kết quả từ 1 tới 2 trên 2

Ðề tài: Sài Gòn năm xưa - Vương Hồng Sển

  1. #1

    Mặc định Sài Gòn năm xưa - Vương Hồng Sển

    Tập biên khảo thường đàm nầy để tưởng niệm những phút êm đềm đã qua:
    Năm 1919, Ba đưa con lên Sài Gòn vô trường lớn.

    Con bắt đầu nếm mùi cháo cá Chợ Cũ, hủ tíu Chợ Mới, xem hát thì Chùa Bà Chợ Lớn, nhai thịt bò kho thằng Lù, có năm cắc leo chuồng gà ngồi coi hát Tây, và cảnh không còn gặp nữa là: bữa bữa hai cha con thượng cao lâu ăn cơm xá xíu.

    Năm 1927, Ba lên thăm, con mua bánh Catinat, lòng mừng dâng Ba món lạ. Ba không dùng, hỏi con: "Chữ Hiếu" sao có đắt tiền?
    Năm nay 1960, đầu con bạc mà túi vẫn nhẹ, muốn mua bánh, Ba không lên: xe giằn, đường xa, hai con đò Cái Vồn và Mỹ Thuận vẫn có tiếng không lịch sự đối với hành khách "bát thập lão ông" như Ba vậy!
    Những ký ức bấy lâu, con viết gởi về:

    "Vương Trạch Nhựt, cháu hãy đọc lớn cho Nội nghe".
    Gia Định, đường Rừng Sác, số 5,
    Ngày 26 tháng 5 năm 1960
    SẾN


    Tựa


    Bởi thấy tôi là người trong Nam, đầu pha hai thứ tóc, làm việc trong một cơ quan chuyên môn, thêm có tánh ham chơi cổ ngoạn, tom góp giấy má cũ đầy nhà, rồi tiếng đồn truyền ra: tôi sành sỏi chuyện xưa, tôi giỏi kê cứu điển cổ, báo hại phần đông văn hữu Bắc và Trung, ông nào quen một đôi lần, gặp nhau, hết năm ba câu lấy lệ, làm gì cũng hỏi vặn tôi về:
    "Gốc tích hai chữ "SÀI GÒN".
    Nói ư? - Chỉ bày cái dốt của mình ra!
    Nín ư? - Người cười, càng thêm khó chịu!
    Thôi thì còn một cách: ôm mớ tài liệu thâu thập bấy lâu - dù hay dù dở, dù chưa bằng bụng, mình biết lấy mình - bày hết, trình hết ra đây - mặc tình các vị xa gần tuỳ thích lựa chọn: "tóc tơ cặn kẽ đuôi đầu," dù chẳng làm nên cái bánh ngon, cũng được tiếng là không xấu bụng!

    Đối với các bạn nhỏ hiếu học, tôi xin nói lớn:

    1) - Chỗ nào các bạn thấy mới, đừng sợ: ấy tôi đã cân nhắc kỹ càng, cứ tin cứ dùng: "coi vậy mà xài được!"
    2) - Chỗ nào chưa "êm", nhờ các bạn chỉ giùm, nếu tìm cách bổ khuyết càng tốt, gọi giúp lẫn nhau: già thua trẻ không xấu, mắc cở bậy, hay gì?
    Đối với các học giả, các bậc lão thành, các vị cố cựu đất Sài Gòn, tôi xin "nghiêng tai nghe dạy, chắp tay đứng hầu".

    Học giả tiền bối trong Nam, cụ Trương Vĩnh Ký, trong "Excursions et Reconnaissances" (tạp chí về du lãm và thám hiểm), tập số 23. tháng Năm và Sáu năm 1885, có viết một bài khảo cứu Pháp Văn "Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs" (ký ức lục khảo về lịch sử Sài Gòn và vùng phụ cân). Bài này viết hai mươi lăm năm sau năm Nam Kỳ thất thủ (1859-1885).
    Nay tôi dựa theo bài ấy làm nồng cốt mà kể tiếp, nhắc lại những sự biến đổi từ thưở đó cho đến ngày Sài Gòn trở về với dân Việt, ngót một trăm năm.
    Bắt tay vào việc, cốt ý của tôi là muốn cống hiến ra đây mớ hiểu biết lụn vụn và mớ nghe thấy vặt vãnh về Sài Gòn. Cũng nghĩ nếu mãi sụt sè, đến ngày xuống lỗ, chắc gì ôm theo được? (mà chừng đó ôm theo ích gì cho ai?)

    - Ở đây, tôi chú trọng nhiều nhứt là những đoạn sử buổi giao thời: Pháp - Nam - Chà - Chệc chung đụng, những chuyện "Tây đến Tây đi", những việc chưa ai nói rõ ràng, may tôi được nghe tận tai, hoặc thấy tận mắt, nhiều đoạn do hiểu biết riêng, lắm đoạn nhờ các cố lão thuật lại. Tôi không dám chắc đúng cả, nhưng "ăn trầu gẫm mà nghe" bây giờ chưa nói còn đợi lúc nào? Có nói có cãi, lần hồi mới phăng ra sự thật.

    Tôi không quên cám ơn anh bạn thân Lê Ngọc Trụ, người nhau rún Chợ Lớn, đã dày công giúp tôi xây dựng tập nhỏ nầy.

    Cũng như tôi không dám quên ơn tất cả các bạn xa gần đã góp sức cùng tôi, trong số, điển hình nhứt, có anh Mười Minh Tải Đặng Văn Ký, người đồng cảnh ngộ với cụ Trần Trọng Kim Tân Gia Ba thưở nọ. Nay Anh Mười nằm khoảnh làm ẩn sĩ, ấp Đông Nhì, Gò Vấp. Anh không làm gì hết, nhưng anh dày công ủng hộ tôi về mặt tinh thần, giúp thêm ý kiến, và đã đổ nhiều bọt oáp trong khi cùng tôi tìm hiểu địa điểm "Mả Nguỵ" ngày nay nằm nơi đâu!
    Còn một người nữa, bạn già với nhau, ông Hoàng Xuân Lợi, hoạ sĩ Viện Bảo Tàng. Mấy ảnh chụp khéo, mấy bức địa đồ công phu không có, làm sao tập nhỏ này thành hình?

    - Bác Lợi, cảm tình chất chứa tận đáy lòng, tôi vội gói làm một gói "tri ân nồng hậu", xin Bác vui nhận.
    Xuân Mậu Tuất (1958)
    Xuân Canh Tý (1960)
    VƯƠNG HỒNG SỂN

    Phần 1


    Nối dõi tổ tiên, trong cuộc Nam tiến vĩ đại


    Đến bây giờ, còn phân phân bất nhứt: các học giả vẫn bàn cãi không thôi chung quanh hai tiếng "Sài" "Gòn", chẳng biết từ đâu, bởi đâu mà có. Kẻ nói vầy, người nói khác, không ai chịu ai. Tranh luận mãi càng thêm rối trí, không bổ ích vào đâu. Một điều an ủi chung cho hạng gàn như tôi là chính trong tập khảo cứu năm 1885, nhà bác học uyên thâm trong Nam, cụ Trương Vĩnh Ký, cũng tỏ ra bối rối như ai!
    *
    Để dọn đường tìm hiểu thêm về nguồn gốc "Sài Gòn" của người Việt, chúng tôi trước tiên, xin tóm tắt cuộc Nam tiến như sau:
    Căn cứ theo tài liệu lịch sử để lại, đại cương cuộc Nam tiến không ngừng của dân tộc Việt Nam gồm có những năm nầy, quan trọng nhứt:
    - 939, tổ tiên Việt còn ở vùng Thanh Hoá, và nhờ có ông Ngô Quyền, cởi được ách Bắc thuộc, mở đường cho Đinh, Lê, Lý, Trần, về sau được tự chủ ở cõi Nam.
    - 1069, xuống đến Quảng Bình, Quảng Trị;
    - 1307, nhà Trần gả Huyền Trân Công Chúa cho vua Chàm, mở rộng cõi bờ thêm hai châu Ô Lý (Thừa Thiên);
    - 1425, đến Thuận Hoá;
    - 1471, đến Quy Nhơn;
    - 1611, đến Phú Yên;
    - 1653, đến Nha Trang;
    - 1658, Cao Miên xin thần phục chúa Nguyễn, nhìn nhận quyền của triều đình Huế;
    - 1680, Nguyễn chúa cho bọn tàn binh nhà Minh khai khẩn hoang địa vùng Đồng Nai;
    - 1693, đến Phan Thiết;
    - 1698, đến Biên Hoà và Gia Định (Sài Gòn);
    - 1708, MẠC CỬU dâng Hà Tiên cho chúa Nguyễn, Mạc được phong làm tổng binh đời đời vĩnh trấn Hà Tiên;
    - 1755, Cao Miên quốc vương nhượng đất Tân Bôn và Lôi Lạp cho Võ Vương. Trong Nam, ông Nguyễn Cư Trinh với những kế hoạch khẩn hoang, dinh điền ở miền Nam. Vào cuối thế kỷ XVIII, tại Gia Định, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tịnh, Lê Quang Định, ba người cùng lập thị xã nâng cao đuốc văn hiến một thời:
    - 1780, MẠC THIÊN TỨ (con MẠC CỬU) mất, không con nối hậu. Từ đây, đất Hà Tiên sát nhập cơ đồ Nguyễn chúa: cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam, đến đây đã hoàn thành.
    Bản đại lược tóm tắt như trên, gọn thì có gọn, nhưng quá vắn tắt nên khó tránh sự tối nghĩa, và kém sáng suốt, nhứt là đối với những người không nằm lòng lịch sử nước nhà.
    Về tổ chức đồn điền, xét ra đã có từ đời Hồng Đức (Lê Thánh Tôn), từ ngày vua Lê Lợi đuổi được quân Tàu, thế nước rất mạnh, hiềm vì đất đai chật hẹp không đủ cho dân cày cấy, nên Lê Thánh Tôn thi hành chánh sách bành trướng vào Nam, lập kế đồn điền. Tổ chức nầy có hai phương lợi: một là trấn an biên thuỳ, hai là mở rộng bờ cõi một cách hoà bình. Nhơn thế, một chức quan được đặt ra, gọi quan Thu ngự kinh lược sứ, với nhiệm vụ chiêu tập những lưu dân (gồm những dân tình nguyện, những người phải tội lưu trú ngoài biên cương, hoặc những người bỏ làng để trốn lính và tránh sưu thuế…). Những người ấy được đưa đi khai khẩn đất hoang, và được quan kinh lược giúp đỡ và ủng hộ. Họ lấn sang đất Chiêm Thành rồi sau này đất Thuỷ Chân Lạp và vẫn yên tâm mở rộng khu vực vì sẵn bên có quân đội bảo vệ an ninh.

    Sau một hai đời, thì những hạt mới được sung nhập lãnh thổ Việt. Lần lần, những lưu dân miền Bắc, miền Trung, dùng phương pháp "tàm thực" ấy mà mở rộng đất đai bờ cõi Việt từ sông Cả đến tận mũi Cà Mau. Sự bành trướng nầy đến ngày chạm súng với Lang Sa mới ngưng.

    Nhơn đây là bài khảo cứu về căn cội đất Sài Gòn, và muốn cho đầy đủ, chúng tôi không sợ lẩn thẩn, mà thuật lại có đầu có đuôi "công cuộc mở mang bờ cõi" của tổ tiên ta trong cuộc Nam tiến, tính ra kéo dài trên tám trăm năm (từ năm 939 đến năm 1780) mới hoàn thành. Có một khoảng trên dưới một trăm năm, cần phải nhấn mạnh nhứt là khoảng từ năm 1658 đến năm 1759, tức đoạn tổ tiên ta chung đụng với người Cam Bốt, trên cõi Nam nầy. Ngày nay nước Cao Miên và nước Việt Nam là hai người bạn thân, lẽ đáng không nên khơi lại chuyện cũ. Nhưng nghĩ vì đây là lịch sử nên chúng tôi xin hết sức thận trọng, vô tư và khách quan, thuật lại như sau để đánh tan những hiểu lầm.

    1. Cõi Nam từ năm 1658 đến năm 1753
    Lúc ấy đã có người Cam Bốt ở trên đất Nam nầy rồi. Nói chính đáng mà nghe, từ Huế, Chúa Hiền Vương đã từng cắt quân đi chinh phục miền Nam. Quân ta cả thắng Chàm và sau những chiến công rực rỡ, dân Việt đã có dịp chen vai thích cánh với người Khơ me, nơi những vùng biên giới cũ Chàm, kể từ năm 1658.
    Một điều nên nhớ kỹ, là vào thời buổi ấy, DÂN THƯA ĐẤT RỘNG, DÂN LÀM ĂN KHÔNG HẾT, việc đi khai khẩn đất hoang là thường sự và không hề sanh ra việc gì rắc rối. Tục thường ví "CHIM TRỜI CÁ NƯỚC", ai bắt được nấy nhờ.
    Một điều khác cần nói rõ thêm là đất miền Nam của bán đảo Ấn Độ - Chi Na cũng không phải thiệt thọ "phần đất phụ ấm" của Khơ me. Sự thật thì dòng thổ dân tiên chiếm vùng nầy là giống Phù Nam đã bị tiêu diệt từ thế kỷ thứ VII, và có thể người Khơ Me chiếm thay người Phù Nam từ thế kỷ thứ VII, lại mấy có sự đòi hỏi tranh tụng gì? Tha hồ lúc ấy ai khai phá được khoảnh nào thì nấy làm chủ ăn hoa lợi. Và như đã nói "đất ở không hết", tội gì tranh giành cho nhọc lòng lo, cho mệt xác. Sợ nhứt là làm như vậy, chỉ sanh oán thù, ích gì?

    Gương xưa tích cũ còn trước mắt sờ sờ:

    - Pháp quốc đã giàu mạnh, nhưng còn nhà đất Gia Nã Đại, chẳng qua lúc ấy vừa chê xa xôi, vừa chê ít hoa lợi…

    - Trung quốc là nước lớn, thế mà cắt đất Mã Cao để làm nhượng địa cho Bồ Đào Nha, rồi cũng cắt đứt Hương Cảng làm nhượng địa cho Anh Quốc, chung quy cũng vì thời buổi ấy hai chỗ nầy chỉ núi đá trơ trơ, toàn đất hoang vu không sanh hoa lợi, "mất" hay "bỏ" vẫn không tiếc…

    Nhắc lại, sau khi nhà Minh bên Trung Quốc bị nhà Mãn Châu thay thế, thì năm 1680, bọn di thần Minh triều như Dương Ngạn Địch, Huỳnh Tấn, Trần Thắng Tài, v.v… tự xưng người "Trường Phát" (tóc dài) không khứng đầu hàng Thanh triều, vì họ ghét tục dân Mãn Châu cạo đầu gióc bín (để đuôi sam như đuôi lừa). Bởi rứa, theo sử chép lại, các tướng ấy dìu dắt độ ba ngàn tinh binh trung thành với cựu trào, lướt sóng trên năm mươi, sáu mươi chiến thuyền vượt trùng dương tìm xuống miền Nam, xin đầu hàng chúa Nguyễn, vì dân Nam cũng để tóc dài và trung thành với đạo Khổng Mạnh như họ. Đứng trước tình trạng khó xử này, chúa Hiền Vương trong lòng bối rối không vừa, vì kỳ trung chúa chẳng muốn gần gụi đám vong thần bất trị ấy; nhưng với trí tinh khôn có thừa, ngoài mặt chúa giả cách niềm nở tận tình. Chúa bày tiệc khoản đãi quân sĩ nhà Minh rồi "tống khứ" họ xuống miền Đông Phố, cho họ được phép chiếm cứ vùng Đồng Nai thưở đó tuy thuộc lãnh thổ Khơ Me, nhưng Miên Vương tỏ ra không bận tâm nhiều đến vùng hoang địa ranh mức tầm ruồng nầy.

    Như thế, nhơn một mũi tên, chúa Nguyễn bắn được hai chim; một đàng, được lòng người Tàu vì làm cho họ có chỗ dung thân, đàng khác nhơn cơ hội, mượn tay tha nhơn, mở rộng bờ cõi một cách hoà bình, không tốn hao binh sĩ; thật là ngón ngoại giao sắc cạnh khôn bì.

    Nhắc lại, được lịnh Chúa Nguyễn, tướng Dương Ngạn Địch kéo quân xuống chiếm đóng vùng Mỹ Tho trên sông Tiền Giang (Mékong); còn Trần Thắng Tài, Huỳnh Tấn, và Trần An Bình thì đem bổn bộ binh mã đến chiếm cứ vùng Biên Hoà, trên con sông Đồng Nai. Vì không nói được chữ "đ" nên họ vẫn gọi "Đồng Nai" ra "Nồng Nại".

    Khi người Khơ Me đụng độ với người Tàu thì đã lấy làm bực mình vì phong tục khác xa, không dè đến khi ăn chung ở lộn với dân "duồng", họ lại càng thêm khó chịu. Họ ngầm ghét đám dân "Đồn điền" mới.

    Lần hồi, không cử động binh đao, mà người Cam Bốt (Campuchia) tự rút lui về miền thượng Lục Chân Lạp (Haut Cambodge) bỏ đất hoang Thuỷ Chân Lạp (Basse Cochinchine) cho mặc tình người Trung Quốc và Việt Nam tha hồ khai phá. (Cái nghiệp "hay hờn mát" và "ưa giận quàng xiên" của người Miên đến nay vẫn chưa bỏ. Tỷ dụ như lối năm 1920, dân Miên và dân Việt đua nhau khai thác xin khẩn đất hoang dọc theo kinh xáng mới đào vùng Phước Long và Vĩnh Qưới (Rạch Giá) để làm ruộng. Mỗi khi đôi bên không thuận nhau về quyền tiên chủ sở đất nào, thì người Miên thường thách đố người Việt hãy đồng lòng đem sở đất tranh chấp "hiến nạp" ngon lành cho viên chức sở tại, như vậy thì họ sẽ hết giận, báo hại quan thinh không phát tài ngang! Nhưng người Việt đâu chịu làm vậy và thường có cách khéo giải hoà với bạn Miên khỏi "làm giàu vô cớ" cho quan! Duy ngày nay, còn giận ai nữa mà Miên vẫn cất nhà xây mặt tiền vào vườn, ít chịu xây mặt ra đường cái hay ngó ra con sông tấp nập?

    Nhắc lại năm Giáp Dần (1674), Chúa Hiền đã tầng sai binh xuống can thiệp vào việc nội bộ nước Miên do Nặc Ông Non cầu cứu dẹp hộ binh Xiêm. Đến khi vua Miên thấy cảnh ở Sài Gòn bị kẹp giữa hai gọng kềm "Chệc", bèn cầu cứu với triều Huế, Chúa Hiền nhân cơ hội ấy để sai nha trảo xuống dàn xếp… Thêm một cơ hội may mắn đến cho triều Huế là vào năm 1688 giữa người Tàu Mỹ Tho và người Tàu Cù Lao Phố sanh ra sự bất hoà lớn. Chúa Hiền khi ấy đã mất, nhưng Ngãi vương nối ngôi không kém sự trí mưu. Huỳnh Tấn giết Dương Ngạn Địch, binh chưa lại nghỉn thì kế bị Chúa Ngãi ra tay trước, giết Huỳnh Tấn, dẹp tan đám giặc khách sót lại ở Mỹ Tho mà làm chủ tình thế hai thị trấn tân tạo Mỹ Tho và Cù Lao Phố (Biên Hoà).

    Chúa thừa thắng cho binh tướng kéo rốc lên Cam Bốt tới trước thành Gò Bích, Miên Vương một mặt dẫn phi tần về thành U Đông, mặt khác sai sứ nạp biểu. Chúa Ngãi cho dân, quân về an dinh lập trại Bến Nghé. Công việc ấy gọi là "đồn dinh”.

    Thuở đó, xứ Cam Bốt có đến hai vua:
    - Vua Nhứt, Chánh Vương, ngự tại thành Lo Vek (sách sử Việt âm là "La Bích" hoặc "Gò Bích" (Trương Vĩnh Ký); (trong Việt Nam Sử lược, Trần Trọng Kim, trang 329, ghi "thành Long Úc", phải Lo Vek này chăng?!)

    - Vua Nhì, tức Phó Vương, đóng đo tại Prei Norkor, sau này Sài Gòn.
    Một nước hai vua, một xứ hai mặt trời, đây là một tình thế lưỡng lập vạn bất đắc dĩ, không bao giờ tồn tại được lâu. Về sau, nếu có xảy ra sự di dân Khmer tự mình bỏ Thuỷ Chân Lạp rút lui về Lục Chân Lạp, âu cũng vì một lẽ Chánh Vương ngầm muốn để còn một vua đặng dứt hậu hoạn về sau, một lẽ nữa, cũng tại lòng dân Miên mà cũng có tay Trời già ở trong!

    Prei Norkor vào thời bấy giờ, là một thôn nhỏ trong rừng già dựa kề một đồn kiên cố, dân cư thưa thớt, nhà cửa lèo tèo, cột cây nóc lá, tập trung trên các gò nổng cao ráo, chung quanh là ao sình nước đọng quanh năm, sâu vô trong nữa thì toàn là rừng rú thiên nhiên đã có từ tạo thiên lập địa, không ai khai phá, đầy rẫy muỗi mòng, đỉa vắt và thú dữ: tây, tượng, hùm beo, khỉ, sấu… Prei Norkor dùng làm nơi đồn trú của Phó Vương Cao Miên (một cái gai trong mắt Chánh Vương).

    Việt Sử Trần Trọng Kim nói:
    "Năm Mậu Tuất (1658), vua nước Chân Lạp mất, chú cháu tranh nhau, sang cầu cứu bên chúa Nguyễn, chúa Nguyễn bấy giờ là chúa Hiền sai quan đem ba ngàn quân sang đánh ở Mỗi Xuy (nay thuộc Phúc Chánh, Biên Hoà) bắt được vua là Nặc Ông Chân đem về giam ở Quảng Bình một độ, rồi tha cho về nước, bắt phải triều cống và phải bênh vực người An Nam sang làm ăn ở bên ấy.

    "Năm Giáp Dần (1674), nước Chân Lạp có người Nặc Ông Đài đi cầu viện nước Xiêm La để đánh Nặc Ông Nộn.

    "Nặc Ông Nộn bỏ chạy sang cầu cứu ở dinh Thái Khang (nay là Khánh Hoà). Chúa Hiền bèn sai cai cơ đạo Nha Trang là Nguyễn Dương Lâm cùng với Nguyễn Đình Phái làm tham mưu đem binh chia ra làm hai đạo sang đánh Nặc Ông Đài, phá được đồn Sài Gòn rồi tiến quân lên vây thành Nam Vang. Nặc Ông Đài phải bỏ thành chạy vào chết ở trong rừng. Nặc Ông Thu ra hàng. Nặc Ông Thu chính là dòng con trưởng nên lại lập làm chánh quốc vương đóng ở Long Úc, để Nặc Ông Nộn đóng ở Sài Gòn, bắt hàng năm phải triều cống.

    "Năm Mậu Thìn (1688), Hoàng Tiến giết Dương Ngạn Địch, rồi đem chúng đóng đồn ở Nam Khê, làm tàu, đúc súng để chống nhau với người Chân Lạp. Vua Chân Lạp là Nặc Ông Thu cũng đào hào đắp luỹ làm kế cố thủ và bỏ không chịu thần phục chúa Nguyễn nữa.

    "Bấy giờ chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Trăn sai quan đem quân đi đánh dẹp, dùng mưu giết được Hoàng Tiến và bắt vua Chân Lạp phải theo lệ triều cống.
    Năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Chu sai ông Nguyễn Hữu Kính làm kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Đông Phố (Giản Phố) ra làm dinh, làm huyện, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long và xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình.Đặt Trấn Biên dinh (tức Biên Hoà) và Phiên Trấn dinh (tức Gia Định) sai quan vào cai trị. Lại chiêu mộ những kẻ lưu dân từ Quảng Bình trở vào để lập ra thôn xã và khai khẩn ruộng đất. Còn những người Tàu ở đất Trấn Biên (Biên Hoà) thì lập làm xã Thanh Hà: những người ở đất Phiên Trấn (Gia Định) thì lập làm xã Minh Hương. Những người ấy đều thuộc về sổ bộ nước ta”.
    (Việt Nam Sử lược, Trần Trọng Kim, trương 329-330)


    Xin kể lại những năm oanh liệt nhất để đánh dấu những kỳ công của tổ tiên ta:

    Năm 1753, vua Chân Lạp Nặc Ông Nguyên lấn hiếp người Côn Man ở trong Nam, triều đình Huế bèn cử ông Nguyễn Cư Trinh làm quan tham mưu lo việc đánh dẹp. Ba phen thắng giặc, Cư Trinh bèn hiến kế "tàm thực" làm cho mười năm sau hoàn thành cuộc mở mang: Thuỷ Chân Lạp hoàn toàn về tay chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

    Bấy giờ miền rừng sác hoang vu, cực nam là vùng Lòi Lạp (Gò Công), Tầm Bôn (Tân An) và vùng các cửa sông Cửu Long (Ba Thắc tức vùng Sóc Trăng, Bạc Liêu) và Trà Vang (Trà Vinh, Bến Tre), còn thuộc Chân Lạp.

    Đồng thời với việc thôn tính nước Chiêm (1611-1692), chúa Nguyễn đã tiến lần xuống miền Đồng Nai phì nhiêu. Hơn một thế kỷ (1623-1739), do việc giành ngôi lẫn nhau của các vua Miên mà chúa Nguyễn lần hồi thâu phục dân Việt dần dần mở mang các đất đai: Mô Xoài (Bà Rịa, Biên Hoà) (1658), Sài Gòn (Gia Định) (1698), Định Tường (Mỹ Tho) và Long Hồ (Vĩnh Long) (1731). Phía vịnh Xiêm La, MẠC CỬU dâng đất Hà Tiên và hòn Phú Quốc cho chúa Nguyễn từ năm 1741, sau đó con là MẠC THIÊN TỨ mở thêm bốn huyện (1739): Long Xuyên (miền Cà Mau), Kiên Giang (Rạch Giá), Trấn Giang (miền Cần Thơ) và Trấn Di (miền bắc Bạc Liêu).

    Đến triều Võ Vương, vua Chân Lạp Nặc Ông Thu (Sthea) nhờ chúa Nguyễn mà giữ ngôi báu ở La Bích (Lovek) (1736 - 1748). Sau Nặc Ông Thâm (Thomae), chú của Tha, thua chạy trốn bên Xiêm từ năm 1715, lại trở về đánh đuổi Nặc Ông Tha và cướp ngôi (1748) song chẳng bao lâu thì mất.
    Mấy người con của Thâm tranh ngôi. Võ Vương sai Nguyễn Hữu Doãn làm thống suất đánh dẹp và lập Nặc Ông Tha làm vua trở lại. Được vài tháng, Tha bị con của Thâm là Nặc Nguyên (Ang Snguôn) đen quân Xiêm đánh đuổi (1750). Tha thua, chạy sang Gia Định cầu cứu nhưng chết ở đấy.
    Nặc Nguyên tranh được ngôi vua lại thường đem binh lấn hiếp người Côn Man là tàn tích dân Chiêm sang trú ngụ từ năm 1693.

    Về phía Bắc, Nặc Nguyên lại thông sứ với Chúa Trịnh Doanh (1740-1767) để lập mưu đánh Chúa Nguyễn quyết giành lại Thuỷ Chân Lạp.
    Mùa đông năm Quý Dậu (1753), Võ Vương sai ông Thiện Chính (khuyết tên) làm thống suất và ông Nguyễn Cư Trinh, ký lục Bố Chánh Dinh làm quan tham mưu, điều khiển tướng sĩ năm dinh đi đánh giặc Nguyên. Quân tiến đến Ngưu Chử (Bến Nghé), lập dinh trại, kén sĩ tốt, trừ bị thêm nhiều, để làm kế khai thác.

    Mùa hạ năm Giáp Tuất (1754), ông Cư Trinh với ông Thống suất chia quân tiến lên. Oâng Cư Trinh đi đến đâu, giặc quy phục đến đó; đi qua đất Tần Lê (?) ra đến Sông Lớn cùng hội quân với ông Thiện Chính ở đồn Lôi Lạp (Soi Rạp: Gò Công), phủ Tầm Bôn (Tân An), phủ Cầu Nam (Ba Nam), phủ Nam Vinh (Nam Vang: Phnôm Pênh), bốn phủ hàng cả. Rồi chiêu phục người Côn Man để làm thanh thế.
    Nặc Nguyên chạy trốn gần Vĩnh Long; gặp mùa nước nổi, phải ngưng đánh phá.

    Mùa xuân năm Ất Hợi (1755), ông Thống suất về đồn Mỹ Tho, dẫn theo hơn vạn người Côn Man mới chiêu phục. Đến đất Vô Tà Ân (có lẽ là vùng Đồng Tháp Mười) bị quân của Nặc Nguyên đổ ra đánh úp. Quân của thống suất đi tập hậu bị mắc bụi rậm vũng lầy, không thể đến cứu viện. Ông Nguyễn Cư Trinh mới đem quân của ông đến cứu thoát hơn năm người Côn Man, vừa trai vừa gái, rồi đem về trú ở núi Bà Dinh (Bà Đen).
    Nhân ông Cư Trinh hạch tấu ông Thiện Chính về tội để mất cơ nghi mà bỏ dân mới phục hàng, vua giáng ông ấy xuống chức cai đội, cho ông Trương Phúc Du thay thế.

    Ông Cư Trinh với ông Phúc Du và người Côn Man đi tiên phong đến đánh hai phủ Cầu Nam và Nam Vinh.
    Nặc Nguyên thua, chạy trốn sang Hà Tiên nương theo Mạc Thiên Tứ, nhờ Tứ xin hộ với Chúa Nguyễn, hiến hai phủ Tân Bôn, Lôi Lạp để chuộc tội, và bổ vào lệ triều cống đã bỏ ba năm về trước, cùng để xin cho về nước.
    Vua không cho. Ông Cư Trinh mới dâng sớ tâu rằng:
    "Từ xưa, sở dĩ dùng đến binh, chẳng qua là muốn giết đứa cừ khôi, mở mang bờ cõi mà thôi. Nay Nặc Nguyên đã hối quá, biết nộp đất hiến của. Nếu không cho y hàng, thì y chạy trốn; mà từ Gia Định đến La Bích, đường sá xa xôi, không tiện đuổi đánh. Vậy muốn mở mang bờ cõi, chi bằng hãy lấy hai phủ ấy, giữ chặt phía sau cho hai dinh (Phiên Trấn và Trấn Biên). Năm xưa, đi mở phủ Gia Định, trước phải mở phủ Hưng Phúc (Biên Hoà), rồi mới mở đến phủ Lộc Dã (Đồng Nai) để quân dân đoàn tụ, rồi mới mở đất Sài Côn. Đó là cái kế "tằm ăn dâu" đó.
    Nay từ Hưng Phúc đến Sài Côn đường đi chỉ hai ngày, mà dân cư còn chưa yên tập, quân giữ cũng có đứa chưa khỏe; phương chi từ Sài Côn đến Tầm Bôn, đường đi trong sáu ngày, thú binh trụ phòng, thực sợ chưa đủ.
    Thần thấy rợ Côn Man đánh đường bộ rất tài, quân Chân Lạp cũng đã chột dạ. Nếu cho rợ Côn Man ở đấy, sai nó ngăng chống, lấy mọi đánh rợ, cũng là kế hay. Vậy nên xin cho nước Chân Lạp chuộc tội, lấy hai phủ ấy, cho thần xem xét tình thế, đặt luỹ đóng quân, cấp điền sản cho quân dân, chia địa giới, lấy châu Định Viễn để thâu cả toàn bức".
    (Rút trong quyển "Nguyễn Cư Trinh với quyển Sãi Vãi" của hai ông Lê Ngọc Trụ và Phạm Văn Luật).

    Vua theo lời tâu, nhận lấy hai phủ (1756) và cho Nặc Nguyên về nước.
    Năm Đinh Sửu (1757), Nặc Nguyên chết, chú họ là Nặc Nhuận (Neac Ang Nhuan) làm gián đốc, xin hiến đất Trà Vang (Trà Vinh, Bến Tre) và Ba Thắc (Sóc Trăng, Bạc Liêu) để cầu được chúa Võ Vương phong làm Vua. Song không lâu, Nhuận bị rể là Nặc Hinh nổi loạn giết chết cướp ngôi (1758).
    Cháu của Nặc Nhuận là Nặc Tôn, con của Nặc Nguyên, chạy sang Hà Tiên cầu cứu với Mạc Thiên Tứ, Thiên Tứ dâng sớ tâu qua các việc và xin phong Nặc Tôn làm vua Chân Lạp. Võ Vương thuận cho, sai tướng Ngũ dinh tại Gia Định hợp với Thiên Tứ lo việc ấy. Trương Phúc Du đem binh đánh dẹp, Nặc Hinh thua chạy, bị kẻ thuộc hạ giết. Hoàng tử Nặc Non cùng hoàng gia chạy trốn bên Xiêm.

    Nặc Tôn được Mạc Thiên Tứ đưa về nước lập làm vua, và được Võ Vương sắc phong chức Phiên Vương.
    Để tạ ơn Võ Vương, Nặc Tôn hiến đất Tầm Phong Long (Châu Đốc và Sa Đéc) (1759). Rồi cắt năm phủ: Hương Úc (Kompong Som), Cần Bột (Kampot), Sài Mạt (Cheal Meas), Chưng Rừm, Linh Quỳnh (vùng duyên hải từ Sré Ambel đến Peam) để riêng tạ ơn Thiên Tứ. Mạc Thiên Tứ đều dâng cả cho chúa Nguyễn. Võ Vương bèn dạy sát nhập vào trấn Hà Tiên.
    Thế là vừa trọn một thế kỷ (1658 - 1759), Thuỷ Chân Lạp hoàn toàn thuộc về Việt Nam.
    (Tài liệu mượn trong quyển "Nguyễn Cư Trinh" với quyển "Sãi Vãi" của hai ông Lê Ngọc Trụ và Phạm Văn Luật, trang 45-49).
    Đoạn trên kể lại công ngiệp khai mở bờ cõi của một vị tướng văn võ toàn tài là ông Nguyễn Cư Trinh. Cư Trinh lại rất có công về cuộc phòng thủ lâu dài.
    Ông giỏi phương pháp "dĩ địch chế địch” nên đặt người Côn Man thủ Tây Ninh và Hồng Ngự (Châu Đốc), nay hai chỗ này còn di tích người Chàm. Chính ông Cư Trinh xin dời dinh Long Hồ lên xứ Tầm Bào, cũng thuộc tỉnh lỵ Vĩnh Long.
    Về mặt thuỷ đạo, ông sai lập đồn hai bên sông Cửu Long gần biên giới:
    - Tân Châu đạo (Cù Lao Giêng) ở Tiền Giang.
    - Châu Đốc đạo ở Hậu Giang.
    - Thêm lậpĐông Khẩu đạo , ở xứ Sa Đéc, để làm hậu thuẫn.
    Các đạo ấy dùng binh ở Long Hồ dinh để trấn áp, giữ mặt vịnh Xiêm La, phòng Xiêm làm hỗn, Cư Trinh và Thiên Tứ đặt raKiên Giang đạo ở Rạch Giá và Long Xuyên đạo ở vùng Cà Mau.
    Ông Cư Trinh lại rất giàu sáng kiến. Ông lo tổ chức sự an ninh vùng đất mới, đảm bảo sự thông thương buôn bán trên vùng rạch hồ. Như thuở ấy, khúc sông Gia Định còn nhiều chỗ xưng bá, thuyền cướp tụ tập phá khuấy ghe thương hồ (ngày trước còn để lại tàn tích "bối Ba Cụm" thuộc vùng Bình Điền, Tân Bửu, v.v…), Cư Trinh bày ra lệ bắt thuyền các Hạt, bất luận lớn nhỏ, trước mũi phải khắc tên họ, quê quán, chủ thuyền và ghi bộ quan sở tại để tiện tra xét.
    Nguyễn Cư Trinh còn là một văn nhơn tài tử, ông thường ngâm vịnh, sang Phương Thành (Hà Tiên) nhập Chiêu Anh Các xướng hoạ cùng Mạc Thiên Tứ. Hai người rất là tương đắc, Thiên Tứ có ra mười bài"Hà Tiên thập cảnh vịnh " (nay còn truyền tụng). Cư Trinh có hoạ đủ mười bài.
    Kể lại trong Nam, đời ấy công nghiệp lớn nhất có hai ông:Nguyễn Cư Trinh vàMạc Thiên Tứ. Ông trước cầm binh ra trận, thi phú tài tình; Ông sau giỏi ngón ngoại giao và văn chương tao nhã. Cả hai mở rộng bờ cõi Miền Nam cho chúng ta được hưởng ngày rày.

    Đồng thời tại Gia Định, trong nhóm người Minh Hương, có ba ông:Trịnh Hoài Đức ,Ngô Nhơn Tịnh vàLê Quang Định đều là những bực công thần có công xây dựng cõi Nam, đua nhau nâng cao nền văn hiến Việt và tận tâm giúp chúa Nguyễn thâu lại cơ nghiệp tổ tiên thống nhất giang san. Hà Tiên có Chiêu Anh Các , Gia Định cóThi hữu tam gia không kém.

    Năm 1780, Mạc Thiên Tứ từ trần, không con nối hậu. Đất Hà Tiên từ đây sát nhập cơ đồ Nguyễn Chúa:
    CUỘC MỞ MANG BỜ CÕI CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM ĐẾN ĐÂY, KỂ NHƯ ĐÃ HOÀN THÀNH.
    你爱我吗?

  2. #2

    Mặc định

    Phần 2

    Cuộc mở mang bờ cõi giải quyết xong, nay bắt qua tìm hiểu về lai lịch đất Sài Gòn.
    Về danh từ "SÀI GÒN"
    Đại Nam Quốc Âm Tự vịcủa Huỳnh Tịnh Của viết:
    __:Sài tức là củi thổi.
    __:Gòn tên loại cây có bông nhẹ xốp, nhẹ hơn bông thường, trong Nam hay dùng để dồn gối, dồn nệm, ngoài Bắc gọi làcây bông gạo (kapok, kapokier).
    Điều nên nhớ là thuở cựu trào, mỗi lần chạy sớ tấu ra kinh, mỗi moxi lấy Hán tự làm gốc. Các quan trong Nam thuở ấy, để gọi thành"Sài Gòn" đều viết hai chữ nôm như vầy. Viết làm vậy, nhưng đến khi đọc thì luôn luôn đọc là "Sài Gòn". Về sau, có nhiều người, đọc "Sài Côn", tưởng rằng đúng. Ngờ đâu, đọc như thế là phản ý người xưa, tôi muốn nói những người cố cựu miền Nam của đất Gia Định cũ. Cũng như có một ông tướng tên làVõ Tánh , vốn người Gò Công, nay rất nhiều người đọc tên ông làVũ Tính. Lại như tên một trái núi trên Biên Hoà, thuở nào đến nay, quen gọi là"núi Châu Thới". Nay thường nghe nhiều học giả đọc và viết "núi Chu Thái", chúng tôi không dám nói gì, nhưng thiết tưởng đến ông Trời cũng phải chịu! Còn đến như nguyên do làm sao cổ nhân khi trước ghép chữ Hán "Sài" với một chữ Nôm "Gòn" làm vậy thì thú thật tôi xin chịu bí! Nói nhỏ mà nghe, dốt nát như tôi, tôi hiểu rằng khi ông bà ta thiếu chữ"gòn" không biết phải viết làm sao, thì ông bà cứ mượn chữ"côn" thế tạm, có hại gì đâu, hại chăng là ngày nay con cháu không muốn đọc y như ông bà lại dám chê xưa kia ông bà ta quá dốt!
    Cũng trong Tự Vị ông Huỳnh Tịnh Của, còn thấy ghi hai chỗ khác nhau về danh từ Sài Gòn:
    Sài Gòn:tên riêng đất Chợ Lớn, bây giờ lại hiểu là đất Bến Nghé (trang 280 quyển II).
    Sài Gòn:tên xứ ở về tỉnh Gia Định (trang 390 quyển I).
    Tôi xin hẹn sau sẽ giải nghĩa việc này. Điều nên chú ý liền đây là bộ Tự vị Huỳnh Tịnh Của in vào năm 1895-1896 cho ta thấy rõ đời ấy đã có sự lẫn lộn về danh từ "Sài Gòn" rồi.
    Để tìm hiểu sâu rộng và muốn biết rành rẽ về nguồn gốc tích "SÀI GÒN", phải dày công phăng từ ngọn ngành, căn cội và chịu khó tra cứu từng các dân tộc một, đã sống qua các thời đại trải không biết mấy ngàn năm và thay nhau khai thác cõi Nam này:

    1) người Phù Nam,
    2) người Cam Bốt,
    3) người Tàu,
    4) người Việt.

    Thời cổ đại, theo sử Trung Quốc ghi lại, thì có giống người Phù Nam chiếm cứ sơ khởi vùng gọi Phù Nam. Đất Phù Nam sau đổi lại là "Thuỷ Chân Lạp" (le Chan-la des eaux ou Basse Cochinchine) để phân biệt với đất Lục Chân Lạp (le Chan-la des montagnes ou Cambodge).

    THỜI ĐẠI NÀY, ĐẤT THỦY CHÂN LẠP CÒN LÀ RỪNG RẬM SÌNH LẦY, THÀNH SÀI GÒN CHƯA CÓ.

    Khoảng năm 1943 - 1944, nhà học giả Pháp, ông Louis Malleret nhân danh là hội viên trường Viễn Đông Bác cổ và Giám đốc viện Bảo tàng Sài Gòn có thân hành đến chặng giữa đường Long Xuyên đi Rạch Giá, noi dấu bọn thổ dân đã đến chỗ này nhiều tháng trước để bòn vàng…

    Nơi đây, ông tìm ra di tích một nền cổ Phù Nam bị chôn vùi dưới đất từ ngàn xưa. Ông có đem về Viện Bảo tàng rất nhiều món đồ nữ trang, cổ vật, trang sức phẩm và rất nhiều tài liệu cổ có chơn giá trị về lịch sử (đồ đất nung, dót nấu kim khí, miểng bát chén, phao lưới, trái trì lưới (poids de filet), cục đá căng nặng xe chỉ sợi (fusaiolus), v.v…), hiện các vật này trưng bày làm một gian phòng riêng biệt trong Viện Bảo tàng Sài Gòn. Nhờ đó, ta biết được cội đất nước ta và biết tại đây xưa kia vào thế kỷ thứ hai, người dân La Mã đã tìm theo con đường biển thả tàu buồm đến đây và đã từng đặt chân trên đát này cũng như họ đã từng giao thiệp chặt chẽ cùng thổ dân bản xứ.

    Họ (người La Mã, Ấn Độ di cư, Mã Lai, Phù Nam, v.v…) qua lại đổi chác với nhau, tỷ như vàng khối xứ Chiêm Thành (l’or du Cathay), lụa Trung Quốc (soie de Chine), hoặc hương liệu (épices): sa nhân, đậu khấu vùng Khmer (núi Cardamomes rất gần). Đặc biệt nhất là có một đồng vàng tìm được tại chỗ và đó là một tài liệu quý hoá nhất chứng minh cho thuyết nói trên. Đồng vàng ấy mang dấu hiệu của vua Antonin le Pieux, sinh năm 86 và trị vì tại La Mã từ năm 138 đến năm 161 Tây lịch kỷ nguyên. Hiện thời, các nhà thông thái tạm lấy chỗ tìm được cổ vật mà đặt tên cho các vật tìm thấy, gọi đồ thuộcvăn minh Óc-Eo. (theo chính tả Việt Ngữ. Nếu viết theo Phạn tự và theo giọng Khmer thì là ÂK EV). Nay Óc-Eo thuộc về làng Mỹ Lâm, tổng Kiên Hảo, giáp ranh hai tỉnh Long xuyên và Rạch Giá. Từ năm 1945 có chiến tranh, sự giao thông bất tiện, thêm thiếu điều kiện bảo thủ canh gác nên người tại chỗ đã đào đã hôi rất nhiều… Khó mà tiếp tục sưu tầm, tiếc thay!

    2. Nối chân Phù Nam trên vùng Thuỷ Chân Lạp là người Cam Bốt.

    Không nói đâu xa, từ đầu thế kỷ thứ XVII, người Cam Bốt đã có mặt tại vùng Sài Gòn lâu rồị Nhưng họ không khai thác chi cả. Họ chỉ ăn hoa lợi tự nhiên: thú rừng, lâm sản; lá lợp nhà, cây làm củi, v.v… Bằng cớ hiển hiện là khi lọt về tay người Việt, Sài Gòn vẫn là một thôn quê rừng, ruộng, vô danh.
    Nghiệm ra rằng người Khmer sanh đẻ tại Nam Việt, phát âm không giống y giọng Khmer trên Nam Vang. Tình trạng này có thể so sánh lại với tình trạng người Việt vùng Cà Mau Bạc Liêu giọng nói vẫn khác giọng Sài Gòn hoặc giọng Hà Nộị Đối với tiếng Khmer, trên Nam Vang, dùng nhiều chữ "r" có thể nói mỗi tiếng nói, gần như mỗi có đánh lưỡị Trái lại miền Nam Lục Tỉnh, dân Khmer nuốt gần mất chữ “r”. Tỷ dụ trên kia nói "Préam riet" (là 5 đồng bạc) thì dưới này họ nói "Péam yiel", v.v… chưa quen tai, không hiểu họ muốn nói gì.

    Bởi rứa, về danh từ "Sài Gòn" đối với người Cam Bốt, khi họ gọi:

    a) Prei Kor
    (nếu họ là người Nam Vang)
    b)Prei Nokor
    hoặc
    c) Pẹi - ừ - Ko
    (nếu họ là người Khmer Lục Tỉnh)
    d) Pẹi - ằng - ko

    Khiến người Việt ta điếc con ráy và… khó phân biệt được.
    Vả trong bốn cách phát âm trên, tưởng cần ghi lại hai cách Nam Vang, có phần khoa học, đáng tin cậy hơn, nhưng trong hai cách ấy cũng chưa phân biệt cách nào đúng nghĩa của người xưa.
    Prei, prey: rừng, không còn ai chối cãi.
    Kor: Kô, Ku: có hai nghĩa khác hẳn nhau:
    Khi "kor" làgòn , Prei-kor là "Rừng gòn".
    Khi khác thì"Kor":"Kũ": boeuf, Prei-Kor tức là "Rừng bò"?
    Có một tỷ dụ: Bockor: bâuk kũ: boeuf à bosse: bò u. Cố Tandart, sành về Miên ngữ, lại cắt nghĩa: Nokor do "Nagaram" tiếng Nam Phạn (Pâli), đồng nghĩa với chữ “thành" Việt Hán tự trong các danh từ: thành thị, đô thị (cité); thành phố (ville).

    Một tự vị Miên Pháp nữa dịch: Nokor: royaume: quốc. Vậy thì: Prei-Nokor là lâm quốc.
    Các thuyết trên cho phép ta định chừng“Nokor” là giọng kinh chợ, giọng các nhà hay chữ thông thái trên Nam Vang, chớ người Khmer… miền lục tỉnh, nước phèn cứng lưỡi, quen nói trại bẹ, thuở nay, để ám chỉ Sài Gòn, họ dùng một danh từ lơ lớ nghe tương tự "Pei-ừ-ko" hay "Pẹằng-ko" không rõ chắc được.
    Bằng như có ai hỏi họ sát đề quá, để tránh cái khó, họ dùng một danh từ khác, rõ rệt không còn chối cãi và lầm lộn nữa, ấy là danh từ "srock yuong" ta âm ra "Sốc Duồng" để chỉ xứ Sài Gòn. Lấy theo điểm này và căn cứ hai chữ nên thơ "Srock yuong", thì người Cam Bốt tự ngàn xưa đã ngấm ngầm nhìn nhận đất Sài Gòn là lãnh thổ Việt Nam không chối được. Dân Khmer Lục Tỉnh là người trí óc mộc mạc chất phác, người củi lục làm ăn, không biết nói láo và không biết nguỵ biện!
    Do các thuyết Lang sa kể trên, ta có thể kết luận:
    Dưới thời đại cam-bốt-diên, Sài Gòn là nước, xứ ở giữa rừng (Prei Mokor). Vịn theo thuyết này danh từ "Sài Gòn", trước định do “Prei Nokor” là "rừng gòn" không vững. Nay nên dịch "lâm quốc" đúng hơn. Tóm lại. danh từ “Sài Gòn" không ắt do điển “Prei Nokor” mà có.


    3. Theo dấu người Tàu, năm 1680 đến miền Nam, năm 1778 lập Đề Ngạn.
    Từ 1680, đã có dấu chân Hán tử trên dãy đất miền Nam nhưng họ lui tới đông đảo trên vùng Sài Gòn nhất là từ năm 1778.
    Tài liệu này thấy rõ ràng trong bộ sách "Annuaire de la Cochinchine Francaise pour l’année 1866". Nơi trang 83 và 84 của quyển sách hiếm có này, mục nói về thành phố "CHỢ LỚN", tác giả là hải quân Trung uý Francis GARNIER, thanh tra chính trị bản xứ, viết nguyên văn bằng tiếng Pháp, tôi xin sao lục ra đầy đủ sau:
    "CHOLEN. Vers la fin du XVIIe siècle, plusuieurs milliers dr Chinois préférant l’exil à la domination tartare, partirent de Canton, pour demander des terres à l’empereur d’Annam. Celui-ci leur désigna la Basse Cochinchine: il se débarassait de la sorte d’une multitude trop hardie pour ne pas devenir bientôt dangereuse, et en faisait, en même temps, l’avantcoureur de ses projets de conquête sur le Cambodge. Les émegrés se dirigèrent donc vers le pays de Gia Dinh, et s’établirent à Mitho et à Bien Hoa. Ce dernier point se développa rapidement sous leur influence, et l’ile Cou-lao-pho devint le pôint fréquenté où chaque année de nombreuses jonques vỉnent entreposer leurs marchandises.
    "A partir de ce moment, on voit les Chinois jouer un grand rôle dans toutes les guerres qui eurent une partie de l’Indochine pur théâtre, et, aussi redoutés comme adversaires, imposer parfois des conditions aux diverses parties belligérantes. Ce fut ainsi que, à peu près à la même époque, le Chinois MAC CUU s’empara de Hatien, sur le Cambodge, pour le compte de la cour de Húe, et recut de celle-ci, pour lui et ses descendants, l’investiture de la province dont cette ville est la capitale. Hatien devint bientôt peuplée et florissante et garde encore, aux yeux des Annamites, cette réputation d’élégance et de civilisation dont la colonisation chinoise a toujours eu le prestige pour eux.
    "Un siècle plus tard (1773), la révolte des TÁYON qui’ectala tout, d’abord dans les montagnes de la province de Qui-Nhon, et s’étendit repidement dans le sud, chassa de Bien-Hoa le mouvement commercial qu’y avaient attiré les Chinois. Ceux-ci abandonnèrent Cou-lao-pho, remontèrent de fleuve de Tan-Binh, et vinrent choisir la position actuele de CHOLEN. Cette création date d’envinron 1778. Ils appelèrent leur nouvelle résidence TAI-NGON ou TIN-GAN. Le nom transformé par les Annamites en celui de SAIGON fut depuis appliqué à tort, par l’expédition francaise, au SAIGON actuel dont la dénomination locale est BEN-NGHE ou BEN-THANH.

    "Mais la rébellion ne s’arrêta pas à la conquête de la province de Bien-Hoa: le chef des TAY-SON Nguyen Van Nhac pénétra peu après dans la province de PHAN-YEN (Gia-Dinh), battit les troupes impériales, et passa au fil de l’épée tous les Chinois établis à Saigon (1782).
    "Il en périt plus de dix mille, dit l’auteur du "Gia Dinh Thanh thung chi", à qui nous empruntons tous ces détails; la terre fut couverte de cadavres depuis Ben-Nghe jusqu’à Saigon, et comme on les jetait dans la rivière, elle en fut réellement arrêtée dans son cours; personne ne voulut manger du poisson pendant un escape de temps qui ne dura pas moins de trois mois. Les marchandises de toutes sortes appartenant aux Chinois telles que thé, étoffes de soie, remèdes, parfums, parpiers, joinchèrent la route pendant longtemps, sans que personne osât y toucher. L’année d’après (année Qui-Meo - 1873), le prix du thé s’élevait jusqu’à 8 ligatures la livre, une aiguille coutait jusqu’à 1 tayen; toutes les marchandises augmentèrent de prix à proportion (Traduction AUBARET).

    "On peut juger par ces lignes de l"historien officiel de Gia-Dinh, de l’importance qu’avait déjà à cette époque a colonie chinoise de CHOLEN, et dans quelle dépendance du commerce chinois était tombée la contrée entirère.
    "Quand GIA-LONG, maitre enfin de ces états, eut rétabli la paix dans les provinces de la Basse Cochinchine, Cholen recouvra bientôt toute son activité et toute sa richesse, et la persévérance chinoise, triomphant des restrictions commerciales et des vexations de tout genre, en fit bientôt la marché le plus important des six provinces. La défense d’exportation étendue à presque toutes les denrées autres que le riz, l’édit qui limitait le nombre des Chinois, les lois somptuaires qui leur étaient appliquées, ne lassèrent ni leur habileté, ni leur génie commercial. Toutes mesures qui n’etaient, d’ailleur, pour les mandarins que des occasions de corruption de plus, n’empêchèrent pas les Chinois de construire à leurs frais à Cholen des quais en pierre sur une étendue de plusieurs kilomètres, et de contribuer pour une part considérable au creusement de canal destiné à relier le Binh-Duong ou Vam-Ben-Nghe (arroyo Chinois) au Ruot-Ngua qui aboutit au Rach-Cat (1819). Le-Ruot-Ngua avait été lui même canalisé en 1772. En même temps, on acheva les travaux de l’arroyo de la Poste, dont le creusement avait été ébauché des 1755. En 1820, la route commerciale du Cambogde à Saigon par Mitho se trouva complètement terminée, et à partir de ce moment, Cholen redevint l’entrepôt nécessaire de toutes les denrées de cette riche zone" (Annuaire de la cochinchine Francaise pour l’année 1886, pages 83-84).

    Cứ theo thuyết này, người Tàu dùng thuyền buồm chuyên chở hàng hoá, tơ lụa, trái cây khô và tươi v.v… của xứ họ qua dự trữ tại Cù lao Phố (Biên Hoà). Vào thời ấy, người Tàu vẫn là những tay lợi hại và đắc lực ám trợ mọi cách và cả hai bên vào các cuộc nội loạn miền Nam. Có thể nói hễ họ dựa vào bên nào là bên ấy có phần chắc thắng địch thủ dễ dàng. Dân chúng nể uy danh họ và kiêng sợ võ lực bạo tàn của họ, thậm chí các tay lãnh tụ đương thời: Nhạc, Huệ, Nguyễn Ánh cũng lợi dụng họ để mượn thế “lấy giáo Tàu đâm Chệc” cho họ sát hại lẫn nhau bớt. Xét ra đời nào cũng có họ ám trợ ta chống lại Trung Quốc với danh nghĩa "di thần Minh Mạt", họ là người gốc Hán tộc lại "tả" rất sướng tay lính để đuôi sam Mãn Thanh và biết đâu chừng, trong trận Đống Đa, há chẳng có quân sĩ Tàu hươi mã tấu ám trợ vua Quang Trung đánh giặc Chệc!

    Cũng như dưới danh từ hội kín, như gần đây có “Thiên Địa Hội”, nào "Nghĩa Hoà Đoàn", nào "Nghĩa Hưng Đoàn", từ ngàn xưa họ đã từng làm mưa làm gió một thời và đánh giặc mướn cho cả hai phe, khi theo chúa Nguyễn Ánh, khi theo Tây Sơn Nhạc Huệ và về sau cùng, thì có họ núp dưới bóng cờ Đen, trợ giúp triều đình Huế chống quân đội Pháp thời Tự Đức, và núp dưới hiệu lịnh "Tư Mắt, Phan Xích Long" phá khám cũ Sài Gòn và làm phản chống chánh phủ Đô hộ Pháp lối 1914-1915. Anh hùng bất đắc chí, sẵn tánh phiêu lưu, họ cư xử không khác các nhân vật, các "đại ca” trong truyện Tàu bất hủ, khi làm tướng cướp khi lại tế khổn phò nguy! Nhưng cũng bởi tánh ăn ở không minh bạch, nên khi Tây Sơn nổi dậy (1773), kéo cờ bách thắng vào Nam, thuận tay, họ bèn quét đuổi quân Tàu ra khỏi Cù lao Phố (Biên Hoà) là nơi tàn quân Minh đến lập cơ sở từ năm 1680. Khi ấy, những khách thương Tàu mất chỗ bèn rút lui theo con sông Tân Bình (Bến Nghé), họ nhắm xem địa thế, cân nhắc kỹ càng thiên thời địa lợi và sau rốt họ lựa vùng đất ở giữa chẹn đường Mỹ Tho đi Cù lao Phố mà xây dựng tân sở, tân sở này sau trở nên thành phố Chợ Lớn ngày nay vậy. Tác giả Grancis Garnier, quả quyết: thị trấn Chợ Lớn do người Tàu tạo lập vào năm 1778 đây thôi.
    Thị trấn này vừa phát đạt chưa được bốn năm năm đến 1782, thì ngộ nạn lớn: năm ấy, chúa Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc đánh lấy được thành Phan Yên (Gia Định), thừa cơ làm cỏ sạch người Tàu một phen nữa (Sở dĩ Tây Sơn giận dai như thế, theo một giả thuyết tôi được nghe gia nghiêm kể lại, có lẽ một phần do hậu quả những cờ gian bạc lận giữa các tay tổ Tàu và Biện Nhạc năm xưa, một phần khác quan trọng hơn, là lại đã không tiếp tay chống Nguyễn Ánh mà còn tiếp tế lương phạn, v.v…). Sau trận giặc 1782, theo Trịnh Hoài Đức thuật lại, thì hàng hoá các tiệm buôn Tàu như trà, vải lụa, thuốc men, hương liệu, giấy má đủ loại bị tuôn ra bỏ bừa bãi lềnh khên ngập đường sá, hèn lâu như vậy mà không ai dám rớ dám mót lượm về xài. Qua năm 1783, giá hàng hoá vụt lên mà ngợp: kim may mỗi cây một lượng bạc, trà Tàu tám quan tiền một cân,… Còn nói chi số binh sĩ và thường dân Tàu bị chết đâm chết lụi kể trên số muôn, thậm chí thây ma lớp nằm chật đất, ngổn ngang từ vàm Bến Nghé đến tận kinh Chợ Lớn, lớp khác bị chuồi xuống nước, xác ma da, thằng chỗng kẹo lềnh một khúc sông, làm cho ngót ba bốn tháng trường, dân nghe nhắc mà ớn xương sống không dám rớ đến miếng thịt xương thịt cá! Nhưng người Tàu quả là giống dân giàu tính nhẫn nại nhất thế giới: tính coi họ thất bại to tát làm vậy mà họ không bỏ cơ sở làm ăn. Ít lâu sau họ gầy dựng lại cơ sở Chợ Lớn, có mòi sung túc thịnh vượng hơn trước bá bội. Họ lấy đất đắp thêm bờ kinh chỗ mới tạo lập, cẩn đá thêm cao ráo và kiên cố. Và có lẽ để ghi nhớ công trạng này họ đặt tên chỗ mới là "Tai-Ngon", hoặc "Tin-Gan", mà phát âm theo giọng Quảng Đông thì nghe ra "Thầy Ngồnn" hay "Thì Ngòn". Xét theo mặt chữ, thì "Tai-Ngon", "Tin-Gan", "Thầy Ngồnn", "Thì Ngòn" đọc theo giọng Việt là "Đề Ngạn”:
    Đề, Đê: là cái bờ, cái đê ngăn nước.
    Đề:cũng có nghĩa là nắm lấy (Đề cương khiết lãnhlà nắm lấy cái dây lớn của cái lưới, tức nhiên cả cái lưới sẽ trương ra; kéo cái cổ áo thì cả chiếc áo nhấc lên. Nghĩa bóng:nắm lấy chỗ chủ yếu. Kể ra khi đi lựa địa thế, đã là đặt cả một hy vọng lớn rồi).
    Ngạn:bờ sông cao dốc.
    Đề Ngạn là vùng Chợ Lớn cũ ngày nay vậy (truy ra là xóm Quảng Đông Nhai chỗ miếu Quan Đế, miếu Tam Hội).
    Còn khi khác nữa, họ dùng danh từ "Tây Cống" mà họ phát âm nghe "Xi-cóon" hoặc "Xây-cóon" (theo giọng Quảng). Theo ý tôi đây là cách phát âm giữa người Tàu với nhau để ám chỉ vùng đất mà người Pháp hiểu là "Sài Gòn" ngày nay, vùng ghi theo tiếng "Sài Gòn" do giọng Tàu, vùng của người Việt ăn và ở, vùng ấy tức là vùng chợ cũ Sài Gòn, ngót trăm năm về trước, xưa kia thuở Nam Triều gọi là "Chợ Vải", thuộc khu phố lầu chung quanh Tổng Ngân khố ngày nay: đường Nguyễn Huệ, Ngô Đức Kế, Võ Di Nguy, Phủ Kiệt, ăn lan ra phố Kinh lấp (Hàm Nghi), v.v… và đây là cách nhái giọng nói, nhại tiếng "Sài Gòn" của ta, chớ không đúng theo chữ viết sẵn _________. “Xi-cóon” giọng Quảng viết ra Hán tự thành "Tây Cống" như vậy là chắc chắn rồi! Xin đừng hiểu theo một văn sĩ trẻ, giàu óc tưởng tượng nhưng túng đề, ghi trên tạp chí "Phổ thông" độ nọ cắt nghĩa “Tây Cống” là thành trì của vua Tự Đức ngày xưa cống hiến cho Tây!Tôi không theo phái bảo hoàng nhưng tưởng viết làm vậy, nhơ ngòi bút, nhục quốc thể, người nước ngoài cười; thêm đắc tội với tiền nhân.

    Tóm lại: Tây Cống, Xi-cóon, là xóm Việt, Sài Gòn của người Nam, không phải xóm Tàu trong Chợ Lớn, tức Thầy-Ngồnn, chữ viết đọc là Đề Ngạn.
    Có ý nghe người Tàu khi nói chuyện với nhau, khi rủ đi chơi vùng "Sài Gòn"; họ nói gọn lỏn "hui Cái Xị", mà "Cái Xị" ở dây là "nhai thị" tức "chợ", hoặc giả họ nói "xánh cái xị" là "tân nhai thị", tức là "chợ mới"(chợ Việt mới). Khi nào muốn ám chỉ Chợ Lớn Tàu, họ lại dùng danh từ "Thầy Ngồnn", là Đề Ngạn vậy.

    Việt - ta nói: SÀI GÒN.
    Tàu - họ nói: THẦY NGỒỒN, XÌ CỤN.

    Ai muốn hiểu thế nào thì hiểu!
    Gần đây hơn hết, khi hai đô thị sát nhập làm một "Tây Cống dồn với Đề Ngạn làm một khối duy nhất", Tàu họ dùng một danh từ hết sức gọn và sáng, ấy là Tây Đề.

    Trở lại dấu vết tổ tiên Việt.

    Cái lộn xộn rắc rối làm cho ngày nay chúng ta điên đầu khó biết địa điểm đâu là Sài Gòn chính thức, truy ra, cũng tại Lang sa mà có!

    1. Thành Sài Gòn do Minh Mạng dạy xây năm 1836, vị trí ở gần Ba Son.
    2. Chợ Bến Thành (ở gần bến và thành) phân ra hai chợ:
    a. Chợ Cũ ở chỗ Tổng Ngân Khố ngày nay, do Chợ Vải ngày xưa Tây cất lại bằng gạch và sườn kèo sắt, phá bỏ năm 1913.
    b. Chợ Mới là chợ ngày nay quen gọi Chợ Mới Bến Thành, Tàu gọi "Tân Nhai thị" hay vỏn vẹn "Cái Xị", khởi công năm 1912, đến tháng 3 năm 1941, chợ cất rồi, ăn lễ lạc thành, tiếng đồn rùm beng có cộ đèn, chưng cộ bảy bang, xe bông, hát ngoài trời v.v…; các bài báo viết mừng bài "mừng lễ khai tân thị" xướng hoạ không dứt.
    3. Hai vùng này gộp lại có tên là Bến Nghé.

    Trong lúc ấy thì người Tàu dùng danh từ "Thầy Ngồnn" (Đề Ngạn) để gọi vùng buôn bán "Chợ Lớn" và danh từ "Xi-Cóon" (Tây Cống) để ám chỉ xóm Việt tức chợ Bến Thành (từ xưa đến 1919 sự buôn bán vẫn nằm trong tay Hoa kiều, người Việt bắt đầu qua nghề thương mãi chỉ từ 1920 về sau).
    Kịp đến buổi Tây qua, đứng trước danh từ “Bến Nghé” và "Sài Gòn" thì hai chữ "Bến Nghé" đối với Tây líu lưỡi khó nói quá, nên chỉ sẵn uy lực kẻ chiến thắng trong tay, Tây bèn ép các sắc dân Nam, Chà, Chệc đều phải bỏ danh từ “Bến Nghé”, và để thay vào đó, Tây ép dùng hai tiếng "Sài Gòn", vừa kêu giòn, vừa dễ đọc (cũng như họ đã đọc và nói "Cholen" thay vì "Chợ Lớn", rồi đọc và nói "Da Kao" thay vì "Đất Hộ”. Dân ta bắt chứơc theo mà còn ăn nói mạnh dạn hơn nữa, cho đến ngày nay họ đi rồi mà các danh từ ngoại lai này chưa hết hẳn). Một lúc, để chọn tên dặt cho kinh đô Nam Việt, Tây đã nghĩ đến danh từ “Gia Định” nhưng họ lại chê là di tích cựu trào, khêu gợi chuyện xưa nên họ không dùng. Kế đó, họ muốn chọn danh từ “Bà Chiểu", nhưng họ cũng không thâu nhận vì "Bà Chiểu" như "Gia Định” là tên cũ của trào xưa, họ cố tránh, lại nữa "khi viết lại viết tháu, hoặc dùng gởi điện tín, sợ e có khi đọc hiểu lầm là "Bạc Liêu"thì khốn".

    Tóm lại, danh từ "Sài Gòn" trở nên bất tử vì người Việt, người Tàu trong lúc đàm thoại với Lang sa hoặc viết thơ hay ký giao kèo với họ; một nửa chiều ý người mới, một nửa "nịnh Tây", bèn dùng luôn danh từ "Sài Gòn" thay thế danh từ "Bến Nghé", lâu ngày quen tai quen mắt và càng phổ biến rộng thêm mãi, khiến nên "Sài Gòn" đã soán ngôi "Bến Nghé" và "Bến Nghé" thỉnh thoảng chỉ còn nghe nói trong giới người cố cựu đất Gia Định chính cống mà thôi.
    你爱我吗?

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Tính logic của thuyết Luân hồi Nhân Quả
    By quangcom in forum Đạo Phật
    Trả lời: 11
    Bài mới gởi: 29-05-2015, 08:49 AM
  2. SO SÁNH HÀ NỘI - SÀI GÒN
    By KhangThien in forum Văn Hóa - Phong Tục - Lễ Hội
    Trả lời: 27
    Bài mới gởi: 26-11-2011, 04:54 PM
  3. Trả lời: 2
    Bài mới gởi: 19-10-2011, 09:53 AM
  4. Huyền thoại về những giang hồ Sài Gòn
    By TuanBinh7069 in forum Tản mạn nhân sinh
    Trả lời: 5
    Bài mới gởi: 14-05-2011, 02:18 PM
  5. Sài Gòn - Gia Định thời hoang sơ
    By bộ xương in forum Nước Việt mến yêu
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 24-01-2011, 05:27 AM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •