Tôi không dám có niềm tin ngây thơ rằng biết đâu khi đọc được những dòng chữ này trên trang báo điện tử, lũ con, lũ cháu sẽ cư xử với cụ tốt hơn. Nhưng biết đâu đấy. Và cũng bởi lí do quan trọng nữa là: tôi cứu lấy thằng tôi hèn nhát của tôi. Cái thằng tôi hèn nhát quay lưng lại với nỗi đau khổ tận cùng của một bà lão mù loà.

Cuộc sống vật chất càng được cải thiện, chúng ta càng quan tâm nhiều hơn tới đời sống tinh thần. Đời sống tinh thần nào cao cả hơn là hiếu kính với ông bà, bố mẹ, thương yêu, đùm bọc anh em để trong ấm ngoài êm? Thiết nghĩ chỉ như thế chúng ta mới có một tâm hồn thanh thản, rảnh rang để nghĩ tới những việc khác.

Tuy nhiên, không phải ai cũng nghĩ như vậy. Cuộc sống xung quanh chúng ta vẫn đang có những lối hành xử với ông bà, cha mẹ khiến chúng ta không thể không lên tiếng.

Bắt gặp cảnh một bà cụ mù loà đã ở vào tuổi ngoài tám mươi mò mẫm nấu ăn trong căn tầng hầm nhỏ chưa đầy bốn mét vuông, bạn sẽ suy nghĩ gì? Nếu là một người con hiếu thuận, hẳn bạn không thể không băn khoăn, nghĩ ngợi. Rõ ràng bạn sẽ đoán rằng: chắc tại bà lão ấy không có con.


Click this bar to view the full image.

Rồi bạn nghĩ, tuổi già leo lét có đứa con, đứa cháu đỡ đần thì bao giờ cũng hơn. Đúng là như thế. Mặc dù cha mẹ hết lòng nuôi chúng ta khôn lớn không chỉ để nhằm mục đích cậy nhờ chúng ta lúc tuổi già. Vì phụng dưỡng cha mẹ là bổn phận, là niềm hạnh phúc không của riêng ai..

Tôi cũng đã từng được hưởng lây dòng cảm xúc vui mừng, hạnh phúc của một người bạn vong niên khi mừng rỡ nói về chuyện mình được lên chức ông nội rồi mà ông nội của mình vẫn còn sống mạnh khoẻ, minh mẫn. Mỗi khi có cơ hội được chia sẻ dòng cảm xúc này, người bạn ấy lại nhắc lời ông nội đã 94 tuổi dặn cháu: ông chỉ mong các cháu phụng dưỡng bố mẹ các cháu như bố mẹ các cháu đã phụng dưỡng ông. Và trong dòng cảm xúc ấy, tôi không chỉ nhận thấy niềm vui mà còn thấy cả niềm tự hào, hãnh diện.

Được phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già vì thế không còn là trách nhiệm nữa mà trở thành niềm hạnh phúc. Nó gieo vào trong tâm hồn chúng ta những thanh âm xiết bao đẹp đẽ... Lời dặn ấy không chỉ là của ông nội người bạn vong niên của tôi, mà còn là lời dặn dò của cha ông ta từ ngàn xưa đang bền bỉ vọng về từ kho tàng ca dao, tục ngữ.

"Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ, kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”

Vậy tại sao bà cụ lại sống cô đơn, khó nhọc trong căn hầm ấy?

Nếu không biết đáp án của câu hỏi này, có thể bạn sẽ đỡ đau lòng hơn. Những ông lão, bà cụ không nơi nương tựa vẫn có một tuổi già yên ổn trong các Trung tâm bảo trợ xã hội. Hoặc giả không con, không cháu, sống thiếu thốn, khó khăn. Đâu đó trong xã hội, bạn vẫn bắt gặp những cảnh đời như vậy. Đó cũng vẫn là những chuyện không nên có nhưng vẫn tồn tại ngay cả ở những nước giàu có.
Cái hình ảnh trong căn tầng hầm nhỏ khiến chúng ta phải đau lòng kia không chỉ diễn ra một lần, một ngày, một tuần, một tháng hay một năm mà diễn ra suốt những năm tháng còn lại của một bà cụ mù loà. Bà cụ mà tôi đang nói đến không nằm trong số những người kém may mắn không có mụn con cái nào để cậy nhờ lúc tuổi già. Bà cụ ấy có tới bốn người con, đủ cả trai, cả gái. Những đứa cháu nội của bà cũng đã khôn lớn, đã được dựng vợ, gả chồng và cũng đã được hưởng cái hạnh phúc làm cha, làm mẹ. Giờ nhắm mắt xuôi tay, đưa tang bà còn có cả chiếc khăn vàng.

Thật chẳng dám nghĩ tiếp nữa khi tận mắt thấy con trai, con gái cụ vẫn đang sống mạnh khoẻ, khá giả cách “căn hầm” của cụ không bao xa. Họ vẫn đang sống, đang cười nói, đang vui vẻ và đang quên bẵng đi người mẹ mang nặng đẻ đau ra mình, không buồn để ý xem mẹ mình đang sống dưới căn tầng hầm kia khó nhọc như thế nào.

Lẽ nào việc lo lắng, quan tâm tới bố mẹ là công việc của người khác, của xã hội mà không phải là của họ - lũ con, lũ cháu cụ? Đau lòng làm sao khi căn tầng hầm mà cụ đang sống những năm tháng cuối đời là căn tầng hầm của nhà anh con trai. Cách có vài bậc cầu thang nhưng anh ta chẳng cần biết người mẹ mù loà của mình ăn uống, sinh hoạt ra sao.


Click this bar to view the full image.
Cụ già ở Arles - Tranh: Van Gogh

Không biết những đứa con của cụ nghĩ gì? Họ có bao giờ tự hỏi không may sau này khi tuổi già sầm sập đến, mình cũng lại bị con cái cư xử như thế thì sao nhỉ? Vì tuổi già có trừ một ai. Tuổi tác và bệnh tật là mối lo, thậm chí là nỗi ám ảnh của mọi người già. Chẳng ai muốn khi về già, mình lại thành gánh nặng cho con, cho cháu. Nhưng nếu không may thế thật thì việc cậy nhờ con cháu phụng dưỡng không chỉ là trách nhiệm mà còn là đạo lí làm người.

Thực tế cũng cho thấy khi được quan tâm, được sống trong môi trường gia đình yên ấm, hạnh phúc thì quá trình lão hoá sẽ diễn ra chậm lại và sẽ được cải thiện đáng kể. Niềm vui của người bạn vong niên của tôi là một minh chứng. Chỉ có một gia đình hoà thuận yên ấm thì “ông nội của ông nội” mới có thể sống mạnh khoẻ, minh mẫn như thế. Giá con cái của bà cụ nghĩ được như thế thì chắc họ không nỡ nào cư xử với mẹ mình như vậy. Lẽ nào tình mẹ như “nước trong nguồn” nên những đứa con chỉ biết ngửa cổ uống cạn?

Trời mưa gió sập sùi, nghĩ đến bà cụ mù loà lọ mọ trong căn tầng hầm, tôi lại lẩm nhẩm thở than câu ca xưa:

“Trách ai đặng cá, quên nơm
Đặng chim quên ná, quên ơn sinh thành”

Cả cuộc đời vất vả nuôi bốn người con khôn lớn mà khi về già chẳng có người nào dòm ngó, quan tâm tới mẹ. Chẳng người nào nhớ ngày xưa, mẹ mình phải đi đánh cỏ tranh vất vả như thế nào mới nuôi nổi mình khôn lớn. Đành rằng cuộc sống khi ấy không có những cốc sữa thơm phức như của đám con trẻ bây giờ. Cuộc sống ngày ấy thật nghèo khó. Lo cho con cái no bụng cũng đã vất vả lắm. Gánh cỏ tranh trĩu nặng trên đôi vai cụ cũng không đủ lo cho những đứa con hai bữa cơm no bụng. Đành rằng những ngày tháng khốn khó, ai cũng phải ăn độn hạt bo bo, hạt mì...

Những người cùng lối xóm còn bảo với nhau rằng bà cụ ấy ngày xưa khổ lắm. Nhưng cái ngày xưa khốn khổ ấy đâu chỉ là của riêng cụ. Cái cảnh chạy ăn từng bữa, ăn tem phiếu rồi sống dựa vào sổ “con gà” ai còn lạ gì. Đành rằng để có cái nhét đầy dạ dày, họ cũng phải phụ mẹ đan cót, lên rừng chặt củi. Làng trên, xóm dưới thảy đều như vậy, đâu riêng gì ai. Mà “con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo” cơ mà. Lẽ nào họ có thể quên công lao của mẹ nhanh đến thế? Bưng bát cơm ăn, họ có nghĩ đến mẹ mình mò mẫm dưới căn tầng hầm ấy không? Lẽ nào tình mẫu tử với họ chẳng có một ý nghĩa gì?

Đến mảnh đất mà cụ sinh sống cả đời bị một người con lừa mất. Anh ta bán đất, xây nhà nhưng chẳng chia cho anh, cho em. Ba người còn lại cũng tưởng cụ bù chừ, bù chịt cho anh ta mà đâm ra ghét mẹ. Giá không có tí đất ấy có khi họ sẽ cư xử với cụ khá hơn. Cụ mù loà thế kia chẳng làm gì được. Mang ra pháp luật, chỉ tổ người ta cười. Cụ đành kéo lê tuổi già của mình trong căn tầng hầm nhà anh con trai.

Vậy là bà cụ ấy khổ cả đời. Phố xóm cũng vẫn xì xào với nhau như thế.

Tôi biết chuyện của cụ không chỉ vừa mới ngày hôm qua mà đã nhiều năm rồi. Nhưng cái thằng tôi hèn nhát chẳng dám hé răng cất lên một tiếng nói nào. Tôi còn trẻ mà chẳng khác nào một người già gần đất xa trời chỉ mong được yên thân. Phải chăng tôi sợ con cái nhà ấy đến nhà tôi làm ầm lên? Tôi đã im lặng như thế và che đậy sự hèn nhát bằng cách bao biện đó không phải là việc nhà mình.
Những lúc gặp cụ chống gậy mò mẫm ngoài đường, tôi vẫn dừng lại chào, hỏi han sức khoẻ. Chỉ gặp một lát thôi cũng đủ nhận thấy những dòng nước mắt không thể chảy ra từ đôi mắt đục màu nước gạo ấy. Chúng chảy ngược cả vào trong, tích tụ lại trong lòng. Chúng đang vò xé tâm can cụ. Bệnh tật và nỗi đau do những người con rứt ruột đẻ ra đang hành hạ những năm tháng cuối đời của một bà cụ già nua, mù loà.

Biết thế cũng chỉ là biết thế. Tôi thờ ơ đi qua nỗi đau khổ của cụ tính bằng những năm trời. Để rồi hễ bắt gặp cụ khó nhọc nấu cơm tự phục vụ thì tôi chẳng dám nhìn. Tôi quay đi chỗ khác mà tim nhói đau. Cái thằng tôi đang vỡ ra vì hèn nhát. Và dù lòng vẫn e này, e nọ tôi vẫn ngồi vào bàn và gõ những dòng chữ này. Càng tự vấn thì càng thấy mình hèn nhát. Chỉ chạnh lòng thôi, chỉ than thở thôi thì tôi cũng đâu giúp gì được cho cụ.

Tôi không dám có niềm tin ngây thơ rằng biết đâu khi đọc được những dòng chữ này trên báo, lũ con, lũ cháu cụ sẽ cư xử với cụ tốt hơn. Nhưng biết đâu đấy. Và cũng bởi lí do quan trọng nữa là: tôi cứu lấy thằng tôi hèn nhát của tôi. Cái thằng tôi hèn nhát quay lưng lại với nỗi đau khổ tận cùng của một bà lão mù loà.

Chúng ta vẫn thường thế phải không? Sợ liên luỵ, sợ phiền hà mà chúng ta nhiều khi cố ý làm ngơ đi trước những đau khổ của những con người sống xung quanh. Họp tổ dân phố, chúng ta tán dương lẫn nhau, hoặc túm tụm nói xấu nhau. Nhưng tổ dân phố chúng ta đã ai lên tiếng góp ý? Không góp ý được hay không ai dám góp ý? Cá nhân tôi không dám lên tiếng nhưng lẽ nào một cộng đồng dân cư lại có thể làm ngơ? Nghĩ đến cảnh “đèn nhà ai, nhà nấy rạng” mà chúng ta thèm xiết bao lối cư xử “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”. Cộng đồng dân cư, những hàng xóm của cụ sẽ nghĩ sao khi tình cờ đọc được bài báo này?

Và dù hèn nhát, nhưng cái thằng tôi hi vọng khi gặp những cảnh đau lòng ấy, các bạn sẽ có đủ dũng khí nói lời phải trái để những điều trông thấy không còn khiến chúng ta “đau đớn lòng”.
st