Đời vua Càn Long, ở đất Giang Nam có người học trò tên là Nghiêm Sinh, thân hình cao lớn, chỉ hiềm trên mặt các bộ vị xấu xí, lại rỗ nhằng rỗ nhịt nhìn thấy ai cũng khiếp.
Cùng thời , có thầy tướng danh tiếng xem tướng cho Nghiêm Sinh, bảo rằng:
- Tướng cách của Nghiêm Sinh mắt rồng, răng trâu, lưỡi đỏ, môi đỏ, sau này sẽ thành tài , đậu cao, tục nhãn không thể hiểu được.
Sự thật , mặt Nghiêm Sinh tuy xấu xí nhưng tài học vượt xa người, làm thơ phú chỉ trong khoảnh khắc. Do đó mới 20 tuổi đã nổi tiếng là Giang Nam tài tử.
Theo truyền thuyết, năm ấy Nghiêm Sinh vào trọ trong đạo viện đọc sách. Một ngày đầu thu, trời nóng bức, nằm chằn chọc không ngủ được, Nghiêm Sinh ngồi dậy, lững thững ra vườn dạo mát, bỗng nghe có tiếng người nói chuyện, bụng nghĩ " nơi tĩnh mịch , vắng vẻ thế này mà lại đêm hôm khuya khoắt ai còn ra đây làm gì?". Sinh lắng tai nghe thi thấy các ông tượng đẩt nói:' Chiều mai có tám vị tiên tới chào Lý Lão Quân, chúng ta cung phải chực chờ đón tiếp đấy."
Ông tượng bên kia đáp:" Tôi biết tám vị tiên đến từ tạ đào Lý Lão Quân để đi về phương tây, năm ngoái tôi cũng được các vị ấy cho một trái bàn đào."
Nghiêm Sinh bỗng ho lên một tiếng, các pho tượng đất im luôn.
Trở lại phòng, lòng bâng khuâng nghĩ đến số phận con người, như mình đây văn chương tài học vào bậc khá, nhưng chẳng hiểu có vận mạng công danh hay không? Mình phải trai giới, tắm rửa sạch sẽ chờ các đại tiên đến mà hỏi xem sao.
Đêm hôm sau, Nghiêm Sinh nằm ẩn dưới gầm bàn thờ. Canh ba, bốn bề vắng lặng, vẫn im phăng phắc không thấy ai hết. Mệt quá Sinh ngủ thiếp đi, chợt nghe tiếng huyên náo , nhìn ra các người đã ở ngoài đạo viện, Sinh đếm đúng tám vị, người đi sau chót có hình dáng như lão ăn xin , vai vác bị, tay cầm gậy sắt, đi khập khà khập khiễng, Sinh nghĩ chính là Lý Thiết Quài, nên vội vã đuổi theo. Mấy vị tiên kia đã đi xa, Sinh quỳ xuống lạy xin vị tiên chỉ bảo cho biết số phận của mình tương lai thế nào?
Lý Thiết Quài lấy tay chỉ về phía trước mặt mà nói:
- Con hãy nhìn cảnh đẹp đằng kia xem.
Nghiêm Sinh theo ngón tay chỏ mà trông về phía trước thì thấy có một người vừa đậu trạng nguyên, mặt mũi giống Sinh như hệt, bên cạnh phòng trạng nguyên có một người đàn bà rất đẹp treo cổ tự ải.
Lý Thiết Quài chỉ tay về hướng khác, Sinh trông thấy cung điện nguy nga, hai bên các quan văn võ đông đủ. Hoàng đế ngồi trước long án, dưới chân có người đang quỳ mặt mũi giống Sinh như hệt , không rõ người đó tấu khải điều gì, hốt nhiên sóng biển tràn vào cuốn trôi mọi vật. Lúc sóng rút có khoảng đất nổi lên trơ trụi, một người đứng đấy, mặt mũi giống Sinh như đúc.
Lý Thiết Quài nói:
- Cuộc đời túc hạ như thế đó.
Nói xong biến mất.
Nghiêm Sinh từ khi gặp Lý Thiết Quài thì đầu óc thông tuệ khác thường, văn thơ như suối chảy, vào kinh thi trúng luôn tiến sĩ, vào đình thi đỗ trạng nguyên.
Mẹ và vợ Nghiêm Sinh thấy chàng đã ngoài ba mươi tuổi mà chưa có con nỗi dõi, nên muốn tìm cho Sinh một người thiếp. Vừa may, vùng Giang Nam có một nhà quan, trong phủ có rất nhiều con gái hầu . Bà mẹ liền ngỏ ý hỏi cô hầu đẹp nhất trong phủ cho Sinh lấy làm thiếp. Cô hầu gái bằng lòng. Vốn theo hầu tiểu thư từ nhỏ nên cô hầu ấy cũng thông hiểu thi thư kinh sử và rất ngướng mộ trạng nguyên tài hoc hơn nguời. Trong thâm tâm của cô, trạng nguyên chắc phải là một chàng trai tuấn tú, mặt đẹp như quan ngọc.
Đêm tân hôn, cô thấy một gã vạm vỡ, mặt mũi xấu xí, rỗ nhằng rỗ nhịt, rượu uống say mèm, chạy vào buồng cô dâu nôn ọe tung tóe, mà hắn lại là chồng mình, cô thấy hối hận quá, giận thân, giận đời xé lụa tự treo cổ lên xà nhà.
Nghiêm Sinh tỉnh rượu , bàng hoàng không hiểu nguyên có làm sao? đến lúc người nhà chạy vào lục trong hộp tư trang thấy có mảnh giấy đề hai câu thơ:
Quốc sắc thiên hương nan tác tế
Trạng nguyên tuy hảo khước phi lang.
Ý cô dâu nói , dù mình là trang quốc sắc thiên hương nhưng cũng chẳng phải dễ lấy chồng, dù là trạng nguyên thực đấy nhưng cũng chưa xứng đáng làm chồng.
Nghiêm Sinh bấy giờ mới tỉnh ngộ, nhớ lại mộng gặp Lý Thiết Quài.
Làm quan trong triều Nghiêm Sinh thăng đến chức lễ bộ thượng thư. Ít lâu sau mắc bệnh tê thấp, đang phủ lễ trước mặt vua Càn Long bỗng ngã lăn ra đất. Nghiêm Sinh run sợ quỳ lạy hoàng đế, xin tha tội bất kính. Thấy Nghiêm Sinh bệnh tật, vua Càn Long cho từ chức về quê nhà. Bấy giờ mẹ Nghiêm Sinh chết đã lâu, vợ cũng qua đời rồi nên Nghiêm Sinh sống cô đơn cho đến ngày cuối cùng, bên gối chỉ có vài đứa cháu họ xa nâng giấc./.