Gặp vong linh người thân
TRẦN THỊ BẢO



Cô Nguyễn Thị Phương ở Hàm Rồng Thanh Hóa
(ảnh của thiếu tướng Nguyễn Chu Phác)


Tôi là Trần Thị Bảo, công tác trong ngành giáo dục và cũng là đảng viên Đảng Cộng Sản Việt nam từ tháng 2 năm 1963. Hiện nay tôi đang sống với gia đình con trai tôi là Trương Anh Tuận tại Warszawa, Balan.

Tôi được xem nhiều tài liệu về việc tìm hài cốt liệt sĩ của các nhà ngoại cảm nước mình rất tài giỏi, rất huyền bí như tài liệu “Tìm hài cốt liệt sĩ” của giáo sư Trần Phương; “Suy nghĩ về việc tìm ra mộ chị qua đời 56 năm về trước” của ông Nguyễn Thọ Chân; “Ngày xuân nói chuyện làm phim “Tìm đồng đội” ở núi Non Nước” của thiếu tướng Nguyễn Chu Phác…. Các tài liệu này nói về các kết quả tìm mộ của các nhà ngoại cảm như Phan Thị Bích Hằng ở Hà Nội, Nguyễn Văn Liên ở Hải Dương. Cô Phan Thị Bích Hằng đã gặp được những người thân đã khuất để được mách bảo, từ đó đã chỉ dẫn cụ thể, chi tiết để gia đình giáo sư Trần Phương tìm được hài cốt của em gái là đội trưởng đôi nữ du kích Hoàng Ngân. Qua báo Thế Giới Ngày Nay tôi cũng được biết anh Liên ở Hải Dương đã chỉ dẫn bao nhiêu gia đình liệt sĩ đi tìm được mộ con em minh ở Tây Nguyên, ở miền Nam. Đây là một sự thực nhưng vô cùng bí ẩn.



Đặc biệt tôi có nhiều thông tin về chuyện cô Phương ở Hàm Rồng đã mời được vong linh của những người đã khuất về nói chuyện với con cháu, với người thân như tài liệu của thiếu tướng Hùng Phong đã nhờ được cô Phương mời vợ anh là chị Vũ Thị Hạnh mới mất chưa được một năm lên gặp anh và con gái. Qua cô Phương, chị Hạnh đã nói được nhiều chi tiết xác thực lúc chị mất đột ngột và mách bảo những chuyện không may sắp xảy ra cho con cháu… Khi được đọc tài liệu của anh Hùng Phong, tôi thực sự bàng hoàng vì chị Hạnh đối với tôi không xa lạ gì. Khi công tác tại phòng giáo dục Hoàn Kiếm, chị Hạnh là trưởng phòng và tôi là phó của của chị Hạnh…

Nhưng thông tin nhiều hơn tất cả là những chị bạn vong niên cùng công tác trong ngành giáo dục với tôi đã trực tiếp đi gặp cô Phương nhiều lần và nói chuyện được với vong linh những người thân đã mất. Đó là một điều kỳ diệu, rất huyền bí mà khả năng chúng tôi không thể lý giải được. Cụ thể là chị Nguyễn Hồng Ngọc có chồng là anh Tôn Long, nguyên đại tá, công tác tại Học viện Kỹ thuật Đà Lạt, mất năm 1977 vì ung thư máu. Chị Nguyễn Thị Chản, có chồng là anh Dương Hy Chấn, thư ký của Tổng bí thư Đỗ Mười, mất năm 1988. Chị Nguyễn Thị Trinh, vợ của giáo sư Hồ Tôn Trinh, viện trưởng viện Ngôn ngữ học, đã nhờ cô Phương mà gặp được mẹ của chị mất cách đây 50 năm… Các chị trên đều là hiệu trưởng, phó phòng, bí thư chi bộ nhiều năm, không bao giờ có thể tin những chuyện không xác thực.

Sau đó tôi càng quyết tâm đi gặp cô Phương và ngày 28 tháng 4 năm 2001 tôi và cháu Thắng, cháu nội của cha tôi, con trai của em tôi, đã cùng chị Hồng Ngọc đi Thanh Hóa.

Trước khi đi Thanh Hóa, hai bác cháu tôi đã về quê thắp hương khấn trước bàn thờ cha tôi và em tôi, sau đó lại ra mộ đẻ xin vong linh đi theo chúng tôi về điện cô Phương ở Hàm Rồng, Thanh Hóa cho chúng tôi được gặp. Xe đi qua Văn Điền, nơi có mộ anh Tôn chồng chị Ngọc, chị Ngọc khấn anh Tôn và nhắc tôi cùng khấn tên anh, nhờ anh giúp đỡ đưa vong hồn cha tôi và em tôi đến nơi, vì anh Tôn đã về nhiều lần, còn cha tôi và em tôi mới đi lần đầu, chưa biết đường đất. Gần 11 giờ trưa chúng tôi mới đến Thanh Hóa, vào tới nhà cô Phương đã thấy có khoảng năm, sáu mươi ngườiđang ngồi chờ. Hỏi chuyện một vài người thì biết là trong số những người ở đây có cả người ở miền Nam ra, có người đã chờ 2,3 ngày, có người đi nhiều lần và lần nào cũng được gặp. Chúng tôi rất lo, nếu hôm nay cha tôi và em tôi không về được thì không biết sẽ ra sao.

Như tất cả mọi người đến đó, chúng tôi đặt hoa trên các bàn thờ và ra miếu thần linh thắp hương khấn tên mình và khấn tên vong hồn mình muốn gặp (khấn thầm, người đứng bên cũng không thể nghe thấy). Đặc biệt ở chỗ cô Phương không cần phải ghi tên tuổi, địa chỉ vào bất cứ sổ sách nào. Cô Phương ngồi trong phòng riêng, cửa đóng, có bàn thờ thần linh. Cô Phương không biết mặt chúng tôi cũng như vong hồn chúng tôi khấn mời về. Thắp hương ở miếu thần linh xong, tất cả mọi người đều ngồi chờ trong ba gian nhà nhỏ trước cửa phòng cô Phương làm việc. Vong nhà ai về trước thì người đó sẽ được gọi vào trước để nói chuyện, rất bình đẳng và công bằng.

Chúng tôi thắp hương và khấn ở miếu được một lúc thì thấy cô Phương đi vào phòng làm việc. Người ở các nơi vẫn tiếp tục đến, mỗi lúc một đông thêm. Có một chị đến cùng bốn, năm người nhà vừa thắp hương xong thì đã được gọi tên: “Ai là người nhà của liệt sĩ… xin mời vào!”. Chúng tôi vô cùng hồi hộp và nghe nhiều người nói vong liệt sĩ thường được ưu tiên vào trước.

Sau khi đã ba, bốn lượt người được vào, tôi đang ngồi mải mê nhìn ra chỗ miếu thờ thấy có nhiều bướm các màu bay rập rờm, nghĩ bụng đây là các vong hồn đang về, thì chợt nghe tiếng gọi: “Mời người nhà của vong ông Tôn”. Chị Ngọc bạn tôi đang ngồi như người mơ ngủ, tôi phải nhắc hai tiếng “Chị Ngọc! Chị Ngọc!” thì chị mới hớt hải đứng lên chạy vào phòng cô Phương cho vong nhận mặt rồi ra mua túi lễ, trong đó có vàng hương và băng cassette. Qua chỗ tôi ngồi, chị Ngọc thầm thì: “Anh Tôn hỏi hôm nay bà đi với mấy người bạn phải không” và chị Ngọc nói: “Bạn của em đấy, nhờ anh giúp đưa các vong mới vào”. Tôi vội chạy ra miếu thắp hương khấn anh Tôn một lần nữa. Mua túi lễ xong, chị Ngọc lại ngồi cùng bác cháu tôi vì khi chị Ngọc ra mua lễ thì có vong khác lại len vào, chị chưa nói chuyện được với anh Tôn mà phải ngồi chờ. Đang ngồi, hai bác cháu tôi thấy hồi hộp, đầu óc cứ nhẹ bỗng đi và nghe văng vẳng tiếng nói: “Ai người nhà vong cụ Quỳnh mời vào…”. Phải đến lần thứ hai tôi và cháu tôi mới chạy đến cửa phòng cô Phương, người gọi tên nhắc lại: “Vong cụ Quỳnh”. Tôi mừng quá, bước vào phòng mà chân cứ ríu lại. Cô Phương vẫy tôi ngồi xuống chiếu, nhìn vào tận mặt tôi mà nói: “Tìm được mộ ta đưa về chỗ mới, mừng quá không nghe tiếng gọi phải không? Ta phải xưng ngay tên là Quỳnh, con có nghe rõ không? Con và cháu ra mua lễ và xin thần linh cho ta nói chuyện lâu một chút”. Hai bác cháu tôi vội chạy ra miếu xin thần linh và xuống nhà dưới mua hai túi lễ. Chạy vào phòng, cô Phương vẫy chúng tôi: “Con và cháu ngồi gần lại đây. Trời xui đất khiến thế nào mà con và cháu lại mua hai túi lễ. Em con nó cũng về đây, nó đang đứng cạnh ta nó khóc đấy. Con gọi em con một tiếng đi”. Tôi run cả người, đúng là cha và em mình về thật rồi. Khi hai bác cháu tôi khấn ở miếu là khấn thầm tên cha tôi và em trai tôi, đến người đứng bên cạnh cũng không nghe được huống chi cô Phương ngồi trong phòng kín. Thế mà nay cô Phương lại gọi đúng tên cha tôi và nói cả em tôi cũng về. Sau đó cha tôi còn nói: “Con mời vợ ông Tôn vào cho ta cám ơn vì ông Tôn đã đẩy ta vào trước”. Cha tôi mất năm 1956 ở Hà Đông, anh Tôn mất năm 1977 ở viện 108. Hai người không hề biết nhau, chỉ là do tôi khấn thầm anh Tôn nhờ giúp đỡ mà cha tôi lại nhắc đến việc cám ơn anh Tôn, quả thật là kỳ diệu!

Trong lúc đang hồi hộp như thế, không hiểu tại sao tôi vẫn chắp tay lại gọi em tôi và mời em tôi về. Qua cô Phương, cha tôi lại nói: “Nó muốn về nói chuyện với chị và con nó lắm. Bây giờ cả con và cháu cùng ra lạy thần linh đi không em con nó không về được đâu”. Chúng tôi lạy xong vào ngồi xuống thì cha tôi nói rất rõ rang: “Ta cám ơn các con các cháu đã đưa phần âm của ta về nơi mới. Ta vui lắm, thanh thản lắm, nhẹ tênh cả người. Con còn lo toan lễ bái đàng hoàng, tạ thần linh chu đáo, ta yên tâm lắm. Hôm nay ta vui nhất là con đã đưa cháu Thắng về gặp ta. Ta mất đi rồi, có cháu Thắng là cháu đích tôn nối dõi tông đường, ta thật yên lòng”. Cha tôi mất năm 1956, cháu Thắng là con em trai tôi sinh năm 1977 mà cha tôi lại biết là cháu đích tôn và gọi đúng tên là Thắng, thật là hết điều kỳ diệu này đến điều kỳ diệu khác. Chưa hết, khi cha tôi nói: “À, con ra mời vợ ông Tôn vào cho ta cám ơn vì ông Tôn đã đẩy ta lên trước”. Tôi định đứng lên thì cha tôi nói ngay: “Cháu Thắng ra mời bà Ngọc vào đây cho ta cám ơn”. Rồi cha tôi nói với tôi: “À, ta phải xưng tên ta lên là Quỳnh đấy, con có mừng không?”. Tôi thưa: “Con rất mừng, rất hồi hộp vì biết cha đã lên và con cũng biết là lúc nào cha cũng đi theo con”. Lúc đó cha tôi nói: “Khi ta còn ở trên trần ta không dặn dò chị em con được chu đáo nhưng hương hồn ta luôn đi theo các con, nhất là con vì ta biết con có thể thay cha, thay mẹ chăm sóc các em và các cháu”. Lời cha tôi nói qua cô Phương làm tôi sững sờ vì cha tôi đã nói đúng từng chi tiết hoàn cảnh gia đình tôi, người khác, giá có ngồi nghe cũng không thể nào hiểu nổi. Cha tôi mất đột ngột ở nơi công tác, khi không có chị em tôi ở bên cạnh cha. Và đúng tôi là chị cả nên cũng có trách nhiệm lo cho các em. Cha tôi còn nói: “Mộ mẹ con xây đúng trăm phần trăm rồi. Có lúc con còn băn khoăn là nếu không đúng thì là xây làm phúc. Nhưng đấy không phải là lỗi tại các con mà là lỗi tại ta. Con đừng suy nghĩ gì nhiều nữa…”. Phải là người trong gia đình tôi mới có thể hiểu được lời nói của cha vì mẹ tôi mất năm 1940, cha tôi mất năm 1956 tức là sau 16 năm. Năm 1944, cha tôi đã bốc mộ mẹ tôi và để trong một thửa ruộng riêng của một người học trò. Lúc đó chúng tôi còn rất bé. Tôi là chị cả mới 11 tuổi, còn ba em thì một lên 9, một lên 7 và út là 6 tuổi. Sau đó là 9 năm kháng chiến chống Pháp, cha tôi vào khu 4 công tác, chị em tôi sống với bà nội, ở rất xa nơi có mộ mẹ tôi. Mãi đến năm 1998, nhờ tìm được một người học trò của cha tôi đã 78 tuổi và là người đã tự tay bốc mộ mẹ tôi từ thửa ruộng riêng về nghĩa trang làng, có đánh dấu cẩn thận nên tôi đã nhận được và xây mộ mẹ tôi. Đến nay cha tôi lại nhận: “đó là lỗi tại ta, không phải lỗi lại các con. Con đừng suy nghĩ gì nữa. Con thì một chốn đôi nơi, không phải mỗi lúc về ngay được. Khi nào có dịp con đưa cả nhà đến gặp ta”. Cha còn dặn dò: “Ta mong chị em con phải đoàn kết thương yêu nhau cho trọn tình trọn nghĩa. Ta mất đi rồi nhưng ta rất mừng vì nhà ta vẫn có nền nếp…”. Ý cha tôi nói tôi là chị gái và các em tôi tuy đã trên 60 tuổi nhưng vẫn rất nể và tôn trọng chị.

Lúc cha tôi nói: “Con gọi em con đi, nó đang đứng cạnh ta và khóc đây này”, tôi đã khấn gọi và em tôi cũng qua cô Phương nói những điều mà chỉ có gia đình chúng tôi mới biết được. Em tôi nói: “Em thật là có lỗi. Lẽ ra em phải sống để báo hiếu cho cha cho mẹ nhưng bây giờ em lại cậy nhờ chị, em rất buồn vì vợ em trẻ chưa qua, già chưa tới mà phải lâm vào cảnh góa bụa. Mỗi lần chị về thăm nhà em, em vẫn đứng em khóc mà chị có nhìn thấy em đâu, vì em là ma...”. Cuối cùng, em tôi dặn dò: “Chị phải giữ gìn sức khỏe đấy. Ngày 14 tháng 9 âm lịch này là ngày xung của chị, chị phải giữ gìn cẩn thận đấy”. Em tôi còn dặn cháu Thắng: “Con phải ngoan, phải tu tâm dưỡng tính, lo học tập, không được đua bạn bè chơi bời, ai gọi ới một cái là đi ngay…”. Em tôi nói rất đúng tính của cháu tôi là nhiều bạn và hay nể bạn.

Trước khi ra đi, cha tôi nói: “Hôm nay ta gặp con và cháu ta vui lắm. Thôi ta với Cừ phải đi đây. Họ không cho nói chuyện nhiều”.

Chúng tôi mong ước những người có khả năng tâm linh đặc biệt như cô Phương, cô Bích Hằng phải được quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện để ngày càng phát triển tài năng, đức độ. Những việc làm đầy tình nghĩa của các cô rất đáng trân trọng. Những việc làm ấy mang lại niềm vui, niềm an ủi, niềm hạnh phúc cho bao con người, bao gia đình. Nếu có điều kiện và được khuyến khích, chúng tôi tin rằng những nhà ngoại cảm có thể đi sâu nghiên cứu một cách nghiêm túc về lĩnh vực tâm linh.

Thành phố Hồ Chí Minh
Ngày 5 tháng 5 năm 2001