Con người có nhiều trò chơi và một trong những trò chơi là làm khổ nhau. Ban đầu họ làm khổ chính mình nhưng chưa đủ, họ quay sang làm khổ người khác. Khi nhìn người khác đau khổ, bản thân lại càng đau khổ hơn, giống như người chuyên đi chọc ghẹo người khác và cười hả hê trên sự đau khổ đó, nhưng thực chất họ đang gieo nghiệp xấu mà không biết, đến lúc nào đó, đau khổ phát khởi, họ tuyệt vọng tột cùng. Thử nhìn ngoài đời xem, người ta làm khổ nhau đầy dẫy, nào là hờn giận, ganh ghét, nào là ích kỷ, xan tham, nào là tranh giành, đoạt lợi… Vậy đâu cần phải bị đày xuống địa ngục mới biết địa ngục thế nào, ngay tại trần gian này đã thấm thía đủ. Mình thường lên án người này người kia mang địa ngục đến cho mình, buộc tội họ mà ít khi dám nhìn lại mình. Thực ra có ai mang địa ngục đến đâu, chẳng qua mình tự chế tác lấy rồi nhốt mình trong đó. Làm việc ở khách sạn ba sao là mừng lắm nhưng mình không chịu, mình đòi làm việc ở khách sạn năm sao hay bảy sao mới vừa lòng. Cảm giác như sống trong địa ngục khi phải bắt ép mình làm việc trong khách sạn ít sao. Hoặc người mình ghét mà cứ gặp hoài, nhìn cái mặt là chịu không nổi, có phải mình đang xây địa ngục không. Nguyên nhân chủ yếu là mình không hài lòng với bất cứ điều gì, và vì không hài lòng, nên mình khổ và khổ khiến mình thấy cái gì cũng chán, cũng mệt. Mình trả thù đời bằng cách gây đau khổ cho nhau và mọi thời gian đều được sử dụng cho việc lên kế hoạch tấn công và phòng thủ.

Vậy địa ngục là gì? Có mấy quỷ sứ chạy tới chạy lui, áp giải phạm nhân, có máu me, tiếng khóc, rên la, có thịt thà chảy từng cơn … hay không? Đâu phải như vậy. Hãy thử nhìn một dòng sông ô nhiễm, cá tôm chết đầy, dòng nước đen ngòm đi theo sự biến đổi khí hậu và cạn dần, con người chết khô vì khát nước hay bệnh tật do nhiễm độc, đây chính là địa ngục, thưa quí vị. Hãy thử đi vào một lò sát sinh, hàng trăm con heo, con gà, con bò đang chuẩn bị bị chích điện, đánh đập, cắt tiết, chúng rên la, kêu gào, máu chảy thành dòng, đây chính là địa ngục, thưa quí vị. Hãy thử nhìn trẻ em lang thang, làm đủ thứ nghề nguy hiểm, bán thân xác, bán cả tâm hồn, nạn bắt cóc, lạm dụng sức lao động, lạm dụng tình dục, đôi mắt ngày càng héo hắt, thân thể gầy trơ xương, đây chính là địa ngục, thưa quí vị. Động đất, núi lửa, sóng thần, dịch bệnh, hạn hán, thiên tai, bệnh không thuốc chữa, thức ăn dơ bẩn, chiến tranh triền miên, người chết như rạ, xương trắng khắp đại địa, đây chính là địa ngục, thưa quí vị. Hơn nữa, con người lợi dụng cõi âm hãm hại người cõi dương, gây ra sự tương tàn giữa các cõi, băng tuyết tan đi, nhiệt độ tăng lên, diện tích rừng giảm xuống, nước biển dâng cao, không khí không còn một chút sự trong lành để thở, đây chính là địa ngục, thưa quí vị. Vậy tìm kiếm địa ngục làm gì, khắp nơi đều là địa ngục thì tìm kiếm chi nữa. Nhưng nếu thay đổi thái độ và chung tay xây dựng, từng mảng địa ngục sẽ trở thành tịnh độ. Biết sống trong địa ngục là đau khổ tột cùng thì đừng bao giờ xây dựng những địa ngục và vì địa ngục đã quá nhiều nên không cần kiến tạo thêm địa ngục nào nữa. Địa ngục đến từ tâm, suy nghĩ bậy bạ dù chưa làm gì cả mình đã bắt đầu gieo rắc địa ngục. Bằng con mắt khổ đau, nhìn đâu cũng thấy khổ đau, bằng con mắt yêu thương, nhìn đâu cũng thấy yêu thương. Dòng sông ô nhiễm thì làm sạch nó, cây cháy khô trồng cây mới, động vật bị giết thì cứu sống chúng… Cho mình nhiều cơ hội để đứng dậy, người bị tai nạn còn kiếm thanh gỗ chống để đứng dậy, còn mình có đôi chân, tại sao phải lê lết như thế?

Trần gian là tịnh độ và cũng là địa ngục. Khi tâm tịnh độ, cõi tịnh độ hiện tiền, khi tâm địa ngục, cõi địa ngục hiện tiền. Tha thứ, bao dung cho tịnh độ mau chóng hơn và địa ngục lùi bước. Chắc hẳn ai cũng muốn sống đời thánh thiện thay vì cuộc đời bệ rạc, héo hắt theo năm tháng. Vậy hãy sửa đổi, cái gì sai thì sửa, cái gì hay thì phát huy. Sau cơn mưa trời lại sáng nhưng dù có mây đen tâm tối cũng hãy thực tập vững chãi và an nhiên. Duy tâm tịnh độ là tịnh độ được tạo bởi tâm, nên muốn tiếp xúc với tịnh độ, hãy điều phục tâm của mình. Mình cứ mãi nói chúng ta đang ở thời mạt pháp, ấy vậy chẳng bao giờ biết cách làm thế nào cho nó đừng có mạt mà cứ ngồi than vãn tại sao tính mạt càng ngày càng tăng. Như người muốn vãng sinh về tịnh độ, nhưng lại chẳng chịu tu tập, cứ ngồi chờ thời hay chờ đợi tha lực. Đợi đến lúc già hay chết rồi mới tu tập, e rằng muộn màng quá tuy muộn vẫn hơn không. Để đạt tâm tịnh độ có vẻ khó nhưng đạt tâm địa ngục chắc dễ ẹt. Làm tốt thì khó mà làm bậy thì dễ. Mấy ai bàn bạc hay thực hành đạo đức, toàn là nghe nói về ăn chơi và đi vào giải trí không lành mạnh. Địa ngục không là hiện tượng hay khái niệm, mà do tâm khởi. Nếu nghĩ có, nó sẽ có, nghĩ không nó sẽ không. Nhìn sợi dây, biết là sợi dây, người khác nhìn sợi dây tưởng là con rắn. Đau khổ cũng do tưởng mà ra, tưởng nhiều quá nên miên man trong tri giác sai lầm và vì không cam tâm chấp nhận sự thật, mình làm hành trì địa ngục thêm kiên cố. Người đẹp hay chấp vào hình tướng, ai khen đẹp thì khoái chí, ai chê xấu thì buồn bực tức tối. Mình bị kẹt vào hình tướng nên khi chúng không như ý, mình dằn vặt đau khổ như sống trong địa ngục. Có ai bắt mình vậy đâu, do dính mắc, mình khổ, đâu phải tiếng khen chê đem cái khổ cho mình.

Ngoài đời, người ta tham cầu và dính mắc nhiều lắm, chắc cứng như hắc ín rải xuống mặt đường, muốn đào lên phải dùng đến xà beng hay sức lực của nhiều người. Một số cái chấp hết sức vô lý, nói ra thế nào cũng có người bậc cười nhưng vẫn cứ chấp. Chấp vào tham, sân, si, mạn, nghi kiến, các địa ngục xuất hiện và chỉ người trong cuộc mới biết và nếm trải được. Đi ngoài đường, gặp gỡ đủ hạng người, làm sao biết người nào đàng hoàng, người nào không đàng hoàng. Người ăn nói tía lia nhưng chẳng làm hại ai. Người ăn nói ngon ngọt nhưng lại rất hung dữ. Địa ngục cũng vậy, nhiều loại địa ngục trá hình, thích dụ dỗ, thích đóng vai người tốt. Nhìn lâu đài nguy nga tráng lệ cho là thiên đường, nghe người nhiều bằng cấp nói chuyện cho là điều đúng đắn, coi chừng bị sập bẫy và dưới cái bẫy đó là gì, là hầm chông là gai nhọn là thương tật là đau nhức. Biết bao người thích nhảy vào cái bẫy đó, bủa giăng khắp nơi, vừa ngóc đầu dậy đã bị dập đầu xuống. Thật kỳ lạ, có người vớt lên, họ nằng nặc đòi xuống và khi lên được rồi, thân tâm đầy thương tích. Tham cái gì, mình khổ về cái đó. Dính mắc cái gì, mình trả giá cho cái đó. Người tham được khen, đến lúc bị chê thì đau khổ. Cuộc đời vốn vô thường, có khen thì phải có chê, nghe lời khen nhưng cũng chấp nhận lời chê. Khen chê chẳng qua chỉ là sự thăng trầm của tâm mà thôi. Nói khen là thiên đàng, coi chừng lại bị sập bẫy, nói chê là địa ngục, coi chừng cũng bị sập bẫy. Lời khen khiến mình trở nên kiêu ngạo, ngủ quên trong chiến thắng, không còn thành tựu gì nữa, có phải địa ngục hiện tiền không. Lấy lời chê để soi rọi bản thân, thay đổi để tốt đẹp, có nhiều hạnh phúc và an toàn hơn, có phải thiên đàng hiện tiền không. Vậy tại sao phải kẹt vào lời khen hay lời chê? Bất cứ việc gì làm đều phải nhìn lại mình, mình xứng đáng với lời khen đó chưa, mình đã làm cái gì để người ta chê mình? Điều quan trọng là biết vươn lên trong khó khăn, đối diện với nghịch cảnh, dù khen hay chê đều là những bài học quý giá, nên biết cám ơn người khen lẫn người chê.

Một trong những vị bồ tát có duyên lớn với chúng sinh là bồ tát Địa Tạng, người đã từng phát nguyện khi nào giải trừ địa ngục, giúp tất cả thành Phật thì bản thân mới thành Phật. Ngài dám đi đến những nơi tăm tối nhất, đau khổ nhất để khuyên dạy các chúng sinh biết cải tà qui chính, xa lìa những vọng niệm và sống cuộc đời đạo đức, đồng thời dẫn dắt họ đi trên con đường chính đạo. Mình hãy tu tập theo hạnh Địa Tạng, trước hết gìn giữ bản thân để không rơi vào tình trạng địa ngục và không chế tác bất kỳ địa ngục nào trên thế gian này. Đi đâu tới đâu nhìn thấy địa ngục thì dám lên tiếng xoá bỏ địa ngục đó, thiết lập bình an nơi Địa Cầu. Môi trường ô nhiễm thì dừng lại không làm cho nó ô nhiễm thêm nữa, bên cạnh đó nghiên cứu các phương pháp làm sạch môi trường như trồng cây, xử lý nước thải, giảm hiệu ứng nhà kính và chất thải CO2. Trẻ em không được bảo vệ thì xây dựng hoàn cảnh thuận lợi cho trẻ em được chăm sóc, tiếp cận đầy đủ y tế và giáo dục. Bệnh tật nhiều thì ăn ở sạch sẽ, chú ý đến việc sử dụng thực phẩm, tiêu thụ, giải trí có chánh niệm, bảo vệ thân và tâm. Đây là những việc làm của bồ tát Địa Tạng, tức là giải trừ những đau thương, mất mát, đem tới hoà hợp, an lạc và thịnh vượng. Nhà chính trị học hạnh Địa Tạng không gây chiến tranh, đối đầu và đàn áp, thay vào đó, họ nổ lực hết sức hoà giải, đối thoại, tôn trọng xây đắp hoà bình. Doanh nhân học hạnh Địa Tạng làm giàu chính đáng, kiếm tiền với tinh thần bất hại, đàm phán với môi sinh và cam kết phát triển nền kinh tế sinh thái. Giáo sư học hạnh Địa Tạng dạy cho sinh viên thực tập đạo đức, giảm thiểu sự tiêu thụ và đóng góp vào việc cải tổ thiên nhiên. Mình sẽ trở thành bồ tát Địa Tạng nếu làm được như vậy và bất cứ ai biết học và làm theo hạnh Địa Tạng đều trở thành bồ tát hết. Hạt giống Địa Tạng có sẵn trong mình rồi, điều quan trọng là mình có chịu làm không, có thực tập và hành trì không hay tối ngày cứ chạy đôn chạy đáo trong sắc dục, đến lúc nào đó thân tâm bệ rạc, địa ngục trần gian hiện tiền, chẳng ai giúp mình bằng chính mình.

Tu tập hạnh của đất là bắt chước theo tính dễ thương của đất. Khi người ta đổ vào đất nước thơm hay rác rến dơ dáy, đất đều thấm vào không chê bai, không kỳ thị. Có câu: hiền như cục đất. Thực sự đúng vì đất bị đối xử thế nào vẫn không ca thán, không sợ hãi, không đòi hỏi cái này hay cái kia. Đất là người phụng sự không mệt mỏi, từ đất hoa trái mọc lên, nhà cửa xây lên, núi non, sông ngòi, biển cả và muôn loài có mặt. Ngay cả loài người cũng sinh ra từ đất và khi qua đời, họ trở về với đất, với cát bụi. Hành xử văn minh là hành xử như đất, dù cho người đời phóng vào mình đủ thứ âm thanh, giận dữ, ghét bỏ, tranh chấp, chửi mắng, gây tiếng oán, mình vẫn im lặng, lắng nghe và chấp nhận với tâm không thành kiến, không phán xét, không gây oan trái. Đó là sự im lặng của đất, của tính hiền như cục đất và nghĩ rằng người kia chưa kịp hiền thôi chứ không phải họ không hiền. Đất dễ thương nên mình gần gũi và dễ thương như đất. Im lặng hùng tráng hay im lặng như sấm sét tức là cái im lặng ngăn chặn được bão táp và làm chùn bước những trận cuồng phong. Khi nhìn thấy một người không dễ thương thì mình biết như vậy là xấu, đem lại nhiều khổ đau và buồn tủi. Khi nhìn thấy một người dễ thương thì mình mong được tiếp chuyện, chia sẻ và người đó thật đẹp. Vậy tại sao mình còn chần chờ mà không thực tập để trở thành một người dễ thương? Lúc còn là đứa trẻ, mình dễ thương như một nụ hoa, sau đó nắng gió dòng đời làm cho nụ hoa của mình chưa kịp nở đã héo úa. Thế thì mình hãy làm cho hoa nở, vui tươi và bình an trở lại. Đối xử dễ thương với mình và mọi người cho dù hoàn cảnh không dễ thương thì mình đã là một nụ hoa, đến lúc nào đó sẽ tươi thắm rạng rỡ, khoe sắc giữa bầu trời xanh.

Khi có hạnh phúc, mình mong muốn chia sẻ với người và hướng dẫn người khác, có thể ban đầu họ từ chối nhưng hãy kiên nhẫn, đến lúc nào đó đau khổ trong họ quá lớn, họ sẽ tìm tới mình để được thực tập chung. Bản thân hãy thực tập trước đã, mới có đủ kinh nghiệm và cơ duyên để giúp đỡ người khác. Điều này rất quan trọng, vì nếu không có hạnh phúc, tức là mình thực tập không đúng và cái mình đem đi chia sẻ cũng sai lệch theo. Hạnh phúc tràn đầy, mình giúp người hạnh phúc như mình, đừng giấu diếm, có thể mình học hỏi và phát triển thêm cách thực tập của mình. Nói như vậy để thấy nếu địa ngục xảy ra, mình dám lên tiếng gọi công bình, bảo vệ nhân phẩm quyền làm người. Con người có quyền thực tập và tận hưởng hạnh phúc, nên khi có thế lực ngăn cản điều này, mình phải giúp họ, không thờ ơ, không nhắm mắt làm ngơ vì nếu vô cảm, mình vô cảm với ngay nỗi đau của mình, nói chi đến nỗi đau của người. Bất cứ ai cũng đều có khó khăn và lúc không giải quyết được thì nhờ người khác giúp, lời khuyên của nhiều người giúp ích cho mình rất nhiều. Vấn đề là thực tập như thế nào để khó khăn không xảy ra và trường hợp có khó khăn, mình không trở nên rối ren, quẫn trí mà luôn giữ trạng thái bình tĩnh. Bình tĩnh được mới sáng suốt nhìn nhận vấn đề và xem xét việc gì cần làm việc gì không cần làm. Khó khăn cách mấy cũng phải giữ giới và lấy tình thương làm căn bản cho việc thực tập, giải quyết vấn đề, không nên nguỵ biện hay đổ thừa hoàn cảnh để chống chế cho việc làm sai trái của mình. Đã làm sai còn không chịu sửa, cứ bênh vực cho cái sai là việc làm hết sức nguy hiểm, nó sẽ ngấm ngầm giết chết tình thương trong mình, quên đi tình nghĩa, quên đi sự hy sinh. Biết hy sinh để không đòi hỏi gì nữa vì hồi nào tới giờ, đức hy sinh luôn được ca ngợi nhưng hy sinh phải đúng chỗ, còn hy sinh sai chỗ, nó sẽ mang tính phá hoại khó lường.

Giải trừ địa ngục không thể thiếu vắng sự hy sinh và có thành tựu nào mà không hy sinh đâu. Nhiều người sống trong địa ngục nhưng không biết, thậm chí sung sướng với địa ngục của mình. Những địa ngục có mặt do nghiệp xấu từ kiếp xa xưa nhưng cũng có những địa ngục do kiếp hiện tại tạo ra hoặc sắp sửa có trong tương lai do không tu tập trong hiện tại. Đừng lo sợ mà cứ sống đàng hoàng ngay giây phút này, mặc dù hoàn cảnh khó khăn. Bản thân cam kết giải trừ địa ngục bằng sự thực tập miên mật, đem cái vui cho mình và người. Địa ngục có tính vô thường, không phải thường còn, nên đến lúc nào đó cũng phải chấm dứt hay được chuyển hoá. Thật ra nó mang tính không, tức là không có gì gọi địa ngục cả, chẳng qua chỉ là tâm bị dằn xé, đau khổ và không chấp nhận được. Tu tập hết lòng, mọi địa ngục sẽ giải trừ và nếu như địa ngục đang hiện tiền, mình vẫn thản nhiên như không. Sự bình an của mình giúp ích rất nhiều người vì năng lượng bình an có sức lan tỏa.
(Sưu tầm)