ĐIỀU CHỈNH TÂM
ĐỂ TẠO NÊN MỘT GIAI ĐIỆU NGỌT NGÀO
Tenzin Palmo – Thanh Liên Việt dịch
[hr]

Ni Sư Tenzin Palmo là đối tượng của quyển sách “Trong Động Tuyết Sơn” của Vicki Mackenzie thuật lại tiểu sử của Ni Sư Palmo và mười hai năm trong ẩn thất cô tịch của bà. Năm ngoái, bà đã gặp gỡ những người tham dự khóa nhập thất Lamrim (1) của Tushita Dharamsala và những hành giả khác tại Tu viện Tashi Jong bên ngoài Dharamsala, Bắc Ấn Độ. Bài viết dưới đây thuật lại cuộc trò chuyện của họ.
TÔI HY VỌNG LÀ CÁC BẠN NHẬN RA ĐƯỢC RẰNG CÁC BẠN VINH DỰ BIẾT BAO và hẳn các bạn đã tạo nên một nghiệp phi thường trong quá khứ nên ngay trong đời này mới có cơ hội thọ nhận những giáo lý Lam-rim này. Các bạn từ những nơi rất xa tới đây do hội đủ những nhân duyên, vậy mà những người sống ở đây, đối với họ đây là một phần của nền văn hóa của họ, thì thậm chí chẳng bao giờ có nguyện ước thực hiện những gì các bạn đang làm, đó là thực hiện một cuộc nhập thất Lam-rim hai tháng.

Một vài người sau khi tham dự một khóa Lam-rim, đã kết thúc với cảm nghĩ như – “Whoa! Bất kỳ bạn làm điều gì thì các cõi địa ngục cũng hiện lờ mờ trước mặt bạn!” Nhưng không phải thế. Các bạn hết sức may mắn không chỉ vì có cơ hội thực hành Pháp, mà còn có nguyện ước thực hiện nó. Nếu các bạn không có một nguyện ước, thì cho dù Pháp có ở ngay trước mặt các bạn, các bạn cũng không vươn tay để lấy nó. Tự thân Giáo Pháp rất bao la, và khi người Tây Tạng thọ nhận nó trọn vẹn từ Ấn Độ, họ đã làm những sự tuyển chọn.

Thiên tài của người Tây Tạng chính là cách thức họ sử dụng những gì họ có và lập ra hệ thống Lam-rim này, và biến nó thành con đường hợp lý có thể thực hiện được. Giờ đây hệ thống này đã được sử dụng không thay đổi trong một ngàn năm. Nhưng điều quan trọng là phải cân nhắc rằng từ lúc ban đầu cấu trúc Lam-rim được người Tây Tạng thiết kế cho người Tây Tạng, vì thế không nhất thiết là mỗi mẩu Lam-rim đều phải được áp dụng một cách rộng rãi. Điều này nghe có vẻ giống dị giáo, nhưng vấn đề quan trọng là làm thế nào để Pháp - Lam-rim – chung sống với các bạn thật hiệu quả, để nó có thể chuyển hóa đời sống hàng ngày của chúng ta.

Tôi không nói điều này như một sự phê bình. Hệ thống Lam-rim này làm việc cho người Tây Tạng và - giống như một dây chuyền lắp ráp - họ đã sản sinh vô số những bậc giác ngộ. Thật đáng ngạc nhiên là một nền văn minh nhỏ bé như thế lại sản sinh ra rất nhiều bậc giác ngộ. Văn hóa Tây Tạng không có nhiều tác phẩm văn học thế tục – nó không có những tiểu thuyết, không có Shakespeare, không có thơ tình yêu mà chỉ nói về Pháp. Hiển nhiên là họ không có ra-đi-ô, không có máy truyền hình, không có các tạp chí, không có những tiểu thuyết hấp dẫn, không có gì hết, chỉ có Pháp.

Về cơ bản thì tâm con người Tây Tạng cũng hết sức trống trải, giống như môi trường bên ngoài của họ, vì thế họ làm tràn đầy nó bằng nhiều hệ thống và những cấp độ và những quán tưởng rắc rối, những triết học phức tạp, đó là bởi họ có rất nhiều không gian trống trải ở bên trong. Nếu các bạn suy nghĩ về xứ Tây Tạng, nó bao la, rộng lớn và tràn đầy không gian trống trải, thì bạn có thể hiểu được tại sao khi các bạn nhìn những thangka (tranh cuộn) của họ, chúng không có không gian! Mỗi một phân vuông đều được bao phủ bởi cái gì đó. Vì họ đang đối phó với không gian bao la ở bên ngoài đó, cho nên khi đến với sự thực hành thì họ phải làm đầy nó càng nhiều càng tốt.

Một vấn đề khác liên quan tới người Tây Tạng là khi suy nghĩ về nền văn hóa và môi trường của họ, các bạn phải đe dọa họ bằng những cõi địa ngục khủng khiếp và những hình phạt rùng rợn đối với những việc tầm thường nhất để họ phát triển lương tâm. Nhưng những người Tây phương, đặc biệt là những người Tây phương đến với Pháp, thì những cái sọ của họ rất mỏng manh. Chúng thường được chứa đầy sự tự-ghê tởm và tội lỗi. Nếu bạn đánh chúngï bằng một chiếc dùi cui, tất cả những gì bạn nhận được là chiếc sọ người vỡ tan, những khúc xương, máu và óc ở khắp nơi. Vì thế họ chấm dứt với cảm nghĩ: “Tôi quá đê tiện, tôi thật đáng sợ.” Họ kết thúc với ý thức về sự bất lực cực kỳ nặng nề này.

Vấn đề mà tôi đang nỗ lực nêu ra là đôi khi những điều có ích lợi cho tâm trí một người Tây Tạng lại không nhất thiết lợi lạc cho một người Tây phương. Chúng ta phải sáng suốt. Đức Phật luôn luôn nói rằng các bạn nên sử dụng Pháp và các bạn nên khảo sát nó. Điều đó đúng, nhưng các bạn không nên luôn luôn khảo sát nó khiến bạn có thể không còn đồng ý với những gì vị geshe (2) nói. Các bạn nên khảo sát nó – chỉ khảo sát nó. Đôi lúc khi tôi trình những mối nghi ngờ cho Khamtrul Rinpoche, bổn sư của tôi, ngài chỉ cười và nói: “Con không phải tin tất cả những gì con đọc trong sách,” hay “Mọi điều con đọc trong Kinh điển không đúng.” Đấy là Lạt ma của tôi! Chúng ta phải sáng suốt và ta phải nhìn xem điều gì ích lợi cho ta trong đời ta.

Những người Tây phương đến với Pháp với tâm thức đã chật cứng, hầu hết là với những điều vô nghĩa, và khi chúng ta cố gắng gieo trồng trên đó những hạt giống Pháp nhỏ bé của ta, những phiền não sẽ tiếp tục tồn tại ở đó. Hẳn là khôn ngoan nếu bắt đầu bằng cách quét sạch nó. Nói cách khác, nếu các bạn mua được một căn nhà đầy những đồ bỏ đi và không bao giờ được quét dọn, và các bạn đem vào mọi thangka, những hình tượng Phật khác thường cùng những gấm thêu kim tuyến và cố gắng treo chúng trên mọi thứ đồ bỏ đi, thì thậm chí trông chúng còn giống một đống đồ đồng nát hơn nữa. Điều đầu tiên ta cần là một căn nhà được quét dọn sạch sẽ – ta cần quét dọn và cọ rửa, và sau đó ta có thể treo những tấm thangka và hình ảnh của ta.

Đối với các thực hành chuẩn bị thì cũng thế, giống như những sự lễ lạy và cúng dường mạn đà la và v.v.. có quá nhiều điều để suy nghĩ và quán tưởng với những thực hành đó, nhưng tâm ta đã bị lèn quá đầy! Chúng ta cần mở những cánh cửa sổ và cửa ra vào – ta cần đơn giản hóa. Nếu không thì chúng ta xây dựng những triết học và thực hành lạ thường và chúng ta rất thông minh, nhưng bên trong thì không có gì bởi chúng ta không có thì giờ để mắt tới.

Người ta bắt đầu mọi thực hành cực kỳ phức tạp này, họ nhận những sự nhập môn và những hứa nguyện, và khi ấy thay vì Pháp là một ánh sáng trong tâm họ, nó trở thành một gánh nặng lớn hơn, giống như các bạn đang lê bước lên một ngọn đồi với một cái ba lô lớn đựng đầy đá này.

Hãy nhìn những hành giả Tây Tạng chân thực – họ thực sự hài lòng về mọi sự. Không phải là họ không tin những cõi địa ngục và những việc như thế, nhưng những điều đó thực sự không làm họ quá lo lắng. Họ biết rằng nếu họ thành tâm trong việc thực hành thì họ không có gì để lo lắng và họ nương tựa (quy y) nơi Tam Bảo. Nhưng đối với nhiều người Tây phương thì điều đó trở nên nặng nề và nó làm cho chúng ta trở nên hết sức giả tạo.

Điều quan trọng là có một thực hành đầy ý nghĩa mà các bạn hoan hỉ khi thực hiện nó. Người ta có hai hay ba giờ thực hành mỗi ngày, và sau đó họ có gia đình, các công việc và đời sống xã hội, vì thế thực hành của họ trở thành gánh nặng mà họ phải làm cho xong. Họ lao qua nó để hoàn tất hứa nguyện để khỏi bị đi xuống địa ngục. Vấn đề không phải là như vậy!

Pháp được cho là chuyển hóa tâm ta và mang lại cho ta niềm vui, sự trong sáng và khả năng làm lợi lạc những người khác. Vì thế chúng ta phải xét xem những thực hành mà ta có thể làm có ích lợi cho ta hay không, đặc biệt là trong đời sống hàng ngày của ta. Nó hoàn toàn khác biệt nếu ta đang nhập thất. Ví dụ như những thực hành chuẩn bị được bắt đầu đối với những người không có việc gì khác để làm ngoại trừ những thực hành chuẩn bị. Các bạn có thể tự đằm mình trong thực hành là bởi đó là tất cả những gì bạn phải làm. Nhưng ở Tây phương là nơi người ta không có cơ hội để thực hiện những cuộc nhập thất dài hạn, nếu các bạn chỉ có thể lạy 100 lần mỗi ngày, thì sẽ phải mất bao lâu để thực hiện 120.000 lễ lạy?

LẠT MA CỦA TÔI LUÔN NÓI VỚI TÔI: “Chú ý, hãy giữ những thực hành của con ngắn thôi, nhưng hãy thực hiện chúng. Nếu con có những thực hành dài, thì vào lúc cuối chúng sẽ hoàn toàn trở thành một gánh nặng và con sẽ ngưng thực hành.” Vì thế tốt hơn là các bạn hãy thực hành các thời khoá ngắn nhưng hãy thực hiện chúng. Ngay cả tới bây giờ thực hành căn bản của tôi cũng không kéo dài quá một giờ. Tôi có thể kéo dài nó tới hai hay ba giờ, nhưng tôi không cần phải làm thế. Tôi không làm gãy bể bất kỳ giới hay hứa nguyện nào nếu tôi không kéo dài việc thực hành. Vì thế cho dù các bạn thực hành Quán Thế Âm 20 phút và làm việc đó với sự thành tâm, thì điều đó tốt hơn việc thực hiện hàng triệu thực hành Bổn Tôn Kim Cương thừa cao cấp giờ này sang giờ khác chỉ vì muốn đọc cho xong quyển sách cầu nguyện. Sẽ thực sự tốt hơn nhiều nếu bạn làm một thực hành thật đơn giản và thực hiện một cách chân thành từ trái tim các bạn thay vì tưởng tượng rằng mình là một yogi hay yogini vĩ đại của thời hiện đại và kết thúc trong khi bị đè nặng bởi tất cả những hứa nguyện này và khiếp hãi tới nín thở.

Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là duy trì một sự thực hành ngắn, không quá một giờ – có thể là nửa giờ nếu các bạn không thể sắp xếp được một giờ. Bất kỳ số lượng công việc các bạn làm, điều then chốt là thực sự có thời gian đó. Nó không kéo dài tới nỗi phải tính đếm, nó không phải là cấp độ tantra cần quan tâm. Đó là việc các bạn đang hoàn toàn hiến mình cho sự thực hành trong quãng thời gian đó. Không có việc gì khác trong thế gian này quan trọng bằng việc thực hiện thực hành đó. Nó tẩy rửa tâm thức – tôi không thể nói cho các bạn biết là nó tẩy rửa tới mức độ nào. Nếu các bạn thực hành với một sự nhất tâm, một tâm thức rất thư thản và rộng lớn nhưng đồng thời rất tập trung và hợp nhất với sự thực hành, thì cho dù thực hành kéo dài bao lâu, khi kết thúc tâm các bạn sẽ cảm thấy như thể nó hoàn toàn được rửa sạch.

Lời khuyên của tôi đối với các bạn là hãy duy trì việc thực hành Pháp thật đơn giản, thật căn bản. Đừng trở nên giận dữ và nản chí. Hãy nhìn một đứa trẻ đang tập đi. Nó đứng dậy và bước đi từng chút một và ngã xuống. Sau đó nó đứng dậy và lại cố gắng và lại té ngã. Điều gì sẽ xảy ra nếu nó nói: “Ồ, việc bước đi này quả là một điều khó khăn, tôi sẽ chẳng bao giờ cố gắng bước đi một lần nữa.”

Nếu đối với các bạn Pháp chỉ có nghĩa là nhảy xổ vào các giảng khóa, nhảy xổ vào các cuộc nhập thất, đi tới các trung tâm Pháp và đọc sách Giáo Pháp, thì sẽ chẳng có điều gì thay đổi trong đời các bạn. Chúng ta phải nhận ra rằng mỗi hơi thở duy nhất mà ta sử dụng, nếu ta sử dụng chúng với sự tỉnh giác, đều là một sự thực hành Pháp. Mỗi người duy nhất mà ta gặp, nếu ta gặp họ với sự cởi mở, trong sáng, với tư tưởng này trong tâm: “Cầu mong bạn an lành và hạnh phúc,” thì đó là một thực hành Pháp. Tôi nhắc đi nhắc lại rằng Pháp không chỉ là sự thiền định, Pháp không chỉ là việc trì tụng các thần chú, Pháp không chỉ là việc lắng nghe những Kinh văn hay đọc những quyển sách đứng đắn.

Saigon42