Thầy Thích Trí Siêu sinh năm 1962 tại Sàigòn. Năm 1985 nhập chúng tu học tại Tự Viện Linh-Sơn, tỉnh Joinville-le-Pont, Paris. Năm 1987 thọ cụ túc giới với Hòa Thượng Thích Huyền-Vi.
Tuy xuất thân từ Ðại Thừa, nhưng thầy đã không ngần ngại du phương tham vấn và tu học với nhiều truyền thống khác như : Nguyên Thủy, Zen, Kim Cang Thừa Tây Tạng.

Nhờ kinh nghiệm tu học với nhiều truyền thống khác nhau nên thầy có một cái nhìn tổng quát và dung hợp về Ðạo Phật, không phân chia tông phái Ðại thừa hay Tiểu thừa, Tịnh Ðộ hay Thiền Tông, không chủ trương xiển dương riêng một pháp môn nào. Mục đích của thầy là giảng nói về Ðạo Phật để mọi người nương theo đó tu tập cho cuộc đời bớt khổ.

Thầy đã viết và dịch nhiều sách để chia xẻ kinh nghiệm của mình.

Sau đây là một bài viết của thầy Thích Trí Siêu về Mật Tông :
[hr]

Hỏi: Thưa thầy ý nghĩa của những buổi lễ quán đảnh (initiation) Tây Tạng là sao?
[Những câu hỏi sau đây do một nhóm Phật tử đã theo học với các vị Lạt Ma Tây Tạng nên có nhiều danh từ chuyên môn mà tôi miễn giải thích.]

Ðáp: Lễ quán đảnh, tiếng Phạn là abhisheka, Tạng ngữ là dbang (đọc là wang), nói đúng hơn là truyền pháp hay điểm đạo, đó là những buổi lễ thuộc Tantra, vị lama hướng dẫn người đệ tử đi vào mandala (mạn đà la) của vị Yidam (thần linh, déité) Phật hay Bồ Tát, truyền câu thần chú của vị Yidam và cho phép người đệ tử tự quán tưởng mình là Yidam đó.
Thọ lễ quán đảnh xong, về nhà không thực hành thì cũng giống như gieo duyên được phước vậy thôi. Dân Tây Tạng và ngay cả người Âu Mỹ mới biết đến Kim Cang Thừa (Vajrayana) rất thích đi dự lễ quán đảnh để có phước nhiều.
Nếu thực sự muốn tu tập Tantra thì sau buổi lễ quán đảnh phải được vị lama truyền thêm hai thứ nữa, đó là Lung (transmission orale) có nghĩa là sự cho phép đọc saddhana và Tri (commentaire) tức là luận giảng về saddhana.
Sau khi nhận lãnh Lung và Tri rồi thì hằng ngày phải tu tập theo quyển saddhana, một loại kinh của người tu theo Tantra, gọi là tantrika, trong đó gồm những cách thức quán tưởng, trì chú, bắt ấn và cúng dường vị Yidam.

Hỏi: Con đã thọ nhiều lễ quán đảnh với các lama Tây Tạng, mỗi ngày phải tụng nhiều câu chú khác nhau, cuối cùng con cũng không biết là mình tu theo Yidam nào?

Ðáp: Mỗi Yidam (Bồ Tát hay Phật) tượng trưng hay biểu hiệu cho một đức tánh. Ban đầu chưa biết gì thì mình có thể thọ nhiều lễ quán đảnh của các Yidam khác nhau, cũng giống như nếm mỗi thứ một chút. Sau đó về kiểm lại xem mình có cảm tình với Yidam nào nhiều nhất thì thực hành Yidam đó. Thí dụ người nào thích trí huệ, hoặc nhìn hình Văn Thù Bồ Tát thấy đẹp thì lựa Văn Thù làm Yidam chính và bỏ những Yidam khác. Người nào giàu tình thương, ưa thương người thì lựa Yidam Quán Thế Âm. Người nào thấy mình nhiều tội lỗi, muốn tẩy trừ nghiệp chướng thì lựa Yidam Kim Cang Tát Ðỏa (Vajrasattva), v.v... Một khi lựa vị Yidam thích hợp rồi thì phải bỏ những Yidam khác đi, nếu không thì thành tạp tu, tu mỗi thứ một chút cuối cùng không đi tới kết quả.

Hỏi: Khi dự những buổi lễ quán đảnh lớn như Vajrayogini hoặc Yamantaka thì thầy khuyên Phật tử phải làm sao?

Ðáp: Những buổi lễ quán đảnh lớn như Vajrayogini, Yamantaka hoặc Kalachakra, tiếng Tây Tạng là Wang Chen, các lama phái Gélugpa thường cho Samaya, Tạng ngữ là Damtsig, tiếng Anh là commitment, tiếng Pháp là engagement, đó là những điều mà mình phải hứa là sẽ làm, nếu không làm thì phạm tội. Những người chưa biết gì về Mật tông hay Tantra thì tôi khuyên không nên thọ lãnh Samaya. Mình vẫn có thể tham dự buổi lễ quán đảnh như mọi người nhưng đến phần truyền Samaya thì mình không nhận, không lập lại sau lời của vị lama truyền giới. Như thế mình vẫn thọ được phước lực của vị lama và gieo duyên với vị Yidam mà mình đang dự.
Ngoài những lễ quán đảnh lớn, còn có những lễ quán đảnh nhỏ gọi là Wang hoặc Chénang như Amitabha, Amitayus, Avalokitesvara, Manjusri, Sangyé menla, v.v... thường không có Samaya nên ai dự cũng được. Dự nhiều thì được phước nhiều.

Hỏi: Vajrayogini hay Yamantaka có lợi lạc cho Phật tử Việt Nam không hay là những lễ quán đảnh thường thì có lợi ích hơn?

Ðáp: Những lễ quán đảnh lớn kéo dài hai ba ngày và cách tu rất phức tạp, tôi thấy tốt hơn là nên thỉnh các lama truyền cho mình những lễ quán đảnh thường.

Hỏi: Tu cái gì cũng phải có sự và lý. Về Thiền và Tịnh Ðộ thì đã có nhiều sách, nhưng về Mật Tông Tây Tạng thì lý chúng con chưa hiểu, về sự thì chỉ thấy có lễ quán đảnh rồi về trì chú, như vậy cũng không khác gì niệm Phật. Thầy có thể giảng nói về lý của Mật Tông Tây Tạng?

Ðáp: Mật Tông đứng về sự thì rất phiền phức, rườm rà. Pháp môn nào cũng có nhiều tầng lớp, cho người bình dân, cho kẻ trí thức, người tu phước, kẻ tu huệ. Khi nói đến Phật Giáo Tây Tạng, người ta liên tưởng đến đức Dalai Lama, một vị nguyên thủ quốc gia và cũng là vị lãnh đạo tôn giáo. Ngài là một người trí thức, được mời đàm luận về chính trị, tôn giáo, xã hội tại các hội nghị, và hội trường lớn như Havard, Yale, UCLA, v.v... và thính chúng là những người trí thức. Nhưng nếu chúng ta đi vào một tu viện Tây Tạng thì sẽ thấy đủ loại sư. Tựu chung có thể chia ra hai loại sư: một loại chuyên về học thức và một loại chuyên về nghi lễ cúng kiến. Và nghi lễ cúng kiến thường ảnh hưởng nhiều đến đa số quần chúng hơn.
Ở các tu viện mỗi khi có một buổi lễ lớn thì người ta đi dự rất đông, giống như đi xem đại hội. Họ đến để xem các sư làm lễ, tụng kinh, thổi kèn, đánh trống, v.v... tâm lý của những người này là hiếu kỳ hoặc thích được phước. Nếu nhìn vào sự kiện này thì ta thấy Phật giáo Tây Tạng chả có gì đặc biệt, cũng chỉ là tín ngưỡng với hình thức khác mà thôi.
Ngay trong Phật giáo Việt Nam cũng vậy, đọc sách về đạo thì thấy lời Phật dạy cao siêu làm sao, nhưng nếu đi vào chùa, nơi đại diện cho đạo Phật thì ta sẽ thấy gì? Cầu an, cầu siêu, cúng kiến, lễ lược, v.v... Không còn thấy đạo lý cao siêu ở đâu nữa mà chỉ thấy một sự tín ngưỡng.
Mật tông Tây Tạng cũng vậy, những buổi lễ lớn (puja) người ta tham dự đông đảo, vô tình hay cố ý là để cầu một cái gì đó, dù là cầu phước, cầu pháp, cầu tiêu tai nghiệp chướng,v.v... Việt Nam mình có cầu an, cầu siêu, mông sơn thí thực, chẩn tế cô hồn,... đó cũng là những hình thức ảnh hưởng của mật tông.
Về lý của Mật tông đương nhiên có nhiều trình độ cho những căn cơ khác nhau, nhưng tôi thích nhất là lý 'chuyển hóa nhận thức'. Chúng ta sung sướng hay khổ đau đều do sự nhận thức của mình. Ta khổ vì thấy cái thế giới mình đang sống đây là Ta Bà ngũ trược ác thế, thấy cái thân này bất tịnh, người này dễ thương, người kia dễ ghét, thấy cuộc đời ô uế nên phải tu Tịnh Ðộ để cầu về một thế giới khác thanh tịnh, sung sướng hơn.
Người tu Mật tông chuyển ngay sự nhận thức của mình. Họ hiểu được cõi này ô uế hay trong sạch là tùy sự nhận thức của mình. Bình thường ta thấy người kia dễ ghét quá, hay chê bai chỉ trích, nói xấu mình, nhưng người tu mật tông thì không nhìn thấy như vậy, vì họ đã đeo một cặp mắt kính khác. Thí dụ người tu về Yidam Vajrayogini thì thấy tất cả người nữ đều là dakini (tiên nữ), tất cả người nam là daka (tiên nam), tất cả những âm thanh đều là thần chú và thấy cõi này (nơi mình đang ở) là cõi tịnh độ Katcheu của Vajrayogini.
Một người khác tu về Yidam Văn Thù (Manjusri) thì luôn quán tưởng để thấy mình là Văn Thù và tất cả chúng sinh cũng là Văn Thù. Khi ai nói gì mình, dù đó là khen hay chê cũng thấy đó là âm thanh của câu thần chú. Như vậy thì đâu còn đối đãi hơn thua nữa!
Người tu Tịnh độ cầu về Cực lạc vì ở đó mỗi khi gió thổi cây reo phát ra tiếng nhạc nhắc mình tu hành, thì ở đây cũng vậy, mỗi khi gió thổi cây reo, mình cũng lắng lòng nghe, nhớ lại giáo pháp mình tu.
Người nặng tánh chấp nhị biên (hai bên) tu Tịnh độ rất hợp. Thấy cõi này khổ, cõi kia sướng, người ở đây xấu ác, người ở kia tốt lành, ở đây ô uế, đàng kia thanh tịnh.
Người tu thiền hay theo Bát nhã thì vượt qua nhị biên, còn gọi là bất nhị (không hai), thấy các pháp bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh. Thấy Ta Bà không nhơ cũng không sạch, thấy người không thiện không ác, không xấu cũng không đẹp.
Người tu Mật tông thì thấy toàn một bên. Thấy tất cả đều đẹp, đều thiện, đều thanh tịnh. Thấy Ta Bà là Tịnh độ, phiền não tức bồ đề.
Người tu Tịnh độ thấy có bên này, có bên kia, bên kia hơn bên này.
Người tu thiền không thấy có bên này, bên kia. Không bên nào hơn bên nào.
Người tu Mật tông chỉ thấy một bên, thấy tất cả đều tốt. Thấy thế giới là pháp giới, thân người là hóa thân phật, tiếng nói là pháp âm (thần chú).
Chữ 'thấy' mà tôi nói ở đây mang hai nghĩa: có người thấy thật và có người đang tập thấy.
Những gì tôi vừa nói có thể làm người tu Tịnh độ không bằng lòng, nên tôi lấy thí dụ khác.
Người còn chấp nhị biên thì nói thầy tu phải ăn mặc rách rưới, nghèo khổ, không được mặc quần áo đẹp. Người không còn nhị biên thì nói ăn mặc làm sao cũng được. Khi cần mặc áo rách thì mặc áo rách, khi cần mặc áo đẹp thì mặc áo đẹp. Vô ngại!
Người chấp một bên của Mật tông thì thấy áo rách cũng đẹp, áo lụa cũng đẹp, mặc áo nào cũng đẹp hết. Họ tập nhìn thấy ngay ở đây tất cả sự vật gì có ở Tịnh độ. Ðây là lý chính yếu của Mật tông khi làm những buổi lễ (puja) hay saddhana (nghi thức quán tưởng trì chú).
Thí dụ về saddhana Chenrézi (Quan Thế Âm). Ta ngồi nhiếp tâm quán tưởng mình từ từ biến thành Chenrézi. Người ngoài nhìn vào đâu thấy gì khác thường, nhưng trong tâm mình, mình không còn thấy mình là cái xác phàm phu nữa mà là Quan Thế Âm. Ròi từ đó mình tập thể hiện những đức tính Quan Âm. Thí dụ mình giận ai rồi muốn chửi người đó, sực nhớ lại Quan Âm đâu có chửi, nói ra lời nào cũng là thần chú (mantra) nên mình liền niệm om mani padme hum. Ðó là quán về mình, tiếp theo là quán về người khác. Khi nhìn họ, mình không còn thấy họ dưới hình tướng bình thường nữa mà dưới hình tướng Quan Âm, thấy ai cũng là Quan Âm hết. Như vậy làm sao ưa người này ghét người kia được.
Nói về địa thế, nơi ở. Nơi ở của Quan Âm là Potala, Hán Việt phiên âm là Phổ Ðà Lạc Giạ. Ðức Dalai Lama là hóa thân của Chenrézi (Quan Âm) nên cung điện của ngài ở được đặt tên là Potala. Mình ở đây là Montréal, đàng kia là Ottawa nên mình thích ở Montréal hơn. Nhưng nay nếu mình là Chenrézi (Quan Âm) thì Montréal cũng là Potala, Ottawa cũng là Potala, đi đâu, đến đâu cũng là Potala hết. Như vậy đâu còn vấn đề ưa đây, ghét kia.
Ở Cực lạc gió thổi, cây reo, chim hót đều nhắc mình niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Ở đây nếu có người nào suốt ngày cứ theo sau mình nói niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, thì mình có nhức đầu không? Ý kinh muốn nói là tất cả những âm thanh nào phát ra cũng nhắc mình nhớ tu hành, thì nay ở đây cũng vậy, gặp người khen mình ghi nhận: người này nhắc mình tu hành; gặp người chê, mình cũng ghi nhận: người này nhắc mình tu hành. Như vậy gặp người khen kẻ chê đều nhắc mình tu hành cả.
Trở lại cách tu mật tông, qua các saddhana, hành giả tập làm như mình đã thành Phật rồi. Tập quán tưởng, suy nghĩ, hành động theo những đức tính của Phật hoặc các Yidams. Cứ tập như vậy cho thuần thục, 10 năm, 20 năm, 30 năm, đến một ngày nào đó thì tự nhiên sự nhận thức của mình hoàn toàn thay đổi. Và ngày đó Phật với mình là một, mình với Yidam của mình là một, năng và sở nhập một, gọi là Yoga (hợp nhất). Bởi thế trong danh từ Mật tông mới có Yoga-tantra và Anuttarayoga- tantra.

Hỏi: Nếu vậy thì người tu Tịnh Ðộ cũng có thể quán tưởng cảnh Cực lạc ngay ở đây?

Ðáp: Ðúng, quán tưởng như vậy rất tốt. Chính đức Phật đã có giảng trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, dạy hoàng hậu Vi Ðề Hy cách quán tưởng cảnh Cực lạc. Sau này căn cơ chúng sinh lười biếng, không chịu quán tưởng nên chư tổ Tịnh Ðộ mới dạy niệm danh hiệu Phật, lục tự Di Ðà.