Bạn sẽ chết đó là điều không thể tránh được. Bất kể bạn có loại thân thể nào, bất kể bạn đi đâu, bất kể bạn dùng phương pháp nào bạn cũng không thể ngăn được thần chết. Ngay cả một thân thể lành mạnh cũng không ngăn được cái chết. Lời Phật dạy về vô thường nói:

Nếu tất cả, ngay cả chư Phật Độc giác Phật và đệ tử Thanh Văn

Ai cũng phải từ bỏ thân xác, Thì cần gì nói đến thân người thường?

Khi chúng ta kể chuyện về đức Thế Tôn đã chứng được thân Kim Cương bất hoại, và về nhiều hành giả của Ấn Độ và Tây Tạng những người đã đạt đến sự hợp nhất, thì có thể ta thấy được như các Ngài vẫn còn tồn tại với chúng ta, tuy thế các ngài đã nhập Niết bàn. Nếu với con mắt phàm, đức đạo sư của chúng ta và những người khác đã chết và những thân Kim Cương của họ đã hủy hoại, thì làm sao những người như chúng ta lại không chết?

Khi đấng Đạo sư chúng ta sắp nhập Niết bàn, thì nhiều ngàn quyến thuộc Ngài như Xá Lợi Phất, vân vân, đã nhập Niết bàn trước Ngài. Rồi Đức Phật đấng đạo sư của chúng ta khi ở rừng Câu thi la, đã ra lệnh sửa soạn chỗ nằm cuối cùng của Ngài giữa hai cây sala. Lúc ấy ngài độ cho hai đệ tử cuối cùng là Pramudita, vua của các nhạc công cõi trời, và bà la môn Subhadra một người không phải là Phật tử. Họ không nỡ nào trông thấy Phật nhập Niết bàn, và Subhadra liền chết trước. Khi đấng đạo sư chúng ta sắp từ trần, Ngài lật thượng y lên và bảo mọi người nhìn kỹ lại thân thể của Ngài một lần cuối bởi vì khó mà nhìn thấy thân thể của một đức Như Lai. Lời dạy cuối cùng của Ngài tập trung vào vô thường. Rồi để chứng minh rằng thiền là căn bản, Ngài đã dạy.

Tất cả pháp hữu vi đều vô thường. Đây là lời dạy cuối cùng của Như Lai.

Rồi Ngài nhập Niết bàn. Khi biết được việc này, những vị La hán đã chứng được giải thoát một phần hay toàn phần cũng nhập Niết bàn; con số những vị này gần đến 500.

Lại nữa những bậc hiền trí của xứ Ấn như 7 vị tổ của nền giáo lý, 80 hành giả vĩ đại, 6 thứ trang hoàng (?) và Tây Tạng những người như Atìsha và các đệ tử, tất cả đều nhập Niết bàn; bây giờ chỉ còn lại danh tiếng về các ngài. Như thế thì chúng ta làm sao có thể thoát khỏi chết.

Khi Lama Tsongkapa Rinpoche một vị giáo đạo của ngài Đức Dalai Lama, giảng Lam-rim, người ta bảo có nhiều ngàn người trong chúng hội. Bây giờ không còn một ai trong chúng môn đồ ấy còn sống sót. Và người ta bảo Chushang lama Rinpoche giảng dạy rất giống với vị lama hiện tại của chúng ta; bây giờ chỉ còn danh tiếng các ngài. Trong 100 năm tất cả những gì còn lại về chúng ta sẽ là lời thuật lại rằng một cái gì đó đã xảy ra tại đất này. Nếu chỉ sau 100 năm, tất cả mọi người bây giờ đang ở lục địa phương nam - Trung Quốc, Mông Cổ, Tây Tạng vân vân, kể cả những hài nhi mới sinh hôm nay, chắc chắn đều sẽ phải chết không ai còn sống, thì không có số phận nào tốt hơn chờ đợi chúng ta cả.

Cũng thế nếu thời chết của bạn đến thì không có một nơi nào để bạn tránh khỏi chết. Lời Phật Về Vô Thường nói:

Dù ở đâu, không có nơi nào Ta thoát khỏi cái chết:

Không ở trên không, không ở dưới biển, Cũng không ở trong núi mà ta tránh được.

Một lần thái tử con vua Ba tư nặc định giết dòng họ Thích Ca. Mục Kiền Liên nghĩ đến phải sử dụng thần thông để làm cho vua Lưu Ly và quân đội ông ta quên lãng, nhưng đức Phật dạy không thể nào ngăn được. Một vài người nam nữ dòng họ Thích Ca được dấu trong bình bát của đức Như Lai; một vài được đặt trong lâu đài ở trên mặt trời. Nhưng những người dòng họ Thích Ca vẫn bị giết và ngày tàn sát họ cũng đã trôi qua từ lâu.

Chạy trốn, hối lộ, sức mạnh vân vân, Hoàn toàn vô hiệu nếu bạn sắp phải chết.

Kinh Pháp Cú nói:

Dù ai có ngũ thông Như những vị đại tiên, có thể bay lên không

Cũng không thể đi đến một nơi nào Không ở dưới uy lực của thần chết.

Nói cách khác, nếu sự chạy trốn có thể giải thoát bạn khỏi thần chết, thì sự có được thần thông hay phép lạ của những vị thần tiên cũng đủ để tránh xa tử thần. Nhưng ngay cả những người này cũng không thoát khỏi chết.

Ngay cả sức mạnh cũng không thể ngăn thần chết. Sư tử là loài vật hùng mạnh đến nỗi có thể đánh bại những con voi, làm nứt nẻ đầu của chúng, nhưng khi cái chết đến thì sư tử cũng phải chết với 4 móng què quặt. Ngay cả một ông vua chuyển luân đầy quyền lực cũng phải chết, tất cả uy quyền của ông không thể làm gì được. Chúng ta thích tài sản của cải nên tưởng rằng những thứ ấy sẽ hối lộ được thần chết; nhưng người ta bảo rằng dù có được viên ngọc ước của chuyển luân vương cũng không hói lộ được thần chết, thì làm sao chúng ta có thể nói đến việc hối lộ ông ấy? Kinh Lời Chỉ Giáo Dành Cho Vua nói:

“Giả sử có 4 ngọn núi ở 4 hướng; rất vững chắc, bền bỉ, bất khả hoại, không bị nứt nẻ, không nao núng, rất cứng… cả 4 ngọn núi ấy đang cùng áp đến; chúng động tới trời và lao vào đất. Chúng sẽ nghiền nát tất cả thành bột: cỏ cây, cành lá, tất cả hữu tình, sâu bọ, 4 đại chủng… Không thể ngăn chúng lại bằng cách trốn tránh, bằng sức mạnh, bằng tài sản, bằng thần chú hay thuốc men.

Này đại vương, 4 nỗi kinh hoàng lớn tương tự đang đến: chúng không thể được ngăn lại bằng sự trốn tránh, sức lực, tài sản, thần chú hay thuốc thang. Bốn núi đó là gì? Tuổi già, bệnh, tàn tạ và chết. Đại vương, tuổi già sẽ đến phá hủy sự chín chắn của ông. Bệnh sẽ phá hủy sức khỏe của ông, sự tàn tạ sẽ đến phá hủy vẻ huy hoàng của ông, chết sẽ đến phá hủy sinh lực của ông. Bốn thứ này sẽ đến phá hủy vẻ huy hoàng của ông, chết sẽ đến phá hủy sinh lực của ông. Bốn thứ này sẽ không thể làm cho ông êm bằng sự trốn thoát, sức mạnh, tài sản, thần chú, thuốc thang, vân vân.”

Nói cách khác, nếu bốn ngọn núi lớn kiên cố và di chuyển nhanh đang đến từ tứ phía ép lại, thì chúng ta có thể nghiền thành bột tất cả cỏ cây v.v... sẽ khó mà ngăn nổi, dù bạn làm bất cứ gì. Bốn ngọn núi già, bệnh, tàn tạ và chết cũng khó ngăn như thế.

(ii) Mạng sống không kéo dài được mà cứ giảm dần.

Bạn quyết định phải chết. Bất cứ gì được thúc đẩy bởi nghiệp quá khứ thì không thể thêm gì vào đó, và chuyện này áp dụng cho mạng sống của ta. Từng mỗi lúc ta đang tiến đến cái chết. Shàntideva nói trong Hành Bồ Tát Hạnh:

Tại sao tôi không chết, Nếu từng ngày từng ngày

Mạng sống ngắn dần lại Chứ không thể thêm được Từ bất cứ nơi nào?

Kinh Pháp Cú nói:

Giả sử ta căng một sợi dây Cho một đứa trẻ lần theo nó

Đứa trẻ cuối cùng sẽ đi đến đầu mút sợi dây Cũng thế là mạng sống con người.

Đức Đức Dalai Lama thứ bảy nói:

Sau khi đã sinh ra Bạn không còn tự do nghỉ mệt một giây

Trong cuộc chạy đua của bạn đến tử thần

Mà cái ta gọi là “sống” Chỉ là cuộc hành trình Trên đại lộ tiến về cái chết.

Tâm của tử tội không vui Khi bị dẫn đến pháp trường!

Nói cách khác khi bạn đã sinh ra thì chỉ có nước tiến nhanh hơn con ngựa đua đến cái chết, không được một chút nghỉ ngơi nào dù chỉ trong thời gian để hít hơi thở vài hơi. Những người cỡi ngựa đua còn có thể nghỉ ngơi chút đỉnh, nhưng người mà định mệnh bắt buộc phải chết thì không được dù chỉ một sát na nghỉ mệt: từng mỗi sát na đưa chúng tiến gần hơn đến cái chết. Kinh Pháp Cú nói:

Như những con thú sắp bị giết Càng lúc càng gần người đồ tể

Với từng mỗi bước đi của chúng Thọ mạng con người cũng vậy.

Cũng như một con cừu đang được dẫn đến lò thịt thì mỗi bước của nó đi tiến gần cái chết một ít; cũng vậy khi đã sinh ra ta không có giây phút nào chuyển hướng khỏi cái chết. Chúng ta đã tiêu hết phần lớn đời mình, không còn lại bao nhiêu. Lại nữa, chúng ta tiêu ma từng hơi thở, giờ, ngày, tháng, năm; cái ngày ấy đang đến, đó là ngày ta phải chết. Thời điểm phải chết lại đến bất thần. Bởi thế ta không nên tự mãn, nghĩ rằng “Tôi sẽ không chết.” Khi ngủ, ta có thể cảm thấy thư dãn và sung sướng, nhưng kỳ thực tga vẫn đang lao về hướng thần chết.

Có thể chết trước khi quyết định tu tập

Cuộc đời thực ngắn ngủi, có thể bạn sẽ phải gặp cái chết trước khi thu xếp đâu vào đấy để tu tập Pháp. Hãy giả thiết bạn sống sáu mươi năm. Bạn ngủ suốt đêm, vậy là tiêu mất nửa đời. Ba mươi năm còn lại bị gián đoạn bởi thời gian bạn dùng để ăn, vân vân. Như vậy chỉ còn khoảng năm năm để tu tập Pháp, dù bạn có dành suốt thời gian ấy để nhập thất và hành thiền bốn thời mỗi ngày. Vào dịp tết ta nói, “Hãy ăn tết cái đã!” và ăn mừng năm mới. Mỗi tháng đều có tên gọi riêng của nó theo một ngày lễ, như Lễ Cầu Nguyện Lớn; một năm trôi qua nhanh gồm toàn những dịp nghỉ giải trí. Gungtang Rinpoche nói:

Có lẽ ta dành hai mươi năm để nghỉ rằng “Mình nên tu tập.”

Hai mươi năm nữa là dành để mãi mãi Chuẩn bị cho việc tu hành

Lại thêm mười năm nói câu “Mình chưa hề tu tập.”

Đấy là câu chuyện về một đời người trống rỗng.

Nói cách khác, lúc còn bé bạn không nhớ Pháp. Về sau bạn có thể muốn thực hành pháp và nghĩ “Mình phải tu tập,” nhưng bạn vẫn không tu được. Rồi khi về già, bạn không làm gì cả mà cứ bảo, “Bây giờ tôi chỉ còn nước cầu nguyện cho đời sau của tôi sẽ khá hơn.”

Nhiều người hiện tại bị bù đầu với cuộc đời này và nghĩ rằng mình nên tu; nhiều người khác đã đến giai đoạn hối tiếc vì đã không tu. Khi gặp những người như vậy, ta phải thấy những công việc của họ đã làm hại họ như thế nào. Ta phải có can đảm chấm dứt đừng gán một tầm quan trong nào cho những hoạt động vô nghĩa hàng ngày làm cho chúng ta không có thì giờ tu tập. Ta phải tu tập Pháp càng nhiều càng tốt trước khi bị Diêm vương thần chết đánh gục