Báo động nạn ve sầu phá hại cà phê ở Kon Tum

Những ngày cuối tháng 3, ở Tây Nguyên nói chung và ở huyện Đăk Hà - thủ phủ cà phê của tỉnh Kon Tum nói riêng, người dân nghe tiếng ve râm ran mà càng thêm não ruột. Nhất là khi những vườn cà phê vừa được tưới đợt hai, bộ rễ non đang phát triển để nuôi cây, nuôi trái.

Nhiều người dân trồng cà phê lâu năm ở Đăk Hà, cho biết, đây là thời điểm thích hợp để ve sầu ngầm “sát hại cà phê”. Vườn cà phê chỉ sau một thời gian ngắn sẽ bị vàng lá, chết dần chết mòn, khi đào gốc lên, có rất nhiều ấu trùng ve sầu chích chột hết rễ cây, nhất là rễ non...

Ve sầu hút nhựa gây hại các bộ phận cây cà phê cả trên mặt đất lẫn dưới đất. Ve trưởng thành chích hút làm suy kiệt hoặc làm chết cành non; ấu trùng chích hút nhựa ở rễ làm cây chậm phát triển, còi cọc, lá vàng, trái rụng nên làm giảm năng suất; các cành dinh dưỡng phát triển kém, chồi ngọn và lá ra ít; các rễ tơ ở độ sâu 0 - 15cm phát triển chậm; một số rễ bị đen, thối từ đầu rễ vào do một số loài nấm, tuyến trùng tấn công vào vị trí rễ bị ấu trùng ve sầu gây hại.

Trước tình hình trên, cơ quan chức năng địa phương khuyến cáo người trồng cà phê có thể áp dụng một số biện pháp phòng trừ đã được kiểm nghiệm trên thực tế và đạt hiệu quả khá cao trong những năm gần đây, như: bón phân cân đối, không bón thừa đạm, vì đạm sẽ làm rễ và thân cành non mềm dễ bị ve sầu và dịch hại tấn công, dùng loại phân kích thích ra rễ cho cà phê; phủ màng nilon (màng trong) quanh gốc để ngăn chặn ấu trùng chui xuống đất sau khi nở (nilon cũng ngăn chặn ấu trùng từ dưới đất chui lên để vũ hóa và vào buổi sáng, người dân có thể đi diệt ve sầu đang bị giữ lại dưới màng phủ); dùng keo dính (tương tự keo dính chuột) có pha thuốc sâu, quét quanh gốc cà phê để ngăn chặn, bẫy và diệt ấu trùng bò lên cây vũ hóa.

Người dân cũng nên hạn chế dùng chất hoá học diệt trừ các loại thiên địch của ve sầu…như kiến, vì thực tế cho thấy, những vườn cà phê diệt kiến triệt để thì ve sầu nhiều hơn so với những vườn không bôi thuốc diệt kiến

Xã Luận

:icon_rolleyes: