Bước qua 'lời nguyền', cả làng đua nhau hiến giác mạc
22/06/2011 14:55

(VTC News) - Vượt qua “lời nguyền” về sự siêu thoát, hàng chục người dân ở thôn Bình An 1, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tự nguyện hiến giác mạc của mình với mong muốn đem lại ánh sáng cho những người có bệnh về mắt.

Vượt qua “lời nguyền” siêu thoát

Về Phú Lộc, đi đâu chúng tôi cũng nghe xôn xao câu chuyện hiến giác mạc… của người dân thôn Bình An 1, thuộc xã Lộc Vĩnh. Khá ly kỳ về sự tình này, tôi gặp ông Nguyễn Thanh Kiều (55 tuổi, trưởng thôn Bình An 1) để tìm hiểu thực hư sự việc.

Mới nói đến chuyện hiến giác mạc, ông Kiều “tua” ngay cho chúng tôi danh sách những người trong làng sẵn sàng hiến đi một phần “cửa sổ tâm hồn” của mình. Thấy chúng tôi bất ngờ trước thông tin cả làng đua nhau tình nguyện hiến giác mạc, ông Kiều cho biết đó là một câu chuyện có thật, hoàn toàn không thêu dệt mà nên.

“Hiến giác mạc là một chủ trương lớn của Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam, dù mới phát động, nhưng Bình An 1 đã có hơn 50 người đồng ý hiến giác mạc".

Bản thân ông Kiều hiểu rằng, để một người dân tự nguyện hiến giác mạc là một công việc cực kỳ khó, ông đã tự mình đăng ký phiếu thông tin hiến giác mạc đầu tiên để làm gương.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Kiều chia sẻ, lúc đầu công tác vận động có lúc như rơi vào bế tắc vì người dân còn nặng về tâm linh, cái mà người dân vẫn thường bảo là “lời nguyền” siêu thoát.



Ông Kiều cho rằng việc vận động người dân hiến giác mạc ban đầu khó khăn, nhưng người dân dần hiểu rõ và đã đồng tình ủng hộ



Khi mới nhắc đến 'hiến giác mạc', nhiều người dân An Bình sững sờ vì lo sợ nếu hiến là “móc" con mắt của mình đem cho người khác. Ở Thừa Thiên Huế, người dân vẫn còn nặng quan niệm chết toàn thây. Ban đầu, cuộc vận động bắt đầu có những luồng ý kiến khác nhau. Chủ yếu người dân không đồng tình với quan điểm đem mắt mình đi cho người khác.

Biết người dân hiểu sai việc, ông Kiều quyết định tìm hiểu thêm thông tin rồi tuyên truyền cho bà con hiểu việc hiến giác mạc không phải là lấy con mắt cho người khác. Trái lại, việc cho giác mạc là một nghĩa cử cao đẹp, “người hiến chỉ cho đi lớp màng bên ngoài, còn con mắt thì vẫn còn nguyên”, ông Kiều nói.

Tuy nhiên, việc tuyên truyền ban đầu cũng chẳng thấm vào đâu khi khắp thôn vẫn xôn xao câu chuyện “móc mắt” cho người khác. Nghe đến đó đã rợn người, không chỉ lũ trẻ mà cả người lớn cũng ớn lạnh.

Để kiến thức thấm vào từng người, một trào lưu vận động được tiến hành thông qua các tuyên truyền viên lưu động là các cụ già, Đảng viên… Từ ý thức cho con mắt của mình, hàng chục người dân đã hiểu được thế nào là hiến giác mạc.

Ông Kiều “khoe" rằng, chính nhờ mẹo đó mà người dân Bình An 1 đã dần đồng ý. Mỗi ngày, thôn trưởng Bình An 1 đã được tiếp nhiều cuộc điện thoại người dân hỏi thăm, trao đổi, đăng ký hiến giác mạc.

Cả làng thi nhau đi hiến giác mạc

Thấm thía được nghĩa cử cao đẹp, đồng thời vượt qua “lời nguyền” tâm linh, rất nhiều người dân Bình An 1 đua nhau tình nguyện hiến giác mạc. Thay vì lúc đầu đi vận động bà con, đến thời điểm này, ông Kiều thường tiếp nhận việc đăng ký ngay tại nhà vì… người dân tự nguyện đến “hiến”.



Ông Điểu và vợ đều đồng ý đi hiến giác mạc với tinh thần tự nguyện



Để tìm hiểu rõ về những con người dám “hy sinh” thân thể mình để đem lại ánh sáng cho người khác, chúng tôi gặp vợ chồng ông Trần Điểu (67 tuổi, Chi hội trưởng Hội người cao tuổi Bình An 1) và bà Phan Thị Tâm (68 tuổi), hai vợ chồng tiên phong trong công tác tình nguyện hiến giác mạc ở Bình An 1.

Ông Điểu nói: “Lúc đầu nghe nói đến hiến giác mạc ai cũng sợ nhưng sau khi thuyết phục, giải thích thì trong nhà ai cũng đồng ý. Bà xã cũng nhất trí hiến giác mạc để cứu người... Tôi nghĩ mô hình hiến giác mạc nên nhân rộng và khuyến khích tinh thần tự nguyện trong mỗi người dân. Đó là một việc làm từ thiện hữu ích đối với dân nghèo vùng biển chúng tôi”.


Từ những kỳ thị ban đầu, người dân đã hiểu ra “việc hiến giác mạc chẳng ảnh hưởng gì đến bộ phận con người cả, tôi thấy mọi người nên ủng hộ chủ trương này” (lời một người dân Bình An 1).

Trong câu chuyện, chúng tôi cũng được nghe ông Điểu nhắc đến “lá cờ đầu” phong trào hiến giác mạc ở Bình An 1 - đó là ông Hoàng Lộc, một cao niên 84 tuổi. Khi nhắc đến ông Lộc, người dân nào cũng nể trọng về những việc làm nhân đạo của vợ chồng ông.



Lão thành quân đội - ông Hoàng Lộc cho rằng nên nhân rộng mô hình hiến giác mạc để đem lại ánh sáng cho người có bệnh về mắt



Là một cán bộ quân đội về hưu, ông Lộc đã cùng với những người có uy tín trong thôn đi vận động bà con. Để mọi người tín nhiệm, ông Lộc đã cùng với vợ tự nguyện ký vào bản xin hiến giác mạc cho những người có nhu cầu.

“Tôi thấy việc hiến giác mạc có rất nhiều lợi ích, thứ nhất có lợi cho xã hội vì đem lại ánh sáng cho nhiều người có bệnh về mắt. Thứ hai, có lợi cho bản thân, vinh dự cho gia đình, họ tộc…”, ông Lộc chia sẻ.

Ông Bùi Ngọc Ga, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Ban đầu việc vận động bà con hiến giác mạc rất khó khăn vì người dân còn mang nặng tâm linh, tập quán… Tuy nhiên, hiện ở 7 thôn ở Bình An 1 đều có người đăng ký hiến giác mạc, cao nhất là thôn Bình An 1 với người đăng ký trên 50 người”.

Được biết, hiện tại số người đăng ký hiến giác mạc ở xã Lộc Vĩnh ngày càng tăng lên. Độ tuổi đăng ký hiến thường trên 50 tuổi, tập trung chủ yếu vào các cao niên trong làng.

Trần Viết Long