Thương lái Việt rủ nhau buôn lợn sang Trung Quốc

Thương lái người Việt thu gom lợn hơi từ các hộ chăn nuôi rồi vận chuyển lên tận cửa khẩu bán cho phía Trung Quốc, để thu lãi gấp đôi so với bán cho lò mổ trong nước.

Chuyện thịt lợn Việt Nam được thu gom để cho Trung Quốc diễn ra từ lâu, nhưng không phải bà con nông dân nào cũng biết. Bởi họ chỉ bán cho các mối trong nước, còn thương lái đưa hàng đi đâu thì chịu.

Một thương lái quê Tuyên Quang có 3 năm thâm niên trong nghề tiết lộ số người chuyên làm công việc thu gom hàng từ các hộ chăn nuôi lợn khá đông. Họ nằm rải rác ở nhiều vùng, khu vực của miền miền Bắc.

Theo quy trình, giới buôn thường dùng xe tải đi các tỉnh lân cận để gom lợn sống, chừng nào đầy xe 3-5 tấn thì đêm đến đánh hàng lên cửa khẩu Tà Lùng, Trà Lĩnh, Cao Bằng để bán. Với khu vực Tuyên Quang, thương lái có thể thu mua tại chính tỉnh đó rồi dọc theo Vĩnh Phúc, sang đến Phú Thọ gom tiếp.

“Cứ vừa đi vừa rao xem ai bán lợn hơi thì mình mua, hoặc đã tạo được mối quen thì cứ đến lứa là vào nhập”, anh nói.

Thông thường, các lái buôn nhỏ lẻ đều phải bán qua tay những người Việt chuyên tập kết hàng trên cửa khẩu, rồi từ đó mới xuất sang Trung Quốc. Còn nếu muốn giao dịch trực tiếp với thương lái nước ngoài, họ phải xuất trình được giấy kiểm dịch.

"Trước khi mua, người Trung Quốc cũng kiểm tra rất kỹ, giấy kiểm dịch phải nêu rõ xuất xứ nguồn hàng, tình hình thể trạng đàn lợn, thời gian nhập... Nếu không có những giấy tờ này, mình phải chấp nhận ăn ít lãi hơn, bán lại cho những người có chứng nhận kiểm dịch và giấy phép xuất hàng", chị Hợp, người dân ở tỉnh Cao Bằng kể.

Một thương lái khác tiết lộ, sau khi vận chuyển thành công xe hàng lên biên giới và bán trót lọt, anh có thể được hưởng chênh lệch so với giá nhập tới 30.000 đồng mỗi cân thịt lợn hơi. Trừ chi phí vận chuyển, số lãi lên đến 20.000 đồng một kg. Trong khi đó, nếu anh bán cho các lò mổ trong nước, lợi nhuận thu được chưa bằng một nửa. Đây được xem là lý do chính khiến nhiều người Việt chấp nhận rủi ro, vận chuyển xa xôi để bán lợn hơi cho Trung Quốc.

Một nguyên nhân nữa là khoảng 5 năm trước, thịt lợn trong nước dư thừa, giá rớt thê thảm, người chăn nuôi khóc dở mếu dở. Lái buôn dễ thu mua với giá rẻ nhưng khó tìm nơi tiêu thụ nên để loay hoay tìm đề đầu ra, họ đã rủ nhau đánh hàng lên biên giới xuất sang Trung Quốc. Thấy được giá do nhu cầu thịt lợn của Trung Quốc rất cao nên những năm sau sau đó, họ tiếp tục làm như vậy.

Tuy nhiên, theo giới buôn, kiếm được số lãi cũng không hề đơn giản. Để thu gom một lúc vài tấn lợn đưa lên biên giới, các lái buôn cũng phải bạc mặt, thậm chí chịu nhiều rủi ro khi đánh đổi cả cơ nghiệp trong mỗi chuyến hàng.

Một lái buôn người Vĩnh Phúc kể, chi phí cứng cho mỗi chuyến xe khoảng 3 tấn lợn là khoảng 15 triệu đồng, bao gồm xăng xe, thuê phụ, chi phí ăn uống và... làm "luật". "Thế nhưng chẳng may bị tóm dọc đường hay lên đến biên giới mới phát hiện ra một vài con bị bệnh, người ta không nhập thì coi như cả chuyến hàng phải đổ đi. Thiệt hại không sao kể xiết", anh nói.

Hiện nay, nguồn cung trong nước khan hiếm, giá thịt lợn hơi nhập từ bà con đã lên tới 73.000 đồng mỗi kg thì bản thân các lái buôn cũng không còn mặn mà với công việc này như trước. “Nhập hàng rất khó. Lắm hôm đi cả ngày, chúng tôi cũng chẳng gom nổi một xe. Hàng ít lại nhiều rủi ro, nhiều người đã bỏ chuyến”, thương lái người Tuyên Quang cho hay.

Không ít lái buôn đã chuyển hướng kinh doanh cho phù hợp với tình hình thức thế. Theo đó, đợt nào lượng hàng gom được quá ít, họ sẽ bán lại cho các lò mổ trong nước. Còn nếu thu mua được đầy xe, thương lái sẽ đánh thẳng hàng lên biên giới, bán lại cho đầu mối, chuyển sang cho phía Trung Quốc.

Trao đổi với VnExpress.net, lãnh đạo Tổng cục Hải quan xác nhận chuyện các thương lái vận chuyển hàng nông sản bán sang Trung Quốc theo đường bộ, đường mòn là có. Cơ quan chức năng từng điều tra và phát hiện nhiều trường hợp như vậy. Có những lúc một ngày người ta đi cả chục xe.

Trong khi đó, ông Vy Công Tường, Phó cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho hay các mặt hàng thực phẩm như gia súc, gia cầm, vịt gà lợn... xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường chính ngạch khá hạn chế. "Tôi khẳng định, các hoạt động xuất nhập khẩu qua hải quan Lạng Sơn trong thời gian gần đây vẫn diễn ra bình thường và không có gì đột biến", ông Tường cho biết.

Tuy nhiên, Hải quan Lạng Sơn cũng đang đề nghị mở thêm một số điểm làm thủ tục hải quan để quản lý hàng nhập khẩu tiểu ngạch vào diện chính ngạch để chống thất thu thuế.

Hồng Anh - Xuân Ngọc

(Theo Vnexpress)

mad4