kết quả từ 1 tới 2 trên 2

Hybrid View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Nghị định 55/2001/NĐ-CP

    Nghị định số: 55/2001/NĐ-CP ngày 23 tháng 08 năm 2001

    NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ
    Về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet


    --------

    Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

    Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện,

    NGHỊ ĐỊNH

    Chương I Những quy định chung

    Điều 1.

    1. Nghị định này điều chỉnh việc quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet tại Việt Nam. Mọi tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực Internet tại Việt Nam đều phải tuân theo Nghị định này.

    2. Trong trường hợp các điều ước quốc tế liên quan đến Internet mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với Nghị định này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.

    Điều 2.

    1. Internet là một hệ thống thông tin được kết nối với nhau bởi giao thức truyền thông Internet (IP) và sử dụng một hệ thống địa chỉ thống nhất trên phạm vi toàn cầu để cung cấp các dịch vụ và ứng dụng khác nhau cho người sử dụng.

    2. Ở Việt Nam, Internet là một bộ phận quan trọng thuộc cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia, được bảo vệ theo pháp luật Việt Nam, không ai được xâm phạm. Bảo đảm an toàn, an ninh cho các hệ thống thiết bị và thông tin trên Internet là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, mọi tổ chức và cá nhân.

    Điều 3. Việc phát triển Internet ở Việt Nam được thực hiện theo các nguyên tắc :

    1. Năng lực quản lý phải theo kịp với yêu cầu phát triển, đồng thời phải có biện pháp đồng bộ để ngăn chặn những hành vi lợi dụng Internet gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục.

    2. Phát triển Internet với đầy đủ các dịch vụ có chất lượng cao và giá cước hợp lý nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

    Điều 4. Ưu tiên bố trí vốn đầu tư và có cơ chế hỗ trợ tài chính đối với việc cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet cho các cơ quan, tổ chức nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo, y tế, phát triển công nghiệp phần mềm và các cơ quan Đảng, Nhà nước.

    Điều 5. Có chính sách khuyến khích tăng cường đưa thông tin tiếng Việt, đặc biệt là thông tin về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước lên Internet. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thông qua Internet giới thiệu về sản phẩm, dịch vụ của mình.

    Điều 6.

    1. Thông tin đưa vào lưu trữ, truyền đi và nhận đến trên Internet phải tuân thủ các qui định tương ứng của Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước và các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và quản lý thông tin trên Internet.

    2. Tổ chức, cá nhân cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet phải chịu trách nhiệm về những nội dung thông tin do mình đưa vào lưu trữ, truyền đi trên Internet.

    Điều 7.

    1. Các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet có trách nhiệm tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn người sử dụng dịch vụ Internet trong việc khai thác, sử dụng các thông tin trên Internet theo đúng pháp luật, đồng thời ngăn chặn các hành vi bị cấm tại Điều 11 của Nghị định này.

    2. Các tổ chức, cá nhân sử dụng Internet có trách nhiệm tuân thủ pháp luật về Internet để khai thác, sử dụng Internet một cách có hiệu quả và lành mạnh.

    Điều 8. Bí mật đối với các thông tin riêng trên Internet của tổ chức, cá nhân được bảo đảm theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Việc kiểm soát thông tin trên Internet phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành theo quy định của pháp luật.

    Điều 9.
    Không ai được ngăn cản quyền sử dụng hợp pháp các dịch vụ Internet. Đơn vị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet có quyền từ chối cung cấp dịch vụ, nếu tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ vi phạm pháp luật về Internet.

    Điều 10.
    Việc mã hoá và giải mã thông tin trên Internet phải tuân thủ các quy định của pháp luật về cơ yếu.

    Điều 11.
    Nghiêm cấm các hành vi sau đây :

    1. Gây rối, phá hoại hệ thống thiết bị và cản trở việc cung cấp, sử dụng các dịch vụ Internet.

    2. Đánh cắp và sử dụng trái phép mật khẩu, khoá mật mã và thông tin riêng trên Internet của các tổ chức, cá nhân.

    3. Lợi dụng Internet để chống lại nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây rối loạn an ninh, trật tự; vi phạm đạo đức, thuần phong, mỹ tục và các vi phạm pháp luật khác.

    Chương II Thiết lập hệ thống thiết bị, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet

    Điều 12.
    Dịch vụ Internet bao gồm dịch vụ truy nhập Internet, dịch vụ kết nối Internet và dịch vụ ứng dụng Internet.

    1. Dịch vụ truy nhập Internet là dịch vụ cung cấp cho người sử dụng khả năng truy nhập đến Internet.

    2. Dịch vụ kết nối Internet là dịch vụ cung cấp cho các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet khả năng kết nối với nhau và với Internet quốc tế.

    3. Dịch vụ ứng dụng Internet là dịch vụ sử dụng Internet để cung cấp cho người sử dụng các ứng dụng hoặc dịch vụ bao gồm : bưu chính, viễn thông, thông tin, văn hoá, thương mại, ngân hàng, tài chính, y tế, giáo dục, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật và các dịch vụ khác trên Internet.

    Dịch vụ thông tin Internet là một loại hình dịch vụ ứng dụng Internet bao gồm dịch vụ phát hành báo chí (báo nói, báo hình, báo điện tử), phát hành xuất bản phẩm trên Internet và dịch vụ cung cấp các loại hình tin tức điện tử khác trên Internet.

    Điều 13.
    Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet bao gồm :

    1. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet (ISP) là doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, được Tổng cục Bưu điện cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truy nhập Internet. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet phải tuân theo các quy định của Nghị định này và các quy định về quản lý dịch vụ truy nhập Internet do Tổng cục Bưu điện ban hành.

    2.. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối Internet (IXP) là doanh nghiệp nhà nước, hoặc công ty cổ phần mà Nhà nước chiếm cổ phần chi phối hoặc cổ phần đặc biệt, được Tổng cục Bưu điện cấp giấy phép cung cấp dịch vụ kết nối Internet. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối Internet phải tuân theo các quy định của Nghị định này và các quy định về quản lý dịch vụ kết nối Internet do Tổng cục Bưu điện ban hành.

    3. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng Internet (OSP) là doanh nghiệp sử dụng Internet để cung cấp các dịch vụ ứng dụng Internet cho người sử dụng. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng Internet ngoài việc chấp hành các quy định của Nghị định này, phải tuân theo các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước chuyên ngành.

    Điều 14. Đơn vị cung cấp dịch vụ thông tin Internet (ICP) là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp giấy phép cung cấp dịch vụ thông tin Internet. Các đơn vị cung cấp dịch vụ thông tin Internet phải tuân theo các quy định của Nghị định này và các quy định về phát hành báo chí, phát hành xuất bản phẩm trên Internet, các quy định về việc thiết lập và cung cấp các loại hình tin tức điện tử trên Internet do Bộ Văn hoá - Thông tin ban hành.

    Điều 15.
    Đơn vị cung cấp dịch vụ truy nhập Internet dùng riêng (ISP dùng riêng) là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được Tổng cục Bưu điện cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truy nhập Internet dùng riêng với các điều kiện sau :

    1. Không nhằm mục đích kinh doanh dịch vụ truy nhập Internet.

    2. Đối tượng sử dụng dịch vụ Internet là thành viên của hai hay nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có cùng chung tính chất hoạt động hay mục đích công việc và được liên kết với nhau thông qua điều lệ hoạt động, hoặc văn bản quy định cơ cấu tổ chức chung, hoặc hình thức liên kết, hoạt động chung giữa các thành viên.

    3. Tuân thủ các quy định của Nghị định này và các quy định về quản lý dịch vụ truy nhập và kết nối Internet do Tổng cục Bưu điện ban hành.

    Điều 16. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài muốn cung cấp dịch vụ Internet ở Việt Nam, ngoài việc chấp hành các quy định tại Nghị định này, phải tuân theo các quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia và các quy định của pháp luật về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

    Điều 17. Căn cứ vào chiến lược, quy hoạch phát triển Internet tại Việt Nam, Tổng cục Bưu điện quy định thủ tục, điều kiện cấp phép cung cấp dịch vụ truy nhập và dịch vụ kết nối Internet; Bộ Văn hoá - Thông tin quy định thủ tục, điều kiện cấp phép cung cấp dịch vụ thông tin Internet; các Bộ, ngành theo lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên ngành quy định điều kiện cung cấp các dịch vụ ứng dụng Internet khác.

    Điều 18.
    Sau khi được phép cung cấp dịch vụ Internet theo quy định của pháp luật, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet :

    1. Được thiết lập hệ thống thiết bị tại cơ sở và các điểm phục vụ công cộng của mình để cung cấp đầy đủ tất cả các dịch vụ Internet cho người sử dụng dịch vụ ở Việt Nam và ở nước ngoài theo đúng giấy phép hoặc các điều kiện kinh doanh, điều kiện hoạt động, trừ các dịch vụ thuộc danh mục dịch vụ Internet bị cấm hoặc chưa được phép cung cấp theo quy định của pháp luật. Việc cung cấp các dịch vụ Internet cho người sử dụng dịch vụ ở nước ngoài phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước nơi dịch vụ được cung cấp.

    2. Được cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khác thuê hệ thống thiết bị để cung cấp các dịch vụ ứng dụng, dịch vụ thông tin Internet và cho người sử dụng dịch vụ thuê hệ thống thiết bị để đặt các loại hình tin tức điện tử trên Internet theo quy định về quản lý dịch vụ và quản lý thông tin trên Internet.

    3. Có trách nhiệm áp dụng và tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ để bảo đảm an toàn, an ninh cho hệ thống thiết bị và thông tin trên Internet.

    Điều 19.

    1. Cơ quan báo chí và nhà xuất bản có giấy phép hoạt động theo quy định, được thiết lập hệ thống thiết bị tại cơ sở của mình để trực tiếp tổ chức phát hành hoặc ủy thác cho đơn vị cung cấp dịch vụ thông tin Internet phát hành báo và xuất bản phẩm trên Internet.

    2. Khi phát hành báo, xuất bản phẩm trên Internet, ngoài các quy định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet, cơ quan báo chí, nhà xuất bản và đơn vị cung cấp dịch vụ thông tin Internet có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý báo chí, xuất bản.

    Điều 20.

    1. Đại lý Internet là tổ chức, cá nhân tại Việt Nam nhân danh doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập, dịch vụ ứng dụng Internet để cung cấp dịch vụ truy nhập, dịch vụ ứng dụng Internet cho người sử dụng thông qua hợp đồng đại lý và hưởng thù lao.

    2. Đại lý Internet có trách nhiệm :

    a) Cung cấp dịch vụ cho người sử dụng dịch vụ theo đúng các quy định về loại hình, chất lượng và giá, cước dịch vụ đã thoả thuận trong hợp đồng đại lý ký với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet.

    b) Thực hiện các quy định về quản lý dịch vụ Internet do các cơ quan quản lý nhà nước ban hành.

    Điều 21.

    1. Người sử dụng dịch vụ Internet là tổ chức, cá nhân tại Việt Nam sử dụng dịch vụ Internet thông qua việc giao kết hợp đồng với đơn vị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet.

    2. Hình thức của hợp đồng có thể là văn bản, lời nói hoặc hành vi cụ thể theo quy định của pháp luật. Đối với các loại hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó. Nội dung của hợp đồng phải phù hợp với các quy định của pháp luật về hợp đồng.

    Điều 22. Người sử dụng dịch vụ Internet :

    1. Được sử dụng các thiết bị truy nhập Internet di động hoặc tự lắp đặt hệ thống thiết bị tại địa điểm mà mình được toàn quyền sử dụng theo quy định của pháp luật để truy nhập đến các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet trong nước bằng phương thức kết nối trực tiếp qua kênh truyền dẫn hoặc quay số qua mạng viễn thông, nhưng không được truy nhập đến các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet ở nước ngoài bằng cách quay số điện thoại quốc tế trực tiếp.

    2. Được sử dụng tất cả các dịch vụ ứng dụng Internet của các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng Internet trong nước và ở nước ngoài, trừ các dịch vụ bị cấm hoặc chưa được phép sử dụng.

    3. Được thiết lập các loại hình tin tức điện tử đặt tại hệ thống thiết bị của mình, của các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet trong nước và ở nước ngoài để giới thiệu, quảng cáo về cơ quan, tổ chức, cá nhân và sản phẩm, dịch vụ của mình theo quy định về quản lý các loại hình tin tức điện tử trên Internet và tự chịu trách nhiệm về các thông tin đó trước pháp luật.

    4. Có trách nhiệm bảo vệ mật khẩu, khoá mật mã và hệ thống thiết bị của mình.

    5. Không được kinh doanh lại các dịch vụ Internet.

    Điều 23. Tài nguyên Internet bao gồm hệ thống các tên và số dùng cho Internet, được ấn định thống nhất trên phạm vi toàn cầu. Ở Việt Nam, tài nguyên Internet là một phần của tài nguyên thông tin quốc gia cần được quản lý, quy hoạch và sử dụng có hiệu quả.

    Điều 24.
    Nhà nước có chính sách quản lý phù hợp nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập, dịch vụ kết nối Internet từng bước giảm giá, cước các dịch vụ truy nhập, dịch vụ kết nối Internet đến mức bằng hoặc thấp hơn bình quân của các nước trong khu vực, nhằm phổ cập nhanh Internet ở Việt Nam và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế.

    Điều 25. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hệ thống thiết bị, cung cấp các dịch vụ Internet và sử dụng tài nguyên Internet có trách nhiệm nộp thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật. Việc ưu đãi về thuế được thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

    Điều 26. Để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet có trách nhiệm :

    1. Đăng ký và công bố chỉ tiêu chất lượng dịch vụ theo các quy định về quản lý chất lượng dịch vụ của Nhà nước.

    2. Bảo đảm cung cấp dịch vụ cho người sử dụng theo đúng tiêu chuẩn đã đăng ký và công bố.

    3. Báo cáo và chịu sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng dịch vụ theo quy định.

    Điều 27. Việc kết nối Internet được thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:

    1. Việc thiết lập và sử dụng các đường truyền viễn thông kết nối các hệ thống thiết bị của các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet với nhau và với mạng viễn thông công cộng phải tuân theo các quy định về viễn thông.

    2. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối Internet (IXP) được kết nối với nhau và với Internet quốc tế.

    3. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet (ISP) được kết nối với nhau và với các IXP.

    4. Các đơn vị cung cấp dịch vụ truy nhập Internet dùng riêng (ISP dùng riêng) được kết nối với các ISP và IXP, nhưng không được kết nối trực tiếp với nhau.

    5. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng Internet (OSP), các đơn vị cung cấp dịch vụ thông tin Internet (ICP) được kết nối với các ISP và IXP.

    6. Các đại lý Internet được kết nối đến các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet ký hợp đồng đại lý với mình.

    Chương III Quản lý nhà nước về Internet


    Điều 28.
    Nội dung quản lý nhà nước về Internet bao gồm :

    1. Xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển Internet.

    2. Xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, thiết lập hệ thống thiết bị, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet.

    3. Quản lý việc cấp phép trong hoạt động Internet.

    4. Quản lý tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng dịch vụ Internet.

    5. Quản lý giá, cước dịch vụ Internet.

    6. Quản lý khoa học, công nghệ trong hoạt động Internet.

    7. Quản lý thông tin trên Internet.

    8. Quản lý an toàn, an ninh trong hoạt động Internet.

    9. Quản lý việc mã hoá và giải mã thông tin trên Internet.

    10. Quản lý tài nguyên Internet.

    11. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm trong hoạt động Internet.

    12. Hợp tác quốc tế trong hoạt động Internet.

    Điều 29.

    1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về Internet trong phạm vi cả nước. Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về Internet theo phân công của Chính phủ quy định tại Nghị định này.

    2. Chính phủ giao Tổng cục Bưu điện chức năng điều hòa, phối hợp công tác quản lý nhà nước về Internet của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và làm đầu mối trong các hoạt động quốc tế về Internet.

    Điều 30. Tổng cục Bưu điện thực hiện quản lý nhà nước đối với việc thiết lập hệ thống thiết bị, cung cấp và sử dụng dịch vụ truy nhập, dịch vụ kết nối Internet, bao gồm :

    1. Xây dựng chính sách, chiến lược và quy hoạch phát triển Internet.

    2. Ban hành và hướng dẫn thực hiện các quy định về cấp phép và quản lý dịch vụ truy nhập, dịch vụ kết nối Internet.

    3. Quy hoạch, quản lý và phân bổ tài nguyên Internet.

    4. Chủ trì, phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ quản lý hệ thống chứng thực trên Internet.

    Điều 31. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thực hiện quản lý nhà nước việc nghiên cứu ứng dụng và phát triển các công nghệ tiên tiến trong các hoạt động Internet.

    Điều 32. Bộ Văn hóa - Thông tin thực hiện quản lý nhà nước đối với thông tin trên Internet, bao gồm :

    1. Ban hành và hướng dẫn thực hiện các qui định về quản lý thông tin trên Internet.

    2. Ban hành và hướng dẫn thực hiện các qui định về cấp phép và quản lý đối với việc phát hành báo chí, xuất bản phẩm trên Internet; các quy định về quản lý việc thiết lập và cung cấp các loại hình tin tức điện tử trên Internet.

    Điều 33. Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước đối với việc bảo đảm an ninh trong hoạt động Internet, bao gồm :

    1. Thực hiện các biện pháp nghiệp vụ đảm bảo an ninh quốc gia đối với hoạt động Internet.

    2. Xây dựng và tổ chức thực hiện các biện pháp kỹ thuật để quản lý an ninh thông tin trên Internet theo quy định của pháp luật, trên cơ sở bảo đảm chất lượng dịch vụ Internet.

    Điều 34. Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ chế hỗ trợ tài chính đối với việc cung cấp và sử dụng dịch vụ truy nhập, dịch vụ kết nối Internet cho các đối tượng ưu tiên quy định tại Điều 4 Nghị định này.

    Điều 35. Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước đối với việc mã hoá và giải mã thông tin trên Internet, bao gồm :

    1. Tổ chức nghiên cứu xây dựng chính sách, tiêu chuẩn mật mã quốc gia sử dụng trên Internet.

    2. Ban hành và hướng dẫn thực hiện các quy định về cung cấp và sử dụng mã hóa và giải mã thông tin trên Internet.

    Điều 36.
    Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước đối với các dịch vụ ứng dụng Internet thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của mình, bao gồm :

    1. Ban hành và hướng dẫn thực hiện các quy định quản lý đối với việc cung cấp và sử dụng các dịch vụ ứng dụng Internet.

    2. Ban hành và công bố danh mục các dịch vụ ứng dụng Internet bị cấm hoặc chưa được phép cung cấp và sử dụng trên Internet.

    Điều 37.
    Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện việc quản lý hoạt động Internet trên địa bàn tỉnh, thành phố theo các quy định của Nghị định này.

    Chương IV Khiếu nại, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm


    Điều 38. Việc khiếu nại đối với quyết định hành chính và hành vi hành chính về các hoạt động Internet; việc tố cáo với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động Internet được thực hiện theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo ngày 02 tháng 12 năm 1998.

    Điều 39.
    Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại nghiệp vụ đối với việc cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet được thực hiện theo quy định của các cơ quan quản lý nhà nước về Internet nêu ở Chương III của Nghị định này.

    Điều 40.

    1. Căn cứ vào nội dung quản lý nhà nước đã được quy định tại Chương III Nghị định này, các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra, kiểm tra nhằm chấn chỉnh, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động Internet.

    2. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, các đơn vị cung cấp dịch vụ truy nhập Internet dùng riêng, các đơn vị cung cấp dịch vụ thông tin Internet, đại lý và người sử dụng dịch vụ Internet chịu sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

    Điều 41.
    Các hành vi vi phạm, hình thức và mức xử phạt vi phạm hành chính về Internet được quy định như sau :

    1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi không khai báo làm thủ tục cấp lại khi giấy phép cung cấp dịch vụ Internet bị mất, hoặc bị hư hỏng.

    2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây :

    a) Sử dụng mật khẩu, khoá mật mã, thông tin riêng của người khác để truy nhập, sử dụng dịch vụ Internet trái phép.

    b) Sử dụng các công cụ phần mềm để truy nhập, sử dụng dịch vụ Internet trái phép.

    3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây :

    a) Vi phạm các quy định của Nhà nước về tiêu chuẩn, chất lượng trong việc sử dụng dịch vụ Internet.

    b) Vi phạm các quy định của Nhà nước về giá, cước trong việc sử dụng dịch vụ Internet.

    c) Vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý tài nguyên Internet trong việc sử dụng dịch vụ Internet.

    d) Vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý truy nhập, kết nối Internet trong việc sử dụng dịch vụ Internet.

    đ) Vi phạm các quy định của Nhà nước về mã hoá và giải mã thông tin trên Internet trong việc sử dụng dịch vụ Internet.

    e) Vi phạm các quy định của Nhà nước về an toàn, an ninh thông tin trên Internet trong việc sử dụng dịch vụ Internet.

    4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

    a) Ngừng hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ Internet mà không thông báo cho người sử dụng dịch vụ Internet biết trước, trừ trường hợp bất khả kháng.

    b) Sửa chữa, tẩy xóa làm thay đổi nội dung giấy phép cung cấp dịch vụ Internet.

    c) Sử dụng quá hạn giấy phép cung cấp dịch vụ Internet.

    5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây :

    a) Vi phạm các quy định của Nhà nước về tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ Internet trong việc cung cấp dịch vụ Internet.

    b) Vi phạm các quy định của Nhà nước về giá, cước dịch vụ Internet trong việc cung cấp dịch vụ Internet.

    c) Vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý tài nguyên Internet trong việc cung cấp dịch vụ Internet.

    d) Vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý truy nhập, kết nối Internet trong việc cung cấp dịch vụ Internet.

    đ) Vi phạm các quy định của Nhà nước về mã hoá và giải mã thông tin trên Internet trong việc cung cấp dịch vụ Internet.

    e) Vi phạm các quy định của Nhà nước về an toàn, an ninh thông tin trên Internet trong việc cung cấp dịch vụ Internet.

    g) Sử dụng Internet để nhằm mục đích đe dọa, quấy rối, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm người khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

    h) Đưa vào Internet hoặc lợi dụng Internet để truyền bá các thông tin, hình ảnh đồi trụy, hoặc những thông tin khác trái với quy định của pháp luật về nội dung thông tin trên Internet, mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

    i) Đánh cắp mật khẩu, khoá mật mã, thông tin riêng của tổ chức, cá nhân và phổ biến cho người khác sử dụng.

    k) Vi phạm các quy định về vận hành, khai thác và sử dụng máy tính gây rối loạn hoạt động, phong toả hoặc làm biến dạng, làm hủy hoại các dữ liệu trên Internet mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

    6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây :

    a) Thiết lập hệ thống thiết bị và cung cấp dịch vụ Internet không đúng với các quy định ghi trong giấy phép.

    b) Tạo ra và cố ý lan truyền, phát tán các chương trình vi rút trên Internet mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

    7. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi thiết lập hệ thống thiết bị và cung cấp dịch vụ Internet khi không có giấy phép.

    8. Ngoài các hình thức xử phạt chính, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà tổ chức, cá nhân còn có thể bị áp dụng một hay nhiều hình thức xử phạt bổ sung hoặc biện pháp khắc phục hậu quả sau đây :

    a) Tạm đình chỉ hoặc đình chỉ việc cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet đối với các hành vi vi phạm tại điểm a khoản 2, điểm b khoản 2, các điểm tại khoản 3, các điểm tại khoản 5 và điểm b khoản 6 Điều 41.

    b) Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc không thời hạn đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 4 và điểm a khoản 6 Điều 41.

    c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 4, điểm a khoản 6 và khoản 7 Điều 41.

    d) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm k khoản 5, điểm b khoản 6 Điều 41.

    Điều 42. Thanh tra chuyên ngành và ủy ban nhân dân các cấp xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động Internet theo chức năng quản lý nhà nước và thẩm quyền xử phạt quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

    Điều 43.
    Nguyên tắc xử phạt, thời hạn xử phạt, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng, thời hiệu xử phạt và thời hạn được coi là chưa bị xử phạt các vi phạm hành chính về Internet được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

    Điều 44.
    Tổ chức, cá nhân gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác trong hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

    Điều 45. Hành vi lợi dụng Internet để chống lại nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và gây rối an ninh, trật tự; các hành vi vi phạm nghiêm trọng khác có dấu hiệu tội phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

    Chương V Điều khoản thi hành

    Điều 46.
    Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Nghị định số 21/CP ngày 05 tháng 3 năm 1997 của Chính phủ ban hành Quy chế tạm thời về quản lý, thiết lập, sử dụng mạng Internet ở Việt Nam. Bãi bỏ điểm c khoản 3 và điểm c khoản 4 Điều 11 Nghị định số 79/CP ngày 19 tháng 6 năm 1997 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện.

    Điều 47.
    Tổng cục Bưu điện chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành Nghị định này.

    Điều 48.
    Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

  2. #2

    Mặc định Quyết định 27/2002/QĐ-BVHTT

    Quyết định số 27/2002/QĐ-BVHTT

    QUYẾT ĐỊNH SỐ 27/2002/QĐ-BVHTT NGÀY 10/10/2002 CỦA BỘ VĂN HOÁ THÔNG TIN


    Ban hành Quy chế quản lý và cấp phép cung cấp thông tin, thiết lập trang thông tin điện tử trên Internet.

    Chương I Những quy định chung

    Điều 1: Bộ Văn hoá - Thông tin nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi là Bộ Văn hoá - Thông tin) là cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và cấp giấy phép cung cấp thông tin trên Internet (ICP), thiết lập trang tin điện tử trên Internet.

    Điều 2:
    Trong quy chế này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

    1. Đơn vị cung cấp thông tin trên Internet (ICP) là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được Bộ Văn hoá - Thông tin cấp giấy phép thực hiện việc cung cấp thông tin trên Internet thông qua nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP).

    2. Trang tin điện tử (Website) là loại hình bản tin thực hiện trên mạng Internet.

    Điều 3:


    1. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, các pháp nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam cung cấp thông tin trên Internet, thiết lập trang tin điện tử trên Internet chịu sự điều chỉnh của Quy chế này.

    2. Trong trường hợp các điều ước quốc tế liên quan đến Internet mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với Quy chế này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.

    Điều 4:
    Mọi thông tin của Đơn vị cung cấp thông tin trên Internet, trang tin điện tử nói trong Quy chế này phải được thực hiện theo quy định sau đây:

    1. Nội dung thông tin không gây phương hại đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; không được kích động nhân dân chống Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân.

    2. Không được kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, kích động dâm ô, đồi truỵ, tội ác.

    3. Không được tiết lộ bí mật Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quy định.

    4. Không được cung cấp thông tin trên Internet, thiết lập trang tin điện tử trên Internet khi chưa có giấy phép của Bộ Văn hoá - Thông tin.

    5. Không được cung cấp thông tin trái tôn chỉ, mục đích, phạm vi thông tin đã được Bộ Văn hoá - Thông tin cho phép.

    Điều 5:
    Các nội dung phải ghi trên trang chủ, trang mặt của Đơn vị cung cấp thông tin trên Internet, trang tin điện tử trên Internet:

    1. Tên gọi của Đơn vị cung cấp thông tin, trang tin điện tử.

    2. Tên cơ quan chủ quản (nếu có).

    3. Số giấy phép, ngày cấp, cơ quan cấp giấy phép.

    4. Họ, tên người chịu trách nhiệm chính của Đơn vị cung cấp thông tin và trang tin điện tử.

    Chương II Điều kiện và thủ tục cấp phép


    Điều 6: Điều kiện cấp phép:

    1. Đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam

    - Có văn bản chấp thuận của cơ quan chủ quản.

    - Cơ quan xin cấp phép phải xác định rõ loại hình thông tin cung cấp, nội dung, các chuyên mục, tần số cập nhật thông tin.

    - Có người đủ thẩm quyền chịu trách nhiệm về nội dung thông tin, có nghiệp vụ quản lý thông tin.

    - Có đủ phương tiện kỹ thuật phục vụ cho việc cung cấp thông tin, có địa chỉ miền trên Internet hợp lệ.

    2. Đối với các cơ quan, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam

    - Đối với các cơ quan Ngoại giao, cơ quan Lãnh sự, cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế, tổ chức liên Chính phủ, phi Chính phủ, các Hãng thông tấn báo chí nước ngoài, kể cả những người đứng đầu cơ quan đó muốn cung cấp thông tin lên mạng Internet tại Việt Nam đều phải được chấp thuận bằng văn bản của Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi là Bộ Ngoại giao).

    - Đối với cơ quan đại diện tổ chức kinh tế, tổ chức văn hoá, khoa học, tổ chức tư vấn nước ngoài, các công ty, xí nghiệp của nước ngoài; các tổ chức kinh tế, công ty, xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải có đủ điều kiện hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, có trụ sở chính thức tại Việt Nam.

    - Có đại diện hợp pháp chịu trách nhiệm về nội dung thông tin.

    - Phải xác định rõ loại hình thông tin cung cấp trên Internet, nội dung thông tin.

    - Có đủ phương tiện kỹ thuật phục vụ cho việc cung cấp thông tin, có địa chỉ miền trên Internet hợp lệ.

    Điều 7:
    Hồ sơ xin cấp phép:

    1. Đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam.

    - Đơn xin cấp phép theo mẫu qui định của Bộ Văn hoá - Thông tin.

    - Bản sao quyết định thành lập cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có chứng nhận của Công chứng Nhà nước hoặc cơ quan có thẩm quyền.

    - Văn bản đề nghị của cơ quan chủ quản.

    - Đề án hoạt động, kế hoạch chi tiết về cung cấp thông tin trên Internet (các loại hình thông tin sẽ cung cấp, nội dung, các chuyên mục).

    - Sơ yếu lý lịch người chịu trách nhiệm chính về nội dung và các thành viên phụ trách việc cung cấp thông tin có chứng nhận của cơ quan chủ quản.

    2. Đối với các cơ quan, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam.

    a. Đối với các cơ quan Ngoại giao, cơ quan Lãnh sự, cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế, tổ chức liên Chính phủ, phi Chính phủ, các Hãng thông tấn báo chí nước ngoài.

    - Bản khai đăng ký cấp giấy phép thiết lập trang Web theo mẫu qui định của Bộ Văn hoá - Thông tin (có chữ ký của người đại diện hợp pháp hoặc người được uỷ quyền chịu trách nhiệm về nội dung).

    - Văn bản đề nghị của Bộ Ngoại giao.

    - Đề án hoạt động, kế hoạch chi tiết về việc đưa thông tin trên Internet (các loại hình thông tin sẽ cung cấp, nội dung, các chuyên mục).

    b. Đối với các cơ quan đại diện tổ chức kinh tế, tổ chức văn hoá, khoa học, tổ chức tư vấn nước ngoài, các công ty, xí nghiệp của nước ngoài; các tổ chức kinh tế, công ty, xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

    - Bản khai đăng ký cấp giấy phép thiết lập trang Web theo mẫu quy định của Bộ Văn hoá - Thông tin (Có chữ ký của người đại diện hợp pháp hoặc người được uỷ quyền chịu trách nhiệm về nội dung).

    - Bản sao giấy phép Đầu tư, giấy phép mở văn phòng đại diện và các giấy tờ liên quan đến hoạt động của các tổ chức, các công ty, xí nghiệp đứng tên xin phép, có chứng nhận của Công chứng Nhà nước Việt Nam.

    - Đề án hoạt động, kế hoạch chi tiết về việc đưa thông tin lên mạng Internet (các loại hình thông tin sẽ cung cấp, nội dung, các chuyên mục).

    - Sơ yếu lý lịch người chịu trách nhiệm về nội dung, các thành viên phụ trách về việc cung cấp thông tin.

    Điều 8: Thủ tục cấp phép

    Mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam có nhu cầu muốn cung cấp thông tin trên Internet, thiết lập trang tin điện tử trên Internet tại Việt Nam phải làm thủ tục xin phép gửi Bộ Văn hoá - Thông tin (Vụ Báo chí).

    Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ lợp lệ, Bộ Văn hoá - Thông tin có trách nhiệm xem xét, giải quyết việc cấp phép. Trường hợp không cấp phép, Bộ Văn hoá - Thông tin trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

    Điều 9: Bộ Văn hoá - Thông tin (Vụ Báo chí) trực tiếp nhận hồ sơ xin cấp giấy phép cung cấp thông tin trên Internet, thiết lập trang tin điện tử trên Internet của các cơ quan, tổ chức nước ngoài, các pháp nhân có yếu tố nước ngoài và những cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Trung ương.

    Sở Văn hoá - Thông tin các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp nhận và thẩm định hồ sơ xin cấp phép cung cấp thông tin trên Internet, thiết lập trang tin điện tử trên Internet của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp địa phương và có văn bản đề nghị Bộ Văn hoá - Thông tin xem xét cấp phép.

    Chương III Thanh tra, kiểm tra, khen thưởng và xử lý vi phạm


    Điều 10: Thanh tra, kiểm tra.

    Thanh tra chuyên ngành văn hoá - thông tin thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

    Vụ Báo chí Bộ Văn hóa-Thông tin có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra định kỳ hàng năm hoặc kiểm tra đột xuất việc sử dụng giấy phép cung cấp thông tin trên Internet, hoạt động trang tin điện tử trên Internet.

    Điều 11: Khen thưởng.

    Các cơ quan, tổ chức và cá nhân có công trong việc phát hiện những vi phạm các quy định về cung cấp thông tin tại Nghị định 55/2001/NĐ-CP và các quy định tại bản Quy chế này sẽ được khen thưởng theo quy định của Nhà nước.

    Điều 12: Xử lý vi phạm.

    Việc xử lý vi phạm các quy định về cung cấp thông tin trên Internet, hoạt động trang tin điện tử trên Internet thực hiện theo quy định tại Nghị định 55/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001 của Chính phủ về Internet và Nghị định 31/2001/NĐ-CP ngày 26/6/2001 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá-thông tin.

    Điều 13: Thẩm quyền xử lý vi phạm.

    1. Bộ Văn hóa-Thông tin quyết định việc thu hồi giấy phép cung cấp thông tin trên Internet, hoạt động trang tin điện tử trên Internet.

    2. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xử lý các hành vi vi phạm các quy định về cung cấp thông tin trên Internet tại Nghị định 55/2001/NĐ-CP và các quy định tại bản Quy chế này trên địa bàn địa phương mình theo thẩm quyền được quy định tại Nghị định 31/2001/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá - thông tin.

    Trong trường hợp có những vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quyền tạm thời đình chỉ việc cung cấp thông tin trên Internet và báo cáo ngay bằng văn bản cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin xem xét quyết định.

    3. Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thi hành các quyết định xử lý vi phạm của Bộ Văn hóa-Thông tin và uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thu hồi giấy phép trong trường hợp các cơ quan, tổ chức vi phạm các quy định về cung cấp thông tin trên Internet tại Nghị định 55/2001/NĐ-CP và các quy định tại bản Quy chế này.

    4. Thanh tra chuyên ngành văn hoá-thông tin có quyền thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm các quy định về việc cung cấp thông tin trên Internet tại Nghị định số 55/2001/NĐ-CP và các quy định tại bản Quy chế này theo thẩm quyền được quy định tại Nghị định 31/2001/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá - thông tin.

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Thiệu Tử Thần Số & Hà Lạc Lý Số
    By VinhL in forum Dịch học ( Dịch số, Thái Ất, Kỳ Môn Ðộn Giáp, Hoa Mai, Bát tự hà lạc,…)
    Trả lời: 49
    Bài mới gởi: 02-03-2013, 08:32 AM
  2. TÂM VŨ TRỤ
    By doxuantho in forum Đạo Việt Nam
    Trả lời: 242
    Bài mới gởi: 26-03-2012, 02:27 PM
  3. ĐỘNG LỰC, SỰ BÁM CHẤP VÀ THIỀN ĐỊNH
    By phúc minh in forum Mật Tông
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 19-05-2011, 11:27 AM
  4. Bát Nhã tâm kinh giảng giải (HT.Thanh Từ)
    By lunchu_m in forum Đạo Phật
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 01-02-2011, 02:02 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •