Thờ cúng tổ tiên là toàn bộ các hình thức lễ nghi, cúng bái nhằm bày tỏ lòng tôn kính của các thế hệ sau với những người thuộc thế hệ trước của dòng họ, với ông bà cha mẹ đã qua đời. Phong tục thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam có từ rất lâu đời.

Đó là một phong tục đẹp, giàu bản sắc và có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt, mang đậm tính giáo dục truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ.

Người tín đồ Cao Đài thờ cúng tổ tiên theo lăng kính của Nho giáo gọi là giữ đạo Hiếu, để tỏ lòng biết ơn, tôn kính đối với các bậc tiền nhân tông tổ. Đức Khổng tử dạy sự thờ phụng ông bà cha mẹ khi mất là rất có đạo Hiếu: “Kính kỳ sở tôn, ái kỳ sở thân. Sự tử như sự sanh, sự vong như sự tồn, hiếu chi thuỷ dã”, có nghĩa rằng: kính người mà cha mẹ tôn kính, yêu người mà cha mẹ thân yêu, thờ phụng cha mẹ khi đã mất cũng như khi còn sống, đó là nguồn gốc khởi đầu của đạo Hiếu vậy. Trong kinh Sám hối của đạo Cao Đài có dạy:

Làm con phải trau dồi Hiếu đạo,

Trước là lo trả thảo mẹ cha,

Lòng thành thương tưởng ông bà,

Nước nguồn cây cội mới là tu mi.

Theo quan niệm của đạo Cao Đài, thờ cúng tổ tiên là một biểu hiện của lòng tưởng nhớ đến cội nguồn. Cội nguồn của con người gồm hai phần, phần gần gũi thấy được trong kiếp sống là ông bà cha mẹ đã sinh ra mình, phần xa xôi phải suy luận ra mới thấy được đó là Thượng Đế, đấng cha chung của muôn loài vạn vật trong càn khôn vũ trụ. Con người sau khi chết, phần xác hư hoại, nhưng phần hồn thì vẫn tồn tại mãi. Thờ cúng tổ tiên chính là để tỏ lòng biết ơn đối với người quá cố, nó mang ý nghĩa như một sự đền đáp lại món nợ mà con cháu đã vay của tiền nhân trên cả hai phương diện vật chất và tinh thần. Vì vậy, theo giáo lý đạo Cao Đài, cái chết và đời sống linh hồn của con người sau khi chết có một ý nghĩa quan trọng và liên quan mật thiết đối với các thế hệ con cháu bởi sự ràng buộc của luật nhân quả. Sự sống phần hồn của ông bà cha mẹ tốt hay xấu có thể điều chỉnh lại được phần nào bằng việc làm của con cháu. Con cháu biết tu hành, làm điều lành, điều thiện sẽ ảnh hưởng tốt đối với đời sống phần hồn của ông bà cha mẹ nơi cõi thiêng. Đó cũng là ý nghĩa của câu kinh người tín đồ Cao Đài tụng khi cha mẹ quy liễu:

Thong dong cõi thọ nương hồn,

Chờ con lập đức giúp hườn ngôi xưa”

Câu kinh trên là một lời an ủi, hứa hẹn của con cháu đối với vong linh của người mất, nhưng đó mới chỉ là cái thể pháp của Đạo, còn phần bí pháp của Đạo chính là cuộc sống thực hàng ngày của con cháu, có lập công bồi đức được hay không sau khi cha mẹ mất lại là một vấn đề khác. Vấn đề này đòi hỏi rất nhiều công đức của các thế hệ con cháu tiếp nối và sự hiểu biết sâu xa, rành mạch về chơn truyền tận độ của Đức Cao Đài, không thể nhầm lẫn với mê tín, dị đoan được.

Trong mỗi gia đình tín đồ Cao Đài, ngoài Thiên bàn thờ Đức Chí Tôn, còn có bàn thờ tổ tiên được đặt ở vị trí trang trọng. Trên bàn thờ có đặt bài vị, ghi rõ họ tên ngày tháng năm quá vãng của ông bà cha mẹ và di ảnh của các vị ấy. Ngoài ra, tối thiểu phải có một bình hương (nhang), đầy đủ hơn thì có cặp chân đèn và lư đồng. Ngày lễ, ngày Tết, hay ngày giỗ tổ tiên con cháu thắp hương trên bàn thờ để luôn tưởng nhớ người thân quá vãng. Ngày giỗ tổ tiên, cả gia tộc đều hội họp về nhà thờ để cùng nhau lo việc cúng tế. Bản sắc văn hoá Cao Đài thể hiện trong cúng lễ đó là con cháu phải làm theo nghi lễ của Đạo không đốt giấy tiền vàng mã, không dùng đồ sát sinh mà dùng đồ chay với quan niệm như vậy con cháu sẽ được hưởng phước hơn. Ngày giỗ mang danh là “huý nhựt” rất quan trọng. Con cháu đều tỏ lòng thành kính, khi ra vào trước bàn thờ tổ tiên đều khép nép, dường như ông bà đang ngự trên sở tôn. Họ tự nhủ rằng Tổ tiên mất đi thì linh hồn thuộc về Thần linh, người phàm không trông thấy được, nhưng Thần linh thì thấy hết mọi việc. Giờ cúng tế im lặng, tôn nghiêm, người trưởng tộc khăn áo chỉnh tề hành lễ, rồi tất cả con cháu lớn trước, nhỏ sau cứ theo thứ tự mà vái lạy trang nghiêm. Sau đó cùng nhau xum vầy dùng cơm chung trong tình ruột thịt đồng huyết thống. Đây cũng là dịp để mọi người nhắc lại sự tích tổ tiên, bàn việc gia đình, sinh kế.

Tóm lại, người tín đồ Cao Đài thực hiện nghi lễ thờ cúng tổ tiên cũng theo truyền thống văn hoá của người Việt như lời Đức Chí Tôn chỉ dạy: “Chỉ có xứ Việt Nam còn duy trì được sự tôn sùng tổ phụ theo tục lệ cổ truyền... Ý Thầy muốn nó được giữ nguyên thể như vậy mãi”.

Hàng năm mỗi dịp Tết đến xuân về cũng chính là dịp để người tín đồ Cao Đài lo tròn bổn phận của người con trong gia đình, tưởng nhớ đến những đấng tổ tiên phụ mẫu đã khuất bóng, kính cẩn bái lễ trước bàn thờ, giữ tròn đạo Hiếu đúng theo Nho giáo thờ người quá vãng cũng như người còn tại thế. Thông qua nghi lễ thờ cúng tổ tiên, người tín đồ Cao Đài gửi gắm tình cảm biết ơn với tổ tiên vì “Cây có gốc mới nở ngành xanh ngọn, nước có nguồn mới bể rộng sông sâu”. Việc thờ cúng tổ tiên đã trở thành đạo lý uống nước nhớ nguồn, thành đạo Hiếu trong mỗi gia đình người tín đồ Cao Đài. Người đạo Cao Đài đã coi việc thờ cúng tổ tiên là một trong những nguyên tắc đạo lý làm người, là hình thức thể hiện sự biết ơn và tôn kính của các thế hệ con cháu đối với các bậc tiền nhân tông tổ.

Phong tục thờ cúng tổ tiên đã góp phần tạo nên những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của người đạo Cao Đài đó là lòng hiếu thảo, lòng nhân ái, tính cộng đồng, dân tộc và hướng về nguồn cội. Đó là những giá trị đạo đức quý báu mà mỗi người tín đồ Cao đài cần phải giữ gìn và phát huy./.