Vào ngày 11/7 vừa qua, Tòa án Tối cao Mỹ tại thành phố Philadelphia (tiểu bang Pennsylvania) đã chính thức mở phiên xử một vụ tranh chấp được công luận đặc biệt lưu tâm. Nguyên đơn là hậu duệ của một dòng họ kim hoàn danh tiếng, còn bị đơn không ai khác lại là chính quyền hành pháp liên bang liên quan đến số tài sản đắt giá bị tịch thu.



Mọi chuyện xoay quanh đồng tiền xu có mệnh giá 20USD, nổi danh qua biệt hiệu "Double Eagle" (Đôi chim ưng) được đúc bằng vàng từ năm 1933 khi vừa kết thúc cuộc Đại khủng hoảng kinh tế thế giới. Theo báo cáo chuyên môn của Kho bạc Nhà nước, hơn 40 vạn đồng xu thành phẩm chưa kịp phát hành đã phải đem nấu chảy thành vàng thỏi, dựa theo Sắc lệnh ngày 15/3 (dưới thời Tổng thống đương nhiệm Franklin Roosevelt) trước nguy cơ các ngân hàng ngừng đưa vàng ra lưu thông.

Đến năm 1937, Bộ Tài chính Mỹ đã hoàn tất nghiêm lệnh trên, các thỏi vàng cấu thành từ những đồng xu được cất giữ tại khu hầm ngầm bên dưới căn cứ quân sự Fort Knox ở tiểu bang Kentucky. Như vậy danh chính ngôn thuận nếu cá nhân nào tình cờ sở hữu được đồng "Double Eagle", lẽ dĩ nhiên đó là đồ phi pháp.



Đại diện nguyên đơn Roy Langbord (phải) cùng luật sư B.H.Berke.


Trong thập niên kế tiếp, hàng chục đồng xu "Đôi chim ưng" đã xuất hiện lén lút trên thị trường, nhưng Cục Mật vụ trực thuộc Bộ Tài chính là cơ quan chuyên nhiệm với việc bài trừ nạn làm bạc giả chỉ thu được 9 mẫu vật tương tự. Theo hồ sơ tư pháp thời ấy, tất cả những kẻ bị bắt do tàng trữ tiền xu "Double Eagle" đều khai rằng, họ mua lại từ nhà kim hoàn gốc Israel Izzy Swift ở Pennsylvania, hoặc từ những kẻ trung gian liên quan đến ông này.

Còn theo các nguồn tài liệu khác nhau, I.Swift đã dựa vào mối quan hệ với đám nhân viên làm trong xưởng đúc tiền địa phương, nên biết về tiến trình chế tác tiền xu mới. Cụ thể là với viên thủ quỹ George McCann của Sở Đúc tiền Pennsylvania để có được những đồng xu vàng. Song song tồn tại một giả thuyết nữa là I.Swift có thể đã thành sở hữu chủ hợp pháp, sau khi công khai dùng vàng thỏi đổi lấy tiền xu hòng giản lược công đoạn nấu chảy, nhưng chuyện này không thấy văn bản lưu trữ nào đề cập đến.

Đồng xu vàng duy nhất không liên quan đến nhà kim hoàn I.Swift thuộc về cựu hoàng Ai Cập Farouk, người có giấy phép mang đồ lưu niệm ra khỏi nước Mỹ dạo cuối thập niên 40. Đến năm 1954, tại Cairo có cuộc bán đấu giá bộ sưu tập của vua Farouk bị phế truất 2 năm trước, trong đó gồm cả đồng tiền vàng "Đôi chim ưng" nói trên. Tuy Chính phủ Mỹ yêu cầu không nên bán đồng xu đi, nhưng nó đã biến mất khỏi phiên đấu giá để gần nửa thế kỷ sau mới tìm lại được.

Đồng "Double Eagle" này được hải quan New York phát hiện trong người nhà sưu tập Steven Fenton đến từ nước Anh. Washington liền quyết định cho đấu giá đồng xu cực hiếm, kết quả bán được tới 7,59 triệu USD là mức giá cao nhất về một đồng tiền kim loại cổ của Mỹ. Riêng ngài David Tripp, cựu Giám đốc Nhà bán đấu giá Sotheby's, kiêm Trưởng đại diện của Chính phủ Mỹ trong vụ án này, thì cho tới lúc ấy chỉ còn hai đồng xu "Đôi chim ưng" nguyên bản đang nằm trong bộ sưu tập chính thức cấp nhà nước mà thôi.



Những đồng xu do J.S.Langbord phát hiện ra.


Về phần nguyên đơn, trong khi chính giới Mỹ tin rằng, không còn một đồng tiền vàng ngoại lệ nào nữa thì đột nhiên bà Joan Swift Langbord, con gái của I.Swift loan báo rằng đã tìm thấy 10 đồng xu "Double Eagle" niên đại 1933 trong một chiếc két gia bảo. Bộ Tài chính lập tức tịch thu sung công quỹ số hiện vật tương đương 76 triệu USD, khơi mào cho một cuộc chiến pháp lý chưa từng có về quyền sở hữu đích thực.

Giới hậu duệ của nhà kim hoàn đã mất 21 năm tự tin rằng phần thắng ắt thuộc về họ, chiểu theo quy định về quyền thừa kế tài sản bất di bất dịch được luật pháp bảo trợ. Còn ông D.Tripp khẳng định đó là đồ ăn cắp, được cố tình cất giấu để sau nhiều năm biến thành của gia truyền. Lập luận của vị đại diện cho chính quyền là đồng xu ấy chưa bao giờ được phát hành, do vậy vẫn thuộc về tài sản của Chính phủ Liên bang.

Luật sư nổi tiếng người New York Barry H.Berke, trưởng nhóm thầy cãi biện hộ cho gia đình nguyên đơn lại bám vào luận điểm, rằng một khi chưa chứng minh được những đồng xu cổ là đồ chôm chỉa phi pháp, thì không ai có quyền tịch thu chúng…

Phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài 2 tuần, trước khi có phán quyết cuối cùng chưa rõ sẽ nghiêng về bên nào




Trần Hồng (tổng hợp)