Cửa thiền treo xác sói

Tôi nhìn thấy khung cảnh này ở tu viện Sakya một trong những tu viện cổ xưa nhất Tây Tạng (1037) và tự hỏi: tại sao lại là những xác thú, biểu tượng của cái ác, cái chết luôn trấn giữ nơi cửa thiền, hình như có gì nghịch lý ở phía trước mỗi cánh cửa, một con đường hay từng cảnh giới?



Đằng sau các nộ thần

Chiều muộn, nắng đã tắt trên những đỉnh núi cao chẳng chút dấu tích sự sống. Tôi thấy mình như chìm nghỉm trong tiếng rên của gió hoang lạnh. Chỉ có xác sói nhe nhởn và sư tử gỗ trợn mắt gầm gừ, chúng lạnh lùng hắt xuống mặt đất lầm bụi cát những tia, ánh hăm doạ, trấn áp. Còn cánh cửa thì đã khép im ỉm bởi hai nửa mặt dữ tợn của Đại Hắc Vương (Mahakala). Không thấy đâu bóng dáng quen thuộc của những Hộ môn thần hoặc Kim Cương thủ mà người ta vẫn vẽ ở hai bên cửa ra vào các tu viện.



Đại Hắc Vương là ai mà mặt đen thui, miệng há ngoác, vừa nhe răng vừa như đọc câu thần chú Aum? Vì sao ngài toàn trang sức cho mình bởi những đầu lâu? Đại Hắc Vương ở tu viện Tây Tạng có gì đó độc ác và dữ tợn giống như Kali nhảy điệu huỷ diệt trong Hindu giáo. Vì sao Đại Hắc Vương không có được vẻ mặt bình thản, hiền lành như chân dung ngài trong những ngôi chùa của người Nhật Bản với tên gọi khác- Daikoku?

Tôi thực sự tin vào sự từ bi của Đức Phật nhưng vẫn bối rối vì ngay trước cửa muôn nghìn ngôi chùa, tu viện, những ngôi nhà của Ngài ở Tây Tạng, thân hình Kim Cương thủ lại xanh lét. Tôi thấy có gì bất ổn khi được tiền nhân giải thích rằng Kim Cương thủ lơi là để quỷ lấy trộm thuốc độc huỷ diệt nhân loại, chư Phật trừng phạt bằng cách bắt uống nước nhiễm độc nên thân trạng mới kinh hãi như thế?!

Tôi đặc biệt thích những bức tranh tường vẽ Kim Cương thủ ở ngay sau cửa ra vào với tư cách là một tác phẩm nghệ thuật mà đương nhiên là nghệ thuật đỉnh cao. Những bức tranh tường đẹp nhất ở động Đôn Hoàng, bảo tàng mỹ thuật Phật giáo lớn nhất, cũng không cách gì sánh được. Nhưng xem xét Kim Cương thủ dưới góc độ một biểu tưởng tôn giáo thì hơi bị hãi. Đức Phật chủ trương gạt bỏ ái ố, ngũ dục phù du để tịnh thân vậy mà Kim Cương thủ “ngang nhiên” ghì xiết người tình trong tư thế phối ngẫu yaum ngay trước mắt Ngài. Kinh hãi hơn nữa là Kim Cương thủ vẫn giữ nguyên gương mặt đầy nộ khí của tử thần và giấu biến đâu cảm xúc hoan lạc. Rất vớ vẩn.

Cũng như điêu khắc ông Thiện, ông Ác ở chùa Việt, chùa Trung Quốc, linh thú ở chùa Lào, Thái... những bức tranh tường vẽ thần bảo hộ Đại Hắc vương (Mahakala) hay Kim Cương thủ (Vajrapani), Diêm mạn Đức ca (Yamantaka), Hộ thế giả (Lokapala), Đa Văn thiên (Vaisharavana), Hộ môn thần (Dvarapala), Mật Trí Ngũ Minh Vương (Vidyarajas) của các tu viện Tây Tạng chỉ gợi lại cho tôi một ấn tượng buồn.

Các Lạt Ma thì nói rằng các nộ thần, thần bảo hộ đều mang những khuôn mặt dữ tợn, màu sắc quái dị, tay cầm tuỳ khí, phía sau lưng đỏ rực những ngọn lửa huỷ diệt... Đó là biểu tượng cho uy lực của chư Phật trước cái Ác, khả năng chiến thắng tham, sân, si, cái đau khổ, sự chết chóc... nhưng tôi lại không nghĩ thế.

Từ khi biết nghĩ, Đức Phật chỉ luôn chinh phục tôi bởi lòng từ bi của Người. Rất có thể sự giải thích trên là sự bao biện cho hàng chuỗi những biểu tượng phức tạp, mù mờ, khó hiểu, một tiến trình phát triển bị nhào trộn của quá nhiều những giáo phái ở Phật giáo Tây Tạng. Lộ trình đó chưa thoát khỏi sự thần bí, ma mị của đạo Bon, bị chèn ép của Hindu giáo lại còn phải chia sẻ ảnh hưởng với Phật giáo Trung Hoa sau khi thống lĩnh địa hạt của Khổng, Nho... Bất kỳ tôn giáo nào cũng phải tìm tấc đất cắm dùi cho số phận mình nơi thể xác và niềm tin con người vậy mà khi đứng trước các tu viện Tây Tạng cả hai khung giá trị ấy nơi tôi đều có nguy cơ tan biến, vì sao?

Đứng trước tu viện Sakya, tôi lại nhớ những bức tranh thánh vẽ trên kính trong nhà thờ Thiên chúa hay trang trí cửa sổ bằng những nét chữ của người Ả Rập trong nhà thờ Hồi giáo. Những ánh mắt siêu buồn của Đức Mẹ và những con chữ đầy mật ý của Mohamet làm cho tôi tự tin hơn. Tôi không thích mình bị dạy đỗ, đe nẹt hay cưỡng chiếm trong đời sống tinh thần.

Lúc này, cảm giác ấy chỉ còn lại với tôi mỗi khi hình dung đôi mắt khép của Đức Phật, những con nai hiền lành trong Lộc Uyển xa xưa.


Lời của Sói

Sáng sớm, trước khi rời Sakya để lên đường đi Everest, tôi quay lại cửa sói một lần nữa. Sương mờ, đất sỏi gập ghềnh, tường tu viện xiêu vẹo, những mảng lông sói đang rã huỷ và cả tâm trạng của tôi về một chốn cửa thiền... đều được phủ một màu xám lạnh. Tôi cố nhớ nhưng vẫn thấy trơ lỳ trước lời khuyên của Đạt Lai Lạt Ma 14: Khi nào tâm không đối phó với ngoại cảnh, tâm sẽ an trú rỗng không, không có gì xuất hiện trong nó, hệt như nước trong vậy.

Sakya, có người giải thích rằng đó là miền đất màu xám. Có lẽ điều đó chỉ đúng với màu mà người dân nơi đây tô quét lên tường. Đó là tín hiệu khác biệt nhất so với các ngôi nhà màu trắng phổ biến ở Tây Tạng. Nhưng tôi thích gọi miền đất này với cái tên Thích Ca hơn, những cư dân sử dụng tiếng Anh đều gọi Thích Ca Mâu Ni là Sakyamuni. Căn cứ vào khả năng phân huỷ của một thực thể thì những xác sói được tín dân treo lơ lửng trên đầu Đại Hắc Vương chắc là chưa bao lâu. Nhưng hành vi treo xác những con thú lại là dấu tích đầy ấn tượng của một nền văn minh hái lượm, săn bắn, một đời sống đã rất xa đối với xã hội hiện đại.

Vậy trước tôi, Sakya là một bảo tàng sống của xã hội nguyên thuỷ, khốn khổ đó? Nền văn minh săn bắn, hái lượm có mặt ở miền đất mang tên Thích Ca trước khi những giáo lý cao đẹp của ông ảnh hưởng đến nơi đây rất lâu, trước khi có sự hình thành những gương mặt, những biểu tượng như Đại Hắc Vương, Kim Cương thủ... Trớ trêu thay, hơn 6 thế kỷ phát triển của Phật giáo ở Tây Tạng, Đại Hắc Vương luôn luôn là biểu tượng cho may mắn và phồn thịnh?!



Tôi bị buộc phải hiểu hành vi treo xác sói nơi cửa thiền là để gia tăng thêm lòng kính ngưỡng đã luôn vượt qua giới hạn của sự mê mụ của các tín dân hay là biểu hiện của những triết lý thô phác, cách phản ứng rất trực cảm của hiện thực đời sống với những biểu tượng đang ngày càng trở nên xa lạ? Cuộc sống quá khốn khó, dư thừa nhọc nhằn, đau thương cần một vài biểu tượng giản đơn, dễ hình dung hơn chăng? Không biết từ lúc treo xác những con sói hung dữ kia phải mất bao lâu nữa thì người Sakya mới hiểu: chỉ có thể tiệm ngộ những chân lý của Đức Phật bằng những niềm tin trong sáng, trí tuệ chứ không thể bằng sự mê mụ?

Trên thế gian này, không chỉ riêng Sakya, Tây Tạng mà bất kỳ một dân tộc nào mê tín, cuồng tín trước một biểu tượng, một tín ngưỡng, tôn giáo đều đi đến một kết cục: suy vi.

Bài và ảnh Xuân Bình
(Dân Trí)