Ý NIỆM TÔI, TA

Sau khi hành thiền tích cực, Ngài Munindra hiểu biết tường tận về đặc tánh vô ngã và có thể giải thích thỏa đáng về sáu căn tiếp xúc với sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) ra sao, và chúng ta nhận lầm chúng với ý niệm về “tôi, ta” như thế nào:

Bất cứ cái gì ta thấy đều không phải là tôi, là ta, là đàn ông, là đàn bà. Nơi mắt chỉ có cảnh sắc, sanh khởi rồi hoại diệt. Vậy thì ai đang thấy đối tượng (vật thấy)? Không có “người thấy” đối tượng. Vậy đối tượng được thấy như thế nào? Là do sự đồng có mặt của một số yếu tố. Yếu tố nào? Giác quan mắt là một yếu tố; con ngươi phải nguyên vẹn, lành lặn. Thứ hai, đối tượng hoặc cảnh sắc phải ở ngay trước mắt hay trong tầm thấy của mắt, phải được phản chiếu trên con ngươi của mắt – nghĩa là phải có sự xúc chạm của vật thấy trên giác quan thấy. Thứ ba, phải có ánh sáng. Thứ tư, phải có sự chú ý (là một tâm sở). Nếu cả bốn yếu tố này có đủ mặt, sẽ sanh khởi một khả năng thấy biết gọi là nhãn thức (tâm thấy từ giác quan mắt). Và khi tất cả các yếu tố trên – đối tượng, giác quan, tâm thấy từ giác quan – đồng hiện diện thì một sự xúc chạm trong tâm sanh khởi cùng một lần với chúng. Đó là tâm sở xúc. Nếu thiếu đi một yếu tố, sẽ không có sự thấy. Nếu mắt bị mù, không có sự thấy. Nếu không có ánh sáng, không có sự thấy. Nếu không chú ý, cũng không thấy được. Nhưng không một trong các yếu tố kể trên có thể bảo, “Tôi là người thấy.” Tất cả đều liên tục sanh khởi rồi diệt đi. Ngay khi nó vừa diệt đi, ta nói, “Tôi đang thấy.” Thật sự ta không đang thấy mà chỉ đang nghĩ: “Tôi đang thấy.” Đây gọi là điều kiện hóa. Vì tâm ta bị điều kiện hóa nên khi nghe âm thanh, ta nói, “Tôi đang nghe.” Nhưng không có người nghe nào đang đợi sẵn ở bên trong tai để nghe âm thanh. Âm thanh tạo ra làn sóng, và khi nó di chuyển chạm vào màng nhĩ, nhĩ thức (tâm nghe từ giác quan tai) là kết quả. Âm thanh không phải là đàn ông, đàn bà mà chỉ là một tiếng động sanh lên rồi diệt đi. Nhưng vì quen chịu điều kiện, ta nói, “Cô này đang hát, và tôi đang nghe.” Nhưng thật ra ta không đang nghe mà chỉ đang nghĩ rằng “Tôi đang nghe.” Âm thanh đã được nghe và tan biến đi rồi. Không có “tôi” nghe âm thanh đó, “tôi” là thế giới của ý niệm. Đức Phật đã khám phá ra điều này trên bình diện tâm lý và vật lý: như thế nào tất cả các pháp diễn ra mà không có “người làm ra” – chỉ là chuỗi hiện tượng trống vắng thực thể liên tục sanh diệt.

Ngài Munindra phân tích rõ như thế nào sự tự đồng hóa với một “người làm” sẽ dẫn đến đau khổ (dukkha): Cái “tôi” này là một chướng ngại lớn nhất trên con đường giác ngộ. Mọi phiền não tham, sân, si đều sanh khởi do cái ý niệm về bản ngã này: “Toàn bộ thân tâm của tôi này là tôi” hay “Có một ai đó ở bên trong thân” hay “Trong tâm có một tự ngã (ātman), một linh hồn hiện hữu, một ai đó đang thấy hoặc đang điều khiển mọi thứ.” Hoặc có sự đồng hóa những ý nghĩ và cảm xúc là “tôi.” Vì để bảo tồn cho “cái tôi” mà mọi hình thức căng thẳng, sân hận, lo âu đã nảy sinh: “Này là tôi.” “Này là tâm tôi.” “Này là thân tôi.” “Này là nhà tôi.” “Này là gia đình tôi.” “Này là tổ quốc tôi.”

Ảo tưởng về tự ngã đã có từ vô thỉ. Đây là tà kiến (micchā). Nó sẽ bị loại trừ khi kinh nghiệm niết bàn lần thứ nhất; tất cả tà kiến đều bị tẩy sạch. Khi chánh kiến đến xóa tan đi cái ngã ảo tưởng này, thì lập tức một cảm quan thân thiện, đầy tình bằng hữu sẽ xuất hiện, mang tới hòa hợp và đoàn kết giữa người và người, giữa quốc gia và quốc gia. Khi một người đã hiểu rõ tiến trình hoạt động của thân tâm mình thì cũng sẽ hiểu được tiến trình này của người khác, bởi vì vấn đề cơ bản giống nhau, bản chất cơ bản cũng giống nhau.

Ngài Munindra cũng giải thích rằng vì lý do tiện lợi khi nói chuyện mà ta hay dùng “tôi,” “ta,” hay “của ta”: Các nhà khoa học nói mặt trời mọc ở phương Đông, lặn ở phương Tây; nhưng thật sự mặt trời không hề mọc, cũng chẳng hề lặn. Họ hiểu điều này, song họ vẫn cứ dùng các từ ngữ đó cho dễ hiểu, tiện lợi. Mọc, lặn, đông, tây đều là ý niệm. Trong thực tế, không có đông cũng chẳng có tây, nhưng cần phải nói cách đó vì tiện dụng cho sự truyền thông liên lạc. Để nhấn mạnh vào sự trống vắng một thực thể hay tánh vô ngã của các hiện tượng tâm vật lý, Ngài Munindra hay trích dẫn lời của Đức Thế Tôn giảng cho Bahiya cách tu tập, “Này Bahiya, con nên quán rằng: trong khi thấy chỉ có sự thấy; trong khi nghe chỉ có sự nghe; trong khi ngửi, nếm, đụng, suy nghĩ, chỉ có sự hay biết về mùi, vị, xúc chạm và suy nghĩ.” (Cảm Hứng Ngữ, Kinh Phật Tự Thuyết 1.10)

Sống Viên Mãn Kiếp Này
(Những lời dạy của ngài Mundinra)