồn tiến hóa cao để làm một phần việc nào đó, đạt căn bản trên hiểu biết và hy sinh, thay vì là sự thu hút thông thường của thân xác và tình cảm. Về sau Scott ghi trong quyển hai The Initiate in the New World là ông và bà qua nhiều năm cảm thấy không hối tiếc về quyết định ấy.
    Bối cảnh quyển sách là xã hội Anh hồi đầu thế kỷ nói chung, và tình trạng của hội Theosophia vào lúc đó nói riêng, cả hai có nhiều điều cần chấn chỉnh. Về xã hội là quan niệm hẹp hòi về hôn nhân với tính chiếm hữu, ghen tuông, hiếu biết sai lạc về Thiên Chúa giáo, về hội Theosophia là ý tưởng sai lầm của các hội viên đối với hoạt động của Chân Sư và phong trào Theosophia, ngoài ra còn có hiện tượng Krishnamurti hồi cuối thập niên 1920. Nội dung của sách thiên nhiều về các điều trên, nhưng cũng chính vì vậy mà có vài chuyện chỉ thích hợp cho xã hội Anh hay tây phương, hay nhắm vào tình trạng lúc đó, sẽ không được dịch trong bản Việt ngữ vì không cần thiết cho độc giả Việt, và xin đề nghị quý độc giả tìm nguyên tác Anh văn đọc thêm nếu muốn. Trong khi đọc ta cần nhớ rằng đây là nỗ lực nhằm sửa đổi một số nét của thời điếm ấy, nên chúng có thể bớt quan trọng theo cái nhìn của thế kỷ 21. Chẳng hạn tư tưởng của Krishnamurti đã thay đổi vào thập niên 1980 so với thập niên 1920, và thái độ của xã hội về tình dục cũng khác trước rất nhiều, dẫu vậy một số lớn ý tưởng đưa ra trong sách vẫn giữ được giá trị rất cao không chút lỗi thời, như giải thích về măt bí truyền của nhiều việc.
    Sách vở trong hội Theosophia hồi thập niên 1920, 1930 đề cập tới sự hiện hữu cứa các Chân Sư là một điều hay, nhưng nét sùng tín nặng tình cảm mà ít lý trí đã dẫn tới nhiều quan niệm sai lạc về các ngài, do đó có nhu cầu trình bầy lại cho đúng đắn hơn, và Cyril Scott làm công việc này qua những quyển sách của ông. Mặt khác, càng lúc Thiên Đoàn (the Hierachy) gồm các Chân Sư càng hiển lộ nhiều hơn trong thời đại mới, để công chúng biết thêm về các ngài là điều cần thiết và các tác phẩm của Cyril Scott nhắm một phần tới mục đích ấy, cũng như PST chọn dịch bộ The Initiate để chúng ta hợp sức nhỏ bé của minh vào công việc các ngài.
    Vị Chân Sư trong chuyện là nhân vật có thật, Cyril Scott chọn gọi ngài là Justin Moreward Haig hay đó không phải là tên thật của ngài tuy nhiên điều ấy không quan hệ. Chuyện quan hệ là lời dạy trong sách. Chuyện bắt đầu với quyển The Initiate, nhân vật chính kể lại ngài xuất hiện trong xã hội Anh và tiếp xúc với một số người nơi ấy, một phần vì ngài và vài Chân Sư khác có việc phải làm ở nước Anh, phần nữa vì ngài có mối dây liên hệ với những người trên, và nay muốn trả lại ơn xưa cũng như để giúp đỡ họ, sau một thời gian và nhiều diễn tiến, chuyện chấm dứt khi ngài sang Hoa Kỳ. Quyển hai The Initiate in the New World, tiếp tục với nhân vật chính được Chân Sư J.M.H. gọi sang Hoa Kỳ, tại đây anh thấy ngài qui tụ một nhóm đệ tử với các buổi học hàng tuần. Anh cũng đoán biết ngài còn việc làm khác nhưng anh chỉ giới hạn sự trình bày hoạt động của ngài vào những buổi họp này mà thôi.
    Một thời gian sau ngài cho biết lý do gọi anh sang Hoa Kỳ là muốn đề nghị anh làm công tác, tức lập gia đình với một đệ tử trong nhóm, người này anh quen biết nhưng đôi lúc vô cớ cảm thấy thù nghịch. Ngoài những lý do cho cuộc hôn nhân ta nói ở trên, còn lý do khác ngài cho biết là cả hai có thể giúp đỡ nhau trong công việc của riêng mỗi người, khi hợp sức như vậy bầu không khí hòa hợp từ lực trong lúc sống chung khiến cho các Chân Sư có thể làm việc thông qua họ. Sau nhiều đắn đo suy nghĩ, hai người bạn vâng theo đề nghị của ngài và sự việc này kết thúc quyển hai. Quyển ba The Initiate in the Dark Cycle bắt đầu vào lúc tiểu gia đình cư ngụ tại London với hiện tượng Krishnamurti và lời giải thích hiện tượng này. Người đọc biết thêm hoạt động của vài Chân Sư khác, và thấy rằng nơi nào cũng được các ngài chăm lo, cũng như có những kế hoạch được các ngài sửa soạn cho tương lai.
    Có nhiều giai thoại lý thú về ba quyển trên. Do sách vở MTTL đề cập tới các Chân Sư trước khi quyển một The Initiate xuất hiện, công chúng đã được làm quen với hiểu biết về các ngài nên sách ra đời được đón tiếp thuận lợi ngay. Mà cũng vì vậy, nhiều người gửi thư cho tác giả nhờ can thiệp, khiến ông Scott rất ngượng ngập và bối rối vì không thể làm vừa lòng. Thư nhờ ông dàn xếp để người viết có dịp hội kiến với Chân Sư hoặc nhờ ngài trả lời thắc mắc của họ. Ông phân trần rằng Chân Sư sống cách xa ông vạn dặm, rằng chính ông cũng không biết khi nào được gặp ngài mà sự việc hoàn toàn tuỳ thuộc khi nào ngài muốn liên lạc với ông, và cho phép có sự liên lạc ấy. Chân Sư biết rõ mọi tư tưởng của ông, nên trong một số trường hơp, ngài cho biết ông nên hành xử như thế nào đối với lời yêu cầu, và nếu đó là trường hợp khó khăn thì ngài đọc thư trả lời cho ông ghi. Trong những trường hợp khác, như có thư yêu cầu ông can thiệp để Chân Sư nhận người viết làm đệ tử, ngài nhờ ông nhắn lại câu chân lý bí truyền với ai gửi thư, là Khi Đệ Tử Sẵn Sàng Thì Chân Sư Xuất Hiện, cùng sự thật là nhiều người tuy không biết nhưng họ đang được chăm chú theo dõi và hướng dẫn.
    Bởi cuốn sách đề cập nhiều đến những vấn đề gặp phải trong hôn nhân, Cyril Scott được thư của các bà vợ hỏi phải xử sự ra sao với đức lang quân không chung thủy, hay thư của đấng mày râu muốn biết đối phó như thế nào với các bà thiếu thủy chung. Ông than thở rằng những điều này có ghi trong sách cả rồi, độc giả còn hỏi là chứng tỏ chưa nắm hết ý nghĩa của nó. Rồi cũng có thư vui, cảm tạ tác giả vì hôn nhân, hay cuộc đời của họ được cứu vãn, qua cơn khủng hoảng nhờ chỉ dạy của ngài, hay quan niệm của họ đối với cuộc đời đã biến đổi hoàn toàn sau khi xem sách. Về việc giữ kín tông tích của ngài, Cyril Scott giải thích các Chân Sư tại Anh có phần việc quan trọng cùng với các Chân Sư khác phải làm cho nhân loại, tiết lộ về các ngài sẽ làm can thiệp đến công việc ấy. Mục đích của sách ngoài việc làm cân bằng lại sự thay đổi về luân lý, lề thói và niềm tin trong thời đại mới, cho phù hợp với mức tiến hóa mới của nhân loại, nó còn nhằm chứng tỏ sự hiện hữu của các đấng cao cả. Lý do là có người không biết việc ấy, hay biết mà xem đó là chuyện khó tin, hay đã tin mà lại nghi ngờ. Lời thuật trong sách là của người từng diện kiến thật sự với các ngài, nên sự xác quyết ấy hy vọng có thể củng cố niềm tin của hai loại người nói ở trên. Thêm vào đó một khi đã tin vào các Chân Sư Minh Triết, và chấp nhận chỉ dạy của các ngài là người ta đã lập nên mối dây liên lạc tâm linh với ngài, có rung động cảm ứng phần nào với Chân Sư.
    Cyril Scott nhấn mạnh rằng ông chỉ là cây viết trong tay của các ngài, người đọc không nên quan tâm đến cái tôi của ông, và việc ông được chọn cho công tác này chỉ vì đời sống của ông cho phép ông ở vào vị trí làm được chuyện ấy. Điều này rõ hơn khi chúng ta xem qua tác phẩm khác của ông cũng có nguồn gốc bí truyền là quyển Music: It’s Influences throughout the Ages. Trong thập niên 1920, Chân Sư K.H. ngỏ ý rằng đã tới lúc nên trình bày các khía cạnh bí truyền của âm nhạc. Ngài đưa ra ý tổng quát để rồi Cyril Scott đi vào chi tiết, trước đó ông không có khái niệm gì về những ảnh hưởng huyền bí này, nay việc soạn cuốn sách khiến ông học được rằng âm nhạc tác động lên tâm trí con người, và các nhạc sư được Chân Sư gợi hứng để nhấn mạnh một số tình cảm nào đó trong con người. Họ trở thành vận cụ với tầm ảnh hưởng rộng lớn trong việc uốn nắn luân lý và trào lưu tư tưởng. Bach, Beethoven, Chopin và nhiều vị khác đều đã được dùng để mang lại một số ảnh hưởng nên có, nhằm đẩy mạnh sự tiến hóa của nhân loại tuy họ không hay biết về nguồn của sự gợi hứng này, hay ảnh hưởng phát sinh từ sáng tác của họ, thí dụ như phải 200 năm nữa trọn tác động của nhạc Wagner mới phô diễn.
    Sự thiếu ý thức này của các nhạc sư không phải là một bất lợi, vỉ nếu họ biết Thiên Đoàn muốn họ tạo nên ảnh hưởng đăc biệt nào, có thể họ sẽ cố tâm tìm cách sinh ra chúng và làm ngăn trở cảm hứng thật sự. Chẳng hạn nếu Mendelssohn biết rằng công việc của ông là diễn tả và tăng gia lòng thiện cảm, ông có thể cố tình soạn loại nhạc mà ông cho là gợi nên lòng thiện cảm, để rồi kết cục sinh ra tác phẩm kém cỏi. Về điều này, chỉ bậc Chân Sư mới biết được ảnh hưởng mà một loại nhạc nào đó sẽ tạo nên, mà không phải người nhạc sĩ được sử dụng làm vận cụ, được gợi hứng viết nên loại nhạc ấy. Cyril Scott cũng ghi thêm rằng người ta có thế thắc mắc tại sao các đại nhạc sư phải phấn đấu khó khăn để nhạc của mình được trình diễn, được thưởng thức, như Mozart chết trong cảnh nghèo khó, như có khi nhạc sĩ qua đời nhiều năm rồi nhạc của họ mới được quí chuộng, ông đưa ra một trong những lý do là tà lực can thiệp, vừa khi nào Thiên Đoàn tìm cách đưa ra bất cứ điều chi như nhạc, nghệ thuật, văn chương v.v… để nâng cao nhân loại, các huynh đệ tà đạo tức khắc tím cách ngăn trở, và cố làm hư công việc ấy của ngài.
    Chót hết, nói về việc âm nhạc hiện đại tỏ ra không chút hòa điệu (discordant), Cyril Scott trình bầy rằng có thể nói tổng quát là có hai loại nhạc sĩ, một loại được gợi hứng thiêng liêng dùng âm nhạc để uốn nắn các đặc tính nên có trong tương lai, loại khác không được gợi hứng như thế và chỉ biểu lộ đặc tính của hiện tại. Thời đại của chúng ta có quá nhiều sự tàn bạo, sợ hãi, rối loạn, nên kết quả khi diễn tả bằng âm nhạc trở nên xấu xa và thiếu hòa điệu, nhưng đây là điểm thấp nhất mà nhạc đã đi xuống nên ông tin rằng người ta có thể hy vọng chu kỳ nhạc sắp bắt đầu đi lên, mang lại sự hòa điệu lần nữa.
    Ta vừa đi vào chi tiết hai tác phẩm của Cyril Scott là bộ The Initiate và Music, ông còn nhiều quyển khác rất nên đọc, nhất là ba cuốn Outline of Modern Occultism, The Greater Awareness và quyển tự thuật Bone of Contention.. Độc giả ưa thích có thể đặt mua sách tại nhà xuất bản Samuel Weiser mà các tiệm sách có địa chỉ hay mua tại nhà sách của Hội Theosophia nơi cư ngụ; với những quyển đã tuyệt bản ta có thể tìm mua trên eBay. Ta cũng có thể đọc hay mượn được sách tại thư viện của các chi bộ Hội.

  2. #2

    Mặc định

    VỊ CHÂN SƯ

    (Quyển một 'The Initiate' xuất bản năm 1916)

    By HIS PUPIL



    GIỚI THIỆU



    Câu chuyện - nếu ta có thể gọi đây là chuyện - về ngài Justin Moreward Haig là chuyện thật, theo nghĩa nhân vật này quả có hiện hữu, tuy như tôi sẽ giải thích sau này, tôi bắt buộc phải che dấu danh tính của ngài vì nhiều lý do, và tôi nhấn mạnh sự hiện hữu của ngài vì một số người có thể nghi ngờ việc có thể đạt tới mức toàn thiện mà ngài biểu lộ không sao chối cãi được, để bảo rằng tôi viết chuyện tiểu thuyết thay vì viết sự kiện đã xẩy ra. Ngài cũng không phải là người duy nhất ở mức tiến hóa về măt tâm linh ấy, vì không những vào lúc này còn có nhiều vị giống như ngài đang sống giữa chúng ta, và nếu lịch sử thế giới ghi chuyện đúng thật, thì trong quá khứ có hàng trăm vị hoặc cao cả như ngài, hay hơn ngài, đã từng sống.
    Nền văn minh của thế kỷ 20 tìm cách phủ nhận hay giải thích những quyền năng lạ thường của những vị như vậy để nói rằng nó không có gì lạ, nhưng ai suy nghĩ sâu xa và chịu bỏ công tìm tòi ngoài kiến thức hời hợt sẽ đi tới kết luận rằng câu nói "Không có lửa sao có khói" áp dụng được cho trường hợp này, và sự phủ nhận hay giải thích cho qua của cái mà ta gọi là nền văn minh hiện giờ thì không phải là kết quả của hiểu biết thực sự mà đúng ra là thiếu hiểu biết. Từ xưa đến nay thi văn, chuyện kể, truyền thuyết có nói tới các nhân vật huyền bí và kỳ diệu vượt trội hơn con người bình thường, như linh hồn con người xa vượt bậc con vật. Tất cả những tác phẩm ấy dù hữu ý hay không đều nói lên sự thực là các bậc Chân Sư, Thánh Nhân, Hiền Triết quả có hiện hữu, và ai biết cách tìm thì có thể găp các ngài và tin tưởng chắc chắn vào việc ấy.
    Các bậc Chân Sư không hẳn đầy bí ẩn như sách vở ghi. Tôi biết có hai Chân Sư (còn gọi là Mahatma) cư ngụ chỗ hẻo lánh ở Tây Tạng, nhưng dựa vào đó mà nói rằng tất cả các ngài đều giống vậy thì không đúng, vì tôi biết có một số Chân Sư sinh sống tại Anh vào lúc này (1920), cũng như tại Hoa kỳ và gần như tại hầu hết các quốc gia khác. Các ngài không ở một chỗ mà thường khi đi từ nơi này sang nơi khác như người đời, với mọi dáng vẻ bề ngoài hết sức bình thường.
    Nhưng đó chỉ là bề ngoài mà thôi, chứ không phải sự hiểu biết sâu xa mà người ta thu thập được khi có liên hệ chăt chẽ hơn với các ngài, với trí tuệ và khả năng của các ngài. Đối với người mới gặp, ngoài hình dạng khang kiện lạ thường, điềm tĩnh, chững chạc, không có gì làm người ta ngờ là các ngài có quyền năng. Thay vì muốn khêu gợi lòng hiếu kỳ hay sự hâm mộ của người đời, các ngài tìm cách làm cho mình hết sức bình thường đối với ai nhìn thoáng qua, như không mặc y phục kỳ lạ hay ở nơi thâm u ma quái. Nhiều vị còn tập một tật xấu nhỏ của người đời như hút thuốc, để làm cho mình bình thường thêm trong mắt người đời. Nhưng đó chỉ là cho thế gian mà thôi, với ai tìm đến các ngài mà hội đủ điều kiện thì họ có ấn tượng khác hẳn, thấy được phần cá tính kỳ diệu của các ngài mà ai khác không được cho thấy. Và chuyện thiết yếu là muốn thấy được thì ta phải biết cách tìm, chỉ có ai theo chỉ dẫn này mới có thể khám phá sự thực, và sự thực ấy là phần căn bản của chuyện kể về các ngài. Nói khác đi thế giới bên ngoài không biết phải tìm gì nên không thấy được gì, hay cao lắm thì chỉ thấy được chút ít, thế nên nếu muốn có lời mô tả về bậc Chân Sư thì bắt buộc người ta phải quay sang người đệ tử, và dựa vào người này mà thôi, vì do lòng khao khát minh triết bí truyền họ đã có quyền được biết vị Chân Sư với trọn nét thiêng liêng của các ngài.
    Chúng ta hãy tưởng tượng một con người không có nhược điểm nào của người bình thường, một người hoàn toàn không có lòng ích kỷ, kiêu ngạo, ghen tị, giận dữ, thù ghét và những tật xấu khác, hơn thế nữa đó là một người có tâm thức hết sức sâu rộng, linh hoạt vô cùng tới mức ta nghĩ đó là siêu thức hơn là sức sống. Và cái siêu thức này vì vậy có liên tục sự bình an và từ ái vô điều kiện, đi kèm với minh triết thượng đẳng và quyền năng. Nói về quyền năng, vị Chân Sư có được sự hiểu biết về thiên nhiên và những luật trong trời đất mà nhân loại nói chung chưa biết, và có thế kiểm soát những năng lực thiên nhiên theo cách mà chúng ta không thế tưởng tượng được, đừng nói là làm theo. Nếu ngài biểu diễn cách điều khiến những luật này (là điều ngài không bao giờ làm) thì con người do không tin và thiếu hiểu biết sẽ bảo đó là nhà ảo thuật hay tệ hơn thì là kẻ gạt gẫm. Nói khác đi, chỉ cho người ta điều mà họ không thể hiểu thì lập tức họ sẽ gán nó cho cái gì mà họ có thể hiểu được, vì đó luôn là khuynh hướng của ai chưa hiểu biết.
    Chúng ta đã tìm cách nói về con người bên trong, nay nói về hình dạng bên ngoài của vị Chân Sư thì bắt đầu là ngài cho thấy có sự khang kiện luôn luôn và trong nhiều trường hợp là sự trẻ trung, hay đúng hơn là tuổi trung niên sung mãn. Do chọn lựa làm việc không ngừng để giúp nhân loại tiến hóa, và thấy rằng một thân xác già nua là trở ngại cho nỗ lực trên, ngài dùng sự hiểu biết bí truyền của mình để ảnh hưởng những phân tử của thể xác, và do đó ngăn chặn không cho thân xác già yếu, cũng như nó chỉ chết đi khi ngài chọn tới lúc qua đời, chứ không chết trước đó. Ta cũng không nên quên một điểm khác có liên hệ với nét trẻ trung và sức khoẻ trọn vẹn của ngài, ấy là ngài hoàn toàn thoát khỏi sự phiền não, hoàn toàn không vướng mắc vào tất cả những tình cảm xáo động có khuynh hướng làm già nua thân xác, và đảo lộn sự quân bình của cơ thể. Trong tâm ngài có sự bình an trường cửu và đối với ngài những âu lo rối rắm của cuộc đời xem ra vô nghĩa và trẻ con, giống như chuyện lo của đứa trẻ thì vô nghĩa đối với người lớn. Nhưng bởi có tình thương bao la, ngài có thể thông cảm với người khác như bà mẹ thương yêu và thông cảm với con mình, hiểu được nỗi lo lắng mà bà biết ngày kia đứa trẻ sẽ vượt qua. Bởi muốn cho lòng thiện cảm có giá trị thật sự thì nó phải không vướng chút sợ hãi, bằng không nó sẽ không thể giúp đỡ hay an ủi, thế nên lòng thiện cảm không có chút sợ hãi của vị Chân Sư là sự giúp đỡ có giá trị nhất mà người ta có thể tưởng tượng được. Đằng sau lòng tuyệt đối vô úy này là sự Hiểu Biết, cái Hiểu Biết phải có như là nền tảng chân thực và duy nhất cho sự an ủi xoa dịu quả tim rướm máu của nhân loại bị đau khổ.
    Lời mô tả thiếu sót trên về vị Chân Sư là để độc giả có thế hiểu dễ hơn tính xác thực của quyển sách này, và không cho rằng tôi thêm thắt, và nếu trong những trang sau tôi làm được chỉ 1/4 sức thu hút của ngài được ghi nhận, thì tôi xem rằng mình đã thành công trong công việc hết sức khó khăn này. Tôi bị giới hạn rất nhiều vì không thể thêm bớt như viết tiểu thuyết, vị Chân Sư hết sức cao cả so với người thường nên cách duy nhất để biết ngài là đối diện với ngài bằng xương bằng thịt. Vì không có chút kiêu căng và tìm cách tránh khêu gợi mọi hình thức hiếu kỳ của công chúng, ngài tìm đủ cách để hướng sự chú ý của người về chuyện khác thay vì hướng đến ngài, do đó nếu ngài sống tách biệt với thế giới thì ấy là để dấu mình trong sự cô tịch, và nếu ngài sống giữa thế giới, ấy là để che dấu mình ngay giữa đám đông.

  3. #3

    Mặc định

    CHƯƠNG I
    VỊ CHÂN SƯ

    Tôi có trước măt công việc to tát là viết lại cảm tưởng của tôi về một vị đã đạt tới mức tiến hóa vượt xa khỏi người thường, tới nỗi ta có thể xem ngài như là bằng chứng sống động để bác lại câu nói "Không có ai là toàn thiện trong thế giới này." Câu nói ấy không đúng và một trong những mục đích của cuốn sách này là nhằm chứng minh điều không đúng ấy. Việc thầy JustIn Moreward Haig (tôi không được phép tiết lộ tên thực của ngài) có là một bậc Đại Sư (Adept) hay không thÌ tôi không nói được, thật sự tôi không biết vì ngài hết sức kín đáo với những gì liên quan đến mình. Nhưng tôi biết rằng nếu bỏ qua những ý nghĩa không đúng về thánh nhân hay siêu nhân thì thầy Justin Moreward Haig (tôi thường gọi ngài là Moreward) có thể được gọi rất chính xác là vị thánh hay là bậc siêu nhân. Thực vậy, được tiếp xúc với bậc siêu phàm như vậy cho tôi thấy rằng vị thánh có thể hiện hữu trên đời mà không cần có lòng sùng tín quá độ làm rất bực bội, cũng như bậc siêu nhân có thể có trên đời mà không cần có lòng ham muốn quyền lực. Hơn nữa có một điều mà nếu không có thì không sao người ta thành thánh nhân hay siêu nhân được, là đăc tính tinh thần.
    Có người thiếu óc tưởng tượng đã cho rằng toàn thiện cũng có nghĩa là người chán phèo, nhưng họ không thấy rằng tình chán phèo ấy là một nét của sự bất toàn thay vì sự toàn thiện. Theo lý luận ấy thì sống trong cõi Niết Bàn hằng an lạc thì cũng như sống trong địa ngục đời đời chán ngấy. Thầy Moreward không hề làm người ta chán ngấy, ý kiến và hành động của ngài không đoán trước được. Câu chuyện về Vị rất đỗi lạ thường này là chuyện thật, ngài quả có hiện hữu trên đời mà vì một số lý do tôi sẽ giải thích về sau, tôi bắt buộc phải dấu kín tên tuổi của ngài, nhưng tôi thấy cần phải nhấn mạnh sự kiện là ngài có thực, bởi người ta có thể nghi ngờ việc có thể đạt tới mức độ hoàn thiện như ngài biểu lộ, và do đó không chừng xem ngài chỉ như là một nhân vật tiểu thuyết, là sản phẩm của óc tưởng tượng mà thôi.
    Tuy ngài là nhân vật sống thực, tôi cần thưa ngay từ đầu với độc giả rằng tôi không sống trong cùng nhà với ngài, vì vậy tôi không theo dõi tất cả những việc làm của ngài để sau đó thuật lại. Chuyện tôi sẽ làm là ghi lại ý kiến của ngài, và cách ngài thực hành những ý kiến ấy, mà không làm gì khác hơn. Tôi không thể viết lại chuyện đời ngài vì lẽ giản dị là tôi không biết chuyện ấy và chỉ có thể đoán là nó rất thú vị. Về diện mạo của ngài thì tôi được yêu cầu là không nên đưa ra nhiều chi tiết, tôi nghĩ tốt hơn để cho độc giả trọn quyền tưởng tượng, vẽ ra con người của ngài dựa theo lời kể về hành động và lời nói của ngài. Điều tôi có thể nói là ngài có sức khoẻ hết sức khang kiện, và trong những năm quen biết ngài, tôi không hề thấy ngài buồn rầu, ngoại trừ sự buồn rầu nhẹ nhàng của lòng từ ái bao la, thế nên tưởng tượng gương măt của ngài đầy vẻ an lạc thư thái, nó có nét đẹp tương ứng không sai chạy vói cái tâm bình lặng. Đối với chuyện khác tôi xin thêm là ngài Justin Moreward Haig bước vào đời tôi cách đây khoảng 20 năm (sách xuất bản năm 1920) và xa tôi 10 năm sau đó tới nơi khác làm việc. Tuy tôi được ngài cho phép viết lại những ấn tượng này, cùng lúc ngài yêu cầu tôi đừng viết những gì có thể làm lộ danh tính của ngài, và của những ai mà ngài có liên hệ.
    Tôi xin nói thêm một điều nữa để giải thích làm sao viết ra những ấn tượng này. Khi tôi nhận ra là mình được tiếp xúc với người có sự minh triết lạ lùng, tôi dùng tốc ký ghi lại nhiều lời nói của ngài khi nào có dịp. Rất thường khi tôi phải hoàn toàn dựa vào trí nhớ, khi không thể móc sổ ra ghi trước mặt người khác. Một đôi khi tôi nhớ sai nên chuyện kể không đúng, và có thể tôi gán cho ngài những lời mà ngài khồng hề thốt ra. Trong trường hợp đó thì phần lỗi về tôi mà không phải là ngài, và cũng vì vậy mà tôi gọi đây là cảm tưởng hơn là một cái tựa quan trọng hơn.


    CHƯƠNG II
    KHÁCH LẠ

    Gặp được một nhà hiền triết tại phòng khách thông thường của một tư gia ở London là chuyên bất ngờ. Làm sao thầy Justin Moreward Haig có mặt tại phòng khách của một trong những phu nhân lịch thiệp nhất của London là bí ẩn tôi sẽ tiết lộ sau này, ở đây chỉ cần ghi rằng tôi nhờ lòng hiếu khách của Lady Eddisfield mà có được tình thân hữu quí giá nhất trong đời của tôi, cũng như tôi không sao quên được chi tiết về cuộc gặp gỡ lạ lùng này. Tôi nhớ lại rằng lúc phần nhạc mà không có tính nhạc chút nào kết thúc, tôi ngồi ở bàn tiệc với bốn người khác, một người mà tôi gọi trong phần này là nhà hiền triết và ba phụ nữ. Ngài đang nói chuyện với các bà, và ba phụ nữ này nghiêng người tới trước, đầy vẻ chăm chú lạ lùng, xem như đó là minh triết khác thường còn tôi khi ấy chỉ coi nó khác lạ chứ không hẳn là minh triết.
    - Có quan niệm là có cách ngừa đối với mọi nỗi buồn rầu, và mục đích của mọi cách suy nghĩ chín chắn là có được quan niệm đúng đắn. Như vậy sự đau khổ nội tâm là kết quả của tính tình còn non dại, và một linh hồn đã trưởng thành không thể nào đau khổ về chuyện mà quí vị vừa nói, giống như người đã trưởng thành không đau lòng vì con búp bê bị vỡ.
    Một bà to lớn trong nhóm hỏi:
    - Khi dùng chữ linh hồn đã trưởng thành, có phải ông muốn nói như là triết gia?
    - Chính vậy, tôi muốn ám chỉ tới nhà hiền triết, bậc thánh nhân hay triết gia, ngài đáp lại, nói khác đi là người đã hòa hợp cái trí của mình với niềm hoan lạc nội tâm vô điều kiện, cái vốn là tính chất bẩm sinh của mỗi linh hồn con người.
    Tôi vểnh tai và chăm chú nhìn vào ngài trong chốc lát, rồi đặt một câu hỏi.
    - Ông bảo mọi sự đau khổ tâm thần là vì trí tuệ còn trẻ con, như thế thì hạnh phúc có giống vậy không?
    Ngài quay lại nhìn tôi với cặp mắt dịu dàng nhưng mạnh mẽ kỳ lạ và đáp.
    - Đau khổ là những ảo ảnh của cuộc đời, và đặc tính của trẻ con là thích ảo ảnh, trò chơi của chúng là giả làm vua, làm lính, làm cái này cái kia. Về mặt khác, sự hài lòng là một trong những đặc tính của sự trưởng thành, và...
    Một bà chen vào.
    - Tôi không thấy có ảo ảnh chút nào nếu vợ ông Wilfrid không còn thương ông nữa, và quay ra thương người khác.
    Ngài trả lời một cách từ tốn và mim cười.
    - Ảo ảnh nằm ở chỗ người chồng thấy khó chịu về việc ấy.
    - Thế à? Bà cao lớn buột miệng.
    - Lòng ghen tuông, ngài tiếp lời, dĩ nhiên cũng là một hình thức của tâm tính còn trẻ con.
    - Nhưng ông Wilfrid không hề ghen tuông bao giờ, bà khi nẫy nói tiếp.
    Ngài nhìn bà với nụ cười thân thiện hiền lành.
    - Ghen tuông có hai mức độ, ngài nói, một là không có lý do nào để mà ghen, cái khác là có lý do. Chỉ có ai không bị xáo động khi có nguyên nhân thực sự để ghen mới đúng là người có tính không ghen.
    Một bà trong nhóm quay sang tôi nói một cách nóng nảy.
    - Chắc tôi không muốn lấy ai không có ghen một chút.
    - Phải rồi, ngài nhìn về phía bà mỉm cười, có nhiều bà nói cũng y vậy. Bà thấy không, họ nghĩ các ông ghen tuông tức là khen các bà, nhưng đó lại cũng là ảo ảnh vì lời khen ngợi thực sự chỉ có nếu người đàn ông thương yêu người đàn bà nhiều tới mức ông luôn luôn đặt hạnh phúc của bà lên trên hạnh phúc của ông.
    - Tôi nghĩ không có mấy ông chồng như vậy trong đời, tôi nói.
    - Mà nếu có, một bà thêm vào, thì họ thiếu nam tính, có cho tôi cũng không muốn có chồng như vậy.
    - Cái đó chỉ vì có lẽ quí vị chưa hề nghĩ kỹ về chuyện này. Ngài trả lời một cách nhẹ nhàng. Quí vị xem này, ngài nói tiếp thật lịch sự, một người phụ nữ cao thượng sẽ không bao giờ muốn chồng mình có cảm xúc khó chịu lẫn thấp kém như vậy chỉ để thỏa mãn tính kiêu hãnh của mình.
    Nghe thế một bà bật lên cười và nói, “ông đúng là khéo nói.”
    Ngài phác một cử chỉ để bác lời khen này. “Tôi chỉ là một trong những người may mắn hay không may mắn thấy chuyện y như nó là vậy thôi”
    Một bà xen vào.
    - Như thế ông không có cái nhìn nghệ thuật, ông không làm được như họa sĩ có thể làm, là nhìn ống khói nhà máy mà tưởng rằng đó là lâu đài cổ kính.
    - Chà, có lẽ bà nói trúng ngay điểm yếu của tôi, ngài nhìn nhận. Thực vậy tôi có tính chân thực làm cho tôi rất khó hiểu tại sao người ta lại có thể tin chuyên thấy rõ là không đúng.
    - Thí dụ như chuyện gì? Tôi hỏi.
    - Như một người đàn ông không thể thực sự thương yêu người đàn bà trừ phi ông tỏ ra ghen tuông.
    - Rõ ràng là ông chưa có gia đình, tôi xen vào với chút ác ý.
    - Tôi đã có gia đình, ngài trả lời sau khi ngưng hơi lâu một chút và trí tôi thoáng qua chữ “ly dị”, nhưng ngài tiếp, bây giờ thì tôi góa vợ. Nghe vậy chúng tôi trong bàn vội vã liếc nhau. “Dù vậy - ngài nói thêm như để làm chúng tôi được tự nhiên - cái nhìn của tôi về chuyện vợ chồng không phải là lý thuyết suông”
    - Vâng, một bà nói, ông quả là người chồng hết sức rộng lượng.
    Ngài lại xua tay bác lời khen này. “Tôi chỉ là người chồng thực tế vì tôi luôn luôn cho rằng làm khác đi, tức không rộng lượng như bà đã khen, thì không có lợi.”
    - Nói vậy là sao? Một người trong bọn chúng tôi hỏi.
    - Là muốn sở hữu người khác thì giống như muốn chiếm lấy mặt trăng vậy, bởi mỗi linh hồn con người thì chỉ thuộc về nó thôi, không thuộc về ai khác.
    - Vậy lập gia đình để làm chi? Tôi nói.
    - Để quí vị có thể sống với người mình thương yêu mà không làm cho cô gái bị mang tiếng, câu trả lời được đưa ra ngay.
    Tới đây tôi đâm bực mình khi người hầu tiệc ngắt lời và nói nhỏ rằng bà chủ nhà muốn tôi dự một ván cờ cho có đủ chân. Tôi đứng dậy cáo lỗi rồi rời bàn. Tới khuya khi tôi đứng ở tiền sảnh chờ xe, óc tò mò của tôi được thỏa mãn đôi chút, vì một trong ba phụ nữ cùng bàn cũng đứng chờ xe ở đó. Tôi hỏi nhỏ.
    - Cái ông trẻ tuổi kỳ lạ đó là ai vậy?
    - Trẻ à? Bà nói. Tôi đoán ông ta phải hơn 55 là ít.
    - Vậy càng làm cho ông ta kỳ lạ thêm, nhưng ông ta là ai thế?
    - Tên ông là Justin Moreward Haig, mới từ Rome đến khoảng hai tháng nay, tôi biết có thế thôi.
    Dù chỉ mới gặp ngài có nhiều lắm là 20 phút, nhưng có một sức thu hút, sự dịu dàng cùng với một sức mạnh về trọn con người của ngài làm tôi bị lôi cuốn về ngài một cách không cưỡng lại được. Cho là người ta hoàn toàn bất đồng ý kiến với những gì ngài nói, ngài làm cho họ cảm thấy là ngài hết sức sáng suốt, mà khi nói chuyện như vậy ở bàn tiệc và với người lạ, thì ngài lại có vẻ ngây thơ một cách lạ lùng. Tôi lại còn nghĩ rằng không chừng ngài điên, như tôi nghĩ trong lần tiếp xúc kế với ngài, và có sự thành thực như là dấu hiệu của bệnh điên. Thực tế là chỉ có người điên mới hết sức thành thực nói ra ý tưởng chưa nghe bao giờ, chỉ có họ mới tin rằng cái họ nói là tuyệt đối trúng.
    Những ý tưởng này liên tiếp nảy sinh trong óc tôi lúc đứng chờ với bà cùng bàn, và tôi tìm cách hỏi chuyện để có thêm chi tiết về người lạ.
    - Làm sao bà biết là ông bấy nhiêu tuổi rồi? Tôi nói.
    - Ông ta có con gái đã lập gia đình, trông khoảng trên dưới 38 tuổi. Bà đáp.
    - Cô ta có mặt ở đây tối nay không?
    - Cô quay về Rome chừng hai tuần trước rồi.
    - Mà bà có chắc rằng cô là con gái của ông không? Tôi gặng hỏi.
    - Ông ta giới thiệu cô như vậy, nhưng lẽ dĩ nhiên ai dám chắc chuyên gì, bà thêm vào có hơi xấu bụng một chút, nhất là mối liên hệ giữa người đời với nhau.
    Khi ấy xe của bà đến và việc truy hỏi của tôi bị ngưng, cũng như lần gặp gỡ đầu tiên của tôi với ngài chấm dứt.

  4. #4

    Mặc định

    CHƯƠNG III
    BUỔI GẶP THỨ HAI

    Tôi thú thật rằng trong vài ngày sau buổi gặp đầu tiên ấy, tôi suy nghĩ nhiều về bữa tiệc và nhân vật chính tối hôm đó, khác với thói quen thường ngày. Ngoài câu hỏi chưa giải thích được rằng ngài là ai (vì tên ngài không tiết lộ gì nhiều đối với tôi), trí tôi nẩy sinh một loạt những thắc mắc khác mà không có câu trả lời thỏa đáng nào. Cũng như vài người quen mà tôi hỏi thăm về ngài không làm sáng tỏ gì hơn ngoài điều mà bà bạn vừa nói cho biết, câu trả lời của họ không thêm gì khác hơn câu trả lời của bà. Cách ngài dùng chữ “trẻ con” làm tôi ban đầu tự hỏi là ngài có kiêu ngạo quá mức chăng, nhưng rồi tôi nhớ lại là ngài nói chữ ấy một cách vô tâm không có chút ý riêng nào, giống như người ta nói trời có mây hay không mây, thế nên ý tưởng kiêu ngạo biến mất khỏi tâm trí tôi.
    Và tới ngày kia chúng tôi tình cờ gặp nhau trong vườn Kensington để từ buổi đó những thắc mắc trên và nhiều cái khác biến mất.
    Tôi đang ngồi mơ màng nhìn lối đi quanh co uốn luợn của khu vườn, trông giống như giòng sông trôi giữa hai bờ cỏ mềm hiền hòa thì ngạc nhiên thấy ngài bất chợt đến và ngồi xuống cạnh tôi.
    - Chúng ta được xếp đặt làm bạn với nhau, ngài nói, đưa tay đăt lên cánh tay của tôi trong chốc lát, vậy thì bắt đầu tình bạn sớm chừng nào tốt chừng đó.
    Tôi lẩm bẩm vài câu ngỏ ý hân hạnh và vui thích, vì lời ấy làm tôi vui dù thấy nó có hơi lạ.
    - Chúng ta đừng mất thì giờ nói xa xôi mà nên đi ngay vào chuyên như bạn thấy. Nói chỉ để mà nói thì ít khi nên làm.
    Tôi đồng ý là thường khi người ta nói nhiều quá, nhưng tôi tự hỏi chữ “chúng ta” này có nghĩa gĩ, vì nó không có vẻ như gồm có tôi trong đó.
    - Tôi nhớ lại, ngài tiếp tục nói, khi tôi từ giã bạn trong hoàn cảnh có hơi buồn thảm khoảng hai ngàn năm trước ở Ai Cập, tôi tìm cách an ủi và nói với bạn rằng chúng ta sẽ gặp nhau trong hoàn cảnh tốt đẹp hơn, khi ấy bạn có thân xác nữ.
    - Thật ư? Tôi ráng nói một cách tự nhiên vì chợt nẩy trong trí tư tưởng là không chừng tôi đang nói chuyện với người điên. Bởi có người điên tỏ ra rất dễ mến. Ngài nhìn tôi một lát với đôi mắt tỏ vẻ thân thiện hóm hinh.
    - Bạn có nhớ bà cô của bạn tên là cô Jane Wibley không? Ngài hỏi.
    Tôi đáp là có, trong nhà thường xem cô là người kỳ quặc.
    - Tôi quen biết cô Jane, ngài nói.
    - Biết cô Jane? Tôi lặp lại, nhưng cô đã qua đời hai chục năm rồi.
    - Cái đó không làm trở ngại cho tình thân của chúng tôi, ngài trả lời gọn ghẽ.
    - Nào, tôi cười và nói nhưng trong lòng thấy bực dọc chút đỉnh, ông có đùa không đấy?
    - Tôi không trách bạn là thấy bực mình đối với tôi, ngài cũng cười và đáp, nhưng bạn hãy chờ xem rồi biết. Bạn có nhớ, ngài tiếp tục, trong nhà thường chế diễu cô đôi chút vì khuynh hướng tâm linh của cô không?
    Tôi có nhớ chuyên ấy.
    - Bạn cũng có nhớ là sau một lần tranh luận trong nhà cô hứa chắc rằng sẽ có ngày cô thuyết phục được ai chống đối bằng cách gửi một tin sau khi qua đời rồi không?
    Tôi nhớ rõ điều ấy.
    - Tốt lắm, thế thì cô đã gửi tin về.
    - Tin gĩ thế? Tôi hỏi mà không tin chút nào.
    Ngài nói cho tôi hay, và tôi phải thú nhận rằng nó rất đáng tin, vì nó đề cập tới một chuyện chỉ liên quan đến tôi mà thôi.
    - Làm sao ông có được tin ấy? Tôi hỏi.
    Ngài giải thích kỹ cho tôi hay, và tôi nói sau khi nghe xong, Tôi chắc ông thuộc về phái thông linh học (Spiritualism)?
    - Không đúng theo nghĩa mà bạn muốn nói đâu, ngài trả lời. Tôi là đủ mọi phái mà nếu bạn muốn thì cũng không là phái nào. Sinh ra có một niềm tin là tốt, mà chết đi trong niềm tin ấy thì là chuyên không may. Niềm tin giống như cây nạng để có người nhờ đó cà nhắc tới Chân Lý, khi tới rồi thì người ta vứt cây nạng đi. Nhiều người sùng đạo có niềm tin, nhưng tin tưởng không nhất thiết là biết, chỉ có nhà huyền bí học thực hành là biết thôi.
    - Vậy ông là nhà huyền bí học?
    - Phải, tôi chắc người ta có thể gọi tôi như vậy, ngài nói một cách khiêm tốn.
    - Thế thì, tôi hỏi đầy vẻ tò mò, làm sao một người như ông lại vui thích chuyệc tiệc tùng chán ngấy trong xã hội London?
    Ngài cười lớn.
    - Một chuyên chán ngấy hay thú vị là tùy cách bạn làm nó, ngài nói. Nếu bạn thật sự muốn biết thì xin thưa tôi đi tìm chuyện thú vị tinh thần.
    Tôi không hiểu rõ ý ngài và bảo thế.
    - Phải rồi, câu đó có hơi mù mờ, ngài đáp, nhưng khó mà cắt nghĩa khác đi chỉ trong một câu ngắn.
    - Tôi thực tình muốn biết nó là gì, thật đấy. Tôi thúc giục ngài.
    - Nào, nó như thế này, tôi thích làm chuyện mà đối với bạn có vẻ lạ lùng, nhưng tôi tìm cách thay đổi quan niệm người đời để chỉnh lại những khó khăn của họ. Nếu muốn gọi tôi bằng tên dễ chịu thì bạn có thể gọi tôi là nhà nhân ái, làm chuyện từ thiện bằng cách nói luân lý.
    Tôi bắt đầu hiểu một chút.
    - Tôi không có công gì đâu, ngài nói tiếp, nó là chuyện giết thì giờ như những chuyện khác nhưng có một lợi điểm rất lớn, là mang được điều tốt lành cho người ta. Ai đi săn giải trí thì gây đau đớn cho những sinh vật khác để mình được vui, còn thú giải trí lý tưởng là có niềm vui bằng cách làm mất đi nỗi đau của người khác.
    - Vậy cái triết lý của ông là cho ra? Tôi hỏi.
    - Vâng, ngài nói, nhưng có hai loại cho ra, một loại quà thì tạm bợ, một loại khác thì lâu bền.
    Tôi không hiểu cho lắm câu đó.
    - Nếu bạn cho một người lang thang và đói bụng mấy đồng, ngài nói, thí vài giờ sau khi tiêu xài hết tiền họ sẽ đói bụng trở lại, nhưng nếu bạn cho họ thấy một quan điểm làm cho họ thật tình muốn đi làm, thì bạn đã cho họ một điều vô giá.
    Tôi nói là cái triết lý của ngài thấy đầy sáng suốt một cách thực tế.
    - Bây giờ, ngài tiếp tục, có rất nhiều người đầy lòng xả kỷ đi vào khu ổ chuột phân phát tặng vật, nhưng nói một cách bóng bẩy thì có ai đi vào khu ổ chuột của xã hội và mang an ủi tới cho các bà vợ bị bỏ rơi, tới người bị tình phụ, người đang si mê trong tình yêu, người chồng đau khổ, và vô số những ai đau khổ có đầy trong xã hội?
    - Thấy là ông đang làm chuyện đó. Tôi nói.
    - Tôi cố gắng làm vậy, ngài cười và nói.
    Tôi móc ra hộp thuốc và mời ngài một điếu, được ngài nhận lời (xin nhắc lại là chuyên viết vào thập niên 20, lúc xã hội chưa biết nhiều về nguy hại của thuốc lá). Nhưng rồi tôi khám phá là không mang theo hộp diêm. Ngài lấy trong túi ra một cái hộp nhỏ bằng vàng, lúc ấy gió xuân đang thổi và mỗi lần que diêm bật cháy thì bị gió thổi tắt ngay. Tôi nhìn ngài một cách thú vị vĩ ngài hoàn toàn không có chút nóng nẩy gì làm tôi thấy lạ hết sức.
    - Ông không hề mất kiên nhẫn ư? Cuối cùng tôi hỏi.
    Ngài nhĩn tôi và cười
    - Nóng nẩy à? Ngài nói, để làm gì? Tôi có cả sự vĩnh cửu trước mặt mình.
    Và rồi ngài châm điếu thuốc cho tôi với que diêm chót hết trong hộp.
    - Nào, bây giờ trở lại câu hỏi của bạn, nay bạn rõ vì sao tôi lui tới các nơi trong xã hội London chứ gì, ngài nói.
    - Và xã hội vì vậy mà được tốt lành hơn, tôi nói.
    Ngài gạt lời khen qua bên như vẫn luôn làm vậy.
    - Nhưng có một điều mà bạn không biết, ngài thêm vào.
    Tôi hỏi điều gỉ.
    - Bạn không biết là tôi không thích nói về mình. Nói xong ngài đứng dậy.
    Tôi cười, “Sẵn đây,” tôi đứng dậy bắt tay ngài, “tôi chắc ông chưa biết tên tôi, chúng ta chưa chính thức được giới thiệu với nhau.”
    - Bạn quên bà cô của bạn, ngài nháy mắt và nói.
    Tôi lại cười nữa, cách giới thiệu này quả là mới mẻ.
    - Chúng ta sẽ gặp lại nhau tại nhà bà Darnley chiều thứ tư này, ngài vừa quay đi vừa nói.
    - Nhưng tôi không được mời, tôi bảo, vả lại chiều hôm ấy tôi có cái hẹn khác.
    - Chúng ta vẫn găp nhau ở đấy. Rồi ngài bước ra lối đi trong vườn.
    - Mình thích người này, tôi nói thầm lúc nhìn ngài đi khuất bóng. Và lạ lùng thay, khi về nhà tôi thấy cuộc hẹn chiều thứ tư được dời lại, và hôm sau thư tới có thiệp mời của bà Darnley.


    CHƯƠNG IV
    TINH CÂU NỆ CỦA BÀ DARNLEY


    Chẳng bao lâu tôi khám phá rằng thầy J.M.H có chủ trương vô hại là dùng chính mình gây kinh ngạc nơi người khác. Đa số người thường ngại ngùng không muốn nói chuyện gì bất ngờ, và khi bắt buộc phải nói thì họ rào trước đón sau dài dòng, khiến cho điều bất ngờ trở thành cái ai cũng biết trước là sẽ tới. Khi thả quả bom vào buổi nói chuyện khô khan đầy thói tục của xã hội, thầy có hai mục đích, một mặt thì rõ ràng là ngài thích vậy, mặt khác thì bất ngờ ấy làm người ta phải suy nghĩ. Có hôm thầy bảo tôi.
    - Có hai cách để nhấn mạnh, một là hét to không ai thích, hai là trưng ra một sự thực lạ lùng chưa được biết tới như thể ta đang nói điều hiển nhiên nhất trên đời.
    Và chắc chắn là cách ấy mang lại kết quả, vì tôi có thể nói là tôi nhớ từng chữ một trong câu chuyện giữa thầy với tôi ở vườn Kensington hôm đó, cũng như là đa số những lời nói (mà tôi gọi là lời giảng) của thầy. Tuy vậy có một điều khác ngài không hề làm, là không bao giờ nói điều gì chỉ để gây chú ý, bất cứ điều gì ngài nói đều là điều ngài tin rằng đúng, và thầy nói điều ấy với sự giản dị đáng tin hàm ý ngài biết người nghe tin rằng nó cũng là điều thực. Kết quả thêm của việc này là nó khiến con người thầy có vẻ trong trắng, trẻ thơ thu hút và khuyến dụ được ai tiếp xúc với thầy. Thực vậy khi người ta bị kinh ngạc là bị kinh ngạc một cách dễ chịu và không hề nẩy sinh ý nghi ngờ hay tức giận chút nào. Chuyện không thể khác hơn vậy được vì ngài không hề tấn công vào niềm tin tôn kính của họ bằng cách chế diễu nó, phương pháp của ngài trong việc vạch ra lỗi lầm ít khi là nói rằng họ sai, mà nói rằng có cái khác trúng. Dầu vậy cũng có ngoại lệ đối với người mà thầy gọi là người giả hình Pharisees đương thời, ngài bảo “Với trường hợp này thì thầy cực chẳng đã phải dùng búa đập vỡ ngẫu tượng giả của họ”
    Bà Darnley là một người quen đã lâu của tôi và thường mời khách dự những bữa ăn tối có rất ít người. Thực vậy tối đó khi tới nơi tôi không ngạc nhiên mà lại hài lòng thấy không có khách nào khác ngoài thầy Moreward Haig và tôi. Bữa ăn do đó gồm có bà Darnley, cô Sylvia con gái bà còn trẻ và quyến rũ, cùng với hai chúng tôi; mà số người rồi cũng bớt thêm vì khi xong bữa cô Sylvia cáo lỗi phải đi dự cuộc họp bạn và không thể ở lại tiếp chuyện với chúng tôi. Bà Darnley hôn con gái "Chào con" với nét âu yếm do tục lệ đòi hỏi hơn là do tình thương, và nhìn theo cô trầm ngâm chứng tỏ bà đang suy nghĩ nhiều, sau đó bà quay sang khách nói lên ý nghĩ của mình.
    - Con nhỏ làm tôi lo, bà ưu tư bảo, tôi không thích chuyên đang xảy ra cho nó.
    Hai chúng tôi bày tỏ thiện cảm và hỏi bà có việc gỉ đáng lo. Bà đáp.
    - Chuyện có liên quan đến một ông thi sĩ.
    Chúng tôi cười lớn. “Cô gái làm bạn với một chàng thi sĩ ư?” Thầy hỏi.
    - Thầy gọi đó là tình bạn, bà nói, nhưng tôi không tin có tình bạn giữa trai gái trẻ tuổi.
    Hai chúng tôi lại cười vang vì ý kiến này.
    - Nào, tôi bảo, tình bạn là chữ duy nhất thích hợp, khi cô gái không phải là vợ của chàng trai, không phải là vị hôn thê hay là...
    - Xin đừng nói chữ đó, bà vội vàng ngắt lời, bằng không ông làm tôi bực mình lắm đó, dĩ nhiên con gái tôi không phải người như vậy.
    Thầy nhìn bà Darnley cười và nói.
    - Tình bạn là chữ đẹp đẽ và lại là chuyện tốt đẹp hơn nữa, vậy tại sao từ chối không nhận là có nó?
    - Tôi không phủ nhận có nó ở đúng chỗ và giữa hai người thích hợp, nhưng Sylvia đầy tình cảm, bà nói có hơi do dự, nó không được cẩn trọng.
    - Thế chữ cẩn trọng có phải là đồng nghĩa với chữ tình yêu trong cách suy nghĩ của bà chăng? Tôi hỏi.
    - Ông biết rõ tôi muốn nói gì.
    - Vâng, nhưng bà có chắc là bà biết cái mình muốn nói là gỉ không? Tôi gặng hỏi.
    - Ông thiệt là thô lỗ, bà nói, đương nhiên tôi phải biết chứ.
    - Nhưng chắc chắn là tình cảm thêm vào tình bạn, thầy Morevvard tiếp lời sau cuộc trao đổi của bà với tôi, là chuyện hết sức may mắn, nó làm cho tình bạn được trọn vẹn hơn. Bà không mừng là con gái bà nên cảm được cái gì đó có thêm vào hạnh phúc của cô sao?
    - Tôi không nghĩ là nó sẽ thêm vào hạnh phúc của con nhỏ, bà đáp, ngoài ra tôi không nghĩ như vậy là đúng đắn.
    - Thế thì bà không cho là đúng đắn việc con gái bà quí chuộng bất cứ ai ngoài bà và chính cô ấy? Tôi hỏi đùa.
    - Đừng vô lý, ông Broadbent! Bà đáp và phá ra cười tuy ráng làm mặt nghiêm mà không được.
    - Bà nhận rồi đấy nhé, tôi bảo.
    - Vậy bà nghĩ, thầy Moreward hỏi mà không có chút mỉa mai, là người ta chỉ nên thương kẻ thù của mình thôi hay sao?
    - Cố nhiên không phải rồi.
    - Tôi nghe có câu là “Hãy thương yêu người bên cạnh của mình”, tôi nháy mắt thêm vào, tôi chắc bà có thực hành điều ấy.
    - Tôi có tập làm vậy, bà nói với vẻ thành kính thoảng qua rất mau.
    - Nhưng bà không nghĩ là con gái bà nên thương yêu người bên cạnh cô, nhất là khi đó là một người đàn ông, và lại là thi sĩ? Tôi bồi thêm và lại nháy mắt trêu vào.
    - Ông biết rõ là nó không phải loại tỉnh thương đó.
    - Chà, phải đây đúng là chỗ mà bà sai không? Thầy Moreward nói một cách sôi nổi dịu dàng. Trên thực tế chỉ có một loại tình thương, còn sự khác biệt mà bà và những người khác cũng tạo ra mà chắc không hề nghĩ kỹ về nó, thì thuộc về mức độ chứ không phải là loại khác.
    Bà liếc tôi một cái như có ý nói là “Tôi sẵn sàng nghe thầy nói, vì thầy không dùng tôi làm trò đùa.”
    - Bà nói bà không tin có tình yêu thuần khiết không vướng bận nhục dục (platonic love), ngài nói tiếp, ít nhất đó là cái tôi suy diễn, nhưng nếu bà có thể tin điều ấy thì bà sẽ đồng ý với giá trị của nó.
    - Có thể tôi sẽ đồng ý, bà trầm ngâm nhìn nhận.
    - Tốt lắm, nhưng nói cho sát thì thế nào là tình yêu thuần khiết. Nó chỉ là sự kết hợp của thiện cảm về trí tuệ và thiếu thiện cảm về mặt thể chất.
    - Đó là cái định nghĩa hay nhất mà tôi được nghe, tôi chen vào.
    - Tôi sợ là tôi không có đủ thông minh để hiểu, bà Darnley nói với vẻ khiêm tốn không thành thực cho lắm.
    - Thế này này, tôi giải thích, nó có nghĩa người đàn ông ưa thích đàm luận với người đàn bà, miễn là ông ta có thể ngồi ở đầu kia của chiếc ghế sofa bao lâu mà ông muốn, và không thích ngồi gần hơn vì ông không thích thân xác của phụ nữ ấy. Phải không ạ? Tôi hỏi thầy Moreward.
    - Nói có hơi thô một chút, nhưng cũng đúng. Ngài đồng ý và cười to.
    - Tôi thấy vậy không lịch sự cho lắm, bà Darnley phê bình.
    - Cảnh đó chán phèo, tôi nói thêm để trêu ghẹo bà.
    - Nhưng đó là điều mà triết gia Plato không hề hàm ý, thầy Moreward tiếp tục sau khi bị tôi ngắt lời. Ông chỉ muốn nói tới việc tự kiểm soát chính mình, việc có lòng thương yêu mà kềm chế không chìu theo và biểu lộ nỗi đam mê thể chất.
    - Trời, bà Darnley kêu và không biết mình nên tỏ vẻ bị xúc động hay không. Tôi chưa hề nghe ai nói như vậy hồi nào.
    - Giống như nhiều chuyện khác, tôi xen vào, người giả hình uốn cái nghĩa nguyên thủy cho hợp với quan niệm của họ.
    - Giả hình! Bà nhắc lại. Thời này chắc chắn là đâu có người như vậy nữa.
    Suýt nữa tôi buột miệng nói với bà rằng theo tôi bà là người giả hình, nhưng tôi ngậm lại.
    - Bà có nghĩ là chính người giả hình thời nay, thầy Moreward nói, đã làm bà tin rằng việc con gái bà quí chuộng người đàn ông này là không đúng đắn không, nói khác đi là tình cảm ấy sai lầm? Còn nhìn theo khía cạnh tinh thần thì chuyện sai lầm sẽ là khi cô ấy không quí chuộng ông thi sĩ.
    - Chà, thầy Haig, bà bảo, thầy nói ngược lại hết mọi chuyện.
    - Nhưng chính người giả hình mới đảo ngược hết mọi chuyện, tôi nói, họ bảo là “Bạn chớ nên thương yêu người cạnh mình.”
    Bà cười một cách yếu ớt.
    - Bà có muốn con gái của bà có trái tim không biết thương yêu không? Thầy Moreward hỏi với vẻ đơn sơ bình thản.
    - Dĩ nhiên tôi muốn một ngày kia nó thương yêu ai đó, yêu đúng người. Bà trả lời.
    - Đúng theo nghĩa là có tiền? Tôi xen vào.
    - Đúng theo mọi nghĩa, bà chữa lại.
    - Cái gì tốt cho bà thì có thể là độc cho cồ, tôi đáp.
    Bà giả vờ không hiểu nhưng thật ra bà hiểu rất rõ.
    - Bà Darnley, bà có bao giờ thấy là, thầy Moreward nói với vẻ kinh trọng, tại sao có nhiều cuộc hôn nhân không có hạnh phúc không?
    - Chà, tôi chưa hề nghĩ nhiều về chuyện ấy, bà nói.
    - Bà có nghĩ là có lẽ vì có quá nhiều bà mẹ nhìn tình bạn theo quan điểm hôn nhân không?
    - Có lẽ, nhưng đó không phải là cái tôi đang làm...
    - Xin lỗi bà, ngài nói với vẻ dịu dàng ân cần và phác tay, nhưng đó chính là điều bà đang làm. Bà đang phân vân lưỡng lự giữa hai chuyện về hôn nhân.
    Bà trông có vẻ rối trì thật tình và bảo thầy như thế.
    - Tôi muốn nói, thầy giải thích, là bà sợ con gái bà có thể muốn thành hôn với ông này, mà bà cũng e ngại là cô có thể không muốn thành hôn với ông. Nói vắn tắt thì thái độ của bà đối với tình thương yêu là hoặc dẫn tới hôn nhân hoặc không có gì hết. Bà này, thái độ ấy là nguyên cớ cho đa số cuộc hôn nhân thiếu hạnh phúc. Người trẻ lấy người họ quen mà không thích hợp thay vì kết hôn với bạn chân tình.
    - Nói như thầy thì dễ, bà nói tỏ vẻ không tin, nhưng thật sự tôi không thể cho phép con gái tôi có một loạt những cuộc tình. Làm vậy người ngoài sẽ nghĩ sao đây?
    - Để ý tới lời dèm pha của người khác là có lòng tự phụ, ngài nói nhẹ nhàng, còn lưu tâm đến hạnh phúc của con gái mình là tình thương. Tôi chắc rằng bà sẽ chọn cái sau, ngài thêm vào và đăt tay lên cánh tay của bà.
    - Chà, chà, bà lẩm bẩm, hài lòng với lời khen của thầy nhưng không chắc là bà có được vậy chăng. Chà, chà, để xem sao.
    Và tới đó là chấm dứt buổi nói chuyện, vì cô Sylvia về tới nhà, vào phòng làm chúng tôi ngạc nhiên.
    - Con chịu không nổi, cô nói, cuộc họp bạn chán quá nên con đi về.
    Một chốc sau chúng tôi cũng cáo từ về nhà.


    CHƯƠNG V
    BỮA TIỆC NGOÀI VƯỜN


    Khoảng mười ngày sau ba người chúng tôi lại găp nhau trong bữa tiệc ngoài vườn tại nhà công nương Appleyard. Tôi có gặp thầy J.M.H. vài lần ở nhà thầy và nơi khác trong khoảng thời gian đó, và thầy bảo tôi rằng nếu có thể thì thầy muốn giúp cô Sylvia một chút.
    - Hào quang của cô cho thấy có nhiều đức tính đáng quí, ngài bảo, và chỉ cần cô được phép yêu và sống thực một chút thì cô sẽ có tiến bộ lớn lao trong kiếp này.
    Tôi xin thêm rằng nhận xét có tính huyền bí ấy và những lời khác tương tự không còn làm tôi kinh ngạc hay có vẻ khó hiểu nữa, vì nói chuyện nhiều về triết lý huyền bí với thầy lúc này khiến tôi tương đối hiểu được đề tài thật hấp dẫn đó. Chúng tôi đưa bà Darnley ra một chỗ mát trong góc vườn rộng chăm sóc đẹp đẽ của công nương Appleyard, với bà không tỏ ý phản đối cho lắm. Tuy có tính sống theo thói đời, rõ ràng là bà quí chuộng và yêu thích thầy nhiều hơn là thích những người khác. Còn đối với tôi, thì có lẽ ít nhất tôi làm bà vui lòng.
    - Về tình bạn với ông thi sĩ của con gái bà, ngài nói, tôi mong là bà không gây cản trở gì cho việc ấy chứ?
    - Tôi có thể gây cản trở gì nào? Bà nói.
    - Như không có thiện cảm, thầy Moreward đáp.
    - Tôi khó mà có thiện cảm với chuyện tôi không thuận lòng.
    - Lòng thiện cảm chân thực nhất là có thiện cảm với chuyện mà người ta không đồng ý với nó, ngài nói một cách nhẹ nhàng nhưng với nhiệt tâm, thiện cảm chỉ vì thiện cảm, thiện cảm ví tình thương.
    - Chắc bà không yêu quí con gái của bà, tôi chêm vào theo bản tính ưa chọc ghẹo của mỉnh.
    - Sao ông nói thế được? Bà phản đối.
    - Tôi nghĩ bà có viết thư trao đổi với ông thi sĩ phải không? Thầy hỏi sau khi đưa mắt nhìn tôi ngụ ý là tôi phải nghiêm chỉnh lúc này. Bà Darnley kinh ngạc thực sự.
    - Làm sao thầy biết được? Bà hỏi, ngay cả Sylvia cũng không biết mà.
    - Có nhiều cách để biết chuyện mà không cần người ta nói mình nghe, ngài cười và đáp. Tôi nghĩ bà có thư của ông trong ví phải không.
    Bà lại càng ngạc nhiên hơn nữa.
    - Tôi có thể chỉ cầm lá thư trong tay được không? Cố nhiên là tôi không đọc thư rồi.
    Bà mở ví với vẻ ngạc nhiên không hiểu và đưa cho thầy lá thư.
    - Cám ơn bà, và bây giờ, ngài nói tiếp, giả thử tôi tả người này với cá tính của ông cho bà và giả thứ đó là cá tính tốt thì bà sẽ thay đổi thái độ không?
    - Tôi không biết, bà nói có chút nghi ngờ.
    - Nào, để xem xem, ngài tiếp tục, nhẹ nhàng chạm vào thư bằng ngón trỏ và ngón cái. Ông là người cao, da sậm, không có râu, gương mặt khắc khổ nhưng khỏe mạnh, trán cao, tóc chải thẳng ra sau, mắt sáng, có mầu xanh xám. Có đúng như tôi nghĩ không?
    - Đúng lắm, nhưng làm sao...
    Ngài không để ý tới vẻ kinh ngạc của bà.
    - Tính tình của ông giống với gương mặt. Ông có trí tuệ thanh bai, không ích kỷ, nhiều lòng thiện cảm, tao nhã.
    - Xin mừng cho bà, bà Darnley, con gái của bà có được tình bạn rất tốt.
    Ngài lại làm ngơ với sự lạ lùng càng tăng thêm của bà.
    - Và bây giờ chúng ta thử xem tương lai có gì. Ngài trầm ngâm một lúc. Con gái bà sẽ không thành hôn với người này, ngài nói chậm rãi. Tuy nhiên nếu ngăn chặn tình bạn của hai người họ sẽ yêu nhau cuồng nhiệt và sẽ có rối rắm xảy ra cho cả ba người, bằng nếu cho hai người gặp gỡ nhau tự do như ý thì mọi chuyện sẽ dàn xếp khiến bà hài lòng.
    Nỗi kinh ngạc của bà Darnley và lòng kiêu hãnh thói thường dằng co nhau, kết cục là lòng kiêu hãnh thắng.
    - Nhưng nếu tôi làm theo lời khuyên của thầy, một lúc sau bà nói, thì làm sao ngăn chặn được miệng lưỡi của thế gian?
    - Bận lòng vì vài chuyện đàm tiếu, ngài đáp nhưng có nét khoan dung, là một hình thức của tính trẻ con mà tôi nghĩ bà không có giống vậy.
    Cả ba ngưng một chút và tôi chắc bà Darnley thấy rằng bà có bận lòng về việc ấy nhưng cố nhiên bà không gọi đó là tính trẻ con.
    - Bà có yêu thơ không? Ngài hỏi để tìm cách thay đổi đề tài một chút, và cùng lúc trả lại bà bức thư.
    - Thích hết sức, bà nồng nhiệt đáp.
    - Nhưng không thích thi sĩ? Tôi hỏi. Thi sĩ xem ra không được trọng cho lắm trong nhà có con gái đẹp.
    - Thầy bảo anh ta nghiêm chỉnh hơn một chút được không? Bà kêu với thầy.
    - Tánh anh chàng thế, ngài nói một cách rộng lượng. Anh trưng ra cho bà một chân lý sâu xa bằng cách nói khôi hài.
    - Mấy ông luôn bênh nhau, bà nhận xét và cười, về phe với nhau, khác hẳn với mấy bà.
    - Thành ra xin tha lỗi là tôi bênh ông nhà thơ lúc này, ngài nói thật khéo léo.
    - Bà sẽ theo lời khuyên của tôi chứ? Thầy hỏi sau khi ngưng một chút, nghe vậy bà Darnley nhìn có vẻ như bà ước phải chi cuộc đời có thơ mà không cần có thi sĩ.
    - Thầy nói nghe dễ lắm, bà đáp lại; thầy không có con gái, nếu có thầy sẽ nghĩ khác.
    - Xin lỗi bà, ngài nói mà cười, tôi có con gái.
    Bà Darnley tỏ vẻ ngạc nhiên, “Thế à, nhưng chắc con thầy chưa lớn,” bà nói.
    - Nhưng cháu đã trưởng thành rồi.
    - Vậy mà thầy không nói tôi hay, bà Darnley càng kinh ngạc đáp lại có ý trách móc. Thầy thật không phải chút nào không mang cháu tới cho tôi găp. Trời, thầy lập gia đình hồi bao tuổi để có con lớn mà coi thầy trẻ quá.
    - Không trẻ lắm đâu, ngài đáp lại và bật cười vì sự ngạc nhiên của bà. Nói cho cùng thì sự trẻ trung chỉ là do có tinh thần an ổn, cộng với dinh dưỡng tinh khiết. Tôi nhớ có câu là “Một trái tim thương yêu cho ra thân xác trẻ trung”
    - Chà, thiệt là chuyên lạ, bà Darnley buột miệng.
    - Không có gì lạ đâu, thầy vừa cười vừa chữa lại. Cái gì được xem là chuyện lạ với người này thì với người kia có thể là chuyên hằng ngày. Hồi nãy tôi làm bà kinh ngạc khi sử dụng phép tâm kế (psychometry) cầm vật mô tả được người, chỉ vì bà chưa nghe nói tới thuật ấy, nhưng đó là chuyện hết sức tự nhiên cho ai trau luyện được khả năng ấy.
    - Cái duy nhất là tội trong đời, là sự vô minh, tôi thêm vào với vẻ nghiêm khắc giả vờ.
    - Đúng vậy, thầy Moreward đồng ý ngay.
    - Trời đất, thiệt là, phải chi tôi khôn được vậy, bà Darnley thở dài rồi đứng dậy và bảo chúng tôi rằng bà phải đi.
    Chúng tôi đứng lên chào bà.
    - Bà không quên lời khuyên của tôi chứ? Ngài gặng hỏi, vỗ nhẹ lên tay bà.
    - Để xem sao, bà đáp lại chưa có ý thuận.
    Ngài cúi đầu nhã nhặn và nhìn theo tới khi bà khuất mắt.
    - Chà, ngài thở ra một cách vui vẻ lúc không thấy bà nữa. Thầy phải thú thật là bầu không khí quanh người giả hình thiệt là ngột ngạt, bà ra về thì giống như đám mây nặng chịch bao phủ bầu trời được tan biến đi.
    Tôi cười lớn.
    - Thực vậy, ngài thêm, người giả hình khó mà vào được nước thiên đàng; chỉ thấy điều không thích hợp trong những chuyện vô hại và đẹp đẽ là sống trong địa ngục trên mặt đất.
    - Con đoán cô Sylvia và chàng thi sĩ của cô hai người đang yêu nhau, tôi nói ý mình, tuy thầy không nói lộ chuyện ấy?
    - Phải, ngài đáp, và đó lại là chuyện rất hay. Anh chàng cần cô để kích thích khả năng sáng tạo của mình, và cô cần anh để khơi dậy đặc tính tiềm ẩn của cô. Mặt cảm xúc sẽ tàn đi chẳng sớm thì muộn, nhưng tình bạn sẽ còn hoài.
    - Thầy có nghĩ là bà mẹ sẽ can thiệp làm hư chuyện không, tôi hỏi.
    - Có, trong một lúc ngắn. Tính chìu theo dư luận là một trong những hệ quả tệ nhất của lòng kiêu hãnh vì nó có tính quá quắt. Tội nghiệp cho bà Darnley, bà hóa ra nhát nhúa vì tính kiêu hãnh của mình, mối lo ngại trong đời của bà là dư luận, sợ người đời sẽ nói gì, nghĩ gì. Bà không sống trong thế giới rộng lớn của tình thương, mà sống trong nhà tù. Nhân tiện, ngài thêm vào, con gặp cô Sylvia thường hơn thầy, nếu cô gặp khó khăn con nhớ cho thầy hay.
    - Vâng ạ - tôi thưa.

  5. #5

    Mặc định

    CHƯƠNG VII
    CÔ DAISY TEMPLEMORE

    Tôi biết Daisy Templemore từ lúc cô là bé gái mới 9 tuổi, và ngay cả khi bé tí như thế, tôi (và nhiều người khác nữa) thấy trước là cô bé sẽ lớn lên thành người tán tỉnh không tha ai, và cô làm y vậy. Từ khoảng năm 17 tuổi đến lúc tôi kể chuyện này là 10 năm sau, cô tán tỉnh hết người này rồi người kia, và năm 26 tuổi, việc Daisy Templemore hứa hôn với một sĩ quan phải qua làm việc tại Ấn Độ vẫn không làm chấm dứt thói quen này.
    Anh chàng từ Ấn Độ về Anh nghỉ phép, được cô nhận lời cầu hôn và chiếm được một phần rất nhỏ quả tim cô (như chuyện tiểu thuyết thời xưa hay nói), rồi anh quay trở lại nhiệm sở để cô được tự do không bị vướng víu vì có anh, và tiếp tục tán tỉnh hết người này rồi người khác.
    Tuy tôi lớn hơn cô khoảng một con giáp, việc bồ bịch của Daisy không gây trở ngại cho tình bạn giữa hai chúng tôi, và tôi có thể thêm rằng tôi là một trong số rất ít người đàn ông mà Daisy ban cho vinh dự là không tán tỉnh, và cô cởi mở với tôi rất nhiều. Bởi cô rất xinh đẹp, ăn nói có duyên, một số tiệc tùng ở London thường xuyên mời cô tới dự, nên lẽ đương nhiên là cô làm quen được với thầy ngay khi có cơ hội, và tôi không ngạc nhiên là cô khởi sự tán tỉnh liền với ngài là nhân vật ai cũng muốn gặp mà hành tung lại rất kín đáo.
    Ở đây tôi phải nói một chút về thái độ của ngài đối với phái nữ. Ta hãy tưởng tượng một cảnh trí xinh đẹp mà có khả năng của người là biết nói, biết vui sướng lẫn biết đau khổ, rồi tưởng tượng thêm là có người ngắm nó khen ngợi, thông cảm nhưng không hề cảm thấy muốn chiếm hữu, nói khác đi, không đòi hỏi bất cứ điều gì từ cảnh trí ấy chỉ trừ một điều rằng nó hãy là chính nó, thì người ta có được ấn tượng sơ sài về thái độ của bậc tiến hóa cao như ngài về người khác phái, mà tôi cũng có thể thêm là đối với tất cả mọi người và mọi vật. Cảm tình của ngài đối với nhân loại là lòng lành hết sức sâu đậm chỉ có thể được diễn tả bàng một chữ là tình thương. Đối với những ai mà ngài tiếp xúc thì ngài không đòi hỏi gì hơn là họ là chính họ, trừ trường hợp khi mối liên hệ là giữa thầy với trò, lúc ấy ngài đòi hỏi (nhưng với lòng kiên nhẫn và khoan dung lạ lùng) một số đức tính không phải để làm lợi cho ngài, mà để làm lợi cho chính cá tính của họ.
    Chính ở điểm này mà Daisy Templemore tìm cách khai thác ngài thiệt bậy làm tôi bực cô hết sức. Khi thấy tán tỉnh mà ngài chỉ đáp lại bằng tình thân thiện đáng yêu, như đối đãi với tất cả những cô và bà khác, Daisy không hài lòng với thái độ không phân biệt đó nên dùng phương pháp khác là xin làm học trò của thầy, yêu cầu ngài dạy cô minh triết bí truyền. Tôi thú thật là sự thất bại của cô làm tôi hài lòng vô kể.
    Thầy Moreward không giống như một số người Anh kiêu hãnh, sợ không dám bày tỏ cảm xúc yêu mến. Nếu việc bày tỏ tình thương ra ngoài có thể làm lợi cho ai thì ngài không chần chờ gì mà ôm choàng lấy người đàn ông, đàn bà hay trẻ nhỏ. Sự việc làm người giả dối trong xã hội hiểu lầm, nhưng lời đàm tiếu xì xào đối với tấm lòng thanh tịnh của ngài thì giống như tiếng kêu sảng của vài con cừu mà thôi. Một hôm ngài nói với tôi, “Cảm xúc yêu mến đẹp đẽ và bình an của người bị mất đôi chút giá trị trừ phi chúng ta có thể biểu lộ cho người khác. Cái chạm nhẹ của một bàn tay thân mến, hay giang đôi tay thương yêu ôm choàng một ai đôi khi có thể làm cho ai đau khổ được an ủi nhiều hơn một ngàn chữ, và việc giữ lại không bầy tỏ những cử chỉ bề ngoài này rất thường khi do lòng kiêu hãnh gây ra, tức tin rằng thương yêu do bí ẩn nào đó sẽ làm hạ thấp chính mình”.
    Việc Daisy có muốn tán tinh thầy hay không là điều tôi thấy trước rõ tới mức tôi báo cho ngài hay về cá tinh ưa mưu mẹo của cô nàng. Tuy vậy ngài chỉ cười và nói rằng ngài không dễ bị mù quáng vì sự hấp dẫn của nữ giới, và câu chuyện chấm dứt như thế vào lúc này.
    Tới một hôm tôi tình cờ gặp cô Dickenson, người vẫn nói rằng mình là bạn gái duy nhất của Daisy, cô kể tôi nghe vài chuyện làm tôi nhớ lại những dự đoán của mình.
    - Cái ông thầy khắc khổ của anh không có vẻ cứng cỏi sắt đá như người ta tưởng đâu, cô mào đầu.
    - Trời, tôi đáp, chuyện gì xẩy ra vậy?
    - Anh chưa nghe gì về Daisy và ông thầy của anh sao?
    - Không nghe thấy gì lạ hết.
    - Vậy anh chậm chạp hơn người rồi.
    - Chắc thế, tôi đáp và giả vờ không quan tâm đến chuyện chút nào.
    - Anh không có nghe là ông mê say cô nàng, còn Daisy thì giả vờ là lo lắng sợ hôn phu cô nàng biết được à?
    Tôi tức điên lên trong bụng. “Ai bảo cô thế?” tôi hỏi có chút gắt gỏng.
    - Tin tôi đi, ai cũng nói vậy hết, cô đáp.
    - Chuyên vớ vẩn, tôi nói.
    - Có gĩ mà anh phải bực chứ, cô bảo.
    - Daisy luôn luôn đùa cái trò này, tôi không còn thấy nó hay ho gì nữa, tôi quạt lại với cơn giận chưa nguôi. Tán tỉnh thì cũng được đi, nhưng khi cô nàng giả vờ là có người si mê mình, rồi tỏ ý bực vì điều ấy thì quá lắm. Tôi chắc chính Daisy kể chuyện này cho cô hay phải không? Tôi hỏi dịu hơn một chút.
    Cô Dickenson ngập ngừng.
    - Đúng thế rồi, tôi đoán ngay, đây này, tôi cá với cô bất cứ cái gì cô muốn là thầy Moreward không si mê Daisy một chút nào.
    - Đừng tưởng bở, cô đáp.
    Sau đó tôi sang chuyện khác. Nhưng khi gặp được thầy tôi kể lại cuộc nói chuyện trên, và thêm cả việc tôi bực mình rất nhiều, thầy lại cũng chỉ cười tỏ vẻ thú vị nhẹ nhàng, làm như thể ngài không thấy gì khác ngoài khía cạnh khôi hài của sự việc.
    - Sự bực bội tỏ ra con là người hào hiệp, nhưng phí công, sau một lúc ngài bảo. Tức tối giùm cho thầy để chi, khi chuyện không gây cho thầy chút bực tức nào?
    - Nhưng con nghĩ hẳn là thầy phải bực, tôi đáp, Daisy đáng bị trách mắng vì lòng vô ơn của cô.
    - Luật nhân quả trừng phạt con người theo cách riêng của nó, ngài nói nhẹ nhàng, vì vậy không ai cần phải lo việc trừng phạt người khác bằng cách tỏ ra giận dữ hay có thái độ gì khác.
    - Nhưng con nghĩ không ai nên để cho người ta lợi dụng bạn của mình, tôi vẫn nài.
    - Có lúc người ta nên can thiệp, nhưng cần gì phải bực tức? Nếu con mèo kêu trong phòng thì đem nó ra khỏi phòng, nhưng đừng la mắng nó. Bản tính của mèo là kêu meo meo, cũng như bản tính của vài người là vô ơn vậy.
    - Con ước phải chi con có được triết lý như thầy, tôi nói với lòng thán phục.
    Ngài mím cười đồng ý nhưng chỉ có vậy và làm ngơ với lời khen.
    - Mọi chuyện tự nó không có gì đáng bực, ngài trầm ngâm tiếp theo. Người lớn không bực dọc đối với chuyện làm trẻ con bực tức, vì người lớn gần niềm vui tự nhiên hơn đứa trẻ một chút. Để cho ai đó hòa hợp cái trí của họ với hạnh phúc bên trong thì không có cái gì trên măt đất có thể làm họ tức tối hay buồn rầu.
    - Cái đó khó làm, tôi tỏ ý nghi ngờ.
    - Thời gian và gắng công sẽ đạt được mọi chuyên, ngài đáp. Còn đối với cô Daisy, cô cần được con thông cảm hơn là tức giận.
    - Sao thế? Tôi hỏi với vẻ kinh ngạc.
    - Cô sẽ bị sầu não vì chính lòng tức giận của mình, vì lòng kiêu hãnh bị tổn thương. Hành động của cô mang lại sự trừng phạt cho cô, ngài nói.
    Và chuyện xẩy ra y thế như tôi biết chẳng bao lâu sau.
    Tôi không gặp Daisy đã lâu, nên tới chiều hôm nọ tôi đến nhà cô và được mời vào phòng khách. Tôi hài lòng thấy không có ai khác tới thăm, Daisy đang không vui chút nào và không che dấu việc ấy. Tôi hỏi cô chuyện gì làm cô không vui, nhưng cô gạt phắt nên tôi đổi đề tài, chiến thuật nhỏ bé này vậy mà lại hiệu quả. Sau khi ừ hử chiếu lệ về mọi chuyên mà tôi nghĩ ra để nói, Daisy cuối cùng phun huỵch toẹt cái bí mật làm cô bực mình.
    - Bạn anh thiệt là quí hóa dữ a, cô buột miệng. Tôi chưa hề bị đối xử tệ như vậy bao giờ.
    Tôi nói với cô nhẹ nhàng là tôi có nhiều bạn, và tốt hơn cô nên nói rõ đó là bạn nào.
    - Ồ, cái ông mà anh gọi là nhà hiền triết, là triết gia, là cái chi chi đó, cô nói sẵng. Coi này, cô lục trong ví và đưa tôi xem bức thư. Tôi cầm tờ giấy, nhận ra ngay nét chữ. Thư viết như sau.

    "Bạn thân mến,
    Tôi e ngại là mỗi chúng ta sẽ theo đuổi mục đích khác nhau trong mối liên hệ giữa bạn và tôi, trừ phỉ cả hai chúng ta nên rõ ràng hơn về chủ ý riêng biệt của mình. Trong những tuần vừa qua tôi có ám chỉ cho bạn vài điều mà tôi hết sức mong mỏi là bạn hiểu ý và tôi không cần phải làm gì thêm, hầu tránh cho bạn không bị ngượng ngùng và bực dọc là hai điều sẽ dễ dàng sinh ra do việc phơi trần những sự kiện không thể phủ nhận được. Tuy nhiên hy vọng của tôi không thành và vì thế tôi bắt buộc phải viết thư này (mà cùng lúc xin bạn thứ lỗi) để cho bạn hay, là chỉ dạy về khoa minh triết bí truyền và chân lý cao hơn phải chấm dứt ở đây, vì bạn đã tự mình đóng cánh cửa đầu tiên trên con đường dẫn tới sự hiểu biết. Thực tình mà nói, chủ đích của bạn ngay từ đầu là không muốn mở cánh cửa này chút nào, mà chỉ để tìm cách được thân cận rõ rệt hơn với tôi, dùng việc học hỏi Minh Triết Thiêng Liêng như là cái cớ để thực hiện ý định của mình.
    Điều này có thể tha thứ được về một khía cạnh nào đó (tuy không thành thật), tôi nói vậy một cách tương đối vì mọi sơ sót của con người đều có thể được tha thứ đối với ai có tâm hoàn toàn khoan dung, nếu bạn được thúc đẩy vì động cơ yêu thương, thay vì lòng kiêu hãnh mạnh mẽ không chối cãi được. Nhưng bởi đó là lòng kiêu hãnh, nên tôi không thể vì bất cứ lý do nào khuyến khích một tính chất trong người bạn mà chẳng chóng thì chầy sẽ làm bạn vấp ngã, và tôi bắt buộc phải cho bạn hay sự việc mà không có chút mù mờ nào. Ba lần bạn viết thư cho tôi đầy lời trách móc về chuyện tôi không đến thăm thường xuyên, và nói rằng đối với bạn tôi không tỏ ra là vị thầy có nhiệt hứng, trong khi tôi lại đầy nhiệt tâm với bà H. Bạn ghi với lòng thiếu độ lượng là bà H. không là học viên xứng đáng bằng bạn, vì bà có "quá khứ".
    Bạn thân mến, xin để tôi vạch ra cho bạn thấy là có "quá khứ" loại này mà cũng có "quá khứ" loại kia, và ai thương yêu nhiều thí được tha thứ nhiều, bởi tôi muốn thêm rằng một trái tim thương yêu thật sự là đức tính tốt đẹp hơn hết trong mọi đức tính đòi hỏi trên đường dẫn tới sự hiểu biết. Vô số những cuộc tình của bạn (nếu tôi được phép ám chỉ tới chúng), không phải là "chuyên tình", mà chỉ là "chuyện kiêu hãnh", và đó là cái phân biệt đáng tiếc. Bạn đã chìu theo hành động gây đau khổ là gợi nỗi đam mê về tình yêu của phái nam mà không có chủ ý muốn thỏa mãn họ, và bạn tìm cách theo đuổi cùng ý đó với tôi mà không thành công, vì đam mê tan biến mất cho ai ưa chuộng những việc khác thú vị hơn.
    Vì vậy, cái quá khứ mà bạn gán cho người khác không suy nghĩ lại chính là điều mà bạn chưa đủ mạnh, chưa đủ quên mình để làm. Lòng kiêu hãnh lôi kéo bạn theo hai đường cùng một lúc, vì bạn thèm muốn nghe được lời thương yêu rót vào tai bạn không dứt, làm thỏa mãn một phần lòng kiêu hãnh của bạn mà không cần phải đáp trả lại bằng bất cứ điều gì, hầu giữ được tiếng tăm không hoen ố, và tỏ ra rằng mình là bà hoàng ở ngoài tầm tay của mọi người, và làm vậy lại thỏa mãn một phần khác của lòng kiêu hãnh.
    Sự việc là vậy, thế thì tôi là một thành viên khiêm tốn của nhóm Huynh Đệ chỉ quan tâm tới điều duy nhất là sự tiến bộ tinh thần của nhân loại và không gì ngoài khác, có thể nào dùng thì gỉờ của tôi để chỉ dạy bạn minh triết mà bạn không hề có ý muốn học? Nếu bạn thật tình có ý muốn đó thì ngay cả lòng kiêu hãnh của bạn cũng không gây trở ngại cho sự chỉ dạy của tôi, vì trước hay sau nó cũng sẽ tự mình tan biến khỏi con người bạn. Nhưng vì bạn không có ý đó, tôi đành phải không là người chỉ dạy bạn nữa, mà trong tương lai chỉ còn là thân hữu đúng nghĩa của bạn.
    Kính thư,


    - Lá thư thiệt hay, tôi nói một cách khô khan lúc đọc xong, hay tới nỗi tôi muốn giữ nó. Nhưng tôi ngạc nhiên là tại sao cô lại đưa tôi xem, tại vì nó gây ấn tượng xấu về cô hơn là về thầy.
    Nghe vậy Daisy Templemore giận quá nên cô quên phứt việc đòi lại thư, và kết quả là bức thư còn nằm trên bàn giấy của tôi tới ngày hôm nay. Cũng kể từ đó tình thân giữa hai chúng tôi bị lạnh nhạt đi một chút, có lẽ đó là sự trách móc duy nhất của cô. Còn đối với thầy Moreward, lần sau gặp thầy dĩ nhiên tôi nhắc đến việc có đọc lá thư, và nhắc lại vài lời trách cứ rất đúng trong thư. Nhưng thái độ của thầy với lá thư và với Daisy cho tôi thấy là nếu cây bút viết lời trách cứ, thì tim ngài lại không chứa ý gì, bởi sau khi nói đến cô với sự nhẹ nhàng rất mực, thầy kể tôi nghe một câu chuyện xứ Ấn:
    “Ngày xưa có một con rắn lớn, ngài bảo, sống trong cái cây ổ bên đường, và tấn công rồi sát hại bất cứ ai đi ngang qua. Tới ngày kia một nhà đại hiền triết ghé lại và hỏi tại sao nó thích làm chuyện ác độc như thế, ông vạch ra kết quả là chẳng lâu thì mau nó sẽ tự chồng chất nỗi đau khổ cho mình. Nghe vậy con rắn hứa là sẽ không còn tấn công người nữa, và nhà hiền triết bỏ đi. Vài tuần sau ông trở lại thấy con rắn lần này thật thiểu não, ông mới hỏi chuyện gì xẩy ra. Con rắn nói, “Ô, thánh nhân ơi, tôi nghe lời ngài và ngài hãy coi kết quả đây, khi tôi ngưng tấn công khách bộ hành thì họ lại tấn công tôi làm tôi ra nông nỗi này. “A,” nhà hiền triết đáp với nụ cười đầy tình thương, 'ta dặn rắn chỉ đừng chọc phá người, ta không bảo đừng làm họ sợ nếu họ tìm cách lợi dụng rắn.”
    - Vậy lá thư của thầy chỉ là để làm Daisy sợ? Tôi hỏi và phá ra cười. Nhưng hẳn là thầy phải đoán ra bản tính thật của cô ngay từ đầu?
    - Suy đoán và tiên đoán theo phép tâm linh đều không phải luôn luôn đúng, ngài nói nhẹ nhàng. Con có thể dẫn đi chơi một con chó rất hiếu chiến, và khi thấy đằng xa có con chó khác, con tiên đoán có phần chắc chắn là sẽ có cắn nhau, nhưng rốt cuộc không có gì xẩy ra, có cả chục chuyên can thiệp làm ngăn lại.
    Tôi bật cười trước thí dụ này.
    - Thành ra, ngài tiếp tục, chúng ta không bao giờ từ chối ai ở cửa, chúng ta tiên đoán tỉ lệ có thể bị sai. Sao đi nữa, thầy tiên đoán thêm là chẳng bao lâu cô Daisy sẽ bị nặng nợ vì có "quá khứ". Cô sẽ thành hôn với chàng sĩ quan của cô và sẽ ly dị trong vòng ba năm.
    Quả thật việc xẩy ra y vậy.


    CHƯƠNG VIII
    LINH MỤC WILTON

    Linh mục Wilton là người tiêu biểu cho giới của ông, bữa ăn tối nào cũng có món ngon kèm một hai ly rượu hảo hạng và do thế hóa đẫy đà. Ông nói đẩy đưa vài chuyện đạo với giáo dân nào có nhan sắc dễ coi, nhưng ta chớ quên thêm rằng ông nói chuyện mà như giảng kinh. Giáo hội Anh cho phép linh mục có gia đĩnh và ông lập gia thất sớm lúc mới 21 tuổi. Dầu vậy khi tôi biết ông thì linh mục đã góa vợ, chỉ có một mụn con gái với người trong họ đạo tin là rất được ông cưng chiều. Thế nhưng thầy Moreward nhận xét một cách khô khan tuy đầy lòng khoan dung vốn có của ngài, là ông thương con một cách ích kỷ, không hợp chút nào với lời Chúa. Lòng ân cần của ông đối với con chỉ là tìm cách nhốt cô trong bốn bức tường thành kiến rất đỗi chật hẹp của ông về tôn giáo, chính trị, văn chương, nghệ thuật hay gì gì khác. Cùng lúc ấy ông tế nhị cấm con có bạn thân (chưa kế tới người khác phái). Nói ngắn gọn thì theo lời nhận xét của thầy, “ông không thương con gái mà thương chính mình qua cô”.
    Kết quả của chuyện này là tuy ông đòi hỏi con phải tỏ ra hết lòng chăm sóc cha, cô chỉ đáp lại bằng vẻ thương yêu ngoài mặt rất là gượng gạo. Nói tách bạch thì cô Gertrude thấy ba là người rất chán vì phải dấu lén lút những nỗi vui thích tự nhiên và vô hại của cô, lỡ ông biết ra sẽ hóa phiền lòng và giảng cho một trận. Chiều tối mỗi ngày, nếu may thì có giáo dân nào đó đau ốm tới găp linh mục, còn không thì ông viện cớ là thương yêu lo lắng con, sẽ bảo cô thuật lại hết việc làm trong ngày của cô. Ta có thể tưởng tượng là nếu cần thì cô sẽ nói quanh co không ít hoăc ngay cả chuyện không thật. Ai nấy đều biết vậy, luôn cả những người giúp việc trong nhà luôn sẵn lòng giúp cô hết mình vì yêu quí Gertrude, chỉ có ông bố làm như không thấy gì, an lòng sống hân hoan không chút nghi ngại.
    Điều quan trọng, ít ra đối với tôi trong chuyện này, là tôi có cảm tình với Gertrude. Khi thấy khó mà được nói chuyện thoải mái với cô trong cảnh như vậy, tôi cầu viện thầy Moreward có thiện cảm muốn giúp đỡ, phụ một tay. Ngài chìu ý, bằng lòng ngồi nghe thường xuyên những bài giảng đạo đức giả chán ngấy của linh mục, tỏ ra chăm chú làm tôi phục lăn. Hễ có dịp là ngài gợi ý để linh mục thao thao trong phòng ăn, cho tôi cơ hội nói chuyên riêng tête à tête với Gertrude; nhưng hai người thảo luận gì thì ngài ít khi kể chi tiết cho tôi nghe, tôi chỉ biết là linh mục thường đỏ mặt tía tai lúc xong chuyện.
    Như đã nói, tôi muốn viết thật ít về mình khi thuật lại cảm nghĩ của tôi đối với thầy, nên ai muốn đọc chuyện về tình thân của tôi với Gertrude sẽ thất vọng, chương này nhiều phần chỉ liên quan đến việc thầy Moreward cải hóa linh mục Wilton, và cách thức ngài làm được chuyện ấy theo những chi tiết mà ngài thuật lại cho tôi nghe. Thói quen của chúng tôi là sau khi dự bữa tối ở đó về, chúng tôi thường đi bộ băng qua công viên, trong lúc đi như vậy ngài hay bàn về cuộc đàm thoại với ông. Tôi nhớ sau bữa ăn đầu tiên của ba người chúng tôi, thầy Moreward thốt ra vài cảm nghĩ của ngài.
    - Chuyên lạ với một số người có khuynh hướng tôn giáo, thầy nói, là nếu ta trình bầy đạo giáo của họ một cách hợp lý thì họ hết sức kinh ngạc.
    Tôi thấy chuyện có vẻ hay nên xin ngài giảng thêm.
    - Thế này, thầy dành hơn một giờ tìm cách chứng minh cho linh mục điều ông tin, mà thay vì mừng là niềm tin được chứng nghiệm, ông chỉ cho rằng thầy nói quàng.
    Tôi cười lớn.
    - Ông tin có đời sống sau khi chết, thầy tiếp tục, nhưng lại xem việc tìm hiểu như chết rồi đi đâu, khi nào, ra sao là tội lỗi phải tránh. Có trích lời thánh Paul rằng “Niềm tin tự nó cũng tốt, nhưng kèm với hiểu biết thì tốt hơn” cũng không làm ông thay đổi ý kiến. Linh mục dốt đặc về ý nghĩa thực trong thánh kinh.
    - Xin thầy kế tiếp, tôi giục, thầy còn bàn chuyện gì khác nữa?
    - Rồi tới câu hỏi về tình thương. Nào, Thiên Chúa giáo chính yếu là tôn giáo về tình thương, vậy mà chẳng những không có tình thương chân thật trong tâm (hào quang ông nói rõ điều ấy), linh mục còn nghĩ việc quan tâm chăm sóc người khác chưa hẳn là việc nên làm, trừ phi đó là vợ con mình.
    - Còn Thượng đế thĩ sao?
    - À, đó mới là chuyện đáng nói, ông bảo rằng con người chỉ cần thương yêu Thượng đế thôi.
    - Mà ông có làm vậy chăng?
    - Làm sao được? Nếu con không có tình thương trong lòng, làm sao con biết thương yêu?
    - Hẳn vậy rồi, tôi đồng ý.
    - Thành ra thầy dùng chính tôn giáo của ông để giải thích, nói rằng Thượng đế là sự thương yêu như thánh kinh đã dạy, do đó khi tâm hồn càng có nhiều tình thương do vun trồng, thì con người càng biểu lộ Thượng đế nhiều hơn, càng hòa hơp với Thượng đế chừng ấy.
    - Và ông ta có nhìn ra được vậy không? Tôi hỏi.
    - Ồ, không được, ngài vừa cười vừa đáp. Thầy cố công chỉ cho ông thấy rằng yêu mến Thượng đế là hòa hợp với lòng thương yêu vô điều kiện, và tình cảm đó cũng phải bao trùm nhân loại vì nhân loại là một phần của Thượng đế, nhưng vô ích. Ngay cả lời Chúa dạy “Bằng điều này mọi người sẽ biết các con là đệ tử của Ta, nếu các con thương yêu nhau”, cũng không thuyết phục được ông.
    - Với con gái ông thĩ sao? Tôi hỏi.
    - Ông tưởng tượng là mình thương con, nhưng tình thương của ông đúng ra chỉ là lòng ích kỷ. Ông không hề nghĩ đến hạnh phúc của con, lúc nào cũng phập phồng sợ con lấy chồng bỏ ông cô độc, sợ cả tình thân của con với các bạn gái. Thầy tội nghiệp ông nhiều, ông không có hạnh phúc và thầy cám ơn con đã cho thầy cơ hội cố gắng sửa đổi quan niệm đáng buồn của ông.
    Lần kế khi thầy Moreward và tôi băng qua công viên trên đường về sau buổi tối ở nhà linh mục, nghe lời thầy thuật chuyện tôi đoán là câu chuyên tối hôm ấy xoay quanh lòng từ thiện.
    - Con có để ý chăng, ngài nói một cách tư lự, ngoài việc bố thí tiền bạc người ta hiểu rất ít về lòng từ thiện. Thánh kinh đáng lẽ phải ghi là “Đức hạnh cao cả nhất là lòng khoan dung”, vì khoan dung có giá trị hơn hết trong mọi đức tính.
    Tôi xin ngài dạy thêm.
    - Trong giáo đường người ta giảng nhiều về lòng tha thứ, nhưng nếu chịu giảng nhiều hơn nữa về lòng khoan dung thì lòng tha thứ sẽ hóa ra không cần thiết. Ai khoan dung tột bực không hề thấy cần phải tha thứ theo nghĩa thường tình, vì trọn thái độ của họ đối với nhân loại là không ngừng tha thứ, tha thứ sự lầm lỡ của anh em mình trước khi họ phạm lỗi.
    Ngài trầm ngâm giây lát rồi tiếp tục câu chuyện.
    - Tình thương hoàn toàn và lòng khoan dung trọn vẹn không tách rời được nhau, không ai có thể thực lòng thương yêu người khác mà cùng lúc cảm thấy muốn lên án họ. Vì cảm nghĩ muốn lên án không gì khác hơn là lòng ghét bỏ, dù ít ỏi hay ngắn ngủi thế mấy. Thánh kinh nói rất đúng là ai nặng lời với anh em mình là phạm tội có thể bị chết thiêu, bởi lẽ sự thù ghét thường sinh ra việc giết người.
    - Vậy thái độ của thầy ra sao về tội lỗi? Tôi hỏi.
    - Tội lỗi là một hình thức của sự khờ dại trẻ con, ngài nói một cách nhẹ nhàng, nó là đường vòng dẫn đến hạnh phúc tinh thần thay vì đường thẳng; nhưng có nên lên án một đứa bé vì sự khờ dại non nớt của nó chăng?
    Tôi xin ngài nói rõ hơn.
    - Đứa trẻ chưa biết gì đút tay vào lửa và bị phỏng. Nó phạm lỗi và sự đau đớn dạy nó một bài học. Nhưng tại sao nó cho tay vào lứa? Vì đứa bé muốn được vui sướng mà đi lầm đường. Người lớn chỉ khôn hơn một chút, họ không đút tay vào lửa nhưng làm bạc giả. Người đó cũng đi tìm sự khoái lạc và cũng chọn đường sai, và khi bị khám phá ra thì họ cũng phải chịu đau khổ. Thành ra mọi tội lỗi chẳng qua chỉ là việc tìm kiếm hạnh phúc theo hướng bậy, và tất cả ai phạm lỗi chỉ là trẻ con sẽ trưởng thành mai sau. Có lòng khoan dung là nhìn nhận ra sự kiện này.
    - Còn việc trừng phạt thì sao? Tôi hỏi.
    - Trừng phạt chẳng khác gì hơn là một cách trả thù, bởi vậy để người này trừng phạt người kia chỉ là thêm một cái sai lầm này vào cái sai lầm khác. Nói về trừng phạt theo luật pháp thì kẻ tội phạm chỉ nên bị ngăn cấm và được cải huấn bằng lòng nhân và việc làm gương, mà không bao giò nên trừng phạt.
    - Phải đó là ý thầy nói với linh mục tối nay không? Tôi hỏi với chút thích thú.
    - Gần gần vậy, ngài nói yên lặng. Và tôi nghe kể rằng bài giảng của linh mục vào chủ nhật sau đó là bài hay nhất từ trước tới giờ của ông. Sự thực là thầy Moreward đang cải hóa ông và khi tôi có dịp gặp Gertrude, cô hân hoan thấy rõ, bảo là cha cô đổi tánh. Cô nói “Ba đang từ từ có lòng nhân hơn”.
    Thế rồi buổi tối nọ xảy ra việc làm tôi hết sức lúng túng. Thật tình mà nói tôi say sưa nghe Gertrude kể chuyên nên cả hai chúng tôi không biết là linh mục và thầy vào phòng, vào lúc chúng tôi ngồi có hơi thân mật với nhau một chút. Ông kinh ngạc và tức giận, đuổi con gái về phòng với cớ không đâu mà tôi quên mất là cớ gì, rồi sạt tôi một cấp không chững chạc gí hết.
    - Có phải anh, ông lập bập, lợi dụng lòng hiếu khách của tôi để quyến rũ con gái tôi mà không hỏi ý gì tôi ư?
    Tôi tin chắc là khi ấy trông tôi hết sức ngượng ngập, bối rối chẳng ra thể thống gì cả, tới nỗi thầy Moreward đưa mắt tỏ ý “Để đó cho thầy liệu”, và lên tiếng giải nguy cho tôi.
    - Nào, nào, thầy nói êm ái vuốt ve, đặt tay lên cánh tay linh mục, thân mật một chút không phải là cái tội mà ta phải coi ấy là đức hạnh.
    Nhận xét này làm linh mục không biết đáp lại sao cho phải, ông lúng túng lẩm bẩm chuyện không ăn nhập vào đâu, rồi đột nhiên ông bắt được ý.
    - Thực là lừa dối, thầy coi, gạt người! Ông nói to. Thầy có biết là con gái tôi và anh này không chừng đã qua mặt tôi mấy tuần nay?
    Nhưng thầy Moreward có câu trả lời ngay, thốt ra với sự bình thản làm xoa dịu tuyệt vời.
    - Linh mục này, sự dối gạt chỉ là khí giới cho ai bắt buộc dùng phải tự vệ khi bị đòi hỏi quá nhiều.
    Linh mục bập hàm răng giả phát ra tiếng tỏ ý nóng nẩy, vì ông cũng không nghĩ ngay ra lời ứng đối. Thầy nói tiếp vẫn theo cung cách dịu ngọt.
    - Không phải là ông đòi hỏi con gái phải quên mình quá nhiều sao? Không phải ông ngăn cấm con chuyện mà có lẽ theo ý cô là hoàn toàn vô hại? Nếu vậy tôi nghĩ ông khó mà trách cô, vì ông không làm cô tin là nó có hại. Tôi tin chắc là với người rành tâm lý như ông có thể hiểu được quan điểm của con gái. Không phải là nhiều lần cô có ý nghĩ “Thật tình tôi không thấy tại sao không nên làm chuyện này hay kia, nhưng ba với tôi không cùng một ý thành ra tốt nhất là đừng nói gì hết để cho ba khỏi bực” hay sao ?
    Linh mục bắt đầu dịu xuống vì không ai có thể giận lâu khi đối mặt với thầy. Ông nói buồn bã có chút trách móc.
    - Phải thầy có a tòng trong chuyện này không?
    Ngài cười đáp.
    - Tôi muốn làm một công ba chuyện. Phải, ngài thêm vào với lòng khiêm tốn, tôi xin thú nhận là cũng có lỗi ở đây.
    Linh mục không hiểu lời ví von nên ngài giải thích.
    - Linh mục này, ông tha lỗi nếu tôi bảo là tội nghiệp cho con gái ông, và theo tôi nhận xét thì cô không vui, cô là tù nhân chứ?
    - Không vui, tù nhân? Linh mục lập lại có hơi kinh ngạc.
    - Nào, tuy tôi biết chắc rằng ông là người thật tốt lành, thầy nói tiếp vẫn với y cung cách, nhưng quan niệm của ông về hạnh phúc cho con, và quan niệm của riêng cô, khác nhau hẳn.
    - Tôi là người cha thương con, làm tròn bổn phận của mình, cho con tiền chi xài rộng rãi, linh mục ngắt lời, còn muốn gĩ nữa?
    - Hãy để cô có vài điều mà chính ông không thể cho, thầy nói xuôi rót.
    - Tôi không hiểu, linh mục đáp.
    - Ông có thể để cô nhận tình thương mến của người khác, cho cô tự do suy nghĩ, tự do hành động hơn. Nói tóm tắt là để con gái có hạnh phúc riêng theo cách của cô.
    - Nhưng giả dụ là tôi thấy cách đó sai?
    - Khi ấy ông có thể khuyên con một cách thân tình là hãy xem xét sự việc theo quan điểm của ông, mà nếu cô không theo lời khuyên nhủ thì ông không có hành động gì thêm.
    Linh mục không biết đáp sao lúc ấy.
    - Nói về lỗi của tôi trong chuyện này, thầy Moreward tiếp tục, tôi tìm cách thay đổi quan niệm của ông về một số điều, vì tôi biết việc ấy mang lại bình an. Tôi muốn tỏ tình quí mến với anh Charles đây, bằng cách trò chuyện với ông để anh có thể nói chuyện riêng với cô Gertrude, và tôi ráng giúp con gái ông vui qua việc xếp đặt để cô có thể hưởng được tình bạn của người đáng quí. Vì vậy tôi mới bảo làm công ba chuyện, ông tha lỗi cho tôi chứ? Thầy cười và thêm vào. Và trên hết thẩy, tha lỗi cho con gái và anh chàng đây. Tôi nghĩ chắc chắn ông sẽ thuận theo, vì việc trước tiên mà người thật tâm sùng đạo Thiên Chúa làm là tha thứ.
    Linh mục còn có thể làm gì khác hơn là tha thứ? Hay ít nhất tỏ ra như thế ngoài mặt, vì thầy Moreward biện luận khéo léo tới nỗi nếu ông tiếp tục giận thì chứng tỏ là ông không phải tín đồ Thiên Chúa giáo thật lòng. Về phần tôi, tôi ngồi yên lạ lùng trong suốt cuộc đối đáp, không ngừng tạ ơn Trời đã cho thầy gỡ rối chuyện thật tệ hại tôi đã gây ra. Kết cục là tôi thoát nạn, chỉ bị trách mắng sơ sơ với ẩn ý là chuyện không có gì nói thêm lúc này.
    Khỏi cần phải nói, khi thầy Moreward và tôi băng qua công viên trên đường về vào tối hôm ấy, tôi tỏ lòng biết ơn nồng hậu dường nào, tôi lại càng biết ơn khi chẳng bao lâu sau thầy lại có việc giúp tôi nữa. Mấy ngày sau thầy hỏi tôi.
    - Con không có ý thành hôn với Gertrude, và cô cũng nghĩ vậy đối với con phải không?
    Tôi thưa là ngài nhận xét đúng.
    - Nói khác đi, đôi bên chỉ có lòng quí mến mà không sôi nổi tha thiết?
    Tôi thưa vâng.
    - Vậy thầy sẽ nói chuyên với cha cô xem chuyện ra sao.
    Diễn biến sau đó và chuyện bất ngờ xẩy ra vài tuần sau được thuật trong chương kế.

  6. #6

    Mặc định

    CHƯƠNG IX
    TRIẾT LÝ VỀ SỰ TỬ

    Sau vài cuộc nói chuyện giữa thầy Moreward và linh mục, theo đó ngài trấn an ông rằng tôi không có ý định muốn thành thân với cô Gertrude khiến ông phải xa con, có thỏa thuận là tình bạn giữa cô và tôi không bị trở ngại gì miễn là trong tương lai tôi cư xử đàng hoàng phải phép, linh mục bảo thế. Thật sự là không có trở ngại nào thấy rõ được gây ra trong tình thân của hai tôi, nhưng có nhiều ngăn trở tế nhị đặt ra mà việc rõ rệt nhất là tôi không còn được mời dự những bữa ăn tối. Về phần Gertrude thì cô được phép tiếp chuyện khi tôi đến chơi, hồi đáp lại thư tôi gửi đến, và chào hỏi khi hai chúng tôi găp nhau ở nhà người khác, nhưng ông muốn là cô cho ông hay tất cả những chuyện này. Hơn thế nữa, để bảo đảm là cô không quên thưa lại với cha, mỗi ngày linh mục đều hỏi con là có gặp tôi, nghe tôi nhắn gửi gì không và đủ mọi chuyên tương tự.
    Nếu con trả lời “Có” thì ông xụ mặt cau mày suốt buổi tối, còn nếu cô đáp “Không” thì linh mục không nhắc đến chuyện nữa. Tóm tắt thì ông xử sự như con nít, hay ta có thể nói như thiếu phụ rất đỗi khờ dại ghen tương với chồng. Tình trạng như thế kéo dài một thời gian, cho đến khi có một việc nhỏ xẩy ra khiến câu chuyện đổi hướng. Gertrude mua một món quà sinh nhật cho tôi và cố ý không cho ông hay, tuy nhiên linh mục biết ngày sinh nhật của tôi vì có buổi tối tôi nói về sự trùng hợp giữa ngày sinh của tôi và một biến cố lịch sử mà linh mục rất chú ý.
    Không may là ông nhớ chuyện đó và tỏ vẻ thản nhiên hỏi cô:
    - Con có cho ông Charles quà sinh nhật không?
    Gertrude bắt buộc phải thưa là có, lập tức một màn la lối ào ào diễn ra đổ ập xuống khiến cô phải phản đối và nói cho ba rõ cảm nghĩ của cô ra sao. Khi thầy Moreward tới găp ông lần kế, linh mục không ngớt than phiền về con và việc cô dấu chuyện mà không có lý do. Sau này thầy kể rằng ngài lắng nghe với đầy thiện cảm, rồi cố gắng đem việc dạy ông sang giai đoạn kế. Linh mục nói một cách cay đắng.
    - Tôi không can thiệp vào chuyện bạn bè của con, vậy mà tôi được trả ơn như thế. Con tôi lánh xa tôi.
    Thầy Moreward thông cảm, cười và bảo:
    - Có hai cách can thiệp, hoăc thô lỗ hoăc tế nhị, chắc ông can thiệp kín đáo?
    - Làm sao? Linh mục giả vờ không hiểu.
    - Có lẽ cái giá mà cô phải trả cho việc giữ kín không cho ông hay là không được ông thông cảm?
    Linh mục lặng im cho thấy sự việc đúng thế.
    - Ông thấy không, trước hết cô Gertrude phải trả giá cho tình bạn của cô bằng sự khó chịu vì ông tỏ vẻ không vui; kế đó cô phải chịu đựng thêm khi ông lộ sự bực dọc hơn nữa lúc cô thưa thật với ông, ông bắt con phải thú thật vì cật vấn không ngừng. Nói khác đi con gái ông xử sự cách nào cũng không thoát.
    - Hừm! Linh mục lẩm bẩm.
    - Chuyện là thế, tôi tin chắc ông sẽ thứ lỗi nếu tôi vạch ra là thái độ của ông khiến cha con xa cách nhau và Charles chỉ đóng vai rất nhỏ không quan trọng trong việc này.
    Bởi không sao trả lời được lý lẽ này vì nó được đưa ra một cách nhẹ nhàng đầy sức khuyến dụ, hòa hoãn, linh mục không có gì để nói; thật vậy ông trầm ngâm thẫn thờ nhìn vào ngọn lửa lặng thinh không đáp.
    - Nào, thầy Moreward tiếp tục khuyên lơn hăng hái, không phải đây là cơ hội tốt đẹp được đưa tới cho ông và con gái thân mật với nhau hơn sao? Cho phép cô vui hưởng tình bạn không lo lắng còn ông thì được mọi điều, nào là con gái thương yêu ông hơn, biết ơn ông, kính phục. Bằng nếu cấm đoán thì ông mất tất cả, vì không ai có thể thật lòng thương yêu người làm như cầm tù mình, ngay cả khi đó là cha của họ.
    Lẽ tự nhiên vì không có mặt để chứng kiến, tôi chỉ chắp nối lại theo lời kể của thầy là sau một cuộc tranh luận ngắn, linh mục tỉnh ngộ nhìn ra chân lý và quyết định làm theo sự giác ngộ này. Không ai biết là ông sẽ thành công hay không vì đột nhiên chuyện buồn xẩy đến. Một tuần sau đó ông bị nghẽn mạch máu não và chỉ trong hai ngày thì qua đời.
    Thầy Moreward cho tôi hay việc ấy, ân cần chăm chút đối với tôi vì biết là tôi bị chấn động, rồi đưa cho tôi lá thư của Gertrude gửi thầy. Thư viết:

    - Thưa thầy, con phải báo thầy một tin rất xấu. Ba con bị nghẽn mạch máu não và bác sĩ sợ ba sẽ không thoát được, chỉ sống sót một hay hai ngày nữa thôi. Xin thầy đến với gia đình con, ba con tỏ ý muốn gặp thầy. Nhờ thầy cho anh Charlie hay giùm, con mong được gặp anh nhưng thầy không thể kêu anh đến nhà vì con biết làm vậy sẽ gây buồn lòng cho ba. Xin thầy nhắn anh viết an ủi con vài giòng. Con không nói được thêm gì nữa, con rối lòng quá.
    Kính,
    Gertrude Wilton.

    Tôi thấy tội nghiệp cô hết sức, và ân hận đã gây phiền long cho linh mục nhưng thầy Moreward đoán được ý tôi.
    - Con chớ ngại, thầy nói, đặt tay lên vai tôi, con đã gián tiếp giúp ông một việc rất lành.
    Thầy ra về, còn tôi ngồi xuống viết ngay một thư dài thậm thượt nhiều trang cho Gertrude.
    Như thế, một chức sắc của Anh giáo vào lúc ly trần đã không cho mời đồng nghiệp của mình tới để an ủi, mà lại muốn găp người nhìn nhận là không theo tôn giáo nào, tuy tin vào hết mọi tôn giáo. Bởi thầy hiểu triết lý đích thực của cái chết và do đó an ủi được ông. Ngài tin vào tâm thức sau khi chết vì ngài biết nó, và có thể sinh hoạt ở cảnh ấy trong khi xác thân vẫn ở cõi này, và chỉ một lúc ngắn sau tôi chợt hiểu lẽ nào mình là nguyên nhân gián tiếp tạo chuyện lành đích thực cho linh mục Wilton.
    Tôi hiểu ra mình là người đã mang thầy đến với ông, dù thầy rất khiêm tốn chỉ nói đủ cho tôi an lòng. Tuy nhiên về sau ngài nói rằng tôi đã kích thích làm linh mục mở rộng trí não, nhìn cuộc đời theo quan điểm ít xét nét hơn và do vậy bớt ích kỷ hơn; cách nhìn ấy cũng giúp cho tâm thức ông rất nhiều ở cuộc đời bên kia. Tôi không thể tả giờ phút ly trần của ông vì tôi không có măt ở đó, nhưng sao đi nữa tới cuối thầy Moreward thuật lại rằng ông không còn sợ chết tí nào. Linh mục mừng là ông biết những chi tiết như làm sao, khi nào, chết rồi đi đâu khi giờ phút tới khiến ông phải đối diện với cái chết; bởi những lời phông đoán mơ hồ, không biết đúng sai của giáo hội thua kém hẳn so với hiểu biết của nhà huyền bí học.
    Sau đó thầy Moreward giảng cho tôi.
    - Mỗi đêm khi ngủ ai cũng chết, và sống trở lại vào mỗi sáng. Người thường không nhớ được mình đi đâu nhưng ai được huấn luyện về khoa huyền bí biết rõ mĩnh làm gĩ, ở đâu. Chỉ người như vậy mới nhớ được hết mọi chuyên vì do sự luyện tập họ nối được bộ óc xác thịt với thể tình cảm.
    Tôi hỏi cảnh sống của ba Gertrude ra sao ở cõi bên kia, thầy đáp:
    - Nói một cách tương đối thì có hơi tẻ nhạt. Ta không có ý chê trách nhưng cần nhìn thẳng vào sự kiện. Những khoái lạc của linh mục trong kiếp này phần lớn thuộc về vật chất, hoăc sinh ra từ cảm quan hoặc do lòng kiêu hãnh. Khi thể xác nặng nề bỏ lại thì đương nhiên là không còn chuyện ăn uống (và cũng không còn chức tước danh vị làm ngườỉ khác tâng bốc ở cảnh này); chuyện duy nhất đáng kể là tình thương. Vì vậy sống trên đời mà không có tình thương là chuyện đáng tiếc theo đuổi con người sau khi chết. Niềm tin là không cần có tình thương, con à, là niềm tin tệ hơn hết thẩy và khi qua đời ta sống bên kia mà không có tình thương thì giống như sống bên này mà không thở, chỉ là sống cầm hơi. Đó là ý nghĩa khi đức Chúa dạy rằng cô gái mãi dâm lại gần nước Trời hơn người giả hình Pharisee không có tình thương. Cái chết đâu làm cải biến tâm tính con người.
    - Xin thầy dạy thêm, tôi năn nỉ.
    - Thể xác giống như áo choàng phủ rộng người ta trùm lên kẻ hành khất ăn mặc lôi thôi; khi cởi bộ áo choàng thì tất cả sự rách rưới bên trong lộ ra hết, cái áo chỉ là vật bao trùm đầy ảo tưởng. Thế thì con người bên trong có thể khoác lấy thân xác oai nghi, nhưng khi hình hài tan rã thì tư cách nghèo nàn bầy ra trần trụi vì như thầy đã nói, chỉ những ai đầy tình thương mới không hóa rách rưới như hành khất sau khi chết. Đó là tại sao thầy khuyến khích mọi người thương yêu, như trường hợp của con và Gertrude. Cố nhiên ai dốt nát sẽ bảo rằng thầy khuyến khích việc trai gái đùa giỡn tình yêu với nhau, nhưng cứ để họ nói cho thỏa thích; ai muốn kết án thì viện ra đủ cớ khi vô minh tràn đầy.
    Tự nhiên là tang lễ linh mục diễn ra trọng thể, thầy bảo tôi một cách hóm hỉnh là ngài có thế thấy ông trong thể Vía quan sát mọi việc đầy mãn nguyên. Khi mọi chuyên xong xuôi hết thầy nói.
    - Đúng lý ra thì biểu lộ lòng sầu não là chuyện kỳ quặc theo quan điểm của Thiên Chúa giáo. Chuyện như muốn nói người ta măc áo đen, khóc sướt mướt khi bạn hữu đi xa nghỉ hè. Thử nhìn cả giáo xứ, giáo dân ai cũng nghĩ linh mục đã về cõi trời đầy phúc lạc, vậy mà họ khóc lóc về chuyện lẽ ra phải mừng vui. Chẳng những vậy họ còn đặt hoa lên thân thể ông làm như đó là chính ông, không kể cả đời họ được nghe giảng rằng thân xác chỉ là quần áo còn linh hồn mới là con người thật. Thầy chịu thua, không giải thích được sự bất nhất trong lối suy nghĩ của con người.
    Chỉ nhà huyền bí học mới ước lượng rõ thầy là nguồn an ủi cho Gertrude tới mức nào trong mấy tuần sau đó. Ngài tiếp xúc với cha cô và mang tin về, nhờ vậy chẳng bao lâu đánh tan ý nghĩ phân ly. Một hôm ông bảo ngài:
    “Sự việc khác xa những điều tôi tưởng, mà lạ quá, bỏ thể xác vướng víu lại là một nỗi vui. Dù vậy tôi vẫn ước ao phải chi đã làm bạn với nhiều người hơn lúc sống. Người ở bên đây chói sáng rực rỡ đầy sự thương yêu làm tôi thấy nghèo nàn quá đỗi. Chuyện gì cũng lạ lùng hết. Trong một thời gian lâu sau tôi không biết là mình đã qua đời, nhưng rồi tôi nhớ lại hết những gì thầy đã dạy tôi. Nhờ thầy nói với Broadbent là tuy hắn làm tôi bực bội, bây giờ tôi mừng là hắn đã mang thầy đến với tôi. Hắn quí mến Gertrude là phải lắm.
    “Cả mẹ tôi và vợ tôi cũng có măt ở đây và rất tốt đối với tôi, rồi thỉnh thoảng thầy lại đến thăm. Đó mới là chuyên lạ hơn hết thẩy vì thầy vẫn còn tại thế, nói theo cách nói sai lầm của người đời. Nói thiệt, đúng ra người chết như chúng tôi đây mới là thực sự đang sống.”
    Và tới đây là chấm dứt câu chuyên về cái chết của linh mục Wilton. Về phần con gái ông và tôi, chúng tôi trở thành đôi bạn chân tình, quí chuộng nhau và không còn cảm xúc sôi nổi. Sự thực là trong một lúc lâu tôi như người mù không nhận ra là cô nảy lòng kính mến thầy Moreward, mới đây tuy đã lập gia đình với một luật sư, cô thổ lộ với tôi là mình vẫn đầy lòng yêu quí người khôn ngoan nhất và cao thượng nhất mà cô đã gặp từ trước tới giờ.”


    CHƯƠNG X
    NỖI ĐAU KHỔ CỦA THIẾU TÁ BƯCKINGHAM


    Tôi thấy là nếu có ai đang sống mà có thể giúp an ủi và khuyên giải ông bạn Wilfred Buckingham về cảnh nhà rối rắm của ông, thì người đó phải là thầy Moreward, thế nên tôi đề cập ý này với cả hai người và sau một chút lưỡng lự, Buckingham bằng lòng, cả hai được mang lại với nhau và tình thân hữu hóa gần gũi hơn.
    Cảnh rối rắm của Buckingham là như sau:
    Buckingham lập gia đình sớm trong đời với người đồng tuổi mình và có cuộc sống chung khá hạnh phúc trong hai mươi năm qua. Hai vợ chồng không hề ngó ngàng đến người thứ ba nào trong suốt thời gian đó cho tới năm bà Buckingham được bốn mươi tuổi đột nhiên bà si mê một người bạn thân của ông. Đôi nhân tình gặp gỡ nhau trong vài tháng mà không ai biết nhưng sau đó chuyện hóa phức tạp hơn cho họ. Bà Buckingham thú thật với ông, rời nhà tìm chỗ khác vì bà có tài sản riêng của mình để sống đời tự do không vướng bận, gặp gỡ người yêu bất cứ khi nào bà muốn.
    Như ta có thể đoán, ông Buckingham bị dồn dập bao cảm xúc não lòng ùa đến: ghen tuông, giận dữ, tự ái bị tổn thương, sầu não và nhiều xúc động khó định nghĩa khác, dằng co con người chưa tiến hóa lắm của ông về mọi hướng cùng một lúc. Giống như những ai thấy kẻ khác chết quanh mình nhưng quên rằng ngày kia mình cũng phải chết giống vậy, ông đã thấy thảm kịch trong gia đình người khác xẩy ra, mà không hề có phút nào nghĩ rằng thảm kịch tương tự có thể sẽ đến với ông. Thành ra ông không hề nghĩ là mình sẽ hành động ra sao trong trường hợp tương tự, và khi chuyên xẩy tới thì ông giống như đứa trẻ bị thảy vào chỗ nước xoáy mà không biết bơi. Lúc đó tôi mang thầy Moreward tới cứu, và bước đầu tiên của ngài là khuyến khích ông thiếu tá đến nhà ngài bất cứ khi nào ông muốn, xổ tung mọi tình cảm bị dồn nén bằng cách tuôn vào tai ngài, và cả tai tôi khi tôi có mặt, những mối lo nghĩ của ông.
    Nhờ các buổi này mà tôi biết về quan niệm đáng nói và cao đẹp vô ngã của ngài về hôn nhân cùng những gì có liên hệ tới điều này. Quả thật tôi mù quáng nếu tôi không ý thức là quan niệm của ngài có thể làm người câu nệ thói thường kinh ngạc, vì như ngài thường nói, đức tính khác thường làm kinh ngạc loại tâm trí câu nệ nào đó nhiều hơn là tật xấu thông thường.
    Buổi tối, chúng tôi thường ngồi nói chuyện tại căn nhà nhỏ của thầy, nó có bầu không khí tĩnh lặng giống như căn phòng của tu sĩ và mơ màng nhìn vào lửa cháy trong lò sưởi, vì đó là mùa thu, cho tới khuya, ông thiếu tá thỉnh thoảng đi tới lui khi thấy cần phải thổ lộ sầu não trong lòng, thầy Moreward ngồi trong ghế bành thẳng lưng, đầu ngón tay chạm vào nhau, trông như là hiện thân của lòng bình thản và thương yêu, mà ngài thường khi có vẻ đó. Lắm lúc tôi thấy ông thiếu tá giống như đứa trẻ lên sáu tuy rằng ngoài đời xem ông già hơn thầy Moreward, và thầy là người sáu mươi tuổi, chăm chú nghe với sự chiều chuộng thương yêu nỗi u sầu trẻ con.
    Và tôi phải thú thật là sau khi nghe một trong những buổi thổ lộ tâm tình của ông thiếu tá, tôi không khỏi mim cười. Sau vài tháng làm quen với người có thái độ an nhiên, quan niệm của ông bắt đầu làm tôi thấy rằng có gì thật là ấu trĩ, như đó là cảm xúc mà con người lẽ ra phải vượt qua rồi, là lòng chiếm hữu trẻ con không còn phù hợp với sự tiến hóa của người. Nhưng làm sao thay đổi quan niệm của ông? Đó là cái khó, và một ngày kia thầy Moreward bắt đầu chuyện có thể có rủi ro này.
    Thiếu tá đã nói hết nỗi lòng, ông nhắc lại lần thứ một trăm ý định của mình và cuối cùng bảo.
    - Thiệt khó cho hai ông lắng nghe chuyện tôi, nhưng kể ra hết làm tôi nhẹ người, và tôi cám ơn là có bạn để thổ lộ nỗi niềm. Thôi, tôi xem như là không còn hy vọng gì, nói hoài cũng không đi tới đâu. Hai ông có gì đề nghị với tôi không?
    - Ông biết rõ là hai tôi rất thông cảm với ông, thầy Moreward bảo, nhưng không phải chỉ có vậy, và thông cảm chỉ vô ích nếu nó không mang lại giúp đỡ. Vậy để xem chúng tôi có thể hỗ trợ chuyện gì cho ông.
    - Nhưng bằng cách nào? Thiếu tá hỏi.
    - Có bao giờ ông nghĩ rằng quan điểm là một cách ngừa cho đa số rối rắm không?
    - Chưa, tôi chưa hề nghĩ vậy, thiếu tá đáp.
    - Vậy mà đúng, và cái mà chúng tôi muốn làm là thay đổi quan niệm của ông.
    - Làm vậy khó lắm, thiếu tá bảo.
    - Nhưng đáng công, thầy Moreward hăng hái nói. Ông bạn này, ông là người can đảm, ông đánh trận anh hùng và có can đảm về măt thể chất như quân đội đòi hỏi, và tôi nghĩ cũng sẽ anh hùng trong chuyện nhà khi cần phải có can đảm về măt đạo đức.
    - Tôi theo chưa kịp ý thầy, thiếu tá kêu.
    - Vậy ta đi chậm lại một chút, ông có khi nào tự hỏi là vợ ông có còn yêu thương ông không?
    - Tự hỏi thì có lợi gì - làm sao bà còn thương tôi khi bà ra đi và thương người đàn ông khác?
    - Trả lời như vậy có nghĩa là, thầy Moreward nói thật nhẹ nhàng, thí dụ nếu ông Broadbent đây mà yêu một cô nào đó thì ông ta sẽ mất hết tình cảm đối với tôi?
    - Chà, cái đó khác, thiếu tá trả lời lập tức.
    - Tôi nghĩ là ông sẽ đáp như vậy, thầy nói một cách hòa hoãn. Thế thì xin ông thứ lỗi nếu tôi nói có hơi vụng một chút, nhưng ông giống như nhiều người khác bị mê hoặc vì những câu hấp dẫn của người chưa nghĩ kỹ về sự thật đúng đắn của việc ở đời, cái khác biệt không nhiều như ông nghĩ đâu.
    - Là làm sao? Thiếu tá trông có vẻ thắc mắc.
    - Nếu ông và vợ ông đã sống chung hai mươi năm, chắc chắn giữa hai người phải có tình bạn trong đó?
    - Ồ, có chứ.
    - Khi ông mới yêu bà, ông có nhớ là kể cho ai nghe đầu tiên không?
    - Tôi tới gặp Wilkins.
    - Vậy là ông đì tìm bạn thân nhất của mình và thuật hết cho anh ta nghe. Thầy Morevvard cười. Và thay vì không còn thương yêu anh ta nữa vì đã yêu một cô gái, hẳn ông lại thấy chưa bao giờ quí bạn nhiều như vậy trong đời?
    - Bây giờ thầy nhắc lại tôi mới nhớ, quả đúng vậy.
    - Nhưng giả thử là bạn ông, thầy Moreward nói tiếp, thay vì nghe lời thú thật của ông với lòng thiện cảm và hiểu biết, họ lại tức giận thì làm sao?
    - Làm sao à? Tôi sẽ sạt anh ta một trận, câu trả lời có ngay.
    - Đó chính là điều mà ông đã làm với bạn thân nhất của ông, là vợ ông. Thầy Moreward cười hòa hoãn. Thiếu tá này, ngài nói tiếp gọn gàng, ông đã để lỡ một trong những cơ hội to lớn nhất trong đời hôn nhân của ông, nhưng cũng còn sửa chữa được, chưa trễ lắm đâu.
    Ông thiếu tá có hơi chậm hiếu tỏ ra kinh ngạc, chưa nắm được ý ngài.
    - Ông đã ném đi cơ hội bằng vàng để thông cảm với vợ ông, ngài giải thích êm ái mà thật hùng hồn.
    - Thông cảm! Có mà điên, thiếu tá la lớn.
    Cả ba chúng tôi phá ra cười.
    - Ý đó có vẻ lạ lùng một chút đối với ông, thầy nói vuốt ve, nhưng tin tôi đi, thật tình tôi nghĩ như vậy khi khuyên ông thế. Thông cảm với vợ ông là hành động như người anh hùng đạo đức mà ta nói khi nãy. Hơn thế nữa, tôi có thể bảo đảm với ông rằng ông sẽ được đền bù khi làm vậy.
    - Thầy muốn nói, thiếu tá lớn tiếng vì khích động, cho phép vợ tôi có nhân tình mà không có phản ứng gì? Cám ơn thầy. Để tôi làm trò cười cho thiên hạ ư. Thầy nói coi cái đó là đạo đức gì?
    - Có sự khác biệt lớn giữa việc một người cho phép vợ mình có nhân tình, thầy nói nhẹ nhàng, và việc chấp thuận khi bà có bạn tình vì biết rằng nỗi đam mê của bà mạnh hơn lý trí. Tại sao ông lên án bà vì đã yếu lòng không xa lánh người bạn tình, mà lại quên không lên án sự yếu đuối của chính ông là không thể tha thứ?
    Thiếu tá không biết biện luận ra sao với câu hỏi không thể trả lời được này, nên lúng túng yên lặng.
    - Còn làm trò cười như thiên hạ mà ông nói đó, thầy Moreward tiếp tục với giọng bình tĩnh, tôi e ngại trong con mắt của người thời nay thường khi sự khác biệt giữa kẻ khờ dại và người anh hùng chỉ mỏng như sợi tóc, nhưng với con mắt của sự thực thì người anh hùng thật sự không màng bị xem là kẻ dại khờ. Ông thấy kẻ dại khờ vì lòng kiêu hãnh không bỏ qua việc được coi là anh hùng, nhưng người anh hùng vì không có lòng kiêu hãnh nên không để tâm đến việc bị coi là dại khờ.
    Sự thực này được thầy trưng ra khéo léo làm cho thiếu tá tiến thoái lưỡng nan không biết trả lời làm sao cho ổn. Thầy mới tế nhị nghĩ ra một cớ dễ nghe để đổi đề tài đột ngột.
    - Ông hút tới cuối điếu xì gà rồi, để tôi lấy cho ông điếu khác.
    Tối ấy sau khi thiếu tá về rồi, thầy Moreward bảo tôi.
    - Phải luôn luôn đưa ra từng liều nhỏ một về sự hữu lý của đức tính, đưa một lần nhiều quá người ta không thể hấp thu được hết, dâu vậy ta đã lách được một chút khe hở rồi.
    Hôm sau tôi được sai tới gặp bà Buckingham. Tôi biết bà khá rõ nên không ngại ngùng gì, bà không phải là người sẽ bực khi tôi thẳng thắn nói chuyên này với bà, bà rất có thể hoan nghênh cơ hội nói ra chuyện làm nặng lòng bà nếu điều tôi đoán về bà không sai, và chuyên xẩy ra giống như tôi nghỉ.
    Bà tiếp tôi rất thân thiện, tự nhắc đến vấn đề và làm tôi hiểu biết hơn về trọn câu chuyện. Do vậy tôi rất cám ơn bà vì tôi nóng lòng muốn giúp thầy giải quyết việc phiền muộn này. Như có hàm ý trong câu chuyện tối qua, bà Buckingham vẫn còn lòng quyến luyến chồng, nhưng vào lúc này bà bị cảm tình nồng nàn với người khác chi phối. Tôi nói “vào lúc này” là theo ý tôi về chuyện, vì bà không hề nói tới thời hạn cho lòng si mê của mình. Cái bà nói là tình thương của bà với cả hai người đàn ông đều sâu đậm và kéo dài, nhưng thuộc hai loại khác hẳn. Bà bảo tôi, tình bạn do hai mươi năm vợ chồng không thế chết đi trong một ngày, và nếu chồng bà chỉ cần cố gắng một chút để hiểu bà trong hoàn cảnh hiện tại của bà thì sự tình có thể sẽ khác đi rất nhiều giữa hai người. Thực tế là ông chỉ làm mình trở thành người không ai có thể sống chung được.
    Tôi cũng có thể đoán được rằng tình yêu của bà đối với ông thuộc loại cao hơn hẳn của ông đối với bà, nó vừa ít phần nhục dục hơn mà cũng ít ích kỷ hơn, thế nên khi có chuyện si mê này xẩy ra thì bà không mất đi hết tình thương đối với ông. Bà chưa quyết định là nên theo con đường nào, nhưng bảo tôi rằng thế nào đi nữa, có một điều mà bà sẽ không làm là đường hoàng sống chung với bạn tình trong một nhà. Tính ra thì thiếu tá sống nhiều ở vùng quê hơn nên khi vợ ông có nhà riêng ở thành phố thì không có gì lạ, còn khuyên bà bỏ người đàn ông kia và tìm cách trở về với chồng thì tôi thấy là vô ích, nên tôi không đề cập tới. Đáp lại bà cám ơn tôi nhiều là đã giữ miệng không nói.
    - Ổng trách móc và đối xử với tôi như vậy cũng phải. Tôi không cưỡng lại được, tôi không hề muốn thương yêu Basil, nhưng câu chuyện lại plus fort que moi, làm sao được. Bà nói tiếp rằng không thích bị xem là kẻ thù, và ao ước làm bạn với chồng trở lại.
    Chuyện tôi tới găp bà Buckingham là vậy, và khi thuật lại cho thầy nghe, ngài gọi điện thoại cho thiếu tá và mấy hôm sau mời ông đến ăn và tối. Tôi cũng được mời, sau khi ông nghe tôi kể chuyện của bà và như mọi lần được mời nói lên những tình cảm đối chọi trong lòng, thầy Moreward đi thêm bước nữa trong việc giáo dục của thầy về siêu luân lý.
    - Thiếu tá à, ông thấy không, ngài nói, bà nhà vẫn còn thương yêu ông như tôi tiên đoán, và tình thương của bà hẳn phải thực sâu xa và chân thật nếu bà có thể yêu một người khác mà vẫn yêu ông. Chắc ông còn nhớ tôi có nói tối hôm nọ là ông bị mê hoặc để tin rằng tình thương này giết chết tình thương kia. Cái đó không đúng, tiêu chuẩn của tình yêu chân thật là nó kéo dài luôn cả khi có một đam mê mới.
    Thiếu tá thấy nói như vậy hay lắm, nhưng khó mà tin là nó đúng.
    - Ông nghe bà nhà nói đó, thầy bình tĩnh nhấn mạnh.
    - Làm sao tôi biết là bả không nói láo? Thiếu tá hơi cộc lốc.
    - Trước hết, tôi chen vào, biết ai nói láo dễ lắm, và thứ hai, tôi không thấy bà nói láo để làm gì.
    - Có thể ông đúng, thiếu tá nhún vai nghi ngờ.
    - Nào, ông bạn của tôi, thầy Moreward nói rất là mềm mỏng, ta hãy thử nhìn chuyện theo cách của người anh hùng và một cách thực tế xem sao. Đầu tiên là nỗi sầu khổ của ông về chuyện muốn nói là chắc chắn ông không muốn mất vợ ông, kế đó ông không muốn có tai tiếng, ông nói với chúng tôi là người đàn ông này đã có nhiều cuộc tình trước đó, và chẳng chóng thỉ chầy ông ta cũng sẽ bỏ rơi bà. Thêm vào đó là ông muốn cứu bà.
    - Tôi nghĩ bả không đáng được vậy, thiếu tá bực dọc lẩm bẩm.
    Thầy mĩm cười làm ngơ câu này và nói tiếp.
    - Trên hết thẩy ông muốn có lại tình yêu của bà. Chà, chỉ có một điều để làm là đem bà về, tỏ ra thông cảm với bà, tỏ ra thương yêu, hiểu biết rồi chờ xem ngã ngũ ra sao.
    - Chắc chắn thầy không muốn tôi làm vậy chớ? Thiếu tá la lớn.
    - Trong trường hợp của ông, chắc chắn là tôi đề nghị vậy. Thực ra đâu có gì khác đế làm trừ phi ông muốn mất vợ ông luôn, mất tình thương của bà, gây ra tai tiếng và phá hoại đời bà, vì ông nói là sẽ không chịu ly dị bà.
    Thiếu tá đăm chiêu nhìn vào ngọn lửa.
    - Tôi chắc ông thật tình thương yêu bà nhà? Ngưng một lát thầy Moreward hỏi thế.
    Thiếu tá gật đầu.
    - Có bao giờ ông nghĩ là tình yêu chân thật luôn luôn quan tâm đến hạnh phúc của người mình yêu không? Và nếu hạnh phúc ấy có được trong vòng tay của một người đàn ông khác thì tình yêu chân thật cũng chẳng màng.
    - Tôi không phải ông thánh, thiếu tá trả lời ngăn ngủn.
    - Nhưng sao không làm ông thánh?
    - Khó lắm.
    - Không đâu nếu ông có thể có quan niệm đúng.
    Thiếu tá lặng yên, trí não ông hoàn toàn không lên tới nổi đỉnh cao đạo đức như vậy, không chừng ông lại thấy như vậy là vô đạo đức. Những điều thái quá thường có bề ngoài giống nhau nên có thể ông chỉ thấy khác biệt lờ mờ.
    Thế nên thầy Moreward tạm ngưng vấn đề ở đó và nhắc lại chuyên vào lần sau khi ba chúng tôi găp lại. Hôm ấy thầy hùng hồn nhưng mềm mỏng khuyên nhủ và rồi đi tới đích của mình.
    - Nói cho cùng thì hôn nhân là gì, ngài bắt đầu bằng câu hỏi sau khi có vài lời mào đầu, và nó thành cái gì?
    Người thường lập gia đình với sự lẫn lộn giữa tình cảm lãng mạn và ham muốn nhục dục, tình cảm dần dần phai nhạt đi, đam mê cũng tàn dần thành ham muốn đôi khi, thay vào hai điều này là hoăc sự tẻ lạnh hoàn toàn, hoăc có tình bạn. Nếu là sự lạnh nhạt thì thật là vô lý việc người chồng tức giận khi người vợ thương yêu ai đó, còn nếu là tình bạn thì tức giận cũng vô lý y vậy, bởi tình bạn chân thực sẽ được tăng cường khi người ta có thể bày tỏ chuyện riêng tư với nhau. Bạn có nói là bạn thấy thân cận nhất với Wilkins khi kể cho anh ta nghe về mối tình của bạn. Và điều ấy nghĩa là gì? Là nếu bạn thông cảm với bà nhà về tình yêu mới của bà, để bà kể cho ông nghe không sợ hãi, thì về phía mình bà cũng sẽ chưa bao giờ thấy yêu ông như lúc có trao đổi lòng tin tưởng và thông cảm ấy.
    Tôi thấy là ông Buckingham lần đầu tiên bắt đầu thoáng nhìn ra một chút ánh sáng, nhưng ông không nói gì.
    - Và chuyện sẽ là vậy, thầy tiếp tục hùng hồn, vì luôn luôn bà sẽ cảm biết được tính cao thượng của lòng tha thứ mà ông không nói ra, nên chẳng những bà biết ơn mà lại còn cảm phục. Thật vậy, không có gì làm tăng lòng thương mến bằng việc có lòng biết ơn hợp với sự cảm phục. Nên tôi không nghĩ là tôi lầm khi tối hôm trước tôi bảo ông đã bỏ lỡ cơ hội tốt nhất trong đời vợ chồng của ông.
    Thiếu tá lấy tay gõ nhịp một cách trầm tư, và yên lặng đồng ý phần nào trong lúc mơ màng nhìn vào khoảng không.
    - Bởi vì, thầy Moreward nói tiếp, khi mà có yêu thương thực sự thì không cơ hội nào tốt đẹp hơn cái cho chúng ta dịp để tha thứ, vì tha thứ là cùng lúc bầy tỏ đặc tính cao thượng, làm cho ta hóa cao đẹp hơn trước măt đối tượng của tình yêu của ta. Nhưng có loại tha thứ cần phải nói bằng lời thì loại tha thứ lớn lao nhất là cái hiển nhiên tới mức không cần lời để bầy tỏ, sự hiện diện của nó được rõ rệt thêm khi không có lời. Thực vậy, tình yêu chân thật luôn luôn tha thứ đối tượng của nó, ngay cả trước khi có gì cần phải tha thứ, và mọi bạn bè chân thật càng yêu mến nhau nhiều hơn, người này vì tha thứ lỗi, người kia vì được tha thứ lỗi ấy.
    Thiếu tá cũng vẫn im lặng.
    - Bởi vậy, ông bạn à, không phải hiển nhiên đó là chuyện thực tế nhất và anh hùng nhất cho bạn làm sao?
    Đem bà nhà về, để thời gian trôi qua và cho bà thấy rằng từ trước tới giờ ông không hành động cao thượng như đáng lẽ ông nên làm, và bà về phần mình cũng có điều cần tha thứ; bà sẽ càng cho rằng ông cao thượng hơn (và chắc chắn ông sẽ vậy) khi ông nhận rằng mình cũng có lỗi, kết quả sẽ là cả hai ông bà có thể hưởng được niềm vui là tha thứ lẫn nhau.
    Thiếu tá tỏ ra nghi ngờ.
    - Ông chưa tin hoàn toàn ư? Thầy cười và hỏi. Nhưng chắc chắn rằng không tha thứ là một hình thức còn tính trẻ con, trong khi đó không có gì nghi ngờ rằng tha thứ là không những là cách xử sự tốt nhất mà cũng là niềm vui chân thực.
    - Thầy đòi hỏi tôi làm nhiều hơn chỉ là việc tha thứ, cuối cùng thiếu tá nói. Đem vợ tôi về mà biết là bà vẫn đi lại thương yêu người khác, chịu thôi, cái đó quá sức tôi.
    - Nhưng tại sao? Thầy hỏi nhẹ nhàng.
    - Tại sao? Tại vì - không phải là bà thuộc về tôi sao? Thiếu tá la to.
    Thầy Morevvard lại thao thao.
    - Ông bạn à, nguyên do của hầu hết mọi vấn đề là từ óc chiếm hữu, hay cảm nghĩ về tôi, của tôi. Trong trường hợp của ông chuyện này áp dụng không sai chạy, cũng như nó áp dụng cho nhiều trường hợp khác, vì ông nói trong tim rằng “Bà ấy là vợ tôi”, mà lại quên phân biệt rằng tuy bà là vợ ông, nhưng chính bà gồm linh hồn và thể xác lại hoàn toàn và nhất định không phải là của ông. Bởi linh hồn một ai thì chỉ thuộc về người đó mà thôi và không thuộc về ai khác. Vậy thì muốn bà thuộc về ông thì trên thực tế là vô ích như muốn sở hữu măt trời hay măt trăng vậy, và rầu rĩ vì không được thì chỉ phí hơi sức, nhọc tâm trí và tình cảm mà thôi.
    “Còn nếu ông không kể tới phần linh hồn mà chỉ lo chiếm đoạt thể xác thôi thì khó khăn cũng không bớt, vì ông không thể nhốt bà trong tù, theo dõi hành động của bà ngày cũng như đêm, bà có tự do với thân xác mình theo ý bà muốn. Nếu ông đòi hỏi nhiều hơn bà có thể làm tròn, hậu quả chỉ là bà dối gạt ông và khiến bà hành động sai lầm thêm. Ngoài ra nói cho cùng, nỗi đau khổ của ông là chỉ khi ông chịu mất công tìm hiểu nguyên do thực của nó? Thực sự là việc trao đổi một cái hôn ở đây hay kia có đáng gây ra não lòng nhiều như vậy không, và không phải là cái chỉ là thân xác mà thế giới quá coi trọng, lại vô cùng nhỏ nhoi so với tình thương của linh hồn, so với lòng yêu quí là cái quan tâm rất ít đến phần vật chất, hay sao?
    “Chắc chắn người đời đã mù quáng khi đáp lại một lỗi lầm bằng cái lỗi lầm khác lớn hơn, và dùng cái tội này làm cớ để phạm cái tội kia nặng hơn, và chỉ vì bạn được thế giới khuyến khích quên đi tính cao thượng trong chốc lát, cho phép bạn gạt bỏ vợ vì một chút đam mê mà sớm hay muộn do tính vô thường của mọi đam mê sẽ tự nó tàn dần, mà bạn sẵn sàng chìu theo để do đó mất cái lớn chỉ vì cái nhỏ ? Đó thật không phải là hành động của kẻ anh hùng, và bởi thế, bạn sẽ chọn con đường cao thượng hơn.”
    Tới đây thầy Moreward ngưng lại một chút, còn thiếu tá nhìn ngài vừa lạ lùng vừa cảm phục.
    - Cho tôi hỏi một điều, ông nói, thầy có thực hành hết những ý tưởng hay ho đó với vợ của thầy không?
    - Ồ, có chứ, thầy đáp lại với sự khiêm tốn.
    - Thầy muốn nói là chuyện giống vầy đã xẩy ra cho thầy à? Thiếu tá nóng nẩy hỏi.
    - Giống gần y vậy, thầy tỏ ý là đúng.
    - Vậy mà thầy không hề kể cho chúng tôi hay.
    - Tôi không hề thấy chuyên riêng của tôi có gì đáng kể cho người khác nghe.
    Nhưng cả hai chúng tôi cùng bảo là sẽ không chịu bỏ qua, nên chúng tôi ngồi đến khuya nghe một trong những chuyện về chính thầy. Điều đáng tiếc duy nhất là tôi không thể ghi lại y hệt lời thầy vì giống như ngài, nó có thi tứ và ngôn ngữ du dương làm người nghe mê say.

  7. #7

    Mặc định

    CHƯƠNG XI
    CHIẾN THẮNG CỬA LÒNG CAO THƯỢNG

    - Để tôi ráng nhớ và xếp đặt lại những chuyện rời rạc của quá khứ, thầy bắt đầu, chuyện có vẻ lâu quá rồi nên tự nhiên là tôi quên vài chi tiết, ngoài ra một số chi tiết khác không đáng chú ý. Ngài đứng dậy khỏi ghế và đi tới lui trong phòng trầm ngâm.
    - A, phải rồi, ngài nhớ lại, đó là lúc chúng tôi có villa ở gần Florence, khi tôi đã lập gia đình được khoảng 10 năm. Chúng ta cần tế nhị ở đây nên hãy gọi bạn tôi là Henshaw, bây giờ thì ông có gia đình đông con nhiều cháu rồi, được người quí mến vậy để lộ chuyện không nên. Chà, tôi nhớ được thêm chút ít đây.
    Và thầy ngồi xuống chiếc ghế bành lớn cạnh lò sưởi, vào chuyện ngay không rào đón thêm.
    - Ông Henshaw là khách của chúng tôi khoảng một tháng, vì tôi không mời bạn đi xa từ Anh đến nhà chỉ để ở chơi có vài ngày, ngoài ra tôi rất có cảm tình với bạn và muốn Henshaw ở chơi lâu. Rồi ông cũng tỏ ra là bạn tốt với nhà tôi lúc tôi bắt buộc phải xa nhà tôi nhiều giờ đồng hồ trong ngày, khiến nhà tôi chịu cảnh vắng vẻ nếu không có bạn, vì nhà tôi không có nhiều bạn và không thích chuyện trò cho lắm với người chỉ quen biết xã giao. Thế nên việc dễ hiếu là giữa nhà tôi và ông Henshaw nảy ra tình bạn thân thiết, nhưng cái lạ là tôi không hề nghĩ tình thân ấy hóa sâu đậm như thế nào, và làm sao mà tình bạn cuối cùng biến thành tình yêu. Thực vậy, tới hôm bạn tôi lên đường về nước thì tôi khám phá ra chuyện bí mật mà hai người giữ kín từ trước tới nay, bởi tôi về nhà sớm hơn dự tính và bất ngờ găp hai người vào phút chót, lúc họ nghĩ rằng không có ai chung quanh để họ được tự do có cuộc chia tay thân ái. Tôi thấy cảnh ấy và cũng thấy ngay là sự việc sẽ làm hai người lo lắng nhiều về sau, bởi mặt nhà tôi trắng bệch vĩ sợ hãi, còn Henshaw thì lộ vẻ ngượng ngùng, tự trách, thấy có lỗi, hối tiếc, bao nhiêu tình cảm hòa làm một.
    “Không có gì phải làm khác hơn là rút lui, nên tôi cười thật ngọt ngào mà không có ý mỉa mai, nói với cả hai rằng tồi vô cùng ân hận đã bất ngờ gặp hai người, và rồi vội vàng lúng túng quay đi. Cả hai nói gì đó nhưng tôi không nán lại chờ để nghe, mà xuống lầu ra vườn, xong tôi ngồi xuống băng ghế tự trách mình…
    “Tại sao tôi ít nhất không làm một cái gì đó để báo trước là tôi về nhà trái với giờ thường lệ? Ý tưởng bắt gặp hai người như kẻ trộm trong đêm dằn vặt tôi quá sức, vì nhà tôi tỏ vẻ vô cùng kinh hoảng làm tim tôi nhói đau. Nhưng lẽ tự nhiên là tôi không biết, mà cánh cửa lại hé mở và trong phòng lặng yên. Tôi ngẫm nghĩ, “Phải chi vợ cho mình hay,” và lập tức thấy rằng làm vậy là chuyện rất khó cho nhà tôi. Hiển nhiên nàng nghĩ rằng tôi sẽ giận dữ, nên để tự vệ thì nhà tôi đã dối gạt tôi, nên trọn câu chuyện là lỗi của tôi không ít thì nhiều. Đáng lẽ tôi phải thấy trước chuyện ấy và khi Henshaw trở thành khách thường trực trong nhà, tôi phải biết rằng hai người sẽ có cảm tình với nhau và nói cho nhà tôi hay là tôi không phiền về việc ấy, vì nói cho cùng thì còn gì tự nhiên hơn? Không phải Henshaw là người dễ mến sao? Còn nhà tôi thì trong trí tôi nàng là người đẹp đẽ nhất. Rõ ràng là tôi đã cho nàng ấn tượng sai là tôi có thể phản ứng ra sao trong một số trường hợp nào đó, nên nhà tôi bắt buộc phải dấu tôi mọi chuyện…
    “Tuy nhiên việc dối gạt này không làm bận trí tôi chút nào, vì tôi biết rõ là nhà tôi không cần phải dối gạt tôi, và tôi sẽ rất sung sướng cho nhà tôi hay như vậy. Bởi lòng kiêu hãnh bị tấn công thường làm chúng ta cảm thấy tổn thương là mình bị dối gạt. Thấy mình có tính ghen tức là chuyện thật đáng mắc cỡ, dù chúng ta có thể giả vờ là không có tính ấy, “kẻ dối gạt” biết điều ấy nên tìm cách che dấu. Nhưng đối với tôi thì không phải vậy, vì dù tôi có tánh xấu gì thì có nhưng tôi không ghen tương, thế nên người khác mà có nghĩ là tôi như thế thì nó không làm tâm tôi xáo trộn. Người ta ít khi thấy tổn thương khi bị xem là cái mà mình không phải là, vì chữa lại sai lầm dễ dàng, nhưng bị xem là cái mà mình thật sự là thì điều ấy mới làm tâm tri tức bực. Có vẻ như trong chuyên này nhà tôi cho rằng tôi là ông chồng cổ hủ, luôn luôn rình rập trong góc nhà với cây súng sẵn sàng bắn ai xâm phạm vào quyền của mình, là người thường xuyên dòm ngó chuyện riêng của vợ mình, là ông chồng đáng ghét, và nếu tôi thực sự giống vậy, nếu tôi thực sự “nhón chân” đi dọc theo hành lang vì có ý riêng, thì tư tưởng này thật là bực bội. Nhưng tôi không có làm chuyên khó coi đó, chuyên tệ hại nhất trong mọi chuyện, vì tôi yêu quý nhà tôi, và bây giờ cái chính là làm sao cho hai người đừng lo lắng.
    “Bởi tôi thấy rõ là lúc này hai người hẳn phải hết sức bối rối. Phải làm gì bây giờ? Tôi có nên vào nhà trở lại cho hai người hay là mọi chuyện tốt đẹp cả không, hay tôi nên gửi cho bạn tôi cái thư, vì không rõ tại sao tôi thấy ngượng nghịu nếu gặp mặt Henshaw, không biết mình sẽ nói gì. Bỗng tôi nhớ ra là chiều nay bạn tôi sẽ đi nên tôi tự hỏi mình có nên lánh măt chờ tới khi anh đã rời nhà rồi sau đó viết cho anh, khi tôi đã trấn an được nhà tôi. Nhà tôi lại có thể cho bạn tôi biết chuyện trước, để rồi khi thư tôi đến bạn tôi sẽ không kinh ngạc khi đọc điều tôi viết trong thư. Về một mặt tôi mừng là chuyện đã xẩy ra, vì tôi có thể bầy tỏ lòng thông cảm với nhà tôi, nếu nhà tôi chịu để cho tôi ngỏ lời, và làm vậy sẽ khiến mọi việc hóa dễ dàng hơn cho tôi. Nỗi lo lắng luôn luôn sợ rằng tôi khám phá ra chuyện hai người hẳn đã làm cho hạnh phúc của họ bị giảm bớt phần nào, và tôi không muốn có điều ấy.
    “Nghi tới đó thì tôi ngưng lại, vì thấy nhà tôi băng qua vườn cỏ đi tới, nét mặt vừa có vẻ quả quyết vừa lo âu và sợ hãi. Tôi đang ngồi dưới một vòm cây ở cuối vườn, nên khi thấy nàng đi tới liền bước ra đón và đưa nhà tôi lại chỗ đang ngồi, tỏ vẻ âu yếm quí chuộng mà chắc nàng không mong sẽ có. Hình như nhà tôi hết sức kinh ngạc nên òa khóc và để cho tôi dỗ dành, tôi cũng nhớ là nàng mấy lần muốn nói gì đó nhưng bởi đang khóc nên tôi không nghe ra. Cuối cùng khi nguôi bớt và nói mạch lạc được thì nhà tôi bảo rằng tuy cố không yêu thương bạn tôi, nhưng đã không cưỡng được nên cuối cùng buông thả và lừa dối tôi, vì sợ rằng sẽ làm tôi đau khổ. Mình thấy, nàng bảo, em không chống lại được. Nhà tôi lập đi lập lại nhiều lần như vậy, và câu trả lời của tôi là, Anh không thấy có ai cưỡng lại được cả, và em tự trách mỉnh chỉ vô ích thôi. Tôi nhớ là nàng tỏ ý nghi ngờ vì đột nhiên hỏi, Em không tin vào lòng tử tế này, không biết sao em lại nghi là anh sẽ hành hạ em sau này để trừng phạt em thêm.”
    - Anh có hành hạ em chưa? Tôi hỏi nhẹ nhàng.
    - Chưa, nhà tôi đáp, nhưng từ trước tới nay em là vợ hiền đối với anh.
    - Vậy thì đó lại càng là lý do anh không nên hành hạ em lúc này, tôi cười đáp, vì biết ơn em.
    - Nhưng sự dối gạt, nàng tỏ ý nghi ngờ, anh không biết là em đã dối anh ra sao ư?
    - Có lẽ đó là chuyện không may, có lẽ em không cần phải làm vậy, tôi nói mà không có ý mỉa mai, nhưng anh đoán em sợ không muốn làm khác đi.
    - Em không tin chút nào, nhà tôi nhắc lại, và vừa ngẫm nghĩ vừa nói, Em tự hỏi anh có thực sự thương em? Có thực là anh không màng, thực sự không màng ư?
    - Không một chút nào hết, tôi hoàn toàn thành thực khi đáp vậy.
    - Thế thì anh không thể thương em, nàng buột miệng.
    - Nếu thương theo nghĩa em nói là hành động có tính toán làm cho đối tượng thương yêu của mình bị đau khổ hết sức và đau khổ một cách ác độc, thì không, anh không thương em kiểu đó, nhưng nếu em nghĩ thương ai là thường xuyên nghĩ tới người ấy, đạt hạnh phúc của họ lên trên bất cứ cái gì khác, thì có, anh thương em. Nói cho cùng, chuyện rất giản dị, tôi mau mắn thêm, Em không thấy là người mình yêu có thể bị đau khổ, trong khi chỉ một chút hiểu biết có thể tránh được đau khổ ấy sao? Ngoài ra, giả thử anh nổi giận, hay đánh em, hay làm chuyên khác cũng có ý đánh trả lại, không đẹp hay trẻ con, thì chuyên gì xẩy ra, không phải là em sẽ ghét anh sao? Và nếu anh khuyên em bỏ Henshaw, thì anh sẽ giống như ông thầy thuốc khuyên bệnh nhân nghèo nhất của ông đi chơi một vòng quanh thế giới, tức một chuyện không sao làm được.
    “Rồi nhà tôi rót vào tai tôi một tràng những lời khen ngợi, thương yêu mà tôi xin không nhắc tới, chỉ kể để bạn thấy rằng tỏ ra thông cảm với chuyện tình của vợ bạn (nếu bà nhà có) thì nó sẽ đền bù cho bạn ngàn lần. Tôi nhớ nhà tôi bảo những ông chồng khác hẳn sẽ nói về danh dự của họ bị hoen ố và những chuyên trẻ con khác, đáp lại tôi bảo nàng là danh dự đối với tôi chỉ là cái tên lịch sự của lòng kiêu hãnh, và có những nước mà đàn ông thà nhận viên đạn vào bụng hơn là có lòng kiêu hãnh bị tổn thương. Và tôi cũng nói với nhà tôi là khi hồi cưới nàng hứa thương yêu, quí trọng và vâng lời tôi, thì cũng nên hứa thêm rằng sẽ sống tới trăm tuổi, vì khó mà có ai làm tròn các điều hứa hẹn như vậy.
    “Buổi chuyện trò vui vẻ ấy kéo dài bao lâu tôi không thể đoán được, vì cả hai chúng tôi hạnh phúc quá nên tôi cho là nó có thể kéo dài cả mấy tiếng nếu không có công chuyện thường ngày trong nhà khiến phải ngưng lại, nhưng nói để bạn hay rằng vào lúc đó, tôi cầu trời ban ân cho người mà đa số sẽ bảo là đã làm tôi bị thương tổn, vì trên thực tế bạn tôi làm có sự hòa hợp tâm hồn nhiều hơn giữa nhà tôi và tôi, khiến mỗi chúng tôi biết rằng nhờ Henshaw, tình yêu của hai chúng tôi cho nhau đã trải qua thử thách to tát dữ dội và chịu được giông bão lớn lao mà bao nhiêu chuyện khác hợp lại không thể cho kết quả giống vậy.”
    Ngài dừng lại một chút rồi tiếp tục bằng một giọng thay đổi.
    “Bạn nghĩ xem kết quả của chuyện là gì và cuối cùng diễn biến ra sao? Bạn có thể đoán là tôi để hai người gặp nhau theo ý họ muốn, không đặt điều kiện gì và không hỏi câu hỏi nào, đối đãi với Henshaw như là bạn và mời ông tới nhà ở chơi bất cứ khi nào ông muốn. Sự việc tiếp tục trong vài tháng theo cách đó cho tới khi chuyện làm ăn khiến bạn tôi sang Ấn Độ và chấm dứt tình yêu của vợ tôi, vì sự xa cách làm cảm tình tự nó nguội lạnh dần. Không cần phải nói, tôi an ủi nhà tôi khi việc chia ly khiến nàng buồn rầu, và tuy tôi thực sự cảm thấy buồn cho nhà tôi, trong lòng tôi lại vui vẻ nhiều khi an ủi vợ, cũng như sự an ủi này làm tâm hồn hai chúng tôi gần với nhau hơn bao giờ hết so với trước kia.
    “Chuyện gì xẩy ra sau đó thì không cần phải kể vì trong lòng tôi chỉ có một phản ứng với tâm tính chân thật và cao quí như con người của nhà tôi, còn về tình cảm sâu đậm của nàng đối với Henshaw thì nó sinh ra do sự thu hút của bề ngoài hơn là tình yêu, khi bạn tôi không còn ở đó để khơi dậy tình cảm của nhà tôi như nam châm lôi cuốn, thì nàng bắt đầu lơi sự chú ý tới ông, và nếu xét tới việc thư từ ông gửi cho nhà tôi ngày càng bất thường thì ông cũng quên nàng dần, để rồi trọn vấn đề phai nhạt đi làm như nó chưa hề xẩy ra, nhưng lại làm tình yêu của hai chúng tôi tăng nhiều hơn nhờ chính vào chuyện có thể làm tình chúng tôi tan vỡ. Lý do là khi tôi không làm gì khiến nhà tôi có cớ đế tức giận tôi, hay có cớ để thấy là mình bị cầm tù như thế nào đi nữa, thì không có yếu tố nào làm ngăn chặn tình yêu của nhà tôi đối với tôi, mà lại tăng nó lên đến tột mức. Cũng như khi thấy tôi không gây trở ngại gì cho nàng, chẳng những không gây nên tai tiếng làm nhà tôi thực tâm biết ơn mà tôi cũng không sinh lớn chuyện, nên ai có muốn nói xấu cũng không nói được gì.”
    “Vậy thì bạn à, tôi nghĩ chắc bạn sẵn lòng nhìn nhận rằng con đường mà tôi khuyên bạn nên theo là đường dẫn tới thành công ít ra trong trường hợp của tôi, và tôi nghĩ rằng nó cũng phải thành công trong trường hợp của bạn. Bởi xin nhớ rằng người chồng nào luôn luôn hành động một cách chân thực và cao quí nhất đối với vợ mình luôn luôn sẽ thắng, tình nhân chỉ là chuyện không bền, đến rồi đi theo hoàn cảnh thay đổi, nhưng tình bạn chăn gối đích thực dựa trên việc thân thiết lâu dài, có thiện cảm và hiểu biết thì vững bền mãi mãi.”
    Tới đây thầy Moreward ngưng, còn thiếu tá nhìn thầy lộ vẻ thán phục và kính nể nhiều hơn ông bầy tỏ trước kia, hỏi rằng:
    - Thế thầy khuyên là người chồng nào cũng nên cho vợ mình có nhân tình khi nào bà muốn à?
    Thầy mim cười trả lời.
    - Tôi phải nói là “Có” và “Không”, vì điều bạn hỏi tùy thuộc hoàn toàn vào cảnh ngộ của từng trường hợp, cũng như tùy vào người vợ và người chồng có liên quan, nên không thế nói chung. Kế đó, việc bạn cho phép bà nhà có tình nhân là một chuyện, giống như cho bà nhà có nữ trang và y phục đẹp đẽ, mà tha thứ và chấp nhận hành động của bà khi bà đã có cảm tình với người nào đó, lại là chuyện khác hẳn. Vì nếu bạn bắt buộc bà nhà từ bỏ đối tượng thương yêu thì hoặc bà rời ông như trong trường hợp của riêng ông, hoặc dối gạt ông, tự bảo vệ đối với cơn giận của ông, và như vậy là ông đòi hỏi một điều của nhân tính mà khó ai làm được. Hơn thế nữa không có gì làm người ta thích một vật, như là khi có trở ngại gặp trên đường chiếm vật ấy, cũng như không có gì làm mất cảm tình mau lẹ bằng cảm giác bị cầm tù, vậy làm ngăn trở bà nhà là càng thúc đẩy bà ngã vào tay người đàn ông khác mau lẹ hơn, vì ông gợi nên sự tức giận trong lòng bà đối với ông. Nó muốn nói khi ông tìm cách bắt bà nhà phải thương yêu mình, ông chỉ làm mất đi tình thương ấy.
    Tới đây thầy Morevvard ngưng lại nữa. Thiếu tá nói.
    - Chà, tôi chỉ có thể nói thầy thiệt lạ lùng, mà thầy cũng giúp tôi không biết bao nhiêu.
    Câu chuyện tới đó chấm dứt, và nó kết thúc tốt đẹp vì một vài tuần sau, chúng tôi nghe là bà Buckingham và chồng lại sống chung như trước rất hạnh phúc.
    Về phần thầy thì sau khi thiếu tá ra về, ngài bảo tôi:
    - Cái lạ là người ta phải nói hết hơi để làm người khác tin vào một trong những chuyện hiển nhiên nhất trên đời. Giống như thầy phải tự tạo cho mình hào quang vô lý về lòng cao thượng để khuyến dụ được thiếu tá làm theo gương thầy.
    - Tính cao thượng chỉ tương đối thôi ạ, tôi thưa, cái gì đối với mức tiến hóa cao của thầy là hiển nhiên thì đối với thiếu tá lại đầy nét cao cả.
    Khi chào thầy ra về, tôi tự hỏi có phải lòng khiêm tốn khiến cho một người rất khôn ngoan như thầy đôi lúc xem ra hết sức hồn nhiên hay không?

    CHƯƠNG XII
    SỰ THAY ĐỔI LẠ LÙNG CỦA THẦY MOREWARD

    Phương pháp giáo dục tâm linh của thầy Moreward hoàn toàn khác với thông lệ chưa hề làm tôi kinh ngạc, cho tới khi tôi quen biết một người và thấy ngài bỏ công nhiều ra sao để làm ngược lại cá tính thanh nhã của mình, hầu mang lại kết quả nơi đệ tử có loại tâm tinh nào đó.
    Tôi găp ở tư gia ngài một đệ tử tuy là người nam mà lại đầy nữ tính, và về sau tôi được biết là có một số đặc tính cao đẹp nhưng bề ngoài trông thật là nhút nhát, rụt rè. Anh lại giỏi về may vá, tự đơm khuy đơm nút cho quần áo của mình và cho cả luôn cho bạn trai ở cùng nhà trọ, chăm chút ân cần với người khác y như bà cô không chồng thương cháu vậy. Anh tên Toni Bland, nhỏ người, có vẻ khô khan và khoảng ba mươi lăm tuổi, y phục tề chỉnh, nói năng nhỏ nhẹ, chính xác làm cho nét “bà cô” của anh lại càng rõ. Nhìn anh tỏ lòng ngưỡng mộ thầy Moreward thật tôi không biết nói sao, vì ngài thay đổi tức khắc khi có mặt anh trong phòng. Chỉ cần Toni ló đầu vào là mọi nét tinh thần hiển hiện của ngài, sự hiền dịu và thương yêu lập tức biến mất nhường cho bản tính khác hoàn toàn đối nghịch. Cách nói chuyên trở thành khó nghe, sắc gọn, tiếng cười lớn bực bội, thô lỗ, câu chuyện của ngài có xen chữ nói tục, mạnh bạo và cung cách của ngài thường khi rất nhã nhặn, trịnh trọng dễ mến biến thành hờ hững rất chán.
    Thấy ngay thân hình mảnh dẻ của Toni Bland rùng mình khi nói chuyện với ngài, làm như thể tính mẫn cảm của nó bị chà đạp lắm bận, nhưng rồi tôi cũng thấy là khi câu chuyện kéo dài thì Toni tìm cách làm cho tính bớt lộ liễu. Anh bắt đầu thấy xấu hổ một chút vì sự nhậy cảm của mình và ráng che đậy nó. Về phần tôi, lần đầu tiên thấy sự thay đổi lạ lùng của thầy thì tự nhiên là tôi sững sờ, nhưng về sau lòng kinh ngạc biến thành kính phục cao độ, và lời giải thích làm tôi hết sức hài lòng.
    Tôi gặp Toni Bland là do tới nhà thầy nhiều lần, anh ngồi tề chỉnh trên mép ghế, hai tay xếp lại còn thầy đứng quay lưng vào lò sưởi, hai ngón cái móc vào nách áo khoác ngắn (waistcoat). Ngài đứng ở đấy không nhúc nhích lúc tôi bước vào mà chỉ gật đầu, và lớn tiếng giới thiệu chúng tôi với nhau…
    - Nào, Antonia, thầy hỏi, chúng ta đang nói chuyện gì nhỉ?
    - Dạ, về những hình thức khác nhau của Yoga. Toni trả lời với giọng khác hẳn, nhẹ nhàng.
    - Yog, thầy la to một cách vui vẻ, chữ “a” câm và trọn chữ muốn nói đúng phải đọc như là “yogue”, nhưng muốn nói như con cũng được. Miền bắc Ấn đọc là Yog, còn miền nam gọi là Yoga.
    - Có phải đó là phương pháp tập luyện mà con thấy người ta đeo bảng quảng cáo ngoài đường phố không? Tôi hỏi.
    - Có thể lắm, ngài đáp, người coi chỉ tay chuyên nghiệp, người có thông nhãn (clairvoyant) và những người tương tự làm hạ giá trị cái khoa học tinh tế nhất trên thế giới khi ghép nó với nghề nghiệp của mình.
    - Nhưng còn người ở Ấn Độ bôi tro lên thân thể và làm đủ trò kỳ lạ thì sao? Toni dè dăt hỏi.
    - Không một nhà Yogi cao cả nào lại trưng thành đạt của mình cho thế giới rõ, thầy đáp. Ngược lại, ai cao cả chừng nào thì họ lại càng tìm cách tỏ ra tầm thường đối với kẻ không biết thuật. Chỉ có ai mới biết chút ít về thuật mới phô trương. Trên thực tế có hai loại giả dối nếu muốn gọi vậy, đó là sự giả dạng của người cao cả làm ra vẻ tầm thường, và sự giả dối của người tầm thường làm ra bộ rằng mình cao cả. Ai muốn thì gọi cả hai là người dối gạt, nhưng một đằng là sự dối gạt của lòng khiêm tốn và đạo đức cao, đằng kia là lòng kiêu hãnh. Vậy thì những nhà Yogi mà con nói tới, Antonia, không phải là thí dụ đáng nói của Yoga, giống như linh mục mặc áo đen nghiêm nghị không phải là thí dụ của đạo Thiên Chúa vậy.
    Càng nghe chuyện tôi càng thấy rằng nếu Toni nói năng rụt rè, nhỏ nhẹ thì thầy Moreward lại không tha và chọc ghẹo anh, tức có lối tiếp đãi khác hẳn cách tôi hay thấy ở ngài; lúc đó tôi không hiểu tại sao tuy lờ mờ cảm nhận ràng phải có lý do để thầy làm vậy. Về sau tôi hiểu là tính khí của Toni đòi hỏi cách “chữa trị” rất khác thường. Đáp lại lời chế nhạo của thầy, Toni chỉ tỏ vẻ hơi ngượng ngùng và cười không tỏ ý gĩ rõ rệt, thái độ ấy làm tôi bực mình chỉ muốn vỗ vai anh chàng thật mạnh, lắc anh, bảo anh hãy tỏ ra cứng cỏi có chút nam tính ra vẻ đàn ông con trai coi. Tuy nhiên thầy Moreward lại nói một câu làm tôi đau khổ thấy là tư tưởng mình không lành:
    - Thử ngược đãi một ai thì Antonia sẽ cứu giúp người ấy ngay, Broadbent nhớ này, câu nói “Trông mặt mà bắt hình dong” không phải lúc nào cũng đúng. Con có hiểu không? Ngài quay sang Toni và thêm vào, Không, con không hiểu, đó mới là vấn đề.
    Ngài bắt đầu đi quanh phòng, ngón cái vẫn móc vào nách của áo khoác.
    - Phải, thầy lập lại, đó chính là vấn đề, cái ý tưởng vớ vẩn bảo rằng nét tâm linh, vẻ nghiêm chỉnh, nhỏ nhẹ phải đi đôi với nhau. Các con không thấy rằng mục tiêu của con người là có tâm thức của Thượng đế, tâm thức vũ trụ, vậy ai lại có thể tin rằng tâm thức Thượng đế giống như tâm thức của linh mục nghiêm trang, hay giống như của một bà cô nhỏ nhẹ chăng? Các con nghe này, gan dạ mới là chuyện đầu tiên cần thiết để dẫn tói tâm thức Thượng đế.
    Toni chớp mắt, cười nhẹ và ngay ngắn xếp hai tay lại.
    - Con không thấy làm sao việc chặn đứng không cho có nhu động của ruột như nhà Yogi làm lại có thể dẫn tới việc hòa hơp với Thượng đế? Anh lẩm bẩm trong miệng.
    - Con không thấy à? Được rồi, để thầy giải thích. Moreward nói một cách hung hăng nhưng vui vẻ. Ấy là bất cứ ai làm được chuyện đáng kể nào thì đó là một bước tiến đến gần Thượng đế và một bước tiến đến tự do. Bất lực là cái xiềng xích mạnh mẽ nhất. Có ích gì khi ta bảo phải trở nên giống như Thượng đế là đấng sáng tạo vũ trụ từ bản chất của ngài, mà lại không thể làm gì khác hơn là vặn vẹo hai bàn tay với nhau bất lực! Thánh thần ơi, tư tưởng chi mà quái đản! Còn điều này nữa, muốn có tâm thức Thượng đế mà thân xác đau ốm là chuyện hết sức khó. Sức khỏe khang kiện không những là điều thiết yếu để đạt tới trạng thái An Lạc cao tột nhất, mà cũng là một đặc tính của Thượng đế. Thử tưởng tượng Trời đau! Trời rầu rĩ! Trời khóc lóc! Thầy cười lớn.
    “Còn đối với các nhà Yogi mà con chê bai vì con không biết chi về họ, nói để con hay rằng khoa Yoga là khoa học cao tột bực trên địa cầu. Không có phép lạ nào mà nhà Yogi không biết làm, nhưng chỉ vì họ không tới London mở show biểu diễn trong rạp hát nên người ta không tin họ, dù rằng công chúng sẵn lòng tin phép lạ của đức Chúa là một nhà Yogi đã làm hai ngàn năm về trước. Thầy nhìn nhận là một số Yogi cấp thấp ở Ấn Độ làm được chuyện lạ lùng trước đám đông, nhưng ai dùng quyền lực của mình để hoăc thỏa mãn lòng kiêu hãnh hoặc để lấy tiền, thì không tiến xa hơn được. Tính muốn thụ đắc và lòng kiêu hãnh chẳng bao lâu sẽ ngăn chặn đường dẫn tới tâm thức cao hơn.
    Ngài ngồi xuống ghế bành và gác chân lên đầu lò sưởi.
    - Nhưng nói để các con biết nhà Yogi có một sở hữu quí giá, ngài tiếp tục, ấy là những trạng thái tâm thức của họ có được là nhờ phương pháp về sinh lý học, mà không do việc thôi miên hay dùng ma túy. Điều ấy có nghĩa là gì? Là không ai có thể giả vờ không biết đế bảo rằng đó chỉ là óc tưởng tượng. Muốn tự thôi miên thì người ta phải tưởng tượng là mình thực sự thấy chuyện mà mình đang nghĩ về nó, nhưng yog khác hẳn. Bên trong con người có một số lực tiềm ẩn, khi khơi dậy các lực bằng phương pháp thuần sinh lý học mà nhà Yogi biết, thì người ta biến đổi trọn tâm thức của minh, thấy được chuyện này chuyện kia, nghe được âm thanh lạ, và cảm nhận được việc chung quan mình mà từ trước tới nay không ý thức.
    - Ai cũng tập được Yog hay sao? Tôi hỏi.
    - Nếu tìm được thầy, mà điều ấy không dễ, ngài trả lời.
    - Con đoán như vậy người ta phải qua Ấn Độ? Tôi bàn thêm. Ngài cười và đáp.
    - Có thể học được Yog ở bất cứ nước nào nếu tìm được đúng người, khoa này đã có tại Anh từ hơn 300 năm nay và hiện đang có người rất thành thạo về thuật này ở London.
    - Nghe chuyện thú vị quá nhưng con phải đi đây. Toni ngó ý và đứng dậy khỏi ghế.
    - Tới giờ phải về à? Thầy hỏi mà không đứng dậy. Thôi đi đi, Antonia, khi nào tới nữa thì cho thầy hay. Ngài bắt tay mà vẫn ngồi y chỗ cạnh lò sưởi.
    Toni chào tôi, nói rằng mong găp lại tôi nay mai, và tề chỉnh ra về. Khi nghe tiếng cửa trước đóng lại cho biết Toni đã ra khỏi nhà và không còn nghe được tiếng chúng tôi nữa, tôi hỏi thầy.
    - Chuyện vừa rồi có nghĩa gì?
    Thầy Moreward lấy chân đang gác trên lò sưởi xuống và cười một tràng vui vẻ như thói quen.
    - Thầy sẽ cho hay chính xác nó có nghĩa gĩ, nhưng thầy nghĩ không chừng con đã hiểu. Thầy trở lại hoàn toàn là ngài như cũ, giọng nói có âm điệu lúc bình thường, phong cách có chút trịnh trọng dễ mến vốn là một phần của đăc tính đáng yêu của ngài. Con không biết là thầy có chút kịch tính sao? Ngài hỏi.
    Tôi thú thật là chưa hề nghĩ vậy bao giờ.
    - Có vài người ta cần đối xử theo một cách thức riêng, ngài tiếp lời, để một mặt làm đảo ngược quan niệm sai lầm của họ, và mặt kia thì làm họ vững mạnh hơn. Như con thấy, Toni nhỏ nhẹ rụt rè như con gái quá, anh chàng thiếu uy lực và đó là trở ngại trên con đường phát triển của anh. Một trở ngại to tát hơn nữa là niềm tin rằng sự chững chạc, đúng lễ tột bực là đòi hỏi trước tiên cho đường tinh thần. Thế nên cách duy nhất để chống lại quan niệm ấy là làm cho anh dầy dạn hơn, có nam tính hơn, bằng cách chọc phái tính dễ cảm của Toni tới mức chúng tan biến đi. Con có nghe việc chữa trị bằng cách làm cho con người cương cường lên? Vậy thì có vài người cần sự cứng cáp trong việc chữa trị tâm thần, không có cách nào khác hơn.
    Không thể chối cãi được là lời này khôn ngoan, dầu vậy tôi tự hỏi trong trường hợp này nó sinh ra điều gì tốt đẹp không. Tôi thấy Toni Bland có vẻ như là người “hết thuốc chữa”, và tôi không kềm được nên nói ý này cho thầy hay.
    - Có một điều về thầy mà đôi khi con thấy lạ, tôi bảo. Con không muốn tỏ ra thiếu khoan dung, nhưng thầy chịu bỏ công lao rất nhiều để lo cho người mà con thấy là hết sức khờ dại.
    - Con nghĩ sai cho Toni rồi, thầy đáp. Với người lạ thì hắn nhút nhát đến tội, nhưng nói cho sát thì bản tính hắn không khờ dại đâu. Hắn sẽ nói rất nhiều khi không có ai lạ trong phòng, khi con biết hắn kỹ rồi thì con sẽ không nhận xét hời hợt như thế nữa. Hắn có tâm hồn đầy nữ tính quá và phải sửa chữa lắm điều, nhưng nếu con có bốn hay năm kiếp trước đều là phái nữ như hắn thì con cũng sẽ y hệt như Toni thôi. Hắn có vận mạng khó khăn.
    - Nhưng còn nhiều người khác, tôi thưa với thầy, cũng bình thường như Toni mà lại “hết thuốc chữa” hơn anh chàng, và con thấy thầy bỏ công lao không biết là dường nào đối với họ.
    - Con chưa quen nhìn sự việc theo con mắt vĩnh cửu, ngài cười và đáp. Thầy đã biết mỗi một người trong nhóm từ xa xưa, và mỗi người đều có làm ơn cho thầy. Chúng ta luôn biết ơn vì vậy thầy chỉ mong trả ơn cho họ. Thí dụ con có nghĩ là Toni chịu được cung cách của thầy không nếu không có mối dây liên kết trước đây thu hút chúng ta lại với nhau? Hết lần này rồi lần khác Toni đến đây bảo rằng muốn được biết ý kiến sáng suốt của thầy - hắn nói thế để tỏ lòng kính trọng - về các vấn đề của huyền bí học, và chịu được câu nói lóng, chữ thô tục. Vì mặc dù thầy phát ngôn như vậy nhưng hắn tin nơi thầy, và trong tiềm thức biết là hắn và thầy đã từng gặp nhau trước kia.
    “Thế thì con thấy là ký ức rộng làm thay đổi cái nhìn về sự vật, và chuyện có vẻ vô lý trở thành đầy ý nghĩa. Với ai biết hắn rõ thì thấy là Toni có những đặc tính tâm linh thanh cao, nhưng cho dù hắn không được vậy, thầy cũng vẫn cố gắng để đẩy mạnh phần tinh thần của hắn, như là cách trả ơn cho điều đã làm khi xưa, và nếu hắn chưa sẵn sàng bước vào đường Đạo trong kiếp này, thầy sẽ gắng công vào kiếp tới của hắn, vì tình thương luôn mang chúng ta lại với nhau kiếp này rồi kiếp kia.”
    Tôi không gặp lại Toni trong một lúc lâu (độc giả sẽ gặp lại Toni trong quyển ba The Initiate in the Dark Cycle), nhưng lần nói chuyện độc nhất ấy với hắn gián tiếp làm cho tôi thấy nhiều nét vinh diệu của bậc có khả năng nhìn sự việc suốt hàng ngàn năm thay vì chỉ thấy trong giới hạn của đời người là 60, 70 năm. Lời nói đáng chú ý của thầy cho thấy là có vẻ như không cảm xúc hay hành động nhỏ bé thế mấy bị phí phạm vô nghĩa. Nhờ chỉ dẫn và thí dụ của ngài, cuộc sống trở nên rộng lớn vô tận, mọi ý kiêu hãnh tan mất biệt, và nhìn theo triết lý của ngài ngay cả việc dùng chữ thô tục tuy kỳ lạ nhưng lại có hương vị thanh cao.

  8. #8

    Mặc định

    CHƯƠNG XIV
    CUỘC TÁI NGỘ CỦA GLADYS VÀ GORDON


    Tôi có một cô em gái tính tình rất khác anh chị trong nhà, khiến tôi thấy thuyết di truyền chỉ đúng một phần mà không đúng trọn vẹn. Thực vậy có lần nói chuyện về đề tài này với thầy Moreward, ngài giải thích rằng di truyền chỉ là hệ quả mà không phải là nguyên cớ. Lấy thí dụ một ai thích uống rượu thì trong kiếp tới, họ sẽ bị thu hút vào gia đình mà họ có thể thỏa mãn thèm muốn ấy. Thuyết di truyền khi đó nói rằng họ nghiện rượu vì cha nghiện, nói khác đi họ nhận lãnh một thân xác có khuynh hướng thích rượu chè. Nói như vậy quả là đúng nhưng nó bỏ qua lý do tại sao họ thừa hưởng thân xác đó, nó xem thuyết di truyền là nguyên cớ đầu tiên thay vì chỉ là hệ quả mà căn do nằm sâu xa hơn nữa.
    Hay ta lấy một thí dụ khác: có người là nhạc sĩ trong kiếp vừa qua và trong kiếp sắp tới, họ cần có một thân xác và não bộ nhậy cảm, vì thế họ cần tái sinh vào gia đình mà chẳng hạn như bà mẹ có khiếu về nhạc, để họ thừa hưởng được loại thân xác đặc biệt của bà, hay của bà ngoại (của ai thì không quan hệ cho lắm). Đa số người sẽ lập tức nói: “Anh có khiếu âm nhạc nhờ mẹ”, trong khi thực ra lời ấy chỉ đúng một phần. Anh đã có khiếu về âm nhạc từ lâu trước khi gặp mẹ, mẹ anh chỉ là phương tiện cho anh biểu lộ khả năng về nhạc ở cõi trần trong kiếp hiện tại mà không cống hiến gì khác hơn. Lẽ tự nhiên thuyết di truyền thỏa mãn được đa số người vì họ chưa có khả năng nhớ lại những kiếp trước, nhưng đối với ai có thể nhớ lại được thì chuyện rõ ràng là di truyền phải được xem như là hệ quả mà không phải là nguyên nhân, và giữa hai điều có sự khác biệt rất lớn.
    Điều làm tôi ngạc nhiên là tây phương biết rất ít về thuyết luân hồi, và người ta chỉ mới đề cập nhiều đến thuyết ấy lúc gần đây, tuy nhiên thầy Moreward giải thích:
    “Con xem, thầy nói, người ta bác bỏ thuyết luân hồi vì họ không thể nhớ lại những kiếp trước, họ xem việc không có hồi ức là chứng cớ đủ cho việc không có kiếp đã qua. Dầu vậy nếu thầy hỏi con chính xác là con làm gì vào một ngày rõ rệt nào đó 15 năm về trước thì con không nhớ được, tuy con biết chắc là mình có sống qua ngày ấy. Sự kiện là vào mỗi kiếp linh hồn có thân xác mới với não bộ hoàn toàn mới mẻ, mà não bộ là cái duy nhất nhớ lại. Vậy thì não bộ không thể nhớ được chuyện đã xẩy ra trước khi có nó, mà nó cũng không thể nhớ được nhiều chuyện xẩy ra sau khi có nó. Thí dụ là nếu hỏi con nghĩ gì cách đây 10 phút thì con sẽ thấy mình quên hoàn toàn. Sao đi nữa, trong mỗi người chúng ta có vài cơ quan mà khi áp dụng phương pháp của khoa huyền bí học, ta có thể khiến chúng linh hoạt và nhớ lại được kiếp trước không cần phải nhờ vào não bộ. Đó là lý do tại sao và cách thức mà vị đạo đồ nhớ lại những tiền kiếp.”
    Tôi ghi lại quan điểm của thầy Moreward một phần vì nó lý thú, phần khác vì nó có liên quan đến chuyện sau. Thầy và tôi được mời đến chơi một nơi vài ngày, em Gladys cùng một thanh niên mà em có cảm tình cũng tới nơi ấy, về chàng trai thì rõ ràng là anh yêu quí Gladys. Tuy vậy người ta thấy ngay là dù hai người có cảm tình ra sao với nhau, giữa đôi bên có sự lạc điệu rất rõ vì anh bạn Gordon Mellor không dấu được vẻ rầu rĩ mà thầy với đôi mắt tinh tường và trực giác bén nhậy đã mau lẹ nhận ra. Chẳng bao lâu thầy bị lôi cuốn vào chuyện vì em tôi tỏ ý muốn làm quen với thầy, và rồi thẳng thắn bộc lộ tư tưởng của mình khi được thầy khuyến khích.
    Riêng tôi thì tôi biết trục trặc nằm ở chỗ Gladys có lòng kiêu hãnh không đúng, nhưng hễ tôi nói ra thì em bảo tôi là đàn ông không hiểu được đàn bà nghĩ gì, thành ra tôi thấy chẳng đi tới đâu và bỏ cuộc. Hơn nữa, anh em trong nhà nói không “linh” nên trục trặc đã xẩy ra cả mấy tháng rồi mà không có giải quyết thỏa đáng. Ngay từ ngày đầu chúng tôi đến nơi, thầy Moreward nói chuyện liên quan đến tâm linh theo một cách đăc biệt, khiến cho chẳng mấy chốc em tôi tỏ ý kính phục. Thấy vậy tôi mới thưa ngay với thầy là em tôi đang gặp khó khăn mong thầy giúp đỡ. Dĩ nhiên khi nghe thế ngài ưng thuận ngay, và tôi xếp đặt sao cho cả ba chúng tôi có giờ trò chuyện riêng mà không bị quấy rối.
    Một buổi trưa ba chúng tôi đi dạo trong cánh đồng làng, tôi nói với Gladys:
    - Anh bạn Gordon của em thấy không vui với em cho lắm.
    Gladys đỏ mặt và tìm cách tránh né một cách vụng về.
    - Cô Broadbent này, thầy nói một cách hiền từ, anh bạn cô và cô làm tôi rất chú ý. Có lý do làm tôi tin rằng hai người là bạn từ lâu, lâu lắm, từ mấy kiếp trước nếu tôi không lầm.
    Em tôi hớn hở và chú ý đến lời thầy ngay, nó đã nghe nhiều chuyện về huyền bí học và tin nên hăng hái nhập cuộc:
    - Con không biết là thầy thấy được điều ấy, nhưng làm sao thầy nhìn ra?
    - Dễ lắm, ngài cười và đáp, nếu cô nhìn hai người theo một cách thông thường thì có thể nhận xét tổng quát là họ có hòa hợp với nhau hay không, chẳng hạn giữa mẹ và con có đường nét thân hình giống nhau. Còn về mối liên hệ tinh tế hơn thì phải nhìn vào thể trí của người, bằng cách ấy ta có thể nói là hai người có sự thu hút tâm linh lẫn nhau hay không.
    - Vậy thầy cho là Gordon và con có điều đó?
    - Tôi tin chắc vậy. Thầy đáp.
    - Ha, tôi reo lên một cách đắc thắng, nay đã biết rồi thì có lẽ em nên đối đãi anh ta khá hơn một chút.
    - Em chưa hề xử tệ với anh ta, em tôi đáp lại nóng nẩy.
    - Anh thấy nó tệ, tôi nói. Anh hay nói với em chuyện đó, bây giờ nếu em kể thầy nghe thì anh chắc là thầy cũng đồng ý với anh.
    - Có chuyên gì trục trặc thế? Thầy Moreward hỏi một cách thân mật. Tôi có thể giúp được gì chăng?
    Gladys nhìn thầy tỏ vẻ biết ơn và nói:
    - Có chuyện không ổn ạ.
    - Nói thế không đúng, chuyện có thể sửa lại được nhưng chỉ có điều em kiêu ngạo quá. Tôi chêm vào và cười để làm cho lời phê bình nhẹ bớt.
    - Chà, thầy Moreward nói an ủi, anh trai nhiều khi không tế nhị chút nào phải không?
    - Trời, anh con ăn nói thô lỗ lắm, em tôi lạnh lùng đáp lại.
    - Sự thực là, tôi giải thích với thầy, Gladys không thích hôn nhân và chưa muốn lập gia đình, nhưng lại yêu anh chàng và muốn anh ta yêu lại nó. Tuy nhiên hai người chưa hứa hôn, thành ra em con nghĩ là đôi bên phải giữ ý tứ hết mức, tới nỗi em không nói là mình yêu anh ta, cho rằng nói như thế không thích hợp.
    Thầy cười với sự khoan dung thấy rõ.
    - Sao, thầy xem con có đúng hay không? Em tôi hỏi thầy.
    - Không đúng đâu, thầy nói và cười rất hiền.
    - Đó, không phải anh nói như vậy sao? Tôi la lớn đắc thắng.
    - Nhưng mà thầy Haig, em tôi biện bạch, làm khác hơn không nên, không hợp với xã hội mà con giao thiệp. Tụi con không phải người chỉ chơi qua đường cho vui, không thể biểu lộ như vậy được.
    - Tuy nhiên anh bạn không may của cô thì sao, thầy nhìn em âu yếm như cha con, có phải là khe khắt với anh không?
    - Em hành tội anh ta, tôi phán.
    Nghe thế em tôi yên lặng ngẫm nghĩ.
    - Em con không chia tay với anh bạn, tôi quay sang thầy Moreward nói, mà em cũng không tỏ ý thương mến anh ta chút nào. Con thấy đó là sự đùa cợt rất tệ.
    - Em chưa hề đùa cợt bao giờ, em tôi đáp ngay.
    - Nhưng đó có phải là một hình thức đùa cợt che đậy khéo tới mức làm ta tưởng không phải là đùa cợt? Thầy nói một cách nhẹ nhàng.
    - Như vậy nó lại càng đáng chê trách, tôi bồi thêm.
    Em tôi tỏ ý thắc mắc.
    - Em không hiểu, Gladys nói.
    - Thế này này, thầy giải thích với giọng thật hiền dịu, để biết chắc là người đàn ông có thương yêu mình, cô làm anh chàng mê say cô, cô biết rằng anh đau khổ nhưng không đáp lại cho anh chuyện gì, như thế không phải là sự đùa cợt rất tinh quái sao?
    Gladys yên lăng một cách ngượng nghịu.
    - Tôi biết, thầy nóì tiếp, chữ đùa cợt không rõ ràng cho lắm và có khi tôì cho là nó không phải đùa cợt chút nào. Thí dụ hai người có thể thật tình quí mến nhau và biểu lộ điều ấy, dù họ không có ý thành hôn với nhau. Nói cho sát thì như vậy không phải là đùa cợt, bởi không phải là nó không thành thật. Mặt khác nếu hai người chỉ khêu gợi tình cảm của nhau đế làm thỏa mãn lòng kiêu hãnh, mà không phải vì họ thấy thương mến nhau, thì ta có thể gọi đó là đùa cợt. Vì nó khéo léo đòi hỏi một điều và không có ý đáp lại bằng chuyên gì khác.
    - Nhưng chắc chắn đó không phải là trường hợp của con. Em tôi phản đối.
    - Nào, ta thử nhìn sự việc một cách kỹ lưỡng xem, ngài đáp. Khỉ tỏ ra thân mật với anh bạn thì có phải là cô khiến anh tưởng rằng cô quí mến anh ta, đúng không nào? Cái đó làm anh nuôi hy vọng, nhưng cô lại không hề có ý cho anh biết rằng chuyện sẽ chẳng đi tới đâu. Kết quả là anh bạn đau khổ, nói khác đi, không phải là sự đau khổ của anh làm cô thấy vui sao, khi đòi hỏi anh rất nhiều mà không đáp lại một chút gì cả.
    - Nhưng người chung quanh sẽ đàm tiếu, Gladys mở miệng phân trần.
    - Ý kiến người ngoài, thầy ngắt lời nhẹ nhàng, dựa trên lòng ích kỷ và kiêu căng, mà không phải là lòng xả, kỷ và tình thương.
    - Gladys này, tôi nói, không ăn thua gì đâu, cách xử sự của em là của người đạo đức giả và thích đùa cợt, em thấy vậy sớm chừng nào thì tốt chừng đó.
    - Tỏ ra thành thật với anh bạn thì có phải là tốt hơn không, thầy Moreward nói tiếp, bảo với anh rằng cô thương yêu anh nhưng quan niệm của cô về hôn nhân khiến cô không muốn thành hôn? Làm như vậy thì vừa thành thật, thẳng thắn, mà cũng cho anh chọn lựa là không theo đuổi cô nữa hay bằng lòng với cảm tình của cô.
    - Nhưng làm vậy không được đâu, Gladys bác, anh ta sẽ lập tức muốn hôn con.
    - Em giả đạo đức hết chỗ nói, tôi đáp liền, kiêu hãnh dàn trời và lửng lơ không quyết. Này nhé, em làm cho anh bạn lúc hy vọng lúc thất vọng, để thỏa mãn lòng kiêu hãnh vô lý của em, rồi còn ỡm ờ không chịu thú thật là em thương yêu anh chàng, hay cho anh ta hôn để thấy như được lên tiên.
    Thầy Moreward nhìn tôi giống như rất tán đồng, còn em tôi thỉ ngó tôi giận dữ.
    - Ta ngồi xuống ngắm cảnh đi, thầy nói. Chúng tôi ngồi xuống cỏ và tôi thấy ngài nhìn Gladys một cách trầm ngâm.
    - Cô xem, ngài nói sau vài phút yên lặng, có hai loại đức tính trong đời, loại thật và loại giả. Đức tính giả tạo là cái dựa trên lòng kiêu căng, cái thật thì dựa trên lòng không ích kỷ. Nhìn bề ngoài không mà thôi thì không dễ phân biệt được giữa hai cái, bởi ai không suy xét thì thấy chúng giống nhau. Gladys này, xin cô tha lỗi là tôi dùng chữ thô lậu nhưng thái độ của cô đối với anh bạn dù là đúng đắn và đáng khen ra sao theo quan điểm người đời, khi xét theo quan điểm tinh thần thì chỉ là lòng ích kỷ.
    “Nhìn vào hào quang của cô, tôi thấy nó co rút và bó lại thay vì lớn và mở to, rồi tôi thấy dấu hiệu cho biết cô đã trải qua y màn kịch này với cùng anh bạn trong nhiều kiếp trước đó, lần nào nó cũng mang lại đau khổ. Tuy nhiên thay vì rút kinh nghiệm từ sự đau khổ ấy, không lần nào cô học bài học đó cả nên trong đời hiện tại cô gặp cũng y cảnh cũ. Lý do là tình thương là mối dây liên kết chúng ta lại gần nhau kiếp này sang kiếp nọ, nếu tình thương tỏ ra không ích kỷ và cao thượng thì ta có được hạnh phúc, bằng khác đi thì mối liên hệ có nét đau buồn thay vì vui tươi. Đó là trường hợp của cô, chuyện tỏ ra không vui vì thái độ mà cô không muốn thay đổi.
    “Tôi e ngại là việc gì đã xẩy ra trước đây nay phải diễn ra trở lại, vì trong những kiếp qua lần nào anh bạn cũng chán nản buông xuôi mọi chuyện và bỏ cô mà đi, khi thương yêu cô anh mong đợi thấy tính không ích kỷ cùng sự rộng mở, nhưng cuối cùng anh bị vỡ mộng.”
    Ngài nói thật êm ái, dịu dàng. Đó là cách nói của thầy bất cứ khi nào thảo luận về đề tài tâm linh, nhưng tôi không đủ khả năng để diễn tả lại câu văn của ngài. - Cô thấy không, thầy nói tiếp một cách hăng say mà cũng đồng thời dịu ngọt, về vấn đề này cô phản ứng theo qui tắc khe khắt của người đời, mà không hề thắc mắc là nó đúng hay sai, dựa trên cái ích kỷ hay cái cao thượng. Trong trường hợp này cũng như nhiều việc khác, cô cho một nguyên tắc là đúng vì người ta nói vậy, mà quên suy ngẫm là tự nó có đúng hay không. Quan niệm, qui ước của người đời đạt trên luật và không du di khi có ngoại lệ, hay kể tới hoàn cảnh riêng của từng trường hợp.
    “Giống như một chuyện có khi đúng mà có khi sai hoàn toàn trong trường hợp khác, thì việc theo sát qui ước của người đời có khi hết sức đáng trách theo quan điểm thiêng liêng. Hơn thế nữa, thuận theo nguyên tắc mà trong tâm ta biết là sai, thì không phải là đức tính mà chỉ là lòng kiêu căng và hèn nhát trá hình, vì vậy không đáng xem là tình yêu chân thật, trong trắng, vô ngã. Và nếu sự thuận tình ấy không những do lòng kiêu căng sinh ra, mà đồng thời làm cho người vô tội có tình ý ngay thẳng, đáng trọng bị đau khổ, thì nó lại càng đáng bỏ đi, vì tình yêu nào không kể tới sự an vui của đối tượng thì không phải là sự thương yêu chi hết, mà chỉ là tình cảm khác mạo hình là tình yêu mà thôi.”
    Thầy ngưng chốc lát, nhìn Gladys với sự khuyên lơn nhẹ nhàng, đặt tay lên cánh tay của em tôi.
    - Bây giờ, ngài nói, nó là sự lựa chọn giống như nhiều chuyện khác, xem cái nào giữa lòng kiêu hãnh và tình yêu là cái đẹp đẽ hơn, và xem nên chọn tính trẻ con, vô thường hay cái trường cửu, chọn cái ảo mộng hay cái thực tại lớn lao hơn? Bởi thật sự mà nói lòng kiêu hãnh chỉ là ảo mộng, theo nghĩa ai kiêu căng thì luôn luôn có lòng kiêu hãnh về điều ít khi xứng như vậy, và không nhớ gì đến tính này vào lúc mà nó nên được sử dụng nhất.
    “Cô giống như nhiều người khác hãnh diện che dấu thay vì nhìn nhận, hãnh diện có con tim lạnh lùng thay vì nồng ấm, trong khi thực ra không chuyện nào ở trên xứng đáng để hãnh diện mà ngược lại, tức chúng chỉ là lỗi lầm mà cải trang như là đức tính. Tuy nhiên lỗi lầm vẫn là lỗi lầm cho dù người đời nói sao đi nữa. Tính hà tiện cũng vậy, dù là hà tiện tình yêu hay tiền bạc, và hãnh diện về mấy chuyện này là hãnh diện về cái gì yếu đuối, trẻ con thay vì sự sáng suốt và do đó mạnh mẽ.”
    Tới đây thầy dừng lại, nhìn em tôi tỏ ý mời gọi dịu dàng.
    - Tôi có hơi giảng đạo một chút vì hạnh phúc của một người đàn ông đang chờ cô quyết định, ngài nói có ý biện bạch, và đó cũng là hạnh phúc của cô, vì tuy tình yêu của cô không tha thiết lắm nhưng lúc này cô yêu anh tới hết mức của cô, cô sẽ đau khổ nếu mất anh chàng mà đó lại là cái tôi sợ sẽ xẩy ra nay mai. Thôi, hôm nay giảng đạo đức bấy nhiêu là đủ, không khéo ta quên ngắm cảnh hoàng hôn rực rỡ trên đồi, tự nó cũng là triết lý đáng xem.”
    Tuy nhiên dù lời hùng biện của thầy Moreward - ít nhất đối với tôi - có sức thuyết phục thế nào đi nữa, trong trường hơp này giống như đa số trường hợp khác, sự can thiệp của thầy hoặc tỏ ra quá trễ, hoặc lòng kiêu căng của Gladys chiếm ưu thế và em tôi không thể thay đổi thái độ của mình, cho dù trong tâm thấy có lỗi ra sao.
    Chúng tôi hầu như quên hẳn đi chuyện này cho tới khoảng một tháng sau, thầy Moreward đưa tôi xem lá thư Gladys viết:
    “Thầy Haig kính, con rất là đau khổ và tuy thầy đã tím cách giúp con một lần mà con ngu dốt không nghe theo, con mong là thầy sẽ tha thứ sự khờ dại ấy để giúp con lần nữa. Gordon đã rời bỏ con như thầy nói trước. Anh chỉ nói là không thể kéo dài sự việc lâu hơn và không muốn gặp con nữa. Con có viết cho anh mấy lần nhưng không được hồi âm, nên con e sợ là không còn mấy hy vọng để đi tới kết quả tốt đẹp. Được nói chuyên với thầy sẽ an ủi con rất nhiều, con tin chắc là thầy sẽ tha thứ việc con quấy rầy, nhưng con biết thầy luôn luôn sẵn lòng giúp đỡ ai gặp khó khăn.
    Kinh chào thầy,
    Con,
    Gladys Broadbent.”
    - Lẽ tự nhiên thầy sẽ làm điều gì có thể làm, ngài nói khi tôi đọc xong lá thư, nhưng thầy nghĩ tốt hơn con nên nói chuyện với Gordon xem anh chàng nghĩ sao về trọn chuyện này.
    - Con thấy thầy giảng giải cho Gladys chỉ phí công, tôi đáp, giống như nước đổ lá khoai, tuy nói vậy không hay mấy.
    - Giải thích một chút cho người không tiếp thu không hoàn toàn vô ích đâu, ngài cười và nói, vì cho dù em con bị đau khổ vì cô muốn có mọi chuyện mà lại không muốn cho ra một chút gì, nghĩ rằng lòng kiêu hãnh là đức tính, nhưng cùng lúc bây giờ cô thoáng thấy tại sao minh phải chịu đau khổ, và nhờ vậy học bài học dễ dàng hơn.
    “Nay cô không còn trách móc anh bạn - thay vì tự trách mình - về sự đau khổ của cô. Trong phần còn lại của kiếp này, cô có thể học rằng bản chất của tình thương chân thật là cho ra mà không phải giữ lại, lúc nào cũng nghĩ tới cái tôi mà không nghĩ tới đối tượng của lòng yêu mến. Thế thì khi đôi bên gặp lại trong kiếp tương lai, mà chắc chắn họ sẽ tái ngộ, hai người sẽ lại yêu nhau và sự hiểu biết nhỏ bé cô có được trong kiếp này sẽ làm Gladys sáng suốt hơn, và sự đau khổ trong kiếp này sẽ được thay bằng hiểu biết và hạnh phúc.”

  9. #9

    Mặc định

    bác tutam cho em xin đường link dowload trọn bộ được ko ạ ?
    cảm ơn .
    Úm Lam, Úm xỉ Lâm. Úm mani pad me hum, Nam mô tát đa nẫm , tam miệu tam bồ đề, câu chi nẫm, đát điệt tha.Úm chiết lệ .Chủ lệ .Chuẩn đề .Ta bà ha.Bộ lâm

  10. #10

    Mặc định

    bác vô trang phungsutheosophia nhé!

  11. #11

    Mặc định

    CHƯƠNG XV
    THÁI ĐỘ TỰ CẦM TÙ

    Dần dần tôi có quan niệm xem thầy Moreward Haig như là bác sĩ tâm linh, để khi bất cứ người quen nào của tôi thấy như cần trị bệnh tinh thần và chưa tới mức hết thuốc chữa, tôi không ngần ngại xin thầy đi với tôi tới gặp họ, không khác nào đưa bác sĩ tới thăm bệnh nhân, chỉ có điều là đương nhiên không trả lệ phí.
    Tôi có quen lâu nay một bà bạn tuổi trung niên gọi là bà Burton, thấy như bà đặc biệt cần thay đổi cái nhìn về cuộc sống, vì bà là một trong những người ta có thể nói là có hết mọi thứ mà lại không vui hưởng bất cứ cái gì. Thực vậy, bà tạo nên cái giống như bức tường bao quanh cá tính của mình, sống trong trạng thái khép kín tâm hồn khiến bà lo rầu nhiều mà không biết tại sao. Vì tôi không đủ khôn khéo để giải quyết thành công trường hợp của bà, nên tôi lại nhờ thầy Moreward ra tay cứu độ như đã làm với thiếu tá Buckingham. Cho dù chuyện bà Burton không có tính phiêu lưu sôi động, nó cho cơ hội để ta biết thêm về triết lý bình an của thầy.
    Tôi còn nhớ lần đầu thầy và tôi đến gặp bà tại nhà riêng ở Belgravia. Đó là một ngày nắng ráo của London tuy có trời mù một chút, khi chúng tôi đến khu Belgrave Square, thầy nhận xét với lời chê trách vui vẻ là chúng tôi đang đi vào nơi có bầu hào quang tệ hại nhất ở London.
    - Người ta có thể dùng dao cắt được không khí cõi trí nơi đây, ngài nói, nó đè xuống dầy quá.
    Tôi cười lớn vì với tâm trí ít nhạy cảm của mình, tôi không thấy có gì khác biệt giữa nơi này vói nơi kia, trừ phi nói đến sự đẹp đẽ hay xấu xí.
    Khi đến nơi tôi phải thú nhận rằng bà Burton đãi khách với tiệc trà thịnh soạn, và tôi ăn ngấu nghiến và thấy xấu hổ trong lòng, cũng vì vậy hôm sau có người nói lại rằng bà Burton nhận xét là tôi tham ăn. Trên thực tế, chỉ trích là việc làm duy nhất của bà Burton trong đời, bà nhìn chung quanh qua 15 cửa nhỏ bé của nhà tù tự xây bao kín, chỉ trích mọi chuyên, mọi người, cho rằng làm vậy là nhìn vào cuộc đời như nó là, do đó thực tế đúng nghĩa.
    Bước đầu tiên của thầy Moreward là làm bà thấy thoải mái, để bà nói chuyện. Tôi biết rõ là ngài chi cần nhìn vào hào quang là biết trọn tính chất của bà, nhưng ngài nói với tôi:
    - Lúc này dùng cách đó không hợp, phải cho bà nói để tin rằng thầy xem xét cá tính của bà bằng cách thẳng thắn và thực tế mà không bằng cách nào khác.
    - Vâng, bà nói sau vài lời mào chuyện, tôi không có nhiều bạn.
    - Vậy có hơi đáng tiếc phải không, thầy Moreward tỏ lòng thiện cảm, sống như thế cô đơn thật.
    - Đúng thế, bà trả lời có chút buồn bã, nhưng không có mấy người làm bạn thích hợp được, tôi đã gặp nhiều thất vọng trong đời.
    - Chắc bà thấy người ta không đáng tin cậy? Thầy hỏi.
    - Ồ, rất là không đáng tin, bà khẳng định, rồi cũng khó mà tìm được ai hiểu mình.
    - Đương nhiên rồi, đúng như bà nói là muốn được người khác hiểu mình thì khó lắm. Thầy nhìn thoáng qua tôi, mắt long lanh như muốn nói, “Chỉ toàn chuyện tầm phào đây!”, nhưng rồi lại thêm vào một cách kính trọng.
    - Tôi nghĩ bà hiểu được người khác không chút khó khăn.
    - Chà, tôi không dám nói chắc như vậy đâu, bà nhìn nhận và hài lòng với lời khen ấy.
    - Tôi thì nghĩ đáng lẽ bà phải có nhiều bạn, tôi nói và che dấu sự thiếu thành thật của mình.
    - Không phái bạn đúng nghĩa, bà chữa lại.
    - Tôi đoán người có tâm tính như bà đương nhiên mong chờ nhiều việc ở bạn mình phải không? Thầy Moreward nói với thiện cảm.
    - Đúng rồi, tôi không mong đợi nhiều nhưng tự nhiên là mong đợi đôi chút, bà Burton đồng ý.
    - Tốt hơn hết là đừng mong đợi chi, thầy nói như mới chợt nghĩ ra điều này.
    - Như thế lạ đấy, làm sao làm được? Bà đáp.
    - Chỉ cần có thái độ khoan hòa đối với họ thôi, thầy bảo.
    - Tôi sợ mình không làm được, bà nói theo cách của người vô minh, tôi nghĩ mình chỉ trích nhiều và thực tế quá.
    - Chỉ trích không biết có thực là thực tế không, thầy Moreward ngẫm nghĩ nói, giống như mới khám phá ra tư tưởng ấy.
    - Mơ mộng không được, người ta phải nhìn cuộc đời như nó là. Bà Burton nói.
    - Nhưng tôi không biết có ai thực sự nhìn cuộc đời như nó là hay không, thầy bảo. Nó luôn luôn là câu hỏi ta có cái nhìn ra sao, nhìn bằng kính mầu xanh thì cảnh vật hóa ra có mầu xanh.
    - Thà nhìn theo mầu xanh còn hơn nhìn cái không thật, bà nhất quyết nói.
    - Nhưng nhìn thấy mầu xanh là nhìn cái không thật, thầy chữa lại.
    Bà Burton mỉm cười và không trả lời.
    - Thôi tôi biết rồi, thầy thêm, bà là một trong những người khôn khéo thấy khó mà vui vẻ được.
    Bà giơ tay lên phản đối một cách vui vẻ.
    - Tôi không thiếu hạnh phúc lắm đâu, bà nói giản dị.
    - Nhưng dửng dưng? thầy hỏi.
    - Có lẽ thế.
    Tới đây bà Burton có khách nên sau đó chúng tôi ra về, với lời dặn dò của bà là muốn chúng tôi trở lại nay mai.
    - Thầy e ngại trường hợp bà khó chữa, thầy Moreward lên tiếng trên đường về. Bà bao quanh trí não mình bằng một lớp vỏ, khiến ngay cả tư tưởng thương yêu nhất cũng không thể thâm nhập, làm cho trọn thể tình cảm và thể vía bị thiếu thốn hết sức. Nguyên do nỗi khó khăn của bà là lòng sợ hãi và kiêu hãnh hợp lại, bà sợ không dám có cảm xúc, sợ ngay cả lời chê bai nhẹ nhất, sợ cuộc sống nói chung, và thấy không thấy có mấy hy vọng cho bà thoát khỏi nhà tù đó trong kiếp này, trừ phi có chuyện hết sức không ngờ xẩy ra.
    - Thí dụ như chuyện gì? Tôi hỏi.
    - Chẳng hạn như có một cuộc tình nồng nàn, tha thiết, thầy đáp.
    - Trời đất! Tôi cười phá ra.
    - Chỉ có cái đó mới giúp được thôi, thầy quả quyết. Hào quang bà là một khối mầu xám cho biết có u sầu, và phải cần một làn sóng tình cảm rất mạnh để quét sạch, có phải con nói bà góa chồng và khoảng 45 tuổi? Nếu đúng thì bà ở giữa lứa tuổi nguy hiểm và rất nguy hiểm.
    Tôi cười và nói.
    - Thực tình con không chắc bà góa chồng, hay ly dị hay ly thân với chồng, con không rõ. Như vậy nếu thầy đề nghị bà có cuộc tình thì không chừng gây đủ mọi rối rắm cho bà, trong trường hợp bà chỉ mới ly thân.
    Thầy cười cái cười nhẹ nhàng của ngài.
    - Con này, con thường cho thầy cái vinh dự là xem thầy như bác sĩ tâm linh. Bác sĩ kê thuốc, có cái đắng có cái ngọt, có cái là độc chất có cái vô hại, nhưng mục tiêu của chúng luôn luôn là chữa bệnh.
    - Dạ? Tôi hỏi.
    - Thế thì khi chữa trị linh hồn, thầy hăng hái giải thích, người ta có khi buộc phải khuyên điều gì đó nghe nghịch tai đối với thế gian. Thế gian đây giống như trẻ con được thả vào tiệm thuốc bắc, nếm vị thuốc này rồi vị thuốc kia mà không hiểu biết, và nói rằng thuốc hay hay dở tùy theo vị ngọt hay vị đắng. Nhưng không phải là thuốc đắng thường chữa được bệnh hơn là thuốc ngọt sao, và không có gì tự nó xấu hay tốt?
    - Xin thầy nói tiếp, tôi thưa.
    - Vậy giả dụ là bà Burton chỉ mới ly thân, ngay cả trong trường hợp đó việc có cuộc tình mà người đời xem là không thích hợp lại là điều duy nhất có thể cứu được tinh thần bà. Câu nói "Ai muốn cứu mạng sống của mình thì phải mất nó" hàm ý sâu xa hơn người ta tưởng, vì nó nói là "Ai muốn giữ lấy đức hạnh của mình thì phải mất nó".
    - Thầy dạy vậy thì ai chưa hiểu biết sẽ cho đó là triết lý nguy hiểm. Tôi đáp.
    - Bella donna là chất độc nguy hiểm chết người, nhưng trong nhiều trường hợp khoa homeopathy thấy nó là thuốc vô giá. Thầy ngưng một lát rồi nói tiếp. Chuyện kể là có chàng câu nệ sách vở tới gặp nhà hiền triết Ấn Độ và muốn biết cách được giải thoát. Nhà hiền triết thấy anh tâm tánh yếu ớt mới hỏi: “Anh có nói dối bao giờ không?”. Chàng câu nệ kinh ngạc lắm, hoảng hốt thưa rằng chưa hề làm vậy. Nghe thế nhà hiền triết bảo “Hãy về học cách nói dối, nói cho hay cho khéo, đó là bước đầu tiên”.
    “Về phần thầy, thầy muốn nói với bà Burton: “Hãy học cách thương yêu, yêu say đắm, thiết tha để phát triển bản tính yêu thương của mình, và học cách làm ngơ với miệng thế gian đàm tiếu về hậu quả, để loại trừ tính kiêu căng và làm nẩy nở lòng can đảm đạo đức”. Con có thể nói đó là triết lý lạ lùng theo quan điểm của thế gian, nhưng nếu nói về việc chữa trị thì nó vô giá.”
    Tuy thầy Moreward cho trường hợp bà quá nặng, vô phương chữa trị, nhưng với lòng kiên nhẫn không mệt mỏi và với tâm lành, ngài chịu tới thăm bà lần nữa và cố công thêm giúp bà thoát khỏi lớp vỏ bọc. Do vậy khoảng mười ngày sau chúng tôi lại đến bà Burton chơi. Lần này bà đi vắng, tuy người giúp việc cho hay bà sắp về và hai con gái Mabel với Iris đang có nhà.
    Đây là hai cô gái sinh đôi, rất linh hoạt và vui vẻ chào đón khách. Thực ra tôi thân với hai cô hơn là với mẹ của họ. Mabel và Iris thẳng tính, ào ào tranh nhau nói cùng một lúc:
    - Mẹ đi thăm bạn, mẹ ghét mấy chuyện đó nhưng lại thích làm chuyện mình ghét. Phải chi tụi con làm được vậy để khỏi bị nghe giảng từ sáng đến tối là tụi con ích kỷ ra sao.
    Thầy cười lớn và nói êm ái.
    - Không phải lòng không ích kỷ lúc nào cũng đi đôi với việc tử vì đạo, nhưng khó mà làm người ta nhận ra được việc ấy.
    - Chà, tụi con cũng nghĩ vậy, hoan hô thầy! Người ta cứ nghĩ là hễ có mặt bí xị, làm việc như thể nó gây đau đớn cho mình lắm lắm, thì ai nấy sẽ cho rằng họ là ông thánh. Mẹ giống vậy, mẹ đang bận rộn với việc rầu rĩ là làm thiện nguyện, như chuẩn bị gây quỹ.
    Nói xong hai cô gái cười phá ra.
    - Hai chị em vui vẻ quá, thầy nói, ai vui vẻ thì tỏ ra sáng suốt nhiều.
    - Phải có người vui, một trong hai cô trả lời và tôi không biết là Mabel hay Iris vì họ giống nhau quá. Mẹ thấy chuyện gì cũng ảm đạm nên tụi con phải vui để bù lại cho mẹ. Mẹ nghĩ chuyện gì cũng sai, tụi con nghĩ chuyên gì cũng đúng, nghĩ vậy sống vui hơn.
    Tới đây thì bà Burton vào nhà và lập tức nét linh hoạt của hai cô chìm hẳn xuống, giống như bong bóng thình lình xì hơi. Mabel và Iris ngồi chù ụ một lát rồi hai chị em len lén chuồn đi. Bà ngồi tiếp chuyện chúng tôi, nói vài câu vô thưởng vô phạt và thầy Moreward tìm cách đưa câu chuyện về đề tài hữu ích hơn.
    - Hai con gái của bà, thầy nói với ý khen ngợi, thật là khéo léo, vui vẻ. Các cô nói chuyện rất có duyên khiến chúng tôi ngồi đợi mà không thấy chán.
    - Tôi ngại là thầy khen chúng nhiều quá, bà đáp. Nói thiệt tôi nghĩ phải chi hai đứa tỏ ra nghiêm trang chút nữa thì tốt hơn.
    - Chờ cho hai cô trưởng thành hơn thì tự nhiên sẽ có, ngài nói, lúc này hai cô đầy sự thương yêu nên sung sướng mà không cần tỏ ra nghiêm trang như bà muốn. Lòng thương yêu thế chỗ cho tính nghiêm nghị.
    - Thương yêu? Bà Burton tỏ ý thắc mắc.
    - Giống như mọi cặp song sinh khác, ngài giải thích, giữa hai cô có sự kết hợp mạnh mẽ. Chuyện mới nghe có vẻ lạ, nhưng sự việc là tình thương mà hai cô có đối với nhau từ nhiều kiếp qua là lý do khiến họ thành song sinh trong kiếp này. (Ngài nhìn tôi mắt có nét hóm hỉnh mà tôi rất quen thuộc, nó có ý “Bây giờ bà sẽ kinh ngạc đây”).
    - Nghe lạ chưa, bà Burton bảo, tô vẻ không tin và chê trách.
    - Bà thấy lạ sao, thầy hỏi một cách thân thiện, nhưng có thật là chuyên lạ lùng không khi ta thấy rằng tình thương chỉ là nguyên lý thu hút, và trọn vũ trụ kết nối với nhau bằng tình thương? Ấy là tại sao tình thương là điều quan trọng nhất trên đời.
    Bà Burton không muốn theo đuổi ý tưởng mà rõ ràng là theo bà nó kỳ quặc.
    - Tôi sợ là tôi không thấy có mấy thương yêu về hai con gái tôi, bà nói một cách tiếc rẻ. Đôi khi chúng tỏ ra ích kỷ đáng trách, và tôi thường khi phải nhắc chúng như vậy. Hai trẻ chưa học được ý thức về bổn phận khiến chúng muốn làm viêc thiện.
    Thầy Moreward ráng nín cười.
    - Bà có nghĩ việc thiện là tốt đẹp, ngài hỏi êm ái, nếu người ta làm chỉ vì đó là bổn phận?
    - Tôi không thấy có công đức gì khi người ta làm chuyện mà họ ưa thích, bà trả lời có vẻ trách móc.
    - Ai vui vẻ cho ra thì được ân lành, tôi chen vào có ý trêu chọc.
    - Có nghĩa, thầy giải thích trước khi bà Burton có giờ trả lời, là việc thiện mà làm không có tình thương đi kèm thì chỉ có giá trị ít ỏi, trong khi có lòng thương yêu người khác tự nó là việc thiện, vì nó giống như thực phẩm cho linh hồn đang thiếu ăn.
    Bà Burton tỏ vẻ như theo bà thế giới này đầy chuyện vô ơn. Tất cả việc thiện mà bà đã làm nay bị xem là không đáng, trong khi bà tin rằng cảm tưởng chán ngán khi làm việc thiện phải được xem là đáng công hơn nữa.
    - Thiệt tình hai vị có tư tưởng lạ lùng, bà nói xuôi xị.
    - Bà coi, thầy Moreward giải thích làm hòa, sự việc không giống như mình thấy. Con người không phải chỉ có thân xác không mà thôi, họ còn có thể tình cảm, thể trí và linh hồn nữa. Tất cả những thể này thấu nhập thế xác. Khi tuôn tình thương đến với ai là bà thực sự làm phong phú thêm những thể này, còn trong khi chỉ làm việc thiện suông mà thôi là bà chỉ giúp đỡ cho thân xác là phần vô thường của con người, vì thân xác rồi sẽ chết đi sau vài năm, trong khi những thể thanh trường cửu hơn rất nhiều.
    Tôi bảo đảm với bà rằng nuôi dưỡng thân xác bị thiếu ăn là chuyện thực tế, nhưng nuôi dưỡng con người vĩnh cửu bên trong là chuyện thực tế hơn, vì đối với một vật cái gì cho ra ảnh hưởng lâu dài hơn thì thực tế hơn. Lại nữa, tuy rằng cho tiền là cho một phần tài sản của mình và không phải là không có công đức, nhưng thương yêu là cho một phần cả chính cái tôi một người. Nên đó là lý do ai mà thực tâm thương yêu thì không bao giờ thực sự ích kỷ. Bà Burton không biết nói gì để thêm, nên nhìn thầy thắc mắc, yên lặng.
    - Ích kỷ và không ích kỷ là chữ nói về người mà ý nghĩa không minh bạch cho lắm. Ích kỷ là chỉ nghĩ đến mình, còn thương yêu thì không những nghĩ về người khác hơn là cái tôi, mà cùng lúc còn cho một phần của cái tôi đến người mà mình thương yêu. Vì vậy cái thực tế nhất của mọi việc thiện là cho cả công lao, tiền bạc và chính chúng ta, kết hợp lại. Hơn thế nữa khi làm vậy ta được sung sướng vì thương yêu là cảm xúc dễ chịu nhất trong tất cả mọi cảm xúc.
    Bà Burton cười cái cười người ta hay có khi không đồng ý mà không muốn tranh luận để phản bác. Nói khác đi bà cười ngượng nghịu vì không tìm ra chữ để bào chữa cho ý kiến của mình.
    - Tôi thấy bà xem là tôi và tư tưởng của tôi có chút điên rồ, thầy nói thật vui vẻ, nhưng tôi đoán chắc với bà rằng nó hết sức đúng thực và đã có từ lâu, xưa hơn cả Thiên chúa giáo. Nói thật với bà, ngài tiếp lời một cách gọn ghẽ, câu chuyện hôm trước khiến tôi nghĩ là bà không được vui vẻ trong lòng. Còn tôi thì rất vui vẻ, và chuyện đầu tiên mà một người thực sự hạnh phúc muốn, là người khác cũng sung sướng như thế, mong ước đó dễ hiểu và tự nhiên vì nó giống như ai được bác sĩ chữa lành thì giới thiệu bác sĩ ấy cho người bị đau ốm vậy.
    Bà Burton cười nhẹ và nói.
    - Thầy tốt bụng quá. Nhưng hậu ý và cung cách của ngài xem ra thật ân cần, thành thật nên bà thật tâm thấy có chút biết ơn và lộ ra như vậy.
    - Vậy thầy sẽ kê toa ra sao? Bà hỏi.
    - Hít thở nhiều thêm không khí trong lành, ngài nói một cách giản dị. Chung quanh chúng ta có những cảnh giới tuyệt vời đầy sự an lạc mà ai biết mở tâm hồn sẽ cảm nhận được, và ai không mở tâm thì không biết đến chúng.
    Ngài ngưng một chút rồi nói trầm ngâm,
    - Tâm hồn đóng kín thì sẽ cảm thấy không có hạnh phúc vì các nỗi đau khổ của con người sẽ tụ lại trong một chỗ nhỏ nhưng khi ra tới chỗ khoảng khoát bao la vô tận thì tất cả nỗi khổ sẽ xa nhau tới bực nào. Nó giống như đi từ khu ổ chuột của thành phố ra đại dương và bầu trời bát ngát, khi ra tới nơi ấy tâm hồn có sự tự tại thiêng liêng, tất cả lời chỉ trích, tất cả cái gì bị xem là sai, quấy rơi rụng hết vì cảm xúc hóa ra chật hẹp và trẻ con, ta thấy chuyện không còn đáng chỉ trích.
    “Bà bạn này, ngài nói thêm, vấn đề của bà là xem chuyện gì cũng sai (ngay cả sự tươi vui của hai con gái). Bà đảo ngược lại lối suy nghĩ đi, xem chuyên gì cũng đúng rồi sẽ thấy kết quả. Tôi bảo đảm là bà sẽ không hề phải hối tiếc.”
    Ngài đứng dậy, bắt tay bà thân mật và tuy bà nói rất ít, tôi cảm nhận là thầy tạo một ấn tượng cho bà và không chừng ngày kia, bà sẽ mệt mỏi với nhà tù tự tạo của mình và thấy rằng thầy có lý.

  12. #12

    Mặc định

    CHƯƠNG XVI
    CUỘC CẢI HÓA ELOSSY MACDONALD

    Một buổi tối tôi đến thăm và thầy có nhà, nhưng ngài đang có khách là một phụ nữ mà thoạt nhìn ta biết ngay là chị em bạn với Thúy Kiều. Phải thú thật là tôi lấy làm kinh ngạc, nhất là khi tôi nhớ lại cử chỉ ngần ngừ của người giúp việc lúc tôi hỏi là thầy có nhà chăng. Nếu không có câu nói mau mắn của ngài:
    - Đây là cô Macdonald, con ngồi chơi, thầy rất mừng được găp con, làm tôi nhớ lại cách cư xử thường ngày, hẳn tôi đã trố mắt nhìn hai người gây ra ngượng nghịu.
    - Flossy, ngài quay sang cô gái, đây là anh Broadbent mà cô thường nghe tôi nói đến. Cô mỉm cười chào tôi có hơi e lệ, rồi quay sang nhìn thầy Moreward với vẻ quí mến rõ rệt. Chúng tôi nói chuyện vãn chừng khoảng mười phút rồi Flossy đứng dậy ra về, thầy đưa cô ra tận cửa trước và hai người đứng lại chuyên trò nhỏ giọng một lát. Khi trở vào ngài nhìn tôi với nụ cười hóm hỉnh và nói.
    - Trông mặt mà bắt hình dong có khi không đúng đâu. Flossy là một bài học về tâm lý thú vị vô cùng mà thầy không đổi với bất cứ cái gì khác.
    - Cái thấy ngay là cô rất quí mến thầy, tôi nói dè dặt.
    - Chà, đúng đó, ngài đáp với vẻ khiêm tốn, có lẽ cô cho thầy cái hân hạnh đó, mà nói cho cùng, tình thương là yếu tố hữu dụng khi cần hướng dẫn ai trong việc phát triển tâm linh.
    Tôi không hiểu ý ngài cho lắm nên thầy giải thích.
    - Khi một thiếu nữ thương yêu chàng trai thì cô khiến chàng được lợi rất nhiều, và nếu anh có ảnh hưởng tốt đẹp với cô thì anh nâng cao cô dễ dàng hơn nữa. Con nên biết, được một phụ nữ quí mến là có được cơ hội bằng vàng để làm việc thiện, ngay cả khi ta không thể đáp lại tình thương của họ y như cách họ thương ta.
    - Thế thì có phải thầy đang nỗ lực hướng cô Flossy về đường lương thiện? Tôi hỏi. Thầy có thể khuyến dụ cô bỏ cảnh đời hiện giờ của mình không?
    - Cô sẽ không cần sự khuyến dụ nào khi tới lúc, thầy bảo, cô sẽ tự ý bỏ nó.
    - Cái đó lạ, tôi ngẫm nghĩ, người như cô thường không làm vậy.
    - Ấy là vì có hai nguyên do, thầy đáp, mà cái nghiêm trọng hơn là tính thiếu khoan dung của xã hội. Xã hội không cho những phụ nữ như vậy hoàn lương, một khi thiếu nữ đi sai đường thì xã hội xem cô là kẻ đáng bị ruồng rẫy, không cho cô dịp nào để trở lại đường ngay. Thái độ không tha thứ chẳng những trẻ con mà thường khi là phản ứng tệ hại nhất, vì muốn chữa hết một tật xấu ta phải tha thứ nó. Khi xã hội không tha thứ cô gái họ gọi là “tội lỗi”, thì xã hội không cho cô đường thoát nào giữa sự chết đói và đứng vỉa hè kiếm sống.
    - Còn nguyên nhân kia là gì? Tôi hỏi.
    - Nó hiếm hơn nhưng hiển nhiên hơn, tức là không muốn giữ trinh bạch.
    - Flossy thì sao? Tôi thắc mắc.
    - Cô thuộc loại thứ hai, thầy nói và cười khoan dung, dầu vậy cô có tâm hồn đáng quí và cô đầy lòng thương yêu.
    Tôi thấy chuyện hứng thú nên xin thầy kể cho nghe về Flossy, cũng như ngài muốn hoán cải cô ra sao. Hóa ra Flossy đang nuôi dưỡng một bà dì góa chồng và vài em họ nhỏ tuổi. Cô cũng tìm cách gây ảnh hưởng tốt với khách hàng của mình tuy nghe có vẻ lạ tai, như dùng lời mềm mỏng ngọt ngào khuyến dụ họ bớt rượu chè trong vài trường hợp, với người khác thì cô khuyên bớt thô lỗ vũ phu, đại khái thế. Nói gọn là cô biết nghề của mình tương đối xấu xa nên gắng càng làm nhiều điều thiện càng tốt, và theo lời thầy Moreward thì cô đã thành công.
    - Flossy, ngài nói sau khi kể lại những điều trên cho tôi, là thí dụ tuyệt hảo cho nguyên tắc hiếm thấy là dùng khuyết điểm của mình để tạo ra đức hạnh. Nếu có thêm người biết được nét tuyệt diệu của nguyên tắc này thì họ sẽ không phí năng lực vô ích để ăn năn hối hận về khuyết điểm mà họ thấy khó loại bỏ. Ngược lại họ sẽ tập nhiều đức tính liên quan đến tật xấu ấy khiến cho cuối cùng tật xấu bị loại mất hắn. Ấy là tại sao thầy nói Flossy sẽ không cần khuyến dụ để bỏ nghề không tốt của mình.
    - Thầy là nhà đạo đức thực tế hơn hết mà con được biết, tôi hớn hở nói đầy sự thán phục. Ngài mỉm cười.
    - Thế nhưng xã hội sẽ gọi thầy là người vô đạo đức. Con xem, cái trục trặc là tuy người ta nói đức hạnh tự nó là phần thưởng, nhưng ít người biết cách có đức hạnh hay có được phần thưởng, họ chỉ nghỉ giản dị là giết chết tình cảm là chuyện không hấp dẫn chút nào và ít ai muốn làm vậy, trong khi việc nên làm là chuyển hóa tình cảm.
    “Giết chết tình cảm thì chẳng còn gì sót lại ngoài nỗi chán chường, còn chuyển hóa nó thì con biến nó thành nỗi hoan lạc. Ngay cả tiến trình hủy diệt cũng ít khi mang lại thành công, vì trận chiến thường là với sự thỏa mãn ham muốn thay vì với chính điều ham muốn. Người ta chỉ bỏ được tật rượu chè khi không còn muốn uống rượu, chứ không phải chỉ nhịn uống. Một dục vọng thấp chỉ có thể được giải trừ khi thay thế nó bằng ước vọng thanh cao hơn, vì cái cao trên thực tế cho ra hạnh phúc lớn hơn cái thấp.”
    “Lấy con làm thí dụ chẳng hạn, con thích ngồi nói chuyện triết lý với thầy ở đây thay vì ghé vũ trường mỗi tối ngồi uống champagne tới nửa đêm. Có thể nói con từ bỏ rượu vì thích triết lý hơn, nhưng giản dị là triết lý lôi cuốn hơn nên việc bỏ rượu vì vậy không gây đau khổ.”
    - Nhưng con tưởng cái khó của việc từ bỏ là bởi nó gây đau khổ? Tôi xen vào.
    - Chỉ có việc từ bỏ miễn cưỡng mới gây đau khổ, ngài đáp, còn thực lòng từ bỏ thì luôn luôn không có chút đau đớn nào. Và tại sao? Vì sự từ bỏ mà đau lòng chỉ muốn nói là ta từ bỏ hành động chứ không từ bỏ lòng ham muốn, trong khi đó từ bỏ mà không đau khổ muốn nói từ bỏ chính lòng ham muốn, vì nó mất hết nét quyến rũ đối với ta. Cũng giống như tình thương thì hấp dẫn hơn là lòng thù ghét, hạnh phúc lôi cuốn hơn sự khổ sở, thì nét tinh thần quyến rũ hơn tật xấu. Tóm tắt thì khi ai đã một lần nếm cái tốt lành thực sự, họ sẽ không còn ham thích cái xấu xa.
    - Nhưng đó là nói về việc chuyển hóa tình cẩm, thầy không thể chuyển hóa việc thèm rượu. Tôi thắc mắc.
    - Thầy không có ý đưa thí dụ đi xa như vậy, ngài cười lớn, việc chuyển hóa chỉ có thể áp dụng cho một số chuyện mà thôi, nhất là cho những tình cảm mà thầy đề cập. Thế giới đã sai lầm khi cho là tình cảm và đam mê thương yêu là chuyện xấu. Như thế không đúng, tình cảm là chuyện tốt lành chỉ vì con có thể chuyển hóa chúng, ai không có tình cảm chút nào thì khó vào cõi trời hơn hết, vì nếu con không cảm xúc điều chi thì con không cảm được sự an lạc. Đối với Flossy chỉ vì cô có tình cảm nên cô đi gần tới sự giác ngộ tinh thần hơn bất cứ ai đức hạnh nhất trong đời mà chưa hề cảm xúc chuyện gì trong cuộc sống. Có ai nói hòn đá lạnh lùng có đức tính gì không?
    - Thầy có thể cho biết là hướng dẫn cô ra sao không ạ? Tôi hỏi.
    - Thầy bắt đầu từ trên cao đi xuống, ngài nói có hơi bí ẩn, mà không phải ngược lại như đa số thường làm. Thầy không nói, “Hãy bỏ tật xấu rồi tôi sẽ chỉ cho bạn cách sống theo tâm linh”. Thầy ráng cho cô thấy sống theo tinh thần là làm sao để tật xấu của cô tự nó sẽ tan biến.
    Nhưng câu chuyên cải hóa Flossy chỉ được rõ rệt do chính cô kể tôi nghe về sau. Khi quyết định viết sách này tôi đến gặp cô và dưới đây là chuyện cô kể lại vì thầy Moreward đã rời London đi xa.
    Flossy Macdonald tuy xuất thân trong cảnh tầm thường lại có nét thanh cao bẩm sinh, lộ ra trong cách xử sự và lời nói của cô. Cha mẹ cô rất sùng mộ đạo Thiên Chúa, có niềm tin thật hẹp hòi nên lúc cô còn nhỏ, khi ông bà đặt kỷ luật hết sức khe khất về giáo điều thì cô đâm ra chán ghét tôn giáo vô cùng, xem nó gần như là đồng nghĩa với sự ảm đạm, sầu não.
    Flossy là người tình cảm nồng nàn khác hẳn tính khí cha mẹ, nên lúc 18 tuổi cô bị người tình gạt gẫm, anh chẳng những bỏ rơi cô mà còn để Flossy một mình nuôi con không xu dính túi. Cha mẹ cô vẫn thường cho là con có tính xấu vì không hiểu biết chút gì về điều ấy, tống cổ Flossy ra khỏi nhà không ngần ngại. Sau một thời gian chật vật hết sức túng quẫn, giống như nhiều người khác cô đứng vỉa hè bán thân để nuôi mình và con.
    Tuy nhiên Flossy có một bà dì thương cháu, làm hết sức mình để giúp cô và khuyên can cha mẹ cô thay đổi thái độ với con nhưng không thành công. Bà dì rất nghèo túng mà vẫn đề nghị cô về ở chung, Flossy không muốn lợi dụng nên từ chối mà như thầy Moreward đã kể, về sau cô đền đáp lại thiện ý này ngàn lần hơn. Có vẻ như sau giai đoạn xuống tận đất đen khốn khó, vận may đến với Flossy và trong thời gian ấy cô gặp thầy Moreward vào một buổi chiều hè.
    “Tôi còn nhớ mọi chuyên rất rõ, cô kể tôi nghe, lúc đó tôi đi gần tới Marble Arch và gặp thầy đi tới. Tôi chào và ngài cười đáp lại, cái cười đẹp vô cùng, thầy bắt đầu hỏi đủ thứ chuyện về tôi và cảnh sống của tôi. Không biết làm sao tôi thấy ngài khác hẳn những ai mà tôi đã gặp, ngài quan tâm đến tôi và đối xử với tôi đây sự kính trọng như thể tôi là phu nhân quí phái, đó là chuyện rất lạ lùng. Ngài đề nghị vào công viên và chúng tôi ngồi ở đó nhìn ra Park Lane. Ngài nói suốt buổi, kể những chuyện thật lý thú nên tôi quí mến ngay. Chúng tôi chuyện vãn có hơn một tiếng đồng hồ, tôi còn nhớ kỹ, rồi ngài hỏi nhà tôi ở đâu và bảo muốn đưa tôi về nhà trò chuyện thêm một chút.
    “Tôi thấy lạ vô cùng. Khi đến nhà tôi, thầy giản dị ngồi xuống ghế đối diện và tiếp tục nói, nói hoài, nói mãi, toàn những chuyện thú vị cho đến một giờ khuya thì đứng dậy ra về.
    - Cô có nhiều người tình, thầy nói, điều cô cần là một người bạn. Đàn ông đến vối cô là để tìm lạc thú phải không? Tôi đến cũng để tìm vui nhưng là loại khác với của họ. Tôi chỉ có một mình và muốn có bạn dễ thương để trò chuyện, thăm hỏi. Nhưng cô cần sinh sống, và với cô cũng như với nhiều người khác, thì giờ là tiền bạc (ngài đặt một số tiền lên bàn), thế nên một trong những nỗi vui tôi có được trong chuyện này, là tin rằng cô bạn mệt nhọc của tôi được ngơi nghỉ trong đêm.
    Tôi nhìn thầy ngạc nhiên hết sức.
    - Em không lấy được, tôi đáp, thật tình em không thể lấy đâu.
    Nhưng ngài cầm lấy tay tôi, vuốt ve nó như muốn khuyến dụ tôi đổi ý.
    - Tôi rất nhậy cảm về một số điều, ngài nói, và nếu cô không nhận thì cô làm tôi rất khó xử.
    “Nhưng tôi không sao nhận tiền được và bảo ngài thế, thầy tỏ ra vô cùng thất vọng làm tôi nhượng bộ, điều ấy làm ngài vui vẻ hết sức khiến tôi cũng hân hoan theo. Và anh nghĩ coi, ngài mời tôi đến nhà ăn trưa vào hôm sau. Có phải là tuyệt hết sức không? Ngài tốt lành với tôi biết dường nào. Sao ngài lại bỏ đi? Cô hỏi một cách thiết tha, rồi ngài có trở lại không?
    Tôi bảo cô là tôi hy vọng ngài sẽ trở về để làm cô an lòng, rồi tôi xin cô kể thêm.
    “Sau đó tôi gặp ngài nhiều lần, cô tiếp tục, và dĩ nhiên là tôi quí mến ngài, nhưng không biết là anh có hiểu được tình cảm của tôi và thầy hay không. Tôi không hề muốn điều gì nơi ngài, đối với tôi như vậy có vẻ là phạm thánh, và tôi biết ngài không hề muốn gì nơi tôi. Ồ, tôi biết mình có tính thương yêu nồng nàn nhưng nó không phải là cảm tình tôi có với thầy. Nếu được cầm tay hay vuốt tóc của ngài là đủ làm tôi rất sung sướng. Được ngồi cạnh ngài, lắng nghe thầy nói chuyện và dạy tôi bao điều quí giá thì như là thiên đàng đối với tôi. Ngài đi xa rồi nhưng đã cho tôi điều mà không gì có thể lấy mất được. Lại nữa ngài còn giúp tôi thoát khỏi nghề của mình, làm xã hội coi trọng tôi trở lại.
    - Nhưng tôi nghe là thầy không hề kêu cô bỏ nghề phải không? Tôi hỏi.
    - Đó mới là điều kỳ diệu, cô đáp lại, ngài chỉ dạy tôi những điều khiến tôi muốn tự ý bỏ nghề. Ồ, tôi không phải là thánh, cô vội vã nói thêm. Tôi không giả dối và bây giờ tôi vẫn sẵn lòng làm nhiều chuyện vì tình thương, nhưng tôi chẳng bao giờ làm chúng vì tiền nữa - không bao giờ. Ngài hay nói, Tình thương thanh lọc mọi chuyện bao lâu con không gây khó khăn cho người khác, vì lẽ dĩ nhiên nếu suy nghĩ con sẽ thấy rằng làm vậy muốn nói con không thực tình thương yêu họ”, - ít nhất đó là điều ngài thường bảo. Nhưng ngài nói rằng sẽ tới ngày cho dù đầy tình thương, người ta cũng không còn đam mê nữa và ngài kể tôi nghe chuyện đức Jesus với người đàn bà ở Samaria đã có năm đời chồng, hiện đang sống cùng người không phải là chồng bà. Ngài nói đức Jesus dạy bà nhiều chuyện tinh thần đẹp đẽ, nhưng Ngài không hề kêu bà rời bỏ người đàn ông đang sống chung, vì Ngài biết bà thương yêu ông và như vậy tự nó là chuyện tốt lành.
    “Kế đó thầy dạy tôi nên tha thứ người đã bỏ rơi tôi vì thầy nói không ngừng ghét bỏ anh ta là thái độ khờ dại, như con nít và làm hại cho chính tôi. Ngài nói dĩ nhiên là người ấy không hề thương yêu tôi thực lòng, vì nếu quả vậy, chắc chắn anh không coi lạc thú của mình là ưu tiên so với tôi. Thầy bảo đó là lý do tại sao tôi nên ráng đừng ghét bỏ anh nữa mà thay vào đó hãy thương hại anh, vì ngày kia anh sẽ phải trả quả cho hành động này. Tội cho anh ta. Nói anh nghe, khi tôi không còn hờn giận anh ta nữa tôi thấy nhẹ lòng hết sức, thấy rất hạnh phúc. Tôi cũng không còn giận ba má hay ai khác nữa, và cảm giác thật tuyệt vời khi mình không còn giận ghét ai. Thấy ghét bỏ người khác là tính con nít sao đâu. A, ngài là người hay biết chừng nào.”
    - Nhưng làm sao ngài khiến cô bỏ được nghề? Tôi hỏi.
    - Anh không có nghe à, cô nói với vẻ kinh ngạc ngây thơ, ngài không nói gì với anh sao?
    Tôi bảo cô rằng tôi không nghe điều gì cả.
    - Sao, anh không biết là trước khi đi xa ngài xếp đặt cho tôi hưởng mỗi năm một số tiền suốt đời sao?
    - Thầy không hề nói gì với tôi, tôi ngạc nhiên thực tình và đáp.
    - A, ngài luôn luôn là vậy, cô kêu to một cách nhiệt tình có lẫn chút buồn trong đó. Ngài làm việc thiện cho mọi người mà không hề lộ để ai biết, đúng là cung cách của thầy.
    - Cô kể tiếp đi, tôi thúc giục. Tôi muốn nghe hết mọi chuyện để viết sách. Ngài còn dạy cô điều gì khác nữa?
    Cô ngẫm nghĩ chập lâu, mơ màng nhìn xuống đất.
    - Tôi không biết kể chuyện, cô nói một cách giản dị, nhưng có những lần tôi được hầu chuyện ngài cả ngày và đó là những giờ phút vui vẻ. Mà không phải lúc nào cũng vui, có ngày tôi hết sức rầu rĩ, nghĩ tới nghề đang làm thường khiến tôi kinh hoảng nên hay hỏi ngài khi qua đời tôi sẽ ra sao. Tưởng tượng cũng đủ dễ sợ rồi. Nhưng ngài an ủi tôi, nói rằng vì tôi làm nhiều chuyện lành nên cuối cùng chuyện xấu không còn đáng kể, ngoài ra thầy nói có những điều còn tệ hại hơn việc tôi đang làm mà nhiều người không coi là xấu. Ngài thường nói ai đánh đĩ tài năng của mình (ngài dùng chữ ấy) để làm giàu thì tệ hơn tôi rất nhiều, vì ngài bảo trí tuệ là vật đáng quí hơn thân xác, mà tài năng còn đáng quý hơn trí tuệ gấp bội, nhưng có hàng ngàn người làm vậy mà xã hội không nói gì. A, tôi thấy an ủi biết bao nhất là khi ngài cười và nói.
    - Con chớ lo chi, con sẽ thoát khỏi nghề đang làm dễ gần như con bướm rời khỏi kén.
    “Anh nghĩ coi ngài đúng biết chừng nào, tới một bữa kia tôi thấy thà sống trong căn phòng chật hẹp trên gác thượng, may quần áo suốt buổi còn hơn tiếp tục làm nghề này tuy nó sướng thiệt, toàn đi ăn đi chơi. Vậy là tôi bỏ nghề mà lúc ấy đang gặp vận hên, vì tôi thoáng thấy một cảnh đời khác trong trí có vẻ hạnh phúc hơn, tốt lành hơn, và thiệt là đẹp đẽ hơn.”
    - Sau đó cô làm gì? Tôi hỏi.
    - Nghĩ vậy nhưng tôi nhớ tới bà dì và mấy đứa em họ nên tôi ráng thêm một lúc để lo cho mọi người. Chuyện có vậy thôi. Flossy ngưng một phút rồi buồn rầu nói thêm. Tôi buồn biết chừng nào ngày thầy cho hay sắp phải rời London đi xa. Anh Broadbent à, tôi rất sợ việc chia tay, tôi không hề nói được lời từ giã với người khác vì thấy đau lòng, nhất là từ giã ngài. Tuy nhiên ngài tìm thế an ủi tôi thiệt hay, nói rằng cho dù xác thân ngài ở rất xa, thầy vẫn có thể đến và găp tôi bất cứ khi nào ngài muốn nhưng tôi có thể không thấy được ngài. Anh biết khi ra đi thầy làm gì không? Coi, ngài không chào từ giã để tránh làm tôi đau lòng, mà viết cho tôi một bức thư thiệt hay, gửi tôi một cây thánh giá xinh đẹp bằng vàng để luôn luôn đeo trong người. Lẽ tự nhiên tôi khóc như suối nhưng không nhiều, giống như ngài có tới hôn chào từ giã. Nhưng điều tuyệt vời là hai giờ sau đó, tôi được thư của luật sư cho hay ngài để lại cho tôi một số tiền hằng năm đến trọn đời.
    - Bây giờ ngài có viết thư cho cô không? Tôi hỏi.
    - Ồ có, thỉnh thoảng ngài có viết cho tôi. Anh thấy có tuyệt không, ngài biết hết mọi chuyện tôi làm mà tôi không hề nói cho ngài hay, và trời, có lúc tôi biết ngài có mặt trong phòng. Bất cứ khi nào tôi thấy cần ngài hết sức thì tôi cảm được sự hiện diện của thầy ngay. Cầu Trời phù hộ cho ngài.
    Và đó là chấm dứt câu chuyện cải hóa Flossy với kết thúc thật lạ thật hay. Trên đường về tôi tự hỏi còn có bao nhiêu cô “Flossy” khác trên đời, và hiểu theo cách tôi chưa từng hiểu trước đây, là tại sao người tội lỗi lại gần nước Trời hơn người giả dối.

  13. #13

    Mặc định

    CHƯƠNG XVII


    Tôi đi vắng London sáu tuần, theo thói quen của tôi lúc hè là đi thăm bạn hữu, thế nên tôi không gặp thầy Moreward trong một thời gian và cũng không có tin của ngài. Dù vậy bạn có thể đoán ra rằng ngài là người đầu tiên tôi đến nhà thăm khi trở về thành phố. Tuy đến vài lần mà không gặp, cuối cùng thầy có nhà một buổi tối, bận rộn với chồng giấy tờ, văn kiện vừa được mang tới nhà trong một thùng lớn. Lối chào hỏi của ngài mang nét chân tính, thân ái vốn là đặc tính của ngài, nói khác đi thầy ôm lấy tôi.
    - Thầy sẽ không hỏi là con đi chơi xa có vui không, ngài nói. Thầy biết là con được vui vì thầy cảm nhận được những lúc con hạnh phúc tột độ.
    Rồi ngài chỉ vào giấy tờ bề bộn.
    - Con gái thầy vừa qua đời, và đây là những văn kiện của thầy mà con gái giữ khi trước, chúng mới được từ Ý gửi qua.
    Tôi sắp sửa ngỏ lời chia buồn đầy lòng thông cảm nhưng nụ cười của ngài làm tôi im ngay, và khiến câu phân ưu hóa ra như không đáng kể, trẻ con, giống như đứa trẻ hai tuổi cho người lớn viên kẹo ngọt. Nhân vật đứng trước tôi đây vượt lên trên nhu cầu cần sự cảm thông của người khác, vì đối với ngài hiển nhiên cái chết có nghĩa như là đi ngủ mà thôi, cái chết không làm xáo trộn sự an nhiên vĩnh cửu của ngài. Thế nên tôi không đả động gì nữa đến cái tang của thầy, nói theo chữ người đời dùng trong cảnh ấy, thay vào đó bàn nhiều chuyện khác nhau mà cả tôi và thầy cùng quan tâm. Về phần thầy ngài chăm chú hoàn toàn vào câu chuyên theo thói quen của ngài.
    Chúng tôi chuyện vãn có đến hai giờ, ngài nhìn đồng hồ và đề nghị là nếu tôi không phiền thì ngài muốn tiếp tục soạn giấy tờ vì có vài vấn đề luật pháp cần làm ngay không để chậm trễ, nhưng ngài thêm:
    - Việc này có tính máy móc một chút vậy con có thể chuyện trò cho vui, và đừng về nhà vội.
    Tôi nào có ý định ra về, được găp lại thầy Moreward sau nhiều ngày vắng măt thì giống như tâm hồn được tắm gội để thanh lọc, nên tôi vui vẻ kéo dài câu chuyên. Dầu vậy sau một lúc thì câu chuyên cũng đến lúc ngưng hay đứt quãng, xen vào đó là nhiều phút im lặng dài. Tôi mơ màng ngắm thầy làm việc, cúi người trước bàn đầy giấy tờ, sắp xếp văn kiện do cái chết và sự mất mát người thân mang lại. Tuy nhiên gương mặt của ngài bình thản không gợn chút ưu tư như nó vẫn vậy từ trước đến giờ, mà khi tôi nghĩ kỹ thì nó cũng không già đi chút nào so với lúc tôi găp thầy lần đầu hồi mười năm về trước. Khi ấy trông thầy vào khoảng ba mươi lăm dù là gương mặt trầm ngâm của ngài gợi ý minh triết của người nhiều tuổi hơn. Một bà nói rằng ngài hơn năm mươi lăm tuổi và nay mười năm sau, sáu mươi lăm tuổi, thầy là nhân vật lạ lùng trông chưa đến bốn mươi tuổi.
    Tôi nghĩ thầm nhất định là không đúng, bà đã nghe lời đồn tào lao và tôi cho rằng mình đã giải quyết ổn thỏa thắc mắc, rồi tôi lại nghĩ thêm nếu khi ấy ngài ba mươi lăm thì bây giờ phải là bốn mươi lăm, và tôi thấy đó là chuyện không thể được nếu kể đến diện mạo của ngài là đầy vẻ sáng suốt của người sáu mươi lăm. Cuối cùng tính tới tính lui khiến đầu óc tôi rối mù những con số, và tôi tự hỏi là tại sao trước kia mình không hề giải quyết cho xong thắc mắc bằng cách giản dị là nêu câu hỏi thẳng với ngài. Đột nhiên thầy phá ra cười.
    - Thầy chịu thôi, con biết là chuyện không có lợi gì cho con nếu biết tuổi thầy.
    - Sao ạ?, Tôi cười ngượng nghịu. Thầy biết con nghĩ gì ư?
    - Nào, ngài đáp lại, nếu con mê mải với tư tưởng thì thầy làm gì được? Nhất là khi sự suy nghĩ của con hướng vào thầy luôn luôn. Chà! Nếu con chú tâm y vậy vào đề tài cao cả hơn thì hẳn con đạt được chuyện rất đáng nói. Mà thôi, ngài lại cười và tiếp tục công việc của mình.
    - Sao đi nữa, tôi nói, con nghĩ thầy phải khen là con hoàn toàn không có chút tò mò, vì từ hồi nào tới nay con luôn luôn giữ ý không hề hỏi tuổi của thầy.
    - Dĩ nhiên là sự kín đáo đó thật đáng khen, ngài cười và đáp, nhưng con biết là huyền bí gia có một phương pháp nhỏ ngăn người khác hỏi điều khó nói để bảo vệ chính những người này.
    - Nhưng nếu con biết tuổi của thầy thì đã sao, tôi cố nói thêm.
    - Ý chính là ai không có bí mật gì phải giữ thì không cần nói dối, ngài bảo, lời xưa có câu như vậy. Tức là thầy không muốn đặt con vào cảnh phải nói điều không thật nếu có ai hỏi con về tuổi của thầy. Sự thực như con biết, thầy e ngại lời đồn đãi, sự chú tâm của người khác. Ngoài ra mấy bà lớn tuổi sẽ không để yên cho thầy dù là bí mật của thầy hoàn toàn vô dụng đối với họ. Chuyện đương nhiên là khi một ai sống theo lẽ trời thì tự động họ kéo dài được nét trẻ trung.
    Tôi đưa tay vuốt tóc mầu xám và ước phải chi biết được những luật quí giá này cùng cách sống theo chúng, nhưng tôi nói lớn.
    - Dạ, nó giống như con tưởng vì nói cho cùng ai không kiêu hãnh chút nào sẽ không để ý là mình trẻ hay già, lại càng không chăm chút sửa soạn cho mình có vẻ trẻ hơn, giống như quí bà quí cô trang điểm.
    Thầy Moreward chỉ mỉm cười, rồi đột nhiên thầy đẩy một tập bản thảo cho tôi và nói.
    - Đây là một trong vài bài của thầy, viết lúc rất trẻ. Thầy quên mất là con gái của thầy còn giữ nó.
    Mực đã ngả mầu vàng còn giấy cũng bạc mầu với thời gian, xem ra phải hơn 50 năm về trước.
    - Con đọc được chứ ạ?
    Thầy gật đầu.
    - Nhưng rồi con sẽ vất nó vào thùng rác.
    - Ồ, không có đâu. Tôi phản đối.
    Thầy cười.
    - Xem đi, rồi đưa lại cho thầy.
    Tôi đọc thì thấy đó là một trong những bài thi vị nhất gặp được trong sách vở huyền bí học. Ngôn ngữ của bài có nhạc điệu và sự cuốn hút mạnh mẽ, đi thẳng vào tâm hồn người đọc, cũng như câu văn đặt theo một lối riêng, lạ lùng. Nội dung hết sức tân kỳ độc đáo. Có vẻ như người viết phải thông thạo Phạn ngữ, hay ít nhất văn chương Phạn ngữ một cách rộng rãi, vì rải rác trong bài có những chuyện ngụ ngôn đông phương. Bài văn cho tôi ấn tượng rất đỗi mạnh mẽ tới mức khi đọc xong tôi tiếc thầm là người có văn tài như thế lại không sữ dụng nó tối đa. Tôi không hiểu làm sao có chuyện ấy được. Đọc hết bài chỉ mất chừng năm phút và ý tưởng của bài khiến tôi thấy lâng lâng thoát ra ngoài bay bổng, giống như khi nghe một khúc nhạc, cảm giác thanh thoát này làm tôi ngồi yên mấy phút không nói chi, tôi chỉ cảm nhận là đi vào một vùng tư tưởng chưa hề biết trước đó. Tôi đột nhiên thấy mình có những tư tưởng tuyệt vời tới nỗi tôi khó mà tự mình nghĩ ra. Lại nữa chúng tràn ào ạt vào tâm trí tôi mà cùng lúc thật rõ ràng, sâu đậm làm tôi kinh ngạc.
    Thầy Moreward cất tiếng phá vỡ sự yên lăng.
    - Nào, ngài nói, bấy nhiêu là đủ rồi.
    Tôi nhĩn thầy ngạc nhiên, tâm hồn và thân xác tôi cảm thấy hết sức hân hoan, sinh động.
    - Tuyệt vô cùng ạ, tôi nói to. Nó nâng con vào một cõi tinh thần mới mẻ.
    Ngài cười.
    - Không hẳn vậy đâu, ngài nói.
    - Sao không được? Tôi hỏi, thầy nói có khi khó hiểu.
    Thầy nhận xét.
    - Con quá khen khả năng viết lách của thầy, ngài mỉm cười, nó không giỏi dang như con nghĩ đâu.
    Nhưng tôi phản đối.
    - Thật đó mà, đọc xong bản văn con có những ý tưởng thật lạ lùng. Bài viết hết sức kỳ diệu.
    Ngài nói một cách giản dị.
    - Nó chỉ là ảo tưởng của con, giả thử con đọc được tư tưởng của thầy thì sao?
    - Không phải đâu, tôi đáp.
    - Nếu như thầy hướng tư tưởng về con vào lúc con ở trong tâm trạng dễ tiếp nhận thì sao? Ngài hỏi giả dụ.
    Tôi nhìn thầy lạ lùng.
    - Dạ, con không nghĩ ra điều đó.
    Ngài cười nhẹ nhàng.
    - Con thấy không, ngài tiếp tục nói, bản thảo làm con trở nên dễ cảm thụ.
    - Số dách, tôi hào hứng nói, xin thầy tạo ảnh hưởng đó nữa, thỉnh thoảng một lần. Cảm xúc tuyệt không sao tả được.
    - Nhưng làm thế là chìu con quá, thầy cười phản đối.
    - Chìu con ư?
    - Phải, phải có lý do đúng đắn mới làm vậy.
    - Ồ, vậy để mình nghĩ ra lý do xuôi tai. Tôi nói một cách hăng hái.
    Gương măt ngài trở nên nghiêm trang.
    - Việc gửi tư tưởng, ngài giải thích, đòi hỏi năng lực mà năng lực chúng ta có không phải là vô tận, vì vậy ta không được phung phí nó mà dùng sao cho có kết quả to lớn nhất. Con mới than là sao thầy không viết nhiều hơn. Đúng lắm, nhưng có những cách “viết” mà không phải dùng giấy bút, tức viết qua người khác, gieo vào óc họ tư tưởng rồi để họ khai triển chi tiết và xếp đặt theo bố cục của họ tự chọn. Lấy thí dụ như bây giờ mà con muốn viết chuyện...
    Tôi bắt đầu hiểu.
    - Thầy muốn nói là sẽ gây ấn tượng cho con, gieo cho con tư tưởng?
    - Chính thế, thỉnh thoảng ta sẽ gửi tư tưởng đến con và con sẽ viết theo cách thức riêng của mình.
    - Nhưng mà thầy có bắt buộc phải hiện diện cạnh con? Tôi hỏi.
    Thầy cười kiên nhẫn.
    - Với hiểu biết có được mà con cần phải hỏi điều ấy ư?
    - Dạ, nó ngu thật, tôi nhìn nhận lời trách cứ nhẹ nhàng, nhưng làm sao con khiến mình trở nên cảm thụ?
    - Một phần là dùng năng lực ý chí, ngài đáp, điều này có thể tăng cường mạnh mẽ hơn bằng cách đọc văn có tính chú ngữ như bài con mới đọc khi nẫy.
    Tôi nhìn ngài thắc mắc.
    - Âm thanh của một số chữ kết hợp lại có giá trị huyền bí, ngài giải thích, làm khơi động trạng thái cảm thụ hay thông nhãn (clairvoyant). Có vài chữ cho ra ảnh hưởng hết sức linh thiêng và mạnh mẽ tới nỗi thầy chỉ dám thốt ra với rất ít người trong số hàng triệu người trên quả đất, nhưng đó là chuyện khác. Hãy lấy thí dụ thi ca, con có đế ý là tại sao một bài thơ mà con thấy là chứa đựng ý tưởng đẹp đẽ lại không cho ra ảnh hưởng gì và có vẻ như không đạt tới trọn mục tiêu của nó?
    Tôi công nhận là tôi chưa hề hỏi lý do tại sao của chuyện như vậy.
    - Đó là vì chữ dùng trong bài thơ, hay bài nhạc, không có tính cách chú ngữ thành ra không khơi động được tâm hồn người nghe. Dầu thế, phải thêm là cách người ta đọc thi ca lớn tiếng làm mất đi giá trị huyền bí của nó, ngay cả khi bài thơ dùng chữ có tính huyền bí, bởi đa số người hoặc đọc thi ca như đọc báo, hay đọc như tuyên bố ai đó qua đời. Sự thực là thi ca phải đọc gần như là xướng kinh, và khi xướng đúng cách thì kết quả có thể rất đáng kể... Trở lại bài viết mà con vừa đọc thì bài đó được soạn theo thể văn chú ngữ nên sinh ra ảnh hưởng như vậy đối với con.
    - Nhưng, tôi ngắt lời, sao thầy không viết thêm những bài khác? Làm vậy chắc chắn là hay hơn việc dùng con làm trung gian tuy con rất hân hạnh được làm chuyên ấy.
    Ngài mỉm cười.
    - Chúng ta (các Chân Sư) ít khi viết vì thì giờ hết sức quí báu và chúng ta có nhiều chuyện khác phải làm. Như có lần ta hàm ý, chúng ta thích làm việc với tư tưởng mà thôi và không chủ tâm việc cầm bút soạn sách. Mục đích của chúng ta là trợ lực người khác giúp đỡ Nhân loại, và trong vấn đề đặc biệt này chúng ta chọn cách trợ lực gián tiếp, tức làm việc qua thi sĩ, nhà văn và kịch tác gia. Thầy ngưng một chút rồi nói.
    - Thế thì con đã tỏ ra xứng đáng được sự trợ lực của các vị đi trước để tới phiên con giúp đỡ Nhân loại. Đã tới lúc cần có một câu chuyện huyền bí mang tính chất đặc biệt, và bởi chúng ta không quên ơn, hãy giúp chúng ta và chúng ta sẽ giúp con.
    - Thầy muốn nói, tôi chữa lại, thầy sẽ giúp con và không chừng giúp luôn nhiều người khác nữa? Nhưng con không thể viết sách cho mọi người đọc và làm họ tin là chính con sáng tác, trong khi thực sự là con chôm hay đúng ra, con nhận ý tưởng của thầy.
    Ngài rời chồng giấy tờ đang soạn, đi lại đứng trước mặt tôi, cúi nhìn với đôi mắt hiền dịu nhiệt thành. Rồi ngài nói.
    - Tác giả nào sáng suốt nhất sẽ gạt hẳn cái tôi của họ ra ngoài chuyện, họ cho ra chỉ để cho ra và không màng chuyện khen chê. Họ ẩn danh, vì ẩn danh là cách thuận tiện nhất cho một loại văn chương triết lý đạo đức, không gây thành kiến cho độc giả. Chẳng hạn con có thấy là nếu vị giám mục Anh giáo của thành phố London viết sách, thì tất cả những ai theo Anh giáo sẽ đọc cuốn ấy mà ai theo Công giáo La mã sẽ không đọc, trong khi đó nếu không ai biết là vị giám mục ấy có liên quan đến sách thì có thể là “tất cả mọi người” sẽ đọc sách ấy.
    - Thầy thực tế tuyệt quá, tôi hăng hái nói.
    - Con hiểu ý thầy rồi chứ? Ngài nói tiếp, nhưng chuyện không phải chỉ có vậy vì tác giả nào cũng có người ưa chuộng và người không thích họ, người sẽ đọc hay tránh không đọc sách của họ. Còn nói về nội dung của sách như ý tưởng, lời biện luận, và những điều khác thì sao? Ảnh hưởng của chúng luôn luôn bị tên tuổi và tiếng tăm của tác giả chi phối, dù họ có hay không có tên tuổi và tiếng tăm. Người đọc sẽ nghĩ, “A, tác giả X viết như vậy thì hẳn là nó đúng (hay hẳn là nó sai)”. Có nhận xét là dư luận giống như đàn trừu, nó sẽ đi theo con chó nào sủa lớn nhất.
    Ngài ngồi xuống chiếc ghế đối diện tôi, đạt tay lên thành ghế, chụm các đầu ngón tay vào nhau và trầm ngâm nói.
    - Lòng xả kỷ chân thực phải không có nhuộm chút nào nét kiêu hãnh, và điều này làm được nhiều chừng nào thì kết quả lớn lao chừng ấy vì còn một yếu tố khác can dự. Đó là hứng khởi hay đúng ra là tính cảm thụ, phát xuất từ con tim, và con tim thanh khiết bao nhiêu thì hứng khởi tràn đầy bấy nhiêu. Khi ai đó nói “Tên tôi đi liền với tác phẩm thì có quan hệ gì, vì thực sự là sách không phải do tôi nghĩ ra mà tôi chỉ là kẻ trung gian” thì người ấy sẽ luôn luôn có được những ý tưởng cao đẹp nhất. Thế nên con à, khó khăn của con đã được giải quyết xong, và con không phải bận tâm gì khi dùng ý tưởng của chúng ta nếu con ẩn danh. Và thầy quả quyết rằng con sẽ được đền bù cách khác khi không lộ danh tánh như thế.
    - Con sẽ được đền bù bằng cảm giác dễ chịu là lòng biết ơn, tôi nói.
    - Và con thứ lỗi cho thầy khi thầy đọc tư tưởng của con vì mục đích tốt lành của công việc chứ?
    - Đương nhiên ạ.
    Và đó là cách mà tôi viết chuyện sau khi thầy Justin Moreward Haig rời khỏi nước Anh, nhận được tư tưởng của ngài dù cách xa vạn dặm. It nhất điều này chứng tỏ là sự kiện thần giao cách cảm có thật nếu không muốn nói tới những điều khác. (Một tác phẩm khác của Cyril Scott viết theo lối này là The Adept of Nazarene, rất nên đọc).

  14. #14

    Mặc định

    CHƯƠNG XVIII
    SỰ RA ĐI

    Nay tôi ngần ngại nói đến cách mà người tôi quí chuộng nhất trong số người tôi quen biết đã rời London để làm việc ở một nơi khác của trái đất, phần việc mà tôi không thể nói vì được yêu cầu vậy, và thế là đủ.
    Ngay từ phút đầu khi gặp thầy Justin Moreward Haig tôi đã xem ngài là người lạ thường, nhưng nếu cuộc gặp gỡ của hai chúng tôi gây ấn tượng mạnh mẽ cho tôi thì sự chia tay khiến tôi có ấn tượng mạnh hơn gấp bội, vì nó cho thấy một khía cạnh của bản tính ngài mà từ trước tới giờ tôi không biết tuy tôi tin chắc rằng có, nhờ vào những buổi thảo luận khác nhau về huyền bí học. Xin nhắc lại là thư của em tôi viết cho tôi và ghi lại trong sách này nói tới những cuộc du hành rộng rãi của thầy ở Ấn Độ và những nơi khác, cùng những việc lạ lùng mà ngài chứng kiến ở vùng đất lãng mạn nhất và huyền bí nhất ấy. Từ lá thư đó ta thấy rõ ràng là ngài nắm được hiểu biết bí mật của nơi này mà chỉ một số rất ít người sở hữu. Tôi cũng nhớ có lần ngài nói rằng không phải các Chân sư Minh Triết chỉ hiện hữu tại Ấn Độ mà thôi, nghĩ như thế là nhầm lẫn vì sự thực là các ngài có mặt ở khắp nơi kể cả Anh quốc.
    Tôi hỏi ngài nếu quả vậy thì tại sao công chúng ít nghe nói tới các vị ấy, thầy mỉm cười khoan dung có hơi thú vị và đáp rằng chỉ có nhà huyền bí học rất cao mới nhận ra được ai là đạo sư khi gặp người như thế (tựa như câu “Ai là Phật thì mới biết ai là Phật”), vì không ai ở mức thành đạt cao như vậy lại tự quảng cáo hoặc để cảnh ngộ quảng cáo cho mình. Ngài giải thích:
    - Người hàng thịt và người hàng xén chỉ cúi rạp chào ông vua vì họ biết người đó là vua; nhưng để ông vua đi ngoài đường phố không ai biết thì chẳng ai để ý tới ông làm gì. Thầy quen biết nhiều một vị đã ba trăm tuổi, nghe thì lạ nhưng ngài trông giống 40 tuổi hơn là 300 tuổi, và chỉ có rất ít người biết vậy khi găp ngài. Mà như thế là để bảo vệ cho ngài, vì nếu ai nấy biết rõ sự thực thì người ta sẽ hóa ra hiếu kỳ làm cuộc sống trở thành khó khăn, gây cản trở cho hoạt động rất quan trọng của ngài.
    Tôi hỏi.
    - Nếu vị ấy có thể sống lâu đến vậy thì con chắc ngài có thể làm được những điều khác mà người ta gọi là phép lạ phải không?
    Thầy đáp.
    - Chắc chắn ngài làm được, nhưng ngài không làm.
    - Nhưng nếu làm vậy mà thuyết phục được nhân loại chấp nhận một chân lý tuyệt vời nào đó thì con nghĩ là vị ấy nên làm. Tôi hăng hái nói.
    Thầy lại mỉm cười đầy lòng khoan dung và nhẫn nại, cho thấy đã nghe lý luận này của tôi nhiều lần.
    - Con hay lẫn lộn giữa niềm tin tưởng hời hợt và nét tinh thần, ngài nói. Việc biểu diễn hiện tượng không hề làm con người có được nét tinh thần. Lấy thí dụ một nhạc sĩ dương cầm đại tài có thể được bịt mắt mà vẫn chơi đàn dễ dàng, nhưng biểu diễn tài nghệ như vậy có bao giờ làm cho một người không biết nhạc trở thành biết nhạc không? Con quên rằng làm thỏa mãn lòng tò mò vô bổ là thỏa mãn lòng kiêu hãnh của chính mình. Đại nhạc sĩ dương cầm mà bịt mắt chơi đàn là hạ thấp phẩm cách của họ phải không? Vậy nó cũng hạ phẩm cách y thế khi vị đạo sư thực hiện điều người đời gọi là phép lạ.
    Tuy nhiên tôi cứ một mực nài nỉ
    - Nhưng sách ghi là đức Chúa có làm phép lạ.
    - Ngài không hề làm phép lạ mà không có lý do đầy đủ. Ngài chữa lành vì người ta đau ốm, ngài hóa phép ra thức ăn vì dân chúng đói lòng, ngài khiến bão lặn sóng êm vì đệ tử của ngài kinh hoảng, nhưng ngài không “biểu diễn” hay làm thỏa mãn lòng tò mò vô ích, và một đạo sư khác là Apollonius của Tyana cũng hành xử giống vậy.
    Tôi hỏi thầy là người ta có thể học được hiểu biết cần thiết để làm phép lạ hay không. Ngài đáp.
    - Được và không được. Được, là vì nó chỉ cần có đặc tính cần thiết, còn không được là vì đa số người không màng có những đức tính này. Con thì đang trên đường đạt tới chúng và không chừng trong một kiếp sau con sẽ tiến xa đến mức làm được phép lạ nếu muốn.
    - Còn thầy? Tôi hỏi. Thầy biến ra vật được không?
    - Con đặt với thầy câu hỏi thẳng thắn, ngài cười và nói, nên thầy khó mà nói gạt, nhưng khi thầy xác nhận thì xin con chớ hé môi bao lâu mà thầy còn ở London.
    Tôi hứa sẽ tuyệt đối kín miệng.
    - Dĩ nhiên không có gì gọi là phép lạ, ngài tiếp tục dạy. Các vị trong Thiên đoàn chỉ sử dụng những luật của thiên nhiên mà đa số người không biết, chỉ có vậy thôi.
    - Nhưng tại sao hiểu biết đó không được phổ biến? Tôi hỏi.
    - Vì nhân loại chưa phát triển đủ về măt tonh thần để dùng nó một cách đúng đắn. Đưa hiểu biết ấy cho ai không có đức tính cần thiết thì họ sẽ làm đảo điên vũ trụ.
    Tôi thắc mắc.
    - Đó là những đức tính gì?
    - Hoàn toàn vô ngã, khoan dung tột bực, mất hẳn lòng kiêu hãnh, tự chủ tuyệt đối và tất cả những đặc tính tinh thần khác.
    - Nói khác đi, là trở thành toàn thiện.
    Ngài đồng ý.
    - Nói sát nghĩa thì đó là người toàn thiện.
    Tôi thở dài.
    - Vậy thì không có con trong đó.
    Ngài phá ra cười và nói.
    - Con quên rằng con còn sự vĩnh cửu trước mặt thế nên có nhiều thời gian.
    Nếu tôi nhớ đúng thì câu chuyện trên xẩy ra một thời gian ngắn sau khi tôi quen thầy và từ lúc ấy, nhờ những sách thầy đưa cho xem tôi đã có hiểu biết khiến nhìn lại sự việc theo quan điểm mới. Dầu thế tôi cũng còn đầy óc tò mò và rất mong được thấy biểu diễn những quyền năng mà thầy cho biết là có sở hữu, tôi thường xin ngài cho xem cái biếu diễn rất nhỏ nhặt nhưng thầy luôn luôn từ chối hết sức nhẹ nhàng. Thế rồi vào đúng lúc chia tay ngài thuận theo lời yêu cầu của tôi.
    Ngài chuẩn bị phần nào cho tôi về việc sắp ra đi, vì thầy bảo tôi rằng thời gian ngài ở London sắp hết và tôi đừng mong là còn được ở cạnh ngài lâu hơn về măt xác thân vật chất, tuy về mặt tinh thần và tình thương thì không bao giờ ngài và tôi bị chia lìa. Chuyện xẩy ra như sau. Tôi có thói quen khóa cứa phòng ban đêm vì có thời gian tôi thường ở khách sạn. Vào đêm có chuyện tôi sắp kể đây thì tôi vẫn giữ thói quen đó. Tôi lên giường khoảng nửa đêm và ngủ ngon giấc một mạch tám tiếng đồng hồ. Sáng hôm sau còn mơ mơ màng màng tôi nhận ra mùi hương hoa hồng hết sức dịu ngọt. Có vẻ như tôi nằm mơ về hoa hồng, nhưng khi mở mắt thì tôi kinh ngạc thấy trên gối cạnh đầu có một lá thư và nằm trên đó là một đóa hồng lớn.
    Tôi nghĩ ngay rằng mĩnh đã không khóa cửa và người giúp việc đã bước yên lặng vào phòng, nhưng vì bà không quen làm vậy tôi mới bắt đầu nghĩ rằng chuyện phải có gì quan trọng hơn. Tôi mở thư đọc và nỗi thắc mắc tan biến. Thư viết:

    Con thân mến,
    Khi con nhận được những giòng chữ này thỉ thầy đã lên đường tới chỗ mà lúc này chưa tiện nói. Quãng đời của thầy tại London nay đã xong, và cho sự phát triển của riêng thầy thì điều hệ trọng là thầy phải lánh khỏi thế giới bên ngoài chừng vài tháng. Trong tương lai một phần việc khác được giao phó cho thầy và con cùng thầy sẽ không gặp nhau bằng thể xác trong thời gian sắp tới, tuy bất cứ khi nào con cần thầy giúp đỡ thầy sẽ cảm biết được việc ấy và đáp lại lời kêu cầu của con.
    Thầy tránh nỗi buồn rầu vô ích của việc gặp mặt giã từ vì con à, thầy biết con là người dễ cảm và muốn tránh sự đau lòng cho con. Dầu vậy trên thực tế không có gì là chia tay giữa những linh hồn thực sự cảm thông nhau, vì ai yêu nhau thì thường gần nhau dù cách xa vạn dặm về mặt thể chất, hơn là ai không cảm thông mà sống sát bên nhau. Vì vậy khi chào tạm biệt chúng ta đừng xem đó là sự chia tay, chỉ khi tình thương và ký ức chết đi thì mới có phân cách, nhưng tình thương giữa con và thầy không thể nào chết vì nó đã có đó từ bao kiếp qua, cảm thấy đau lòng khi chia tay là cảm biết một ảo tưởng hơn là niềm vui của thực tại.
    Nói về những năm qua mà chúng ta làm việc đầy tình thân với nhau, thầy muốn cám ơn con về lòng thiện cảm đã làm cho năm tháng ấy hết sức vui vẻ, cùng tinh thần cởi mở của con khiến thầy có thể gieo vào tâm con chút hiểu biết về Thiên đoàn. Bởi chúng ta (các Chân sư) cảm ơn ai cho phép chúng ta giúp họ một khoảng trên đường tiến hóa, vì như thế là cho chúng ta cơ hội làm điều mà chúng ta muốn làm trên hết thẩỵ, và họ không phải là người cần cảm ơn chúng ta.
    Với những việc khác, mong rằng tất cả xẩy đến cho con một cách tốt lành, và mong sao con không sống trong quá khứ hay tương lai, mà hằng sống trong hạnh phúc không thay đổi của vĩnh cứu rộng lớn.
    Luôn là người bạn hết lòng của con.
    J.M.H.


    Ngay khi đọc xong thư này, tôi đi ra cửa phòng và thấy nó y như lúc tôi lên giường ngủ đêm qua, tức khóa trái bên trong và chìa khóa còn nằm trong ổ. Rồi tôi hiểu ra rằng cuối cùng thầy Moreward đã thuận theo lời nài nỉ của tôi và cho một thí dụ về việc làm hiện ra vật. It nhất thì đó là cách tôi giải thích chuyên gì xẩy ra trong phòng, tuy người khác có thể nghĩ ra lối khác và cho rằng tôi giàu óc tưởng tượng cùng dễ tin.
    Không cần phải nói thì đó là chấm dứt cho việc tôi dự vào công tác nhân ái của thầy Justin Moreward Haig. Tuy thỉnh thoảng tôi gặp ngài trong thể tình cảm và nhờ vậy được tiếp xúc với ngài, nhưng ngài chỉ xuất hiện với tôi khi tôi cần được chỉ dạy liên quan đến sự phát triển tâm linh của mình, thế nên tôi không thể theo dõi hoạt động của ngài. Nhìn lại những chuyện đã qua tôi thấy một điều rất rõ là các nhân vật ngoại trừ thầy là người thật bình thường hay gặp trong cuộc sống. Có một lần ngài nói về loại người cứng ngắc khô khan rằng:
    - Vấn đề càng khó chừng nào thì nó trở nên càng thú vị chừng ấy, vì không có ai khó đối phó cho bằng người thường hết sức.
    Và đó là lý do tại sao một phần lớn năng lực của ngài lại dành cho người như vậy, thầy giải thích thêm:
    - Thi sĩ, nghệ sĩ, triết gia có trí tuệ dễ cảm thụ nên họ không cần sự tiếp xúc riêng với chúng ta, Thiên đoàn có thể gây ấn tượng một số tư tưởng và lý tưởng vào trí họ từ cảnh giới cao hơn cõi trần, nhưng người ngoài đường phố thì khác hẳn, chỉ bằng cách vụng về hơn là chuyện vãn với họ mới mong đạt được vài điều.
    Thế nên một trong những mục đích của cuốn này là để cho thấy rằng dù cảnh sống ở đời có tầm thường, chán ngán thế nào đi nữa, ai có quan điểm gợi sự an vui có thể tạo nên hạnh phúc chung quanh mình, và làm vậy là đem cái hạnh phúc chân thật duy nhất không bao giờ mất đi vào chính tâm họ.
    Chấm dứt quyển một “The Initiate” xuất bản năm 1916 (phần hai 'The Circuitous Joumey' sẽ đăng riêng).

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. SƯ ÐỊA LUẬN THÍCH
    By phanquanbt in forum Đạo Phật
    Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 27-05-2013, 02:57 PM
  2. ÐẠI THỪA VÀ SỰ LIÊN HỆ VỚI TIỂU THỪA
    By phanquanbt in forum Đạo Phật
    Trả lời: 4
    Bài mới gởi: 08-02-2013, 09:12 PM
  3. Trả lời: 15
    Bài mới gởi: 04-09-2012, 06:08 AM
  4. Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 19-02-2012, 04:24 PM
  5. ba điểm tinh yếu trên đường tu giác ngộ
    By phúc minh in forum Mật Tông
    Trả lời: 9
    Bài mới gởi: 01-05-2011, 06:42 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •