Người tìm chữ cổ

Không phải là nhà khoa học, không hưởng lương chuyên môn nhưng 50 năm qua, dù thế chấp mất sổ hưu để vay tiền, dù quỹ thời gian ngày một ngắn và dù mang trong mình nhiều thứ bệnh tuổi tác nhưng ông sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào vì chữ Việt cổ…
"Học sinh" thời… vua Hùng
Một người bạn đưa tôi đến con phố nhỏ ở phường Tân Dân, thành phố Việt Trì và gõ cửa một ngôi nhà giản dị. Gia chủ là người đàn ông khá cao lớn, mặt vuông, miệng rộng, vẻ quắc thước pha chút phong trần. Bên cạnh bàn nước là một tủ sách chia ngăn đơn giản, nhưng điều lạ là mỗi ngăn tủ đều được ghi dấu bên ngoài bằng những hình vẽ tôi chưa thấy bao giờ. Phía trong là những cuốn sổ, sách, tài liệu cũng viết ngoài bìa thứ hình uốn éo vươn dài như vậy.


Ông Xuyền và những con chữ ông khảo cứu
Chủ nhà được giới thiệu là nhà giáo Đỗ Văn Xuyền, trong văn chương thì bút danh là Khánh Hoài. Câu chuyện bắt đầu và xuyên suốt của ông cũng chính là những hình vẽ lạ mắt kia. Ông nói đó là chữ và ông có thể đọc được. Chỉ tay vào những ký hiệu ngoài ngăn tủ ông đọc: “Lịch sử, tài liệu từ hiện vật, tài liệu thư tịch, sắc phong, ngọc phả… Còn những cuốn sách này là hồ sơ về đền Mẫu, lịch sử Thiên cổ miếu… Tất cả những thứ gì của riêng tôi mà cần ghi bằng chữ thì tôi đều dùng chữ của tổ tiên”.
Ông đưa ra những cuốn sổ tay, lịch ghi chép và cả những phong thư… của ông cũng đều ghi bằng “chữ Việt cổ có từ thời vua Hùng”, ông khẳng định. “Buổi lập nước, triều đại vua Hùng, chúng ta có một nền giáo dục rực rỡ. Chúng ta đã có chữ viết trước Hán”.
Ông chứng minh bằng tấm bản đồ Việt Nam tự tay ông vẽ với những ký hiệu đánh dấu sơ đồ các ngôi đền thờ thầy giáo, học sinh và địa điểm trường lớp qua các thời vua Hùng, An Dương Vương - Triệu Đà và Hai Bà Trưng. Tấm bản đồ đánh dấu cả những ký hiệu về dấu tích chữ Việt cổ còn sót mà ông tìm thấy trên bãi đá cổ, trên hiện vật và tài liệu cũ.
Tất cả hơn 60 địa điểm trải dài từ Hà Tĩnh trở ra miền Bắc. Bản đồ được vẽ tay rất tỉ mỉ… “Vì anh là người Việt Nam làm những công việc liên quan đến chữ nghĩa nên tôi tặng anh thứ này”, ông giáo già mở tủ, trao khách một quyển sổ nhỏ bằng bàn tay, bìa và ruột cùng một thứ giấy. Nhan đề cuốn sổ: “Giải mã chữ Việt cổ (tóm tắt sơ lược)”.
Bên trong là hai hàng ký tự La-tinh và Việt cổ viết song song. Chữ “i” la tinh viết thế này thì tương ứng đọc là “i” chữ Việt cổ viết thế kia. Sách có tổng số 16 trang ghi các phần nguyên âm đơn, nguyên âm ghép, các phụ âm và một số thí dụ ứng dụng ghi các từ, ngữ Việt Nam bằng chữ Việt cổ. Có lẽ sợ có sự nhầm lẫn dạng chữ này với một số ký tự tương tự nên cuốn sách nhỏ còn dành phần phân biệt chữ Việt cổ với chữ Thái đen, Thái trắng, đông bắc Thái Lan, Khăn tì Ấn Độ, Khoen Myanma, Lào xổng và Lự mới Vân Nam.
Toàn cuốn sổ đều được viết tay, đánh số trang, đóng gáy và photo làm nhiều bản. Bất cứ ai là con cháu Lạc Hồng có chút tâm linh với nguồn cội, ông đều tặng không cuốn sổ như một sự “phổ cập chữ Việt cổ” tự nguyện và kỳ vọng.
Những người thầy ngày dựng nước
Hơn 50 năm trước, về với đất tổ với cặp giáo án và hộp phấn, ông là một anh giáo tuổi 20. Biết rằng mình đang sống ở nơi cắt rốn, chôn rau của dân tộc ngàn năm linh khí. Thế nhưng lịch sử huyền bí, giặc dã, biến thiên cũng đã ngàn lần chôn lấp. Cho đến một hôm tham gia cùng đám học trò lao động ngoại khoá, ông giật mình thấy các em đào lên hàng rổ những rìu, dao, búa… đá.


Thiên cổ Miếu, thôn Hương Lan, xã Trưng Vương, TP Việt Trì, nơi thờ hai vợ chồng thày giáo Vũ Thê Lang, thời vua Hùng.
Ông bắt đầu để ý và thấy những đám ma, những người đào giếng, xây nhà… đưa lên những cổ vật mà nhìn vào nó như thấy hình bóng tổ tiên từ huyền sử. Ông bắt đầu lục tìm những tài liệu nghiên cứu trong và ngoài nước về các di tích khảo cổ nơi này. Năm 1989, khi đến xóm Quế thôn Hương Lan xã Trưng Vương, Việt Trì, ông thấy một ngôi miếu đổ nát. Cửa miếu có hai cây táu lớn đã rất lâu đời. Một cây nở hoa vàng và một cây nở hoa màu bạc. Miếu có tên Thiên cổ miếu. Tìm hiểu ông biết dân làng còn đào được ở đây một thanh kiếm đồng, một cái bát đồng có ghi thứ chữ lạ.
Đồi Giàm gần đó cũng được tìm thấy nhiều đồ đá, trong đó có cây rìu cũng chạm kiểu chữ này. Tìm ngọc phả soạn từ thế kỷ XVI nói: Miếu thời thầy giáo Vũ Thê Lang quê ở Mộ Trạch, Hải Dương và vợ là Nguyễn Thị Thục quê ở Đông Ngàn Kinh Bắc lên đây dạy học thời vua Hùng thứ XVIII. Hai người cùng mất ngày 2/2 năm 288 trước công nguyên, táng trong lòng miếu. Tìm sử sách Tây, Tàu, ta và ghép nối những câu chuyện cổ tích, dân gian; đến tận nơi nghi vấn tìm hiểu, ông đã “gặp” được nhiều thầy giáo khác của thời Vua Hùng, An Dương Vương, Hai Bà Trưng.
Đó là thầy Nguyễn Cầm Công và Nguyễn Công Ứng từ chùa Hương về Việt Trì dạy học. Làng Bồng Lai, huyện Từ Liêm có Hoàng Trụ, con công chúa Mỵ Châu Hoa theo học thầy Lỗ Công… Thời Hai Bà Trưng các tướng tá đều được học hành chu đáo như Lê Ả Lan, Lê Anh Tuấn ở Đường Lâm, Sơn Tây; tả tướng Phật Nguyệt, nữ tướng Lê Chân, nữ tướng Thiều Hoa… đều được sử chép là học chữ rất tài. Hai bà Trưng còn được mẹ là bà Man Thiện đón vợ chồng thầy Đỗ Năng Tế và Tạ Cẩn Nương về dạy chữ tại nhà…
Có thầy, có trò thì phải có chữ. Chữ Hán chỉ vào VN từ năm 186 do Sĩ Nhiếp đưa sang. Vậy trước đó, người Việt học chữ gì? Ông cho rằng, thời đó chúng ta đã có chữ viết nhưng khi người Hán đô hộ, họ đã xoá đi. Hàng ngàn năm dài, chữ Việt cổ chỉ có thể còn những mảnh vỡ, rơi rớt trong lời ăn tiếng nói, trong những vật phẩm ngàn năm chôn vùi dưới đất và thấp thoáng trong những công trình, tư liệu của nước ngoài.
Chữ của cha ông
Ông tìm thấy bộ chữ 17 ký tự gọi là hoả tự (nhìn giống ngọn lửa cháy) của Vương Duy Trinh viết trong “Thanh Hoá quan phong” in năm 1903 đã cho rằng đây là chữ Việt cổ còn sót lại ở Tây Bắc. Vương Duy Trinh viết: “Vì thập châu (vùng Tây Bắc) là nơi biên viễn (biên giới xa) nên dân ta còn lưu giữ được thứ chữ ấy. Các nơi khác, Sĩ Nhiếp bắt bỏ hết để học Hán tự”. Ông tìm thấy bộ chữ Thái thổ tự của Phạm Thận Duật phát hiện năm 1855 cũng ở vùng Tây Bắc.


Đây là loại chữ ông Xuyền cho là chữ Việt cổ
Ông nhận ra những sự ghi chép, suy luận đầy vô lý khi học giả này gọi đó là chữ của người Thái. Ví dụ: Chữ người Thái nhưng lại không ghi được những từ về gia đình, nhân luân của họ… Như vậy đây không phải chữ Thái. Ông Xuyền cho rằng, dân tộc ta nhiều đời bị đô hộ, chữ viết luôn bị xoá bỏ, dân ta đã lưu giữ truyền đời bằng những tín hiệu bí mật, nguỵ trang.
Và Phạm Thận Duật đã dùng cách nói khéo đó để gửi gắm, cất giấu tinh hoa tiên tổ. Ông tìm đến sách Thông giám cương mục của Chu Hi đời Tống nói: “Đời Đường Nghiêu thứ 5 (2352 trước công nguyên) người Nam Di Việt đến chầu, hiến con rùa lớn…”.
Sách Thông chí thời này nói tiếp: Lưng rùa rộng ba thước có chép chữ khoa đẩu (con nòng nọc), ghi chép việc từ khai thiên lập địa đến nay… Sách Lĩnh Nam Chích Quái của ta cũng ghi rõ điều này. Nhà nghiên cứu Lê Trọng Khánh cũng nhắc đến chữ khoa đẩu thời tiền sử của dân ta. Ông lại dựa thêm vào kết quả khai quật của nhà nghiên cứu người Pháp Côlani năm 1923 khi tìm hiểu nền văn hoá Hoà Bình đã tìm thấy hai chiếc đĩa gốm nhỏ ở chân núi Lam Gan khắc hai chữ dáng như chữ Sĩ, chữ Thượng của Trung Quốc nhưng lại có tuổi 8000 năm trước công nguyên, khi chưa có chữ Hán.
Ông tìm lời tựa cuốn tự điển Việt Bồ La xuất bản năm 1651 ở Rôma mà tác giả đã nói rằng: Người dạy tôi là một thiếu niên bản xứ trong 3 tuần đã đọc được các thanh và từ… để suy đoán rằng thứ chữ được dạy đó chính là chữ Việt cổ. Rồi bắt đầu ông đi đến rất nhiều miền quê ghi lại lời nói của dân bản xứ, liệt kê, đối chiếu so sánh và ghi chép suy luận, lý giải bằng chữ cổ…


Những trang viết trong cuốn “song ngữ” La Tinh- Việt cổ do ông Xuyền biên soạn.
Ông luôn bị ám ảnh một lời trong sử sách Trung Quốc và của nhà nghiên cứu Lê Trọng Khánh rằng xưa VN ta từng có chữ khoa đẩu (chữ có hình con nòng nọc). Đến một đêm, đang ngồi làm việc với những dòng chữ tiền sử thì bị mất điện, thắp ngọn nến đặt trước bàn, ông thảng thốt và giàn giụa nước mắt khi thấy trên trang giấy hình ảnh những con nòng nọc đang vươn mình bơi lội. Ông cho rằng tổ tiên đã phù trợ cho ông sức mạnh về với cội nguồn. Ông đã tìm đến nhà riêng giáo sư Hà Văn Tấn một trong những nhà sử học lớn nhất lúc đó.
Giáo sư ốm đã không thể làm việc từ lâu, nhưng khi nghe ông trình bày, giáo sư đã rơi nước mắt và ôm chặt vai ông động viên hãy tiếp tục thực hiện công trình mà giáo sư chưa thể hoàn thành ở đời này. Chủ tịch nước khi đó là đồng chí Trần Đức Lương đã lên tận Phú Thọ và dành một buổi dài trao đổi với ông về chữ viết của cha ông. Chủ tịch động viên, gửi gắm nhiều hi vọng và dặn dò các lãnh đạo tỉnh hỗ trợ ông…
Trong một lần đi tìm hiểu, ông đến ngôi miếu nhỏ ở huyện Lập Thạch thờ 4 người con của Lạc Long Quân, ông tìm thấy bản ngọc phả thời Trần Thái Tông, vào loại cổ nhất hiện còn. Ngọc phả viết: “… Nghiêu thế, Việt thường thị hiến thiên tuế thần quy, bối hữu khoa đẩu…” (thời vua Nghiêu, người Việt hiến rùa thần, trên lưng có chữ khoa đẩu). Ông cho rằng, đời này còn sống ngày nào ông còn đi tìm con chữ của tổ tiên ngày đó.
Những hành trình tìm chữ
Năm 2003, một buổi chiều trời mưa như trút nước, bão giật cấp 9, nhưng nghe tin ở Sa Pa, phát hiện một bãi đá cổ hàng ngàn năm tuổi, trên đá có những con chữ lạ, thế là ông già lập tức ba lô, cơm nắm, bánh mì khô, bi đông nước, máy ảnh… bắt xe đò lên đường. Mò vào rừng, nước lũ xoắn xiết réo gào, ông già dò dẫm lặn lội 2 ngày trời thì tới được bãi đá cổ. Bàn tay già nua run run bóc từng lớp rêu. Những con chữ vừa lạ vừa quen hiện ra trước mắt. Giữa sấm chớp mưa giông, ông già đã khóc một mình giữa rừng núi đại ngàn và những nét vạch nguệch ngoạc trên phiến đá rêu. Sau chuyến đó ông nằm liệt giường 4 tháng.


Bản đồ do ông Xuyền vẽ ghi dấu những đền thờ thày giáo, học sinh thời vua Hùng đến Hai Bà Trưng
Đó là chuyến đi kinh hoàng nhất, nhưng đau đớn nhất là câu chuyện trước đó 1 năm. Đang ở Hà Nội, 4 giờ chiều nghe điện thoại báo: Ở Việt Trì có người đào được phiến đá có chữ lạ. Ông lập tức lên đường. Tới nơi, đó là một khối chất cứng giống như tảng đá lớn có nhiều hoa văn lạ nhưng người ta có thể tách mỏng ra từng miếng một. Miếng thì có hình bản đồ, miếng thì có hai bàn chân con gái rất đẹp.
Tiếc thay, hiện vật vừa đưa lên khỏi mặt đất lập tức mủn tan ra thành đất vụn. Ông lên đỉnh Trường Sơn, gặp đồng bào Cọi tìm những trang sách bằng lá cây. Vào Nghệ An tìm thấy chữ Lào và qua miền Trung thấy những viên gạch đỏ khắc ngang dọc của chữ Chăm… Đều không phải là chữ Việt. Đó là những chuyến đi thất vọng.
Ông ghé Hà Tây, Ninh Bình. Ông về Thái Bình, Thanh Hoá. Ông ngược lên Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu… Ông đã dồn tất cả những đồng lương ít ỏi, những khoản tiền thơm thảo của con cháu và những đồng nhuận bút tượng trưng của mình cho những chuyến đi. Ông thế chấp sổ lương hưu để vay tiền ngân hàng tiếp sức cho cuộc hành trình bất tận về cội nguồn. Và, mức vay đã quá lớn để đến năm 2004 ông không thể còn đồng lương nào nữa.
Trước khi rời đất tổ, ông giáo già mời tôi chén rượu. Bà vợ ông nói: Mấy năm nay chồng tôi mới có một cuộc vui thế này, tôi không nỡ ngăn, dù ông ấy đang mang trong mình tới 4 thứ bệnh. Ông ngẩng lên, ánh mắt dù cười nhưng cũng đã đục mờ. Với ông phía trước không còn dài. Câu chuyện con chữ thì đã đằng đẵng thiên thu rồi. Nhiều triều đại, nhiều nhà nghiên cứu, nhiều người con Lạc Hồng từng đi qua và vẫn đang dang dở. Ông hỏi tôi: “Còn anh, anh có thể làm gì với mấy ngày bên con chữ của tổ tiên?”
Đạo Lý - Tự Trọng

http://vietnamnet.vn/psks/2008/03/771652/