Chúng ta có cuốn Lịch sử Đàng Ngoài in tại Roma bằng tiếng Ý năm 1650, bằng tiếng Pháp 1651 và bằng tiếng Latinh 1652. Cuốn này Đắc Lộ đã viết năm 1636 tại Macao, viết bằng La ngữ. Khi về Roma, ông viết thêm và soạn lại bản tiếng Ý, mục đích gây dư luận và đánh động các hồng y và giáo quyền ở thủ đô Giáo hội. Như Borri đã làm, ông chia cuốn sách này ra làm hai phần rõ rệt, phần một giới thiệu Đàng Ngoài với danh hiệu, địa lý, thổ sản, phong tục, văn hóa, tiếng nói, lịch sử và phần hai là lịch sử việc truyền giáo ở Đàng Ngoài kể từ 1626 cho tới năm 1646. Sách dày 326 trang, bản tiếng Pháp.

PHẦN MỘT - I. ĐI RAO GIẢNG

[1]

Không phải chỉ tới năm 1615 mới có người đến giảng đạo ở nước Việt Nam. Trước đây mấy chục năm, đã có các tu sĩ dòng Phan Sinh, dòng Đa Minh, dòng Autinh tới nước ta, đi theo các tàu buôn làm tuyên úy. Nhưng họ không ở lâu, họ thường làm việc linh hồn nơi các thủy thủ, họ chưa chủ ý làm việc truyền giáo lâu dài trên đất nước ta.

Thực ra, vì có sự bắt đạo ở Nhật nên các giáo sĩ dòng Tên được chỉ định đi Nhật đều trở thành thất nghiệp: họ đã nghĩ tới cái nước Việt Nam bé nhỏ cho tới nay ít thương gia để ý tới. Do đó năm 1615 cha Buzomi người Ý và một thày Nhật đã tới Đàng Trong. Buzomi đã thông thạo tiếng Nhật, nhưng vì đã có tuổi, nên học tiếng Việt rất chậm. Bề trên ở Macao liền phái những người trẻ hơn tới. Năm 1617 có Francois de Pina, người Bồ. De Pina cũng đã học tiếng Nhật, nhưng vì còn trẻ lại có khiếu, nên học tiếng rất giỏi.

Năm 1618 khi Borri tới thì đã thấy de Pina giảng mà không cần thông dịch viên, trái lại Buzomi vẫn cần tới người thông dịch, mà phiên dịch rất sai, rất vụng. Năm 1624, Đắc Lộ được phái tới Đàng Trong. Như đã có một duyên nợ gì với Việt Nam, Đắc Lộ rất thích thú khi nghe người bản xứ nói: họ không nói mà hát, giọng họ líu lo như chim hót, nhất là khi phụ nữ nói. Đắc Lộ đã bắt đầu nản, vì làm thế nào có thể học được. Thế nhưng ông đã thấy người đồng sự của ông là Francois de Pina nói rất giỏi tiếng Việt. Và ông kiên trì và quyết tâm học. De Pina dạy ông, lại thêm cậu bé Đàng Trong nữa. Ông tỏ ra rất có khả năng: sau bốn tháng ông đã có thể ngồi tòa giải tội và sau sáu tháng đã giảng được bằng tiếng Việt.

Ông theo De Pina tới thăm bà Minh Đức Vương Thái Phi, thứ phi của Nguyễn Hoàng. Bà này đã theo đạo khi được nghe cha De Pina giảng. Nhưng rủi thay, cha De Pina đã chết đuối năm 1625 khi đi thăm các thủy thủ người Bồ cập bến Hội An. Đắc Lộ không viết nhiều về hoạt động của ông trong thời kỳ này. Tuy nhiên, người ta được biết là công cuộc truyền giáo tiến triển rất khả quan. Đã có một tập sách giáo lý đại cương được soạn bằng tiếng Đàng Trong, hẳn là bằng chữ nôm và có thể có một bản chữ quốc ngữ. Hẳn cũng có một cuốn từ vựng để tiện cho việc học hỏi tiếng Việt. Công cuộc này chắc phải có tay của De Pina trước hết và sau này có Gaspar Luis tới đây năm 1625.

Chúa Nguyễn Phúc Nguyên và người con trưởng là hoàng tử Kỳ rất quí mến các giáo sĩ. Họ vừa phục tài vừa trọng đức các người xa lạ đến đây. Họ rất thích thú khi được nghe nói rành rọt những hiện tượng về thiên văn địa lý, nhất là tính toán xác đáng những ngày, những đêm xảy ra nhật thực, nguyệt thực. Các nhà toán học của họ còn khá lờ mờ, còn tính sai từng mấy ngày, nếu so với cách tính của các giáo sĩ.

Nhưng năm 1626, lần đầu tiên có thương thuyền người Bồ đưa cha Baldinotti và một thày trợ sĩ người Nhật tới Kẻ Chợ Đàng Ngoài. Vì là lần đầu tiên, nên hành trình đã kéo dài hơn một tháng. Tới Kẻ Chợ, phái đoàn được Trịnh Tráng đón tiếp ân cần. Vì dẫu sao, Trịnh Tráng cũng đã biết, Nguyễn Phúc Nguyên ở Đàng Trong đã được người Bồ giúp đỡ về vũ khí và đạn dược. Đến lượt ông, ông có dịp cậy nhờ họ. Vả sự buôn bán trao đổi giữa hai bên, cũng có đường thuận tiện cho ông.

Trịnh Tráng đã mấy lần đàm thoại, đúng hơn bút thoại với nhà truyền giáo khiêm tốn. Ông được mở tầm con mắt, hiểu biết những kiến thức mới, không những về thiên văn địa lý, mà còn về cả máy móc, cơ giới và những sản phẩm lạ của ngoại quốc. Về phía nhà truyền giáo, Baldinotti chỉ muốn chinh phục người bản xứ. Nhưng khổ một điều, giáo sĩ không hiểu, không nói được tiếng Việt. Baldinotti liền bí mật, hết sức bí mật phái một người vào Đàng Trong, xin Bề trên sai một người thông thạo tiếng ra Đàng Ngoài. Nhưng cha dặn chớ đi thẳng từ Đàng Trong mà phải về Macao đã, rồi mới từ Macao tới Đàng Ngoài, để tránh nghi ngờ của Trịnh Tráng, lúc này là thù địch của Nguyễn Phúc Nguyên.

Đàng Trong, người ta đã nghĩ ngay đến Đắc Lộ và Đắc Lộ được chỉ định về Macao, rồi từ Macao tới Đàng Ngoài. Tháng 7 năm 1626 Đắc Lộ rời bỏ Đàng Trong trở về Macao để rồi ngày 12 tháng 3 năm 1627 bỏ Macao tới Đàng Ngoài. Lần này, các thủy thủ đã quen đường lại gặp may mắn thuận buồm xuôi gió, chỉ một tuần, đúng một tuần, tàu đã cập bến Cửa Bạng thuộc Thanh Hóa, đúng ngày lễ kính thánh Giuse 19 tháng 3. Thấy rất đông người kéo đến xem người ngoại quốc, Đắc Lộ vì nói sõi tiếng Đàng Trong, đã lên tiếng thay viên thuyền trưởng trả lời những câu người bản xứ hỏi. Và ông cũng đã giảng bài đầu tiên trên đất Đàng Ngoài.

o0o

CHÚ THÍCH

[1]. "Câu truyện các nữ tu đã làm cho bà đau đớn khôn tả, và bà rất mực quí mến, đến nỗi bà không sao rời bỏ các nữ tu được. Để cho nhẹ bớt những tâm tình nhớ thương, sau lúc li biệt vội vàng thì bà muốn được một bộ áo dòng, để cho khi bà nhắm mắt lìa đời, bà được khâm liệm trong tấm áo đó. Các nữ tu vui lòng nhận tặng bà với tất cả bằng chứng về sự thương yêu tương hỗ, rồi các bà từ biệt nhau sau những cái hôn thánh thiện và tất cả những sự trỚuvm nấc a tình bác ái toàn vẹn, rồi ngày sau đó, các nữ tu bỏ về hải cảng Đà Nẵng" (De Rhodes, Tường Trình về Đàng Trong).
Trong Hành Trình, Đắc Lộ viết câu truyện này và thêm một vài chi tiết: "Còn bà Maria, bà dì của chúa, bà đã tới đón họ trong một chiếc thuyền đậu thật xa bến. Bà tỏ tình, quyến luyến và tặng nhiều quà. Bà rất trọng tấm áo dòng của các nữ tu. Còn các nữ tu thì tạm tặng bà một dây thắt lưng bằng thừng chão, và hứa sẽ gửi biếu sau một áo dòng. Và thực ra các nữ tu đã trung thành giữ lời hứa khi tới đất Phi Luật Tân".

II. PHƯƠNG PHÁP DẠY GIÁO LÍ

Trong Hành Trình và Truyền Giáo, Đắc Lộ kể lại rằng: khi tới Goa ở Ấn độ, ông thấy người ta bắt người Ấn độ khi theo đạo thì cởi bỏ y phục bản xứ mà mặc theo người Bồ, tức người Âu châu. Cũng vậy, khi ông tới Trung quốc, ông thấy người ta bắt dân Trung quốc khi theo đạo thì phải cắt tóc ngắn theo kiểu để tóc ngắn của người Bồ, tức người Âu châu. Đắc Lộ đã phản đối việc làm sai trái này, vì đạo Chúa đòi hỏi con người những niềm tin mới, còn cách ăn mặc thì theo dân tộc mỗi dân mỗi nước.

Việc này tỏ ra Đắc Lộ đã có một phương pháp trình bày giáo lí thích hợp với một nền văn minh rất cổ như ở Trung quốc và một phần nào ở Việt Nam. Hẳn Đắc Lộ có chịu ảnh hưởng phương pháp trình bày giáo lí của hai giáo sĩ người Ý hoạt động ở Trung quốc trước đây mấy chục năm.

Năm 1584 giáo sĩ Micae Ruggieri, người Ý, thường gọi là Minh Kiên đã cho in tại Trung quốc cuốn Thiên Chúa thực lục chính văn để trình bày giáo lí công giáo cho người Trung Hoa. Cuốn này, năm 1585 đã được tặng cho một viên quan Việt Nam đi Bắc Kinh. Ông quan này đã đưa về nhà làm của quí truyền lại cho con cháu. Khi Đắc Lộ giảng ở Kẻ Chợ thì có một người đưa cho ông cuốn đó coi và ông nhận thấy ngay đây là cuốn chứa đựng những giáo lí như giáo lí ông đang giảng dạy. Vào năm 1603 giáo sĩ Mathêu Ricci thường gọi là Lợi Mã Đậu đã cho hủy những bản khắc cuốn của Minh Kiên và cho ấn hành cuốn Thiên Chúa thực nghĩa để thay thế vào. Hẳn là khi Đắc Lộ tới Đàng Ngoài, ông đã mang theo một vài cuốn vì đã có lần ông đưa sách cho mấy người nho học đọc.

Phương pháp của Đắc Lộ đã được trình bày về nguyên tắc trong một chương Lịch sử Đàng Ngoài. Đại khái ông nói: có người chủ trương theo lời đấng tiên tri, đó là trước hết phải hủy diệt để rồi xây dựng sau. Dĩ nhiên cũng không phải xây dựng trước khi hủy diệt. Ông chủ trương một con đường trung dung, có nghĩa là thoạt đầu hãy cho con người công nhận những lẽ phải tự nhiên về một đấng Tạo Hóa, những điều con người suy nghĩ về lẽ tự nhiên, sau đó mới đề cập tới lí thuyết về một Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ và duy trì vũ trụ, để rồi mới nói tới những mầu nhiệm cao cả của đạo, sau khi đã bác bỏ những sai lạc. Nếu bắt đầu bác bỏ những tin tưởng cố hữu của họ thì làm cho họ bất bình và như thế khó cho họ nhận những giáo thuyết của chúng ta.

Phương pháp trung dung này đã được đem ra thi hành trong cuốn Phép Giảng tám ngày. Cũng phải nói ngay rằng: cuốn phép giảng không phải là cuốn giáo lí đại cương, vắn tắt với câu hỏi và lời thưa, nhưng là những bài diễn giải, suy luận dành riêng cho người giảng, người thuyết giáo. Cuốn sách không chia riêng thành chương mà thành tất cả tám ngày. Ngày thứ nhất và ngày thứ hai, đề cập tới những vấn đề chung chung về ước muốn thâm sâu của con người về một thứ hạnh phúc lâu bền, một ít quan niệm về thượng đế, về vũ trụ và loài người, về cái nguyên lí đầu hết của mọi vật. Đến ngày thứ ba, mới nói tới công cuộc sáng tạo các thiên thần, nhất là việc Thiên Chúa dựng nên vũ trụ, vạn vật và loài người trong sáu ngày theo sách Sáng thế. Về điểm này, rất có thể khá thích hợp với bản năng con người Việt Nam, những người vốn tin có một "Ông Trời" làm nên trăng, sao, mây, nước và vạn vật. Cho tới ngày thứ bốn sau khi nói qua về Đại Hồng Thủy và Noe với tháp Babel, thì mới bắt đầu vạch trần những sai lạc vốn có trong ba thứ đạo cổ truyền gia nhập từ Trung quốc đó là tam giáo Phật, Lão, Khổng và một số tin tưởng dân gian khác.

Cũng phải nói ngay rằng, những phê phán của Đắc Lộ vẫn còn có những khắt khe thuộc chủ quan, những lệch lạc vì chưa hiểu rõ ba giáo lí uyên thâm đã làm nên con người Việt Nam kể từ lâu đời. Đặc biệt đối với Phật giáo, Đắc Lộ đã có những lời lẽ làm chói tai độc giả ngày nay. Dầu sao nếu ông chưa hiểu giáo lí đạo Phật và học thuyết của Lão Tử, thì ông cũng có một chút cởi mở đối với việc "thờ kính" đức Khổng Tử. Còn dĩ nhiên ông thóa mạ những tập tục đốt vàng, đốt mã kính vong linh người chết, cũng như những dị đoan mê tín khá phổ thông nơi dân gian thời đó.

Rồi mãi tới ngày thứ năm, ông mới giảng về Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi rồi tiếp sau mới nói tới Mầu Nhiệm Chúa làm người và chuộc tội thiên hạ. Tới ngày thứ tám, sau khi giảng về phán xét chung thì đề cập tới Mười điều răn để rồi bắt đầu dạy những điều cần thiết để chịu Phép Rửa Tội mà vào đạo thánh Đức Chúa Trời. Nói đạo thánh Đức Chúa Trời, chứ không phải đạo Pha Lang hay Phất Lang, có ý chỉ đạo người Bồ, hay đạo Hoa Lang, một cách phát âm khác của Pha Lang, người Bồ.

Có hai điểm làm chúng tôi rất thích thú, một là khi Đắc Lộ sử dụng những quan niệm hay tư tưởng các nhà nho ta lúc đó để đưa họ về giáo lí đạo Chúa, hai là những lí luận cổ điển phái Tômít để diễn giảng về Thiên Chúa và Ba Ngôi Thiên Chúa.

Mở đầu lời giảng ngày thứ nhất trong Phép Giảng, Đắc Lộ nói: "Ta cầu cùng Đ.C.T. giúp sức cho ta biết tỏ tường đạo Chúa là nhường nào. Vì vậy ta phải hay ở thế này chẳng có ai sống lâu: vì chưng kẻ đến bảy tám mươi tuổi chẳng có nhiều".

Không phải mãi cho tới năm 1969, người ta mới nghe nói tới câu thơ của Đỗ Phủ "nhân sinh thất thập cổ lai hi" nghĩa là "người thọ 70 xưa nay hiếm". Nhà thơ danh tiếng của chúng ta, Nguyễn Bỉnh Khiêm, từ thế kỉ 16 đã viết: "nhất nhân sinh bảy tám mươi". Và Đắc Lộ đã học biết điều đó. Ông nắm lấy cơ hội để đưa người ta vào một suy nghĩ triết học và thần học: ước muốn trường sinh đắc đạo và cách thế để đạt tới. Thật là đặc biệt.

Rồi Đắc Lộ lại tung ra câu nói trong dân gian, tương tự như thế này: phô ông thường nói "sinh kí, tử qui", như vậy phô ông chủ trương cuộc sống này thế nào. Sống gửi thác về, sống gửi là sống tạm bợ, còn chết về mới là về đời sau bền vững lâu dài. mấy giòng sau, Đắc Lộ còn như ngây ngô nói: "sinh là kí dã, tử là qui dã". Câu nói khấp khểnh, vụng về, ngây thơ vừa Hán vừa Nôm này đã làm cho nhà học giả Nguyễn Văn Tố rất đắc ý. Thật là tuyệt: sinh là kí dã, tử là qui dã. Vậy đã là tạm bợ thì phải tìm đàng nào cho được sống lâu mãi mãi. Hẳn vì thấy nhà nho của ta rất thích nói chữ, rất hay trưng câu thánh hiền, trích dẫn nơi sách nho, từ Tứ Thư Ngũ Kinh, nên Đắc Lộ cũng ném ra mấy câu chữ nho. Ông giảng: "Có chữ Annam nói rằng: Kiên thằng khả kế ngưu giác, lí ngữ năng phục nhân tâm, dây bền khá buộc được sừng trâu, lẽ thật khá phục được lòng người ta", như vậy, nếu là đạo lí đạo phải thì phô ông phải tin theo chứ. Và Đắc Lộ tiếp tục thỉnh thoảng lại đưa ra một vài chữ nho khác. Phô ông nói: thiên phú địa tái thì có nghĩa gì? Có nghĩa là trời che đất chở. Đã là trời che đất chở thì không thể là đối tượng cho ta thờ được. Hơn nữa tại sao phô ông nói: Nữ oa phụ thạch đới thiên, "đàn bà gọi là Oa đội đá vá trời", trời rách nát gì mà phải vá. Rồi phô ông còn viết: từ tạo thiên lập địa. Như vậy phải có một sự tạo dựng nào đó chứ. Và sau đây là lời lẽ Đắc Lộ tung ra để minh chứng Đấng tạo thành trời đất và muôn vật, chúa trời đất, Đức Chúa trời đất, đây mới chính là "thiên địa vạn hữu chi chân Chúa". Khi bác bỏ những cái sai lệch của Lão Tử, của Đạo Giáo, Đắc Lộ cũng tỏ mình như đã có đọc tới Đạo Đức Kinh, khi ông nói tại sao người ta lại viết: "Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật". Cái hay ở đây là giáo sĩ đã chọn một số câu nói thông dụng để tấn công vào tư tưởng hủ nho của ta và để trình bày hay đúng hơn dọn đường trình bày giáo lí.

Biết các nhà nho của ta theo thuyết duy lí, lấy lí lẽ suy luận làm cơ sở cho hành động, Đắc Lộ hơn một lần cho họ thấy khía cạnh hữu lí của đạo giáo. Ông viết: "Có phải mlẽ thì phải làm, chẳng phải thì chớ" (tr.17). Hoặc: "ví bàng phải mlẽ thì thờ, chẳng phải mlẽ thì chớ" (tr.31). Vào cuối sách, ngày sau cùng, ngày thứ tám, Đắc Lộ nhắc lại các nguyên tắc đẹp đẽ đó như sau: "cho nên ta thấy sự gì phải mlẽ thì ta theo, mà ta xem việc gì tlái mlẽ thì ta tlánh" (tr.278-279).
VietCatholic News (06/05/2005) Giáo sĩ Đắc Lộ (1593-1660): Phương pháp dạy giáo lí [2]

Đắc Lộ đi vào thần học về Thiên Chúa, theo lí thuyết kinh viện hay Tômít về một nguyên lí đệ nhất. Theo chúng tôi thì cái lối suy luận, biện luận này khá mới đối với giới trí thức của ta thời đó. Họ lâu năm dùi mài kinh sử, nghiền ngẫm sách thánh hiền, nhưng thực ra đầu óc họ đầy chữ nghĩa mà vẫn rỗng tuếch. Khi đi thi hội, thi đình để đỗ ông nghè ông cống, đề tài nhà vua nhà chúa đưa ra thường thuộc về phép trị dân, về những thời Ngũ Đế, thời Thuấn Nghiêu. Hơn nữa bài luận thuyết một là bị hạn chế bởi những điều kiêng kị, hai là phải biết nịnh kẻ cầm quyền. Có thể là lần đầu tiên, họ nghe một người đưa ra lí luận như sau:

"Bây giờ phải giảng thật Đức Chúa Trời là ai, Đức Chúa Trời ở đâu, bởi đâu có Đức Chúa Trời. Sự sau này cho ta giảng trước. Ta nói rằng thật Chúa trời đất chẳng ai làm mà có, vì chưng Đức Chúa Trời là cội rễ đầu, làm mọi sự". Đắc Lộ đã tìm được một từ ngữ rất nôm, rất bình dân, rất ảnh hưởng để dịch một từ triết học và thần học "causa efficiens", nguyên nhân tác thành. mấy giòng dưới, bản latinh còn đổi chữ "causa efficiens" thành "radix et causa", nghĩa là phối hợp hai từ lại để chỉ một thực tại, đầu cội rễ mọi sự. Và từ tư tưởng về cội rễ này Đắc Lộ đưa ra thí dụ về nguồn cội cây cối chứng tỏ phải có một căn nguyên mọi sự. Chữ "căn nguyên" này cũng được dùng tới. Rồi ông chứng minh Ngọc Hoàng, Mục Mũi đều không phải là Đấng tạo thành thiên địa vạn vật.

Khi luận về bản tính Đức Chúa Trời thì Đắc Lộ đã đưa ra những lí luận thuộc siêu hình, thuộc thần học kinh viện và đối với thính giả thời đó, những lí luận này rất lạ, rất mới. Đức Chúa Trời "thật có phép hay biết vô cùng", dịch từ chữ latinh là "infinita potentia & sapientia", Đức Chúa Trời "thật là tính thiêng liêng vô cùng mà chớ", dịch từ chữ latinh "infinita ejus Divinitas et essentia infinita". Tính, bản tính, căn nguyên đều là tiếng từ ngữ học thuyết kinh điển.

Ông tiếp tục: "Ví bằng tính Đức Chúa Trời là tính có cùng, lại có phép và hay biết vô cùng, làm sao được?", nhà nho thời xưa lí luận với những bồ chữ "chi hồ giả dã", nhưng không đi ra ngoài môn học từ chương. Đắc Lộ vẫn giảng về Đức Chúa Trời hằng có "mà chẳng có trước cũng chẳng có sau, vì tính vô cùng thật là phải có hằng sống vô cùng, bằng tính vô cùng".

trên đây chúng ta đã thấy Đắc Lộ lấy tư tưởng trường sinh bất tử trong đạo Lão, nghiền ngẫm qua các thi gia của ta, như một Nguyễn Bỉnh Khiêm, một thi gia nào khác đó thời Hồng Đức, tới đây, ông lại dùng tới chữ "thanh nhàn" để chỉ trạng thái "niết bàn" trên thiên quốc, trạng thái hay đúng hơn bản tính Thiên Chúa trên Nước Người. Ông viết: "Trong mình (ĐCT) rất vui vẻ, vì trong mình duy (vốn) có mọi sự vui vô cùng; khi chưa có thế giới này, cũng đã vui vẻ, mà dầu chẳng có ai nữa, một Đức Chúa Trời cũng trọn vui vẻ, thanh nhàn vô cùng".

Cái lí tưởng của đạo Nho nhuộm màu Lão Tử thời xưa, ít ra ở một số nho gia, đó là sự thanh nhàn vô sự, "thanh nhàn vô sự tiểu thần tiên" như Nguyễn Bỉnh Khiêm viết, vô sự là không vướng mắc trách nhiệm triều đình, hết chức vụ làm quan, thời kì nghỉ ngơi, hạnh phúc. Tư tưởng thanh nhàn vui vẻ này từ ba thế kỉ vẫn là tư tưởng then chốt trong sách bổn của chúng ta, bởi vì câu đầu trong sách bổn là câu: Hỏi phải làm đí gì cho được thanh nhàn vui vẻ vô cùng? Thưa, Phải giữ đạo thánh Đức Chúa Trời. Tất cả từ ngữ lẫn tư tưởng đều lấy từ Đắc Lộ, trong Phép Giảng tám ngày, trong thần học của Đắc Lộ vậy. Mãi cho tới những năm 1965-1967 khi sửa lại sách bổn, người ta mới thay thế câu hỏi trên bằng: Hỏi: Ta sống ở đời này để làm gì? Thưa: Ta sống ở đời này để nhận biết, thờ phượng và kính mến v.v.

Cuốn Yếu lí của Giáo hội công giáo 1992 bắt đầu bằng khát vọng Thiên Chúa của con người ta: "Khát vọng Thiên Chúa được ghi trong lòng con người". Phép Giảng bắt đầu bằng:

"Ta cầu cùng Đức Chúa Lời giúp sức cho ta biết tỏ tuầng đạo Chúa là nhuầng nào. Vì vậy ta phải hay ở thế nầy chẳng có ai sống lâu vì chưng kẻ đến bảy tám mươi tuểi chẳng có nhèo vì vậy ta nên tìm đàng nào cho ta được sống lâu là kiếm hàng sống vậy".

Trên đây là luận về một "thiên địa vạn vật chân Chúa", còn khi diễn giảng về "tam vị nhất thể Thiên Chúa giả" thì Đắc Lộ đã đề cập tới như thế nào? Như chúng ta đã biết, Đắc Lộ không nói về Ba Ngôi ngay ở chương đầu, ngày thứ nhất. Mãi tới ngày thứ năm, ông mới bàn tới. Nhưng trước khi diễn giảng, ông đã rào trước đón sau, chuẩn bị cho người ta hiểu và nhận một mầu nhiệm trọng đại. Bởi vì nếu cho tới đây người ta có thể nhận một Chúa trời đất, nhưng chưa chắc đã chịu một lí lẽ về một Chúa Ba Ngôi. Ông viết: "Rày thì giảng hai điều nhất trong đạo thánh Đức Chúa Trời, và rất siêu nhiệm cũng rất cao là đều giảng (Sanctissima Trinitas) lời nói chẳng hết lẽ sốt, và đều giảng phép cả Đức Chúa blời ra đời, làm cho ta hãi".

Cũng nên biết là Đắc Lộ nhất định không dùng "Thánh Thần" để chỉ Đức Chúa Thánh Thần. Ông nhận chữ "thiên thần" để chỉ đức thánh thiên thần, thần trời. Bởi vì theo ông, chữ "thần" còn nhuốm quá mầu sắc ngoại giáo: dân gian người ta tin thần, quỉ, tà thần, hung thần, thần sông, thần núi, thần gió, thần biển... đâu đâu cũng có thần. Cho nên Đắc Lộ vẫn giữ nguyên văn La ngữ hay Bồ ngữ "Sanctissima Trinitas" hay "Sanctissima Trinidade" và nhất là Spiritus Sanctus hay Spirito Sancto (Thánh Thần). Dẫu sao, chúng ta đã có "tam vị nhất thể" và "ba ngôi một tính", vị là ngôi, thể là tính. Ông còn nói: một tính, một tòa. Ba ngôi đó là đức Cha, đức Con, và đức Spiritus Sanctus. Đắc Lộ cắt nghĩa: "là đức Cha, thật là Cha vì đẻ ra Con hằng vô cùng vậy, lại đức Con thật là Con vì có Cha đẻ hằng vô cùng vậy mà lại đức Chúa Trời là đức Spirito Sancto, thật là Spirito Sancto, vì chịu thông qua hằng vô cùng bởi đức Cha và bởi đức Con yêu nhau vậy".

Theo đúng thần học kinh viện, Đắc Lộ tiếp tục diễn giải về liên quan giữa Ngôi Cha và Ngôi Con: "Đức Chúa blời là đức Cha hằng biết bậc trọn lành mình vô cùng mà sinh ra ảnh thiêng mình hay là lời vô cùng mà thông ra trót tính mình, cho ra đức Con cũng bằng đức Cha". Hình ảnh là tiếng thánh Phaolo dùng để chỉ Con Thiên Chúa và lời là từ ngữ thánh Gioan viết ngay ở chương đầu sách Phúc âm của Ngài. mấy giòng sau, Đắc Lộ còn tiếp tục giảng: "Đức Cha xem thấy tính thiêng liêng mình như gương rất sáng, vậy thì đẻ ra ảnh mình rất khéo rất sáng mà tự nhiên thì thông ra trót tính mình cho ảnh ấy, mà bức ảnh ấy là đức Lời đức Chúa trời hằng có vậy". Chúng tôi có cảm tưởng một cách thô kệch, là người thời đó cũng hẳn chỉ coi như những lời bí ẩn trong Đạo đức Kinh của Lão Tử hay trong Kinh dịch huyền nhiệm, nhưng diễn giải bằng chữ bình dân, bằng lời nói thông thường mà thôi. Về Chúa Thánh Thần, Đắc Lộ viết: "Sự đức Cha cùng đức Con yêu nhau vô cùng làm vậy, gọi là đức Spirito Sancto...". Nói tóm lại là "đức Cha và đức Con và đức Spirito Sancto, cùng một Đức Chúa Trời, là một tính mà thôi thì có ba ngôi, là căn nguyên và cội rễ đầu mọi sự, và mọi sự thì cùng về một Đức Chúa Trời".

Riêng về những từ ngữ vẫn còn là tiếng Latinh thì thực ra cũng không gây phiền hà khó khăn gì. Phật giáo truyền qua nước ta do ngả Trung quốc là phần nhất, nên người ta vẫn tụng kinh bằng chữ Hán và vẫn còn có nhiều câu vẫn bằng tiếng phạn. Chỉ sau này, dần dần, chúng ta mới dịch toàn thể từ ngữ thần học ra chữ nôm hay chữ Việt, tiếng Việt.

Trên đây, chúng tôi mới chỉ vắn tắt trình bày một vài điểm có thể gọi là chính yếu trong việc dẫn giải thần học và giáo lí. Phải đọc lại để một là nhận thấy sự cố gắng của tác giả, hai là để thưởng thức cái hương vị ngọt ngào của những bản văn đơn sơ, ngô nghê nhưng không kém phần sâu sắc./.

o0o

CHÚ THÍCH

[2]. "Khi tôi đến từ biệt ông, thì tôi rõ ràng tỏ tâm tình tôi giữ trong lòng và thấy ông đã tới tuổi thọ bát tuần và hơn nữa, thế nhưng tới nay, vẫn trì hoãn, chưa theo đạo là đàng thật, đàng độc nhất cứu rỗi đời đời; bà vợ cũng hết sức sốt sáng khuyên dụ ông xin chịu phép thánh tẩy. Tôi nhận được lời từ lâu mong đợi, là ông tự nguyện trao thân trong tay tôi và tôi tùy ý dạy đạo cho ông. Thế là tôi bắt đầu giảng mấy điều chính yếu trong đạo, nhưng phải tỏ cho ông biết những việc phải làm, những điều phải nhận khi thành Kitô hữu...".

Sau khi viên cựu trấn thủ có bà vợ công giáo này từ chối, thì Đắc Lộ viết cảm tưởng như sau:

"Tôi đành để ông trong tình trạng khốn đốn và rất tiếc, chỉ bắt ông tự tay viết những tên thánh Jesu Maria và khuyên ông nên luôn cầu khẩn các ngài giúp đỡ. Tôi mong rằng Thiên Chúa sẽ thương ông khi cần, dựa vào sự cần mẫn và săn sóc liên tục của bà vợ rất lành thánh, bà coi sự hèn nhát của ông như một nhát dao đâm vào lòng bà".

III. PHỤNG VỤ VÀ NGHI LỄ

Không phải chỉ với Đắc Lộ, chúng ta mới có phụng vụ và nghi lễ. Nhưng nhờ Đắc Lộ và qua Đắc Lộ, chúng ta biết tổ chức nghi lễ ở thời này như thế nào. Trước hết là vấn đề lịch phụng vụ. nước ta vào thế kỉ này, việc soạn lịch kể là tối quan trọng. Chính quyền có một cơ quan, một bộ lễ để soạn lịch, nhưng đúng hơn, người của chúng ta ít có khả năng để soạn lịch; nói chung, phụng lĩnh lịch Trung quốc và ngày phát lịch là cả một nghi lễ trang trọng. Nơi dân gian, người ta biết các tháng trong năm và mỗi tháng có hai ngày trọng đại là ngày mồng một và ngày rằm theo cách tính mặt trăng. Lịch công giáo lại tính theo mặt trời, không theo mồng một ngày rằm, không theo thượng trung hạ tuần mà theo tuần lễ bảy ngày. Chính ra ngày thứ bảy là ngày Sabbato, ngày Thiên Chúa nghỉ sau khi tạo dựng vũ trụ và loài người trong sáu ngày. Nhưng trong Tân Ước thì Đức Giêsu đã sống lại ngày đầu trong tuần bảy ngày của người Do thái. Do đó chúng ta lấy ngày thứ nhất là ngày của Chúa, chủ nhật, ngày Chúa phục sinh. Vậy cần thiết làm lịch, không những để biết những ngày lễ chính yếu và các mùa liên hệ trong năm như mùa Vọng và Sinh nhật, mùa Chay và Phục sinh, mà còn các ngày của Chúa, chủ nhật, và ngày thứ sáu lúc đó còn giữ kiêng khem nghiêm chỉnh. Đắc Lộ nói đã cho khắc gỗ in lịch và phân phát cho các giáo đoàn qua trung gian các thày giảng và giáo dân hữu trách. Ông kể lại một câu chuyện hi hữu: ở một cộng đoàn kia, trong giáo dân không ai biết đọc, dĩ nhiên là chữ nôm, do đó phải thuê một "kẻ ngoại" đến nhà thờ đọc lịch và đọc sách thiêng liêng cho bổn đạo nghe.

Đắc Lộ cũng cho biết giáo dân có thói quen hội nhau, đặc biệt là ngày chủ nhật, để đọc kinh và nghe sách, nghe thư chung giáo sĩ gửi tới. Vì thiếu linh mục nên giáo dân tổ chức với nhau. Việc đọc kinh sáng tối ở nhà cũng có từ thời này. Đắc Lộ kể đã có một lần giáo dân bí mật đến gặp giáo sĩ: họ đã bị phát giác chỉ vì ngay mới tinh sương, họ đã đọc kinh sáng làm cho lính canh để ý.

Lễ Sinh nhật được cử hành rất cảm động, ở nhà thờ cũng như ở nhà tư. Thày Y Nhã đã một lần dự lễ Sinh nhật ở tư dinh bà Maria. Đã có thày giảng biết làm hang đá và trang hoàng đẹp đẽ, mĩ thuật. Hãy nghe Đắc Lộ nói về lễ Giáng sinh năm 1644 ở một thôn xóm thuộc Đàng Trong, tại một nhà giáo dân tên là Gioan Hảo, hình như ở Nước Mặn thuộc Qui Nhơn, nơi người dân làm muối:

"Đây mới thật sốt sáng mừng đêm Giáng sinh: nửa đêm thanh vắng, tôi cứ tưởng như thấy mọi ánh sáng thiên đàng. Tôi không nói tới nguồn an ủi tôi nhận được ở đây, nhưng tôi quyết rằng trong những nhà thờ đẹp nhất, trong những bản nhạc hay nhất bên trời Âu, chưa bao giờ tôi thấy có gì tương tự, không ai thấu được, chỉ người đã thưởng thức mới biết mà thôi. Vào tảng sáng, tôi ra lệnh cho mọi người rút lui vì tôi vẫn nơm nớp sợ những gì có thể xảy ra khi chúng tôi chia tay".

Đây là lời Đắc Lộ viết lại trong Hành trình xuất bản tại Paris năm 1653. Còn ở bản tường trình viết ngay tại Macao năm 1645 thì ông chỉ viết vắn tắt, nhưng có mấy chi tiết cảm động. "Trong làng này tôi đã mừng lễ Giáng sinh trong một nhà rộng lớn đã trang trí tươm tất, nhà này thuộc một người tên là Nicola Hảo, một Kitô hữu kì cựu nhất, đã được chịu phép rửa tội từ 25 năm nay do cha FranỄois Buzomi thuộc dòng chúng tôi và là người đầu tiên tới khu truyền giáo này năm 1615".

Tới mùa Phục sinh, thì thật là cả một phương pháp giáo huấn và sống phụng vụ dồi dào. Đắc Lộ cho biết, một lần đi thuyền biển vào mùa Chay và Tuần thánh. Lúc dạt vào một hòn đảo, ngài đã cho các thày giảng lấy lá dừa rất có nhiều ở đảo này làm lá để rước lá. Rồi tới ba ngày thánh vì không đủ phương tiện hát kinh theo nghi lễ giáo hội thì Đắc Lộ soạn 15 ngắm, cứ sau mỗi ngắm thì tắt một trong 15 ngọn nến thắp sáng, theo thể thức hát kinh đêm trong ba ngày thánh. Đắc Lộ viết trong Lịch sử Đàng Ngoài:

"Để cho họ khỏi bị thiệt thòi, thì chúng tôi đã chia các mầu nhiệm thương khó làm 15 đề tài chính. Cứ sau khi đọc chung mười kinh chuỗi hạt thì ngắm một đoạn và suy niệm một trong 15 sự thương khó, sau mỗi lần như thế thì lại tắt một trong 15 ngọn nến sáng theo tục lệ trong giáo hội Roma. Trong nghi lễ, họ khóc lóc, kêu gào và rên rỉ tỏ lòng thương mến những thống khổ và cái chết của Chúa Cứu Thế, người lân cận cũng đến nghe".

Lại còn lễ Nến, Đắc Lộ cũng làm phép Nến rồi cho giáo dân đem nến phép về nhà để thắp khi có người qua đời. "Nến làm phép này giúp họ trong giai đoạn tối hậu và nguy hiểm của đời sống, để xua đuổi tướng lãnh tối tăm và địch thù ơn cứu rỗi".

Đắc Lộ cũng cho thánh hóa ba ngày Tết Nguyên Đán, những ngày khá nguy hiểm theo ông, vì có nhiều tục lệ mà ông cho là dị đoan mê tín như dựng cây nêu, cúng bái tổ tiên, hái lộc nơi các đền điện chùa chiền. Thay vì cây nêu thì dựng cây thánh giá, ngày mồng Một kính Thiên Chúa Cha, Đấng tạo thành thiên địa, ngày mồng Hai nhận biết ơn Cứu chuộc kính dâng Con Thiên Chúa và ngày mồng Ba, cảm tạ Chúa Thánh Thần, Đấng đã gọi chúng ta "vào đạo Kitô".

Trở lại việc ngắm 15 sự thương khó, chúng tôi đã so sánh bản hiện nay còn được dùng trong Mùa Chay với bản trong Phép Giảng thì chúng tôi thấy bản ngày nay có khá nhiều điểm chứa đựng trong Phép Giảng, đặc biệt mấy câu chuyện truyền thuyết không có trong Phúc âm, thí dụ năm nghìn đòn, bảy mươi hai cái gai, khăn bà thánh Veronica rày hãy còn ở thành Roma... Về từ ngữ thì bản ngày nay vẫn còn phản ảnh bản trong Phép Giảng. Thí dụ: đầy tớ cả, cả và, đí gì, giã (từ giã), Kẻ Chợ, là đá, mắng tiếng, min, rình sinh thì, thày cả Giu dêu... Hơn ba thế kỉ nay, hẳn đã có sự sửa chữa, nhưng tựu trung không thay đổi gì quan trọng./.

IV. HỘI CÁC THÀY GIẢNG

Đắc Lộ là một nhà truyền giáo, một tông đồ nhiệt thành, một nhà giảng giáo lí và tổ chức phụng thờ nghi lễ vừa bình dân vừa sốt sáng. Nhưng ông còn là một nhà lãnh đạo, một thủ trưởng có tài tổ chức. Giáo đoàn có nhiệt tâm, nhưng nếu không có lãnh tụ để chỉ dẫn thì giáo đoàn ấy không có cơ phát triển. Lúc này chỉ có các giáo sĩ ngoại quốc, chưa có linh mục bản xứ. Vậy việc tốt nhất là huấn luyện một lớp thày giảng người bản xứ, trao cho họ một nhiệm vụ nho nhỏ, như dạy giáo lí, sửa soạn người để chịu phép rửa tội. Họ là những cộng tác viên rất đắc lực của nhà truyền giáo, vì họ là người thuộc Đất Nước, biết phong tục của Đất Nước, nói tiếng bản xứ, dễ dàng đi lại tiếp xúc mà không bị nghi ngờ.

Trong số những người được chọn và được huấn luyện thì có người có học, hoặc đã là thày đồ dạy học, đã là thày sãi. Khi họ theo đạo thì được Đắc Lộ giảng dạy giáo lí và cho đi thực tập tại chỗ, nghĩa là theo giáo sĩ. Đàng Ngoài, chúng ta được biết có mấy người chính yếu là Phanchicô, Anrê, Inhaxu và Antôn.

Phanchicô là một thày sãi, một người thành tâm tìm đạo lí, nhưng sau khi nghe Đắc Lộ rao giảng thì ông liền bỏ đền chùa miếu mạo mà theo đạo. Ông cũng tò mò xin đến ở nhà giáo sĩ trú trọ, không phải để theo mà để xem các giáo sĩ ở đây có giữ những lời các ông dạy hay không. Khi thấy không những các giáo sĩ giữ mà còn giữ nghiêm khắc hơn lời giảng dạy, lúc đó ông mới thú nhận và xin làm người trợ giúp. Ông được đặt làm thủ trưởng các thày giảng. Phần 2 chương 19 trong Lịch sử Đàng Ngoài, có nói tới cuộc trở lại của ông. Khi Đắc Lộ lên đường để trở về Macao thì đem theo Phanchicô cho tới khi đến bến tàu. Phanchicô ngỏ lời muốn theo thày về Macao nhưng Đắc Lộ khuyên nên ở lại, vì giáo đoàn cần đến ông.

Antôn là một thanh niên cường tráng, anh đã tự nguyện làm người giúp việc trong cộng đoàn. Sau được đi theo Đắc Lộ trong hành trình vào Thanh Nghệ năm 1629. Cũng thế Inhaxu cùng đi thuyền với Đắc Lộ khi bị trục xuất. Trên thuyền, vào buổi tối Inhaxu vì có tài thơ phú nên đã ca hát cho vui, và cũng là cơ hội tuyên truyền các giáo lí cơ bản.

Trước khi trở về Macao năm 1630, Đắc Lộ đã tổ chức một lễ tuyên thệ long trọng và cảm động. Các thày đặt tay trên sách Phúc âm và thề ba điểm, một là giữ luật độc thân, hai là không giữ của cải riêng cho mình, ba là phải vâng lời thày thủ trưởng cho tới khi nào có các cha dòng tới. Phanchicô đọc lời thề trước hết rồi đến Anrê và Inhaxu, sau cùng là Antôn.

Đó là ở Đàng Ngoài, còn ở Đàng Trong thì Đắc Lộ cũng cho tổ chức hội các thày giảng tương tự như thế. Đắc Lộ nói đoàn thể các thày giảng gồm có Anrê, Inhaxu, Vinh sơn và bảy người khác, rồi sau cùng thêm hai người nữa, làm thành 12. Anrê là người chứng thứ nhất, tử đạo tháng bảy năm 1644 trước mặt người cha, người thày và người anh là Đắc Lộ. Nhưng người nổi tiếng nhất là thày Inhaxu (Y Nhã) "trước kia làm quan, một trong những viên quan thời danh nhất và giỏi giang nhất trong phủ chúa". Đắc Lộ nói nhiều về thày, vì thày được trao cho những nhiệm vụ quan trọng, đưa phái đoàn lên miền Bắc giảng dạy thay Đắc Lộ; thày đứng ra tranh luận với một "tuyên úy" của Tống Thị và vì thế bị bà này căm thù và bị lên án tử. Mấy lần bị bắt và bị tra hỏi, thày vẫn cương quyết giữ vững niềm tin.

Cũng như khi còn ở Đàng Ngoài, Đắc Lộ đã làm lễ tuyên thệ cho các thày giảng, thì ở Đàng Trong ngày 31 tháng 7 năm 1643, đúng ngày lễ thánh tổ Inhã, Đắc Lộ đã cho đoàn thể các thày giảng tuyên thệ. Trước khi rời Đàng Trong, Đắc Lộ đã ghi trên giấy những lời dạy dỗ và cắt đặt Inhã làm thủ trưởng. Inhã và Vinh sơn đã chết tử vì đạo thời chúa Nguyễn Phúc Lan ngày 22 tháng 6 năm 1646, chung qui cũng chỉ do lòng thù ghét của một người đàn bà nhân tình nhân nghĩa của Phúc Lan. Trong Hành Trình và Truyền Giáo, Đắc Lộ viết về cái chết vinh quang của hai thày. Còn Saccano là người tới Đàng Trong sau khi Đắc Lộ về Macao, nói tới cuộc tử đạo của hai người trong cuốn Tường Trình về Xứ Đàng Trong xuất bản tại Paris năm 1653. Saccano dành hai chương nói tóm tắt về cuộc đời thày giảng Inhã và thày giảng Vinh sơn. Bản tường trình được viết tại Đàng Trong năm 1646.

Như vậy là vào thời Nguyễn Phúc Lan ở Đàng Trong đã có ba thày giảng chịu chết vì đạo: Anrê (Phú Yên), Inhã (Vinh Nghệ Tĩnh) và Vinh sơn (Quảng Ngãi).

Tổ chức các thày giảng được duy trì mãi cho tới năm 1954 là năm có cuộc di cư lớn lao làm xáo trộn các qui chế đạo./.

V. VẤN ĐỀ CÁC GIÁO SĨ BẢN QUỐC

Như chúng tôi đã nói ở trên, Đắc Lộ trở về Âu châu với ba mục đích: một là thỉnh cầu Đức thánh Cha sai các giám mục tới Đàng Trong và Đàng Ngoài, hai là thông báo cho các vua chúa công giáo biết sự nghèo khó của các giáo sĩ truyền giáo ở những xứ này, và ba là cho Bề Trên Cả Dòng biết cần phải phái các giáo sĩ tới truyền giáo. Điều chúng tôi được biết là đã có khá nhiều giáo sĩ tình nguyện ra đi, trong số đó có cha J. Tissanier người Pháp và vẫn có người tiếp tục đi truyền giáo. Còn về việc phái các giám mục đi thì còn gặp nhiều trở ngại. Triều Roma chậm chạp. Nhưng ở Pháp đã có nhiều tổ chức sẵn sàng ủng hộ.

Chúng tôi chưa nghiên cứu tường tận về thời kì Đắc Lộ vận động ở Roma cũng như ở Paris. Chúng tôi chỉ nghi nhận theo những gì hiện có tại Văn khố trụ sở các cha thừa sai Ngoại quốc Rue du Bac, thí dụ: Đắc Lộ tới Paris tìm được những người cộng tác, gặp cha Bagot, tới thăm phố Coupeaux, ca tụng cha Amatus đã bênh vực lập trường của Đắc Lộ. Ông gửi một bức thư cho M. de Meurs nói về tình trạng các khu truyền giáo ở Viễn Đông; một tài liệu khác cho biết các chi tiết về hành trình đi Trung quốc của các thừa sai; đơn xin thánh bộ phái các giám mục tới Đàng Ngoài và Đàng Trong, đơn gửi các Hồng y cũng về việc này, những vận động ở Roma, những lời giải thích vận động của ông, những cuộc hành trình vô ích, nghĩa là không được việc. Có mấy văn kiện được ghi rõ năm tháng, thí dụ đơn thỉnh cầu năm 1651, đơn thỉnh cầu đức Alexandre VII năm 1657 do Vincent de Meurs đọc. Lại còn bản tường trình Đắc Lộ viết, trong đó ông cho biết các lí do vì sao ông không muốn nhận chức giám mục mà người ta muốn phong cho ông, vào năm 1656. Có một tài liệu đầy đủ hơn cả tự tay Đắc Lộ viết, rõ hơn hết ở "volume 200 tr. 5-12". Chúng tôi thiết nghĩ ĐC Chappoulie cũng đã biết tới những văn kiện này và một phần các văn kiện cũng đã được Launay in trong tác phẩm Các tư liệu lịch sử giáo hội Đàng Ngoài.

Hội Thừa Sai được thiết lập vào năm 1659, một năm trước khi Đắc Lộ mất tại Ba tư (1660), Đàng Trong và Đàng Ngoài được trở thành địa phận tông tòa. Một giám mục, năm 1659, được cử đi, nhưng không vào được Việt Nam. Đó là đức cha Fr. Pallu thuộc Hội Thừa Sai ngoại quốc Paris. Nhưng cũng từ đây xảy ra tranh chấp giữa các giám mục tông tòa và các giáo sĩ Dòng Tên.