Trong 70 “chuyện tình” được kể trong cuốn sách trên thì chuyện tình của Nguyên phi Ỷ Lan và vua Lý Thánh Tông được tác giả Đinh Công Vỹ kể một cách chi tiết. Qua đó người đọc bất ngờ thấy quá trình thực hiện những “quyền mưu xảo thuật” của Ỷ Lan để thỏa mãn “tham vọng quyền lực và sự ích kỉ cá nhân” của mình (???)

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận vấn đề dưới góc độ lịch sử, thì sự phán xét đó mang tính chất phản biện, hay chỉ nhằm mục đích “mua vui cũng được một vài trống canh” như những cuốn sách giải trí thông thường?

1. Tác phẩm Các chuyện tình vua chúa hoàng tộc Việt Nam của tiến sĩ Đinh Công Vỹ sau khi được nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành tháng 9 năm 2006 đã cho thấy quan điểm khác biệt của tác giả trong việc đánh giá các nhân vật lịch sử. Hơn 500 trang sách tập hợp 70 chuyện tình của các vua chúa hoàng tộc Việt Nam trải dài trên 4000 năm lịch sử dân tộc từ Vua Hùng dựng nước đến triều vua Bảo Đại.

Tác phẩm Các chuyện tình vua chúa hoàng tộc Việt Nam
Khi viết về Nguyên phi Ỷ Lan (ở phần 2, mục 8 (từ trang 77 đến trang 85 của cuốn sách), dù không phủ nhận công lao, nhưng tác giả Đinh Công Vỹ đưa ra rất nhiều dẫn chứng để thuyết phục độc giả về “tội” của bà với triều đình, với nhân dân, đất nước.

Nói về việc kết hôn giữa Ỷ Lan với vua Lý Thánh Tông, cuốn sách Hoàng Thái hậu Ỷ Lan do Hội Sử học Việt Nam cùng UBND xã Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên (quê ngoại của nguyên phi Ỷ Lan) kết hợp biên soạn gọi đó là mối thiên duyên giữa con trời với một cô gái thôn quê.

Nhưng tác giả Đinh Công Vỹ cho rằng: “Vua rước Ỷ Lan về cung vì nàng khéo léo, muốn làm kiểu độc đáo để cho vua để ý: trong khi nhiều cô nàng trang điểm đẹp đẽ đến gần kiệu vua thì Ỷ Lan lại kiêu kì đứng ở nơi khuất, cao giọng hát đến tai vua. Giọng hát cực kì du dương khiến vua phải đón về làm vợ”.

Ngay sau đó, tác giả bình luận thêm: “Như thế sự toan tính, cầu công danh phú quí của Ỷ Lan đã có, đâu phải tình yêu của đôi lứa trai tài gái sắc cảm nhau theo kiểu thường tình”.

Năm 1069, Lý Thánh Tông đem quân đi đánh giặc, Ỷ Lan nguyên phi được vua giao việc nước. Nói về việc này, Đinh Công Vỹ phân tích đây là kết quả của “cơ may, vận hội cực kì hiếm đã rơi vào tay Ỷ Lan và con trai bà” bởi “từ nay trở đi, bà có chỗ mà thi hành mọi tài năng, đặc biệt là mọi quyền mưu xảo thuật trước bàn dân thiên hạ”.

Đồng thời, tác giả cũng lý giải rằng vua vì quá yêu Ỷ Lan bởi bà đã sinh con cho Thánh Tông nên mới trao quyền nhiếp chính. “Lý Thánh Tông có thể rất yêu, rất mê Ỷ Lan, còn về phía Ỷ Lan có thực sự yêu Thánh Tông hay chỉ yêu quyền chức lợi lộc lại là vấn đề khác?”

2. Một trong những quyền mưu xảo thuật của Ỷ Lan được tác giả nhấn mạnh nhiều nhất là lúc bà nhiếp chính lần thứ 2 – lúc này bà được phong là Hoàng Thái Phi khi vua Lý Thánh Tông băng hà (1072) và vua Càn Đức lúc đó mới 7 tuổi lên ngôi. Đinh Công Vỹ viết một cách đanh thép: “Bà đã phạm tội giết hại vợ đích của chồng là Thượng Dương Thái Hậu cùng 76 cung nữ”.

Nói về sự việc này, Đại Việt sử kí toàn thư có ghi: “Năm 1073, giam Hoàng Thái Hậu họ Dương, tôn Hoàng Thái phi làm Linh Nhân Hoàng Thái Hậu. Linh Nhân có tính ghen, cho mình là mẹ đẻ mà không dự chính sự mới kể với vua rằng: “Mẹ già này khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú quí người khác được hưởng, toan để mẹ già này ở đâu?”. Vua bèn sai Dương Thái Hậu và 76 thị nữ vào cung Thượng Dương, rồi bức phải chết”.

Phân tích sự việc này, Sử thần Ngô Sĩ Liên cũng như nhiều cuốn sách sử khác bàn rằng đó chỉ là “do cái ghen thường tình của người đàn bà”.

Nhưng Đinh Công Vỹ lại bình luận: “Ông (tức Ngô Sỹ Liên) đổ cho “ghen là thường tình”, đổ cho vua là “trẻ thơ” thì làm sao chỉ ra được kẻ có tội nữa, đều là vô trách nhiệm”(!).

Và tác giả nhận xét bản chất sự việc như thế này: “Sự tham lam quyền lực, sự ích kỉ cá nhân đã giết chết hết mọi nhân tính của Ỷ Lan. Giết 76 cung nữ cùng 1 lần với Dương Thái Hậu chứ có phải ít đâu!”.

Ở phần kết thúc, Đinh Công Vỹ kết luận:

Và kết quả của tình dẫn đến cái ghen ấy là Ỷ Lan dùng quyền hành của mình, lấy tiền bạc của dân, của nước ban ân đức hoặc xây dựng nhiều công trình chùa tháp vô cùng tốn kém để sám hối về tội lỗi do chính mình gây ra. Phật giáo hay nói đến duyên kiếp, quả báo. Những tội lỗi ấy phải chăng đã có quả báo đến chính con cái bà…”.

3. Trong cuốn Trái tim đồng điệu – cuốn sách tập hợp những bài giới thiệu về các cuốn sách sử của Đinh Công Vỹ, người giới thiệu đã gọi Ỷ Lan Hoàng Thái hậu là "bông hoa đồng nội biến thành hoa ác lụi tàn" khi ca ngợi Chuyện tình các vua chúa hoàng tộc là cuốn sách hay, tin cậy, nên đọc.

Như vậy, có thể thấy rằng, qua các cuốn sách Đại Việt sử kí toàn thư, Nhìn lại lịch sử (Lã Duy Lan), Đại Việt sử lược… khi viết về Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan, các tác giả đều nhận xét cuộc đời bà có vết đen và vết đen ấy do tính ghen của người đàn bà gây ra khi bà đã giết Thượng Dương Thái Hậu cùng 76 cung nữ. Nhưng tác giả của Chuyện tình vua chúa Hoàng tộc thì thấy rằng vì vốn dĩ con người Ỷ Lan đã có những “mưu mô xảo quyệt” ngay từ khi kết hôn với vua nên bà đã “làm nên tội lớn” với triều đình, nhân dân!!!.


http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-toan...102115639.htm#