"Sấm truyền" đáng sợ về cái chết của thái giám Hoàng Ngũ Phúc


(Kienthuc.net.vn) - Giai thoại kể rằng, Hoàng Ngũ Phúc qua đời vào ngày 18, đúng như lời “tiên tri” của gã lạ mặt, khiến nhiều người phải lắc đầu lè lưỡi vì sợ.






Năm 1786, chúa Trịnh mới tiêu diệt bởi quân Tây Sơn. Nhưng có lẽ cơ nghiệp họ Trịnh không thể giữ được đến năm 1786 nếu như không có vị tướng tài xuất thân thái giám – Hoàng Ngũ Phúc (hay Quận Việp) gánh vác.


Tướng tài xuất hậu cung


Hoàng Ngũ Phúc thường được biết với cái tên Quận Việp vì ông được phong tước Việp quận công. Ông sinh năm 1713 ở làng Phụng Công, huyện Yên Dũng trấn Kinh Bắc (nay là xã Tân Mỹ - Yên Dũng – Bắc Giang). Theo Lịch triều hiến chương loại chí, lúc trẻ Hoàng Ngũ Phúc tự thiến để sung vào làm thái giám trong cung.



Tranh minh họa Hoàng Ngũ Phúc. Ảnh: Thuvienbao.com.


Sử sách không nói rõ con đường thăng tiến của Hoàng Ngũ Phúc ra sao song đều đánh giá ông là người cẩn thận, nhiều mưu lược. Từ năm 1743, tên Hoàng Ngũ Phúc bắt đầu được nhắc đến trong Đại Việt sử ký tục biên: “Tháng 2 (năm 1743) cho Tả thiếu giám Hoàng Ngũ Phúc làm Đốc lĩnh đạo kỳ binh. Hoàng Ngũ Phúc dâng lên 12 điều về binh pháp và được chúa Trịnh Doanh chấp nhận sai đưa ra thi hành. Nhân đem binh pháp ấy hiểu thị cho Thống tướng đạo chính binh là Hoàng Công Kỳ”.


Cần phải nói thêm rằng, từ những năm 1730 vì sưu cao thuế nặng, nông dân đã nổi lên chống đối triều đình ở nhiều nơi. Năm 1737, nhà sư Nguyễn Dương Hưng khởi nghĩa ở Tam Đảo. Hai năm sau, Vũ Đình Dung nổi dậy ở Ngân Già. Cùng với đó là hậu duệ nhà Mạc (đã bị đổi họ) là Nguyễn Cừ, Nguyễn Tuyển và Vũ Trác Oánh cũng khởi nghĩa ở Hải Dương. Lại thêm Hoàng Công Chất, Nguyễn Hữu Cầu vốn là thuộc hạ cũ của Nguyễn Cừ, Nguyễn Tuyển tiếp tục khởi nghĩa sau khi triều đình đàn áp Nguyễn Cừ.


Lúc bấy giờ, dưới trướng chúa Trịnh, Hoàng Ngũ Phúc là viên tướng trụ cột quan trọng nhất để đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa. Sách Kể chuyện các quan thái giám trong lịch sử Việt Nam nói rằng: “Nhờ công lao đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa, Hoàng Ngũ Phúc được phong Việp quận công, thường gọi là quận Việp. Năm 1754, Hoàng Ngũ Phúc trở thành vị tướng quan trọng nhất của triều đình”.


Tháng 6/1744, quận Việp vây đánh quân khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu ở Đồ Sơn, giành được thắng lợi. Cầu chạy lên trấn Kinh Bắc, chỉ một thời gian ngắn lại quy tụ được hàng vạn quân. Đồn lũy san sát, liên lạc với nhau. Tướng Trần Đình Miên tiến quân bị Hữu Cầu đánh tan. Hoàng Ngũ Phúc liền đem quân đến đóng ở Võ Giàng. Tháng 12/1744, Hoàng Ngũ Phúc thống lĩnh quân sĩ 5 đạo, 10 viên đại tướng, quân sĩ hơn 12.000 người đánh tan quân của Nguyễn Hữu Cầu ở trại Thị Cầu.


Thắng Hữu Cầu, chúa Trịnh lại sai Hoàng Ngũ Phúc đi đánh quân nổi dậy của Nguyễn Danh Phương ở Tam Đảo. Lịch triều hiến chương loại chí chép: “Năm thứ 11, chúa chi đặt bốn đạo quân, sai ông điều động tập họp tiến đánh. Tháng 12, đánh phá đồn giặc ở Úc Kỳ. Tháng Giêng, năm thứ 12 tiến quân vây làng Hương Canh, giặc sợ hãi vỡ chạy. Rồi tiến đánh núi Ngọc Bội, quân giặc tan vỡ cả, trốn vào núi Độc Tôn. Ông thúc các tướng tiến sát đánh, phá tan được. Danh Phương cùng đồ đảng đốt sào huyệt, đêm trốn đi. Tháng 2, truy nã ở Lập Thạch bắt được, chúa thu quân thắng trận trở về”.


Sau trận thắng này, chúa Trịnh gia phong cho ông là Suy trung tuyên lực tán trị công thần, trải thăng Chưởng phủ sự, tham dự triều chính, Đại tư đồ kiêm Trấn thủ Sơn Nam. Từ đó trở đi, Hoàng Ngũ Phúc liên tục tham dự vào việc quân cơ trong phủ chúa Trịnh.


Năm 1774, ở tuổi 62, quận Việp xin từ quan về nghỉ, được chúa Trịnh Sâm ưng thuận cho về đồng thời còn ban hiệu là Quốc lão. Tuy nhiên, ông chưa về đến quê thì nhà chúa lại cho người gọi lại để cầm quân vào Nam đánh chúa Nguyễn.


Chẳng là lúc này ở Đàng Trong, chính sự nhiễu nhương, lại có phong trào Tây Sơn nổi dậy nên chúa Trịnh Sâm muốn nhân cơ hội đánh chiếm lại đất Thuận – Quảng. Chúa Trịnh Sâm tự tay viết trát cho ông dụ rằng: “Ông là cột đá của Nhà nước, ta dựa làm tâm phúc thân như ruột thịt. Bất đắc dĩ phải sai đi dẹp loạn, cũng bởi không có ai thay được”.


Tháng 2/1775, quân Trịnh dưới sự chỉ huy của Hoàng Ngũ Phúc tiến vào Phú Xuân. Chúa Nguyễn không chống nổi phải bỏ chạy vào Quảng Nam. Quân Trịnh chiếm toàn bộ đất Thuận Hóa. Thủ lĩnh Tây Sơn Nguyễn Nhạc nhân chúa Nguyễn bỏ chạy liền mang quân thủy bộ ra đánh. Nguyễn Phúc Thuần vội bỏ Quảng Nam theo đường biển trốn vào Gia Định để Nguyễn Phúc Dương ở lại chiêu mộ quân Quảng Nam đánh Tây Sơn từ phía Bắc còn mình đánh từ phía Nam.


Đây là lần đầu tiên kể từ khi Trịnh Nguyễn phân tranh, quân Trịnh lấy lại được cương thổ như hồi Lê Sơ. Tuy nhiên, là một tay cầm quân lão luyện, Hoàng Ngũ Phúc biết rằng quân Trịnh đi xa đã mệt mỏi, không thể tiến tiếp vào trong nên ông chủ động gửi thư về cho Trịnh Sâm xin lui binh về chỉ giữ lại đất Thuận Hóa còn Quảng Nam thì để nghỉ ngơi một vài năm sẽ tính tiếp.


Ly kỳ cái chết của Quận Việp


Đầu năm 1776, quân Trịnh bắt đầu rút về Bắc. Lúc này chủ tướng là Việp quận công đã bị ốm và bệnh tình ngày càng nặng. Khi binh thuyền rút về đến Vĩnh Dinh, trấn Nghệ An thì Hoàng Ngũ Phúc mất. Hôm đó là ngày 17 tháng Hai (tức 6/3/1776). Tin quận Việp mất làm chúa Trịnh rất đỗi thương khóc. Sách Đại Việt sử ký tục biên chép: “Tin về đến Kinh, chúa Trịnh thương khóc mãi không thôi. Nghỉ chầu 3 ngày. Sai đem 5 thuyền đến hộ tang về Bắc an táng. Cho tên thụy là Trung Chính. Cấp cho tiền thuế 5 xã, mỗi năm 1.000 quan để thờ cúng. Gia phong là Ưu vọng tài trí thượng đẳng phúc thần, lại cho thờ phụng ở miếu đình”.


Sinh từ Hoàng Ngũ Phúc tại Bắc Giang. Ảnh: Ditichlichsuquocgia.violet.vn.


Xung quanh cái chết của quận Việp có một giai thoại ly kỳ. Sách Kể chuyện các quan thái giám trong lịch sử Việt Nam nói rằng: "Tương truyền, Hoàng Ngũ Phúc cùng đại binh kéo xuống phía Nam. Mới vào đất Phú Xuân, một gã quần áo bẩn thỉu tiến lại, túm lấy càng xe của Hoàng Ngũ Phúc nói: Tướng quân, ngài đi vào ngày hôm nay sẽ gặp sự chẳng lành. Ngài nên dẫn đại binh quay về thì hơn. Hoàng Ngũ Phúc tức giận sai quân lôi gã này đi chỗ khác.


Binh lính xúm vào xốc nách lôi người kia đi. Nhưng dù bị lính kéo lôi đi, tên kia vẫn ngoái đầu lại nói thêm: Ngài quan thị, nếu ngài không nghe lời ta thì cứ chờ đến ngày 18 sẽ rõ. Sau này khi quận Việp ngã bệnh, trong quần liền truyền tai nhau câu chuyện này và tiên đoán ông sẽ chết vào ngày 18. Quả nhiên Hoàng Ngũ Phúc chết đúng ngày ấy, ai cũng lắc đầu lè lưỡi, vô cùng sợ hãi”.


Quận Việp tuy xuất thân thái giám nhưng công danh, sự nghiệp của ông thì nhiều người đỗ đạt khoa bảng chưa chắc đã bằng. Suốt mấy chục năm chinh chiến đánh đông dẹp bắc ông đã góp phần giữ được cơ nghiệp cho chúa Trịnh khỏi bị diệt vong trong những làn sóng khởi nghĩa nông dân. Chỉ 10 năm sau ngày ông mất, cơ nghiệp chúa Trịnh không còn tướng tài chống giữ đã bị Tây Sơn dẹp tan. Trong thời đại nhiễu nhương như thời Vua Lê – chúa Trịnh, thật khó để nói ai là chính đạo ai là ngụy. Tuy nhiên, xét cái đạo trung thành với chủ thì công lao của quận Việp với họ Trịnh thật là to lớn vậy.