Đổ xô đi xem vân tay để đoán biết tương lai không có cơ sở khoa học

Chủ nhật 13/10/2013 06:55

ANTĐ - Thời gian gần đây, nhiều bậc phụ huynh trên Địa bàn Hà Nội được mời chào phân tích vân tay cho con em mình để biết được chỉ số thông minh, năng khiếu, phương pháp giáo dục, tương lai và nghề nghiệp sau này. Mức giá mà các công ty đưa ra là 2,8 triệu đồng cho một lần phân tích. Còn nếu xem vân tay để được tư vấn hạnh phúc lứa đôi thì mức giá còn lên tới 5,8 triệu đồng.







Quảng cáo quá mức

Chị Nguyễn Ngọc Hà, phường Thành Công, quận Ba Đình cho biết: Hôm đó tôi đang chờ đón con tan học thì được phát tờ rơi mời phân tích vân tay cho con với những quảng cáo như: Hãy trải nghiệm phương pháp phân tích vân tay để giúp bạn định hướng phương pháp học tập và lựa chọn nghề nghiệp phù hợp nhất. Các chỉ số phát triển trí tuệ được phân tích trong báo cáo phân tích vân tay là: Chỉ số tiềm năng nhận thức não bộ, khả năng tư duy logic, khả năng tưởng tượng, kiểm soát, vận động, khả năng diễn đạt, trình bày bằng ngôn ngữ, khả năng cảm nhận, lắng nghe, chỉ số đánh giá hình ảnh, biểu đồ, đồ thị, tương quan phát triển 4 chỉ số EQ, IQ, AQ, và CQ…

Vì tò mò nên tôi cũng dẫn con trai học lớp 1 đến một trung tâm phân tích vân tay theo quảng cáo. Sau khi quét 10 dấu vân tay và đóng 2,8 triệu đồng lệ phí, họ hẹn chúng tôi 4-5 ngày sau lấy kết quả. Tuy nhiên khi nhận kết quả tôi hoàn toàn thất vọng vì đó là một bản nhận xét rất chung chung và đặc biệt là không hề đúng với tính cách, sở trường của con trai tôi hiện tại. Ngay sau đó tôi đã ném tờ kết quả vào sọt rác và nghĩ rằng mình đã mất tiền oan cho việc này.

Cầm theo tờ quảng cáo, phóng viên đã tìm đến một trung tâm phân tích vân tay trên đường Quốc Tử Giám. Tiếp chúng tôi là một nhân viên còn rất trẻ. Khi được hỏi về cơ sở phân tích vân tay của trung tâm là gì thì cô gái này nói đó là bí mật, không thể tiết lộ. Cô gái này nói máy scan sẽ quét 10 vân tay lên máy tính và các chuyên gia tại công ty sẽ phân tích và đưa ra kết luận. Tuy nhiên tôi nghi ngờ về trình độ của các chuyên gia tại đây vì hiện tại Việt Nam chưa có trường học nào đào tạo nhân lực về việc phân tích vân tay. Nếu như có cơ sở khoa học, tại sao phải bí mật và không được tiết lộ. Không chỉ tư vấn năng khiếu bẩm sinh, phương pháp giáo dục cho trẻ em mà trung tâm này còn quét vân tay để tư vấn hạnh phúc lứa đôi cho các cặp vợ chồng với giá từ 3,8-5,8 triệu đồng.

Nhìn lên tường, chúng tôi thấy có những tấm áp phích quảng cáo: Vân tay của bạn thuộc dạng nào: WT (tính độc lập cạnh tranh và thống trị cao, sáng tạo nhiệt tình và cương quyết); WS (tính độc lập cạnh tranh và thống lĩnh, tuy nhiên mức độ thấp. Sáng tạo, nhiệt tình, cương quyết); WE: cá tính bay bổng nhiều cảm xúc… Có 10 dạng vân tay kiểu như thế và tất cả đều rất chung chung, mơ hồ. Có một nhà khoa học phát ngôn cho trung tâm này là một giảng viên thuộc khoa Tâm lý học, Đại học Quốc gia Hà Nội. Vì vậy không ít người tin rằng đây là một phương pháp mang tính khoa học và đã được một nhà khoa học, một giảng viên ủng hộ.
Không chỉ Hà Nội mà tại TP.HCM cũng có khá nhiều công ty làm dịch vụ này. Có một điểm chung giữa các công ty này là đều quảng cáo dựa vào phương pháp của TS người Mỹ Howard Garden để phát triển.






Không có cơ sở khoa học

Để kiểm chứng dịch vụ này, chúng tôi đã tìm đến GS. TS Lê Đình Lương - Chủ tịch Hội Di truyền học Việt Nam, một người đã nhiều năm nghiên cứu về vân tay. GS Lương cho biết: Ở Trung tâm Phân tích ADN và công nghệ di truyền của chúng tôi cũng phân tích vân tay nhưng là vân tay được xây dựng trên cơ sở ADN. Còn phân tích vân tay mà các công ty phân tích vân tay trên địa bàn Hà Nội đang sử dụng là dùng một phương pháp cao cấp là trên cơ sở tin học. Nhưng có điều tin học thì phải có đầu vào và đầu ra. Mình phải đưa đầu vào, dùng máy tính cho chúng ta đầu ra, đầu ra đó có thể cho kết quả để ứng dụng cái này cái kia.

Đó là tin học. Nhưng đầu vào của nó phải là những dữ liệu đáng tin cậy. Những dữ liệu mà tôi được biết hiện nay người ta đang làm là sinh trắc học: tức là dùng máy đo đạc những kích thước và họ phân ra những chi tiết trên tay và sử dụng các phần mềm khác nhau. Các phần mềm đó là do các tác giả về tin học ở nước ngoài cung cấp. Từ quan điểm của tôi những dữ liệu đưa vào theo sinh trắc học là không đủ độ tin cậy cho các phần mềm máy tính hoạt động. Và vì vậy đầu ra sẽ rất rất không đáng tin cậy. Đầu vào phải là những dữ liệu thuộc AND hoặc gen hoặc tế bào, nhiễm sắc thể. Những cái đó đầu ra mới có cơ sở tin tưởng một cách đầy đủ. Đầu vào đã đưa vào những dữ liệu không đáng tin cậy, rất thô thì đầu ra cũng sẽ cho chúng ta những kết quả khó tin tưởng. Tôi nhớ là họ có đưa vào đây một nhà khoa học là giảng viên khoa Tâm lý học, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tuy nhiên khoa học ngày nay bát ngát, bao la. Và khoa học chỉ hiểu đúng chuyên ngành của mình mới gọi là chuyên gia. Còn nhà tâm lý học lại phán xét về sinh học hoặc tin học thì rất không đáng tin tưởng. Giống như một nhạc sĩ đi nói về gen, anh sinh vật nói về vũ trụ là không được, không ai nghe cả.

Giáo sư Lê Đình Lương cũng cho rằng phương pháp phân tích vân tay này có thể tham khảo nhưng không đáng tin cậy, không là cơ sở khoa học để quyết định một bước ngoặt cho cuộc đời con mình là đi theo ngành gì, nghề gì. “Tôi không tin là sử dụng vân tay có thể biết được rằng sau này làm nghề gì, tương lai như thế nào. Việc này giống như gần đây báo chí đưa tin lựa chọn vận động viên dựa vào gen. Đây cũng là một hình thức PR trong hoàn cảnh lộn xộn. Giờ thì thông tin này đã yên ắng”- Giáo sư Lê Đình Lương nói.


Như vậy có thể thấy, các bậc cha mẹ không nên quá tin vào quảng cáo, gửi vân tay để đọc các chỉ số thông minh của con em mình. Bởi theo các chuyên gia, đây là một việc làm không có cơ sở khoa học. Khi trẻ có năng khiếu sẽ bộc lộ rất rõ từ khi học lớp 3, lớp 4 và bố mẹ có thể khuyến khích con em mình phát triển năng khiếu đó. Tính cách con trẻ cũng được bộc lộ từ nhỏ và cha mẹ là người hiểu con nhất, cả những ưu và nhược điểm. Còn công việc và nghề nghiệp của một con người còn thay đổi rất nhiều dựa vào sự thay đổi của xã hội, cơ may và sự phấn đấu, nỗ lực của cá nhân. Không thể dựa vào một bản kết luận mơ hồ không có cơ sở khoa học để ép con em mình phải theo những thông tin trong bản kết luận đó. Hơn nữa chi phí 2,8 triệu đồng cho một bản phân tích vân tay tại Việt Nam vẫn là một chi phí quá cao, chưa phù hợp với đại đa số người dân.


Cuối thế kỷ XIX, ở các nước trên thế giới đặc biệt là ở Ấn Độ, Nhật Bản, Argentina và Vương quốc Anh đã công nhận tầm quan trọng của mẫu vân tay sử dụng trong thực tế. Francis Galton (1822-1911) đã tiến hành nghiên cứu sâu rộng vào tầm quan trọng của mô hình đường vân như một phương tiện nhận dạng, di truyền dấu vân tay. Mặc dù nhiều khám phá quan trọng liên quan đến ý nghĩa tâm lý của mẫu vân tay đã được thực hiện, lực đẩy chính của nghiên cứu khoa học vân tay trong nửa sau của thế kỷ XX đã được hướng vào nghiên cứu di truyền và chẩn đoán dị tật nhiễm sắc thể. Điều tra quan trọng cũng đã được thực hiện vào các chỉ số vân tay của bệnh tim bẩm sinh, bệnh bạch cầu, ung thư, bệnh loét dạ dày, rối loạn đường ruột, rubella, bệnh Alzheimer, tâm thần phân liệt cũng như các hình thức khác của bệnh tâm thần.
Hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu vân tay yêu cầu một mức độ chính xác rất cao trong khả năng tiên lượng của họ từ các tính năng của tay. Tiến sĩ Stowens, Giám đốc Bệnh học tại bệnh viện St Luke ở New York, tuyên bố có thể chẩn đoán tâm thần phân liệt và bệnh bạch cầu lên đến một độ chính xác 90% so với mẫu của bàn tay. Và ở Đức, Tiến sĩ Alexander Rodewald báo cáo anh ta có thể xác định bẩm sinh bất thường với độ chính xác 90% so với việc xem xét các tính năng của bàn tay .

Khánh Hòa