kết quả từ 1 tới 4 trên 4

Ðề tài: Sự thật về cái chết - Kỳ 1: Cái chết và những khái niệm mơ hồ

Hybrid View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1
    Banned
    Gia nhập
    Jul 2011
    Nơi cư ngụ
    Địa ngục A tỳ
    Bài gởi
    1,957

    Mặc định Sự thật về cái chết - Kỳ 1: Cái chết và những khái niệm mơ hồ

    Không đơn thuần chỉ là một kẻ thù cần loại bỏ, hay một mục tiêu cần chinh phục - cái chết là một phần của tự nhiên mà con người buộc phải chấp nhận.

    Với nhiều người trong số chúng ta, cái chết có lẽ chỉ là một khái niệm trừu tượng tồn tại trên các tác phẩm điện ảnh hay văn học. Góc nhìn về nó đã bị thu hẹp trong một khung cảnh bi thương khi nhân vật chính thoi thóp trên chiến trường, một tên tử tù cố nuốt trôi bữa ăn cuối cùng trước khi lĩnh một loạt đạn vào người, hay một đường điện tim kéo dài phẳng lặng bất chấp mọi nỗ lực của các bác sỹ, kéo theo tiếng than khóc oán trách số phận của những người thân xung quanh.

    Cái chết vẫn diễn ra thường nhật trên các phương tiện thông tin đại chúng: ngôi sao chết vì chơi quá liều thuốc, thường dân chết vì bọn khủng bố. Cái chết diễn ra ngay trong những giờ học lịch sử, khi chúng ta phải cố gắng nhồi nhét con số tử vong sau mỗi cuộc chiến, mỗi trận dịch bệnh hay mỗi một thảm họa thiên tai.



    Nếu bạn nằm trong phần thiểu số còn lại, có lẽ bạn đã không may mắn phải chứng kiến nó diễn ra ngay trước mắt mình. Có thể bạn đã mất ông bà, cha mẹ sau một căn bệnh nào đó, hoặc đã mất bạn bè, người thân của mình sau một tai nạn giao thông, hoặc đơn giản chỉ là việc bạn đã ở không đúng nơi đúng chỗ khi cái chết diễn ra với một người mà bạn chẳng hề quen biết. Nhiều người có lẽ sẽ nghĩ rằng, cái chết thật bất công, bởi từ khi sinh ra đến giờ, chúng ta đã nỗ lực làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn nó. Chúng ta được tiêm phòng vaccine để đề kháng nhiều loại bệnh tật, chúng ta phát minh ra đèn xi nhan, gương chiếu hậu và phanh để ngăn cản các tai nạn giao thông, chúng ta được tuyên truyền rằng rượu và thuốc lá sẽ sớm làm con người biết thế nào là đau khổ và bệnh tật, chúng ta nhận được một mớ thuốc men cho mỗi khi cơ thể trở chứng…



    Nhưng cái chết không đơn thuần chỉ là một kẻ thù cần được loại bỏ, hay một trận chiến mà loài người buộc phải thắng. Nó là một phần tự nhiên của sự sống, nó sẽ diễn ra dù sớm hay muộn, dù bạn có muốn hay không, bởi cơ thể chúng ta được tạo ra không phải để trở thành bất tử. Hơn thế nữa, nó chính là giới hạn để tạo nên ý nghĩa của cuộc sống. Cái chết đặt áp lực lên vai bạn, và bạn chỉ có thể cảm nhận được nó nếu bạn đã sẵn sàng đón nhận nó.
    Cái chết dường như vẫn là một bí ẩn lớn đối với nhân loại. Thật đáng tiếc là những ai đã trải nghiệm nó đều không còn khả năng chia sẻ những gì mình biết với người khác. Trong phạm vi bài viết này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về những gì khoa học đã biết về cái chết – một định mệnh đang đợi bạn ở phía trước.

    Cái chết là gì?
    Theo dòng thời gian, cái chết đã được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau. Chúng ta thường hình tượng hóa nó, như một tử thần trùm áo khoác kín đầu cùng chiếc lưỡi hái quen thuộc, hay một thanh niên điển trai lịch lãm như Brad Pitt trong bộ phim “Meet Joe Black”. Trong ấn phẩm đầu tiên của cuốn “Từ điển bách khoa toàn thư Anh Quốc”, định nghĩa về cái chết có thể được tóm lược như là “sự chia rẽ giữa linh hồn và thể xác”, và định nghĩa này đã phần nào phản ánh quan niệm tâm linh, hay sự thiếu hiểu biết thời kỳ này. 15 ấn bản sau đó đã nối đuôi nhau ra đời, và khái niệm trên cũng đã kéo dài ra gấp 30 lần – một con số chứng tỏ hiểu biết vượt trội của chúng ta về cơ thể người. Nhưng thực tế là, trên phương diện sinh học thuần túy, rất khó để định nghĩa cái chết. Sự tiến bộ của y học và khoa học thực chất chỉ làm quá trình này ngày càng trở nên phức tạp hơn.



    Hãy thử tưởng tượng rằng bạn đang sinh sống ở thời điểm vài trăm năm về trước. Bạn đang sum vầy cùng gia đình thân yêu của mình, và bất chợt, người ông nội đáng thương của bạn quỵ xuống. Thay vì nhờ đến sự trợ giúp của bác sỹ, bạn buộc lòng phải gọi một người thầy tu đến để xác nhận tử vong. Những gì họ có thể làm là đặt một tấm gương trước mặt, hay một chiếc lông lên miệng – nếu chiếc gương không mờ đi, hay chiếc lông không đung đưa, nhiều khả năng con người bất hạnh đó đã không qua khỏi.
    Đến thế kỷ thứ 18, khi những hiểu biết về cơ thể người đã có những bước tiến mới, có thể giờ bạn đã biết cách kiểm tra nhịp tim, nhưng phải đến vài thập kỷ sau đó, chiếc ống nghe mới ra đời. Giờ đây, có thể bạn đã được nghe nói đến thử nghiệm Balfour, với việc luồn 1 chiếc kim xuyên qua da để vào tim và sau đó quan sát sự di chuyển của chiếc kim để kết luận xem tim của người đó còn đập hay không.



    Thời gian tiếp tục trôi qua, và người ta đã bắt đầu nhận ra rằng, ngay cả khi những dấu hiệu bên ngoài, như hô hấp và nhịp tim đã ngừng lại, vẫn có khả năng rằng người đó chưa chết. Đã có nhiều câu chuyện về việc một người bị chôn sống được kể lại. Cái chết, ở một mức độ nào đó, vẫn có thể bị đảo ngược.
    Giờ đây, chúng ta đã biết đến những công nghệ có thể thực sự đảo ngược cái chết. Phổi ngừng hô hấp, tim ngừng đập? Chúng ta đã phát minh ra những chiếc máy làm thay công việc đó. Máy khử rung, sonde dạ dày, sonde tiểu, máy thở, tim phổi nhân tạo, chúng ta đã làm tất cả những gì có thể để duy trì sự sống của một người.



    Giờ đây, giới y học cho rằng, mạch đập là chưa đủ để khẳng định sự sống của một người. Có một vài bệnh nhân không bao giờ có thể tỉnh lại một lần nữa sau khi đã được gắn với những thiết bị trên. Các bác sỹ bắt đầu sử dụng thuật ngữ “sống thực vật” hay “hôn mê không đảo ngược”. Vào năm 1958, các nhà thần kinh học Pháp diễn tả trạng thái này như là “coma depasse”, hay trạng thái trên cả hôn mê. Họ sẽ không bao giờ quay lại nữa, bởi não họ đã chịu quá nhiều tổn thương.

    Định nghĩa về cái chết

    Đây là những gì diễn ra vào thập kỷ 60: Y học đã có khả năng ghép tạng, và cho phép nhiều người có quyền được hi vọng vào một cơ hội thứ hai. Cùng thời điểm đó, những người chết não sẽ được duy trì sự sống bởi nhiều loại máy móc khác nhau, với mục đích chính là biến nội tạng của họ thành những “cơ hội thứ 2” đó. Năm 1968, Đại học Y Havard đã định nghĩa cái chết như là một tổn thương không hồi phục tới não, hay “chết não”.



    Theo một cách nào đó, định nghĩa của Havard có khá nhiều điểm tương đồng với phiên bản đầu tiên của cuốn Bách khoa toàn thư Anh, nếu coi linh hồn, hay bộ não là cái khiến con người có tính người, và trở nên độc nhất vô nhị. Ủy ban Havard tuyên bố rằng, một người được coi là chết, khi tính cách và trí nhớ của anh ta đã ra đi cùng với bộ não.
    Vỏ não – tầng cao nhất của bộ não, chính là nơi lưu giữ những thứ trên. Tuy nhiên, định nghĩa chính thức của nhiều nước phát triển đều cho rằng, quá trình chết não phải diễn ra ở toàn bộ bộ não, bao gồm cả vùng thân não. Đây là vùng điều khiển các chức năng sinh tồn của cơ thể như hô hấp, tuần hoàn…
    Việc sử dụng bộ não như là một định nghĩa về cái chết gặp khá nhiều trở ngại. Đứng trên quan điểm đạo đức và tình cảm, bạn sẽ nghĩ sao nếu nghe được tin người thân của mình đã ra đi, nhưng mắt bạn vẫn nhìn thấy rõ lồng ngực đang phập phồng theo từng nhịp thở, tay vẫn cảm nhận được hơi ấm trên cơ thể của họ? Trên phương diên khoa học thuần túy, liệu bộ não phải tổn thương đến mức độ nào để có thể coi là nó đã “chết”? Và với tốc độ tiến lên như vũ bão hiện tại của khoa học, liệu có đáng để tiếp tục giữ họ “tồn tại”, cho đến khi y học tìm ra một liều thuốc có thể đảo ngược toàn bộ tổn thương trên?



    Những vấn đề đạo đức sẽ được tiếp tục bàn luận ở phần sau, giờ hãy tiếp tục quay lại với quá trình cái chết diễn ra. Mặc dù định nghĩa về cái chết gắn chặt với hoạt động của bộ não, nhưng bạn sẽ hiếm khi thấy “chết não” được công bố như là một nguyên nhân chính thức. Chúng ta tỏ ra quen thuộc hơn với những thứ như ung thư, đột quỵ, trụy tim… Nhìn một cách tổng quan, nguyên nhân gây ra cái chết được phân bố vào 3 mảng: tai nạn, kết quả của những tổn thương từ tai nạn giao thông hay sinh hoạt, bạo lực, do tự tử hay bị sát hại, và cái chết tự nhiên, bao gồm những tổn thương và bệnh lý do tuổi già.
    Việc loài người hiện nay có thể chết bởi tuổi già là một khác biệt rất lớn so với tổ tiên của chúng ta. Với y học hiện đại, chúng ta đã tiêu diệt rất nhiều căn bệnh có thể khiến con người phải ra đi sớm hơn. Tất nhiên, với nguồn lực hữu hạn của Y học, vẫn còn rất nhiều nơi mà con người vẫn phải đối mặt với chúng. Theo Tổ chức Y tế thế giới, ở những nước kém phát triển, HIV/AIDS và tiêu chảy là những nguyên nhân tử vong hàng đầu, trong khi, đối với các nước phát triển, chúng là bệnh mạch vành, tai biến, ung thư và các bệnh lý hô hấp mạn tính.



    Tuổi thọ của nhân loại có thể đã được kéo dài thêm, nhưng không đồng nghĩa với việc chúng ta có thể thoát khỏi cái chết. Chúng ta có thể không phải đón nhận một cái chết bất thình lình, nhưng những khoảng khắc cuối cùng của chúng ta có thể kéo dài đến vô tận. Trong kỳ tiếp theo của bài viết, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về những gì diễn ra trong và sau cái chết, cùng với những quan niệm đạo đức của giới Y học về cái chết.

    còn tiếp

  2. #2
    Banned
    Gia nhập
    Jul 2011
    Nơi cư ngụ
    Địa ngục A tỳ
    Bài gởi
    1,957

    Mặc định Sự thật về cái chết - Kỳ 2: Điều gì đã xảy ra?

    Những tranh cãi vẫn tiếp diễn, giữa tôn giáo và khoa học, giữa những giả thuyết, trong từng đức tin.

    Cái chết diễn ra như thế nào?
    Không chỉ giúp con người sống lâu hơn, công nghệ còn giúp chúng ta có được những hình dung cụ thể về cái chết. Theo định nghĩa về chết não, bạn đã chết khi tính cách của bạn ra đi cùng bộ não. Và khi bộ não đã chết toàn bộ, bạn sẽ không còn khả năng tự thở. Mỗi hơi thở cung cấp lượng oxy cần thiết để phần còn lại của cơ thể có thể duy trì sự tồn tại. Rất đơn giản, cái chết bắt đầu diễn ra khi cơ thể bạn không còn duy trì được lượng oxy đó.



    Mỗi tế bào chết ở một tốc độ khác nhau, do đó độ dài của cái chết phụ thuộc vào việc tế bào nào bị thiếu oxy. Bộ não cần một lượng oxy rất lớn, nhưng sự dự trữ oxy của chúng gần như không có, do đó, việc cắt nguồn cung sẽ nhanh chóng dẫn đến quá trình chết tế bào (từ 3 đến 7 phút). Điều này giải thích vì sao một cơn đột quỵ có thể gây tử vong rất sớm. Điều này là hoàn toàn tương tự với quả tim.
    Bởi cơ thể chúng ta không được tạo ra để trở nên bất tử, đôi khi, các hệ cơ quan của con người chỉ đơn giản là dừng hoạt động. Khi chứng kiến một ai đó chết vì tuổi cao, rất có khả năng là bạn đang nhìn thấy từng cơ quan của người đó lần lượt sụp đổ.



    Có những dấu hiệu bên ngoài cho thấy các cơ quan trong cơ thể chúng ta đang dần “hết pin”. Một người sẽ ngủ nhiều hơn để duy trì nguồn năng lượng còn lại. Và khi nguồn năng lượng ấy tiếp tục suy giảm, người đó sẽ mất cảm giác thèm ăn, sau đó là uống. Nuốt trở nên khó khăn, miệng trở nên cực kỳ khô, và hệ quả là bạn sẽ rất dễ nghẹn nếu cố ăn uống. Cùng với đó là việc mất kiểm soát chức năng của bàng quang và đường ruột, nhưng đại tiểu tiện không tự chủ cũng hiếm khi xảy ra, khi các chức năng của đường tiêu hóa và tiết niệu cũng đồng thời giảm xuống, đưa đến hệ quả là cơ thể bạn sẽ kém hấp thu chất dinh dưỡng.
    Hấp hối là giai đoạn diễn ra ngay trước cái chết. Trong giai đoạn này, một người thường trải qua cảm giác mất phương hướng, mất kiểm soát thăng bằng. Cùng với đó là cảm giác khó khăn trong việc hớp lấy từng hơi thở. Chậm dần, chậm dần, thậm chí là những khoảng dừng đầy đau khổ giữa mỗi nhịp thở, được lý giải bởi lượng dịch đang dần phát triển trong 2 lá phổi của người đó. Các tế bào bắt đầu mất kết nối, họ bắt đầu xuất hiện tình trạng mê sảng và co cơ.



    Khoa học vẫn chưa chắc chắn về trải nghiệm của mỗi người trong giai đoạn này, nhưng với những người đã trải qua những trải nghiệm trước khi chết, họ đều khẳng định rằng nó không hề đau đớn chút nào. Những trải nghiệm này đều có những đặc tính riêng biệt, bao gồm cả sự yên bình, cảm giác tách rời ra khỏi thể xác và cảm giác đi qua một đường hầm tăm tối để tiến về phía ánh sáng.
    Một số nhà khoa học cho rằng, những trải nghiệm trước khi chết có thể do sự bài tiết endorphine trong thời điểm đó. Khi cả hệ hô hấp và tuần hoàn dừng hoạt động, cơ thể con người đã chính thức chết về mặt lâm sàng. Các tế bào không còn được duy trì năng lượng. Tuy nhiên, định nghĩa chết lâm sàng cũng đồng thời chỉ ra rằng, nó hoàn toàn có thể bị đảo ngược bởi các phương thức cấp cứu hồi sinh tim phổi, bởi thở máy hoặc tim phổi nhân tạo.



    Khi đã vượt quá ngưỡng có thể đảo ngược này, bạn đã chính thức chết về mặt sinh học. Quá trình này bắt đầu khoảng từ 4 đến 6 phút sau khi chết lâm sàng. Ngay sau khi tim ngừng đập, bộ não chỉ có thể chịu đựng được tình trạng thiếu oxy trong quãng thời gian đó. Khi đã vượt quá ngưỡng này, mọi nỗ lực hồi sức cấp cứu đều là vô ích.
    Điều gì thực sự diễn ra đằng sau những quá trình này, đó vẫn là một dấu hỏi lớn. Những tranh cãi vẫn tiếp diễn, giữa tôn giáo và khoa học, giữa những giả thuyết, trong từng đức tin. Một phần câu trả lời có thể sẽ được hé lộ, khi các nhà khoa học tiến hành giải phẫu tử thi và quyết tâm đi đến tận cùng cho câu trả lời.

    Chuyện gì xảy ra sau cái chết?
    Sau khi tim ngừng đập, cơ thể ngay lập tức “hạ nhiệt”. Giai đoạn này được biết đến với tên gọi “algor mortis”, hay “chết lạnh”. Thân nhiệt hạ xuống khoảng 1.5 độ F (hay 0.83 độ C) mỗi giờ, cho đến khi đạt đến nhiệt độ phòng. Cùng lúc đó, khi trái tim không còn đóng vai trò như một cái bơm thúc đẩy tuần hoàn trong cơ thể, máu sẽ đọng lại và bắt đầu đông đặc. “Rigor mortis”, hay sự co cứng tử thi, diễn ra khoảng 2 đến 6 tiếng sau khi chết.



    Toàn bộ hệ thống đã sụp đổ, nhưng vẫn còn vài thứ duy trì được sự sống của mình. Tế bào da vẫn có thể tồn tại độc lập cho đến tận 24 tiếng sau khi chết. Một vài thứ khác, dẫn đến sự phân hủy và rữa tử thi – chúng ta đang nói đến những vi sinh vật ký sinh tại đường ruột.
    Một vài ngày sau khi chết, những vi sinh vật này bắt đầu quá trình phân hủy vật chủ. Tuyến tụy – nơi chứa rất nhiều enzyme phân hủy, cũng đồng thời là nơi đầu tiên diễn ra quá trình này. Khi các vi sinh vật bắt đầu thực hiện nhiệm vụ “dọn dẹp”, cơ thể cũng bắt đầu chuyển màu – xanh, tím, và cuối cùng là đen.
    Nếu bạn không nhận thấy sự thay đổi này, sớm muộn bạn cũng sẽ ngửi thấy nó, bởi các vi khuẩn tạo ra những chất khí với mùi khá đặc trưng. Không chỉ khiến quan tài bốc mùi, những chất khí này còn làm cơ thể trương lên, 2 nhãn cầu bật ra khỏi hốc mắt, lưỡi sưng phồng và lồi ra ngoài. Trong một số hiếm các trường hợp, lượng khí này có thể tạo ra đủ áp lực để một tử thi mang bầu trút bỏ thai nhi ra ngoài – một hiện tượng được biết đến với tên gọi Coffin birth.



    Một tuần sau khi chết, da bắt đầu tách khỏi các mô liên kết, và chỉ với một cái chạm nhẹ, bạn có thể khiến chúng bật ra ngoài. Một tháng sau đó, đến lượt tóc, móng và răng “lên đường”. Tóc và móng, theo một số lời đồn đại, có thể mọc dài ra sau khi chết như-thể-bạn-còn-sống, nhưng thực chất, chúng chỉ trông phì đại ra khi da của bạn khô và co lại. Nội tạng và các mô dần hóa lỏng, làm cơ thể trở nên phù nề cho tới khi vỡ ra ngoài. Cho đến lúc này, cơ thể bạn không còn gì khác ngoài bộ xương.
    Phần lớn trong số chúng ta sẽ không bao giờ tận mắt chứng kiến quá trình này, bởi luật pháp buộc chúng ta phải làm gì đó với tử thi người đã khuất. Chúng ta có rất nhiều lựa chọn: sử dụng quan tài, hỏa tang, ướp xác, đông lạnh… Một vài nền văn hóa được biến đến với nghi lễ ăn thịt xác chết, trong khi một số khác để các loài vật lo liệu nốt phần hậu sự.



    Cách bố trí tử thi phụ thuộc rất nhiều vào văn hóa và tín ngưỡng. Một số nền văn hóa cổ xưa chôn người chết ở tư thế thai nhi, với niềm tin vào một vòng tuần hoàn trọn vẹn trong cuộc sống. Đôi khi, các chiến binh được chôn ở tư thế đứng thẳng, vĩnh viễn trong trạng thái sẵn sàng cho chiến trận. Người Do Thái liệm tử thi và giữ nguyên tư thế như khi từ trần. Người Hindu chọn hình thức hỏa tang, bởi họ tin rằng đó là cách giúp phần hồn hoàn toàn thoát khỏi phần xác, trong khi người Thiên Chúa Giáo rất ít khi chọn cách này bởi sự tôn trọng thân xác con người như là một biểu tượng của cuộc sống.

    Đạo đức Y học đối với cái chết.
    Nhờ vào những tiến bộ y học, giờ đây chúng ta có thể giữ cho cơ thể “còn sống”, ngay cả khi não bộ đã chết. Điều này cũng làm dấy lên khá nhiều tranh cãi, khi bác sỹ và gia đình bất đồng quan điểm về thời điểm cắt bỏ những trợ giúp đến từ máy móc này. Một ngày nào đó, rất có thể người nằm đó sẽ là người thân của bạn – bố, mẹ, vợ, chồng, liệu bạn có đủ can đảm để đưa ra quyết định cuối cùng?



    Duy trì sự sống cho đến bao giờ, đó là một câu hỏi lớn. Nhưng chấm dứt sự sống vào khi nào – đó cũng là một vấn đề không kém phần rắc rối và tế nhị. Bạn đã trải qua nhiều năm tháng vật lộn với bệnh tật, bạn không còn đủ ý chí và nghị lực, trên hết, bạn đang là một gánh nặng đối với những người xung quanh. Chúng ta luôn tin tưởng bác sỹ để họ làm những điều tốt nhất, nhưng đôi khi, những điều đó lại là việc chấm dứt nỗi dài vô tận. Tất nhiên, họ có thể dễ dàng được toại nguyện với một bơm tiêm morphine liều cao, nhưng chuyện này kéo theo sau đó rất nhiều gút mắc về mặt đạo đức và pháp lý.
    Làm sao một người có thể phán xét về sự chịu đựng của người khác? Chúng ta sẽ định nghĩa và định lượng sự chịu đựng này bằng cách nào? Và những tôn giáo, những niềm tin luôn răn dạy con người không được phép từ bỏ sinh mạng của mình? Những câu hỏi này vô hình trở thành rào cản không cho phép việc kết thúc sớm nỗi đau của rất nhiều người.



    Thời gian trôi đi, khoa học chỉ càng làm vấn đề đạo đức thêm phần thách thức. Con người, với bản năng của mình, luôn tìm cách kiểm soát số phận – thậm chí là cả cái chết. Đó là một trận chiến đối với những ai tham gia vào nó: người bệnh, người bác sỹ, hoặc một đấng tối cao nào đó. Bạn có thể vạch ra rất nhiều kế hoạch trong cuộc sống của mình, nhưng rất có thể bạn sẽ không chọn được cái chết cho mình. Đó là quy luật của tự nhiên, đó là một phần của cuộc sống, đó là áp lực đặt lên vai bạn, và đó là cách mà những ý tưởng thiên tài ra đời.
    Cái chết biến tất cả mọi người, tất cả mọi thứ xung quanh trở nên đẹp đẽ và ý nghĩa hơn đối với bạn. Hãy cảm nhận nó trước khi bạn nằm sâu vài mét dưới lòng đất.
    Last edited by ngụy quân tử; 18-08-2013 at 05:10 PM.

  3. #3

    Mặc định

    Hehe, tưởng đâu mất tích lão Ngụy rồi chớ, may là diễn đàn mở lại rồi. Lão Ngụy ngươi vào thì pm ta heng. Lần này ko để mất dấu lão nữa:))

  4. #4
    Banned
    Gia nhập
    Jul 2011
    Nơi cư ngụ
    Địa ngục A tỳ
    Bài gởi
    1,957

    Mặc định

    Hà hà.. ta biết lão King rất khoái đùi gà đồi Phú Thọ và chả mực Hạ long... hãy đợi đấy nhé. ta sẽ "bi em".....

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 19-02-2013, 10:00 PM
  2. ÐẠI THỪA VÀ SỰ LIÊN HỆ VỚI TIỂU THỪA
    By phanquanbt in forum Đạo Phật
    Trả lời: 4
    Bài mới gởi: 08-02-2013, 09:12 PM
  3. Trả lời: 12
    Bài mới gởi: 20-04-2012, 09:16 AM
  4. Thiền học
    By The_Sun in forum Thiền Tông
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 03-09-2011, 08:52 AM
  5. Tìm hiểu về TĐGCL
    By tinhkhithan in forum Đạo Việt Nam
    Trả lời: 33
    Bài mới gởi: 28-06-2011, 05:51 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •