LẠY CHÚA CỦA CON! LẠY THIÊN CHÚA CỦA CON

Tôma đã được phúc gặp Đức Giêsu. Còn chúng ta thì sao?

Tông đồ Tôma được nhớ đến nhất như là một người đa nghi – một người theo chủ nghĩa thực tế ngoan cố, ông cần bằng chứng trước khi ông tin rằng Đức Giêsu đã sống lại từ cõi chết. Nhưng thái độ này cho chúng ta cái nhìn duy nhất về con người.

Tôma là một người đàn ông dũng cảm kêu gọi các bạn của ông ở lại với Đức Giêsu ngay cả khi kẻ thù của Người đang tìm cách giết Người: “Chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy” (Ga 11, 16).Tôma cũng là một người đàn ông mạo hiểm. Truyền thống cho chúng ta biết rằng sau Lễ Ngũ Tuần, ông trở thành một nhà truyền giáo. Ông được cho là đã đi đến Edessa, Xy-ri, và sau đó đến Ấn Độ, ở đó ông đã thiết lập nhiều giáo đoàn và chịu tử đạo. Một truyền thống cổ xưa mang tên Tôma như là tông đồ duy nhất đã chứng kiến ​​ngày về trời của Đức Trinh Nữ Maria. Rõ ràng, Tôma là một người có đức tin sâu sắc và trách nhiệm mạnh mẽ đối với Chúa và Tin Mừng!

Vì thế, khi nhìn vào câu chuyện về niềm tin Phục Sinh này, chúng ta hãy nhớ rằng có lẽ đức tin của Tôma đã bị suy sụp khi Đức Giêsu chết, nhưng rồi ông đã tìm lại được và ông đã tiếp tục trở nên một vị anh hùng vĩ đại cho Đức Chúa. Có thể ông đã có sự nghi ngờ, nhưng ông đã không để chúng quyết định cuộc đời ông.

Phúc Cho Những Ai Không Thấy

Khi Maria Ma-đa-lê-na thấy mộ trống, cô ấy hoang mang sợ hãi (Ga 20, 2). Khi Gioan thấy mộ trống, ông đã tin, nhưng không tin hoàn toàn (Ga 20, 8-9). Khi Tôma nghe những tin tức từ Maria, ông không thể chấp nhận. Ngay cả khi tất cả các tông đồ khác nói với ông rằng họ đã thấy Chúa sống lại, đức tin của ông vẫn không thể lay chuyển, ông nói: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20, 25). Và với một lời nói đó, ông đã nổi tiếng. Khi Đức Giêsu hiện ra với các tông đồ một tuần sau, có cả ông Tôma ở đó, ông đã tuyên xưng: “Lạy Chúa của con, Lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20, 28). Cuối cùng, sự cứng tin của một môn đệ đã đưa đến một niềm tin Phục Sinh! Nhưng trong một ý nghĩa, chúng ta thấy Tôma đã gặp may mắn. Niềm tin của ông dựa trên những điều ông đã thấy, cảm nghiệm và đụng chạm. Ngay cả khi Đức Giêsu nói với ông, “Phúc cho những ai đã không thấy mà tin” (Ga 20, 29).

Các học giả tin rằng Tin Mừng của thánh Gioan được viết sau này vào thế kỷ đầu tiên – sau khi hầu hết các môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu đã chết. Vì thế, rất ít người đã thấy Đức Giêsu sống lại, và chúng ta chỉ dựa vào lời khai của một số lượng nhỏ các tín hữu còn lại. Thánh Gioan muốn khuyến khích động viên những người không thấy Đức Giêsu nhưng vẫn tin. Thánh nhân muốn họ, và cả chúng ta biết rằng, chúng ta hoàn toàn có thể có được mối liên hệ với Chúa mặc dù chúng ta không bao giờ thấy hoặc đụng chạm đến Người.

Chúng ta không muốn có ấn tượng rằng đức tin của Tôma và các môn đệ khác không cần thiết. Nhưng đồng thời, đoạn văn này nói cho chúng ta biết đức tin của chúng ta cần thiết như thế nào. Chúng ta không bao giờ thấy Chúa về thể lý. Chúng ta không bao giờ nghe Người nói với chúng ta hoặc thấy Người mỉm cười hay cảm thấy Người đặt cánh tay lên vai chúng ta biểu lộ sự an ủi. Nhưng chúng ta vẫn còn được mời gọi tin vào Người và bước theo Người. Vì thế, khi Đức Giêsu nói: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”, chúng ta sẽ thấy rằng Đức Giêsu có những phúc lành đặc biệt dành cho chúng ta – những phúc lành đó có thể giúp bù đắp cho chúng ta là những người không nhìn thấy Người trong xác phàm.

Nhìn Thấy Bằng Đôi Mắt Tâm Hồn Bạn

Phúc lành này được trao ban cho mọi người! Bởi vì Đức Giêsu đã tuôn đổ ơn Chúa Thánh Thần, để giờ đây, mọi người có thể bước vào mối liên hệ sống động với Đấng Cứu Độ hằng hữu, vô hình. Chúng ta không có thể thấy Ngài thể lý, nhưng chắc chắn chúng ta có thể thấy Ngài trong thâm tâm với “đôi mắt tâm hồn của chúng ta” (Ep 1, 18). Thánh Phêrô đã giải thích rõ ràng hơn: “Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến; tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang” (1 Pr 1,8).

Có rất nhiều con đường khác nhau giúp chúng ta có thể “gặp” Đức Giêsu, con đường mạnh nhất là qua Bí Tích Thánh Thể. Chúng ta tin rằng Bí Tích Thánh Thể là sự hiện diện thực sự của Đức Giêsu – Thịt và Máu Người, linh hồn và thần tính của Người. Vì thế, trong một ý nghĩa, chúng ta có thể nói với thánh Gioan rằng chúng tôi đã gặp Đức Giêsu “với đôi mắt của chúng tôi, chúng tôi đã chiêm ngưỡng Người và tay chúng tôi đã chạm đến” (1 Ga 1,1).

Nếu chúng ta chấp nhận lời giảng dạy của Giáo Hội, chúng ta có thể đồng ý với những trình bày này trên lãnh vực trí thức. Hình thức đức tin này – một đức tin dựa trên thỏa thuận tinh thần – là một điều tốt. Nhưng nếu chúng ta muốn biết “niềm vui rực rỡ vinh quang” mà Phêrô đã viết, chúng ta cần phải tiếp cận với những gì chúng ta biết thuộc lý trí về Thánh Thể với một trái tim rộng mở. Chúng ta cần thêm đức tin cho lý trí của chúng ta. Đó là khi chúng ta không chỉ cần chạm vào Đức Giêsu, chúng ta sẽ gặp Người. Đó là khi chúng ta không chỉ thừa nhận sự hiện diện của Người, chúng ta sẽ được tràn đầy tình yêu và ân sủng của Người.

Đức Giêsu đã hứa ban phúc lành thực sự và hữu hình cho những ai tham dự Thánh Lễ với lòng khao khát Chúa. Người hứa với chúng ta: “Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi thì ở lại trong Tôi và Tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6, 56). Nếu chúng ta đón nhận Đức Giê su chỉ với một chút đức tin, chúng ta sẽ cảm nghiệm được những phúc lành này. Và nếu chúng ta kiên trì trung thành trong đức tin của chúng ta, các phúc lành này cũng tăng theo. Chúng sẽ trở nên rất thực đối với chúng ta đến nỗi chúng ta sẽ được tràn đầy niềm vui. Đón nhận Người trong Thánh Thể sẽ làm cho chúng ta cảm thấy hạnh phúc như hạnh phúc và an ủi chúng ta cảm thấy trong ngày vui của bản thân hoặc gia đình. Đó là cách Thiên Chúa thực sự muốn để trao ban phúc lành của Ngài và để Ngài có thể ở lại trong chúng ta!

Dấu Hiệu Bên Trong và Bên Ngoài

Có hai cách chúng ta có thể cho thấy nếu đức tin của chúng ta đang biến chuyển từ trí tuệ tới sự sống, niềm tin Phục Sinh.

Cách thứ nhất là nhìn vào sự biểu lộ bên ngoài của chúng ta. Khi đức tin chúng ta phát triển, ân sủng chúng ta nhận được từ Thánh Thể và đời sống cầu nguyện cá nhân, sẽ biến đổi chúng ta trở nên vững vàng hơn trong tình yêu đối với tha nhân. Chúng ta sẽ tìm thấy sự bình an hơn cho chính mình, không dễ dàng cảm thấy lo lắng và biết quan tâm hơn. Chúng ta sẽ tìm thấy trong chính bản thân mình sự mong muốn nâng cao tinh thần của mọi người Chúa gửi đến trong cuộc đời chúng ta – các thành viên trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, ngay cả những người lạ. Chúng ta sẽ muốn đối xử với mọi người bằng thái độ tôn trọng và sự danh dự họ xứng đáng được hưởng như những người con yêu dấu của Thiên Chúa. Chúng ta sẽ ít quan tâm đến các chuyện ngồi lê đôi mách mới nhất nhưng quan tâm nhiều hơn đến việc giúp đỡ những người nghèo và đau khổ ở giữa chúng ta. Và quan trọng nhất, chúng ta sẽ tìm được sức mạnh mới để tha thứ cho tha nhân và thoát ra khỏi sự tổn thương có thể đã ràng buộc chúng ta qua nhiều ngày hoặc nhiều tuần.

Cách thứ hai chúng có thể làm cho đức tin của chúng ta được lớn lên qua việc nhìn vào những gì đang xảy ra bên trong chúng ta. Khi Chúa Thánh Thần dẫn dẫn đưa chúng ta đến niềm tin Phục sinh, chúng ta khám phá một thiên hướng tinh thần mới trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta không chỉ quan tâm về mối quan hệ của chúng ta với người khác, nhưng còn phải khao khát về mối quan hệ sâu xa với Chúa. Chính bản thân chúng ta cảm thấy muốn dành nhiều thời gian ở với Ngài hơn. Cầu nguyện không còn là một việc vặt mà là sự vui thích nhiều hơn. Những lời của Kinh Thánh bắt đầu là mùa xuân cho cuộc sống, và trực tiếp nói với trái tim của chúng ta. Chúng ta quan tâm không chỉ với việc thực hiện những trách nhiệm hàng ngày của chúng ta, nhưng thực hiện chúng trong một phương cách làm đẹp lòng Chúa và mang lại cho Ngài vinh quang.

Đây là điều thánh Phaolô muốn nói đến khi thánh nhân viết: “Chúng tôi biết được tư tưởng của Đức Kitô” (1 Cr 2, 16). Giống Đức Giêsu, chúng ta đã quan tâm nhiều hơn đến mối quan hệ với Cha trên trời của chúng ta. Và giống Đức Giêsu, chúng ta quan tâm nhiều hơn đến hạnh phúc của những người sống chung quanh chúng ta. Chúng ta muốn giữ mối quan hệ với sự hiện diện của Chúa, và chúng ta muốn trở nên dụng cụ cho sự hiện diện của Ngài trong thế giới. Có hai cách cụ thể để chúng ta có thể nói rằng chúng ta đang phát triển một niềm tin Phục Sinh sâu sắc hơn. Đó cũng là hai cách cụ thể mà chúng ta có thể nói rằng Đức Giêsu đang ban phúc lành cho chúng ta là những người tin mà không thấy. Vì thế, nếu bạn nhìn thấy các đặc điểm như thế này ngày càng lớn lên trong bạn, bạn có thể yên tâm tin rằng Thiên Chúa đang hoạt động trong trái tim của bạn!

Hãy Đến và Tìm Thấy Sự Sống

Trong câu chuyện về tông đồ Tôma trong Tin Mừng, thánh Gioan đặt trọng tâm và nhấn mạnh vào mối liên hệ giữa thấy và tin. Thánh Gioan nói cho chúng ta rằng cuối cùng Tôma đã xin để gặp Chúa Phục Sinh, như Maria Ma-đa-lê-na và những người khác đã gặp Người, bởi vì ông muốn biết thật rõ rằng Đức Giêsu đã sống lại. Tất cả các nhân chứng cho thấy đó là một thực tế không thể phủ nhận.

Nhưng đồng thời, thánh Gioan đã muốn nói với mọi người rằng điều mà các môn đệ đầu tiên đã thấy với đôi mắt thể lý, thì chúng ta có thể thấy với đôi mắt tinh thần. Như thánh nhân đã viết: “Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Ki tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ Danh Người” (Ga 20, 31).

Xin cho tất cả chúng ta tìm được sự sống mới trong mùa Phục Sinh, và được tràn đầy niềm vui Phục Sinh trong Năm Đức Tin này!

Maria Ngô Liên chuyển ngữ từ The Word Among Us, 2013