Bất kì một người Phật tử hay người tu học nào cũng có dịp tiếp xúc với rất nhiều kinh điển nhà Phật. Liệu những tri thức đề cập đến trong kinh điển có xác thực và đáng tin cậy? Ở bài viết này lần lượt tôi sẽ phân tích rõ, độc giả công tâm mà đọc và tự rút ra cái đúng đắn cho riêng mình.

Đạo Phật được Đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni truyền bá ở miền Bắc Ấn Độ từ thế kỷ thứ 6 TCN. Đức Phật vốn xuất thân là thái tử Sĩ Đạt Đa (Siddharta) thuộc dòng dõi vua chúa. Sớm nhận thức được lẽ vô thường của cuộc đời, thái tử rũ bỏ tất cả một mình lang thang trên con đường tìm cầu chân lý. Trải qua quá trình tìm cầu học đạo từ vị thầy này đến vị thầy khác, thử nghiệm nhiều phương pháp tu từ khổ hạnh đến trung đạo, chịu nhiều thử thách của hàng ma vương... cuối cùng thái tử đã đắc đạo dưới cội cây bồ đề. Từ đó Đức Phật mới bắt đầu rao giảng chánh pháp của mình cho nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội Ấn Độ. Sau đó Ngài bắt đầu giảng giải những gì mình chứng ngộ về đạo và thâu nhận đệ tự hơn bốn mươi năm rồi nhập diệt. Câu chuyện về cuộc đời Đức Phật chắc hẳn không Phật tử nào là không biết đến, cũng là một bài học phổ thông trong các giáo trình về lịch sử, tôn giáo trên giảng đường Đại học. Phật giáo được truyền bá suốt 49 năm khi Đức Phật còn tại thế được phổ quát ra nhiều nơi và đến nhiều quốc gia khác nhau, trải qua mấy nghìn năm lịch sử đã hình thành nên diện mạo của đạo Phật như ngày hôm nay.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, người sáng lập ra Phật đạo đã tổ chức được một giáo hội với các giáo luật chặt chẽ. Các tu sĩ Phật giáo được tập hợp trong tổ chức của ông được gọi là Tăng đoàn, trực tiếp chịu sự hướng dẫn của Đức Thích Ca về giáo lý và phương pháp tu tập. Các công trình khảo cứu ngày nay về Phật giáo cho thấy trong suốt thời kỳ giảng đạo của Đức Thích Ca, Ngài chỉ dùng ngôn ngữ để diễn đạt tư tưởng của riêng mình, tùy theo trình độ hiểu biết và khả năng hấp thụ của người nghe mà có lời giảng thích hợp. Riêng hàng đệ tử thì chỉ nghe, chứ không ai ghi chép lại thành văn tự. Sau khi Phật nhập diệt, đại đệ tử của ông là Ma Ha Ca Diếp (Maha Kassapa) thay phần lãnh đạo giáo hội. Trong Tăng đoàn giáo hội bắt đầu nảy sinh những mâu thuẫn, tranh cãi về những lời Phật dạy. Để tránh sự sai biệt và bảo tồn các giáo pháp, luật lệ cho trọn vẹn, Ngài Ma Ha Ca Diếp đã đề nghị kết tập và phân loại toàn bộ lời dạy của Phật thành kinh điển để tránh chia rẽ và bất đồng trong giáo phái. Các thời kì kết tập của Phật giáo:
- Cuộc kết tập lần thứ I diễn ra vào mùa hạ sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn tại thành Vương Xá được sự bảo trợ của vua A Xà Thế. Dưới sự chủ tọa của Ma Ha Ca Diếp, phương pháp kết tập được kể lại bằng trí nhớ và cũng không có ghi lại thành văn bản.
- Cuộc kết tập lần thứ II diễn ra sau 100 năm (đầu thế kỷ thứ 5 TCN), kéo dài trong 8 tháng dưới sự trợ giúp của vua Kalasoka. Ở thời gian này những đại đệ tử từng cận kề Đức Phật cũng lần lượt qua đời, Phật pháp ngày càng trở nên sai lạc với tôn ý của Đức Phật. Lúc bấy giờ xảy ra nhiều tranh cãi giữa các giáo đoàn và các tu sĩ về chân lý thật sự của Phật Thích Ca do nhiều nguyên nhân khác nhau. Từ đó Phật giáo phân chia thành hai khối rõ rệt: Thượng tọa bộ gồm những tu sĩ trưởng lão bảo thủ, tự cho mình là phái bộ duy trì những tư tưởng nguyên thủy của Phật giáo và Đại chúng bộ, giáo phái bên kia gồm các tăng lữ trẻ tuổi hơn, có đầu óc tự do và cấp tiến hơn trong việc tìm hiểu lẫn lý giải về giáo lý Phật pháp. Ở thời kỳ này tuy có nhiều tranh cãi giữa hai giáo phái nhưng vẫn chỉ dừng lại ở mức tranh biện bằng ngôn ngữ chứ không ghi chép lại thành văn bản.
- Cuộc kết tập lần thứ III diễn ra vào năm 225 TCN (giữa thế kỷ thứ 3 TCN), kéo dài trong 9 tháng dưới sự khởi xướng và giúp đỡ của vua A Dục (Asoka). Đây là lần đầu tiên Tam Tạng Kinh bao gồm Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng được hoàn thiện. Đại hội kết tập này có hạn chế là chỉ công nhận về giáo pháp của tông phái Thượng tọa bộ - tông phái chiếm đa số lúc bấy giờ. Phật giáo lúc đó được ghi chép bằng hai thứ chữ của Ấn Độ là Bắc Phạn (Sanscrit) và Nam Phạn (Pali). Dần dà Phật giáo bị suy vi ngay chính trên đất Ấn, bị sự cạnh tranh của Ấn Độ giáo và Hồi giáo nhưng đạo Phật vẫn được bảo tồn cho đến ngày nay là do sự truyền bá sang các nước chung quanh. Kinh điển Pali, mang màu sắc Tiểu thừa được truyền về phía Nam nước Ấn còn gọi là Nam tông. Kinh điển Sanscrit của Bắc Tông hay Đại thừa thì được truyền qua phía Bắc ngoài nước Ấn như Tây Tạng, Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam…
- Đến cuộc kết tập lần thứ IV thì các sử liệu đã không còn thống nhất với nhau về thời gian, địa điểm và có nhiều giả thuyết khác nhau nên tôi không đề cập đến. Và một phần thời kì này chỉ hiệu đính các bản kinh và biên dịch chúng.

Điểm qua các thời kỳ kết tập kinh điển của Phật giáo như trên để thấy được một điều là: Gần 500 năm sau khi Phật nhập diệt thì lời Phật nói mới được ghi lại thành kinh điển. Trong Kinh Văn Thù có chép lại lời Phật dạy: “Ta trú ở thế gian để dạy chúng sanh 49 năm, chưa đặt ra một câu bằng văn tự để nói với ai bao giờ”. Câu này được khá nhiều người trích dẫn và diễn giải nôm na là: Ta thuyết pháp 49 năm chưa để lại lời nào. Trang Wikipedia viết:
"Kinh điển Phật giáo có số lượng rất lớn. Mặc dù có thể không lên đến "84.000 pháp môn" (bài giảng) như truyền thống thường nói, nhưng có lẽ chúng cũng đủ để làm các Phật tử hoa mắt khi mới học Đạo. Kinh văn Phật giáo truyền miệng hoặc được viết trên giấy mực được chia theo nội dung làm ba loại là Kinh, Luật và Luận. Phật tử theo các tông phái khác nhau đặt các bộ kinh, luận này ở những vị trí khác nhau. Họ cho rằng các bộ kinh, luận có tầm quan trọng khác nhau đối với họ và giữ thái độ khác nhau đối với kinh điển: từ tôn kính một loại kinh văn nhất định cho đến bác bỏ, xem thường một vài kinh văn nào đó, cho là ngụy tạo."

Người xưa có câu “Tam sao thất bổn” (3 lần chép lại thì mất bản gốc), bất kì loại văn tự nào trải qua thời gian truyền bá lâu dài cũng sẽ bị sai biệt so với bản gốc. Chỉ đơn cử như những câu chuyện dân gian (truyền thuyết hay cổ tích) Việt Nam, mỗi câu chuyện đều có nhiều dị bản khác nhau, như Tấm Cám có tới hơn 10 dị bản được ghi chép lại từ khắp nơi trong cả nước. Hoặc giả là các câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ Việt Nam cũng có sự sai biệt rõ ràng giữa các dị bản nếu đem ra so sánh đối chiếu. Ấy thì kinh điển của Phật giáo cũng không nằm ngoài quy luật trên. Chưa kể kinh điển Phật giáo của Việt Nam hiện tại đa phần được dịch lại từ Hán văn, được truyền bá từ Trung Hoa sang. Kinh điển của Phật giáo Trung Hoa lại được biên dịch từ các bản kinh Phạn văn (Sanscrit). Trong quá trình biên dịch thì tùy vào đối tượng và mục đích khác nhau mà bản thân người dịch lại có điều chỉnh trong ngôn văn, câu chữ cho dễ hiểu và khó tránh khỏi tư ý cá nhân của người viết. Qua nhiều quá trình trung gian như vậy thì chuyện “tam sao thất bổn” kinh điển Phật giáo là không thể tránh khỏi.

Nói như vậy há phải chăng bảo Đức Phật nói láo? Đức Phật dĩ nhiên không nói láo, vấn đề nằm ở chỗ Ngài đã viên tịch gần 500 năm rồi người ta mới viết những lời Ngài nói xuống thành kinh điển và nếu như có ai gán cho Đức Phật nói cái gì thì cũng rất khó để xác minh. Đó là lý do vì sao từ khi Đức Phật Thích Ca xuất hiện (trên 2500 năm) thì xuất hiện vô vàn pháp môn chống trái nhau, bản kinh nào cũng bắt đầu bằng mô típ quen thuộc với câu “Như thị ngã văn…(Tôi nghe như vầy)” nhưng nội dung các kinh đều có trái ngược và mâu thuẫn.

Chính Đức Phật cũng từng nói: “Những lời thuyết giảng của Đức Phật cũng chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng, chứ không phải là mặt trăng." Kinh điển cốt lõi chỉ là phương tiện để người tu nương theo đó mà tu học chứ không phải là CHÂN LÝ của đạo. Kinh sách viết trúng thì ít mà viết trật thì nhiều, do vậy mới có tới 3 tạng kinh điển. Với một số lượng kinh sách khổng lồ như vậy là do có cả học giả và phàm phu tăng viết thêm vào và gán cho đó là lời Phật nói, nếu người tu tin theo hết những gì trong kinh sách nói không khác nào mình bị gạt. Bởi lẽ thói thường phàm phu tăng thì nhiều mà thánh tăng thì hiếm, phàm phu tăng nói 10 điều trật hết 9 điều, kinh nào cũng nói là của Phật khiến những người tu học sơ cơ lạc giữa một rừng kinh điển mà không có lối ra. Người học Phật thì phải nhìn nhận Phật giáo như Phật giáo, nghĩa là không xuyên tạc Phật giáo hay cuồng tín theo theo Phật giáo.

Vậy có nên y theo những lời kinh điển nói? Và đọc kinh sách như thế nào mới là đúng đắn? Bất cứ cuốn kinh của các tôn giáo, dầu là Phật giáo, Thiên Chúa giáo hay Hồi giáo… hay bất kì cuốn sách nào cũng có chỗ hay chỗ dở, chỗ đúng chỗ sai. Vì thế người đọc không nên tin hết vào đó và xem như là chân lý, phải biết gạn lọc ra những gì không hợp lý, phi thực tế, chỉ thâu nhận những gì đúng với chân lý và cảm thấy có ích lợi cho bản thân. Cũng như ăn trái cây phải biết bỏ vỏ, bỏ hột, tùy trái mà ăn, ăn đúng cách thì mới tiêu hóa được. Muốn xem kinh sách thì phải có đủ trí tuệ và sáng suốt, phải có đầu óc khách quan để nhận định, phê bình đúng – sai, chỗ nào đúng với chánh lý, chỗ nào là tà thuyết, phải thấy được điều đúng thì đúng tới đâu và chỗ sai thì sai tới mức nào. Có như vậy thì mới “chuyển” được kinh sách, tức thâu nạp được những tư tưởng thâm sâu, những kiến thức có ích lợi cho sở học của bản thân. Còn trái lại đọc gì cũng tin, thuận lý hay nghịch lý, khách quan hay chủ quan… cũng không phân biệt được thì đó gọi là bị kinh sách “chuyển”, nói cách khác là bị “nhồi sọ”, đầu độc tư tưởng. Như vậy thì sẽ mất đi khả năng suy luận và lý trí của mình, có khi tẩu hỏa, nói toàn chuyện khùng điên ảo tưởng mà cứ tưởng là nói kinh điển. Người đời nhìn vào sẽ thấy mình nói không đúng lý lẽ, mà lẽ đời còn không trúng thì nói gì đến lẽ đạo.

Đọc nhiều kinh sách thì tốt nhưng không nên chấp kinh, dựa dẫm vào kinh để đấu lý khoe khoang. Đọc kinh thì phải biết gạn lọc lấy cái hay, để từ đó mà suy ra những vấn đề khác rộng hơn chứ không rơi vào cái lòng luẩn quẩn kinh nói gì nghe nấy, rồi đem cái mà mình nghe khi chưa biết rõ đúng sai đi tuyên truyền cho người khác thì càng hại hơn. Trích kinh, dẫn kinh thì trước hết phải hiểu được đoạn đó nói gì, có đúng chánh lý hay không chứ toàn viện dẫn mà không tự quán xét được, không tự đúc kết ra cái gì cho riêng mình thì cũng chỉ là "tầm chương trích cú". Tuy nhiên, "tầm chương" thì cũng có lúc nói trúng nói trật, cũng như cái biết của mỗi người (dù đúng hay sai) chỉ là hạt cát giữa sa mạc, nằm trong phạm vi cái biết hạn hẹp chứ không sâu rộng và phổ quát được. Như đứa trẻ được người lớn dạy cho ABC thì chỉ biết có ABC hay biết từ 1 tới 10 chứ không biết được ngoài ra còn có CDEF... hay hằng trăm ngàn số khác sâu rộng hơn nhiều.

Học đạo thì cần phải biết khiêm tốn, khách quan, đọc kinh biết kinh chứ đừng nên đem khoe với mọi người tôi đã đọc kinh này kinh nọ, lời tôi nói từ kinh này thuyết ra v.v. như một số người thường làm. Nó chỉ khiến cái ngã mạn của của con người cao thêm chứ không đi tới đâu hay ngộ ra được chân lý gì cả. Thà rằng không đọc không hay biết, chứ đọc dăm ba cuốn kinh, biết được chút ít thì kẻo lại bị kinh chuyển, bị ràng buộc vào mà không thoát ra được. Cái mình biết dù sao cũng rất hữu hạn so với cái vô tận, ẩn mật của vũ trụ.

Cốt lõi lại là đọc kinh sách phải đọc với tinh thần khoa học khách quan: dù là lời của Phật vẫn phải suy xét, phối kiểm với thực tế xem có đúng với chánh lý hay không. Mạnh Tử từng nói: “Quá tin vào sách thì thà đừng tin sách còn hơn”. Nghiên cứu bất kì một vấn đề nào trong đời hay đạo cũng cần phải tỉnh thức và lấy tinh thần khoa học ra để suy xét nhiều mặt của vấn đề, tránh chỉ biết có một mặt thì dễ rơi vào quá khích. Lẽ vậy nên nếu tự mình không có đủ trình độ để xem kinh sách thì phải có thầy giỏi hay bạn giỏi hơn mình để chỉ giúp cho cái mình không hiểu.
Chính An.