An Dương Vương và những dấu chân trần gian! (Phần I)
Thứ ba, 20/5/2008, 07:00 GMT+7

Truyền thuyết An Dương Vương đã được ghi chép lại trong nhiều sử sách với nhiều cái tên như: Truyện Loa Thành, Truyện Thục Vương, Truyện Mị Châu, Truyện Rùa Vàng, Truyện thần Cao Lỗ, Truyện Nước Giếng - Ngọc Trai, Truyện Mị Châu - Trọng Thủy... Những câu truyện trong dòng truyền thuyết An Dương Vương nêu trên đều có cái lõi chung nhưng không hoàn toàn như nhất ở các tiểu tiết, các tên gọi cụ thể. Có lẽ chính vì thế mà truyền thuyết này được xem là một hiện tượng phức tạp, không chỉ làm đau đầu giới nghiên cứu folklore mà ngay cả những nhà sử học, dân tộc học cũng không ít lần kỳ công khám phá. Tính đa chiều, phức diện của truyền thuyết này từng được bàn luận khá sôi nổi trong một cuộc tranh luận kéo dài gần trọn một năm trời (12/1960 - 9/1961) trên tạp chí Nghiên cứu văn học. Dĩ nhiên, mọi vấn đề về truyền thuyết này vẫn chưa hề được ngã ngũ.




Nảy sinh từ lịch sử, gắn bó chặt chẽ với lịch sử nhưng đồng thời cũng luôn luôn mang khoác một tấm áo huyền hoặc, đủ làm mờ nhòe đi cái hình dáng ban đầu, sơ khai của lịch sử - đó chính là truyền thuyết. Việc của các nhà sử học là dùng con mắt tinh tường của khoa học lịch sử mà bóc tách lớp sương mù huyền ảo của trí tưởng tượng dân gian, lọc lựa lấy các chi tiết có thật, các nhân vật và sự kiện có thật để bổ sung vốn tri thức lịch sử nước nhà. Nhưng thật là khó cho các nhà nghiên cứu sử học khi muốn đi tìm cái lõi lịch sử trong vô số lớp lang chi tiết được thêu dệt và tích tụ trong truyền thuyết. Bởi lẽ, trí tưởng tượng phong phú và niềm đam mê tái tạo liên tục các truyền thuyết dân gian của nhân dân khiến số lượng các dị bản gia tăng theo thời gian và truyền thuyết cũng không ngừng thâu nhận những giá trị mới, không ngừng lắng đọng những lớp phù sa mới...

Truyền thuyết càng đầy đặn, càng nhiều chi tiết, càng liên quan đến nhiều địa danh, các nhà khoa học càng có nhiều cơ sở để tham chiếu, đồng thời, càng dễ gây nhiễu loạn cho sự phân tích, bóc tách của họ. Truyền thuyết An Dương Vương là một truyền thuyết đẹp đẽ và bí ẩn vì nhiều lẽ. Sự quy tụ của nhiều địa danh, sự liên quan tới nhiều vùng đất đem lại một vẻ đẹp huyền hoặc, thôi thúc sự khám phá cho truyền thuyết này.

Lần theo dòng truyền thuyết An Dương Vương và những nghiên cứu về nó, chúng tôi nhận thấy có 3 địa danh liên quan và có nhiều nghi vấn. Địa danh thứ nhất được đưa ra như một câu hỏi lớn về gốc tích của ông vua Thục Phán. Bằng các vết tích văn hóa mang đậm dấu ấn của các dân tộc Thái, Tày, Nùng, Choang - các dân tộc cư ngụ ở địa bàn vùng núi Tây Bắc, Việt Bắc, Quảng Châu, Vân Nam trong truyền thuyết về An Dương Vương, có thể đoán định "nước" của Thục Phán là một nước ở phía Bắc "nước" Văn Lang.

Lật giở lại các truyền thuyết của người Tày, đặc biệt là truyền thuyết Cẩu chủa cheng vùa (Chín chúa tranh vua), người ta đặt ra nghi vấn: phải chăng vua Thục là một ông vua có gốc tích miền núi hoặc cụ thể hơn là một ông vua người Tày. Nước Nam Cương của vua Thục vốn đóng đô ở Cao Bình, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Sau khi phế vua Hùng, Thục Phán mới nhập nước Văn Lang và nước Nam Cương thành nước Âu Lạc, xưng là An Dương Vương, đóng đô ở Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội). Khảo sát một lượt các biểu tượng trong truyền thuyết An Dương Vương, các nhà khoa học đã tìm ra nhiều nét tương đồng với văn hóa Tày cổ. Người Tày - Nùng có truyền thuyết về áo lông chim - gợi nhắc đến biểu tượng áo lông ngỗng của công chúa Mị Châu. Có thể nói, sử dụng áo lông ngỗng là một phong tục đặc biệt phổ biến ở người Tày cổ. Thư tịch cổ Trung Quốc xác nhận phong tục dùng lông ngỗng làm gối, chăn, áo ở Lĩnh Nam. Biểu tượng Rùa vàng trong truyền thuyết An Dương Vương cũng rất có thể được bắt nguồn từ vật tổ của người Tày cổ. Các vùng Tày - Thái còn lưu truyền khá nhiều truyền thuyết về Rùa và đặc biệt là họ có tục thờ rùa. Truyền thuyết rùa dạy người làm nhà của người Tày - Thái gợi nhắc đến chi tiết thần Kim Quy giúp An Dương Vương xây thành Ốc.

Hai địa danh được nhắc đến trực tiếp trong khá nhiều truyền thuyết nằm trong dòng truyền thuyết về An Dương Vương là Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội ngày nay) và Diễn Châu (Nghệ An). Cổ Loa là nơi Thục Phán An Dương Vương dốc sức xây thành Ốc, trải qua nhiều khó khăn do sự quấy phá của tinh gà trắng nhưng nhờ sự giúp đỡ của thần Kim Quy nên đã thành công. Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Bấy giờ đắp thành ở Việt Thường, rộng hơn nghìn trượng, như hình trôn ốc, nên gọi là Loa Thành, lại có tên là thành Tư Long...". Việt Thường được xác định là Cổ Loa ngày nay. Có thể coi đây là nơi An Dương Vương xây dựng cơ đồ, làm nên nghiệp lớn. Nơi đây còn lưu lại nhiều vết tích như: ba vòng lũy thành Cổ Loa (theo sách xưa chép thì thành Cổ Loa có chín lớp, chu vi chín dặm). Thành được đắp bằng đất, thành ngoại hình bầu dục cao từ 4 đến 5 mét, có nơi tới 8 đến 12 mét. Mặt ngoài thành thẳng đứng nhưng phía trong lại dốc nên mặt trên thành là 6 đến 12 mét, chân thành từ 20 đến 30 mét. Ngoài ra, đền Thục An Dương Vương, Am Bà Chúa, giếng Ngọc (nơi xưa kia Trọng Thủy nhớ Mị Châu gieo mình) cũng là những chứng tích cho thấy truyền thuyết An Dương Vương đã "sống" bằng hơi thở của dân gian, bằng tâm hồn dân gian như thế nào.




Sơ đồ Thành Cổ Loa


Diễn Châu (Nghệ An) là nơi "vua cầm sừng văn tê dài 7 tấc nhảy xuống biển đi mất (tức là sừng tê rẽ nước ngày nay...)". Đại Việt sử ký toàn thư có chép rõ: "tục truyền núi Dạ Sơn xã Cao Xá thuộc Diễn Châu là nơi ấy". Theo các sử liệu, việc lập miếu thờ An Dương Vương đã có từ lâu lắm rồi. Nơi thờ đầu tiên có thể kể đến là một ngôi đền nhỏ ở một mỏm núi thuộc làng La Nham (bây giờ không thấy còn dấu tích nữa). Ngày nay, hai đền thờ Thục Phán An Dương Vương tương đối quy mô còn tiếp tục hương khói tại Nghệ An là đền Đức Vua ở Nghi Lộc, phía bên hữu ngạn cửa sông Cấm và đền Cuông ở Diễn Châu, phía bên tả ngạn cửa sông Cấm.

Truyền thuyết dân gian có khả năng truyền dẫn qua thời gian và lan truyền qua không gian, được nuôi dưỡng nhờ "bia miệng" và sức sáng tạo dồi dào của dân gian. Thế nhưng, một truyền thuyết mà trong đó hội tụ tới 3 địa danh có khoảng cách địa lý thực tế tương đối xa cách như truyền thuyết An Dương Vương với sự xuất hiện của vùng đất miền núi: Hòa An (Cao Bằng), miền đồng bằng châu thổ sông Hồng: Cổ Loa (Hà Nội) và miền trung: Diễn Châu (Nghệ An) lại là một chuyện đáng bàn. Hẳn rằng, đó không đơn thuần là kết quả của tính năng dẫn truyền của truyền thuyết!

... hay là bản đồ chỉ dẫn một mạch đời?

Nếu hội tụ các địa danh trên dưới một nguồn ánh sáng - mạch đời của nhân vật đã được xác định là có thật trong lịch sử nước nhà - Thục Phán An Dương Vương, chúng ta có thể thấy vấn đề sáng rõ ra rất nhiều. Địa danh Hòa An (Cao Bằng) sẽ là câu trả lời cho nghi vấn về gốc tích của An Dương Vương. Vậy, có thể nói, đó chính là nơi phát tích của Thục Phán và cũng là nơi bắt đầu mở ra mạch truyền thuyết về An Dương Vương trên đất Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) và Diễn Châu (Nghệ An).





Đền thờ An Dương Vương và giếng Ngọc ở Cổ Loa


Cổ Loa với những di tích và những tên làng, tên xóm liên quan, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng nước Âu Lạc chính là địa danh ghi dấu quãng thời gian hùng mạnh của ông vua Thục Phán An Dương Vương. Đó là địa danh chỉ dẫn một quãng đời, một quãng thời gian tiếp nối mạch đời của An Dương Vương.

Mạch đời của con người đặc biệt ấy, của số phận li kỳ ấy đã đặt dấu chấm hết trên địa danh Diễn Châu (Nghệ An). Trong cái bản đồ cuộc sống của An Dương Vương, điểm kết thúc hay chính là điểm hóa thân thần thánh của ông được dân gian lưu truyền là Diễn Châu (Nghệ An) - lúc bấy giờ cũng là điểm tận cùng của đất nước Âu Lạc. Đó là sự thật lịch sử, hay đó chỉ là một tưởng tượng nảy sinh trên một thứ logic suy tư về biên giới của nhà nước Âu Lạc xa xưa? Phải chăng, người xưa coi cuộc ruổi ngựa của An Dương Vương thủa nọ trốn chạy sự truy đuổi của quân Triệu Đà là một hành trình đi đến điểm "sơn cùng, thủy tận", đi đến hết lãnh vực mà ông cai quản, để thấm thía mãnh liệt nỗi đau mất nước, để trong cơn đớn đau cùng kiệt ấy đã lấy vị thế của một ông vua mà rút gươm kết liễu cuộc đời cô con gái yêu ngồi sau lưng ngựa?

Dẫu thế nào, đất Nghệ An vẫn còn lưu dấu biết bao nhiêu ảnh xạ của truyền thuyết An Dương Vương - những mẩu nhỏ dệt nên một huyền thoại còn vang động cho tới tận ngày nay...

(Còn nữa)

Nguyễn Thanh Lưu (Viện Văn học)