Trang 1 trong 2 12 Cuối cùngCuối cùng
kết quả từ 1 tới 20 trên 34

Ðề tài: Vị đại sư sáng lập Tịnh độ tông

  1. #1

    Mặc định Vị đại sư sáng lập Tịnh độ tông

    Vị đại sư sáng lập Tịnh độ tông

    Là người được đào luyện Nho, Lão, Trang từ khi tóc còn để chỏm rồi trở thành người thông thạo cả lục kinh, nắm rõ cả Lão Đam lẫn Trang Chu thế nhưng chỉ ít lâu sau đó, chàng thanh niên xuất chúng họ Giả khăng khăng đòi xuất gia làm sư và nói rằng: “So với đạo Phật, học thuyết Khổng Mạnh, Lão, Trang chỉ như tro tàn, cặn bã”…

    Chàng thanh niên họ Giả đó sau này chính là người sáng lập nên phái Tịnh độ tông, một trong những tông phái Phật giáo còn phổ biến nhất tại Trung Quốc cho đến thời hiện tại – Đại sư Huệ Viễn.



    Vị đại sư sáng lập phái Tịnh độ tông

    Sư Huệ Viễn sinh năm 334 mất năm 416, vốn là người họ Giả, vốn quê ở Lâu Phiền, Nhạn Môn, nay thuộc Ninh Vũ, tỉnh Sơn Tây. Ngay từ nhỏ, Huệ Viễn đã tỏ ra là người thông minh, hiếu học vì vậy, khi mới 13, Huệ Viễn đã được cha đưa đến các vùng Hứa Xương, Lạc Dương du học. Mặc dù lúc bấy giờ, thời thế nhiễu nhương không yên ổn nhưng tư tưởng, học thuyết các nhà đã được truyền bá rộng rãi và rất có quy củ. Vốn thông minh lại hiếu học, nên chỉ ít năm sau đó, Huệ Viễn đã thông thạo cả lục kinh, nắm rõ cả học thuyết của Lão, Trang cùng trăm nhà. Danh tiếng Huệ Viễn cũng vì thế mà nổi tiếng khắp vùng.

    Năm Huệ Viễn 21 tuổi, cảm thấy các học thuyết sở đắc của mình không thể giải quyết được những vấn đề về sống chết luân hồi mà trong tâm hằng thao thức, Huệ Viên đã dự định cùng với một người bạn là Phạm Tuyên Tử đi ngao du tìm đạo. Tuy nhiên, thời bấy giờ chiến tranh liên miên, lại thêm đường xá khó khăn nên Huệ Viễn đành phải gác lại ý định này.

    Một thời gian sau đó, có vị sư tên là Đạo An đến chùa Nghiệp Trung núi Thái Hành thuộc dãy Hằng Sơn thuyết pháp. Rất nhiều trí thức, vua quan cho tới dân thường nghe tiếng đều tìm về nghe vị sư này giảng giải kinh điển nhà Phật. Huệ Viễn cũng theo dòng người mộ đạo tìm đến chùa Nghiệp Trung. Sau khi đến đỉnh Thái Hành, gặp đúng lúc sư Đạo An đang giải giải cho chúng tăng về “Kinh Bát Nhã”, Huệ Viễn nghe Đạo An giảng xong, thông suốt ngay, thấy đạo Phật cao diệu, mới ngửa mặt lên trời than rằng: “Đạo Phật thật bao la, so với nó, Nho Đạo các nhà chẳng khác nào như tro tàn, cặn bã”. Từ đó, Huệ Viễn quyết tâm bỏ hết sở học, xuất gia làm sư, bái Đạo An làm thầy.

    Sau khi xuất gia, Huệ Viễn chuyên tâm sớm hôm tụng đọc kinh Phật, không hề ngại khó, ngại khổ. Với bản chất thông minh, lại từng là người thông hiểu tư tưởng Nho, Đạo trăm nhà, Huệ Viễn không chỉ thấu hiểu rất nhanh giáo lý nhà Phật mà còn tự tìm cho mình cách lý giải riêng. Vì vậy, mới 24 tuổi Huệ Viễn đã lập đàn giảng kinh thuyết pháp. Mỗi lần giảng đến đoạn nào các đệ tử không hiểu, Huệ Viễn lại sử dụng những tư tưởng Lão Trang hay Nho giáo để liên hệ so sánh giúp người nghe dễ dàng thông hiểu. Vì vậy, lúc bấy giờ, các buổi giảng kinh của Huệ Viễn thu hút rất đông các tăng chúng khắp nơi về nghe. Thấy đệ tử của mình không chỉ thông minh lanh lợi mà còn tự có cách lý giải riêng, Đạo An mừng lắm, ngầm khen ngợi Huệ Viễn rằng: “Đạo Phật sau này có được lưu truyền rộng rãi trên đất Trung Quốc có lẽ là nhờ Huệ Viễn này đây”.

    Sau nhiều năm theo thầy tu hành, đến một hôm, Đạo An bắt đầu cho các đệ tử của mình tự đi truyền bá Phật pháp. Mỗi khi có một đệ tử nào đó quyết định ra đi, Đạo An cũng ân cần chỉ bảo những điểm cần phải ghi nhớ. Nhưng đến khi Huệ Viễn ra đi thì Đạo An không nói gì cả. Huệ Viễn tự nhiên cảm thấy tủi thân vì tự nghĩ bản thân mình từ khi theo thầy đã rất chăm chỉ không hề quản ngại điều gì, tu tâm học Phật nhưng khi dời đi thì thầy không hề nhắn nhủ như những đệ tử khác, lẽ nào thầy xem mình không xứng đáng được chỉ bảo? Huệ Viễn băn khoăn lắm, cuối cùng quỳ xuống trước mặt Đạo An nói rằng: “Đệ tử đợi mãi mà không nghe thầy nhắn nhủ điều gì cả… phải chăng đệ tử chẳng đủ khả năng để được thầy giao phó?”.

    Đạo An lúc này mới mỉm cười đáp rằng: “Người như thầy đây thì lão tăng còn gì để lo lắng nữa… Ta cũng không còn gì để nói cho thầy! Từ nay về sau nhất định thầy sẽ làm rạng rỡ Phật pháp. Thôi! Thầy hãy đi đi, rất nhiều Phật sự đang chờ thầy hoàn thành”.

    Chia tay Đạo An ở Tương Dương, Huệ Viễn đi về hướng nam đến Kinh Châu và dừng chân tại chùa Thượng Minh. Kế đó, ngài lại muốn dời đến núi La Phù nhưng khi đi qua Lô Sơn, thuộc tỉnh Giang Tây thấy cảnh vật núi này thanh tịnh rất thích hợp cho việc hành đạo của mình, nên quyết định ở lại, xây dựng tịnh xá Long Tuyền. Người ta kể rằng, khi Huệ Viễn mới đến Lô Sơn, thấy chỗ đó thiếu nước mới cầm tích trượng dằn xuống đất khấn nguyện. Bỗng nhiên, một con rồng trắng bay vọt lên, rồi chỉ một lát sau, mưa to xối xả ba ngày ba đêm không dứt, hình thành những con sông uốn lượn trong khu vực này. Cũng vì thế, Huệ Viễn mới đặt tên cho tịnh xá của mình là Long Tuyền (Suối con rồng).

    Huệ Viễn ở Lô Sơn suốt 30 năm, chân không dời khỏi núi. Tuy nhiên, tăng chúng và những người mộ đạo thì từ khắp nơi tìm về Lô Sơn để nghe Huệ Viễn thuyết pháp ngày càng đông hơn. Chính nhờ Huệ Viễn mà chùa Đông Lâm ở Lô Sơn trở thành trung tâm Phật giáo lớn nhất ở phía nam của Trung Quốc. Đến năm Thái Nguyên thứ 15 nhà Đông Tấn, tức năm 390, Huệ Viễn cùng các đệ tử và người mộ đạo lập ra Bạch Liên Xã, lấy thành khẩn tu cầu làm tiêu chí và phương tiện để về cõi Niết Bàn Tịnh Độ. Chính Bạch Liên Xã với 123 người ban đầu do Huệ Viễn lập ra sau này đã trở thành phái Tịnh độ tông rất phổ biến ở Trung Quốc.

    Và chuyến thỉnh kinh trước Đường Tam Tạng

    Lâu nay, người ta chỉ nhắc đến Đường Tam Tạng một nhân vật rất nổi tiếng với bộ tiểu thuyết lừng danh “Tây Du Ký” với chuyến thỉnh kinh ở Thiên Trúc như một sự kiện trọng đại trong quá trình truyền bá và chuyển dịch kinh điển Phật giáo vào Trung Quốc. Tuy nhiên, ít người biết rằng, trước Đường Tam Tạng hàng nhiều thế kỷ, chính sư Huệ Viễn đã tổ chức những chuyến “thỉnh kinh” và chuyển dịch kinh điển Phật giáo với quy mô rất lớn.






    Chuyện kể rằng, khi ở Lô Sơn, sư Huệ Viễn thấy ở phương Đông Phật pháp phát triển rất nhanh song kinh sách thì lại rất thiếu. Những bộ kinh sách được các nhà sư Ấn Độ mang vào Trung Quốc thường không đầy đủ và đã được dịch ra ngôn ngữ của người Trung Quốc để tiện cho việc truyền giáo vì vậy thường không chính xác. Nhiều chuyến thỉnh kinh của các nhà sư từ Trung Quốc trước đó cũng không đem lại nhiều kết quả vì đường xá xa xôi, cách trở, ngôn ngữ lại bất đồng.

    Huệ Viễn nghĩ rằng, nếu như muốn truyền bá đạo Phật thì nhất định phải có những bộ kinh sách được dịch một cách đầy đủ và chính xác. Vì vậy, ông đã bàn với những người đệ tử của mình tổ chức một chuyến “tây du” để “thỉnh kinh”. Cuối cùng, Huệ Viễn sai các đệ tử là Pháp Tịnh và Pháp Lĩnh cùng nhiều người khác vượt ngọn núi Thông Lãnh cao ngất sang đất Tây Thiên lấy về những bộ kinh nguyên bản bằng tiếng Phạn. Sư Huệ Viễn lúc đó cũng muốn tự mình sang Thiên Trúc cùng với các đệ tử, tuy nhiên, vì tuổi đã cao, đường xá lại quá xa xôi và nguy hiểm nên Huệ Viễn đành giao trọng trách này cho hai người đệ tử thân tín nhất của mình. Trải nhiều năm vượt suối băng ngàn, dãi nắng dầm sương, chịu đủ mọi nỗi khó khăn trở ngại, đoàn thỉnh kinh từ chùa Đông Lâm của Bạch Liên Xã cũng đã trở về mang theo một số lượng lớn những sách kinh điển từ quê hướng đức Phật.

    Tuy nhiên, khi đã có được những kinh sách nhà Phật thì một vấn đề khác lại nảy sinh, đó là tất cả những kinh sách này đều bằng tiếng Phạn vậy ai sẽ là người có thể dịch được những kinh sách này một cách chính xác nhất. Bản thân Huệ Viễn khong phải là một người thạo tiếng Phạn, hơn nữa, Huệ Viễn cho rằng, những người có thể dịch kinh sách Phật giáo chính xác nhất chính là những nhà sư Ấn Độ đến Trung Quốc truyền giáo. Chính vì vậy, Huệ Viễn không quản khó nhọc tìm kiếm khắp nơi trên cả nước để mời các đại sư Ấn Độ về Đài Bát Nhã tại Lô Sơn mà ông lập ra để tổ chức biên dịch kinh sách nhà Phật. Đây cũng là trung tâm dịch thuật tư nhân đầu tiên trong lịch sử.

    Chuyện kể rằng, khi nghe tin một vị đại sư của Ấn Độ đến Trung Nguyên, từ tận vùng Lô Sơn xa xôi nhưng Huệ Viễn đã tức tốc sai đệ tử của mình là Đàm Ung vượt đèo lội suối đến Trường An để tìm vị đại sư nọ. Bản thân Huệ Viễn còn viết một lá thư dài khẩn thiết nhờ vị đại sư này đến Lô Sơn giúp mình dịch kinh sách nhà Phật nhằm truyền bá Phật pháp cho các thế hệ sau. Chính nhờ sự nhiệt tình và hết lòng cho sự nghiệp xiển dương Phật pháp, Huệ Viễn đã lấy được lòng rất nhiều các đại sư đến từ Ấn Độ cũng như những người Trung Nguyên từng đến Trung Quốc và biết tiếng Phạn. Công lao của Huệ Viễn đối với sự nghiệp phiên dịch và truyền bá các kinh sách Phật giáo vì vậy không hề kém so với công lao của Đường Tam Tạng sau này.

    Năm sư Huệ Viễn 83 tuổi, ông bị bệnh nặng và qua đời. Người ta khoác lên cái chết của Huệ Viễn nhiều lớp vỏ thần kỳ, nói rằng, ông đã trông thấy đức Phật trước khi viên tịch. Đức Phật nói với ông rằng: “Sau bảy ngày nữa ngươi sẽ được sinh về nơi cực lạc”. Đúng bảy ngày sau đó, Huệ Viễn qua đời. Chẳng biết chuyện này đúng sai ra sao nhưng có một điều chắc chắn rằng, nó chứng tỏ Huệ Viễn có một sức ảnh hưởng vô cùng lớn đối với các tín đồ của Phật giáo.

    Theo: Phụ nữ ngày nay
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  2. #2
    Tứ Đẳng Avatar của gioidinhtue
    Gia nhập
    Jan 2010
    Nơi cư ngụ
    Quảng Đà
    Bài gởi
    4,281

    Mặc định

    Xin post tiếp những bài Lược sử chư Tổ Tịnh Độ Tông:


    NHỊ TỔ : THIỆN ĐẠO ĐẠI SƯ



    Thiện Đạo Đại Sư người thời nhà Đường. Trong năm Trinh Quán, ngài thấy văn “Tịnh Độ Cửu Phẩm Đạo Tràng” của Đạo Xước Thiền Sư, mừng lắm nói: “Đây mới thật là con đường mau thành Phật. Tu các hạnh môn khác quanh quất khó thành. Duy pháp môn nầy chóng thoát sanh tử”.

    Từ đó ngài dốc lòng tinh tấn đêm ngày lễ tụng. Ít lâu ngài đến

    Trường An khuyến khích tứ chúng niệm Phật.


    Mỗi khi ngài vào thất quỳ niệm Phật, nếu chưa thiệt đuối sức thời chưa chịu nghĩ. Lúc ra thời vì chúng mà diễn nói pháp môn Tịnh độ.

    Cần khổ tự tu và siêng dạy người, trải ba mươi năm tròn, ngài không ngủ nghĩ.

    Ngài lại được giới hạnh tinh nghiêm, không hề sai phạm, dầu là lỗi nhỏ.


    Khi được dưng cúng thực phẩm, món ngon tốt thời ngài bảo đem dọn cho chúng dùng, còn phần ngài chỉ dùng thứ xấu dở mà thôi.


    Bao nhiêu tài vật của đàn tín thí cho, ngài dùng tả được hơn mười vạn bổn kinh Di Đà, họa cảnh tịnh độ được ba trăm bức. Ngoài ra thời dùng vào việc sửa sang chùa tháp, thấp đèn nối sáng, không để dư một mảy.


    Kẻ Tăng người tục đến quy đầu với ngài rất đông, lấy số vạn mà tính. Mọi người cảm đức giáo hóa của ngài, nên ai ai cũng đều tinh tấn tu trì cả: Người thời tụng kinh Di Đà từ mười vạn biến đến năm chục vạn biến. Kẻ thời mỗi ngài đêm niệm Phật từ một vạn đến mười vạn câu. Những người hiện tiền chứng tam muội, lúc lâm chung được vãng sanh có thoại ứng, đông không thể kể xiết.


    Có người hỏi: “Niệm Phật chắc được vãng sanh ư?”.


    Ngài đáp: “Ông gắng niệm Phật thì sẽ được toại nguyện”.


    Đáp xong, ngài tự niệm: “A Di Đà Phật”, liền có một tia sáng từ trong miệng ngài theo tiếng niệm mà xẹt ra. Ngài niệm mười câu đến trăm câu, cứ mỗi câu là xẹt ra một tia sáng dài nối tiếp nhau làm sáng rực cả chùa.


    Sự thần dị nầy truyền đến triều đình vua Cao Tông phụng một tấm biển để hiệu chùa là “Quang Minh Tự”.


    Ngài có bài kệ khuyên đời như vầy:


    Lần lần tóc bạc da mồi
    Thắm thoát bước đi lụm cụm
    Dẫu rằng: vàng ngọc đầy nhà
    Đâu khỏi: già suy bịnh khổ
    Mặc ông sung sướng đủ điều
    Cái chết nó rồi cũng đến
    Duy có đường tắt tu hành
    Chỉ niệm: “A Di Đà Phật”.


    Có người gạn: “Sao Hòa Thượng không dạy
    người quán tưởng Phật, mà chỉ bảo người trì danh hiệu Phật thôi”.

    Ngài đáp: “Chúng sanh nghiệp chướng nặng nề, tâm thời thô phù mà cảnh Thánh rất tế diệu. Tình thức rộn ràng khó thành tựu quán trí được. Vì lẽ đó nên đức Phật xót thương khuyên người chuyên xưng danh hiệu”.


    Chính vì xưng danh hiệu là hạnh dễ làm nên nơi tâm mau được tương tục. Nếu có thể niệm niệm tương tục mãi đến trọn đời, thời mười người niệm, mười người vãng sanh, trăm người niệm trăm người vãng sanh.


    Tại sao mà được như vậy?


    Vì không có tạp duyên nên được chánh niệm. Vì tương ưng với bổn nguyện của Phật A Di Đà. Vì không trái kinh giáo. Vì thuận theo lời Phật dạy.


    Nếu bỏ hạnh chuyên niệm Phật, mà tu nhiều hạnh nghiệp xen tạp khác, thời trăm nghìn người tu khó có được ba bốn người giải thoát.


    Tại sao vậy?


    Vì tạp duyên loạn động nên mất chánh niệm. Vì không tương ưng với bổn nguyện của Phật. Vì trái với kinh giáo. Vì không thuận theo lời Phật dạy. Vì nhiếp niệm không được tương tục. Vì tâm không thường nhớ ơn Phật. Vì dầu thực hành Phật sự mà thường tương ưng với danh lợi. Vì thích đeo theo việc tạp làm chướng ngại chánh hạnh vãng sanh của tự mình và của người.


    Ngày gần đây, thấy những hàng Tăng tục các nơi giải hạnh không đồng nhau: người thường chuyên tu, kẻ thích tạp hạnh.

    Nếu chuyên tâm niệm Phật thời quyết định mười người vãng sanh cả mười. Còn tạp hạnh mà không chí tâm, thời ngàn người tu khó được một giải thoát.

    Trông mong mọi người nên suy xét cho chín chắn, đi đứng nằm ngồi, đều nên kềm tâm nhiếp niệm khắn chặt nơi Phật, ngày đêm chớ để hở, thệ quyết đến hơi thở cuối cùng. Nếu niệm trước mạng chung, niệm sau liền sanh Cực Lạc. Từ đây vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp thọ hưởng pháp lạc vô vi nhẫn đến thành Phật, như thế há lại không đáng sướng thích lắm ư!


    Ngài từng dạy phương pháp trợ chánh niệm cho người lúc lâm chung:


    -
    Phàm người lúc lâm chung muốn sanh về Tịnh độ, cần nhứt chẳng đặng sợ chết. Nên tự suy nghĩ như vầy: báo thân này là gốc khổ. Nó là đãy da đựng đầy đồ dơ nhớp. Nó là gốc của tất cả sự khổ lụy. Nếu ta rời được đống thịt hôi thúi nầy mà siêu sanh tịnh độ, thọ thân vàng kim cương, hưởng vô lượng sự vui thanh tịnhoát hẳn sanh tử luân hồi. Như cỡi áo rách mà đổi lấy trân phục, còn gì thích ý cho bằng.
    Suy nghĩ như thế rồi liền phóng hạ thân tâm, đừng có quan niệm tham luyến. Vừa mang phải bịnh, bèn quán vô thường nhất tâm niệm Phật chờ chết.

    Lại cần phải dặn người nhà và người đến thăm, hễ khi đến gần mình thời vì mình mà niệm Phật. Nhất quyết không được nói chuyện đời nọ kia, cùng việc nhà việc cửa. Cũng chẳng cần cầu chúc an ủi, vì đều là sự hư hoa vô ích cả.


    Nếu bịnh ngặt xắp chết, quyến thuộc chẳng được khóc than, không được mắt mũi sụt sùi, làm loạn động tâm thần, hư mất chánh niệm của người bịnh. Chỉ nên nhắc nhở nhớ Phật, niệm Phật, tưởng Phật, cùng rập nhau to tiếng niệm Phật, để giúp chánh niệm cho người bịnh.
    Như vậy luôn cho đến lúc người bịnh dứt hơi thở. Nhưng cũng chẳng nên vội động đến thây, phải luân phiên niệm tụng càng lâu càng tốt.

    Lúc bịnh cho đến lúc chết, nếu được có người hiểu rành pháp môn

    Tịnh độ thường đến nhắc nhở chỉ bảo thời may mắn lắm.


    Dùng phương pháp trợ niệm ấy thời quyết được vãng sanh không còn nghi ngờ gì nữa.


    Việc chết là sự rất lớn, cần phải tự mình gia công, gắng sức mới đặng. Một niệm sai lầm ắt phải chịu khổ nhiều đời nhiều kiếp, ai thay thế cho mình được! Nên tự xét lấy! Nên tự nghĩ lấy!


    Một hôm, ngài vội bảo mọi người rằng: “Thân này đáng nhàm, ta xắp sửa về Cực Lạc”.


    Rồi Ngài tự leo lên ngọn cây dương liễu trước chùa, chấp tay hướng về Tây phương mà nguyện rằng: “Xin Phật tiếp dẫn tôi, Bồ Tát giúp tôi chẳng mất chánh niệm được sanh về Cực Lạc”.


    Nguyện xong ngài tự gieo mình xuống. Thân nhẹ nhàng rơi, và tự nhiên ngồi kiết già ngay thẳng trên mặt đất.


    Đại chúng vội chạy đến, thời ngài đã tịch rồi.



    Trích ở những bộ: “Phật Tổ Thống Kỷ”, “Lạc Bang Văn Loại”

    Last edited by gioidinhtue; 22-07-2011 at 10:15 AM.
    "Niệm lên danh hiệu Phật,
    Muôn đức đủ đầy trong.
    Chuyên trì danh hiệu ấy,
    Muôn hạnh đủ không sai.
    "

    :praying:2Nam mô A Di Đà Phật.:praying:2
    ---o0o---

    Thường Như - Thiện Tường - Mãn Ngọc - Trực Minh.


  3. #3
    Tứ Đẳng Avatar của gioidinhtue
    Gia nhập
    Jan 2010
    Nơi cư ngụ
    Quảng Đà
    Bài gởi
    4,281

    Mặc định

    TAM TỔ : THỪA VIỄN ĐẠI SƯ



    Thừa Viễn Đại Sư ban đầu học đạo với Đường Thiền Sư tại Thành Đô, kế theo học với Tân Thiền Sư ở Tứ Xuyên, sau đến Kinh Châu tham học với Chơn Thiền Sư ở Ngọc Tuyền.
    Sau khi đã đại ngộ, đạo lực đã thành, Chơn Thiền Sư bảo ngài đến Hoành Sơn ở, để hóa độ người.


    Lúc đầu, ngài đến ở dưới gộp đá phía tây nam của non Hoành. Có ai thí cho cơm cháo thời ăn, hôm nào không thí chú thời ngài ăn bùn, không hề đi quyên xin, đến nỗi mình gầy mặt nám, trên thân chỉ một cái y rách.


    Về phần truyền giáo, thời ngài đứng nơi trung đạo mà dạy người pháp môn chuyên niệm Phật để mau được thành công.



    Ngài viết lời Phật dạy ra nơi bên đường, bên khe. Khắc giáo pháp lên trên đá, trên vách. Tận tụy khuyên bảo người không nệ mệt nhọc.


    Không bao lâu người tín hướng theo ngài, lấy vạn mà kể. Rồi kẻ mang tiền mang gạo, kẻ đốn cây đẳn gỗ, mọi người đồng tâm xây chùa dựng điện. Ngài vẫn thản nhiên, không khước từ, cũng không bảo làm. Chẳng mấy lúc mà cụm rừng hoang đổi thành cảnh “Di Đà Tự” đồ sộ.


    Phần riêng ngài, vẫn y rách cơm thô. Có ai cúng thí dư ra thời bảo đem cứu giúp kẻ nghèo đói tật nguyền.


    Năm Trinh Ngươn thứ 18 nhà Đường, ngày mười chín tháng 7, ngài thị tịch nơi chùa “Di Đà”, thọ 91 tuổi.


    Trích ở bộ : “Liễu Tử Hậu Văn Tập”.
    Last edited by gioidinhtue; 22-07-2011 at 10:16 AM.
    "Niệm lên danh hiệu Phật,
    Muôn đức đủ đầy trong.
    Chuyên trì danh hiệu ấy,
    Muôn hạnh đủ không sai.
    "

    :praying:2Nam mô A Di Đà Phật.:praying:2
    ---o0o---

    Thường Như - Thiện Tường - Mãn Ngọc - Trực Minh.


  4. #4
    Tứ Đẳng Avatar của gioidinhtue
    Gia nhập
    Jan 2010
    Nơi cư ngụ
    Quảng Đà
    Bài gởi
    4,281

    Mặc định

    TỨ TỔ : PHÁP CHIẾU ĐẠI SƯ



    Pháp Chiếu Đại Sư ban đầu ngài ở chùa Vân Phong tại Hoành Châu chuyên cần tu tập.


    Năm Đại Lịch thứ tư nhà Đường, ngài mở đạo tràng niệm Phật tại chùa Hồ Đông. Ngày khai hội, cảm đến mây lành giăng che, trong mây hiện cung điện, đức A Di Đà Phật và Quan Thế Âm, Đại Thế Chí hiện thân vàng sáng chói cả hư không. Khắp thành Hoành Châu, nam nữ già trẻ đều đặt bàn thắp hương đảnh lễ.

    Do Phật và Bồ Tát hiện thân như thế, nên mọi người đều phát tâm tinh tấn hành đạo. Đạo tràng này, ngài khai được năm hội.

    Năm
    Đại Lịch thứ năm, ngài được gặp Văn Thù và Phổ Hiền hai vị Đại Bồ Tát tại chùa “Đại Thánh Trúc Lâm tự” ở Ngũ Đài Sơn. Hai vị Bồ Tát khuyên ngài gắng chuyên chí nơi pháp môn niệm Phật để giáo hóa mọi người đồng thọ ký cho ngài sẽ được vãng sanh Cực Lạc và mau chứng quả Vô Thượng Bồ Đề.



    Triều vua Đức Tông, ngài mở đạo tràng niệm Phật ở Tinh Châu cũng được năm hội.


    Mỗi đêm khuya, vua và người trong cung thường nghe văng vẳng tiếng niệm Phật rất thanh. Nhà vua bèn sai người theo tiếng mà tìm và sau khi biết đó là tiếng niệm Phật ở đạo tràng tại Tinh Châu. Nhà Vua bèn phái sứ giả mang lễ thỉnh ngài vào triều.


    Ngài mở đạo tràng niệm Phật tại Hoàng Cung cũng được năm hội, Vì thế nên người đời gọi là “Ngũ Hội Pháp Sư”.


    Một hôm, đang lúc định tâm niệm Phật, bỗng có một vị Thánh Tăng hiện đến bảo ngài rằng: “Tòa sen báu của Pháp Sư đã hoàn thành. Ba năm sau thời hoa nở”. Dứt lời Thánh Tăng liền ẩn.


    Đúng ba năm sau, ngài hội đại chúng lại mà dặn rằng: “Ta về Cực Lạc, mọi người phải gắng tinh tu”.


    Dặn bảo xong, ngài ngồi ngay mà tịch.


    Trích ở những bộ : "Tống cao Tăng Truyện", "Lạc Bang Văn loại".


    Last edited by gioidinhtue; 22-07-2011 at 04:11 PM.
    "Niệm lên danh hiệu Phật,
    Muôn đức đủ đầy trong.
    Chuyên trì danh hiệu ấy,
    Muôn hạnh đủ không sai.
    "

    :praying:2Nam mô A Di Đà Phật.:praying:2
    ---o0o---

    Thường Như - Thiện Tường - Mãn Ngọc - Trực Minh.


  5. #5
    Tứ Đẳng Avatar của gioidinhtue
    Gia nhập
    Jan 2010
    Nơi cư ngụ
    Quảng Đà
    Bài gởi
    4,281

    Mặc định

    NGŨ TỔ: THIẾU KHƯƠNG ĐẠI SƯ



    Thiếu Khương Đại Sư, họ Châu, người Tiên Đô. Lúc bé, câm từ khi sanh. Năm bảy tuổi, ngài theo mẹ vào chùa Linh Sơn lễ Phật. Mẹ chỉ Phật mà hỏi đùa: “Con biết ai đó không?”.


    Ngài bỗng đáp rằng: “Thích Ca Mâu Ni Phật”.


    Biết là có duyên lành với Phật pháp, cha mẹ ngài bèn cho ngài xuất gia.

    Năm 15 tuổi ngài thông suốt được 5 bộ kinh.

    Nhà Đường, năm Trinh Ngươn thứ nhứt, ngài viếng chùa Bạch mã ở Lạc Dương. Thấy chỗ cất kinh sách trong điện có ánh sáng xẹt ra, ngài tìm xem, thời ánh sáng ấy phát ra từ tập văn “Tây Phương hóa đạo” của nhị Tổ “Thiện Đạo Đại Sư”. Ngài vái rằng: “Nếu tôi có duyên với Tịnh Độ, nguyện tập văn này lại phóng quang minh”. Ngài vừa nguyện dứt lời, tập văn ấy liền chiếu sáng, trong ánh sáng dạn dạn có Hóa Bồ Tát. Ngài nói: “Kiếp thạch có thể mòn, chớ chí nguyện tôi quyết không dời đổi”.


    Rồi ngài đến Trường An lễ di tượng của nhị Tổ “Thiện Đạo Đại Sư”. Khi đương lễ, tượng của Tổ bỗng bay lên hư không lại có tiếng bảo ngài rằng:



    “Ông y theo lời dạy của ta mà phổ độ chúng sanh, ngày sau công đức thành tựu sẽ sanh về Cực Lạc”.


    Ngài đến Giang Lăng gặp một sư cụ bảo: “Ông muốn truyền đạo thời nên đến Tân Định, cơ duyên ở đó”. Dứt lời, sư cụ bỗng biến mất.


    Ngài đến Tân Định thấy người xứ ấy chưa ai biết niệm Phật là gì. Ngài quyên tiền rồi dụ các trẻ nhỏ niệm Phật. Lúc đầu, các trẻ niệm một câu Phật thời ngài thưởng một tiền. Sau lần lần mười câu thưởng một tiền. Ít lâu không cần thưởng tiền chúng nó cũng niệm. Trước thời có mặt ngài chúng mới niệm. Sau rồi chỗ nào và lúc nào chúng nó cũng vẫn niệm.



    Chúng niệm Phật nơi đường, chúng niệm Phật trong nhà. Hơn một năm sau, cả xứ Tân Định, mọi người đều biết niệm Phật, và phàm nam nữ già trẻ hễ thấy ngài liền niệm “A Di Đà Phật”. Người người tay lần chuỗi miệng lẩm bẩm, tiếng niệm Phật vang khắp các nơi.


    Ngài bèn lập Tịnh Độ Đạo Tràng ở Ô Long Sơn, xây đàn tam cấp. Cứ đến ngày trai, các Thiện tín nam nữ đều họp nơi đó để niệm Phật và nghe pháp. Thường số người họp trên ba nghìn. Ngài ngồi trên tòa cao, to tiếng xướng hiệu Phật rồi đại chúng đồng hòa theo. Ngài xướng một câu, thời đại chúng thấy một đức Phật nhỏ từ trong miệng ngài mà ra, mười câu là mười Phật, nối liền nhau như xâu chuỗi. Ngài bảo đại chúng: “Quý vị đã được thấy Phật, chắc chắn sẽ được vãng sanh”. Mọi người đều mừng lắm.


    Năm Trinh Ngươn thứ 21, tháng mười ngài họp hết kẻ Tăng người tục lại rồi dặn rằng: “Với thế giới ác trược này, mọi người nên nhàm chán; với Cực Lạc tịnh độ kia, nên hết lòng tăng tấn. Giờ này ai thấy được quang minh của ta, thời thiệt là đệ tử của ta”.


    Nói xong, ngài sè tay phóng ra vài tia sáng đẹp dài, rồi ngồi yên mà tịch. Đại chúng xây tháp ngài ở Đài Nham, hiệu là Đài Nham Pháp Sư.


    Trích ở những bộ:Tống Cao Tăng Truyện", “Lạc Bang Văn Loại”.

    (Còn nữa)
    Last edited by gioidinhtue; 22-07-2011 at 04:12 PM.
    "Niệm lên danh hiệu Phật,
    Muôn đức đủ đầy trong.
    Chuyên trì danh hiệu ấy,
    Muôn hạnh đủ không sai.
    "

    :praying:2Nam mô A Di Đà Phật.:praying:2
    ---o0o---

    Thường Như - Thiện Tường - Mãn Ngọc - Trực Minh.


  6. #6
    Tứ Đẳng Avatar của gioidinhtue
    Gia nhập
    Jan 2010
    Nơi cư ngụ
    Quảng Đà
    Bài gởi
    4,281

    Mặc định


    LỤC TỔ: DIÊN THỌ ĐẠI SƯ.




    Diên Thọ Đại Sư
    , người Tiền Đường, họ Vương, tự Xung Huyền. Thuở thiếu niên thường trì tụng kinh Pháp Hoa, cảm bầy dê quỳ mọp nghe kinh.


    Lớn lên, ngài làm quan coi về việc thuế vụ cho Văn Mục Vương. Nhiều lần ngài lấy tiền công đến Tây Hồ mua cá trạnh phóng sanh.
    Việc lấy tiền công bị phát giác. Hình quan thẩm định tội của ngài đáng xử tử.


    Lúc dẫn ngài đem đi chém, Văn Mục Vương bí mật sai người theo rình xem gương mặt, nếu có vẻ lo sợ buồn thảm thời cứ chém, còn nếu ngài vẫn vui vẻ thản nhiên thời phải đem ngài về trình lại. Thấy từ lúc dẫn đi cho đến lúc xắp sửa chém, nét mặt của ngài vẫn không có lộ vẻ sợ buồn mà lại có vẻ hân hoan là khác. Sứ giả liền truyền lịnh của Văn Mục Vương cho quan giám trảm rồi đem ngài về ra mắt Vương.



    Vương hỏi: “Ông không sợ chết chém ư?”


    Ngài đáp: “Tôi tư dụng của công khố một số tiền lớn, tội đáng chết, nhưng toàn bộ số tiền đó tôi dùng mua chuộc muôn ức sanh mạng. Tôi tin rằng do công đức phóng sanh ấy, dầu thân này có chết, tôi sẽ được vãng sanh Cực Lạc Tịnh Độ. Vì thế nên tôi không lo sợ.


    Văn Mục Vương cảm động bèn ra lịnh tha bổng. Ngài xin xuất gia, Vương bằng lòng.


    Ngài đến Tứ Minh thọ pháp với Túy Nham Thiền Sư. Sau ngài tham học với Thiều Quốc Sư ở Thiên Thai phát minh tâm yếu, được Thiều Quốc Sư ấn khả.


    Ngài từng tu “Pháp Hoa sám” ở chùa Quốc Thanh. Trong lúc thiền quán, thấy đức Quan Thế Âm Bồ Tát rưới nước cam lộ vào miệng, từ đó ngài đặng biện tài vô ngại.


    Ngài dầu tu “Thiền”, song lòng rất mộ “Tịnh”. Vì muốn có chỗ chuyên chủ, ngài bèn đến thiền viện của Trí Giả Đại Sư làm hai lá thăm: một lá đề “Nhứt tâm thiền định”, một lá đề “Trang nghiêm tịnh độ”. Rồi ngài chí thành hướng Tam Bảo mà rút thăm. Luôn bảy lần đều rút nhằm lá “Trang nghiêm tịnh độ”. Từ đây ngài nhứt tâm tu tịnh nghiệp.


    Năm Kiến Long thứ hai, nhà Tống, Trung Ý Vương thỉnh ngài trụ trì chùa Vĩnh Minh, tôn hiệu là Trí Giác Thiền Sư. Ngài ở Vĩnh Minh 15 năm, độ được 1.700 vị Tăng.


    Mỗi ngày đêm, Đại Sư công khóa 108 việc. Đại sư thường truyền Bồ Tát giới, mua thả sanh mạng, thí thực quỷ thần, tất cả công đức đều hồi hướng Tịnh độ. Ban đêm ngài qua gộp núi khác niệm Phật, lấy số mười vạn câu làm chừng. Những người ở chỗ gần ngài niệm Phật có lúc nghe tiếng loa bối thiên nhạc du dương. Về phần kinh Pháp Hoa, trọn đời ngài tụng được một muôn ba ngàn bộ. Ngài có trứ tác bộ “Tông Cảnh Lục” 100 quyển, hội chỉ thú đồng dị của ba tông: Hoa Nghiêm, Pháp Hoa và Duy Thức.


    Ngài có viết tập “Vạn Thiện Đồng Quy”, trong tập này, về đoạn chỉ quy Tịnh độ, lời lẽ thiết yếu, đại lược như dưới.


    Hỏi: Duy tâm tịnh độ cùng khắp mười phương, sao lại móng tâm thủ xả, mà cầu thác sanh liên đài, gởi thân Cực Lạc. Như thế đâu hiệp môn vô sanh, và đã có tâm nhàm uế thích tịnh thời đâu thành bình đẳng?


    Đáp: Sanh về duy tâm Tịnh độ là phần của bực liễu đạt tự tâm, Kinh “Như Lai Bất Tư Nghị Cảnh Giới” nói: “Tất cả tam thế chư Phật đều duy tâm lượng, đặng tùy thuận nhẫn, hoặc nhập sơ địa, xả thân mau sanh Cực Lạc quốc độ”.
    – Do đây mà biết rằng người đạt tự tâm mới sanh duy tâm Tịnh độ, còn hàng chấp cảnh chỉ thuộc trong cảnh sở duyên. Đã có nhơn quả không sai, mới rõ ngoài tâm không thật pháp.


    Lại môn bình đẳng cũng chỉ thú vô sanh, dầu tin theo lời Phật, nhưng ngặt vì lực lượng chưa đủ, quán trí cạn, tâm tưởng thô, trần cảnh mạnh, tập khí nặng, cần phải sanh Tịnh độ, để được nương nơi duyên thù thắng, nhẫn lực mới dễ thành, mau viên mãn Bồ Tát đạo.


    Thập Nghi Luận nói: Người trí dầu mạnh mẽ cầu sanh Tịnh độ, nhưng đạt được lý sanh thể bất khả đắc, tức là chơn vô sanh. Đây là nghĩa “vì tâm tịnh mà Phật độ tịnh”. Người ngu bị “sanh”, nó trói buộc: nghe “sanh” liền cho là “sanh”, nghe “vô sanh” liền cho là “vô sanh”, mà chẳng hiểu lý: "Sanh là vô sanh, vô sanh là sanh", nên rồi thị phi với nhau. Đây là kẻ tà kiến báng pháp.


    Hỏi: Ngoài tâm không pháp, Phật không khứ lai, sao lại có việc thấy Phật và Phật đến rước?


    Đáp: Duy tâm niệm Phật, dùng duy tâm quán khắp cả vạn pháp. Đã rõ cảnh là tâm, biết tâm là Phật, cho nên niệm đâu cũng là Phật cả.


    Kinh Bát Chu Tam Muội nói: “Như người nằm mộng thấy thất bảo, và quyến thuộc vui vầy. Thức dậy nhớ nghĩ lại, chẳng biết cảnh sang giàu vừa thấy đó ở đâu. Niệm Phật cũng như vậy”.


    Đây là dụ cho “cảnh” do “tâm” làm ra, chính có mà là không, cho nên không Phật, cũng không lai, khứ. Lại “như huyễn không thật, thời tâm và Phật đều bặt”. Mà “chẳng phải là không huyễn tướng, thời tâm và Phật rõ ràng”. “Không” và “có” đã vô ngại, nên chính không khứ lai nhưng chẳng ngại gì thấy Phật đến. Đương thấy chính là không thấy, thường hiệp với trung đạo. Vì thế nên Phật thiệt không đến, tâm cũng chẳng đi, nhưng cảm ứng đạo giao duy tâm tự thấy. Như người gây tội nặng, cảm tướng địa ngục. Duy Thức luận nói:


    - “Tất cả như người địa ngục đồng thấy ngục tốt v.v… làm những sự khổ hại cho mình”. -Vì lẽ đó, nên đều là do tâm ác nghiệp của kẻ gây tội hiện ra, trọn không có chó đồng rắn sắt thiệt ở ngoài tâm. Tất cả sự, tất cả pháp trong đời cũng đều như thế cả.


    Hỏi: Quán kinh dạy 16 pháp quán, đều là nhiếp tâm tu định, quán tướng hảo của Phật cho đặng thấy rõ ràng đều đủ mới bước đến cõi Tịnh. Người tán tâm làm sao vãng sanh được.


    Đáp: Cực Lạc chín phẩm có cao và thấp, nhiếp cả các hạng: thượng, trung và hạ, nhưng không ngoài 2 tâm này:


    A -Định tâm”, tu tập định quán thời thượng phẩm vãng sanh.


    B -Chuyên tâm”, chỉ chuyên niệm danh hiệu cùng thực hành các điều thiện, rồi hồi hướng phát nguyện thời đặng thành phẩm dưới. Nhưng cần phải trọn đời chuyên cần. Lúc ngồi nằm đều phải xoay mặt hướng Tây. Trong những lúc hành đạo, lễ kính, hồi hướng, phát nguyện phải thiết tha cầu khẩn, lòng không xao lãng. Như đương bị ngục tù, như đương bị giặc bắt, như đương bị trôi, bị cháy, nhứt tâm cầu Phật cứu, nguyện thoát khỏi biển khổ sanh tử sanh về Tịnh độ, mau chứng vô sanh độ khắp mọi loài, để nối thạnh ngôi Tam Bảo, đền đáp bốn ơn. Nếu ai chí thành được như vậy thời quyết đặng kết quả.


    Như hoặc ngôn hạnh không xứng đáng, tín nguyện yếu kém, tâm không chuyên nhất, không nối luôn mà thường có ý xao lãng. Giãi đãi như vậy, đến lúc lâm chung cầu sanh, e rằng nghiệp chướng trở ngăn khó gặp thiện hữu. Thân bị bức rức đau khổ khó giữ vững chánh niệm. Vì hiện tại đây là “nhơn”, lúc lâm chung là “quả”. Nếu lo “nhơn cho chắc thiệt” thời “quả quyết không hư luống”. Như tiếng hòa nhã thời vang dịu dàng. Như hình ngay thời bóng thẳng.


    Như muốn đến lúc lâm chung thập niệm thành tựu, thời hiện tại phải lo sắm sửa trước chuyên tâm niệm Phật, chứa nhóm công đức, hồi hướng cầu vãng sanh, niệm niệm không quên Phật, không rời Cực Lạc. Như thế mới chắc chắn mà khỏi lo ngại.


    Vả, hai đường: “thiện” và “ác”, hai báo: “khổ” và “vui” đều là do ba nghiệp (thân, khẩu, ý) gây nên.


    Nếu tâm sân hận, tà dâm: đó là nghiệp Địa ngục.


    Bỏn sẻn tham lam không xả thí: đó là nghiệp Ngạ quỷ.


    Đần độn ngu si: là nghiệp Súc sanh.


    Ngã mạn cống cao: là nghiệp Tu La.


    Kiên trì ngũ giới: là nghiệp Người.


    Ròng tu thập thiện: là nghiệp Trời.


    Chứng ngộ nhơn không: là nghiệp Thanh Văn.


    Thấu rõ duyên sanh vô tánh: là nghiệp Duyên Giác.


    Tu trọn lục độ: là nghiệp Bồ Tát.


    Chơn từ bình đẳng: là nghiệp Phật.


    Nếu tâm niệm thanh tịnh thời đài vàng hoa báu, hóa sanh nơi Tịnh độ. Còn tâm niệm nhơ đục thời gò nổng hầm hố, thọ thai nơi cõi uế. Đây đều là “quả đẳng luân”, cảm lấy “duyên tăng thượng”. Cho nên nhơn cùng quả, rời ngoài tâm nguyên, không có tự thể riêng khác. Muốn đặng quả báo thanh tịnh thời phải thực hành nhơn hạnh thanh tịnh. Như nước thời tánh chảy xuống, lửa thời tánh bốc lên, thế tất nhiên như vậy, có gì mà nghi ngờ.


    Lại vì người học đạo thời bấy giờ, phân vân nơi “Thiền” và “Tịnh”, chưa biết nên tu theo môn nào là hơn và chắc chắn, nên ngài có bốn bài kệ để so sánh sự lợi hại của hai môn.


    I - Có Thiền mà không Tịnh độ,
    Mười tu, chín kẻ dần dà,
    Ấm cảnh nếu hiện tiền,
    Thoạt theo nó mà đi.



    II - Không Thiền mà có Tịnh độ,
    Mười người tu, mười vãng sanh.
    Đặng gần Phật Di Đà
    Lo gì không khai ngộ.



    III - Có Thiền lại có Tịnh Độ
    Như cọp mạnh lại thêm sừng.
    Hiện đời làm thầy người,
    Đời sau làm Phật, Tổ.



    IV - Không Thiền cũng không Tịnh độ,
    Giường sắt cột đồng đang chờ.
    Muôn kiếp cùng nghìn đời,
    Không chỗ nương tựa được
    .


    Nhà Tống, năm Khải Bửu thứ tám, ngày 26 tháng 2, sáng sớm dậy, ngài thắp hương lễ Phật. Lễ xong, ngài nhóm đại chúng lại dặn dò răn dạy, rồi ngồi kiết già trên pháp tọa mà thị tịch, thọ 72 tuổi.


    Trích ở những bộ: Lạc Bang Văn Loại”, “Vạn thiện đồng quy tập”.



    "Niệm lên danh hiệu Phật,
    Muôn đức đủ đầy trong.
    Chuyên trì danh hiệu ấy,
    Muôn hạnh đủ không sai.
    "

    :praying:2Nam mô A Di Đà Phật.:praying:2
    ---o0o---

    Thường Như - Thiện Tường - Mãn Ngọc - Trực Minh.


  7. #7
    Tứ Đẳng Avatar của gioidinhtue
    Gia nhập
    Jan 2010
    Nơi cư ngụ
    Quảng Đà
    Bài gởi
    4,281

    Mặc định


    THẤT TỔ: TỈNH THƯỜNG ĐẠI SƯ.



    Tỉnh Thường Đại Sư
    , người Tiền Đường, họ Nhan, tự Thứu Vi, xuất gia hồi thuở mới lên bảy.



    Trong khoảng niên hiệu Thuần Hóa nhà Tống, Ngài trụ chùa Nam Chiêu Khánh. Vì mộ Tịnh Độ đạo tràng ở Lô Sơn, Ngài lập Liên Xã, khắc tượng A Di Đà Phật. Ngài tự chích lấy máu chép phẩm “Tịnh Hạnh” trong kinh Hoa Nghiêm. Nhơn đó bèn đổi tên Liên Xã làm Tịnh Hạnh Xã. Hàng Sĩ phu trí thức thời bấy giờ dự hội được 120 người. Tướng Quốc Vương Văn Đán làm hội thủ. Mọi người đều xưng là Tịnh Hạnh đệ tử. Về phần Tỳ Kheo Tăng, Đại Sư độ được trên nghìn người.


    Năm Thiên Hy thứ 4, ngày mười hai tháng giêng, Đại Sư đoan tọa niệm Phật, giây lát bỗng nói to rằng: “Phật đã đến!”. Rồi yên lặng mà� tịch, thọ 62 tuổi.


    Giờ Ngài tịch, cả đại chúng đều thấy mặt đất biến thành sắc huỳnh kim, rất lâu mới trở lại màu cũ.

    Trích ở bộ:Phật Tổ Thống Kỹ”.
    "Niệm lên danh hiệu Phật,
    Muôn đức đủ đầy trong.
    Chuyên trì danh hiệu ấy,
    Muôn hạnh đủ không sai.
    "

    :praying:2Nam mô A Di Đà Phật.:praying:2
    ---o0o---

    Thường Như - Thiện Tường - Mãn Ngọc - Trực Minh.


  8. #8
    Tứ Đẳng Avatar của gioidinhtue
    Gia nhập
    Jan 2010
    Nơi cư ngụ
    Quảng Đà
    Bài gởi
    4,281

    Mặc định


    BÁT TỔ: CHÂU HOẰNG ĐẠI SƯ.



    Châu Hoằng Đại Sư, người Hàng Châu, họ Trầm, tự Phật Huệ, hiệu Liên Trì. Năm 17 tuổi đã được bổ làm Giáo thọ, có tiếng là người học hạnh gồm đủ.


    Bên nhà ngụ có mụ già, mỗi tối niệm Phật vài nghìn câu làm thường khóa, Đại Sư hỏi. Mụ đáp: “Chồng tôi lúc sanh tiền chuyên trì niệm Phật. Đến ngày lâm chung không bịnh, vui vẻ vòng tay cáo từ mọi người mà đi. Do đó, nên tôi biết công đức niệm Phật không thể nghĩ bàn”.


    Từ khi nghe lời mụ già láng giềng nói, Đại Sư để tâm nơi pháp môn Tịnh độ. Ngài viết bốn chữ lớn “Sanh tử sự đại” treo trước bàn để tự răn nhắc.

    Năm 32 tuổi xuất gia, ngài đến học với Biện Dung Thiền Sư, Tiếu Nham Thiền Sư, tham cứu câu “Niệm Phật đó là ai?” được tỉnh ngộ.



    Năm Long Khánh thứ năm, nhà Minh, Đại Sư khất thực ở Vân Thê, thấy cảnh núi u nhã bèn cất am ở, trong núi có nhiều cọp dữ. Đại Sư hành Du Già Diệm Khẩu, cọp không khuấy hại người.


    Năm đó trời nắng hạn. Người xứ ấy cầu Đại Sư đảo võ. Ngài nói: “Tôi chỉ biết niệm Phật, không tài nghề gì khác”. Mọi người cố thỉnh, Đại Sư cảm lòng thành khẩn của dân chúng, bèn tay cầm mõ, đi bộ theo bờ ruộng mà niệm Phật. Mưa to liền xối xuống. Dân chúng vui mừng kính đức, cùng nhau hiệp sức cất chùa xây điện. Tăng chúng quy tụ, không mấy lúc mà thành cảnh tòng lâm lớn.


    Đại Sư chủ trương Tịnh độ Cực lạc bác bỏ cuồng thiền. Ngài trứ tác bộ “Phật Thuyết A Di Đà kinh sớ sao”, dung hội cả sự lẫn lý, lợi khắp ba căn rất là uyên áo.


    Đại Sư một mặt chuyên tu Tịnh độ và giáo hóa người, một mặt thường thực hành các điều thiện để tư trợ tịnh nghiệp: thẩm định nghi “Thủy Lục” và văn “Du Già Diệm Khẩu” để cứu khổ u minh, khai ao phóng sanh, và làm văn giới sát.


    Năm Vạn Lịch thứ 40, cuối tháng sáu, Đại Sư đi vào thành từ biệt các đệ tử và những người cố cựu rằng: “Tôi xắp đi nơi khác”. Rồi ngài trở về đãi trà từ biệt đại chúng. Mọi người không hiểu cớ gì.


    Chiều mùng một tháng 7, Đại Sư vào nhà Tăng nói: “Ngài mai tôi đi”.
    Qua chiều hôm sau, Đại Sư kêu mệt rồi vào tư thất đoan tọa nhắm mắt. Tăng chúng và các đệ tử, các người cố cựu trong thành đều hội đến. Đại Sư mở mắt ra nhìn mọi người mà bảo rằng: “Đại chúng phải niệm Phật cho chín chắn, chớ nghi ngờ cũng đừng phá hoại quy củ của tôi”. Dặn xong, Đại Sư chấp tay hướng về Tây Phương, xướng hồng danh của Phật mà tịch, thọ 81 tuổi.


    Trích ở bộ:Vân Thê Pháp Vị”.
    "Niệm lên danh hiệu Phật,
    Muôn đức đủ đầy trong.
    Chuyên trì danh hiệu ấy,
    Muôn hạnh đủ không sai.
    "

    :praying:2Nam mô A Di Đà Phật.:praying:2
    ---o0o---

    Thường Như - Thiện Tường - Mãn Ngọc - Trực Minh.


  9. #9
    Tứ Đẳng Avatar của gioidinhtue
    Gia nhập
    Jan 2010
    Nơi cư ngụ
    Quảng Đà
    Bài gởi
    4,281

    Mặc định

    CỬU TỔ : TRÍ HÚC ĐẠI SƯ.





    Trí Húc Đại Sư, người Ngô huyện, họ Chung tự Ngẫu Ích.
    Thân phụ thọ trì chú Đại Bi, nằm mộng thấy Quan Thế Âm Bồ Tát trao cho một đứa trẻ trai, mà sanh ra ngài.


    Thuở thiếu niên ngài học nho, từng viết sách bác Phật. Sau khi được đọc bộ “Trúc Song Tùy Bút” của Liên Trì Đại Sư, ngài liền đốt quyển sách bác Phật.
    Năm 20 tuổi, ngài đọc kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, phát tâm xuất thế, mỗi ngày niệm Phật.


    Năm Thiên Khải thứ nhất, tuổi hai mươi bốn, sau khi nghe một Pháp Sư giảng kinh, ngài sanh nghi tình, mới dụng tâm tham cứu. Ít lúc sau, được tỏ ngộ, ngài bèn đóng cửa thất ở Ngô Giang. Xảy mang bịnh nặng, khi ngọa bịnh, ngài nhất tâm cầu sanh Tịnh Độ. Bịnh bớt, ngài kết đàn trì chú Vãng Sanh:


    Ngài làm bài kệ phát nguyện:
    Cúi lạy A Di Đà,
    Thần Chú dứt gốc nghiệp
    Cùng Quan Âm, Thế Chí,
    Hải chúng Bồ Tát Tăng.
    Con mê bổn trí quang,
    Vọng đọa luân hồi khổ
    Nhiều kiếp không tạm ngừng
    Không được cứu được nương.
    Nay được thân là người,
    Vẫn nhằm đời trược loạn,
    Dầu lại dự Tăng luân,
    Mà chưa nhập pháp lưu.
    Mục kích chánh pháp suy,
    Muốn chống, sức chưa đủ,
    Chỉ vì từ đời trước
    Chẳng tu thắng thiện căn.
    Nay tâm con quyết định,
    Cầu sanh Cực Lạc quốc,
    Rồi ngồi thuyền bổn nguyện,
    Vớt hết kẻ trầm luân.
    Nếu con không vãng sanh,
    Thời khó toại bổn nguyện.
    Vì vậy với Ta Bà,
    Quyết định phải thoát lìa.
    Cũng như người bị trôi,
    Trước cầu mau đến bờ,
    Sau rồi tìm phương thế,
    Ra vớt người giữa dòng.
    Nay con chí thành tâm,
    Thâm tâm, hồi hướng tâm,
    Đốt cánh tay ba liều
    Kết tịnh đàn một thất.
    Chuyên trì chú Vãng sanh,
    Chỉ trừ giờ ăn ngủ,
    Đem công đức tu nầy
    Cầu quyết sanh Cực Lạc.
    Nếu con thối bổn nguyện,
    Quên tưởng về Tây Phương,
    Thì liền đọa địa ngục,
    Để mau biết ăn năn.
    Thề chẳng luyến Nhơn, Thiên
    Cùng vô vi Niết Bàn.
    Ngưỡng nguyện Phật oai thần,
    Lực, vô úy, bất cộng
    Tam Bảo đức vô biên,
    Gia bị Trí Húc nầy,
    Chiết phục khiến bất thối
    Nhiếp thọ cho tăng trưởng.



    Về sau, Đại Sư rộng truyền giáo pháp Thiên Thai ở các nơi: Ôn Lăng, Chương Châu, Thạch Thành, Thành Khê, Trường Thủy và Tân An, rồi về dưỡng lão ở Linh Phong.


    Đương thời, những nhà tu Thiền các nơi, phần đông cho pháp môn Tịnh Độ là quyền giáo, phàm gặp người niệm Phật, ắt bảo tham cứu chữ “Thùy (ai)?”. Riêng mình Đại Sư cho rằng: trì hồng danh chính là “Tâm Tông viên đốn”.


    - Ông Trác Tả Xa, một nhà tu thiền gạn: “Thế nào là hướng thượng nhứt lộ” của môn niệm Phật? Thế nào là rời tứ cú, tuyệt bách phi? - Cực tắc rốt sau cả của người niệm Phật là gì? – Gì là một dùi sau ót của kẻ hào hoa hư ngụy?


    - Trông mong Hòa Thượng dẹp duy tâm Tịnh độ, tự tánh Di Đà qua một bên. Thân kiến Như Lai cảnh giới nói mau một phen, để chấn động Đại Thiên thế giới.


    - Đại Sư đáp: “Hướng thượng nhứt trước” chẳng phải Thiền chẳng phải Tịnh. Vừa nói đến tham cứu, đã là quyền tạm vì kẻ hạ căn rồi. Nếu quả thiệt bực đại trượng phu tự nên tin chắc “thị tâm tác Phật, thị tâm thị Phật”. Nếu có một niệm cách với Phật thời chẳng đặng gọi là “niệm Phật Tam Muội”. Nếu niệm niệm không trở cách với Phật, thời cần gì gạn hỏi là “ai?”.


    Còn Cực tắc của môn Tịnh độ là: không có Phật ngoài niệm làm sở niệm của niệm, cũng không có niệm ngoài Phật năng niệm nơi Phật. Chính lúc hạ thủ, toàn thân lấn vào rời tứ cú tuyệt bách phi.
    Chỉ thấy được quang minh của đức A Di Đà Phật, chính là thấy thập phương vô lượng chư Phật. Chỉ sanh về Cực Lạc Tây Phương, chính là sanh khắp ở vô lượng Tịnh độ, đây là “hướng thượng nhất lộ” của môn niệm Phật.


    Nếu bỏ A Di Đà hiện tiền mà đi nói tự tánh Di Đà, bỏ Tây Phương Cực Lạc mà đi nói duy tâm Tịnh độ, đó là “hào hoa hư ngụy”.


    Kinh dạy: “tam Hiền, Thập Thánh còn ở quả báo, chỉ một mình Phật là thật ở Tịnh độ”, lời nầy là “một dùi sau ót đấy”.


    Chỉ tin chắc được môn niệm Phật nầy, rồi nương tín khởi nguyện, nương nguyện khởi hạnh, thời niệm niệm lưu xuất vô lượng Như Lai, ngồi khắp vô lượng thế giới ở mười phương mà chuyển Đại Pháp Luân, chiếu xưa suốt nay, chẳng phải là việc ngoài phần mình, há lại chỉ chấn động Đại thiên thế giới mà thôi ư?”.


    Đại Sư từng dạy rằng: “Pháp môn niệm Phật không có gì lạ lùng cả, chỉ tin chắc rồi cố sức thực hành thôi”.


    Phật dạy: “Nếu người nào niệm một đức Phật A Di Đà, đây gọi là “Vô Thượng Thâm Diệu Thiền”. - Tổ Thiên Thai bảo: “Bổn môn tam muội đồng tên niệm Phật. Niệm Phật tam muội là vua trong các môn tam muội”.


    - Tổ Vân Thê nói: “Một câu A Di Đà Phật gồm hết tám giáo, nhiếp cả năm tông”.


    Đáng tiếc người thời nay xem niệm Phật là việc thường cho là công phu của hạng ngu phu ngu phụ. Do đó mà lòng tin không chắc, không cố sức thực hành, trọn ngày lơ lơ nên rồi tịnh nghiệp không thành.


    Phải biết rằng một niệm hiện tiền đây vốn tự rời tứ cú tuyệt bách phi, chẳng cần tác ý rời tuyệt. Chính hiện tiền một câu Phật đương niệm đó cũng vốn siêu tình ly kiến, nhọc gì nói diệu nói huyền. Chỉ quý là tin cho chắc, giữ cho vững, rồi liền niệm đi. Hoặc ngày đêm mười vạn câu, bảy vạn câu, hoặc năm vạn, ba vạn, phải quyết định chẳng cho thiếu, thề trọn đời không biến đổi. Đúng như vậy mà không được vãng sanh Tịnh độ thời tam thế chư Phật là vọng ngữ. Được vãng sanh rồi thời trụ bực bất thối, tất cả pháp môn đều lần lượt hiện tiền.


    Rất kỵ nay vầy mai khác. Gặp người nghĩa học thời muốn học văn luận, gặp người tu thiền lại mong tham mong cứu, gặp ngươi trì luật thời mộ khất thực trì bát… Như vậy thì ắt không rồi việc gì, trong tâm lăng xăng đủ sự.


    Chẳng ngờ: niệm A Di Đà Phật đặng thành thục, thời tam tạng giáo lý gồm trong đó; một nghìn bảy trăm công án cơ quan hướng thượng cũng ở trong đó; ba nghìn oai nghi, tám vạn tế hạnh, tam tụ tịnh giới cũng không ra ngoài câu Phật.


    Người chơn thiệt niệm Phật: trong thì quên thân, ngoài quên cảnh, đó là “đại bố thí”; không sanh lòng tham, sân, si là “đại trì giới”; chẳng chấp thị phi nhơn ngã là “đại nhẫn nhục”; niệm Phật không gián đoạn là “đại tinh tấn”; vọng tưởng không móng khởi là “đại thiền định”; không bị sự khác và pháp khác làm mê lầm là “đại trí huệ”.


    Thử kiểm điểm lấy mình, nếu chưa quên được thân tâm thế giới, còn tham, sân, si, còn thị phi nhơn ngã, còn gián đoạn, còn vọng tưởng tạp niệm, còn bị việc khác môn khác lôi kéo, thời chưa phải là “chơn thiệt niệm Phật”.


    Muốn đến cảnh giới nhất tâm bất loạn cũng không phải là có phương cách gì khác lạ, lúc mới tập niệm phải dùng xâu chuỗi ghi số rành rẽ định chắc thời khóa quyết định không thiếu.


    Lâu lâu thuần thục, không niệm mà vẫn tự niệm, bấy giờ ghi số hay không ghi số đều đặng. Nếu ban đầu vội muốn viên dung tự tại, muốn vô tướng, thời ắt niệm lực khó thành; đây là vì tin không chắc nên thực hành không cố gắng.


    Tha hồ cho ai giảng suốt mười hai phần giáo, tam tạng kinh điển, cùng thấu cả nghìn trăm công án cũng chỉ là việc bên bờ sanh tử mà thôi. Đến phút lâm chung quyết định dùng không đặng.


    Năm Thuận Trị thứ XI nhà Thanh mùa đông, Đại Sư có bịnh. Ngài dặn các đệ tử: sau khi trà tỳ, tán xương trộn bột chia thí cho cá chim để kết duyên Tịnh độ với chúng nó.


    Sang năm, ngày 21 tháng giêng, Đại Sư sáng sớm dậy, khỏe khoắn tươi tỉnh như không bịnh. Đến giờ ngọ Đại Sư ngồi kiết già trên giường, xoay mặt về hướng Tây chấp tay mà tịch, thọ 57 tuổi.


    Sau khi Đại Sư tịch ba năm, các môn nhơn hội lại định y pháp trà tỳ. Lúc mở nắp khánh, thời thấy toàn thân của Đại Sư vẫn nguyên vẹn, tóc ra dài phủ mép tai, sắc mặt như sống.


    Đại chúng không nỡ tuân lời của Đại Sư dặn, mới xây tháp thờ ở Linh Phong.


    Trích ở bộ: Linh Phong Tông Luận” .



    "Niệm lên danh hiệu Phật,
    Muôn đức đủ đầy trong.
    Chuyên trì danh hiệu ấy,
    Muôn hạnh đủ không sai.
    "

    :praying:2Nam mô A Di Đà Phật.:praying:2
    ---o0o---

    Thường Như - Thiện Tường - Mãn Ngọc - Trực Minh.


  10. #10

    Mặc định

    Nam mô A di đà Phật.
    Nam mô A di đà Phật Quán thế âm Bồ Tát.
    Phật Pháp vô lượng.
    Nhưng nghĩ rằng được về Cõi Cực lạc thì thoát khỏi sinh tử luân hồi.
    Thì làm sao mà giúp được thế gian còn đầy rẫy bể khổ.

  11. #11
    Tứ Đẳng Avatar của gioidinhtue
    Gia nhập
    Jan 2010
    Nơi cư ngụ
    Quảng Đà
    Bài gởi
    4,281

    Mặc định


    THẬP TỔ: THIỆT HIỀN ĐẠI SƯ.




    Thiệt Hiền Đại Sư
    , người Thường Thục, triều Thanh tự Tư Tề hiệu Tỉnh Am.

    Đại sư từ bé đã không ăn thịt. Sau khi xuất gia, ngài tham cứu câu: “Niệm Phật đó là ai ?” được tỉnh ngộ, bèn nói: “Tôi đã tỉnh giấc mơ!”.

    Ngài đóng cửa thất ba năm ở chùa Chơn Tịch ngày thì xem kinh tạng, đêm lại niệm Phật.



    Sau Đại Sư đến Mậu Sơn lễ tháp thờ xá lợi của Phật. Nhằm ngày kỷ niệm Phật nhập niết bàn, Đại Sư hội hiệp Tăng, Tục sắm sửa lễ cúng dường rồi ở trước Phật, ngài tự đốt ngón tay và phát 48 đại nguyện. Lúc Đại Sư phát nguyện, cảm xá lợi phóng quang.

    Đại Sư có soạn văn “Phát Bồ Đề Tâm” để khuyến khích tứ chúng. Nhiều người tụng đến văn này mà rơi nước mắt.



    Văn rằng:


    - Trong kinh dạy: “Yếu môn nhập đạo, phát tâm làm trước. Yếu vụ tu hành, lập nguyện làm đầu”.


    Phát tâm thời Phật đạo có thể thành. Lập nguyện thời chúng sanh có thể độ. Nếu chẳng phát tâm rộng lớn cùng không lập nguyện kiên cố, thời dầu trải qua vô lượng kiếp, cũng vẫn y nhiên ở trong vòng luân hồi. Dầu có tu hành cũng đều luống khổ nhọc thôi.


    Kinh Hoa Nghiêm nói: “Quên mất bồ đề tâm mà tu các pháp lành đó gọi là nghiệp ma”.


    Quên mất còn là nghiệp ma, huống là chưa từng phát ư! Do đó mà biết rằng: phàm muốn học Phật đạo, quyết phải phát bồ đề tâm, không được trì huỡn.


    Nhưng tâm nguyện có nhiều tánh khác nhau, nay tôi vì đại chúng mà lược giải tám cách: “tà, chánh, chơn, ngụy, đại, tiểu, thiên, viên”.


    1- Trong đời có người tu hành chẳng tham cứu tự tâm, chỉ biết việc ngoài: hoặc cầu tài lợi hoặc ưa danh tiếng, hoặc ham vui sướng hiện đời, hoặc trông quả báo tương lai. Phát tâm như thế gọi là “tà”.


    2- Còn người tu hành mà chẳng cầu danh lợi, chẳng tham sung sướng, chẳng trông quả báo, chỉ vì thoát ly sanh tử, chỉ vì thành đạo bồ đề, đây gọi là “chánh”.


    3- Niệm niệm trên cầu Phật đạo, tâm tâm dưới độ quần sanh, xem Phật đạo dài lâu mà lòng không khiếp, thấy chúng sanh khó độ mà chí chẳng sờn, như lên núi quyết đến đỉnh, như trèo tháp quyết đến chót. Phát tâm như đây gọi là “chơn”.


    4- Có tội không sám hối, có lỗi chẳng chịu chừa, ngoài thời coi như trong sạch mà trong tâm nhớp nhúa, trước tinh tấn sau biếng lười, dầu cũng có tâm tốt, nhưng xen lộn danh cùng lợi, dầu có pháp lành song bị tội nghiệp làm nhiễm ô, đó gọi là “ngụy” (dối).


    5- Chúng sanh giới tận, nguyện của tôi mới tận, đạo bồ đề thành, nguyện của tôi mới thành. Phát tâm như vậy gọi là “đại”.


    6- Xem tam giới như ngục tù, coi sanh tử như oan gia, chỉ mong riêng mình mau giải thoát mà chẳng muốn độ người đây gọi là “tiểu”.


    7- Nếu có quan niệm rằng chúng sanh và Phật đạo ở ngoài tự tâm, rồi nguyện độ nguyện thành, chẳng quên công huân chẳng dứt tri kiến. Phát tâm như thế gọi là “thiên” (lệch).


    8- Biết tự tánh là chúng sanh nên nguyện độ, rõ tự tánh là Phật đạo nên nguyện thành. Chẳng thấy có một pháp nào ở ngoài tự tâm, rồi dùng tâm rỗng trống, phát nguyện rỗng trống, thực hành hạnh rỗng rang chứng quả rỗng rang, cũng không còn có thấy tướng rỗng rang(1) đây gọi là “viên”.


    Tám cách phát tâm đã rành rẽ, thời nên tự xét kỷ coi mình phát tâm thuộc tánh cách nào: là hay ngụy ư ? Là chánhchơn ư? Là đạitiểu ư? Là thiênviên ư?


    Nếu nhận thấy là ngụytiểuthiên, thời lập tức sửa đổi. Nếu xét mình là chánhchơnđạiviên, thời bền chắc thêm lên. Được như vậy mới là “chơn chánh phát bồ đề tâm”.


    Bồ đề tâm này là vua trong các pháp lành, nhờ mười nhơn duyên mà phát khởi:


    1- Vì nghĩ đến ơn Phật - Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật của ta, từ lúc tối sơ phát tâm, vì chúng ta mà hành bồ tát đạo, trong vô lượng kiếp chịu đủ sự khốn khổ. Như kinh Pháp Hoa nói: “Khắp cõi đại thiên không có chỗ nào chừng bằng hột cải mà chẳng phải là chỗ đức Phật xả thân mạng vì chúng sanh”.


    Lúc ta tạo nghiệp Phật xót thương dạy dỗ, ngặt vì ta quá ngu si không biết nghe theo. Rồi ta đọa ác đạo, Phật càng xót thương muốn chịu khổ thay ta, nhưng ta vì nghiệp quá nặng không cứu vớt được.


    Ta sanh làm người, Phật tìm cách cho ta trồng căn lành, Kiếp kiếp đời đời lòng Phật theo dõi ta, không lúc nào rời.


    Khi Phật xuất thế ta còn trầm luân, nay đặng làm người Phật đã diệt độ. Tội chi mà sanh nhằm thời mạt pháp! Phước gì mà đặng xen dự chúng Tăng! Chướng chi mà chẳng thấy thân vàng! May gì mà đặng gặp cốt tượng!


    Rồi tự nghĩ như vầy: nếu đời trước ta không từng trồng căn lành, thời do đâu mà nay được nghe Phật pháp, thời đâu biết là thường thọ ơn của Phật. Ơn đức ấy, núi cao khó sánh. Nếu ta không phát tâm hành bồ tát đạo giữ vững Phật pháp cứu độ chúng sanh, thời dầu có tan xương nát thịt cũng không đền đặng.


    2- Vì nhớ ơn cha mẹ. – Than ôi cha mẹ sanh ta khó nhọc! Mười tháng mang nặng, ba năm bú mớm, ta mới nên người. Ngỡ là ta nối nắm dòng họ, thừa tự tổ tiên. Dè đâu ta đã xuất gia lấy danh Thích Tử. Không dưng cơm nước, chẳng đỡ tay chân.


    Cha mẹ còn, ta không nuôi dưỡng thân người. Cha mẹ mất, ta không dắt dìu thần thức. Như vậy với đời là sự tổn lớn, với đạo lại không thiệt ích. Phải chăng đó là một tội nặng!


    Rồi tự nghĩ như vầy: từ đây trăm kiếp nghìn đời ta phải thực hành Phật đạo. Thập phương tam thế ta luôn cứu khắp chúng sanh. Thế thời chẳng chỉ cha mẹ trong đời hiện tại của riêng ta, mà đa sanh phụ mẫu của ta và của mọi người đều do ta mà đặng siêu thăng. Như vậy mới đền ơn sanh thành dưỡng dục được.


    3- Vì tưởng ơn Sư trưởng – Không thế gian Sư trưởng thời ta không biết lễ nghĩa. Không xuất thế Sư trưởng thời ta không hiểu Phật pháp. Không biết lễ nghĩa thời khác gì cầm thú. Không hiểu Phật pháp thời nào khác kẻ tục. Nay ta biết chút ít lễ nghĩa, hiểu đôi phần Phật pháp, ca sa che vóc, giới phẩm nhuận thân, đây là do Sư trưởng mà đặng.


    Rồi tự nghĩ: nay ta thực hành đại thừa, nguyện đem sự lợi ích lớn lại cho tất cả, nối chí Sư trưởng, mà cũng là thêm lớn công đức của Sư trưởng. Như thế, mới gọi là biết ơn Sư trưởng.


    4- Vì nghĩ ơn thí chủ - Đồ dùng hằng này đều không phải của mình: hai bữa cháo cơm, bốn mùa y áo, thuốc men khi bịnh, giường ghế khi mỏi… đều của người sắm cho.


    Người thời hết sức cày bừa còn khó đủ ăn, ta thời ngồi an thọ thực vẫn chưa vừa lòng! Người thời dệt may chẳng nghĩ còn phải thiếu rách, ta thời y áo có thừa mà không biết giữ gìn! Người thời nhà lá vách phên, bận rộn trọn đời, ta thời đền rộng nóc cao thong thả mãn năm. Dùng sự khổ nhọc của người để cung cấp sự an nhàn cho ta, như vậy, nơi lòng chừng có an được chăng? Dùng tài lợi của người để nuôi thân mình, như vậy có thuận lẽ phải cùng chăng?


    Rồi tự nghĩ: Nếu ta không lo song vận bi trí, gồm tu phước huệ, để đàn tín được nhờ, chúng sanh được độ, thời tấc vải hột cơm có ngày phải trả, địa ngục ngạ quỷ có lúc phải sa. Ta phải kiên cố bồ đề tâm mới đặng.


    5- Vì biết ơn chúng sanh – Ta cùng chúng sanh từ vô thỉ đến nay làm quyến thuộc lẫn nhau, đây kia đều có ơn nghĩa với nhau. Nay dầu cách đời đổi thân, hôn mê không nhớ biết, song cứ lý mà xét thời không thể không đền đáp.


    Hiện tại con vật mang lông đội sừng kia, biết đâu rằng từ trước ta đã từng làm con của nó. Loài giun, dế, bướm, ong đó, biết đâu rằng là thân sinh đời trước của ta. Đến những ai rên siết trong địa ngục, kêu gào nơi ngạ quỷ. Ta dầu không thấy không nghe mà họ tất cầu cứu cầu tế. Ngoài kinh thời không đâu bày rõ việc này được, ngoài Phật thời không ai nói rành việc đó được. Vì thế nên Bồ Tát xem kiến rận đều là quá khứ phụ mẫu, thú cầm đều là chư Phật vị lai, nên thường lo cứu độ, luôn nghĩ báo ơn.


    6- Vì tưởng khổ sanh tử - Ta cùng mọi người từ nhiều kiếp đến ngày nay luôn ở trong biển sanh tử: lúc làm Trời, lúc làm người, hoặc cõi này hay thế giới khác, chết đây sanh kia, thoạt lên thoạt xuống. Ngạ quỷ sớm đi mà chiều lại; địa ngục nay ra mà mai vào. Đao sơn kiếm thọ đứt nát thân hình; đồng sôi sắt đỏ cháy rã tâm can; khóc la trong lửa, rên rỉ trong băng. Muôn lần sống chết nội ngày đêm, giây lát khổ đau bằng thế kỷ. Đương lúc đó dầu biết khổ, nhưng ăn năn sao kịp, sau khi thoát khỏi liền quên vẫn tạo tội như thường. Tâm không hằng, như lữ khách ruỗi dong, thân không định, dường cửa nhà thay đổi. Cát bụi cũng không tính được số thân đã thọ, nước biển vẫn không nhiều bằng giọt chia ly. Nếu không lời Phật, việc này ai thấy ai nghe. Nếu chẳng xem kinh, lý đó đâu hay đâu biết. Nhược bằng đời này cứ tham ái như cũ, vẫn si mê như trước, e rằng muôn kiếp nghìn đời lạc lầm mãi mãi. Thân người khó được mà dễ chết mất, giờ tốt dễ qua mà khó trở lại, chẳng may, sau này phải sa vào ác đạo lại tự mang lấy khổ, bấy giờ ai thế được cho! Nên ta phải dứt lòng sanh tử, diệt biển dục tình, độ mình độ người đồng lên bờ giác, quan hệ tại một đời này, không thể bê trễ được.


    7- Vì tôn trọng tâm linh – Tâm tánh của ta cùng Thích Ca Như Lai không hai không khác. Tại sao đức Bổn Sư đã thành Phật sáng suốt tự tại, mà ta vẫn còn làm phàm phu hôn mê điên đảo? Đức Bổn Sư đủ vô lượng thần thông trí huệ, vô lượng công đức trang nghiêm tự tại giải thoát, mà ta chỉ có vô lượng nghiệp hệ vô minh, vô lượng phiền não ô trược sanh tử khổ sở!


    Tâm tánh đồng một, mà vì mê với ngộ nên khác nhau như trời với vực. Ví như vô giá bửu châu vùi dưới sình lầy, xem như đất đá. Nay ta phải dùng vô lượng thiện pháp để đối trị phiền não, tu đức công thành thời tánh đức mới hiển bày. Như bửu châu được rửa sạch lau khô để trên tràng cao liền phóng quang chiếu sáng. Như vậy mới là không uổng công giáo hóa của Phật và chẳng phụ tánh linh của mình.


    8- Vì sám hối nghiệp chướng – Kinh nói: “Phạm một tội kiết la, phải đọa địa ngục, bằng tuổi thọ của Tứ Thiên Vương”. Tội nhỏ còn bị báo khổ như vậy, huống là tội trọng ư?


    Nay ta mỗi ngày, một cử một động thường trái giới luật, lúc ăn lúc uống luôn phạm thi la. Tính kỷ trong một ngày cũng đã nhiều tội, huống là trọn đời cho đến nhiều kiếp về trước kể sao cho xiết. Cứ lấy ngũ giới mà thẩm xét cũng chưa chắc tròn vẹn, huống là mười giới, Cụ túc giới, Bồ Tát vô lượng giới ư!


    Nay ta phải hết lòng cầu ai sám hối thương mình thương người, thân khẩu tha thiết, nước mắt theo lời mà tuôn ra, mới mong tội được tiêu, khổ được thoát.


    9- Vì cầu sanh Tịnh độ - Ở cõi ác trược nầy tấn tu rất khó. Vãng sanh Cực lạc thời thành Phật rất dễ. Vì khó nên nhiều kiếp chưa nên, vì dễ mà một đời đắc quả. Do cớ ấy, nên từ xưa chư Thánh chư Hiền đều xa hướng Cực Lạc, muôn kinh nghìn luận đều chỉ quy Tịnh Độ. Đời nay tu hành, không pháp môn nào hơn pháp môn này.


    Trong kinh Di Đà nói: -“Ít thiện căn ít phước đức không vãng sanh được”. - Thế là nhiều thiện căn nhiều phước đức mới được sanh. Nhiều phước đức không chi bằng chấp trì danh hiệu, nhiều thiện căn chẳng chi qua phát bồ đề tâm. Niệm Phật giây lát hơn bố thí cả năm, phát bồ đề tâm hơn tu hành nhiều kiếp.


    Vả lại, niệm Phật cốt mong làm Phật, nếu không phát bồ đề tâm thời niệm để làm gì? Còn phát bồ đề tâm để được tấn tu, nhưng không sanh Tịnh độ thời dễ thối, dễ thất. Nên trong kinh có lời dụ:


    - Bồ Tát sơ phát tâm, với trứng cá và bông yêm la, nhơn nhiều mà quả ít.


    - Gieo giống Bồ đề, vun quén bằng niệm Phật, thời đạo quả tự nhiên tăng trưởng, rồi nương thuyền đại nguyện của Phật chắc chắn vãng sanh Tịnh độ. Đã được ở Cực Lạc tức là trụ bực bất thối, từ đây, phước trí nhị nghiêm nhiệm vận mà tăng trưởng, viên mãn. Vì thế nên ta phải nhất tâm cầu sanh Tịnh độ mới được.


    10- Vì hộ trì chánh pháp - Đức Bổn Sư vì ta và tất cả mà tu Bồ tát đạo trong vô lượng kiếp, làm những việc khó làm, nhẫn những điều khó nhẫn. Sau khi nhơn viên quả mãn thành Phật, một đời tận tụy dìu dắt mọi người, cặn kẽ chỉ dạy muôn loại. Khi cơ duyên giáo hóa đã xong, đức Phật nhập niết bàn.


    Chánh pháp đã qua, tượng phát đã hết, nay chỉ còn mạt pháp: Có giáo pháp mà không người đắc pháp. Tà chánh không phân, phải quấy lẫn lộn. Cùng nhau cạnh tranh nhơn ngã, chẳng vì lợi thời cầu danh. Tam Bảo không còn thiệt nghĩa, suy tàn tồi tệ không nỡ thốt lời. Nghĩ đến đây khó cầm giọt lụy.


    Ta là Phật tử mà không báo được ơn Phật, trong thời tự mình chẳng được lợi ích, ngoài thời vô ích với người. Sống không lợi ích cho đương thời, chết vẫn vô ích nơi tương lai. Suy nghĩ như vậy nên đau lòng xót dạ vội phát đại tâm, cùng với thiện lữ đồng đến đạo tràng tụng lời sám hối, lập thành pháp hội. Phát 48 điều nguyện, nguyện quyết độ sanh, nguyện được thành Phật. Mãn báo thân này thệ về Cực Lạc, để được lên chín phẩm, để được dự thánh lưu, để được chứng vô sanh, để được trụ bất thối.


    Rồi nương thuyền bổn nguyện trở lại Ta Bà làm cho Phật nhựt trùng huy, pháp luân thường chuyển…


    Tám cách và mười duyên đã biết đủ, thời chỗ phát tâm xu hướng, đã có nẻo có đường. Trông mong đại chúng lân mẫn lòng chơn thành tha thiết của tôi, mà cùng tôi đồng lập đại nguyện, đồng phát đại tâm. Nếu chưa phát thời nay phát, nếu phát rồi thời nay tăng trưởng, nếu đã tăng trưởng thời làm cho được tương tục. Chớ thấy khó mà khiếp sợ. Chớ thấy dễ mà xem thường. Chớ dục tốc mà không bền. Chớ giải đãi mà không được. Cũng đừng vì dốt tối mà trọn không phát tâm, cũng đừng vì trí cạn chướng dày mà tự hèn tự bỏ. Ví như trồng cây, trồng lâu ngày thời rễ cạn lần sau. Lại như mài dao, mài bền thời lưỡi lụt lần bén. Đâu có lẽ vì rễ cạn nông mà bỏ khô không trồng, dao lụt để vậy cho thành đồ vô dụng!


    Còn nếu cho tu hành cực khổ, thời chưa biết rằng biếng lười càng khổ cực hơn. Vì tu hành, dầu tạm thời cần lao nơi hiện tại, nhưng rồi được vĩnh viễn an lạc ở tương lai. Còn biếng lười trộm an nhàn một đời nay, song rồi phải nhiều đời khổ lụy.


    Huống là dùng Tịnh độ làm châu hàng thời lo gì thối chuyển, lại đặng vô sanh làm nhẫn nhục sợ gì gian nan.


    Chớ nói tâm niệm vô thường rồi không phát, cũng đừng cho luống nguyện vô ích mà không nguyện.


    Phải biết tâm chơn thời quả thiệt, nguyện lớn thời hạnh sâu. Hư không kia không rộng lớn bằng tự tâm, kim cương nọ không bền bằng nguyện lực.


    Đại chúng nếu không chê bỏ lời tôi, thời từ nay chúng ta là quyến thuộc bồ đề, làm bạn lành Tịnh độ. Nguyện cùng nhau đồng sanh Cực lạc đồng hầu Di Đà, đồng độ chúng sanh đồng thành chánh giác.


    Ít lúc sau, Đại Sư trụ chùa Tiên Lâm ở Hàng Châu.


    Năm Ủng Chánh thứ 7, Đại Sư lập Liên Xã làm văn thệ giữ chúng, lấy trọn đời làm hẹn. Chia ngày đêm làm 20 phần: 10 trì danh, 9 phần quán tưởng, 1 phần lễ sám.


    Có nhà tu thiền đến hỏi về chỉ thú niệm Phật. Đại Sư khai thị: “Một câu A Di Đà Phật là đầu tắc công án, không thương lượng gì khác, thẳng liền quyết phán. Như đống lửa lớn, nhảy vào liền cháy. Như gươm Thái A, xuông đến thì dứt rời. Tám muôn bốn nghìn pháp môn, không ngoài sáu chữ. Một nghìn bảy trăm công án, một câu đủ đoán. Mặc ai không ưa nghe Phật, ta tự niệm niệm nhớ Phật. Xin ông bất tất nhiều lời, chỉ nên nhất tâm bất loạn”.


    Năm Ủng Chánh thứ II, ngày mùng 8 tháng chạp. Đại Sư bảo đại chúng rằng: “ Tháng tư sang năm thời ta đi ”. Rồi Đại Sư đóng cửa thất mỗi ngày niệm Phật mười vạn câu.


    Sang năm, ngày 12 tháng 4, Đại Sư nói với các đệ tử rằng: “Từ đầu tháng tới nay, tôi hai lần thấy Cực Lạc Tam Thánh. Tôi sẽ vãng sanh!”. Rồi Đại Sư viết bài kệ để từ biệt chúng.


    Qua ngày kế, Đại Sư không ăn uống, cứ nhắm mắt ngồi ngay thẳng. Đến canh năm, Đại Sư tắm rửa thay y áo. Qua ngày sau tức là ngày 14, gần giờ ngọ, Đại Sư quay mặt về hướng Tây nhắm mắt yên lặng. Đại chúng Tăng Tục các nơi hội về đông như chợ. Đại Sư bỗng mở mắt nhìn mọi người mà bảo rằng: “Tôi về Cực Lạc không bao lâu tôi sẽ trở lại. Thoát ly sanh tử là việc lớn, mọi người nên tự giữ lòng thanh tịnh siêng niệm Phật là được”.


    Dặn xong, Đại Sư chấp tay xướng to hồng danh của Phật rồi tịch. Thọ bốn mươi chín tuổi.


    Trích ở các bộ:
    “Tư Tề Đại Sư Di Cảo”
    ,“Tăng Tố Phong Thuật”.

    "Niệm lên danh hiệu Phật,
    Muôn đức đủ đầy trong.
    Chuyên trì danh hiệu ấy,
    Muôn hạnh đủ không sai.
    "

    :praying:2Nam mô A Di Đà Phật.:praying:2
    ---o0o---

    Thường Như - Thiện Tường - Mãn Ngọc - Trực Minh.


  12. #12
    Tứ Đẳng Avatar của gioidinhtue
    Gia nhập
    Jan 2010
    Nơi cư ngụ
    Quảng Đà
    Bài gởi
    4,281

    Mặc định


    THẬP NHẤT TỔ: TẾ TỈNH ĐẠI SƯ.



    Tế Tỉnh Đại Sư, người Phong Nhuận triều Thanh, họ Mã, tự Triệt Ngộ, hiệu Nạp Đường.

    Thuở thơ ấu ngài học thông kinh sử. Sau khi xuất gia ngài đi học các nơi: rộng suốt cả hai tông “Tánh”, “Tướng”, tâm đắc nhứt là “Chỉ thú Pháp Hoa Tam quán”. Kế tham học với Túy Như Thuần Thiền Sư ở chùa Quảng Thông, phát minh tâm yếu được ấn khả.


    Về sau Thuần Thiền Sư qua ở Vạn Thọ tự, Đại Sư kế vị ở Quảng Thông, sách tấn kẻ hậu học. Tông phong rất thạnh.


    Đại Sư nói: “Vĩnh Minh Thọ Thiền Sư là bực tông tượng của Thiền Môn mà còn quy tâm Tịnh độ thay, huống nay là thời kỳ mạt pháp càng phải tuân theo!”.


    Đại Sư chuyên tu Tịnh độ chủ trương Liên Tông. Mỗi ngày hạn thời giờ dạy chúng cùng tiếp khách nội một cây hương. Ngoài ra nhứt quyết chuyên lo lễ Phật niệm Phật mà thôi.


    Ít lâu sau, Đại Sư sang trụ chùa Giác Sanh, không bao lâu lại lui về ngụ chùa Tư Phước ở Hồng Loa Sơn. Tăng chúng bốn phương mến đức Đại Sư nên hội về Tư Phước mỗi ngày càng thêm đông, bèn thành Tòng lâm.


    Đại Sư vì pháp vì người lòng không chút mỏi nhàm, tất cả đều dùng Tịnh độ làm quy thú. Mỗi khi giảng đến ơn cứu khổ ban vui của Như Lai thường nước mắt theo lời mà tuôn ra. Thích chúng đều cảm động, phần đông nước mắt nước mũi ướt cả vạt áo.


    Đại Sư từng dạy: “Đầu mối quan hệ trong vòng sanh tử của chúng ta có 2 năng lực:



    A- “Tâm chữ đa đoan trọng xứ thiên trụy”, đây là tâm lực. B- “Như nhơn phụ trái cường giả tiên khiên”, đây là nghiệp lực.


    Nghiệp lực rất lớn nhưng tâm lực lại lớn hơn. Vì nghiệp không tự tánh, toàn nương nơi tâm, vì thế nên tâm chú trọng thời làm cho nghiệp mạnh.


    Nếu dùng tâm chú trọng mà tu tịnh nghiệp thời tịnh nghiệp mạnh, ngày sau báo tận mạng chung, quyết định sanh Tây Phương Cực Lạc, không sanh ở cõi nào khác. Như cây to, vách cao xiên hướng về Tây phương khi trốc gốc lỏng chân, quyết định ngả úp về hướng tây vậy.


    Thế nào là tâm chú trọng?


    Chúng ta tu tịnh nghiệp: tín tâm phải sâu chắc, chí nguyện phải

    tha thiết. Do tín tâm sâu cùng chí nguyện thiết, nên tất cả tà thuyết không lay động được, tất cả cảnh duyên không lôi kéo được.


    Giả sử lúc ta tu tịnh nghiệp mà có Đạt Ma Tổ Sư hiện ra bảo ta bỏ Tịnh tu Thiền có thể liền thành Phật, thời ta cũng từ tạ Tổ mà không dám tuân lời. Dầu Đức Thích Ca Như Lai bỗng hiện thân bảo rằng có pháp môn khác hơn Tịnh độ, ta cũng lạy Phật mà từ. Vững được như vậy mới gọi là lòng tin sâu chắc.


    Giả sử vòng lửa đỏ tròng vào đầu, ta cũng không vì sự thống khổ nầy mà quên nguyện vãng sanh. Dầu cho sự giàu sang vui sướng nhất trong đời như ngôi Luân Vương đến cho ta, ta cũng không vì sự vui sướng ấy mà quên nguyện vãng sanh. Gặp những cảnh duyên nghịch thuận tột bực như vậy mà vẫn không đổi lòng, đây gọi là chí nguyện tha thiết.


    Lòng tin chắc, chí nguyện thiết: đó là tâm chú trọng. Dùng tâm nầy mà tu tịnh nghiệp, thời tịnh nghiệp được mạnh, nghiệp mạnh thì mau thành thục. Tịnh nghiệp Cực Lạc thành thục thời nhiễm duyên Ta Bà dứt. Như thế, đến lúc lâm chung dầu có muốn cảnh giới luân hồi hiện ra cũng không thể được, dầu có muốn rời Di Đà cùng cảnh Tịnh độ đừng hiện ra cũng không thể được.


    Nhưng lòng tin chắc và chí nguyện thiết ấy, lúc bình thời phải rèn luyện cho thành, đến lúc lâm chung mới khỏi sa lạc vào lối khác. Như Cổ Đức lúc lâm chung, chư Thiên trổi nhạc cầm phan đến rước ở ngôi Đâu Suất Thiên Vương mà các ngài cố từ, cứ chuyên tâm niệm Phật tưởng Phật đến khi Phật và Thánh Chúng đến mới chịu theo. Vả sắp chết là lúc tứ đại phân trương, chư Thiên đến rước là cảnh tuyệt cực. Nếu bình thời lòng tin cùng chí nguyện không phải mười phần vững chắc cả mười, thời lúc lâm chung gặp phải cảnh ấy tất khó có thể tự chủ được".


    Có nhà tu thiền đến gạn: “Tất cả các pháp đều huyễn mộng, Ta Bà

    vốn là huyễn mộng, Cực Lạc cũng là huyễn mộng. Đồng là huyễn mộng, tu có ích gì?”.


    Đại Sư nói: “Không phải thế! Từ Thất địa Bồ Tát trở xuống, đều là trong huyễn mộng mà tu hành. Đến như Đẳng Giác vẫn còn đương ngủ vì còn vô minh. Chỉ bực Phật mới là Đại giác.


    Đương lúc ở trong cảnh mộng thời khổ cùng vui rõ ràng. Cảnh mộng chịu khổ ở Ta Bà, sao bằng cảnh mộng an vui nơi Cực Lạc. Huống lại cảnh mộng Ta Bà là từ mộng vào mộng, càng lúc càng đi sâu vào chốn mê say. Còn cảnh mộng Cực Lạc là từ mộng ra khỏi mộng thành bực Đại Giác. Cõi uế cùng cõi tịnh dầu đồng cảnh huyễn mộng nhưng ảnh hưởng cùng kết quả khác xa nhau, vì thế nên cần phải sớm tu Tịnh độ”.


    Năm Gia Khánh thứ 15, tháng hai. Đại Sư biết trước ngày vãng sanh, bèn đi từ biệt các nơi và dặn rằng: “Thân hư huyễn này không bền lâu, ai nấy đều nên nỗ lực niệm Phật, chúng ta sẽ gặp nhau ở Tịnh độ”.


    Đến tháng chạp, ngày mùng 2, thoạt thấy trên hư không vô số tràng phan bửu cái từ hướng Tây đến. Đại Sư nói với đại chúng rằng: “Cảnh Tịnh độ đã hiện, ta xắp sửa về Cực Lạc!”. Rồi Đại Sư bảo đại chúng luân phiên niệm Phật. Ngày 17, giờ thân, Đại Sư nói với đại chúng rằng: “Hôm qua tôi thấy Văn Thù, Quan Âm và Thế Chí ba vị Bồ Tát, bây giờ lại được đức Phật tự thân đến tiếp dẫn. Tôi đi đây!”. Nói xong, Đại Sư đoan tọa xoay mặt về hướng Tây nói: “Xưng một câu Hồng Danh thời thấy đặng một phần tướng hảo!”. Dứt lời, Đại Sư kiết ấn mà tịch. Thọ 70 tuổi, Tăng lạp: 49. Giờ Đại Sư viên tịch cả chúng đồng nghe mùi hương lạ ngào ngạt. Để lộ khánh 7 ngày, thi thể của Đại Sư sắc mặt tươi như sống, tóc bạc biến thành đen. Lúc trà tỳ, đặng hơn trăm hột xá lợi.




    Trích ở bộ:
    Triệt Ngộ Thiền Sư Ngữ Lục”.


    ---Đến đây là hết---

    :rose::rose::rose:NAM MÔ TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC THẾ GIỚI, ĐẠI TỪ ĐẠI BI, A DI ĐÀ PHẬT.:rose::rose::rose:

    "Niệm lên danh hiệu Phật,
    Muôn đức đủ đầy trong.
    Chuyên trì danh hiệu ấy,
    Muôn hạnh đủ không sai.
    "

    :praying:2Nam mô A Di Đà Phật.:praying:2
    ---o0o---

    Thường Như - Thiện Tường - Mãn Ngọc - Trực Minh.


  13. #13
    Tứ Đẳng Avatar của gioidinhtue
    Gia nhập
    Jan 2010
    Nơi cư ngụ
    Quảng Đà
    Bài gởi
    4,281

    Mặc định

    Trích dẫn Nguyên văn bởi dub Xem Bài Gởi
    Nam mô A di đà Phật.
    Nam mô A di đà Phật Quán thế âm Bồ Tát.
    Phật Pháp vô lượng.
    Nhưng nghĩ rằng được về Cõi Cực lạc thì thoát khỏi sinh tử luân hồi.
    Thì làm sao mà giúp được thế gian còn đầy rẫy bể khổ.
    Về thế giới Cực Lạc để mà theo học với Phật Di Đà cùng với chư Bồ-tát, chư Liên hữu, nương theo bản nguyện của các Ngài để cứu độ mình cùng chúng sanh nơi thế giới Ta-bà đầy đau khổ. Đó là mục đích mà chúng ta cần phải hoàn thành. A Di Đà Phật !!!
    "Niệm lên danh hiệu Phật,
    Muôn đức đủ đầy trong.
    Chuyên trì danh hiệu ấy,
    Muôn hạnh đủ không sai.
    "

    :praying:2Nam mô A Di Đà Phật.:praying:2
    ---o0o---

    Thường Như - Thiện Tường - Mãn Ngọc - Trực Minh.


  14. #14
    Tứ Đẳng Avatar của gioidinhtue
    Gia nhập
    Jan 2010
    Nơi cư ngụ
    Quảng Đà
    Bài gởi
    4,281

    Mặc định

    Theo "Liên Tông Thập Tam Tổ" thì Hành Sách Đại Sư là Thập tổ, và Thiệt Hiền Đại Sư là Thập nhất Tổ, Tế Tĩnh Đại Sư là Thập nhị Tổ, Ấn Quang Đại Sư là Thập tam Tổ. Nay xin post lược sử của 2 vị Tổ trên, để mọi người tham khảo. Có chi sai sót, mong mọi người lượng thứ bỏ qua. A Di Đà Phật !!!

    Nam Mô Cầu Sám Hối Vương Bồ-Tát Ma-Ha-Tát !!!

    "Niệm lên danh hiệu Phật,
    Muôn đức đủ đầy trong.
    Chuyên trì danh hiệu ấy,
    Muôn hạnh đủ không sai.
    "

    :praying:2Nam mô A Di Đà Phật.:praying:2
    ---o0o---

    Thường Như - Thiện Tường - Mãn Ngọc - Trực Minh.


  15. #15
    Tứ Đẳng Avatar của gioidinhtue
    Gia nhập
    Jan 2010
    Nơi cư ngụ
    Quảng Đà
    Bài gởi
    4,281

    Mặc định

    Thập Tổ : Hành Sách Đại Sư.




    Hành Sách Đại sư, tự là Triệt Lưu, người đời nhà Thanh, con của Tưởng Toàn Xương, một bậc lão nho ở vùng Nghi Hưng. Cha Ngài là bạn phương ngoại với đức Đức Thanh Hòa Thượng, tức Hám Sơn Đại Sư. Niên hiệu Thiên Khải thứ sáu, sau khi Hám Sơn Đại sư thị tịch được ba năm, một đêm Tưởng Toàn Xương nằm mộng thấy ngài Hám Sơn vào nhà mình.


    Cũng trong đêm ấy, Hành Sách Đại sư sanh ra, nên nhân đó ngài lại được cha đặt cho ngoại hiệu là Mộng Hám. Đến khi khôn lớn, cha mẹ kế tiếp qua đời, ngài cảm sự thế vô thường, có ý niệm thoát tục. Năm hai mươi ba tuổi, Ngài thế phát xuất gia với Nhược Am Hòa Thượng ở chùa Lý An.T u hành tinh tấn không đặt lưng xuống chiếu trải năm độ nắng mưa, Ngài tỏ suốt nguồn chân, ngộ và pháp tánh. Sau khi Nhược Am Hòa Thượng thị tịch, Đại sư trụ trì chùa Báo Ân. Thời gian này, ngài được bạn đồng tham thức là Tức Am thiền sư khuyên tu tịnh độ, lại gặp Thiều Thạch Pháp sư hướng dẫn về duyệt lãm về Thiên Thai Giáo Quán. Kế đó, ngài cùng Tiều Thạch Pháp Sư đồng nhập thất tu môn Pháp Hoa Tam Muội. Nhân đây, túc huệ của đại sư khai phát, ngộ suốt đến chỗ cốt tủy của Thai giáo.


    Niên hiệu Khang Hy thứ hai, Ngài cất am ở núi Pháp Hoa, bên bờ sông Tây Khê tại Hàng Châu, chuyên tu Tịnh độ. Nhân đó lại đặt tên chỗ ở của mình là Liên Phụ Am. Đến năm Khang Hy thứ chín, Đại sư trụ trì chùa Phổ Nhân ở Ngư Sơn, đề xướng thành lập Liên Xã. Học giả các nơi hưởng ứng tu tập rất đông. Ngài từng làm bài văn khuyên phát lòng tin chân thật rằng: "Phần đông người tu tập xưa nay, đều ưa thích Niệm Phật Tam Muội. Tuy nói quả cao để tu tiến, mà kẻ sau ít được thành công. Y bởi do tín nguyện không chuyên nên chẳng thể đồng về cảnh Tịnh. Nay đã họp nhiều liên hữu, cùng nhau tu tập tịnh nhân, nếu không xét kỹ chỗ phát tâm, đâu biết rõ lối đường thoát khổ ".


    Đồng nhân chúng ta dự và pháp hội, lòng tin chí nguyện phải thật phải chân. Nếu không chân chính, tuy ăn chay niệm Phật, tu phước phóng sanh, chỉ là người lành thế gian, duy hưởng nhân thiên phước báu. Lúc hưởng phước vui, dễ bề tạo nghiệp, đã tạo nghệp ác, phải đọa khổ luân hồi. Điều này dùng chánh nhãn xét xem: Chỉ hơn bọn xiển đề một bước! Nếu lòng tin như thế, đâu được gọi là chân? Vậy chân tín là thế nào? Thứ nhất phải tin: Tâm, Phật và chúng sanh, cả ba không sai khác. Chúng ta là Phật chưa thành. Di Đà là Phật đã thành. Giác tánh đồng một vẫn không có hai. Ta tuy điên đảo mê lầm, giác tánh chưa từng mất. Ta tuy nhiều kiếp luân chuyển, giác tánh chưa động. Nên nói: "Khi một niệm hồi quang đồng về nơi bản đắc là như thế. Thứ hai phải tin: Chúng ta là Phật danh tự, Di Đà là Phật cứu cánh, tánh tuy không khác, ngôi cách vực trời. Nếu không chuyên niệm đức Phật kia, cầu về cõi Tịnh; tất phải chịu theo nghiệp lưu chuyển, chịu khổ vô cùng! Đây gọi là pháp thân lưu chuyển sáu nẻo, không được thành Phật, mà vẫn cam phận chúng sanh. Thứ ba phải tin: Chúng ta dù nghiệp sâu chướng nặng, sống lâu nơi cảnh khổ, vẫn là chúng sanh trong tâm của Di Đà. Di Đà tuy muôn đức trang nghiêm an vui ở cõi Tịnh, cũng là vị Phật trong tâm chủa chúng ta. Đã rõ chân tâm vốn không hai, tất biết cảm ứng tự giao tiếp. Như đá nam châm hút sắt, việc này đâu lựa phải nghi? Đây gọi: nhớ Phật, niệm Phật, hiện tiền hoặc tương lai, quyết định sẽ thấy Phật, cách Phật chẳng xa vậy. Đủ lòng tin chân thật như trên, tuy chút phước điểm lành như hạt bụi mảy lông, đều có thể hồi hướng Tây phương, trang nghiêm Tịnh độ.


    Huống nữa trì trai giữ giới, bố thí, phóng sanh, đọc tụng đại thừa, cúng dường Tam Bảo, tu các hạnh lành, há chẳng đủ làm tư lương Tinh độ ư? Chỉ e lòng tin chẳng chân thành, mới khiến bị chìm nơi hữu lậu. Cho nên trong việc Tịnh tu, không chước chi lạ. Muốn công không luống uổng, quả được tròn nên, thì ngày đêm khi hành đạo, không rời ba điều tin trên mà thôi!". Đại sư thường tổ chức những kỳ đả thất, để khuyến khích đại chúng tinh tấn thêm. Trong các kỳ thất, ngài khai thị đại ý rằng: Bảy ngày trì danh, quý nơi giữ một lòng không loạn, chớ để trần lụy xen vào, không phải niệm mau niệm nhiều là hay.


    Cách trì danh, cần không hưỡn không gấp, bền bỉ chắc chắn, khiến cho câu Phật hiệu rành rõ nơi tâm. Khi đi đứng nằm ngồi, ăn cơm mặc áo, nên giữ câu hồng danh liên tục chẳng dứt, không tán loạn hôn trầm dường như hơi thở ra vào nối tiếp. Trì danh như thế gọi là nhất tâm tinh tấn về phần sự. Nếu thể cứu được sâu vào, thì muôn pháp đều như, nguyên không hai tướng. Đó là chúng sanh cùng Phât, mình cùng người, nhân với qủa, y báo với chánh báo, nhơ cùng sạch, khổ cùng vui, ưa với chán, lấy với bỏ, bồ đề cùng phiền não, sanh tử cùng Niết bàn...các pháp ấy đều không hai, đều đồng một tướng, đồng một thể thanh tịnh. Như thế cứ thể cứu một cách thiết thật, không cần phải gắng gượng an bài. Thể cứu đến lúc cùng cực bỗng nhiên khế hợp với bản tâm. Chừng đó mới biết mặc á ăn cơm cũng là tam muội, cười đùa giận mắng đều việc độ sanh. Khi ấy nhất tâm hay loạn tâm trọn thành hý luận, ngày đêm sáu thời tìm một mảy tướng khác cũng không thể được. Liễu đạt như thế, mới chân chánh là người học đạo. Và trì danh như thế, gọi là nhất tâm tinh tấn về phần lý. Sự nhất tâm như trước tợ khó mà dễ. Lý nhất tâm như sau tợ dễ mà khó. Chỉ nhất tâm được như trước, quyết chắc dự phần vãng sanh.


    Nếu kiêm thêm cảnh nhất tâm sau, tất có thể lên ngôi Thượng phẩm. Nhưng hai thứ nhất tâm đây, đều là phần việc kẻ bác địa phàm phu, người hữu tâm đều có thể tu học. Khắp khuyên các hàng đạo tục trong Liên Xã, đều phải sách tấn thân tâm. Gần trong bảy ngày, xa suốt một đời, nếu thường tin và tu như thế, thì dù không chứng qủa, cũng mạnh nhân sen. Ngài kia gởi chất liên trì, tất không thuộc phẩm trung hạ vậy. Đại sư trụ trì chùa Phổ Nhân được mười ba năm. Niên hiệu Khang Hy thứ hai mươi mốt, ngày mùng chín tháng bảy, Ngài thoá hóa, thọ 55 tuổi.



    Last edited by gioidinhtue; 28-07-2011 at 02:59 PM.
    "Niệm lên danh hiệu Phật,
    Muôn đức đủ đầy trong.
    Chuyên trì danh hiệu ấy,
    Muôn hạnh đủ không sai.
    "

    :praying:2Nam mô A Di Đà Phật.:praying:2
    ---o0o---

    Thường Như - Thiện Tường - Mãn Ngọc - Trực Minh.


  16. #16

    Mặc định

    coi thấy ngưỡng mộ các vị tổ ngày xưa , chắc giờ các vị đang nơi cực lạc úng dường 10 phương chư phật, gần gũi phật a di đà và thánh chúng để nghe pháp rồi

    Nam mô A Di Đà phật
    Nguyện thường thấy chư Phật, thường thấy Bồ tát, thường thấy chơn thiện tri thức, thường nghe chư Phật nguyện, thường nghe Bồ tát hạnh, thường nghe Bồ tát Ba la mật môn .

  17. #17
    Tứ Đẳng Avatar của gioidinhtue
    Gia nhập
    Jan 2010
    Nơi cư ngụ
    Quảng Đà
    Bài gởi
    4,281

    Mặc định

    Thập tam Tổ : Ấn Quang Đại Sư.




    Ấn Quang Đại Sư, húy Thánh Lượng, biệt hiệu Thường Tàm, người khoảng cuối đời nhà Thanh sang kỷ nguyên Dân Quốc, con nhà họ Triệu ở Hiệp Tây. Thuở bé ngài học Nho, lớn lên lấy việc duy trì đạo Khổng làm trách nhiệm, nên theo thuyết cúa Hàn Dũ, Âu Dương Tu, bài bác Phật Pháp.



    Sau khi bịnh mấy năm, tự xét biết lỗi lầm, liền cải hối tâm niệm trước. Niên hiệu Quang Chữ thứ bảy đời Thanh, vừa sang hai mươi mốt tuổi, căn lành thuần thục, ngài xuất gia với Đạo Thuần hòa thượng tại chùa Liên Hoa Động ở núi Chung Nam. Ít lâu sau, lại được duyên thọ đại giới nơi chùa Song Khê, huyện Hưng An, với luật sư Ấn Hải Định.


    Ngài từng bị đau mắt khi sanh ra vừa sáu tháng, sau tuy lành bịnh nhưng mục lực đã suy kém. Mắt vừa hơi đỏ, thì chỉ nhìn thấy cảnh vật lờ mờ. Lúc thọ giới Cụ túc, vì ngài cẩn thận và viết chữ khéo, nên được cử làm chức Thơ ký. Do viết chữ quá nhiều, đôi mắt lại phát đỏ như huyết. Lúc trước nhân khi phơi kinh được xem bộ Long Thơ Tịnh Độ, biết rõ công đức Niệm Phật, nên kỳ thọ giới này, ban đêm sau khi chúng an nghỉ ngài vẫn ngồi niệm Phật. Ban ngày cho đến lúc viết chữ, tâm cũng không rời Phật.


    Nhờ đó tuy đôi mắt phát đỏ, vẫn có thể gắng gượng biên chép. Khi giới đàn vừa mãn bịnh đau mắt cũng được lành. Do đây, ngài biết công đức niệm Phật không thể nghĩ bàn! Và nhân duyên này cũng là đầu mối khiến ngài quy hướng Tịnh độ, và khuyên người niệm Phật. Từ đó, Đại sư tiến bước trên đường tu học trải qua các danh lam: Từ Phước Tự, Long Tuyền Tự, Viên Quảng Tự, và sau cùng đến chùa pháp võ ở Phổ Đà Sơn.


    Trong thời gian ấy, khi thì tham học, lúc duyệt Tam tạng kinh, khi lại nhập thất, nên ngài Ngộ sâu đến thượng thừa, lý sự đều vô ngại, Đại sư kiến thức cao siêu, làm việc cẩn thận nên hai phen được Hóa Văn Hòa Thượng và Đế Nhàn Pháp Sư mời làm đồng bạn đến đế đô thỉnh ba tạng kinh cho Pháp Võ Tự ở Phổ Đà Sơn và Đầu Đà Tự Tại Ôn Châu. Cảm mến hạnh đức, Hóa Văn hòa thượng thỉnh ngài về ở lầu Tàng Kinh tại chùa Pháp Võ để tĩnh tâm tu niệm. Tính đến cuối đời nhà Thanh, trong hơn ba mười năm xuất gia, Đại sư trước sau tới lui giao tiếp để hôm sớm yên tu, cầu chứng Niệm Phật tam muội.


    Nhưng chuông trống tuy đánh bên trong, tiếng thanh vẫn vang ra ngoài. Cao Tăng dù muốn ẩn mình, Thiên long cũng đưa duyên phổ hóa. Niên hiệu Trung Hoa Dân Quốc năm đầu, cư sĩ Cao Hạt Niên nhân khi hành hương đến chùa Pháp Võ, lúc trở về đem vài bài văn của Đại sư đăng lên Phật Học Tòng Báo ở Thượng Hải, dưới đề tên là Thường Tâm. Tuy chưa biết đó là ai, nhưng văn tự Bát Nhã đã khiến cho độc giả phát khởi căn lành, nhiều người đua nhau dò hỏi chỗ ở. Lúc ấy, Đại sư vừa đúng năm mươi hai tuổi.


    Mấy năm sau, tung tích cũng bị người tìm biết được; lần lượt kẻ vượt bể lên non cầu lời khai thị, người mượn tin hồng nhạn hỏi lối nam châm. Cư sĩ Từ Huất Như sưu tầm văn tín của ngài in thành bộ Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao, tái bản và tăng đính nhiều lượt, truyền bá cả trong đến ngoài nước. Ban sơ, khi họ Từ cư sĩ đem mẹ lên núi cầu xin quy y, Đại sư còn bền chí ẩn tu không chịu chấp nhận, bảo sang quy y với Đế Nhàn Pháp Sư ở chùa Quán Tông tại Ninh Ba.


    Đến năm Dân Quốc Thư tám, cư sĩ Châu Mạnh Do đem quyến thuộc lên núi, ba bốn phen đảnh lễ cầu khẩn, xin thâu làm đệ tử tại gia. Đại sư quán xét cơ duyên, lý khó khước từ, bất đắc dĩ phải chấp thuận. Tính đến năm ấy, ngài được năm mươi chín tuổi, mới thâu đệ tử quy y lần đầu. Từ đó,hàng thiện tín kẻ viết thư cầu làm đệ tử, người lên non xin được quy y, tất cả đều y giáo phụng hành, ăn chay niệm Phật. Trong một đời giáo hóa, đệ tử tại gia của Đại sư từ hạng quyền qúy giàu sang, danh nhân học sĩ đến kẻ thôn giã thường dân, số lên đến gần ba trăm ngàn người.


    Có nhiều vị niệm Phật tu hành được sanh về Cực Lạc. Đại sư trì giới tinh nghiêm, giữ mình rất kiêm ước. Đồ phục dụng tốt đẹp, cùng thức ăn ngon qúi người đem đến dâng, nếu không từ khước được, cũng chuyển tặng cho những vị xuất gia khác.


    Còn phẩm vật thông thường, thì đều chuyển giao cho nhà kho của chùa, để dại chúng cùng thọ hưởng. Bao nhiêu số tiền của dân tín cúng dường riêng cho mình, ngài đều đem in kinh sách, hoặc cứu tế các nạn tai, hay giúp vào những cơ quan từ thiện. Riêng mình chỉ giữ phần cơm thô áo vải đến trọn đời. Đại sư tánh không thích phô trương, có vài Phật tử mến đức tìm tới tận quê nhà, sưu tập sự tích từ khi ngài còn bé qua giai đoạn xuất gia và ra đời hoằng hóa, viết thành tuyệt ký, rồi gởi đến xin hiệu chính, để ấn tống lưu truyền rộng ra.


    Ngài đều khước từ, gởi nguyên bản trả lại, khuyên xin vì mình mà dẹp bỏ đi. Hai vị hiển quan: Đào Tại Đông và Hoàng Hàm Chi có viết thư đem đạo hạnh của Đại sư trình lên Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc. Ngài được Từ Tổng Thống phong tặng tấm biển đề "Ngộ Triệt Viên Minh". Sai đoàn đại biểu đem đến tận chùa Phổ Đà, cùng hiến dâng nhiều hương hoa phẩm vật, song riêng ngài vẫn thản nhiên dường không hay biết. Đại sư có ba điểm đặc biệt khác hơn những vị xuất gia đương thời.



    Một là không lãnh làm trụ trì tự viện lớn, vì cho mình kém đức, e chướng ngại đến sự thanh tu. Hai là không thâu đệ tử xuất gia, vì xét thấy vào thời mạt pháp đã sâu, người xứng đáng với bổn phận xuất gia rất ít, nên không muốn gây nhiều hệ lụy. Ba là không quyên mộ khuyến hóa, bởi thẹn thấy nhiều kẻ vì lợi danh mà làm mất sự thanh khiết của nhà tu. Về duyên hoằng hóa, Đại sư, quán xét vào thời mạt vận đạo đức lần suy, nhân căn hầu hết đều kém yếu. Phần đồng chỉ ở trình độ giữ Tam Quy, Ngũ Giới, niệm Phật ăn chay mà thôi. Như thế cũng gọi là đã có nhiều căn lành rồi. Còn hạng siêu xuất thì thật ra tuyệt ít. Vì thế, đại khái ngài chỉ khuyên giữ trọn luân thường, tin chắc nhân qủa, lánh dữ làm lành, tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tây Phương. Người đáng chiết phục, dù bậc thiền túc cự nho, đạt quan danh sĩ, cũng thẳng thắng chỉ trích. Kẻ đáng nhiếp thọ, tuy hàng sơ học hậu sanh, nông công nô bộc, cũng từ ái khuyên dậy.



    Cách giáo hóa của Ngài, chỉ đem những sự lý thuyết thật bình thường để khuyến ích, tuy chính mình hiểu sâu tông giáo, song không chuộng huyền luận cao đàm. Đại sư thường tán trợ vào các hội niệm Phật phóng sanh, khuyên giúp vào các viện Từ „u, Dưỡng lão. Ngài cũng sáng lập ra hoằng Hóa Xã, giao cho người coi sóc, mình lãnh phần chỉ đạo, để ấn tống hoặc phát hành kinh sách và tượng Phật, Bồ Tát và hơn năm triệu bộ kinh sách thích ứng với thời cơ. Về công trình hộ pháp, lúc Âu chiến lần thứ nhất, chính quyền có nghị định cho đời những kiều dân người Đức vào ở các chùa.



    Đại sư cố gắng vận động với các bậc quyền thế, khiến cho bỏ qua việc đó. Từ năm Dân Quốc thứ hai đến năm Dân Quốc thư hai mươi lăm, đã nhiều phen chính phủ theo lời đệ nghị của những nhà đương quyền có óc duy vật, lần lượt đăng báo muốn sung tài sản chùa chiền vào công quỹ, chiếm các tự viện làm trường học. Đại sư họp sứ cùng chư Tăng sĩ và các cư sĩ hộ pháp, lập cách giải cứu, khiến cho đều được nạn thoát tai qua.


    Ngoài ra, các tiểu tiết khác, ngài chỉ tuỳ thời dùng đôi lời nói, hoặc một phong thơ đều tiêu kiếp nạn. Về phần linh cảm, năm Đại sư bảy mươi tuổi được Tăng chúng thỉnh về chùa Báo Quốc. Và cuối mùa hạ, nơi đây sanh ra loài rệp rất nhiều. Từ gối chăn màn nệm, đến cửa sổ án kinh, đâu đâu cũng thấy chúng bò lai vãng. Hàng đệ tử thương ngài tuổi già sợ không kham chịu sự quấy nhiễu, xin vào để tìm cách thâu nhập. Đại sư không chấp thuận, chỉ yên tâm niệm Phật cầu nguyện cho chúng đi, không bao lâu loài rệp đều tuyệt tích. Ngoài thời niệm Phật, ngài thường tụng chú Đại Bi vào tàn hương, gạo, hoặc nước, để cứu những bịnh nặng mà các y sĩ đều bó tay. Mỗi lần như thế đều ứng nghiệm kỳ lạ. Một hôm, nơi lầu Tàng Kinh chùa Báo Quốc, phát hiện ra vô số mối trắng. Ngài hay được liền trì chú Đại Bi trong nước, bảo đem đến vẩy vào chúng.



    Loài mối đều kéo nhau bỏ đi nơi khác. Cư sĩ Cao Hạt Niên có lời tự thuật: Sở dĩ ông biết Ấn Quang Đại Sư là bậc cao Tăng, bởi ngài nói những lời rất thông thường, nhưng càng suy ngẫm càng thấy đúng với hiện cảnh và sau đó đều ứng nghiệm. Kỳ lên núi Phổ Đà lần thứ nhất, lúc nhà Thanh hãy còn, nhân ngụ tại chùa lâu ngày, cư sĩ có hỏi Đại Sư về cuộc diện mai sau. Ngài ứng khẩu đáp bằng một bài thi: Tuần hoàn kiếp số rất bi thương! Thoát khổ đâu hơn Cực Lạc bang? Gắng niệm Di Đà về bản cảnh Đừng mê trần lụy lạc tha hương Bụi hồng nghiệp trước đời hư mộng Lửa đỏ ngày sau nước họa ương Khuyên sớm xa nơi nhiều kiếp nạn Cùng nhau dạo bước đến Liên phương. Trong bài thi, ngài ám chỉ nạn binh hỏa về sau, và khuyên người niệm Phật vậy. Năm Dân Quốc thứ mười bảy, Đại sư thành lập Tịnh Độ đạo tràng tại chùa Linh Nham, soạn ra chương trình quy củ giao cho Chân Đạt hòa thượng nhiếp chúng trụ trì. Từ đó ngài về ở Tịnh thất tại Tô Châu.



    Sau thời niệm Phật, Đại sư họp cùng cư sĩ Hứa Chỉ Tịnh, tu chỉnh bốn quyển Danh Sơn Chí, nói về linh tích các núi: "Phổ Đà, Thanh Lương, Nga Mi, Cửu Hoa". Năm bảy mươi tuổi, vì chiến cuộc bức bách, ngài từ Tô Châu dời về Linh Nham, an cư niệm Phật ba năm. Năm Dân Quốc thứ hai mươi chín, ngày 24 tháng 10, Đại sư dự biết kỳ vãng sanh, cho triệu tập chư Tăng và cư sĩ về chùa Linh Nham. Trong buổi hội đàm, ngài suy cử Diệu Chơn hòa thượng kế nhiệm trụ trì, dặn dò các việc mai sau, và bảo: "Pháp môn niệm Phật không có chi đặc biệt lạ kỳ. Chỉ cần khẩn thiết chí thành, thì không ai chẳng được Phật tiếp dẫn".


    Qua ngày mùng 4 tháng 11, Đại sư cảm bịnh nhẹ, song vẫn tinh tấn niệm Phật. Niệm xong, bảo đem nước rửa tay, rồi đứng lên nói: "Phật A Di Đà đã đến tiếp dẫn, tôi sắp đi đây. Đại chúng phải tin nguyện niệm Phật cầu về Tây Phương!". Nói đoạn, bước lại ghế ngồi kiết già, chấp tay trì danh theo tiếng trợ niệm của đại chúng rồi an lành viên tịch. Lúc ấy, Đại sư tăng lạp được sáu mươi, thế thọ tám mươi tuổi. Rằm tháng hai năm sau, nhằm thánh tiết Phật nhập Niết Bàn, cũng vừa đúng kỳ Đại sư vãng sanh được một trăm ngày. Hàng đạo tục các nơi hội về Linh Nham trên hai mươi ngàn người, sắp đặt lễ trà tỳ. Lúc ấy bầu trời hốt nhiên sáng tạnh trong trẻo. Khi Chân Đạt hòa thượng cầm đuốc cử hỏa, khói bay lên trắng như tuyết, hiện ra ánh sáng năm sắc. Hôm sau Diệu Chơn hòa thượng cùng đại chúng đến nơi khám nghiệm, thấy xá lợi hiện ra nhiều hình dáng, đủ các màu, có thứ gồm ngũ sắc. Tất cả đều cứng như khoáng chất, gõ vào phát ra tiếng trong thanh. Đại chúng lựa chia thành sáu phần:



    1. Nha sỉ xá lợi, gồm ba mươi hai cái răng.
    2. Ngũ sắc xá lợi châu, nhiều hạt tròn sáng.
    3. Ngũ sắc tiểu xá lợi hoa, hình như các đóa hoa nhỏ.
    4. Ngũ sắc đại xá lợi hoa, hình như những đóa hoa lớn.
    5. Ngũ sắc huyết xa lợi, do huyết nhục hóa thành.
    6. Ngũ sắc xá lợi khối, gồm những khối có nhiều hình dáng, màu sắc.



    Tất cả đều để vào lồng kiếng, trân tàng tại bản sơn. Kế tiếp hàng Tăng Ni và đệ tử lễ bái thỉnh cầu, vị nào có thành tâm khi bới tro tìm kiếm đều được xá lợi. Như Quảng Hiệp Pháp Sư ở Tân Gia Ba, Pháp Độ Thượng Nhân ở Ngũ Đài, cư sĩ Ngô Quốc Anh ở Phi Luật Tân, cư sĩ Nhạc Huệ Võ ở Thượng Hải, mỗi vị đều được xá lợi màu xanh, màu vàng, huyết sắc hoặc ngũ sắc. Đại sư lúc bình thời, ngôn hạnh chân thật, không biểu thị điều chi kỳ lạ, nên chẳng thể biết ngài chứng đắc đến đâu. Song hàng Tăng tục xét qua đạo hạnh, sự hoằng hóa thuở còn sanh tiền, đến việc quy Tây và lưu xá lợi khi viên tịch, đều nhận định ngài là bậc Thánh nhân tái lai để tùy cơ độ sanh và hộ trì chánh Pháp. Vì thế, nhân ngày kỷ niệm một năm viên tịch, các liên hữu Tăng tục đồng suy tôn Đại Sư làm vị tổ thứ mười ba của Liên tông.


    ---HẾT---
    "Niệm lên danh hiệu Phật,
    Muôn đức đủ đầy trong.
    Chuyên trì danh hiệu ấy,
    Muôn hạnh đủ không sai.
    "

    :praying:2Nam mô A Di Đà Phật.:praying:2
    ---o0o---

    Thường Như - Thiện Tường - Mãn Ngọc - Trực Minh.


  18. #18

    Mặc định

    Nghe mọi người đồn rằng tổ thứ 14 của Tịnh Tông hiện nay là Tịnh Không.
    Tổ 13 là Ấn Quang đại sư

  19. #19

    Mặc định

    Bác post tiếp đi cho đủ bộ, hình như đến nay là vị đại sư thứ 18 hả bác?

  20. #20

    Mặc định

    hình như tịnh độ tông tổ sư đắc đạo nhiều hơn bên thiền tông thì phải ,

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Danh lục các vị tiên
    By nhaply in forum Đạo Giáo ( Lão giáo, Khổng giáo, Nho giáo )
    Trả lời: 158
    Bài mới gởi: 23-06-2019, 11:54 PM
  2. Trả lời: 41
    Bài mới gởi: 15-10-2018, 05:48 PM
  3. Tính logic của thuyết Luân hồi Nhân Quả
    By quangcom in forum Đạo Phật
    Trả lời: 11
    Bài mới gởi: 29-05-2015, 08:49 AM
  4. Đọc và suy ngẫm
    By bachliencu in forum Tịnh Độ Tông
    Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 10-05-2011, 05:47 AM
  5. Nhật ký của Đường Tam Tạng
    By dc_bac in forum Đạo Phật
    Trả lời: 2
    Bài mới gởi: 09-02-2011, 01:47 AM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •