Ngôi làng già và bí mật ngải yêu


Múa tung tung da dá và cồng chiêng ở làng Tà Vàng.
(LĐ) - Như một sự may mắn tình cờ, tiếng cồng chiêng âm vang cùng vũ điệu tung tung da dá dâng trời trong buổi sinh hoạt văn hoá của cộng đồng đồng bào dân tộc Cơ Tu huyện núi Tây Giang tỉnh Quảng Nam đã đẩy đưa chúng tôi đến với một trong những bí mật lớn nhất của đại ngàn Trường Sơn: Ngải yêu.
Câu chuyện ly kỳ về thứ "bùa mê, thuốc lú" được "nuôi" từ cây cỏ khiến con người ta say mê nhau như... "phải bùa, phải ngải" vốn lâu nay chỉ tồn tại một cách đầy mơ hồ trong màn sương huyền ảo giữa rừng già hùng vĩ bao la hoặc trong những câu chuyện đường rừng, giờ đây bỗng nhiên "mọc ra" ngay trước mặt chúng tôi với những con người bằng xương bằng thịt và loại cây cỏ lạ lùng có tên Ameer.

Làng già


Cây ngải yêu của bà Điệp.
Làng Tà Vàng lọt thỏm dưới thung sâu giữa rừng Trường Sơn, thuộc xã A Tiêng, huyện núi Tây Giang (Quảng Nam) giáp ranh với tỉnh TT-Huế và giáp biên với nước bạn Lào. Làng tựa lưng vào núi, sau làng là đầu nguồn khe suối Mà Lời con nước bao năm tuôn chảy về sông lớn A Vương.

Vài mươi ngôi nhà hầu hết dựng bằng gỗ lợp ngói, tranh, tre, vây quanh ngôi nhà gươl giữa làng theo truyền thống lâu đời của người Cơ Tu. Tôi "gặp" Tà Vàng liền có ngay cảm giác rằng đây là ngôi làng rất "điển hình" của cái sự "vừa truyền thống, vừa hiện đại", với cảnh trẻ em đá bóng bên nhà gươl, vài ngôi nhà dài truyền thống được lát nền bằng gạch men "lấp lánh" ra đến tận hàng hiên. Nhưng người làng Tà Vàng trong tiếng cồng chiêng và vũ điệu tung tung da dá trước nhà gươl vẫn hiện ra với vẻ nguyên sơ đại ngàn. Đàn bà choàng lên mình tấm tút thổ cẩm sắc vàng đen trắng, đàn ông đóng khố thổ cẩm, quây lấy nhau thành vòng tròn hoà điệu say sưa rất mực.

Cả làng 50 hộ, hơn 200 người thì có đến 1/4 là người già hơn 60 tuổi, đa phần 80-90 tuổi, vài người gần 100 tuổi. Ông Bhling UÁp, 60 tuổi, kể vanh vách tên tuổi từng người một, cho đến khi tôi giật mình nghe thấy: "Ông Bríu Bơ Hơ, 110 tuổi". Hầu hết những người già đều không biết tiếng Kinh. Con trai út ông Hơ tên Bình, 35 tuổi, nói: "Ông già không đến 110 tuổi đâu, nhưng gần 100 thì chắc. Ông còn mạnh lắm, vẫn đi rẫy trong núi Tà Lèn. Ngày trước rừng già ở ngay trong làng, rẫy ở bên suối Mà Lời.

Thế rồi rừng xa dần, đi bộ nửa giờ, rồi 1 giờ, chừ phải 4 giờ mới đến rừng. Rẫy cũng mất 2 ngày đi bộ. Bà già cũng hơn 80 tuổi rồi, sinh được 4 chị em mình, giờ có thêm 10 đứa cháu nữa". Ông Zơ Rum Sâm chen vào, tất nhiên qua thông dịch của anh Bình, ông cũng chỉ nhớ mình khoảng 65-70 mùa rẫy. Những người già đều không giấy khai sinh, chỉ tính tuổi trời theo mùa rẫy lúa nước trời. Bà A Lăng Geen, gần 90 tuổi, đi tuốt lúa trên rẫy vừa trở về làng với chiếc gùi trên vai nặng trĩu lúa. Đang mùa thu hoạch. Những người già hầu hết đều ở lại chòi canh trên rẫy từ nửa tháng đến hàng tháng mới về làng. Tôi trộm nghĩ, phải vì cuộc sống gần gũi giữa thiên nhiên Trường Sơn trù mật nên họ cũng được hưởng tuổi trời dài thêm chăng?


Trên đường vào rừng xem cây ngải yêu, bà Điệp cứ dùng rựa vót gậy.
Câu chuyện "ngải yêu"
Tôi cứ ấn tượng trước người đàn bà Cơ Tu vừa già, vừa có vẻ mặt dị tướng khó diễn tả với chiếc răng vẩu hiếm muộn chìa ra khỏi bờ môi. Qua "thông dịch viên" Bhling Thị Bới, 18 tuổi, tôi biết bà tên Ria Thị Điệp, 65 tuổi. Càng kinh ngạc hơn khi nghe Bới thì thầm: "Bà ấy biết ngải đó". Phải năn nỉ ỉ ôi, bà Điệp mới chịu kể "nhỏ giọt" như thử thách "cơn khát" của người nghe. Bà cưới được chồng nhờ một cây ngải "nuôi" trong rừng, chỉ cần 1 lá, dùng tay chà nát, lén bỏ vào túi áo quần, dưới chỗ nằm, hoặc xát lên người, thế là "nó" phải yêu mình ngay, yêu như "nó" (chồng) đã phải cưới bà, yêu bà cho đến tận lúc chết. Nhưng không được để "nó" biết, nếu "nó" biết sẽ phản tác dụng. Mỗi năm lại phải bỏ ngải một lần. Tối kị, và hậu quả là kinh hoàng, nếu để người ruột thịt khác giới "dính" phải ngải.

Xưa nay bà chỉ cho ngải để 3 người phụ nữ Cơ Tu tìm chồng. Bà cũng truyền ngải để con gái bà lấy chồng như ý... Lại "vận động, thuyết phục", bà Điệp mới chịu đưa chúng tôi đi xem loài ngải thần bí kia. Vớ lấy chiếc rựa đi rừng và chiếc gậy tre trong bếp, suốt trên đường đi không theo lối mòn, không một dấu chân người, qua 3 con suối, loanh quanh giữa rừng hơn 1 giờ, bà vừa đi, vừa dùng rựa vót vót đầu gậy, chẳng biết để làm gì, có lúc lại đi thật nhanh như hối hận về quyết định đã rồi, như muốn bỏ rơi, khiến chúng tôi chạy theo hụt hơi. Cuối cùng, bà dừng lại bên một mô đất cạnh suối, chỉ một bụi cây thấp tè, không thân, lá màu xanh hình bản kiếm dài vài tấc, có củ nhỏ. Liệu đó có phải là cây ngải yêu của bà?

Cây ngải yêu tiếng Cơ Tu là cây Ameer. Làng Tà Vàng có một người nữa biết ngải yêu, là bà Lăng Thị Ahút, hơn 90 tuổi. Bà Ahút có 3 đời chồng, 10 con, 14 cháu. Chuyện kể của bà Ahút giống bà Điệp ở sự dè dặt. Bà dùng hoàn cảnh của mình cùng tấm tút thổ cẩm để có được cây ngải từ một bà già ở làng Rà Bượp cùng xã, lúc bà đến đó ở với con trai bởi người chồng thứ nhất mất khi bà mới chưa đầy 20 tuổi. Dùng ngải, bà cưới được người chồng thứ hai. Nhưng với người chồng thứ ba thì chỉ có ngải "nghèo" kết đôi cảnh ngộ. Cách bỏ ngải của bà Ahút cũng đơn giản hơn, chỉ xoa ngải lên tay và lưng "đối tượng" một-hai lần. Bà từng bán ngải cho 13 người, đều là phụ nữ Cơ Tu ở nhiều làng, mỗi lá ngải đổi lấy một tấm tút thổ cẩm.

ng Bhling Eng - Xã đội trưởng A Tiêng kể, mẹ ông từng có ngải yêu. Những năm sau giải phóng, trước cảnh 6 thầy - cô giáo người Kinh tình nguyện lên đây dạy chữ cho đồng bào, nhiều năm không ai dám theo, bà đã cho ngải để họ về xuôi tìm được vợ, chồng. Trong làng, ông Eng biết có một người đàn ông vốn già, xấu, nhưng cưới được vợ trẻ đẹp nhất làng mới 18 tuổi nhờ vào "ngải yêu".

Theo tập quán, ngải chỉ truyền nữ, không truyền nam. Nhà ông Eng không có con gái, nên thứ ngải đó cũng mất đi theo bà... Tôi hỏi đùa cô "thông dịch viên" Bhling Thị Bới: "Sao không xin cho mình một lá ngải yêu" và nhận được câu trả lời: "Lớp trẻ bọn em bây giờ tự do tìm hiểu nhau, tình nguyện đến với nhau mới hạnh phúc, cần gì ngải yêu".

Những điều bí mật


Bà Ahút diễn tả cách bỏ ngải yêu trên "người mẫu" là Bhling Thị Bới.
Thạc sĩ dân tộc học Nguyễn Tri Hùng - Phó ban Dân tộc - Miền núi tỉnh - khẳng định: "Chuyện ngải yêu là có thật. Đồng bào Cơ Tu, Bhnoong, Xê Đăng còn có nhiều loại ngải công dụng khác nữa. Ngoài yếu tố tâm linh truyền thống tồn tại ở các tộc người còn khá "gần" với tự nhiên nguyên thuỷ, thì ngải vẫn giải thích được bằng khoa học. Đó đều là cây thảo dược". Các cây thảo dược được đồng bào nuôi trồng, chăm sóc, bào chế và sử dụng theo phương pháp bí truyền, trở thành các loại ngải độc hại người hoặc ngải thuốc cứu người. Ngải rọm có công dụng tránh thai, phá thai, chữa bệnh máu trắng ở phụ nữ.

Râu cọp là một loại ngải cực độc. Lá ngón cũng vậy, chính là cây "đoạn trường thảo". Nhân sâm Ngọc Linh nổi tiếng vốn được phát hiện từ loại ngải được đồng bào gọi là cây "thuốc giấu". Riêng cây ngải yêu cùng họ với cây nghệ, gừng. Còn công dụng "yêu", là do nó có chứa chất kích thích tình dục, có hương liệu, khi bào chế, sử dụng với các thủ thuật đặc biệt sẽ để lại "mùi" và sự "thèm thuồng" khó quên, khó cưỡng lại. Ông Hùng nói: "Nhưng đó chỉ là xúc tác ban đầu nối kết 2 người, còn về sau, thì như quy luật hôn nhân gia đình, sự gần gũi sẽ kết dính thành tình nghĩa, thành hạnh phúc, chứ chẳng phải bằng loại ngải kia. Tôi có người cậu từng bị cho là "dính" ngải yêu, cưới một phụ nữ Cơ Tu, ở lại núi luôn. Sau này, tôi hỏi, ông cậu cười bảo: "Tao chẳng cần biết có ngải nghiếc chi không, tao chỉ biết rất rõ là khi đó rất thích, rất thương, nên cứ đâm đầu chạy theo ý mình, quyết tìm mọi cách cưới vợ tao cho bằng được". Đó, quá "duy vật" đi chứ".

Chính vì bí truyền nên các loại ngải bao phủ lớp sương huyễn hoặc. Yếu tố ma thuật tồn tại trong đời sống tâm linh đồng bào dân tộc càng góp phần gia tăng sự huyền bí của ngải. "Tuy nhiên, các "thầy cúng, thầy pháp" lợi dụng ngải, đánh vào lòng cả tin của đồng bào, tạo nên những hủ tục cúng ma, "thổi" bệnh... Trước đây, chúng tôi từng giải quyết nhiều vụ án khá ly kỳ liên quan đến ngải, đến một số đối tượng lợi dụng nó nhằm gây rối trật tự xã hội, kéo lùi đời sống của đồng bào. Chỉ đáng tiếc, việc nghiên cứu khoa học để khai thác nguồn thảo dược quý hiếm, bí truyền của đồng bào vẫn chưa được thực hiện bởi các nhà dược học và dân tộc học" - ông Hùng nuối tiếc.

... Cuộc sống vẫn luôn dành chỗ cho những điều bí ẩn và tự nhiên vẫn chưa được con người khám phá hết. Có lẽ, ngải yêu sẽ còn mãi những điều bí mật. Cũng như bản thân tình yêu vậy...

Trương Tâm Thư

http://www.laodong.com.vn/Home/phong.../90428.laodong