Vòng chu thiên và các huyệt vị



Lại nhớ Thuật! Hắn chẳng to con, đẹp trai gì, nhưng được cái liến láu. Vào lớp có mấy bữa thế mà nó làm cho cả lớp không ai không nhớ. Ngay đến thầy, khi bọn tớ nhắc đến nó thì thầy cứ tủm tỉm cười. Cái đám tiểu đệ vào sau thì có đứa biết đứa không, riêng đám bọn tớ thì không ai lạ gì nó[P12] .

Nhớ hồi mới vô, khi luyện võ nó thường đi chân đất, hỏi sao không mang giày? Nó nói không quen, nó bảo ở quê nó không ai mang giày cả, thậm chí có người cả đời không mang dép, và theo hắn thì cứ trần truồng như thế lại dễ thương(?) Thương đâu thì không biết, do sân tập của lớp là sân gạch, lại ngoài công viên nên phơi nắng phơi mưa, rong rêu bám đầy. Một bữa, khi thực hiện chiêu “hổ vĩ cước” không may hắn té chổng vó, cả lớp bò ra cười thế mà hắn đọc:

Giơ tay với thử, trời cao thấp

Xoạc cẳng đo xem, đất ngắn dài.

Vẫn biết là hắn lấy thơ của thi sĩ họ Hồ nhưng sao mà hắn lại nhanh trí đến thế. Còn nhớ một lần, hắn bị nhỏ Thương sút cho một cước làm bong khớp. Đêm nằm bên, nghe nó rên ư ử, biết nó đau, tôi lấy dầu xức cho nó. Sáng ra nó đọc:

Dạ thâm bất cảm trường thân túc,

Chỉ khủng sơn hà xã tắc điên.

Tạm dịch:

Đêm khuya không dám giang chân ruỗi,

Vì ngại non sông xã tắc xiêu.

Hắn dóc, nhưng hóa ra hay, lúc nào trong phòng cũng cười vui như cái chợ. Tôi không hiểu vì sao, cái thằng trên phố núi ấy nó đẻ đâu ra mà lắm thơ thế không biết? Kiểu gì hắn cũng có, ở đâu nó cũng đọc được. Nó bảo thơ hôm nó té ngoài trời là thơ của bà Hồ Xuân Hương. Nó kể, bà Hồ Xuân Hương vì nghèo túng không có tiền đong gạo nên phải đi làm công cho khu chế xuất gần nhà hắn. Lương thấp thì cũng đành nhưng vì bữa đó nhà bà có việc, lại chưa đến kỳ phát lương. Đang lúc bà phân vân suy nghĩ thì bỗng thấy có thằng cha thường ngày vẫn hay tròng ghẹo, tán tỉnh bà. Bình thường bà rất ghét thằng cha đó, nhưng hôm ấy bà đang túng tiền lại thấy thằng cha cầm nguyên một xấp đứng trên lầu giơ tay vẫy vẫy. Lẽ thường thì bà cũng kệ thây nó nhưng hôm ấy vì “có bệnh nên phải vái tứ phương”! Bà cứ nghếch cổ lên mà bước, không may té nên mới đẻ ra câu thơ hay như thế. Hắn còn cam đoan, lúc ấy chỉ có mỗi mình hắn đứng ở đấy là được chứng kiến và kịp ghi chép lại. Về sau, có nhà xuất bản đến năn nỉ hắn cả mấy ngày hắn mới chịu đọc cho mà in ra đấy(?!).

Tôi thắc mắc cái bài thơ mà bữa hắn bị đòn, hắn bảo đấy là câu thơ của vua Lý Thái Tổ. Khi vua còn nhỏ, một bữa do không thuộc bài, vua bị nhà sư Vạn Hạnh ở chùa Tiêu Sơn trách phạt, đánh đòn. Tối đến nhà vua đau, nằm không ruỗi chân được nên mới ngâm nga cũng chỉ cốt cho bớt đau. Chả biết lời hắn nói như thế nào, đúng hay sai? Nhưng riêng chuyện này, thấy hắn nói với cái[P13] giọng rất nghiêm chỉnh.

Có một bận do học về trễ, mới đến cổng tôi đã nghe trong nhà phát ra những tiếng cười khùng khục. Cả phòng ngả nghiêng. Hỏi, chẳng đứa nào nói, chúng nó chỉ ra hiệu. Chả là: tối hôm trước nhân mấy đứa học võ ngồi tán gẫu ngoài sân tập. Có con nhỏ Mai Hoàng (cũng người phố núi như hắn), vừa xin vào nhập môn. Trước nói chuyện võ nhưng sau chuyện võ cũng cạn, chúng bèn nói sang chuyện Khí công. Đại khái muốn có sức khỏe, muốn trị bệnh thì phải biết tập trung dồn khí xuống Đan điền. Do còn lơ ngớ, lại mới nhập môn nhưng nghe chuyện không kìm được sự tò mò, nên Mai Hoàng mới hỏi “Khi luyện Khí công thì sức chú ý ở Đan điền, vậy huyệt Đan điền nằm ở đâu?”. Còn chưa có ai kịp phản ứng thì thằng cha ấy đã phán ngay một câu xanh rờn “Đan điền cách rốn một gang”. Cả lũ chết lặng, nhưng ngôn đã xuất, không đứa nào dám lên tiếng vì không biết phải mở lời như thế nào? … Chiều hôm sau khi ra sân, chỉ thấy Mai Hoàng chửi Duy Thuật… quá trời!


Đan điền cách rốn một gang !?

Hắn hay nghêu ngao:

Quyền đả đảo ngũ phương hào kiệt

Cước thích phiên tứ hải anh hùng.


Hắn bảo người “Quân tử dụng mưu, tiểu nhân dụng võ”, ta học là học cái không đánh mà thắng (bất chiến tự nhiên thành). Mấy hôm sau hắn bỏ về quê, chắc là về tìm thầy để học cái món “Bất chiến tự nhiên thành” của nó chăng? Quả là ghê gớm!

Đại loại, hắn là người như thế. Tếu táo, nhưng có khẩu khí. Hắn đi rồi, tự nhiên thấy nhớ! không biết bây giờ, nghiệp võ của hắn ra sao?

Chuyện thấy chép trong “Thiều Gia Tạp Sự lục”.
Nguồn: bài viết trên website võ thuật Thái cực Thiều gia.
Đia chỉ: thaicucthieugia.com /chuyện xưa tích cũ/Thiều gia tạp lục sự