Câu chuyện:
Một người có hai chiếc bình lớn để chuyển nước. Một chiếc bình bị nứt nên khi gánh từ giếng về nước trong bình chỉ còn một nửa. Chiếc bình lành rất tự hào về sự hoàn hảo của mình, còn chiếc bình nứt luôn thấy dằn vặt, cắn rứt vì không hoàn thành nhiệm vụ. Một ngày nọ chiếc bình nứt nói với người chủ: “Tôi thực sự thấy xấu hổ về mình. Tôi muốn xin lỗi ông”. “Ngươi xấu hổ về chuyện gì?” – Người chủ hỏi. “Chỉ vì tôi nứt mà ông không nhận được đầy đủ những gì xứng đáng với công sức ông bỏ ra” – chiếc bình nứt nói. “Không đâu – Ông chủ trả lời – Khi đi về ngươi có chú ý luống hoa bên đường hay không? Ngươi không thấy hoa chỉ mọc bên này đường phía của nhà ngươi sao? Ta đã biết được vết nứt của ngươi nên đã gieo hạt giống hoa bên phía ấy. Trong những năm qua ta đã vun tưới cho chúng và hái về trang hoàng căn nha. Mọi chúng ta đều có thể như cái bình nứt

Những ai xuất hiện trên cõi đời này nếu không phải là bậc Thánh nhân thì mấy ai được hoàn hảo về mọi mặt chứ! Mỗi cá nhân con người đều có ưu và khuyết điểm, điều quan trọng là chính họ tự biết sống điều chỉnh ưu khuyết ấy. Câu chuyện Chiếc bình nứt từ “Quà tặng cuộc sống” chính là bức thông điệp nhắn nhủ với mọi người…

“Chiếc bình nứt” chính là nghệ thuật ẩn dụ của tác giả để nói về những con người chưa hoàn thiện. Người chủ dụ cho bậc làm cha, làm mẹ đi xa hơn nữa thì có thể là dụ cho các bậc minh sư, thầy tổ. Luống hoa bên đường dụ cho những thành quả, sản phẩm của những con người chưa hoàn thiện. Chiếc bình nứt ở đây có thể được coi như con người khiếm khuyết. Thật vậy, cuộc sống con người rất đa dạng, có người thì thành công về cả đức lẫn tài, lại có người có tài mà không có đức và ngược lại. Giỏi hay dở, thành công hay thất bại là điều vẫn luôn diễn ra trong cuộc sống.

“Chiếc bình nứt” mang tâm trạng tự ti mặc cảm mà nói lên những lời chân thành tự đáy lòng mình về những khiếm khuyết của chính mình cho người chủ nghe. Đây chính là trạng thái đối ngược của tính tự cao ngã mạn, mà “chiếc bình lành” là hình ảnh tiêu biểu. Nếu người khiếm khuyết biết mình khiếm khuyết thì thật đúng với tinh thần “biết mình là ai”. Cổ đức có dạy: “Người ngu tự biết mình ngu đó chính là người khôn và nếu người khôn tự cho mình khôn ấy chính là người ngu”. Trong kinh điển Đức Phật cũng dạy: “Có hai hạng người đáng quý đó là người không phạm lỗi và người có lỗi mà biết sám hối”. Từ đó chúng ta nên biết khi mình có khuyết điểm thì chính mình phải biết nhìn nhận khuyết điểm, phải biết vươn lên biến khuyết điểm thành ưu điểm. Chính những người khiếm khuyết và chưa hoàn hảo ấy cần phải ý thức vai trò của chính mình để phù hợp với khả năng cuộc sống, đặt chính mình vào sự phù hợp với khả năng ấy.

Ở cuối câu chuyện tác giả đã kết luận: “Cuộc sống chúng ta đều có thể như cái bình nứt”. Đây là một ý kiến đúng và phù hợp với tất cả những ai mang khiếm khuyết. Như chúng ta đã biết không ít những trại cai nghiện, những nhà tù cải tạo con người sau khi phạm tội, nhằm giúp họ nhìn nhận và sửa chữa những lỗi lầm chính mình đã gây ra. Chính những nơi ấy sẽ giúp những con người lỗi lầm quay về hoàn thiện hơn trong đời sống. Họ sẽ là những chiếc bình nứt hữu dụng nếu họ biết nhìn nhận ra lỗi lầm, tương lai họ sẽ quay về để tưới tẩm luống hoa bên đường nở rộ.

Cũng có biết bao con người sinh ra trên đời, họ không đầy đủ khả năng như một người bình thường. Họ rất khó khăn trong vấn đề sinh hoạt, có thể mắt không nhìn thấy hay chân không đi lại được và thiếu đi một cánh tay hay một đôi chân… Tất cả ai rơi vào hoàn cảnh như vậy thường thì sống tự ti mặc cảm, đôi khi họ tuyệt vọng và tự cho mình là người tàn phế. Nhưng đâu đây trong cuộc sống chúng ta vẫn nghe có người tuy bị cụt hai tay nhưng lại viết chữ bằng đôi chân, tuy bị mù đôi mắt nhưng vẫn học bằng chữ nổi. Rồi người khiếm thị tốt nghiệp Đại học, cũng làm việc, cũng thành công như một người bình thường. Những người như thế họ đều ý thức được “tàn nhưng không phế”, nên đã vượt qua được sự tự ti mặc cảm số phận. Đây chính là “chiếc bình nứt” được phát huy. Lại nói thêm về ông chủ trong câu chuyện, là người biết thông cảm và sẻ chia khiếm khuyết của “chiếc bình nứt”. Ông ta biết tận dụng cơ hội và khả năng để rồi có một luống hoa tươi đẹp bên đường. Cũng thế, xưa nay các bậc lãnh đạo của một tập thể, nếu biết tận dụng nhân lực phù hợp với khả năng từng người thì lợi ích không nhỏ đối với tập thể mình đang lãnh đạo, điều này được coi là “biết cách dùng người”. Các nhà chính trị, quân sự cũng vậy nếu họ sử dụng người một cách đúng chỗ thì thành công thật lớn lao.

Chúng ta là những người học Phật có cái nhìn trên phương diện rộng thì phải thể hiện thái độ của chính mình đối với những ai khiếm khuyết. Hãy cho họ có cơ hội sửa đổi và phát huy, hãy nhìn họ với ánh mắt của tình thương và sự chia sẻ. Hướng những “chiếc bình nứt” đến đời sống thánh thiện để mang lại lợi ích cho chính họ và mọi người xung quanh. Bản thân của chúng ta nếu có khiếm khuyết thì chúng ta không nên sống tự ti mặc cảm mà phải biết biến khuyết thành ưu. Đó chính là tinh thần “sám tiền khiên hối hậu quá” mà Đức Phật đã dạy - một tinh thần vượt lên khiếm khuyết và lỗi lầm…

Người chủ trong câu chuyện chính là bậc cha mẹ, bậc lãnh đạo, bậc minh sư đầy đủ Bi – Trí – Dũng. Người chủ ấy đã hướng những con người khiếm khuyết biết làm lợi ích cho cuộc đời. Cũng vậy một vị minh sư khi biết trong hàng đệ tử tùy căn tánh mau lẹ và chậm chạp mà theo đó hướng đệ tử mình đi đúng đường, phù hợp căn tánh để làm lợi ích cho đạo. Như biết đệ tử mình không có khả năng giảng pháp mà có khả năng về nghi lễ thì sẽ hướng đệ tử mình theo đó mà hành đạo…. Như thế người chủ chiếc bình hay các bậc làm cha mẹ, bậc lãnh đạo, bậc minh sư chính là bậc “Đại thiện tri thức”.

Con người nên biết hướng đến đời sống cao thượng, không tự ti mặc cảm. Nếu ai đó sống tự ti mặc cảm thì phải biết biến “đau thương thành hành động”, phải sống đúng ý nghĩa, vai trò của mình đối với cuộc sống. Hãy sống hữu ích lạc quan, yêu thương và hòa hợp với tất cả mọi người thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn. Đó là những lời nhắn nhủ từ “Quà tặng tâm hồn”.