Chuyện buồn về 'bùa yêu' ở đại ngàn Trường Sơn

20.04.2013 | 20:20



Trên chuyến xe đò từ TP. Đông Hà (Quảng Trị) lên cửa khẩu Lao Bảo, người phụ nữ ngồi cạnh đã gợi mở cho tôi một câu chuyện đau lòng nhưng có thật về “bùa yêu”.


Cuộc gặp gỡ tình cờ

Chị tên đầy đủ là Nguyễn Thị Thanh Mai (SN 1975) có chồng là Hoàng Văn Hùng (SN 1967), trú tại địa chỉ trên. Gia đình làm nông nghiệp nhưng anh Hùng rất có năng khiếu trong chế tác gỗ, một số cơ sở mỹ nghệ trên địa bàn vẫn mời anh làm những lúc nông nhàn. Khi đứa con trai lên 4 tuổi, trước sức ép của đồng tiền, Hùng để lại vợ con cho ông bà nội, ngược vùng rừng Hướng Lập, huyện Hướng Hóa để theo các phu gỗ.

Cận tết Nguyên đán năm đầu tiên, Hùng trở về quê với một sấp tiền – công sức lao động, chắt bóp trong suốt một năm ròng và những món quà nho nhỏ cho bố mẹ, vợ con. Năm đó, gia đình chị Mai đón một cái tết khá đầy đủ và ấm cúng. Hết tết, vợ chồng, cha con lưu luyến chia tay nhau, để anh Hùng trở lại Hướng Lập làm thuê cho người ta.

Thời gian trôi qua, những cuộc điện thoại gọi về nhà của anh Hùng đã thưa thớt dần. Rồi hết tết này sang tết khác, chị Mai cứ mòn mỏi chờ chồng mà không thấy bóng dáng anh đâu. Linh tính của người vợ mách bảo cho chị có chuyện chẳng lành với anh, nên sau khi thưa chuyện với bố mẹ chồng, chị và một người thân đã bắt xe đò đến Hướng Lập.



Một góc bản làng Vân Kiều – nơi ẩn chứa những bí ẩn về một loại “bùa yêu”? - Ảnh L.N
Nói đến đây, bất chợt chị bật khóc nức nở, khiến nhiều người trên xe quay lại ái ngại cho người vợ tội nghiệp này. Hai tay vần vũ đan vào nhau, chị kể tiếp câu chuyện của mình: “Hôm đó vẫn còn in hằn trong tâm trí em.
Đó là một ngày cuối năm 2011, trời mưa như trút nước. Khi em và người thân vừa đến xã Cù Bai, Hướng Lập thì trời đã nhá nhem tối. Sau một hồi dò hỏi, bà con ở đó chỉ cho bọn em về ngôi nhà vách nứa cuối bản, nằm tách khỏi các nếp nhà khác bởi một bãi đất trống.

Nhìn từ xa, trông nó khá âm u, lạnh lẽo. Khi đi lại gần, bọn em nghe một giọng đàn bà đang lớn tiếng, còn một giọng đàn ông thì nhỏ nhẹ, khép nép hơn. Đau đớn quá chị ơi, khi bước chân tới cửa để hỏi thăm thì đập vào mắt em là cảnh anh Hùng đang chung giường với một người đàn bà dân tộc thiểu số. Lúc đó em không biết gì nữa, vì tự nhiên thấy choáng váng rồi lịm đi.

Tỉnh dậy đã thấy mình nằm ở trạm xá y tế. Trong lúc đang mơ màng thì thấy anh Hùng đến, gằn giọng với em trai của anh ấy: “Chú đưa chị về đi, không được ở lại đây nữa”, nghe thế, em lại khóc nấc lên. Em về nhà được một thời gian thì thấy anh ấy về. Hôm đó có việc đi lên huyện nên em không được gặp Hùng. Về thì thấy bố chồng bảo anh ấy trở lại nhà, nhưng không nói năng gì, lẳng lặng đi ra sau vườn, ngồi khóc nức nở. Được lúc thì anh bỏ đi khi nào không ai hay biết. Từ đó, mọi người biết chuyện ai cũng râm ran bảo anh Hùng nhà em bị người phụ nữ Vân Kiều kia bỏ bùa yêu” (?!).

Câu chuyện của người phụ nữ đau khổ kia khiến tôi gợi nhớ đến một trường hợp thứ hai ở xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa. Hồ Văn Tuấn (SN 1987) và Hồ Thị Bích (SN 1990) vốn là hai anh em có cùng huyết thống. Đang yên đang lành, bỗng dưng Tuấn và Bích đòi bố mẹ tổ chức lễ cưới, khiến các bậc sinh thành và họ tộc không khỏi choáng váng. Tất nhiên, sự phản đối là điều không tránh khỏi.

Trước sự can ngăn quyết liệt của mọi người, Tuấn dắt Bích đi trốn rồi tự đứng ra tổ chức hôn lễ, sinh con. Người ta bảo, đó là hậu quả của một loại bùa có tên là “bùa yêu”.



Nhờ bùa yêu, nhiều phụ nữ Vân Kiều dễ dàng kiếm được người yêu!? - (Ảnh chỉ mang tính minh họa)
“Chuyên gia” giải mã

Trong một dịp hàn huyên với ông Nguyễn Quang Tám - nguyên Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, người rất am tường về các tập tục, bùa ngải của đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Trị, chúng tôi đã đưa hai câu chuyện trên ra hỏi. Với kinh nghiệm của mình, ông Tám cho biết, “bùa yêu” chỉ có hai dạng. Dạng thứ nhất, dùng thuốc để ép người khác phải yêu mình.
Cái này chỉ có tác dụng tức thời, tối đa là vài tháng. Thuốc có dạng bột cực mịn, được chế ra từ một loại vỏ cây (chỉ người trong nghề mới biết – PV). Người bỏ bùa kiểu này thường cho thuốc vào áo, sau đó rũ áo này trước mặt người muốn bỏ bùa, hoặc nhờ người đó giặt hộ chiếc áo ấy.

Khi ngửi hoặc hít loại bột này, hay chỉ đơn giản là giặt áo, nạn nhân sẽ lập tức trở nên không tỉnh táo, làm việc theo sự sai khiến của chủ nhân chiếc áo. Chính vì vậy, người nào có “bùa yêu” thường rất kiêng kỵ nhờ mẹ hoặc chị/em gái trong nhà giặt áo. Trường hợp của vợ chồng cùng huyết thống ở Tân Hợp, có lẽ mắc vào dạng thứ nhất này.

Loại bùa yêu thứ hai ít người gặp hơn. Cái này đòi hỏi người bỏ bùa phải có nội công thâm hậu (?!), bởi chỉ cần dùng ánh mắt, hoặc mùi hương là họ có thể “thôi miên” nạn nhân đi theo lôi kéo, đề nghị của mình (?!). Tuy nhiên, theo ông Tám, người có “phép thuật” bỏ “bùa yêu” loại này ở Quảng Trị còn rất ít. Trường hợp của anh Hùng cũng bị vướng vào loại 1: Dạng “ăn xổi ở thì”. Với loại này, khi “thuốc” yêu không còn tác dụng nữa, nạn nhân sẽ trở nên căm ghét tận xương tủy người đã bỏ bùa mình.

Cầu kỳ tu luyện “bùa yêu”(?)

Cũng như “ma thuốc độc”, “bùa yêu” trở thành một trong những thứ vũ khí “lợi hại” của đồng bào dân tộc Vân Kiều. “Để có được quyền lực của thứ bùa ngải này, những người theo học phải ẩn mình trong các rừng sâu, quanh năm không bóng người lai vãng. Lấy sương trời tinh khiết làm nguồn nước chính nuôi cơ thể, ăn cơm với muối trắng và ớt rừng. Tắm thân thể mình bằng những dòng nước thanh sạch rỉ ra từ các khe đá”, ông Nguyễn Quang Tám đã chia sẻ như vậy với chúng tôi, khi bắt đầu những kiến thức am tường của mình về thứ bùa làm người ngẩn ngơ nhau.

Lý giải cụ thể hơn, ông Tám bảo, sở dĩ họ phải “cầu kỳ” như vậy là vì nếu sống trong điều kiện của hiện tại, họ thường dễ vướng vào những điều cấm kị, trong đó có một số thức ăn cá, thịt và gia vị, sẽ bị phản lại công hiệu thuốc. Những người khi phạm phải sẽ dễ mắc chứng đau đầu suốt đời (?!). “Nó có một năng lực vô song, khiến dù không yêu, họ vẫn quấn quýt mình không rời.

Có những trường hợp, nạn nhân bị bỏ bùa luôn tìm cách để trốn, nhưng cứ đi được một đoạn lại tự giác quay trở về. Đối với những người tu luyện “bùa yêu”, cái khó nhất của họ là giữ được bùa lâu dài”, vị cán bộ chia sẻ. Người muốn biết “bùa yêu” nhất quyết là phải vào rừng sâu hay lên núi cao, kiên trì tu luyện trong một năm ròng, không tiếp xúc với bất kỳ ai.
Trong quá trình tu luyện chỉ được mặc quần áo khoảng 1/5 thời gian đó. Cởi trần giúp cho cơ thể hấp thu những nguồn năng lượng mới có trong đất trời. Vì “bùa yêu” rất cần sự tinh sạch, nên người học bùa phải tuân thủ nghiêm ngặt một số nguyên tắc.

Chế độ sinh hoạt “đặc biệt” như vậy là để gột rửa các tạp chất trong người, như thế hiệu quả tu luyện sẽ tốt hơn. Sau khi thực hiện được những nguyên tắc ấy, người tu luyện phải uống thứ nước chảy ra từ trong thân một loại cây chỉ có ở vùng cao đại ngàn Trường Sơn, nơi giáp ranh với nước bạn Lào.

Tuy nhiên, loại nước này nhất định phải uống vào buổi sớm mai thì mới có công hiệu. Thường thì buổi chiều hôm trước, người học bùa sẽ ra chặt vào thân cây, sau đó dùng một vỏ nhựa hứng nước chảy ra từ cây, suốt một đêm. Khâu cuối cùng này rất quan trọng, vì nó chính là “chìa khóa” để làm được bùa yêu. Nhưng khi người viết hỏi tên loài cây, thì ông Tám bảo không thể cho biết được.

Sau quá trình tu luyện gian khổ, việc uống thứ nước cây này sẽ giúp người học phát ra một mùi hương, đây là yếu tố thu hút đối phương. Chỉ cần người bị bỏ ngửi phải mùi hương này thì cứ quấn quýt bên người bỏ mãi, không chịu về, đến khi nào người bỏ bùa cho về mới có thể “rời” được?.

Không có cơ sở khoa họcNhững năm đương nhiệm công tác tại huyện, ông Tám đã liên tục về các bản làng để vận động các thầy cúng, thầy mo, thầy bùa ngải “cải tà quy chính”, bỏ nghề. Ngoài ra, bằng sự hiểu biết của mình, ông đã không ít lần giúp đỡ những người “bị hại”, vạch mặt đối tượng lừa phỉnh, hướng dẫn họ nhờ vào pháp luật, chính quyền, ngành chức năng mà xử lý sự việc.
Theo những thông tin chúng tôi nhận được thì việc bỏ “bùa yêu” không có cơ sở khoa học nào, mà chỉ là từ những tập tục của đồng bào dân tộc để lại từ xa xưa, khi mà hủ tục lạc hậu vẫn còn rơi rớt ở nơi đây.
Loan Nguyễn – Kim Long