HỒN THỂ CON NGƯỜI

Theo kinh "Đại Thừa Chơn Giáo" thì con người có 3 hồn và 7 thể. Ở trình độ tiến hóa hiện tại, ngoại trừ những bậc Đại căn, Đại giác hoặc đã giải thoát, thì "Tam Thanh Hồn" của Chơn Như toàn giác vẫn chưa phát khai, đương còn an nhiên vô tri, vị giác. Đại đa số nhân loại tiềm tàng Tam Năng đó (Tri Giác Lực) chờ ngày phát triển.

Vậy nên trong cuốn "Thiên Đạo Lược Khảo" nầy, tác giả chỉ nói tới "Tam Bồ Đề", tức là Chơn Ngã và 4 thể (Vật, Khí, Thần, Thánh) tức là Giả Ngã hay Bản Ngã.

***

Con người có Hồn và Thể.

Hồn là điểm thiêng liêng linh diệu trong con người. Nó vốn bất tiêu bất diệt. Ấy là điểm linh quang do Chơn linh của Tạo hóa ban cho.

Chơn linh ấy có ba Ngôi, thì hồn cũng có ba bực:

1. Linh Hồn (Âme divine - Atma) cũng gọi Phật hồn, Chơn hồn, Chơn ngã, Chơn tâm, Ngươn thần.

2. Anh hồn (Âme spirituelle - Boddhi) cũng gọi Tiên hồn, Bồ đề, Bát nhã, Trí huệ.

3. Nhơn hồn (Âme humaine - Coprs mental supérieur) cũng gọi Giác hồn, Thần thức, A lại Da thức, Thượng trí thức, Tâm thức, Nghiệp thức.

Nhơn hồn đồng nguyên chất với cõi Tiên.

Anh hồn đồng nguyên chất với cõi Thiên Tiên, cũng gọi cõi Bồ đề (Monde spirituel ou Boddhique).

Linh hồn đồng nguyên chất với cõi Ngọc Tiên Thiên, cũng gọi là cõi Niết bàn (Nirvana).

Thể thì có bốn thứ là: Vật thể, Khí thể, Thần thể, Thánh thể.

Vật thể (Corps physique: Rupa) là xác thịt, thể thứ nhứt của con người. Nó do bốn nguyên tố lớn hiệp thành (Tứ đại giả hiệp). Bốn cái nguyên tố ấy là: đất, nước, lửa, gió (*1).

Vật thể bị bao bọc bởi một lớp tinh khí (éther), gọi là Khí thể (Double éthérique: linga-sharira), cũng gọi là cái Phách, kêu nôm là cái Vía, thuật âm phù gọi Tướng tinh.

Khí thể dùng rút sanh lực vào Vật thể đặng giữ cho Vật thể được sanh tồn. Nhờ có Khí thể chở che bao học, Vật thể mới không tan rã.

Khí thể dính với Vật thể bởi một sợi từ khí (lienmagnétique). Khi nào Khí thể bứt sợi dây ấy mà lìa khỏi Vật thể, thì con người phải chết. Lúc bấy giờ, Vật thể mất sự che chở của Khí thể, nên lần lần tiêu rã.

Nhà âm phù thuật sĩ dùng phép thôi miên có thể làm cho Khí thể của người sống xuất khỏi Vật thể trong một lúc (nhưng không cho dang ra xa, sợ đứt sợi từ khí mà nguy cho tánh mạng).

Hình nó xuất ra mờ mờ như đám sương mù, người có thần (voyant), trông thấy được.

Lúc bấy giờ, xác phàm hết cử động, hết biết cảm giác, trơ trơ như một tử thi.

Người hít thuốc mê không còn biết đau đớn là vì thuốc mê đã làm cho một Khí thể ra khỏi xác thịt.

Thể thứ ba là Thần thể hay Chơn thần (Corps astal: Kama). Dính với Khí thể bởi một sợi từ khí, Chơn thần làm trung gian cho Vật thể và Hồn.

Chơn thần là tạng chứa dục vọng và tình cảm tức là nguồn gốc sự cảm giác. Hể nó vọng động, thì mắt tham sắc, tai tham thanh, mũi tham hương, lưỡi tham vị và thân tham xúc. Nó là vai chủ động của lục căn.

Tâm lý học gọi là ý thức.

Người ta có thể luyện phép xuất Thần ra khỏi xác mà vân du trên cõi Thần (Trung giới) là cõi thích hạp với Chơn thần vì đồng một nguyên chất.

Chơn thần của các vị tu đắc đạo vốn huyền diệu vô cùng tuy còn ở xác phàm mà tự do xuất nhập, trong nháy mắt dạo khắp ba ngàn thế giới, tiếp xúc với Thần Tiên.

Người đồng tử (médium) nhờ xuất được Chơn thần ra khỏi Phách mà thông công với các Đấng Thiêng Liêng.

Thể thứ tư là Thánh thể (Corps mental inférieur: manas inférieur). Phật giáo gọi Mat nạ thức hay Truyền thống thức; Tâm lý học gọi Trí thức.

Nó giao thông giữa Thần và Hồn. Hễ Chơn thần phân biệt cái gì là tốt, cái gì là xấu, hoặc điều gì là thiện, hoặc điều gì là ác nó cũng tùy theo mà phân biệt như vậy, rồi truyền sang cho Nhơn hồn hay biết.

Tóm lại, con người có bốn thể là: Vật thể, Khí thể, Thần thể, Thánh thể.

Và ba hồn là: Nhơn hồn, Anh hồn và Linh hồn.

Khi con người chết, bốn thể lần lần tiêu tan, duy có hồn là bất tiêu bất diệt, đi đầu thai kiếp nầy sang kiếp khác, cho tới khi được hoàn toàn giải thoát (đắc đạo).


__________________________________________________
(*1) Xương thịt thuộc đất, vì tánh nó đặc và chắc.
Huyết dịch thuộc nước, vì là chất lỏng.
Ôn độ trong châu thân thuộc lửa, vì tánh nó ấm.
Khí chất trong châu thân thuộc gió, vì tánh nó động.
Khi con người chết, bốn cái nguyên tố trong châu thân lần lần tan rã, rồi hiệp thành một vật thể khác, để rồi tan nữa rồi hiệp nữa, thoạt có, thoạt không, thoạt còn, thoạt mất, thiệt rõ ràng một giả tướng.



NHƠN HỒN SAU KHI GIẢI THỂ

Người ta chết là khi sợi từ khí cột dính Vật thể và Khí thể bị bứt đi (*1), thế là Khí phách và Thần hồn lìa xác thịt.

Thiệt ra, cái chết chỉ là sự ly dị giữa Vật thể và Khí thể. Khí thể vốn là tạng chứa sanh lực, mà nếu nó lìa khỏi Vật thể thì Vật thể hết sanh lực, phải lần lần tan rã.

Vài ngày sau khi con người chết, Khí thể của người ấy lìa khỏi Chơn thần. Nó không cử động mà cứ vơ vẩn gần tử thi. Ban đêm, đi đến nơi thanh vắng, nhứt là nơi mồ mả, những người tánh nhát hay sợ sệt; sự sợ sệt ấy khích thích thần kinh hệ (système nerveux) làm cho họ thấy được hình dạng Khí thể vẩn vơ nơi đó. Họ cho là "gặp ma" (fantôme éthèrique).

Khí thể của người chết tiêu tan một lượt với tử thi. Tần nhơn (người Cao miên) có tục hỏa táng (Crémation), nghĩa là thiêu tử thi, rồi chôn tro, hoặc đựng trong hủ đem thờ nơi chùa. Dùng hỏa táng, thì Khí thể tiêu liền theo xác thiêu.

Khi Hồn người chết cổi hết Vật thể và Khí thể, nó được nhẹ nhàng thong thả như trút được một gánh nặng. Lúc bấy giờ, nó lại linh hoạt hơn khi còn tù túng trong xác phàm. Nó vẫn sống như thường ở cõi vô hình; cái sống nầy mới là sống thiệt, có điều Nhơn hồn không cảm xúc theo phàm trần vì nó không còn Vật thể.

Lúc nầy Nhơn hồn linh hoạt nhờ Chơn thần là cái vỏ bao bọc nó như Khí thể bao bọc xác thịt vậy. Chơn thần vốn đồng nguyên chất với Trung giới là cõi Thần (Monde astral). Cho nên, sau khi rời bỏ xác phàm và cái phách (Vật thể và Khí thể), Hồn nhờ Chơn Thần làm chiếc xe đưa vào cõi Thần là nguyên quán, là quê hương của Chơn thần vậy.

Vẫn biết Chơn thần là tạng chứa những hột giống thuộc về dục vọng và tình cảm. Con người, nếu lúc sanh tiền đã chú trọng vật chất, chỉ lo thỏa mãn dục vọng, tất nhiên Chơn thần bị trọng trược bởi những hột giống xấu xa ấy, nên nó lâu tan rã. Chơn thần ấy chẳng khác nào cái khám có bốn vách kiên cố để nhốt Hồn người trong một thời gian rất lâu ở Trung giới.

Vậy nên chú trọng điều nầy: ở cõi phàm, con người hành động thể nào, sự hành động ấy, dầu lành dầu dữ, dầu thấp hèn hay cao thượng, cái ấn tượng của các hành vi ấy đều in gắn vào tinh chất (matière astrale) của cõi Thần. Đến khi Hồn trở về cõi Thần, thì cái ấn tượng ấy hiện ra có thứ lớp rõ ràng; Hồn người trông thấy chẳng khác nào mục kích một phim chớp bóng (*2).

Lúc bấy giờ, Hồn người được sung sướng mà nhận thấy hành vi nhơn thiện và cao thượng của mình khi còn ở thế, hoặc ăn năn và đau khổ mà xem lại những điều độc ác thấp hèn của mình đã tạo. Sự sung sướng và sự đau khổ ấy, tức là phần thưởng phạt thiêng liêng cho hồn người tại Trung giới, tức là miền Âm cảnh mà người ta quen gọi là Địa ngục (Enfer), tiếng Phạn là Kama Loca.

Hồn những người tu mà giữ tròn nhơn đạo và chuyên việc nhơn đức và hồn của chiến sĩ đã liều mình vì nước, khi về đến cõi Thần đều được hưởng các điều khoái lạc thiêng liêng là phần thưởng cho sự hành vi của mình khi còn ở thế. Đó là đắc Thần vị (thành Thần).

Ở cõi Thần, những Hồn đồng một trình độ tấn hóa với nhau đều liên hiệp từng đoàn thể để giúp đỡ nhau đặng tấn hóa thêm lên.

Hưởng và chịu thưởng phạt thiêng liêng ở cõi Thần trong một thời gian lâu hay mau tùy theo căn nghiệp của mình. Nhơn hồn giải thoát được Chơn thần vì Chơn thần đến ngày tiêu tán. Chơn thần tiêu tán, thì bao nhiêu hột giống của nó tàng trữ bấy lâu, tức là những hột giống luân hồi (atomes permanents) đều rút vào cái thể thứ tư là Thánh thể, để làm nghiệp duyên cho kiếp tái sanh.

Chỉ còn cái Thánh thể bao bọc, Nhơn hồn bỏ cõi Thần mà vào từng cao nhứt của Trung giới, tức vào cõi Thánh (Monde mental inférieur). Nhơn hồn ở cõi nầy lâu hay mau cũng tùy theo kiếp sống của mình tại thế. Như lúc sanh tiền con người đã hành động cao thượng về tinh thần trí thức, nếu con người đã có những tư tưởng thanh cao và những tình cảm cao siêu của phàm tánh, nếu con người đã biết quên mình để phụng sự một lý tưởng cao cả, hoặc một chủ nghĩa vị tha, thì Nhơn hồn được hưởng bền lâu những khoái lạc, những hạnh phước thiêng liêng nơi cõi Thánh tốt tươi vui vẻ, và được tiếp xúc với các vì minh Thánh nơi đây. Đó là đắc Thánh vị (thành Thánh).

Nên biết rằng ở cõi Thánh, chẳng một việc gì là phát đoan (khởi đầu). Những công việc ở đây toàn là kiếp tục. Nói một cách dễ hiểu là: một hạnh phước không thể bắt đầu tạo ra ở cõi nầy. Nó phải phát đoan từ cõi Phàm, rồi đến đây mới tiếp tục mà phát triển thêm.

Cho nên con người khi còn ở thế, cần phải sống một cuộc đời nhơn thiện và thanh cao về tinh thần trí thức và lý tưởng, chớ không phải đợi lên đến cõi thiêng liêng mới lo hành thiện, thì muộn lắm rồi. Luật nhơn quả (Loi de Karma) vốn chí công: nhơn nào, quả nấy.

Khi còn ở thế, chúng ta tự tạo phẩm vị thiêng liêng của chúng ta là cái kết quả của những hành vi thuận hay nghịch với Thiên đạo (Loi divine).

Khi còn ở thế, chúng ta vẫn có quyền tự do định đoạt cho mình. Chớ nên quá hẫng hờ tự tạo lấy xiềng xích đặng sau rồi buộc trói lấy ta.

Khi Thánh thể tiêu tan, những hột giống luân hồi tàng trữ bấy lâu trong đó rút vào Nhơn hồn (Thần thức) để làm nghiệp nhơn cho kiếp tái sanh như đã nói trước kia.

Nhơn hồn lúc bấy giờ hết bị thể phách ràng buộc, nó được thong thả trở về bổn nguyên là Tiên cảnh (Monde mental supérieur), nơi mà Thiên Chúa giáo gọi là Thiên đàng (Paradis), tiếng Phạn là "Devakan".

Điều cần yếu nên biết là tất cả Nhơn hồn sau khi rời bỏ bốn thể, đều trở về cõi Tiên trong một thời gian lâu hay mau tùy theo duyên nghiệp của mình, nhưng đó chưa phải là đắc quả Tiên.

Đắc quả là những Nhơn hồn lúc ở thế biết tu hành theo chánh pháp mà được sáng suốt. Cho nên khi về cõi Tiên, thì có linh cảm hiểu biết và hưởng được những điều khoái lạc thiêng liêng và những thanh phước của Tiên cảnh (*3) u nhàn xinh đẹp.

Nhơn hồn của những bực chơn tu đắc Tiên vị, khi lìa cõi phàm, thì cổi luôn tất cả bốn thể một lượt; vượt khỏi cõi Thần và cõi Thánh mà lên thẳng cõi Tiên. Nhưng sau khi hưởng hết quả vị, nói một cách khác, sau khi mãn hạn (*4), Nhơn hồn còn phải luân hồi lại nữa.

Đến như Nhơn hồn, khi còn ở thế không biết tu hành, thì lúc trở về Tiên cảnh, vẫn mờ mờ mịt mịt, không hiểu biết chi hết. Tại cõi thiêng liêng nầy, những Nhơn hồn ấy ở vào trạng thái vô vi vô giác (état inconscient). Có lẽ độc giả lấy làm lạ, sao lại Trung giới, Nhơn hồn ở vào trạng thái hữu giác (état conscient), mà khi đến Thượng giới nó lại vô tri vô giác.

Điều đó cũng không khó hiểu. Lẽ thường, hai cái thái cực vốn bằng nhau, nhứt là hai cái thái cực về quang độ (degré de lumière). Nếu ánh sáng lu lờ, người ta chỉ thấy mờ mịt, như ở vào cõi u minh. Nếu ánh sáng có cái quang độ trung bình, người ta được thấy tỏ rõ, như ở vào cõi Thần, cõi Thánh.

Đến như quang độ lên đến cực điểm, thì ánh sáng chói lòa, người ta bị chóa mắt như bị "nắng quáng đèn lòa" mà không thấy chi hết, hoặc không thấy chi đặng rõ.

Ấy vậy, Nhơn hồn mê muội không tu ở vào cõi Tiên là cõi sáng lòa, thì chỉ mờ mờ mịt mịt trong trạng thái vô vi vô giác đó thôi.

__________________________________________________ _______

(*1) Có khi sợi từ khí khó bứt làm cho kẻ hấp hối phải nhiều đau đớn. Cho nên tôn giáo dùng kinh "độ hồn" đọc trong khi người bịnh sấp tắt hơi, là để giúp cho sợi từ khí nhờ sức rung động của những tiếng mầu nhiệm trong câu kinh mà được bứt ra dễ dàng.
Người tu hành đầy đủ đạo đức thì Khí thể của họ nhẹ nhàng trong sạch, sợi từ khí ấy lại được tinh vi, nên khi thoát xác phàm, sợi từ khí bứt ra rất dễ, nên liểu trần một cách êm ái.
(*2) Đó là "Nghiệt cảnh đài" (Psyché astrale) của nhà Phật.
(*3) Điều nầy sẽ giải trong bài luận "Chơn Ngã".
(*4) Nhơn hồn đắc Tiên vị hưởng quả mấy ngàn năm, hoặc mấy muôn năm, rồi phải luân hồi nữa, cho đến khi đắc Phật vị mới hoàn toàn giải thoát.



[Trích quyển thiên Đạo của ông Nguyễn Trung hậu ]
Nguồn :Huyenbihoc.com