Kinh hoàng "cầm đồ thuốc độc”

LĐTĐ -Những câu chuyện tưởng như chìm lấp trong màn sương huyền thoại kia đã hiện lên, người thật việc thật, trước mắt chúng tôi, ngay trong chuyến công tác miền núi Quảng Ngãi vào cuối tháng 7.2011 này!







Đám “cầm đồ” doạ dẫm và hại người quái gở kia thường dùng râu con hổ cắm trong cái măng tre, đợi sự phân huỷ của hai đồ độc này sinh ra một con sâu rồi từ đó dùng phân của con sâu kia để “luyện nọc”. Có khi chúng dùng hòn đá nhẵn dưới suối, ít xương người, xương và da con mèo, ít mủ của con cóc tía hoặc vài loại rễ lá nhựa cây độc bí ẩn để ngâm ủ trong cái lọ chôn dưới chân cột nhà. Có khi chúng uống máu gà trống trắng hòng luyện “đồ” một cách ma mị nhất. Và vì thế, cộng đồng mê muội cũng sẵn sàng giết chết những kẻ mà họ cho là “có đồ” một cách tàn độc nhất.

Điều bất ngờ rằng, những câu chuyện tưởng như chìm lấp trong màn sương huyền thoại kia đã hiện lên, người thật việc thật, trước mắt chúng tôi, ngay trong chuyến công tác miền núi Quảng Ngãi vào cuối tháng 7.2011 này!


Phạm Văn Lê (giữa) - người Quảng Ngãi, bị nghi cầm đồ thuốc độc, bị đánh, phá nhà cửa, đuổi chạy sang xã An Dũng, huyện An Lão, tỉnh Bình Định lánh nạn, đang được công an địa phương bảo vệ (ảnh chụp ngày 14.7.2011). Ảnh: Đ.D.H

Phỏng vấn nóng một người vừa bị đánh đuổi khỏi làng

Dư luận còn đang hoảng hồn với vụ việc: Vì nghi ông Đinh Văn Nên là kẻ cầm đồ thuốc độc (CĐTĐ), hãm hại dân làng, nhóm đối tượng đã giết chết ông Đinh Văn Nên (56 tuổi) một cách dã man. Chuyện xảy ra vào tháng 9.2010, ở xã Sơn Thuỷ, huyện miền núi Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Bốn kẻ thủ ác gồm: Đinh Văn Tranh, Đinh Văn Trĩu, Đinh Văn Hiền, Đinh Văn Tiên - là người cùng làng với ông Nên. Sau khi dùng gậy đập ông Nên chết tại chỗ, bọn chúng đã rải thuốc trừ sâu lên khắp thi thể nạn nhân, hòng tạo hiện trường giả, đánh lạc hướng cơ quan điều tra.

Điều đáng sửng sốt hơn, đó là chuyện mông muội của các đối tượng gây án: Bọn chúng có vẻ “tự hào” vì đã giết được kẻ nghi CĐTĐ cứu dân làng, nhiều người coi việc ông Nên bị đập chết là... bình thường. Thậm chí, trước trận đòn chết người kia, ông Nên luôn huênh hoang khoe tài chế biến “đồ độc”, không sợ ai trên đời, ông từng bị ăn đòn, phá nhà cửa, chính quyền xã đã phải đưa ông Nên lên khu nhà kho của uỷ ban để lánh nạn; nhưng rồi...

Trên đường đi tìm hiểu về tình trạng “nóng bỏng” tái diễn CĐTĐ ở miền núi các huyện Ba Tơ, Sơn Hà của tỉnh Quảng Ngãi, chúng tôi nghỉ lại ở huyện miền núi An Lão, tỉnh Bình Định. Tôi vừa ra lời tâm sự rằng muốn tìm hiểu huyền thoại câu chuyện CĐTĐ đã ám ảnh mình nhiều năm, trung tá Trần Văn Trai - Trưởng Công an huyện An Lão, người nhiều năm tâm huyết với chiến dịch ngăn chặn thảm hoạ CĐTĐ - đã vội “đính chính” ngay: Huyền thoại gì đâu, đang thời sự lắm mà! “Chúng tôi đang gấp rút hoàn thành đề án chống nạn CĐTĐ cho giai đoạn 2011 - 2015 để trình lên huyện, để đi phối hợp với Công an huyện Ba Tơ, công an tỉnh bạn (Quảng Ngãi), tính kế làm sao “triệt phá” được cái nạn đang tác yêu tác quái này. Hôm nay, chúng tôi còn đang giải quyết vụ một người Hrê của xã Ba Trang bên Ba Tơ bị những kẻ nghi CĐTĐ đánh trọng thương, phá tan nhà cửa, đuổi ra khỏi làng, đang phải lánh nạn ở xã An Dũng”. Ngay lập tức, tôi cùng trung tá Đinh Hoài Nam - Đội trưởng Đội An ninh, Công an huyện An Lão - lên đường.


Hồ sơ một vụ “cầm đồ thuốc độc” xảy ra năm 2011...

Nạn nhân “mới nhất” trong các vụ CĐTĐ ở Việt Nam ta đang ngồi ngơ ngác ở phòng của Trưởng Công an xã An Dũng. Qua phỏng vấn, được biết anh ta tên là Phạm Văn Lê - SN 1967, tại xã Ba Trang, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, là người dân tộc Hrê. Phạm Văn Lê có vợ và 4 người con ở xã Ba Trang. Khi bà con đau ốm xung quanh, chữa mãi không hỏi, họ nghi ngờ Lê có “đồ độc” gây hoạ cho dân làng, nên đám thanh niên liên tục tấn công, đòi giết chết Lê. Xã đã phải hoà giải, phân tích và cứu mạng Lê nhiều lần. Lần gần nhất, họ đánh tàn ác, dùng gậy đập vào trán, máu me be bét, rồi phá tan nhà cửa, Lê phải đưa vợ con về nhà ngoại tá túc, rồi bỏ trốn khỏi làng. Anh ta cắt rừng chạy nhiều tiếng đồng hồ thì sang tới đất An Dũng, vào nhà ông Dũng ở thôn 2 ở nhờ.

Qua xác minh, Công an xã Ba Trang công nhận việc Lê bị nghi CĐTĐ và bị những người “nghi” (do tên Thoi và tên Phạm Văn Du cầm đầu) đã uống rượu thật say rồi điên cuồng tấn công Lê. Nhiều người rất lo lắng, nếu thật sự Lê bị nghi CĐTĐ, nếu Lê không có biện pháp sớm chấm dứt sự liên quan đang nghi ngờ nào đó của mình với thứ “bùa ngải” mang nhiều tai hoạ kia, thì sẽ có ngày chính người Hrê ở An Dũng cũng sẽ tấn công, đuổi ra khỏi làng, thậm chí giết chết Lê. Ông Đinh Văn Phim - Trưởng Công an xã An Dũng - cho biết: “Lần trước, bị đánh ghê quá, Lê chạy sang xã chúng tôi tá túc, thế mà có đối tượng Phạm Văn Ngung còn tìm theo tát cho Lê mấy cái”. Theo Ngung, lý do anh ta đánh Lê, là do “biết rõ” Lê có CĐTĐ, làm cho người làng gặp nhiều tai hoạ.

Cán bộ, đảng viên cũng… tấn công người bị nghi “có đồ”


Bà Doa, người đã bị đám đông đánh gẫy tay, bỏ vào bao tải, thả dìm xuống sông, bị dùng bó lá dừa châm lửa đốt vì bị nghi “có đồ độc”.

Tiện đường về, trung tá Đinh Hoài Nam đưa chúng tôi đến thăm bà Đinh Thị Doa - người đã được anh và đồng đội cứu sống, sau khi bị tra tấn như thời trung cổ, đánh gãy tay, trói lại, bỏ vào trong bao tải dìm xuống sông... Bà Doa năm nay 76 tuổi, buồn rười rượi, nắm tay ân nhân “cán bộ Nam”, kể: Bà bắt đầu bị nghi CĐTĐ, bởi bà vốn là cán bộ y tế, biết điều chế rễ cây thuốc nam, nhà bà lại có các hũ ngâm tẩm bí ẩn, rồi thi nhau người trong làng ốm chết sau mỗi lần xích mích với bà.

Sau vụ tra tấn kinh hoàng kể trên, người ta tiến hành xác minh cụ thể thì đồ vật mà những người “hung hãn” tìm thấy ở nhà bà Doa cũng rất kỳ bí, khó hiểu: 4 cái răng người, xương mèo, da mèo, rễ cây củ các loại... Bà Doa vẫn một mực khẳng định mình không biết CĐTĐ là gì, trong khi người làng tin chắc đó là đồ độc hại người. Lực lượng công an đã tiêu huỷ một số “tang vật”.

Điều đáng nói hơn, là một số người cầm đầu vụ “hành hình” bà Doa già nua kể trên, còn có cả cán bộ địa phương, đảng viên. Họ lột dây chuyền của bà Doa, bán cho một cán bộ hội nông dân xã mổ lợn mổ gà “khao quân”, bắt vạ. Người nghi bà Doa có “đồ độc” đầu tiên chính là nguyên trưởng công an xã. Những người tham gia đánh bà Doa, có cả ông Grế - đảng viên, cán bộ UBKT Đảng uỷ xã; ông Lang - Bí thư chi đoàn; ông Gai - đảng viên, Bí thư chi bộ; ông Phiên - đảng viên, Trưởng đài Truyền thanh xã.

Ngày 14.4 vừa qua, thượng tá Nguyễn Duy Ánh - Phó Trưởng Công an huyện An Lão - có một bản báo cáo chính thức về vụ: Do nghi ngờ CĐTĐ, nên người ở thôn 1, An Trung tấn công cô Đinh Thị Dô - SN 1975 - cùng xã. Theo đó, Đinh Văn Cung là sinh viên, đi uống rượu về, cãi nhau rồi đánh vợ. Cô Dô là hàng xóm, sang can ngăn, có mắng Cung sao đánh vợ ác thế. Sau đó, Cung về Đà Nẵng tiếp tục theo học ở trường đại học. Tại đây, Cung bị ốm nặng, bị bệnh viện trả về chờ chết, ông Đinh Văn Thuỷ - bố của Cung - có đến đầu giường dò hỏi “con có mâu thuẫn với ai không?”, Cung nói: Có nhớ chuyện Dô mắng mình.

Sẵn mối nghi ngờ, ông Thuỷ sang doạ dẫm, xin Dô giải độc cứu Cung, Dô bảo không biết CĐTĐ là gì, thế là ông Thuỷ tiếp tục đập Dô, phá nhà Dô. Trước tình trạng quá căng thẳng, Dô phải bỏ nhà đi ở nhờ. Khi Cung chết, Dô phải chạy lên UBND xã kêu cứu, trú thân, Công an huyện phải đứng ra bảo vệ, kẻo Dô bị nguy hiểm tính mạng. Đau lòng hơn, những người nằm trong hồ sơ công an, ở mục “người nghi CĐTĐ” đã đe doạ, tấn công bà Dô, lại có đến 3 người là đảng viên cùng xã, gồm: Đinh Xuân Thuỷ, Đinh Văn Cúc, Đinh Thị Cư.

Trước tình hình nghi kỵ CĐTĐ diễn biến phức tạp, các ngành các cấp huyện An Lão và tỉnh Bình Định đã có nhiều văn bản, nghị quyết, các chiến dịch vận động, điều tra, giải quyết “điểm nóng”, vận động xoá bỏ hủ tục và kịp thời có mặt can thiệp, không để hậu quả xấu xảy ra. Thực tế, lực lượng chức năng đã nỗ lực và đã thành công bước đầu, dăm bảy năm qua, không có trọng án đau lòng từ nạn CĐTĐ trên địa bàn như trước đây nữa, tuy nhiên, khi mà hủ tục đã ăn sâu bám rễ vào đồng bào vùng cao đến mức như CĐTĐ, thì chỉ cần một chút lơ là, tai hoạ sẽ lại đến... Đến bao giờ, câu chuyện khó hiểu và buồn bã về CĐTĐ sẽ bớt “nóng”?

Chỉ tính từ năm 2009 đến nay, theo thống kê của Công an huyện An Lão, trên địa bàn xảy ra các vụ nghi CĐTĐ tiêu biểu với các nạn nhân khốn khổ bị đuổi khỏi làng, bị đánh đập tập thể, bị doạ móc mắt và giết chết, gồm: Đinh Văn Tiếu - xã An Vinh; Đinh Văn Cam và Đinh Thị Cua - xã An Hưng; Đinh Thị Thân - xã Tân An; Đinh Văn Rưới, Đinh Thị Dô và Phạm Thị Lói - xã An Trung...

Nguồn Lao động