Các em lang thang “vào đời” khi chưa tới tuổi vị thành niên và vẫn thường được gọi là “trẻ đường phố”. Tuy vất vả mưu sinh, đôi khi phải “đổ máu” để kiếm miếng cơm manh áo, nhưng không khó để tìm thấy nụ cười trên miệng các em.


Các em đến với đường phố bằng rất nhiều nguyên nhân khác nhau: Đường phố là lối thoát cho những bất hạnh và bạo hành gia đình; đường phố cũng là nơi để các em kiếm thêm tiền phụ cha mẹ; đến với đường phố do mồ côi không nơi lương tựa, bị bỏ rơi; cha mẹ chia tay mà chính các em là nạn nhân. Tuy nhiên có những em gia đình rất tốt nhưng do nhận thức sai lệch đã bị bạn bè xấu lôi kéo…

Trẻ đường phố không chỉ là vấn đề xã hội bức xúc của TPHCM mà còn là sự nhức nhối của cả xã hội. Dạo quanh một vòng các tuyến đường, các khu chợ hay các công viên, quán cà phê của TPHCM những ngày này vào bất cứ thời gian nào, chúng tôi bắt gặp không ít trẻ em đi bán vé số, bán kẹo cao su, bán báo, đánh giày, xin tiền của khách…

Ngày 1/6 là ngày của chính các em, đa số trẻ em được cha mẹ đưa đi vui chơi ở công viên, vườn thú, khu giải trí… nhưng với trẻ em đường phố thì đó chỉ là một giấc mơ xa vời khi mà tờ báo cuối cùng trên tay chưa bán hết, tập vé số còn nguyên hay xin chưa đủ số tiền dù đã đi rạc cả chân… thì ngày “của chính mình” có nghĩa gì.