http://kienthucgiadinh.com.vn/news/t...x#.URJOgx1JPkp
Gia cảnh mồ côi, túng quẫn đã khiến một học sinh khỏe mạnh, đẹp trai, chuẩn bị thi đại học, phải treo cổ tự vẫn nhưng bất thành…

Đó là Nguyễn Chí H, trú tại khu phố 6, phường 4, TP.Tuy Hòa (Phú Yên), hiện là học sinh lớp 12CB3 Trường THPT Nguyễn Trãi (Tuy Hòa).
Chấn động nhân tâm

Bà Diệp Thị Điệp - cán bộ mặt trận khu phố 6) thảng thốt: “Khoảng 10 giờ sáng 24.1, tôi nghe một tiếng “ầm” ngoài gốc cây cạnh nhà… Chạy ra thì thấy H đang lồm cồm bò dậy, một vết đỏ hằn ở cổ, trên cây còn treo cái thòng lọng...! May có cái thùng rác nhựa bên dưới, nên em nó chỉ bị trầy xước…”.

Tiếp xúc với PV, cụ Phan Thị Đặng (86 tuổi, bà nội H) vẫn thất thần, rưng rức: “Tháng trước, cháu nó lên Trà Kê (Sơn Hội, Sơn Hòa) xin tiền má nhưng không có, nó rất buồn. Má nó cũng cực khổ giữa núi rừng, gầy yếu, đen thui… để nuôi mấy đứa con nên cũng nghèo túng lắm. Tui cũng già rồi, đang hưởng trợ cấp nghèo, mất sức… Bữa qua, nó hỏi xin tiền tui nộp học phí, nhưng tui chẳng có đồng nào. Ai ngờ, nó buồn, nó lặng lẽ lấy dây quai túi xách… đem đi treo cổ ngay cành cây trước nhà… May mà trời đỡ, nên khi ngã xuống, chỉ bị một dấu dài ở cổ… Mấy bữa nay nó không ăn gì, nhà cũng chẳng còn gì ăn…”.

Nơi H treo cổ, sợi thòng lọng đỏ vẫn còn đó, cách mặt đất gần 10m…

Theo cụ Đặng, cha H mất khi mẹ H đang mang thai em gái thứ 5. H là con thứ 4 trong nhà, trên là 3 anh trai. H về ở với bà nội. Bà cháu đùm túm nuôi nhau trong cơ hàn nhưng H vẫn được đi học, năm nào cũng đạt khá, giỏi, bằng khen dán đầy vách. Cụ Đặng rất tự hào về cháu mình, nhưng không có cách nào có tiền để lo cho cháu ăn học...

Trong lúc chúng tôi gặp gỡ mọi người, H nằm vùi trong giường; cụ Đặng và chúng tôi động viên, H mới dậy rửa mặt, ra tiếp chuyện. Trước mắt chúng tôi là một chàng trai cao ráo, khỏe mạnh, khá điển trai. H e dè, buồn bã nói chúng tôi đừng chụp ảnh, rồi cho hay: Em thường phụ giúp quán phở của một người quen để được cho ăn; nhà nghèo quá, em buồn…

Hãy mở vòng tay
Gặp gỡ báo chí, ông Trần Văn Tuyên - Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Trãi tỏ ra hết sức bất ngờ khi chúng tôi thông báo việc em H tự tử bất thành. Ông Tuyên cho biết: H là một học sinh ngoan, học lực khá; ấn tượng nhất đối với thầy cô là năm vào lớp 10, em có cái bướu cổ và viết bài văn kiểm tra đạt điểm 10. Bài văn này đã được chuyển nhiều giáo viên đọc, ai nấy đều xúc động trước lối hành văn trôi chảy, bày tỏ sâu sắc những cảm nhận về cuộc sống, thân phận… Vì diện hộ nghèo nên H được nhà trường miễn học phí chính khóa.

Tại phòng làm việc của ông Tuyên, PV đã nối điện thoại (mở loa) với cô giáo Nguyễn Thị Trà Thoa - chủ nhiệm lớp 12CB3. Cô Thoa cũng giật mình khi biết H tự vẫn bất thành. Cô cho hay: Chỉ biết H đã xin phép nghỉ học từ hôm 24.1; trước đó, cô đã hướng dẫn H làm đơn xin miễn giảm, nên các môn học thêm tại trường, H đều không phải đóng học phí.

Khi nghe chúng tôi nói, H cho biết đang học thêm 3 môn toán, lý, hóa, học phí 100.000 đồng/tháng/môn, và đang thiếu học phí gần 500.000 đồng… ông Tuyên băn khoăn: “Em H học khối cơ bản nên học thêm 3 môn toán, văn, Anh văn, còn các môn lý, hóa không hiểu em học thêm ở đâu…”.

Ông Nguyễn Kín – Trưởng khu phố 6, cám cảnh: “Nhà bà cháu H nghèo khổ quá, hàng xóm có trợ giúp nhưng không đủ cho cháu đi học. Hai hôm nay, chòm xóm, người cho vài chục nghìn, người đôi ký gạo… giúp cho hoàn cảnh bi đát của bà cháu H”. Ông Kín mong muốn mọi người hãy mở rộng vòng tay để H được vững vàng vươn lên trong cuộc sống, thực hiện được ước mơ đời mình… Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Phan Thị Đặng, khu phố 6, phường 4, TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng cho rằng: Thiếu kỹ năng sống và không được tư vấn phát hiện kịp thời chính là nguyên nhân dẫn đến những hành động dại dột của các em. Hiện nay có rất ít trường quan tâm đến việc mở phòng tư vấn tâm lý cho học sinh, đặc biệt là các trường ở khu vực nông thôn. Trong khi đó học sinh THCS, THPT đang ở lứa tuổi phát triển mạnh mẽ về tâm lý, dễ bị kích động… nếu không được định hướng từ gia đình và nhà trường, các em rất dễ lạc đường, thậm chí tìm đến cái chết khi bi quan.