Cái gì làm cho ta khi vui thì tìm đến người này mà khi buồn khi khổ thì tìm đến người kia? Người này có đặc điểm gì, còn người kia cần có những phẩm chất gì? Rõ ràng khi vui, ta tìm ngay một bạn “nhậu”, ta cần nơi ồn ào, còn khi khổ khi buồn, ta tìm đến một người biết lắng nghe, biết chia sẻ với ta. Người đó dứt khoát không thể ngồi với ta mà cứ nhìn đồng hồ, cứ lo ra vì những việc khác. Người đó dứt khoát không thể nói những lời đãi bôi, an ủi, vỗ về, phê phán đạo đức, tỏ ra thương hại, ban ơn. Người đó cũng không thể bép xép, hoặc suy diễn linh tinh. Lúc đó ta cần một người chia sẻ lặng lẽ, biết lắng nghe để ta được giãi bày. Giãi bày, trút hết nỗi lòng đã làm vơi đi bao nỗi khổ đau, giảm nhẹ đi một nửa gánh nặng. Một người biết lắng nghe? Một người chịu khó, ân cần, nghe ta tỏ bày những bức xúc? Một người biết giữ bí mật những điều ta nói với họ? Một người sẵn sàng bất cứ lúc nào, ở đâu, khi ta cần đến? Người đó còn phải biết tôn trọng ta hay ít ra chấp nhận ta như là ta? Dĩ nhiên, có tôn trọng thì mới lắng nghe. Chỉ cần một ánh mắt, một cử chỉ, lời nói không đúng lúc, đúng chỗ là đủ làm sụp đổ, đủ làm ta co cứng, gồng người, khựng lại, rồi giấu giếm, phân trần và trốn chạy...

Một người chỉ thoáng nhìn - dù đóng kịch có khéo léo đến đâu, có giả vờ ngon ngọt, giả vờ tôn trọng ta - mà cử chỉ, lời nói, cái nhìn, cái nghĩ mâu thuẫn thì ta biết ngay là không đáng tin cậy buộc ta phải thủ thế, phải đề phòng. Người đó không có tình thương thực sự. Và dĩ nhiên người đó không thể hiểu mình. Vì có hiểu mới thương. Mà muốn hiểu thì phải có khả năng đặt mình vào vị trí người khác. Có đặt mình vào vị trí người khác mới hiểu hết nguồn cơn. Một khi đã hiểu thì tình thương sẽ là tình thương đích thực, không phải vờ vĩnh, không phải kịch. Tình thương đích thực không nhất định là những lời an ủi đầu môi chót lưỡi, những lời khuyên hời hợt, những giọt nước mắt vắn dài, mà có khi là những sấm sét, nổi giận, quát tháo, xỉ vả. Xỉ vả, nổi giận, quát tháo mà ta vẫn vui, vẫn thấy nhẹ người vì được hiểu, được thương, được san sẻ. Bỏ được qua một bên những quan điểm riêng, giá trị riêng của mình để đặt mình vào địa vị người khác, hòa mình vào kinh nghiệm người khác quả là không dễ dàng nếu không sẵn có lòng từ tâm.

Để hiểu được còn phải vượt qua những rào cản của ngôn ngữ, kể cả những ngôn ngữ không lời và chọn lựa những ngôn ngữ sao cho cuộc đối thoại và tương tác diễn ra phù hợp tùy từng xúc cảm, suy nghĩ, hoàn cảnh. Tham vấn viên cho trẻ đường phố cần biết rành những tiếng lóng của trẻ đường phố, tham vấn viên cho mại dâm, ma túy đều phải hiểu và sống với những ngôn ngữ của họ. Khoảng cách sẽ được lấp.

Nhưng thế vẫn chưa đủ. Thế cũng mới chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Còn đòi hỏi một cái nhìn trọn vẹn về cuộc sống, về con người, về cái tôi, về mối tương quan của mỗi con người và hoàn cảnh xã hội. Bà mẹ Mạnh Tử không dời nhà đến ba lần thì không có thầy Mạnh Tử. Môi trường xã hội tác động lên con người một cách mạnh mẽ. Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Một cô gái mại dâm có thể sẽ không là cô gái mại dâm. Người thanh niên nghiện xì-ke kia có thể sẽ không bao giờ nghiện xì-ke nữa. Những tác động qua lại giữa cá nhân, nhóm cộng đồng, xã hội gây ra những kết quả này kết quả khác tùy môi trường tương tác. Nghĩ như vậy, chính ta cũng có trách nhiệm đã góp phần tạo nên tình trạng xã hội như là một thành viên của xã hội đó. Nhìn bằng cái nhìn biến dịch, bằng cái nhìn tương tác, ta thấy cuộc sống thật là phong phú và khả năng thay đổi là có được ở mỗi con người. Ngay cả tình trạng tăng huyết áp kia của ta cũng không phải do chính nó. Nó là kết quả của sự co thắt mạch máu, kết quả của lưu lượng máu, kết quả của bề dày mạch máu, của sự vận động cơ thể, của thức ăn nhiều mỡ nhiều muối làm xơ vữa, làm giữ nước..., của sự tham lam, giận hờn, lo lắng, âu sầu, làm tiết ra những hormones. Nói khác, không có cái gọi là tăng huyết áp, nó chỉ là hậu quả của vô vàn tương tác. Cái nhìn đó làm cho ta tin tưởng ở con người hơn, yêu thương con người hơn, và giúp ta nhìn thấy tham vấn viên với thân chủ là một, tham vấn viên trở thành thân chủ và thân chủ cũng là tham vấn viên... Vì vậy mà một thân chủ khi trở thành tham vấn viên bao giờ cũng dễ tạo mối tương giao lành mạnh, tốt đẹp, các tiến trình truyền thông tham vấn được tiếp nhận dễ dàng, thực hiện được thay đổi hành vi một cách hiệu quả, cái đó gọi là giáo dục đồng đẳng (peer education) hiện nay đang được đẩy mạnh trong tham vấn.

Điều lạ lùng là trên 2500 năm trước đây, một người đã nói và có những đức tính, phẩm hạnh của một tham vấn viên vừa nêu lên, đó chính là Đức Phật, Người Giác Ngộ. Ông là một y vương (thầy thuốc vua), một nhà sư phạm lỗi lạc, nhà tâm lý vĩ đại đã “hình tượng hóa” những đức tính, phẩm hạnh cần thiết của một tham vấn viên qua hình ảnh những vị gọi là Bồ tát, những người đã giác ngộ nhưng chưa muốn làm Phật, còn ở lại cõi Ta bà này để giúp đời, giúp người. Hình ảnh Bồ tát Thường Bất Khinh (Sadaparibhuta) làm ta kinh ngạc! Cái tên đủ nói lên phẩm chất của ông: Thường là luôn luôn, Bất là không, và Khinh là coi nhẹ. Thường Bất Khinh là người luôn luôn không bao giờ coi nhẹ người khác, hay nói cách khác, người luôn luôn tôn trọng người khác. Đó chẳng phải là phẩm chất quan trọng hàng đầu để thiết lập mối tương quan bình đẳng giữa con người với con người đó sao? Thường Bất Khinh là vị Bồ tát gặp bất cứ ai cũng chắp tay cung kính chào và nói câu: “Ngài là một vị Phật sẽ thành”. Vì ông tin rằng ai cũng là Phật, ai cũng sẽ là Phật. Ông tin ở con người. Với lòng tin đó, ông có thể vực dậy một tâm hồn đầy mặc cảm, trao cho họ niềm tin vào chính họ. Khi người ta ngờ vực, đánh mắng, xua đuổi ông, ông vẫn mặc, vẫn kiên trì, vẫn một mực chắp tay cung kính nói lên câu đó với họ. Đến lúc họ giật mình nhìn lại, và nhen nhóm niềm tin. Quả thật ta có thể thành Phật ư? Ta không còn bị kỳ thị, cách ly, xa lánh nữa ư, ta có tính bản thiện ư? Làm sao tìm lại nó? Và tìm lại nó cách nào đây? Bồ tát Dược Vương (Bhaisajyaraja) là một Bồ tát khác. Dược vương có nghĩa là thứ thuốc vua - thuốc hơn tất cả thứ thuốc. Đó là vị Bồ tát sống rất hồn nhiên, trong sáng, không tư lợi, không ích kỷ, không tính toan, luôn hòa đồng với mọi người, có khả năng “biến” (thị hiện) thành người này hay người khác, tức là một khả năng thấu cảm, đặt mình vào địa vị người này người khác để cảm xúc như họ, suy nghĩ, nói năng như họ. Nhờ vậy mà vượt qua được rào cản, hố sâu ngăn cách, kéo họ ra khỏi những khổ đau. Dược Vương nhờ phẩm hạnh đó mà “ai thấy ông cũng vui” (nhất thiết chúng sanh hỷ kiến). Ở ông, thân, khẩu, ý là một, không nói một đàng nghĩ một nẻo. Sự chân thành, trung thực là yếu tố quan trọng để tạo tương giao lành mạnh trong tham vấn. Vị Bồ tát thứ ba ai cũng biết là Quan Thế Âm (Avalolitesvara), với hình ảnh một người phụ nữ tay cầm bình tịnh thủy chứa nước cam lồ, có thể dập tắt cả lửa tam muội! Quan Thế Âm là “lắng nghe tiếng kêu của trần thế”! Và lúc nào cũng sẵn sàng, mỗi khi có người gọi đến tên. Lắng nghe với lòng yêu thương vì Bồ tát có khả năng thấu cảm. Với cái nhìn dân gian, bà là người có nghìn mắt nghìn tay, thấy được mọi thứ, làm được mọi điều, để giúp đỡ người gặp khổ nạn. Bà có bình nước cam lồ “rưới vào đâu là tắt vùi ngọn lửa thù hận, tham lam, sợ hãi..." đến đó. Thực ra, biết lắng nghe thôi đã đủ làm nguôi, đủ “hạ hỏa”, đủ giúp sáng suốt trở lại mà thấy vấn đề đúng, hành động đúng như có nghìn mắt nghìn tay. Quan Thế Âm còn có lòng từ bi. Từ bi không phải là thương hại. Cũng không phải là thương suông. Có khi Quan Thế Âm nổi giận, hiện ra ông Ác, đe đọa, quát nạt, giúp người ta tỉnh ngộ. Hình ảnh nữ của Quan Thế Âm thật tuyệt vời, tượng trưng cho bao dung, cho sức chứa, cho sự chịu đựng, nhẫn nại, lại rất nhạy cảm! Cuối cùng là Bồ tát Diệu Âm (Gadgadasvara) - âm thanh vi diệu - là vị Bồ tát có khả năng hiểu được mọi thứ ngôn ngữ của mọi loài (giải nhất thiết chúng sanh ngữ ngôn), nhờ đó mà hòa nhập được với mọi người, thấu cảm được mọi người (hiện nhất thiết sắc thân), thiết lập được một sự truyền thông, đối thoại hiệu quả với mọi người. “Đối thoại” không chỉ bằng lời mà bằng những âm thanh khác, kể cả âm thanh của sự im lặng. Với những biểu trưng đó, chính là những phẩm hạnh, những đức tính, những tố chất của một người làm tham vấn viên. Đức Phật nhờ có những phẩm hạnh “Bồ tát” mà truyền được kinh nghiệm của mình cho mọi người, giúp mọi người cũng thành Phật như mình. Và nhờ vậy mà làm vơi đi bao nỗi khổ đau của kiếp người!

Cho nên phải có các hạnh Bồ Tát mới làm được tham vấn viên, và ngoài tấm lòng đó ra, tham vấn viên ngày nay còn phải có đủ kiến thức khoa học để không chỉ giúp người ta bớt khổ mà còn giúp bớt đau nữa!


TRÍCH : http://www.thuvienhoasen.org/gnxuan03-05.htm