Sự thật về viên gạch "hiển thánh"



(ANTĐ) - Suốt từ rằm tháng tư, một đồn mười, mười đồn trăm, rằng ở Hải Dương có một viên gạch hiện lên hình mặt người. Giữa thời công nghệ khoa học phát triển ầm ầm, chẳng ai tin. Nhưng cái sự tò mò vẫn khiến người người dấm dúi kéo nhau đi. Mấy người bạn bên Gia Lâm đi xem về bảo, Thánh giáng trần đấy! Không, đấy là nữ tướng Nam Phương đóng giả nam sống ở đời Trần, rồi họ còn đưa cả ảnh chụp qua điện thoại… ừ, đúng là hình mặt người.

Chỉ cách Hà Nội chừng 60km nhưng mãi 15h chiều sau nhiều giờ vòng vèo, lần hỏi, chúng tôi mới tới được thôn Xuân Trì, xã Hoàng Hanh, huyện Ninh Giang, Hải Dương. Nhớ lúc sáng đồng nghiệp cùng đi đùa: Phải 3h chiều là giờ hầu, các Ngài mới cho vào, tôi hơi rờn rợn…

Chuyện lạ có thật


Lầu Thiên Quan, xóm Nghè, thôn Xuân Trì, xã Hoàng Hanh, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương


Bên cái ao làng, ngôi đền rộng chừng 5-6m2 thấp bé nép dưới tán một gốc đa to lớn. Có lẽ ngôi đền đã một thời gian dài hoang phế. Mấy cụ già xóm Nghè dựng một quán nước dưới gốc đa cổ tiếp đón khách. Cụ Trương Thị Thảnh, 72 tuổi vồn vã: “Mời các bác ngồi uống nước rồi vào lễ các Ngài. Muốn cầu gì, nhờ các cụ đây khấn cho”. Sau khi cảm ơn và ăn chút quà quê “hưởng lộc Thánh”, chúng tôi vào đền thắp hương.

Ngôi đền nằm ngay đường làng, không gian thoáng đãng bởi ao rất rộng bao quanh. Trong đền khá đông người đang thành tâm khấn vái, rồi chen vai để ngó xem có hay không viên gạch hình mặt người. Cụ Phí Đăng Gốc kể: “Dân làng chúng tôi gọi đây là lầu, nghe các cụ nói lại, Thiên Quan giáp nam thờ Hà bá. Song ở làng có 2 quan thời Lý và thời Lê rất nổi tiếng nên phía đình, chùa đều thờ Đức thánh Trần, thờ Thành Hoàng, lầu Thiên quan được ví như đền Trình, thờ vọng các Ngài. Khi mở hội làng, bao giờ kiệu cũng rước qua và nghỉ chân ở đây. Khoảng năm 1960, lầu Thiên Quan bị phá dỡ nhưng mới “đụng” một phần, có người bị gạch rơi làm gãy chân, ai cũng sợ chẳng dám phá nữa”.


Rất nhiều người đã đến xem viên gạch lạ

Năm 1998, nhân dân thôn Xuân Trì quyên tiền sửa lại ngôi đền. Năm 2005 thì ốp gạch men trắng hoa chìm lên các ban thờ. Cụ Trương Thị Thảnh, người đầu tiên phát hiện ra viên gạch có hình lạ cho biết: Như mọi lần, cứ tuần rằm mồng một, chúng tôi lên lầu lau dọn, sắp xếp nhang đăng. Khi lau ban thờ Đức thánh Trần, tôi thấy có một hình mờ mờ trên viên gạch nên gọi cụ Bọc là thủ từ ra xem. Cụ Trịnh Thị Bọc cũng cho biết: Thấy sự lạ, tôi đưa tay sờ vào hình đó. Không phải vết khắc mà là những vết lõm từ bên trong hằn lên hình mặt người. Thế rồi từ hôm 14-4 âm lịch, hình đó cứ hiện dần lên, ngày một rõ hơn. Đến nỗi, như mấy người dân xóm Nghè nói, có một cháu học sinh THPT đúng ngày “bẩn” hồn nhiên vào ngó và nói đùa cợt trong lầu, hôm sau mắt sưng to tướng… Cả nhà sợ quá vội vàng ra làm lễ xin, thế là khỏi liền. Nhiều người nghe chuyện, thấy hãi. Thế là chẳng ai dám nói huyên thuyên, mó tay “sờ” nữa.

Xin các cụ trông coi đền, chúng tôi được phép quan sát viên gạch có hình lạ. Đây là viên gạch ở hàng thứ hai, loại gạch men trắng hoa chìm sản xuất tại Trung Quốc. Giữa viên gạch có một hình ước cao khoảng 5cm, rộng 3cm thể hiện khuôn mặt đội mũ miện, tai như đeo khuyên. Đây không phải là vết khắc chạm bằng vật sắc lên mặt men. Mặt gạch vẫn phẳng mịn chạy theo những nốt lõm từ bên trong. Một người dân ghé tai chúng tôi: Trông như mặt Phật, các anh nhỉ. Người khác lại bảo: Đấy là mặt Mẫu thì đúng hơn… Bà Lê Thị Minh ở xã Hồng Phúc sát bên khẳng định, đã 4 lần bà Minh dẫn người nhà đi xem, hình ảnh lần sau rõ hơn lần trước và đích thị đó là nữ tướng đóng giả nam đời Trần. Bà Minh còn kể: Cách đây chục ngày, dân ở đây còn thấy một nhà ngoại cảm nổi tiếng ở Tứ Kỳ dẫn nhiều đệ tử đến xem.




Ông thầy cũng bảo là “Nữ tướng đóng giả nam sống ở đời Trần”… Cụ Phí Đăng Gốc cho biết: Đám con cháu hồi sửa chữa ngôi đền, rõ ràng không phát hiện ra viên gạch bị lỗi. Bởi nếu thấy viên gạch hỏng, có gan to bằng trời cũng không dám ốp viên gạch lên ban thờ các Ngài. Vì thế chắc chắn hình ảnh này mới hiện lên thời gian gần đây. Cụ Phí Thị Mùi là một trong những người được giao chăm sóc ngôi đền cho biết thêm: Chúng tôi lau dọn các ban thờ bao năm nay nhưng những dấu tạo nên hình mặt người đúng hôm Phật đản mới có. Nhiều người bảo, viên gạch bị lỗi trong quá trình sản xuất và bây giờ nó mới hiện lên hình. Cứ cho rằng viên gạch có lỗi, cơ mà đã bị hỏng, lỗi thì phải lõm sâu, to chứ khó có thể tạo nên hình mặt người như thế...

Phía sau những đồn thổi

Cụ thủ từ Trịnh Thị Bọc tâm sự: “Chúng tôi tịnh chẳng kể chuyện viên gạch lạ hiển Phật hay hiển Thánh, mà do đám học sinh đi học về thấy bàn tán, thấy chuyện lạ thì đua nhau xem, đua nhau kể”. Sự việc lại đúng Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008 nên tin đồn lan nhanh, dân trong vùng, rồi người Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội cũng biết, có hôm ôtô 10h đêm vẫn về, chen nhau xếp hàng để xem hình lạ. Có người còn quay phim, chụp ảnh và truyền cho nhau, nên làng quê vốn nhỏ bé yên bình, quanh năm không một bóng ôtô bỗng chốc huyên náo, nhộn nhịp.

Cụ Bọc bảo, sau nửa tháng có chuyện lạ, khách đến đông, chính quyền xã phải yêu cầu bà con đảm bảo ANTT, nghiêm cấm lợi dụng tuyên truyền mê tín dị đoan. “Chúng tôi chỉ đón tiếp những người đến chiêm ngưỡng, vãn cảnh thôi chứ không cho ai đến lầu đồng bóng, tế lễ…”. Theo một cán bộ xã Hoàng Hanh, ngay sau khi xảy ra sự việc, UBND xã đã trực tiếp xuống kiểm tra và thống nhất quan điểm chỉ đạo, mời các cụ phụ trách lầu Thiên Quan và khu dân cư lên ký cam kết bằng văn bản không làm điều gì trái pháp luật và không làm điều gì kích động, tuyên truyền nhảm, bảo đảm ANTT, ATGT; đồng thời lãnh đạo xã cũng vận động, giải thích cho nhân dân hiểu, đây chỉ là hiện tượng ngẫu nhiên, không có căn cứ cho rằng Thánh giáng trần hay Mẫu hiện về… Nhưng do tò mò, người dân khắp nơi vẫn về xem, có ngày lên đến trăm người. Cũng theo vị cán bộ này, số tiền khách thập phương công đức ở Thiên Quan mới nửa tháng đã lên đến 10 triệu đồng.


Viên gạch lạ có hình mặt người

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Thuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang cho biết: UBND huyện đã báo cáo Ban Dân vận, Ban Tôn giáo tỉnh, cử công an huyện khẩn trương xác minh và cơ bản thống nhất với ý kiến của UBND xã Hoàng Hanh báo cáo - “Viên gạch lạ có hình mặt người chỉ là hình ảnh ngẫu nhiên, có sự trùng lặp do quá trình sản xuất viên gạch mộc, có thể công nhân vẽ lên gạch, qua quá trình tráng men và sử dụng lâu ngày gạch bị ẩm, bào mòn, tạo nên hình ảnh đó được rõ dần”.

Phía CAH cũng xác nhận, không có việc sử dụng hóa chất nhằm tạo dựng hình ảnh. Tuy nhiên khi được hỏi, nếu là hình vẽ do công nhân, thì sao hình ảnh không hiện lên sau khi nung ở nhiệt độ trên 1.000 độ C? Thêm nữa, một viên gạch men cứng như vậy, không thể có quá trình ẩm và bị bào mòn theo các nốt vẽ mà vân gạch, men tráng không bị ảnh hưởng… Nhiều vị lãnh đạo huyện và xã đều không thể lý giải hiện tượng ngẫu nhiên này và cho rằng, để mọi người hiểu rõ bản chất sự lạ trên, có lẽ các ngành chức năng quản lý văn hóa nên xem xét, nghiên cứu, xác định rõ sự việc, sớm có lời giải thích giúp chính quyền địa phương ngăn chặn các nguồn tin sai sự thật, kịp thời xử lý hiện tượng tổ chức cúng, lễ mê tín dị đoan.

Đồng quan điểm với ông Phó Chủ tịch huyện Ninh Giang, viên gạch lạ có hình mặt người chỉ là ngẫu nhiên, chúng tôi yên tâm ra về. Chợt nhớ mười mấy năm trước, cũng rộ lên chuyện cua có hình mặt người, rồi mai rùa có hình mặt người, tượng đá chảy nước mắt… gây xôn xao dư luận.

Rồi khi sự thật được sáng tỏ, nhiều người ồ lên, đáng thương thay cho sự ngơ ngẩn của mình. Rời xã Hoàng Hanh khi nhà nhà đã lên đèn. Mấy chị nông dân đang tãi lúa trước nhà với theo: Các bác đã thấy “Thánh hiển” chưa? Em thì em chửa tin. Nếu đúng Thánh về, mong Ngài phù trợ cho người dân chúng em bình yên, cơm no áo ấm, như thế chúng em tin liền… Xa xa dưới gốc đa cổ to đến mấy chục người ôm, ánh đèn hắt ra dưới tấm bạt che nơi các cụ trong thôn đang í ới mời khách. Vẫn có nhiều người đến xem viên gạch lạ có “Thánh hiển”.

Trường An - Bảo Lâm