Ðiểm 1: Phải hiểu Danh trước khi thực hành thiền định


Phra Prasart: Xin hãy giải thích: "Cái gì là Danh, Cái gì là Sắc? Ngài nói: "Chúng ta phải hiểu Danh trước khi thực hành thiền định", đây là điểm tôi muốn được giải thích, về chữ Danh, Sắc mà Ngài dùng. Danh, Sắc là gì? Danh, Sắc ở đâu?


Upasika Naeb: Những thứ này xuất hiện khi bạn thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, hay khi đi, đứng, ngồi, nằm.


Phra Prasart: Tôi mới khởi sự hành thiền. Giả sử mắt tôi thấy Danh, Sắc. Nhưng lại không hiểu bằng mắt mà muốn học hỏi thấu đáo và hiểu thấu đáo Danh là gì? Sắc là gì? thì phải thực hành hay quán sát chúng theo phương thức nào?


Upasika Naeb: Mắt thấy sắc hay màu sắc. Những gì có thể thấy bằng mắt là Sắc pháp tự nhiên. Nhưng sự nhìn thấy hay tác động ngắm nhìn là Danh .


Phra Prasart: Qua lỗ tai, cái gì là Sắc, cái gì là Danh?


Upasika Naeb: Âm thanh là Sắc, nghe một cách tự nhiên hay tác động nghe là Danh


Phra Prasart: Qua lỗ mũi, cái gì là Sắc, cái gì là Danh?


Upasika Naeb: Mùi hương là Sắc, sự nhận ra mùi hương hay tác động ngửi là Danh.


Phra Prasart: Qua lưỡi, cái gì là Sắc, cái gì là Danh?


Upasika Naeb: Mùi vị là sắc, sự nhận ra mùi vị một cách tự nhiên hay tác động biết mùi vị là Danh.
Trong một pháp, khi một sắc pháp tác động vào mắt, bạn chỉ nhận ra màu sắc (nhạt hay đậm) khi nó đối chiếu với màu sắc khác.


Phra Prasart: Qua thân hay xúc chạm, cái gì là Sắc, cái gì là Danh?


Upasika Naeb: Qua thân hay xúc chạm, thân xúc chạm có cảm giác lạnh, nóng, mềm, cứng là Sắc, sự nhận thức tự nhiên hay tác động biết được lạnh, nóng, mềm, cứng là Danh. Tính chất lạnh, nóng, mềm, cứng tác động vào thân khi thân xúc chạm là Sắc; nhưng cảm giác đau đớn, bệnh hoạn vọp bẻ, ngứa, bao tử đau buốt và những cảm giác khác (thọ khổ trong thân) là Danh.
Nhờ thân này mà chúng ta biết được Sắc qua thân, Danh qua thân. Và nhờ những thứ này mà mọi pháp sẽ sanh khởi trong chúng ta vào thời điểm đó.


Phra Prasart: Nhưng qua tâm, cái gì là Danh, cái gì là Sắc?


Upasika Naeb: Qua tâm là trong những oai nghi chính và tiểu oai nghi. Oai nghi chính là đi, đứng, ngồi, nằm. Tiểu oai nghi là duỗi tay ra, nắm tay lại và những cử động nhờ nơi thân như là duỗi tay chân, đánh răng, đi tắm, ăn uống, tiểu tiện, đại tiện, cúi đầu, lắc đầu hay quay đầu. Ðó là Sắc pháp qua tâm vì tâm ra lệnh cho những hành động đó. Nhưng sự nhận biết tự nhiên hay tác động biết được mình ngồi, nằm, đứng, đi là Danh. Suy nghĩ, trầm tư, cảm thấy buồn ngủ, tâm nghĩ lan man, giận dữ, mong muốn hay tham dục v.v... cũng là Danh pháp qua tâm.
Nhờ tâm mà chúng ta biết được sắc "qua tâm" và Danh "qua tâm". Bạn phải nhận biết được như vậy trong bất cứ pháp nào khởi lên rõ ràng trong chúng ta vào thời điểm đó. Thể nghiệm qua thân cũng dùng phương pháp tương tự. Ðiều quan trọng là ta phải biết cái gì là Sắc, cái gì là Danh.




Ðiểm 2, 3: Quán sát và cảm nhận danh sắc - dùng bất cứ giác quan nào trong giây phút hiện tiền cho đến khi bạn hoàn toàn quen thuộc với nó


Phra Prasart: Bà nói chúng ta phải biết Danh và Sắc rõ ràng rồi tiếp tục ý thức được chúng trong giây phút hiện tại, luôn luôn trong giây phút hiện tại! Khi đã chấp nhận Rupanam (đối tượng của sắc), hay màu sắc là Sắc và cảm nhận cái thấy là Sắc, Bà lập lại là trước khi khởi sự, ta phải nhận biết Danh Sắc đúng đắn. Bà nói nhận biết được Danh Sắc qua mắt là như thế nào, xin hãy giải thích.


Upasika Naeb: Nhãn thức- thấy được sắc là sự xem xét, khiến cho "cái thấy" của thầy cảm nhận được đang thấy sắc. Ngay lúc thầy biết và cảm nhận là thầy đang thấy thì thầy sẽ ý thức là mình đang thấy sắc. Khi thầy ý thức mình đang thấy sắc, hay đang xem xét mình đang thấy sắc, thì thầy phải luôn cảm nhận tương tự .


Phra Prasart: Bà nói ý thức mình đang thấy sắc là nghĩa thế nào?


Upasika Naeb: Bởi vì hành động thấy là Sắc. Thầy phải ý thức là đang quán sát sự "thấy biết về sắc" (nhãn thức), mục đích là để loại trừ sự hiểu lầm về Ngã hay là Attha đã quỷ quyệt chen vào sự thấy, làm cho ta có cảm tưởng là Ta đang thấy. Hãy khoan đi xa hơn để quán sát Rupa mà phải tiếp tục quán sát sự thấy biết. Tại sao phải quán sát sự thấy biết? Bởi vì cái ta, cái ngã có thể len vào "cái thấy" (khiến ta có cảm tưởng là ta đang làm chủ hành động "thấy"). Bởi thế chánh niệm phải quán sát "sự thấy" để nhận biết rõ tình trạng này và từ bỏ đi cái "ngã" hay tà kiến (Atthannuditthi hay Sakkayaditthi: tưởng sai lầm về cái ta, ngã, cho là ta đang kiểm soát, vận hành sự quán sát hay thấy biết).


Phra Prasart: Atthannuditthi? Có nghĩa là ta đang thấy phải không?


Upasika Naeb: Ðúng vậy. Ta có cảm tưởng là ta làm chủ hành động thấy nhưng thực tế không phải vậy. Ta chỉ thấy Danh. Cho nên nếu muốn quán sát Danh, ta phải đưa sự thấy biết đó (nhãn thức) làm đối tuợng thiền quán. Vipassana là người quán sát (hay là ý thức). Hãy phát triển vô ngã.


Phra Prasart: Tôi đã hiểu rồi. Nhưng tôi có cần quán sát "sự thấy biết Danh pháp" để hiểu thực tại rằng "Tôi" không phải là sự thấy?


Upasika Naeb: Ðiều quan trọng hành giả cần phải hiểu ngay khi quán sát là chỉ có cảm nhận mà không có tư tưởng. Nếu có ý nghĩ "thấy được Danh pháp" thì nhất tâm sẽ sanh khởi và sẽ có Ðịnh. Như vậy chỉ nên có cảm nhận là đang nhìn Danh pháp. Tại sao chỉ có sự cảm nhận? Ta phải hiểu thật rõ điều này trước khi khởi sự. Sau này tôi sẽ giải thích rõ ràng hơn. Trước khi khởi sự hành thiền, hành giả phải hiểu rõ ràng, thấu đáo Danh và Sắc. Như tôi đã giải thích: cái thấy là Danh hay Sắc, điều này phải được hiểu rõ ràng để khi hành giả quán sát, anh ta biết là anh ta đang quán sát cái gì.
Ðây là điểm quan trọng: đừng đắm chìm trong tư tưởng. Khi thầy thấy một Danh hay Sắc nào thì đừng "nghĩ" (think) mà hãy "cảm nhận" (feel) đó là Danh hay Sắc. Cho nên thật là cần thiết để hành giả hiểu rõ trước khi khởi sự, rằng suy nghĩ và cảm nhận hoàn toàn khác biệt. Nếu điều này không được làm sáng tỏ thì vẫn chỉ là tư tưởng; và khi tập thiền bằng cách này thì tư tưởng không phải là thực tại hiện tiền.


Phra Soontorn: Tôi thật muốn hiểu rõ ràng tại sao "suy nghĩ" và "cảm nhận" lại khác nhau. Khi cảm nhận thì ta không cần suy nghĩ, có đúng vậy không?


Upasika Naeb: Thí dụ khi ta lặp đi lặp lại: "Buddho, Buddho" hay "Araham, Araham", đây chính là suy nghĩ. Củng như khi ta suy nghĩ xem thử những chuyện của thời xưa hay trong tương lai có xác thực hay không. Nhưng với "cảm nhận" thì ta thấy được thực tại của khoảnh khắc hiện tiền và "cảm nhận" không phải là "suy nghĩ". Cũng như thấy và nghe là cảm nhận chứ không phải là tư tưởng. Khi nghe, ta không cần suy nghĩ xem có nghe được không. Cũng như lúc đang ăn, ta cảm nhận là ta đang ăn, đang ăn cơm; ta không "nghĩ" là ta đang ăn cơm. Cảm nhận là đối tượng duy nhất vì lúc đó ta không suy nghĩ.
Trong Vipassana, nếu hành giả đang suy nghĩ thì anh ta đánh mất giây phút hiện tại và đối tượng hiện tiền. Vì khi quán sát, tâm trí sẽ lấy tư tưởng làm đối tượng và như vậy là không nắm bắt được đối tượng hiện tiền. Ngay khi suy nghĩ là tâm thầy đã đánh mất đối tượng hiện tiền và thay vào đó là đối tượng của tư tưởng, một đối tượng do tư tưởng tạo ra. Cho nên xin đừng suy nghĩ, chẳng hạn như: ta đang ngồi; bởi ta đã biết "ngồi" (oai nghi) là Sắc nên ta chỉ cảm nhận là ta thấy Sắc chất đang ngồi. Nếu ta suy nghĩ và cứ lặp đi lặp lại: "ngồi là Sắc" v.v... thì là ta đang "suy nghĩ" và như vậy là ta đã đánh mất cảm nhận về sự tạo tác của Sắc pháp ta đang nhận biết, nghĩa là Sắc pháp đang hiện tiền và sự cảm nhận đang hiện tiền. Ðiều này thật là vô dụng cho việc hành thiền Minh sát. Nhưng khi chúng ta phát triển Ðịnh hay đang lúc hành trì thì có thể làm như vậy bởi vì trong Ðịnh, tư tưởng chỉ nghĩ đến một đối tượng duy nhất, một điểm duy nhất mà không dời qua điểm khác. Nhưng trong Vipassana thì không làm như vậy được. Ta cần có đối tượng hiện tiền như nó đang chịu sự cảm nhận của ta vào giây phút đó .


Phra Soontorn: Tâm ta phải thấy được thực tại vào giây phút đó, đúng vậy không?